CNM365. Chào ngày mới 21 tháng 3. Wikipedia Ngày này năm xưa. Năm 1871 – Người sáng lập Đế quốc Đức là Otto von Bismarck được bổ nhiệm làm thủ tướng đầu tiên của chính phủ đế quốc. Năm 1935 – Ba Tư đổi tên thành Iran. Năm 1685 – ngày sinh Johann Sebastian Bach, nhà soạn nhạc người Đức (mất năm 1750)
21 tháng 3
Ngày 21 tháng 3 là ngày thứ 80 trong mỗi năm thường (ngày thứ 81 trong mỗi năm nhuận). Còn 285 ngày nữa trong năm.
« Tháng 3 năm 2015 » | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |
15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 |
29 | 30 | 31 | ||||
Mục lục
Sự kiện
- 1556 – Tổng giám mục Thomas Cranmer bị thiêu sống vì tội dị giáo. Ông là một trong những người sáng lập Anh giáo.
- 1804 – Bộ luật Napoléon được thông qua làm luật dân sự của Pháp.
- 1871 – Người sáng lập Đế quốc Đức là Otto von Bismarck được bổ nhiệm làm thủ tướng đầu tiên của chính phủ đế quốc.
- 1919 – Cộng hòa Xô viết Hungary được thành lập, đây là chính phủ cộng sản đầu tiên hình thành tại châu Âu sau Cách mạng Tháng Mười tại Nga.
- 1921 – Đảng Bolshevik thi hành Chính sách kinh tế mới nhằm ứng phó với phá sản kinh tế bắt nguồn từ Cộng sản thời chiến.
- 1935 – Ba Tư đổi tên thành Iran
- 1990 – Lãnh thổ Tây-Nam Phi trở thành một quốc gia độc lập với tên gọi nước Cộng hòa Namibia.
- 2006 – Choummaly Sayasone được bầu làm Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ông được bầu giữ thêm chức Chủ tịch nước Lào vào tháng 6 cùng năm.
Sinh
- 1527 – Hermann Finck, nhà soạn nhạc người Đức (m. 1558)
- 1685 – Johann Sebastian Bach, nhà soạn nhạc người Đức (m. 1750)
- 1763 – Jean Paul, nhà văn người Đức (m. 1825)
- 1768 – Joseph Fourier, nhà toán học người Pháp (m. 1830)
- 1811 – Nathaniel Woodard, nhà giáo dục học người Anh (m. 1891)
- 1839 – Modest Petrovich Mussorgsky, nhà soạn nhạc người Nga (m. 1881)
- 1854 – Alick Bannerman, cầu thủ cricket người Úc (m. 1924)
- 1876 – John Tewksbury, vận động viên người Mỹ (m. 1968)
- 1880 – Gilbert M. ‘Broncho Billy’ Anderson, diễn viên người Mỹ (m. 1971)
- 1895 – Zlatko Baloković, nghệ sĩ vĩ cầm người Croatia (m. 1955)
- 1901 – Karl Arnold, chính khách người Đức (m. 1958)
- 1902 – Son House, nhạc sĩ người Mỹ (m. 1988)
- 1904 – Nikolaos Skalkottas, nhà soạn nhạc người Hy Lạp (m. 1949)
- 1906 – Jim Thompson, nhà thiết kế, doanh nhân người Mỹ
- 1910 – M S Khan, người trí thức người Bangladesh (m. 1978)
- 1913 – George Abecassis, người lái xe đua người Anh (m. 1991)
- 1914 – Paul Tortelier, nghệ sĩ vĩ cầm người Pháp (m. 1990)
- 1920 – Georg Ots, ca sĩ người Estonia (m. 1975)
- 1921 – Arthur Grumiaux, nghệ sĩ vĩ cầm người Bỉ (m. 1986)
- 1922 – Russ Meyer, đạo diễn phim, nhà sản xuất người Mỹ (m. 2004)
- 1923 – Philip Abbott, diễn viên người Mỹ (m. 1998)
- 1925 – Hugo Koblet, vận động viên xe đạp Thụy Sĩ (m. 1964)
- 1925 – Peter Brook, đạo diễn phim, nhà sản xuất người Anh
- 1927 – Hans-Dietrich Genscher, chính khách người Đức
- 1930 – James Coco, diễn viên (m. 1987)
- 1932 – Walter Gilbert, nhà hóa học, giải thưởng Nobel người Mỹ
- 1932 – Joseph Silverstein, nghệ sĩ vĩ cầm, người chỉ huy dàn nhạc người Mỹ
- 1933 – Michael Heseltine, chính khách người Anh
- 1935 – Brian Clough, cầu thủ bóng đá, ông bầu bóng đá người Anh (m. 2004)
- 1936 – Ed Broadbent, chính khách người Canada
- 1936 – Mike Westbrook, nhạc Jazz nhà soạn nhạc, người chỉ huy dàn nhạc nhỏ, nghệ sĩ dương cầm người Anh
- 1940 – Solomon Burke, ca sĩ người Mỹ
- 1942 – Françoise Dorléac, nữ diễn viên người Pháp (m. 1967)
- 1943 – Hartmut Haenchen, người chỉ huy dàn nhạc người Đức
- 1944 – Marie-Christine Barrault, nữ diễn viên người Pháp
- 1946 – Timothy Dalton, diễn viên người Anh
- 1949 – Eddie Money, nhạc sĩ người Mỹ
- 1956 – Ingrid Kristiansen, người chạy đua người Na Uy
- 1958 – Sabrina Le Beauf, nữ diễn viên người Mỹ
- 1958 – Gary Oldman, diễn viên người Anh
- 1959 – Nobuo Uematsu, nhà soạn nhạc người Nhật Bản
- 1959 – Sarah Jane Morris, ca sĩ người Anh
- 1960 – Robert Sweet, nhạc công đánh trống người Mỹ
- 1961 – Lothar Matthäus, cầu thủ bóng đá người Đức
- 1962 – Matthew Broderick, diễn viên người Mỹ
- 1962 – Kathy Greenwood, nữ diễn viên người Canada
- 1962 – Rosie O’Donnell, diễn viên hài, nữ diễn viên, người dẫn chương trình, nhà xuất bản người Mỹ
- 1962 – Mark Waid, tác giả truyện tranh người Mỹ
- 1963 – Ronald Koeman, cầu thủ bóng đá, ông bầu bóng đá người Đức
- 1964 – Jesper Skibby, chuyên nghiệp vận động viên xe đạp người Đan Mạch
- 1965 – Xavier Bertrand, chính khách người Pháp
- 1969 – Ali Daei, cầu thủ bóng đá người Iran
- 1972 – Chris Candido, đô vật Wrestling chuyên nghiệp (m. 2005)
- 1973 – Stuart Nethercott, cầu thủ bóng đá người Anh
- 1973 – Jerry Supiran, diễn viên người Mỹ
- 1974 – Jose Clayton, cầu thủ bóng đá người Tunisia
- 1974 – Laura Allen, nữ diễn viên người Mỹ
- 1975 – Fabricio Oberto, cầu thủ bóng rổ người Argentina
- 1975 – Justin Pierce, diễn viên người Anh (m. 2000)
- 1975 – Mark Williams, người chơi bi da Wales
- 1978 – Rani Mukherjee, nữ diễn viên Ấn Độ
- 1980 – Ronaldinho Gaucho, quốc tế cầu thủ bóng đá người Brasil
- 1982 – Aaron Hill, vận động viên bóng chày người Mỹ
- 1982 – Colin Turkington, người đua xe người Anh
- 1985 – Adrian Peterson, cầu thủ bóng đá người Mỹ
- 1988 – Lee Cattermole, cầu thủ bóng đá người Anh
Mất
- 1676 – Henri Sauval, sử gia người Pháp (s. 1623)
- 1729 – John Law, nhà kinh tế học người Scotland (s. 1671)
- 1734 – Robert Wodrow, sử gia người Scotland (s. 1679)
- 1751 – Johann Heinrich Zedler, nhà xuất bản người Đức (s. 1706)
- 1762 – Nicolas Louis de Lacaille, nhà thiên văn người Pháp (s. 1713)
- 1772 – Jacques-Nicolas Bellin, người vẽ bản đồ người Pháp (s. 1703)
- 1795 – Giovanni Arduino, nhà địa chất người Ý (s. 1714)
- 1801 – Andrea Luchesi, nhà soạn nhạc người Ý (s. 1741)
- 1843 – Robert Southey, nhà thơ người Anh (s. 1774)
- 1843 – Guadalupe Victoria, tổng thống Mexico đầu tiên (s. 1786)
- 1863 – Edwin Vose Sumner, nội chiến tướng người Mỹ (s. 1797)
- 1884 – Ezra Abbot, học giả kinh thánh người Mỹ (s. 1819)
- 1910 – Nadar, nhà nhiếp ảnh người Pháp (s. 1820)
- 1915 – Frederick Winslow Taylor, nhà phát minh người Mỹ (s. 1856)
- 1934 – Franz Schreker, nhà soạn nhạc người Áo (s. 1878)
- 1936 – Alexander Glazunov, nhà soạn nhạc người Nga (s. 1865)
- 1951 – Willem Mengelberg, người chỉ huy dàn nhạc người Đức (s. 1871)
- 1958 – Cyril M. Kornbluth, nhà văn người Mỹ (s. 1923)
- 1970 – Manolis Chiotis, người sáng tác bài hát, nhạc sĩ người Hy Lạp (s. 1920)
- 1975 – Joe Medwick, vận động viên bóng chày (s. 1911)
- 1984 – Shauna Grant, nữ diễn viên (tự sát) người Mỹ (s. 1963)
- 1985 – Sir Michael Redgrave, diễn viên người Anh (s. 1908)
- 1987 – Dean Paul Martin, nhạc sĩ người Mỹ (s. 1951)
- 1987 – Robert Preston, diễn viên người Mỹ (s. 1918)
- 1992 – John Ireland, diễn viên, người đạo diễn người Canada (s. 1914)
- 1992 – Natalie Sleeth, nhà soạn nhạc người Mỹ (s. 1930)
- 1994 – Macdonald Carey, diễn viên người Mỹ (s. 1913)
- 1994 – Dack Rambo, diễn viên người Mỹ (s. 1941)
- 1994 – Lili Damita, nữ diễn viên người Pháp (s. 1904)
- 1997 – W. V. Awdry, trẻ em nhà văn người Anh (s. 1911)
- 1999 – Ernie Wise, diễn viên hài người Anh (s. 1925)
- 2001 – Chung Ju-yung, nhà tư bản công nghiệp người Hàn Quốc (s. 1915)
- 2001 – Anthony Steel, diễn viên người Anh (s. 1920)
- 2002 – Herman Talmadge, chính khách người Mỹ (s. 1913)
- 2005 – Barney Martin, diễn viên người Mỹ (s. 1923)
- 2005 – Bobby Short, ca sĩ người Mỹ (s. 1924)
Ngày lễ và kỷ niệm
- Ngày Quốc tế Xoá bỏ phân biệt chủng tộc (International Day for the Elimination of Racial Discrimination), theo quyết định của Liên Hiệp Quốc.
- Nam Phi: Ngày quyền lợi
- Ngày truyền thống xuân phân, dùng cho xác định lễ Phục sinh. Xuân phân đúng thường thường là một ngày trước.
- Năm mới theo Lịch Ba Tư: Norouz xảy vào xuân phân
- Đạo Bahá’í: Naw Rúz (Norouz)
- Đạo Bahá’í – Cuối thời kỳ ăn chay mà kéo 19 ngày từ sáng đến chiều
- Lễ Ostara của Neopagan
- Ngày Quốc tế ngủ của Tổ chức Y tế Thế giới
- Ngày Quốc tế thơ của UNESCO
Tháng 1 | Tháng 2 | Tháng 3 | Tháng 4 | Tháng 5 | Tháng 6 | Tháng 7 | Tháng 8 | Tháng 9 | Tháng 10 | Tháng 11 | Tháng 12 |
![]() |
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về 21 tháng 3 |
Tham khảo
Otto von Bismarck
Otto von Bismarck | |
---|---|
![]() |
|
Chức vụ
|
|
Nhiệm kỳ | 21 tháng 3 năm 1871 – 20 tháng 3 năm 1890 |
Tiền nhiệm | không (Chức vụ được thành lập) |
Kế nhiệm | Leo von Caprivi |
Thủ tướng Vương quốc Phổ
|
|
Nhiệm kỳ | 23 tháng 9 năm 1862 – 1 tháng 1 năm 1873 |
Tiền nhiệm | Adolf zu Hohenlohe-Ingelfingen |
Kế nhiệm | Albrecht von Roon |
Thủ tướng Vương quốc Phổ
|
|
Nhiệm kỳ | 9 tháng 11 năm 1873 – 20 tháng 3 năm 1890 |
Tiền nhiệm | Albrecht von Roon |
Kế nhiệm | Leo von Caprivi |
Nhiệm kỳ | 1867 – 1871 |
Tiền nhiệm | không (Liên minh được thành lập) |
Kế nhiệm | Đế quốc Đức |
Bộ trưởng Ngoại giao Phổ
|
|
Nhiệm kỳ | 1862 – 1890 |
Tiền nhiệm | Albrecht von Bernstorff |
Kế nhiệm | Leo von Caprivi |
Tiền nhiệm | Albrecht von Bernstorff |
Thông tin chung
|
|
Đảng phái | Không |
Sinh | 1 tháng 4, 1815 Schönhausen, Phổ |
Mất | 30 tháng 7, 1898 (83 tuổi) Friedrichsruh, Đế quốc Đức |
Tôn giáo | Giáo hội Luther |
Chữ ký | ![]() |
Otto Eduard Leopold von Bismarck, Vương tước Bismarck, Công tước Lauenburg, Bá tước Bismarck-Schönhausen, tên khai sinh là Otto Eduard Leopold von Bismarck-Schönhausen (1 tháng 4 năm 1815 – 30 tháng 7 năm 1898) là một chính khách Phổ đã chi phối tình hình Đức và châu Âu với những chính sách bảo thủ của mình kể từ thập niên 1860 cho đến khi bị Đức hoàng Wilhelm II buộc phải từ chức vào năm 1890. Vào năm 1871, sau thắng lợi toàn diện của Phổ trong các cuộc chiến tranh với Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870 – 1871), ông đã thống nhất các bang Đức (ngoại trừ nước Áo) thành một Đế quốc Đức hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của Phổ. Sau đó, ông hình thành một cục diện cân bằng quyền lực, gìn giữ thành công nền hòa bình ở châu Âu kể từ năm 1871 cho đến năm 1914. Gần đây, trong cuốn tiểu sử Bismarck: A Life, sử gia Hoa Kỳ Jonathan Steinberg nhìn nhận ông là “nhà thiên tài chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ 19“[1].
Trên cương vị là Thủ tướng Phổ từ năm 1862 tới năm 1890, Bismarck đã khơi mào các cuộc chiến đưa thế lực của Phổ vượt lên Áo và Pháp, đồng thời xếp các bang nhỏ hơn của Đức về đằng sau Phổ. Thắng lợi của Phổ trong các chiến tranh do ông phát động cũng đè bẹp sự phản kháng của phe tự do trong Quốc hội Phổ đối với chính sách mở rộng quân đội của vua Wilhelm I.[2] Vào năm 1867, ông cũng trở thành Thủ tướng Liên bang Bắc Đức. Otto von Bismarck trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của một nước Đức thống nhất sau Hiệp ước Versailles (1871) và điều khiển hầu hết các vấn đề chính sự của đất nước cho đến khi bị tân Hoàng đế Wilhelm II sa thải vào năm 1890. Đường lối ngoại giao thực dụng (Realpolitik) và sự cai trị mạnh mẽ của Bismarck đã mang lại cho ông biệt danh “Thủ tướng Sắt” (Eiserne Kanzler). Như nhà ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger ghi nhận, “Con người của ‘sắt và máu’ đã viết những áng văn đặc biệt rành mạch và dễ hiểu, sánh ngang với việc sử dụng ngôn ngữ Anh của Churchill về sự súc tích.”[3]
Ông đã thực hiện chính sách cân bằng quyền lực để duy trì sự ổn định của nước Đức và châu Âu trong các thập niên 1870 và 1880. Ông đã gầy dựng một quốc gia-dân tộc mới, đồng thời hình thành nhà nước phúc lợi đầu tiên trên thế giới thông qua đạo luật thiết lập chế độ lương hưu cho mọi người lao động vào năm 1889[4]. Mặc dù không thích chủ nghĩa thực dân, ông buộc phải miễn cưỡng xây dựng một đế quốc hải ngoại khi mà cả tầng lớp thống trị lẫn đại chúng đều yêu cầu thực hiện điều đó. Bismarck, một tín đồ Luther mộ đạo, luôn trung thành với Wilhelm I, đổi lại nhà vua luôn tin dùng và tán đồng với các đường lối của Bismarck. Trong khi Đế quốc Đức mới mẻ của ông thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu đối với nam giới, Bismarck không ưa chuộng nền dân chủ và cai trị đất nước thông qua một guồng máy chính trị vững mạnh, bài bản với quyền lực nằm trong tay tầng lớp ưu tú Junker đại diện cho giới quý tộc địa chủ ở miền đông.
Bản thân Bismarck cũng là một địa chủ quý tộc Junker, với tính khí hết sức hung dữ và độc đoán. Ông không chỉ có một tầm nhìn lâu dài về quốc nội và quốc tế, mà còn có tài năng trước mắt để giải quyết đồng loạt nhiều diễn tiến phức tạp. Là trụ cột của cái mà các nhà sử học gọi là “chủ nghĩa bảo thủ cách mạng“[5] Bismarck trở thành người hùng trong mắt của các nhà dân tộc chủ nghĩa Đức; họ đã xây dựng hàng trăm đài tưởng niệm để ca ngợi người mà họ xem là biểu tượng mẫu mực của một lãnh đạo bảo thủ mạnh mẽ. Các nhà sử học thường ca ngợi ông với vai trò là nhà chính khách đã giữ vững nền hòa bình ở châu Âu bằng sự điều độ và cân nhắc của mình, đồng thời là người đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thống nhất nước Đức cận-hiện đại.
Mục lục
Thời trẻ
Otto von Bismarck sinh ra ở Schönhausen, phía Tây thành phố Berlin, tỉnh Sachsen thuộc Vương quốc Phổ, là con thứ tư[6] trong một gia đình giàu có. Ông chào đời cùng năm với trận Waterloo (ngày 18 tháng 6 năm 1815) cũng như sự thành lập Liên minh các quốc gia Đức.[7] Thân phụ ông, Karl Wilhelm Ferdinand von Bismarck (11 tháng 3 năm 1771 – 22 tháng 11 năm 1845) là một địa chủ và một cựu sĩ quan quân đội Phổ. Mẹ ông, Wilhelmine Luise Menken (24 tháng 2 năm 1789 – ?) là con gái có học hành tử tế của một chính trị gia. Bismarck thừa hưởng cả vẻ ngoài lực lưỡng và tính tình cứng rắn của người cha lẫn nền giáo dục và sự tinh tế trong tính cách người mẹ. Ông thông thạo tiếng Anh,[8] tiếng Pháp,[8] và tiếng Nga[9]. Khi còn trẻ ông thường xuyên trích dẫn các danh nhân Shakespeare hay Byron trong những lá thư ông viết cho vợ.
Trong giai đoạn 1832 – 1833, ông theo học luật tại Đại học Göttingen rồi sau đó chuyển sang Đại học Humboldt Berlin từ năm 1833 đến 1835. Khi còn học ở Göttingen, Bismarck kết bạn với một sinh viên người Mỹ tên là John Lothrop Motley. Motley sau này trở thành một sử gia lớn của thế kỷ 19 và đã kể lại về Bismarck dưới cái tên Otto v. Rabenmark trong tiểu thuyết Morton’s Hope, or the Memoirs of a Provincial xuất bản năm 1839.
Mặc dù Otto von Bismarck muốn trở thành một nhà ngoại giao, ông đã bắt đầu sự nghiệp với việc tập sự làm luật sư ở Aachen và Potsdam. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bỏ việc để theo đuổi hai cô gái người Anh. Đầu tiên là Laura Russell, cháu gái của quận công xứ Cleveland. Sau đó là Isabella Loraine-Smith, con gái một nhà buôn giàu có. Cả hai cuộc tình đều dang dở. Giữa những năm 20 tuổi, Bismarck trải qua một năm quân dịch ở vị trí sĩ quan dự bị rồi trở về nhà tiếp quản công việc làm ăn của gia đình tại Schönhausen sau khi mẹ ông qua đời.
Vào những năm ba mươi tuổi, Otto von Bismarck kết bạn thân với Marie von Thadden, vợ của một người bạn. Do ảnh hưởng của bà này, ông trở thành một người theo đạo Tin Lành. Bismarck lấy em họ của Marie, một phụ nữ quý tộc tên là Johanna von Puttkamer (11 tháng 4 năm 1824 – 27 tháng 11 năm 1894) ở Alt-Kolziglow ngày 28 tháng 7 năm 1847. Cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc mang tới cho họ một con gái (Marie) và hai con trai (Herbert và Wilhelm, vẫn được gọi là “Bill”). Johanna là một phụ nữ nhút nhát, kín đáo và rất mộ đạo.
Trong kỳ nghỉ mà ông đi một mình ở Biarritz mùa Hè năm 1862, trước khi trở thành Thủ tướng nước Phổ, Otto von Bismarck đã có mối tình lãng mạn với Kathy Orlov – cô vợ trẻ (22 tuổi) của một nhà ngoại giao người Nga. Tuy nhiên, không đủ cứ liệu để khẳng định rằng Bismarck và Kathy Orlov đã quan hệ tình dục với nhau. Otto von Bismarck sau đó duy trì liên lạc thường xuyên với Kathy. Họ viết thư cho nhau đến ngày Kathy qua đời vào năm 1874 – khi Otto von Bismarck đã làm Thủ tướng Đế chế Đức.
Sự nghiệp chính trị lúc đầu
Cũng vào năm ông kết hôn, ở tuổi 32, Bismarck được chọn vào cơ quan lập pháp mới được thành lập của nước Phổ là Vereinigter Landtag. Ở đó, ông bắt đầu nổi tiếng như một nhà hùng biện sắc sảo. Bismarck công khai ủng hộ ý tưởng vua nước Phổ có quyền trực tiếp đối với các vương quốc phụ thuộc. Việc Bismarck được bầu vào cơ quan lập pháp là nhờ sự sắp xếp của anh em nhà Gerlach, những người cũng theo đạo Tin Lành và có khuynh hướng bảo thủ cực đoan. Họ có xuất bản một tờ báo với hình chữ thập sắt trên bìa.
Vào năm 1840, vua Friedrich Wilhelm IV lên ngôi tại Phổ.[10] Tháng 3 năm 1848, Cách mạng Đức 1848 nổ ra và đe dọa triều đình vua Friedrich Wilhelm IV. Triều đình Phổ, dù lúc đầu có ý định sử dụng các lực lượng vũ trang để đàn áp cuộc nổi dậy, cuối cùng đã quyết định bỏ Berlin để tới tổng hành dinh của quân đội tại Potsdam vì lý do an toàn. Sau này, Bismarck viết rằng “những thanh gươm rung lên trong vỏ” khi các sĩ quan quân đội Phổ được biết nhà vua sẽ không trấn áp cuộc cách mạng bằng vũ lực. Bismarck đã đề nghị rất nhiều nhân nhượng với những người khởi nghĩa: ông khoác lên người lá cờ đen-đỏ-vàng của lực lượng nổi dậy (quốc kỳ Đức ngày nay), hứa sẽ ban hành một hiến pháp, đồng ý rằng nước Phổ và các bang của nước Đức phải được thống nhất thành một quốc gia, và chỉ định một người theo đường lối tự do, Ludolf Cam, làm thủ tướng.
Nhưng đó chỉ là những thỏa thuận hình thức. Otto von Bismarck trước tiên cố gắng tổ chức những nông dân làm tá điền cho gia đình ông thành một lực lượng vũ trang tiến tới kinh đô Berlin trên danh nghĩa nhà vua. Ông cải trang tới Berlin để thực hiện ý định này, nhưng sau đó lại nhận được lệnh rằng ông sẽ có ích hơn cho nhà vua nếu như chuẩn bị lương thực cho quân đội từ các điền trang của ông trong trường hợp cần thiết. Em trai nhà vua, hoàng tử Wihelm (sau này là vua Wilhelm I) đã chạy sang Anh. Bismarck âm mưu với vợ của William là Augusta đưa cậu con trai mới mười mấy tuổi của Wilhelm (sau này là vua Friedrich III) lên ngai vàng nước Phổ thay cho Friedrich Wilhelm IV. Năm đó, Bismarck không được bầu vào nghị viện. Nhưng ưu thế của những người nổi dậy bắt đầu suy giảm từ cuối năm 1848 vì những chia rẽ nội bộ, trong khi phái bảo thủ tập hợp nhau lại đoàn kết xung quanh nhà vua và giành lại quyền kiểm soát kinh đô Berlin. Mặc dù cuối cùng một hiến pháp cũng được ban bố, nhưng các điều khoản trong đó còn lâu mới giống như yêu cầu của những người cách mạng.
Năm 1849, Bismarck lại được bầu vào Landtag, hạ viện trong lưỡng viện mới của nước Phổ. Trong giai đoạn này, Bismarck phản đối việc thống nhất nước Đức do ông nghĩ rằng Phổ sẽ mất quyền độc lập. Ông chấp nhận cương vị đại diện cho Phổ ở Nghị viện Erfurt, một nghị viện được lập ra bởi các bang thuộc nước Đức để thảo luận về kế hoạch thống nhất, nhưng chỉ là để phản đối những đề nghị của tổ chức đó một cách hữu hiệu hơn. Nghị viện Erfurt đã không thể mang tới thống nhất, do thiếu sự ủng hộ từ hai thực thể chính trị quan trọng nhất của Đức, Phổ và đế quốc Áo. Năm 1850, trong một cuộc xung đột liên quan tới vùng Hesse, Phổ bị Áo (được Nga hoàng ủng hộ) qua mặt trong Hiệp định Olmutz thừa nhận sự tự trị của các bang thuộc Đức. Một kế hoạch thống nhất nước Đức dưới sự lãnh đạo của Phổ, theo đề nghị của Thủ tướng Phổ là Radowitz, cũng bị hủy bỏ.
Năm 1851, Friedrich Wilhelm IV chỉ định Bismarck tham gia phái đoàn Phổ tham dự Hội nghị Liên bang Đức[11] tại Frankfurt. Do đó, Bismarck từ bỏ chiếc ghế của ông ở Landtag, nhưng vài năm sau được chỉ định vào Thượng viện Phổ. Tám năm ở Frankfurt đã đánh dấu những thay đổi trong quan điểm chính trị của Bismarck, thể hiện qua những bản ghi nhớ dài mà ông gửi cho cấp trên của mình ở Berlin. Không còn chịu ảnh hưởng của những người bạn Phổ bảo thủ cực đoan, Bismarck trở nên thực tế hơn và không còn phản động như trước. Ông bắt đầu tin rằng để trở thành đối trọng với nước Áo mới hồi phục ảnh hưởng, Phổ cần liên minh với các bang khác của nước Đức và như thế, khái niệm về một nước Đức thống nhất đã dễ chấp nhận hơn với ông. Bismarck cũng cho rằng Phổ cần duy trì quan hệ hữu hảo với Nga và hoàng đế Napoléon III ở Pháp. Napoléon III vốn bị những bạn bè của Bismarck, bao gồm cả anh em nhà Gerlach, ghét cay ghét đắng. Nhưng mối quan hệ tốt với nước Pháp sẽ là cần thiết cho Phổ để đe dọa Áo cũng như ngăn không cho Pháp liên minh với Nga. Trong một lá thư nổi tiếng gửi cho Lepold von Gerlach, Bismarck viết rằng sẽ là ngu xuẩn nếu chơi cờ vua mà lại loại 16 trong số 64 ô cờ ra khỏi bàn cờ từ trước.
Otto von Bismarck cũng cảm thấy tình trạng bị cô lập của nước Phổ trong cuộc chiến tranh Krym vào giữa những năm 1850 là rất đáng lo ngại (trong cuộc chiến đó, Áo liên minh với các đế quốc Anh, Ottoman và Pháp chống lại Nga. Phổ không được mời tới tham dự các buổi hòa đàm ở Paris). Trong cuộc khủng hoảng phương Đông vào thập kỷ 1870, nỗi lo sợ lặp lại tình trạng tương tự đã khiến Bismarck thúc giục ký một hiệp ước liên minh với đế quốc Áo-Hung vào năm 1879. Cũng trong những năm 1850, liên minh Nga – Áo không còn mặn nồng như trước. Đế quốc Nga đã giúp Áo dập tắt cuộc cách mạng ở Hungary vào năm 1849, nhưng Áo lại không có ý ủng hộ Nga. Tại Olmutz năm 1850, Felix Schwarzenberg, nhà lãnh đạo Áo, tuyên bố: “Nước Áo sẽ làm cả thế giới kinh ngạc vì sự bội bạc của mình”. Bismarck đã tiên đoán chính xác rằng kể từ đó, Áo không còn có thể dựa vào sự ủng hộ của Nga ở Ý và Đức nữa và do vậy, sẽ không thể chống đỡ sự tấn công từ phía Pháp và Phổ.
Năm 1858, Friedrich Wilhelm IV bị một cơn đột quỵ khiến ông tê liệt thần kinh. Em trai ông, Wilhelm I lên ngôi nhiếp chính ở Phổ. Lúc đầu, Wilhelm I có xu hướng ôn hòa. Ông duy trì quan hệ hữu hảo với những người Anh theo chủ nghĩa tự do và đã cho con trai của ông (người trong tương lai sẽ là vua Friedrich III) cưới Vicky, con gái lớn của nữ hoàng Victoria. Con trai của cặp vợ chồng Anh – Đức (sau này sẽ là vua Wilhelm II) ra đời vào năm 1859. Sự cầm quyền của Wilhelm I đã dẫn tới việc có mặt một số bộ trưởng theo trường phái ôn hòa trong nội các.
Tân nhiếp chính vương rút Bismarck khỏi đoàn đại biểu ở Frankfurt và chuyển ông đến làm đại sứ cho Phổ ở đế quốc Nga. Về hình thức, đó là một sự thăng tiến đáng kể với Bismarck bởi Nga là một trong hai nước láng giềng hùng mạnh nhất của Phổ (nước kia là Áo), nhưng trên thực tế, Bismarck bị loại ra khỏi đời sống chính trị ở Đức. Hơn thế nữa, nhiếp chính vương còn từ chối không thăng Bismarck lên cấp thiếu tướng, vốn là cấp bậc bình thường với các đại sứ ở Sankt-Peterburg, bởi lẽ Phổ và Nga là những đồng minh quân sự thân thiết mà những người đứng đầu nhà nước thường liên lạc với nhau qua kênh quân sự, thay vì các kênh ngoại giao. Bismarck ở Sankt-Peterburg được bốn năm, nơi suýt nữa thì ông bị cưa chân do điều trị sai và gặp lại kình địch của ông sau này, Công tước Gorchakov, người đại diện cho Nga ở Frankfurt vào đầu những năm 1850. Cũng trong giai đoạn này, nhiếp chính vương chỉ định Helmuth von Moltke làm tham mưu trưởng quân đội Phổ và Albrecht von Roon làm bộ trưởng bộ chiến tranh. Cùng với Bismarck, hai người này sẽ làm thay đổi hoàn toàn nước Phổ trong 12 năm tiếp theo.
Mặc dù ở nước ngoài trong một thời gian dài, Bismarck không hoàn toàn bị loại khỏi các sự vụ chính trị trong nội bộ nước Đức. Ông vẫn được thông tin đầy đủ nhờ vào tình bạn với Roon và họ sẽ cùng nhau thành lập một liên minh chính trị bền vững. Tháng 6 năm 1862, Bismarck được chuyển tới Paris để làm đại sứ tại Pháp. Ông cũng có chuyến thăm Anh mùa Hè năm đó và đã gặp những nhân vật nổi tiếng trên chính trường thời bấy giờ, sau này sẽ có người trở thành đối thủ của ông, bao gồm hoàng đế Napoléon III của Pháp, Thủ tướng Anh Henry John Temple, Ngoại trưởng Anh John Russell và chính trị gia của Đảng bảo thủ Anh Benjamin Disraeli, người sau này sẽ nắm chức vụ thủ tướng trong những năm 1870.
Tổng lý đại thần Vương quốc Phổ
Wilhelm I lên nối ngôi sau khi vua anh qua đời vào năm 1861. Triều đình Wilhelm I thường xuyên mâu thuẫn với Nghị viện Phổ, nơi những người theo đường lối tự do dân chủ ngày càng chiếm ưu thế. Khủng hoảng bùng nổ vào năm 1862 khi Nghị viện từ chối thông qua ngân sách cho một chương trình tái tổ chức quân đội được nhà vua đề xuất. Cả hai bên đều không nhượng bộ. Nhà vua đe dọa thoái vị và tin rằng Bismarck là nhà chính trị duy nhất có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng vào lúc đó, nhưng xuất hiện mâu thuẫn trong tư tưởng nhà vua về việc chỉ định một người đòi hỏi được quyền kiểm soát tuyệt đối với các vấn đề đối ngoại tham gia vào công việc đối nội. Dẫu vậy, cuối cùng, vào tháng 9 năm 1862, sau khi Nghị viện một lần nữa từ chối thông qua ngân sách quốc phòng với đa số phiếu, Wilhelm I đã bị Roon thuyết phục và gọi Bismarck trở về Phổ. Ngày 23 tháng 9 năm 1862, Wilhelm I chỉ định Bismarck làm Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phổ. Mặc dù lúc đầu bị nhà vua và Thái tử nghi ngờ, bị Hoàng hậu ghét bỏ, Bismarck vẫn nhanh chóng tập trung được quyền lực trong tay nhờ cá tính và tài hùng biện của ông.
Bismarck thể hiện sự ủng hộ với nhà vua bằng cách kết thúc sự bế tắc trong vấn đề ngân sách quốc phòng theo hướng có lợi cho nhà vua, dù ông đã sử dụng đến biện pháp ở ngoài khuôn khổ luật pháp. Bismarck tuyên bố rằng do hiến pháp nước Phổ không giải quyết được trường hợp bất đồng giữa những nhà lập pháp và chính phủ cầm quyền, ông sẽ đơn giản sử dụng lại ngân sách đúng như năm trước.
Mâu thuẫn giữa Bismarck và nghị viện gia tăng trong những năm sau đó. Năm 1863, Nghị viện Phổ thông qua một đạo luật tuyên bố họ không thể làm việc với Bismarck nữa. Đó thực chất không khác gì một đề nghị yêu cầu nhà vua phải cách chức thủ tướng của mình. Đáp lại, Wilhelm I giải tán nghị viện và buộc tội các nghị viên đã tìm cách giành quyền kiểm soát phi hiến đối với hoạt động của triều đình. Bismarck sau đó ban hành một sắc lệnh hạn chế quyền tự do của báo chí. Sắc lệnh này thậm chí bị cả hoàng thái tử, người sau này sẽ trở thành hoàng đế Friedrich III, phản đối. Bất chấp nỗ lực ngăn chặn những kẻ chỉ trích, Bismarck là một chính trị gia bị số đông người Đức ghét bỏ. Những người ủng hộ ông chỉ giành được kết quả thiểu số trong cuộc bầu cử vào tháng 10 năm 1863 khi liên minh tự do dân chủ giành hai phần ba số ghế ở nghị viện. Nghị viện lại tiếp tục kêu gọi nhà vua cách chức Bismarck, nhưng nhà vua ủng hộ ông và sợ rằng nếu loại bỏ vị thủ tướng, một chính phủ dân chủ cũng sẽ xuất hiện và do đó, đe dọa đến ngai vàng của ông.
Công cuộc thống nhất nước Đức
Chiến tranh với Đan Mạch và Áo
Nước Đức khi Bismarck bắt đầu lên làm thủ tướng nước Phổ là một tập hợp những công quốc có liên hệ lỏng lẻo với tư cách là các thành viên của Liên bang Đức. Bismarck đã dùng cả biện pháp ngoại giao và quân sự để đạt được sự thống nhất và loại Áo ra khỏi nước Đức thống nhất. Ông không chỉ biến Phổ trở thành nhân tố hùng mạnh nhất của nước Đức mới, mà còn đảm bảo Phổ vẫn là một nước theo chế độ quân chủ, chứ không phải là một chế độ nghị viện dân chủ.
Bismarck đứng trước một cuộc khủng hoảng về ngoại giao khi vua Frederick VII của Đan Mạch qua đời năm 1863. Việc thừa kế các lãnh địa Schleswig và Holstein gây ra xung đột. Cả vua Christian IX của Đan Mạch, người kế vị của Frederick VII, và Frederick von Augustenburg, một công tước người Đức, đều tuyên bố quyền sở hữu các lãnh địa đó. Dư luận ở Phổ ủng hộ mạnh mẽ Augustenburg trong vấn đề này, do Holstein và Nam Schleswig là những vùng nói tiếng Đức. Bismarck cũng phản đối kịch liệt quyết định của Christian sát nhập hoàn toàn vùng Schleswig vào Đan Mạch. Với sự ủng hộ từ Áo, ông ra một tối hậu thư cho Christian IX yêu cầu nhà vua trả lại nguyên trạng Schleswig. Khi Đan Mạch từ chối, Áo và Phổ tấn công nước này, dẫn tới chiến tranh Schleswig lần thứ hai. Kết quả là Đan Mạch buộc phải từ bỏ cả hai lãnh địa. Anh, nước đồng minh của Đan Mạch, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Henry John Temple và Ngoại trưởng John Russell, đã không có động thái phản ứng rõ rệt và không muốn triển khai quân đội ở Đan Mạch.
Tuy nhiên, sau chiến thắng, các lãnh địa đó đã không được trao lại cho Augustenberg. Bismarck nhanh chóng loại ông này ra với những yêu cầu không thể chấp nhận được, như việc nhà nước Phổ sẽ kiểm soát quân đội và hải quân của những vùng lãnh địa chiếm đóng. Lẽ ra về nguyên tắc, Nghị viện Liên bang Đức sẽ quyết định số phận của hai lãnh địa này, nhưng trước khi có bất kỳ quyết định nào được thông qua, Bismarck đã xúi bẩy Áo cùng ký thỏa thuận Gastein. Theo thỏa thuận ký ngày 20 tháng 8 năm 1865 đó, Phổ nhận Schleswig, còn Áo nhận Holstein. Trong năm đó, Bismarck được phong làm Công tước Bismarck Schönhausen.
Nhưng năm 1866, đế quốc Áo bội ước và yêu cầu Nghị viện Liên bang Đức quyết định vấn đề Schleswig và Holstein. Thủ tướng Bismarck sử dụng yêu cầu này như một cái cớ để khởi động chiến tranh chống Áo với cáo buộc những người Áo đã vi phạm thỏa thuận Gastein. Bismarck đưa quân Phổ tới chiếm Holstein. Bị chọc giận, Áo kêu gọi sự giúp đỡ từ các công quốc khác của nước Đức, và tất cả nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh Áo-Phổ. Quân đội Phổ, dưới sự chỉ huy của Helmuth von Moltke, có quân số gần bằng Áo, nhưng được tổ chức tốt hơn nhiều và vào trận với tư thế có thể chiến thắng. Bismarck còn tạo nên một liên minh bí mật với Ý, đang có tham vọng về lãnh thổ với vùng Venetia do Áo kiểm soát. Việc Ý tham chiến buộc Áo phải chia sẻ lực lượng của họ.
Trong sự ngạc nhiên của cả châu Âu, các tập đoàn quân Phổ đã nhanh chóng đánh bại quân Áo và đồng minh trong trận Königgrätz, trận đánh lớn nhất ở châu Âu cho tới thời điểm đó. Nhà vua và các tướng lĩnh Phổ muốn lấn tới bằng việc chinh phục Bohemia và đánh thẳng đến Viên. Nhưng Bismarck lo ngại về vận may của quân Phổ và khả năng Pháp đứng về phía Áo can thiệp vào cuộc chiến. Ông bèn nhờ cậy thái tử (tuy là người chỉ đạo quân đội Phổ ở Königgrätz, nhưng ông lại chống chiến tranh) thuyết phục nhà vua thay đổi ý định.
Chiến tranh Áo Phổ dẫn tới Hòa ước Praha 1866. Theo đó, Liên bang Đức bị giải tán. Phổ sát nhập Schleswig, Holstein, Frankfurt, Hannover, Hessen-Kassel (hay Hessen-Cassel), và Nassau; còn đế quốc Áo phải cam kết không can thiệp vào các vấn đề của Đức nữa. Để củng cố thêm quyền bá chủ của Vương quốc Phổ, Phổ và vài công quốc Bắc Đức thành lập Liên bang Bắc Đức vào năm 1867. Vua Wilhelm I cũng là vua của liên bang và Bismarck là Thủ tướng. Kể từ đây bắt đầu thời kỳ mà các sử gia phương Tây gọi là “Thời khốn khổ của nước Áo” khi Áo chỉ còn là chư hầu của nước Đức mạnh hơn, một mối quan hệ có tác động quan trọng vào việc khởi phát hai cuộc chiến tranh thế giới sau này.
Bismarck, giờ đã đeo quân hàm cấp tá, mặc quân phục của Trung đoàn Trọng binh Dân quân số 7[12] trong suốt các chiến dịch Áo-Phổ và Pháp-Phổ về sau này. Sau cuộc chiến năm 1866, ông được thăng hàm thiếu tướng kỵ binh. Mặc dù trên thực tế chưa bao giờ cầm quân hay chỉ huy chiến trường, Bismarck thường xuyên mặc quân phục cấp tướng trước công chúng trong phần đời sau của ông, như trong rất nhiều tranh ảnh về ông thể hiện. Bismarck còn được Nghị viện Phổ thưởng một khoản tiền lớn sau chiến tranh và ông đã dùng số tiền đó để mua Varzin, một lãnh địa lớn hơn tất cả những lãnh địa mà ông đang sở hữu cộng lại.
Thắng lợi trên chiến trường đã mang tới cho Bismarck sự ủng hộ lớn lao về chính trị ở Phổ. Trong cuộc bầu cử hạ viện năm 1866, những người tự do dân chủ hứng chịu một thất bại nặng nề và để mất đa số ở nghị viện. Hạ viện mới được bầu ra do phe bảo thủ chiếm đa số và ủng hộ hoàn toàn Bismarck. Nghị viện thông qua khoản ngân sách quốc phòng đã bị gác lại bốn năm trước một cách dễ dàng. Kể từ đó, Bismarck bắt đầu con đường của một trong những chính trị gia thành công nhất lịch sử.
Quỹ đen Bò sát
Sau cuộc chiến năm 1866, Otto von Bismarck sát nhập vương quốc Hannover, vốn là một đồng minh của Áo chống lại Phổ. Một thỏa thuận giữa Phổ và Hanover cho phép vị vua đã bị lật đổ của công quốc này, Georg V, được giữ lại 50% thu nhập từ các thái ấp của vương tộc. Phần còn lại là tài sản nhà nước và được chuyển vào ngân khố. Tuy nhiên, vào đầu năm 1868, Bismarck buộc tội Georg V tổ chức một âm mưu chống lại nhà nước và quyết định tịch thu phần sản nghiệp được chia của ông, vào khoảng 16 triệu thaler (đơn vị tiền tệ khi đó). Bismarck dùng tiền này để lập nên một quỹ đen gọi là quỹ Loài Bò sắt (cũng có thể được dịch là Quỹ rắn) dùng để hối hộ cho các nhà báo hòng hạ uy tín những đối thủ chính trị của ông. Năm 1870, Bismarck còn dùng tiền trong quỹ để giành được sự ủng hộ của vua Ludwig II của Bayern để đưa Wilhelm I lên làm hoàng đế Đức.
Bismarck cũng dùng quỹ này cài đặt nội gián vào trong số những người giúp việc để theo dõi hoàng thái tử Friedrich cùng vợ ông là Vicky. Bismarck còn dựng nên những câu chuyện trên các tờ báo rằng cặp vợ chồng Hoàng gia làm gián điệp cho Anh và tiết lộ bí mật quốc gia của Đức cho chính phủ Anh. Friedrich và Vicky rất ngưỡng mộ bố của Vicky, tức là cha vợ của Friedrich, Vương công Albert của Saxe Coburg Gotha. Họ dự định sẽ cùng nhau cai trị nước Đức như Albert và nữ hoàng Victoria. Họ cũng lên kế hoạch cải cách những thiếu sót lớn trong nhánh hành pháp mà Bismarck đang điều hành. Văn phòng thủ tướng chịu trách nhiệm trước nhà vua sẽ được thay bằng một nội các kiểu Anh, với các bộ trưởng chịu trách nhiệm trước nghị viện. Các chính sách của chính phủ mới phải dựa trên sự nhất trí của nội các đó. Để làm suy yếu cặp vợ chồng Hoàng gia, khi hoàng tử sau này sẽ trở thành hoàng đế Wilhelm II vẫn còn là một cậu bé, Bismarck bèn tách cậu ra khỏi bố mẹ và đặt dưới sự giám hộ của ông. Bismarck dự định sẽ dùng Wilhelm II chống lại vợ chồng hoàng thái tử hòng duy trì quyền lực của mình. Bismarck dần dần sẽ dùng Wilhelm II để tạo ra các đặc quyền cho ông và dạy dỗ hoàng tử thành một người không chịu phục tùng bố mẹ. Kết quả là Wilhelm II có quan hệ chống đối với bố mình, và đặc biệt là với bà mẹ người Anh.
Năm 1892, sau khi Bismarck bị cách chức, hoàng đế Wilhelm II chấm dứt việc sử dụng nguồn tiền này bằng cách sung nó vào công quỹ.[13]
Thành lập đế quốc Đức
Chiến thắng của Phổ trước Áo đã làm gia tăng căng thẳng với Pháp. Hoàng đế nước Pháp là Napoléon III lo sợ rằng một nước Đức hùng mạnh sẽ phá vỡ tình trạng cân bằng quyền lực tại châu Âu. Chính trị gia đối lập người Pháp là Adolphe Thiers thậm chí còn nhận xét rằng chính nước Pháp đã bị đánh bại tại Königgrätz. Về phía mình, Bismarck cũng không hề né tránh chiến tranh với Pháp. Ông tin rằng nếu các công quốc ở Đức cùng xem Pháp là kẻ thù thì họ sẽ đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của vua Phổ và khiến cho Napoléon III liên quan vào những âm mưu xâm chiếm các vùng lãnh thổ ở Luxembourg và Bỉ, khiến nước Pháp có vẻ tham lam và không đáng tin cậy với người dân Đức.
Một tiền đề thích hợp cho chiến tranh xuất hiện vào năm 1870, khi Vương công người Đức Leopold của xứ Hohenzollern-Sigmaringen được đề nghị kế vị ngai vàng của Tây Ban Nha, đã bỏ trống từ sau cuộc cách mạng 1868. Pháp phản đối việc này và yêu cầu phải có sự bảo đảm rằng không bất kỳ thành viên nào của dòng họ Hohenzollern trở thành vua của Tây Ban Nha. Để khiêu khích Đế chế Pháp tuyên chiến trước, Bismarck cho công khai một văn bản đã được sửa chữa ghi lại cuộc đối thoại giữa vua Wilhelm I và đại sứ Pháp tại Phổ là bá tước Benedetti.
Pháp động viên quân đội và tuyên bố chiến tranh vào ngày 19 tháng 7, năm ngày sau khi văn bản trên được công bố ở thủ đô Paris. Đế chế Pháp giờ đây bị coi như những kẻ xâm lược và các công quốc Đức, bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc và nhiệt tình yêu nước, tập hợp dưới lá cờ Phổ và gửi quân đội hỗ trợ. Đế quốc Nga đứng ngoài cuộc và tận dụng cơ hội này để tái vũ trang ở Biển Đen, vốn đã bị phi quân sự hóa sau chiến tranh Krym vào những năm 1850. Cả hai con trai của Bismarck đều tham chiến với hàm sĩ quan trong binh chủng kỵ binh Phổ. Chiến tranh Pháp-Phổ (1870) kết thúc với thắng lợi quyết định của liên minh Phổ-Đức[2]. Quân đội Phổ-Đức dưới sự chỉ huy trên danh nghĩa của nhà vua và trên thực tế của Tổng Tham mưu trưởng Helmuth von Moltke giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Những trận đánh lớn diễn ra trong không đầy một tháng, từ ngày 7 tháng 8 đến 1 tháng 9 năm 1870, quân Pháp thua hai trận quan trọng ở Sedan và Metz. Hoàng đế Napoléon III bị bắt sống và giữ ở Đức phòng khi Bismarck cần ông này để đứng đầu một chính phủ bù nhìn.
Sau cuộc vây hãm Paris thắng lợi, Bismarck nhanh chóng hành động để đảm bảo cho sự thống nhất của nước Đức. Ông thương lượng với các công quốc Nam Đức, đưa ra những nhượng bộ nếu họ đồng ý thống nhất. Cuộc thương lượng đã thành công. Ngay trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, Wilhelm I lên ngôi hoàng đế Đức vào ngày 18 tháng 1 năm 1871 tại Cung điện Versailles.[14] Đế quốc Đức mới là một liên bang, mỗi thành viên trong số 25 công quốc (các vương quốc, công quốc, lãnh địa và những thành phố tự do) đều được một số quyền tự trị nhất định. Vua nước Phổ, giờ là vua của Đế quốc Đức, không phải là người trị vì toàn bộ đế chế. Hoàng đế chỉ là người đứng đầu trong số những người đứng đầu có địa vị pháp lý ngang nhau ở các công quốc, nhưng hoàng đế nắm quyền điều khiển Bundesrat, một kiểu hội đồng nhà nước, và có quyền chỉ định thủ tướng của liên bang Đức.
Sau cuộc chiến, Pháp buộc phải nhượng lại vùng Alsace và một phần vùng Lorraine vì Moltke cùng các tướng lĩnh Đức khẳng định rằng việc tước đi phần đất đó sẽ đẩy Pháp vào thế không tấn công Đức được nữa.[15]. Bismarck phản đối kế hoạch sát nhập đó vì ông không muốn biến nước Pháp thành một kẻ thù lâu dài.[16] Ngoài ra, Pháp còn bị buộc phải trả một khoản bồi thường chiến phí lớn, và số liệu của khoản chiến phí này được ước tính, dựa trên dân số Pháp, là hoàn toàn tương đương với khoản chiến phí mà Napoléon I áp đặt lên nước Phổ bại trận năm 1807.[17]
Thủ tướng Đế quốc Đức
Năm 1871, Otto von Bismark được chỉ định làm Thủ tướng (Chancellor) Đế quốc Đức, nhưng vẫn nắm quyền điều hành ở Phổ (bao gồm các bộ văn phòng thủ tướng và bộ ngoại giao). Ông cũng được thăng hàm trung tướng và ban thưởng một lãnh địa nữa, Friedrichsruh, gần Hamburg. Lãnh địa này còn lớn hơn Varzin và biến Bismarck thành một địa chủ rất giàu có. Vì cùng lúc nắm giữ hai chức vụ cực kỳ quan trọng, Bismarck nắm quyền kiểm soát rộng lớn với cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Có một giai đoạn ngắn chức vụ thủ tướng Phổ được trao cho Albrecht von Roon vào năm 1873. Nhưng vào cuối năm đó, Roon từ chức vì lý do sức khỏe và Otto von Bismarck lại đảm nhận cả hai cương vị.
Trong những năm tiếp theo, một trong những mục tiêu chính trị chủ yếu của Bismarck là làm giảm ảnh hưởng của giáo hội Ki-tô giáo tại Đế chế Đức. Trong khi Phổ (trừ vùng Rheinland) và phần lớn các bang Bắc Đức theo đạo Tin Lành thì ở các bang Nam Đức, đặc biệt là Bayern, tỷ lệ người theo Ki-tô giáo rất lớn. Tổng cộng, một phần ba dân số theo đạo Ki-tô. Bismarck tin rằng Giáo hội Công giáo Rôma có quá nhiều quyền lực chính trị. Ông e ngại sự trỗi dậy của Đảng trung dung Ki-tô giáo (thành lập năm 1870) cũng như những hiềm khích có thể gây ra bất đồng giữa những người Ki-tô và những người Tin Lành. Để ngăn chặn điều đó, Bismarck đã cố gắng, dù không thành công, thuyết phục các chính phủ khác ở châu Âu cùng sắp xếp trước các cuộc bầu Giáo hoàng. Theo đó, các chính phủ ở châu Âu sẽ thống nhất đưa ra những ứng cử viên không có năng lực cho cương vị giáo hoàng rồi sau đó, chỉ đạo những hồng y của nước họ bỏ phiếu cho phù hợp với tình hình.[18]
Dần dần, Otto von Bismarck đi tới vận động cả một chiến dịch chống Ki-tô giáo được biết đến dưới tên gọi Kulturkampf. Năm 1871, Phòng Ki-tô giáo của Bộ văn hóa Phổ bị bãi bỏ. Năm 1872, những người theo dòng Tên bị trục xuất khỏi nước Đức. Bismarck còn ủng hộ những người Tin Lành và những người chống Ki-tô giáo. Năm 1873, những điều luật chống Ki-tô giáo khắt khe hơn được thông qua cho phép chính quyền giám sát hoạt động giáo dục của các trường dòng và giảm bớt quyền lực của giáo hội. Năm 1875, chính quyền đòi hỏi các nghi lễ dân sự đối với những đám cưới, vốn trước đó chỉ cần tổ chức tại nhà thờ. Tuy nhiên, những cố gắng đó chỉ càng củng cố thêm cho sự đoàn kết của Đảng trung dung Ki-tô giáo, và Bismarck quyết định chấm dứt Kulturkampf vào năm 1878. Cũng trong năm đó, Giáo hoàng Piô IX, có xu hướng chống đối Bismarck, qua đời. Người kế nhiệm của ông, Giáo hoàng Lêô XIII tỏ ra thực tế hơn và dần dần cải thiện quan hệ với Bismarck.[19][20]
Chiến dịch Kulturkampf tuy thất bại trong mục tiêu chính, đã giúp Bismarck có thêm sự ủng hộ từ chính đảng lâu đời ở Đức, Đảng quốc gia tự do. Đảng này trở thành đồng minh chính của Bismarck ở nghị viện. Năm 1873, nước Đức và phần lớn châu Âu bước vào một cuộc đại suy thoái kinh tế bắt đầu với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Viên. Lần đầu tiên kinh tế Đức suy thoái kể từ sau giai đoạn công nghiệp hóa hàng loạt vào những năm 1850 sau cuộc cách mạng năm 1848. Để hỗ trợ những ngành công nghiệp đang xuống dốc, thủ tướng hủy bỏ chính sách thương mại tự do và áp đặt thuế bảo hộ. Điều này khiến những đảng viên quốc gia tự do, vốn ủng hộ chính sách tự do thương mại, nổi giận. Kulturkampf và những ảnh hưởng của nó còn khiến dư luận quay sang chống lại đảng ủng hộ chiến dịch đó. Bismarck tận dụng cơ hội này để tự tách ra khỏi những người quốc gia tự do. Điều này dẫn đến sự ủng hộ dành cho đảng này sụt giảm nhanh chóng và tới năm 1879, quan hệ giữa họ và Bismarck chấm dứt. Ông lại quay sang tìm kiếm sự ủng hộ từ những thành phần bảo thủ, bao gồm Đảng trung dung.
Để ngăn chặn những vấn đề phát sinh do nhiều chủng tộc khác nhau sống trong cùng một đất nước, chính phủ của Bismarck cố gắng đồng hóa những sắc dân thiểu số, chủ yếu ở các vùng biên giới của Đế quốc Đức, như người Đan Mạch ở miền Bắc, người Pháp ở vùng Alsace-Lorraine và người Ba Lan ở Đông Đức.
Chính sách của ông nhắm tới người Ba Lan ở Phổ thường gây bất lợi cho họ, mang tính phân biệt đối xử rõ rệt.[21] Điều này đã gây thêm thù hận giữa người Đức và người Ba Lan. Những chính sách đó thường có động cơ từ quan điểm của Bismarck rằng sự tồn tại của Ba Lan là mối đe dọa cho nước Đức. Chính Bismarck đã viết về những người Ba Lan rằng “người ta phải bắn những con sói ngay khi có thể”.[22]
Bismarck còn đặc biệt lo lắng về sự trỗi dậy của những người xã hội chủ nghĩa, được tập hợp bởi Đảng dân chủ xã hội Đức. Ngay từ ngày 20 tháng 3 năm 1852, tại viện thứ hai của Nghị viện Vương quốc Phổ, Bismarck đã công bố một bài diễn văn. Bài diễn văn này đã cho thấy tầng lớp địa chủ quý tộc Phổ có thái độ căm ghét các thành phố lớn – nơi phong trào cách mạng thường xảy ra. Ông cho rằng, “nhân dân Phổ chân chính” sẽ “biết cách bắt chúng phải phục tùng và sẽ quét sạch chúng khỏi mặt đất” khi nào mà cuộc đấu tranh chống chính quyền của nhân dân các thành phố lớn bùng nổ.[23] Năm 1878, ông vận động thông qua những điều luật chống những người xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức, những hội nghị và thậm chí cả văn học xã hội chủ nghĩa bị cấm. Những nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa bị bắt và bị xử ở tòa án cảnh sát. Nhưng bất chấp những cố gắng đó của Bismarck, phong trào xã hội chủ nghĩa vẫn trụ vững và ngày càng giành được nhiều sự ủng hộ cũng như thêm ghế ở nghị viện. Những người xã hội chủ nghĩa có ghế ở nghị viện với tư cách là những ứng cử viên độc lập, không thuộc bất kỳ đảng chính trị nào, và hiến pháp Đức cho phép điều này.
Thủ tướng Otto von Bismarck bèn quay sang cố gắng làm giảm sự hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội với công chúng bằng cách dụ dỗ giai cấp công nhân. Ông tiến hành nhiều cuộc cải cách xã hội, có thể được xem là những điều luật lao động đầu tiên trên thế giới và làm mẫu cho các quốc gia khác.[24] Luật bảo hiểm y tế thông qua năm 1883 quy định người chủ phải trả một phần ba, còn người làm công trả hai phần ba khoản tiền bảo hiểm. Luật bảo hiểm tai nạn thông qua năm 1884,[25] luật bảo hiểm hưu trí và tàn tật thông qua năm 1889. Những điều luật khác hạn chế việc sử dụng lao động phụ nữ và trẻ em. Nhưng ngay cả những cố gắng này của Bismarck cũng không mấy thành công. Giai cấp công nhân vẫn không ưa chính quyền bảo thủ của ông.
Chính sách đối ngoại
Với ý định đưa nước Đức của mình trở thành một đế quốc hùng mạnh nhất châu Âu[11], Bismarck rất nỗ lực để duy trì hòa bình ở châu Âu vì ông không muốn sức mạnh của đế quốc Đức còn non trẻ bị đe dọa. Ông buộc phải dàn hòa với chủ nghĩa phục thù của những người muốn trả hận cho thất bại trong chiến tranh Pháp-Phổ đang nổi lên ở Pháp. Bismarck thi hành một chính sách ngoại giao với mục tiêu cô lập nước Pháp trong khi giữ quan hệ hữu hảo với các quốc gia khác ở châu Âu. Để tránh chọc giận nước Anh, Bismarck đầu tiên phủ nhận việc biến Đức trở thành một đế quốc thực dân và cam kết không gia tăng lực lượng hải quân. Tiếp tục đường lối đó, năm 1872, ông đề nghị một hiệp ước thân thiện ba bên với Đế quốc Áo-Hung và Nga.
Năm 1875, Bismarck tìm cách hăm dọa Pháp bằng việc cấm không bán yên ngựa sản xuất tại Đức cho kỵ binh Pháp và sắp xếp để một tờ báo do ông kiểm soát giật cái tít “Phải chăng chiến tranh đã ở trước mắt?”. Tuy nhiên, sau đó Bismarck phải xuống thang khi cả Nga và Anh đều tuyên bố họ sẽ ủng hộ Pháp.
Bismarck còn giữ quan hệ tốt với Ý, dù cá nhân ông không thích đất nước và con người Ý.[26] Có thể coi ông có đóng góp nhất định trong việc thống nhất nước Ý. Chiến thắng của quân đội nhà nước Phổ do Bismarck đứng đầu trong cuộc chiến tranh Áo Phổ đã giúp Ý sát nhập Venetia, vốn là một nước chư hầu của Áo suốt từ năm 1815. Còn chiến thắng trong chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 đã khiến hoàng đế Pháp Napoléon III phải rút quân đội Pháp, được cử để bảo vệ giáo hoàng, khỏi kinh thành Roma. Nếu không có hai sự kiện này, việc thống nhất nước Ý đã không thể hoàn tất.
Sau chiến thắng của Đế quốc Nga trước Đế quốc Ottoman trong chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1877–1878), Bismarck đã hỗ trợ việc đàm phán dẫn tới cuộc hội đàm Berlin. Kết quả là Hiệp ước Berlin 1878, điều chỉnh lại Hiệp ước San Stefano trước đó, đã được ký kết, giảm bớt diện tích của quốc gia mới giành độc lập Bulgaria (lúc đó là một nước thân Nga). Bismarck và những nhà lãnh đạo châu Âu khác không muốn nước Nga mở rộng ảnh hưởng và cố gắng bảo vệ Đế quốc Ottoman. Kết quả là quan hệ Nga-Đức xấu đi, kéo theo hiệp ước ba bên trước đó giữa Nga, Đức và Áo-Hung chấm dứt.
Bismarck bèn thương lượng một hiệp ước liên minh với Áo-Hung, trong đó mỗi nước đảm bảo cho nước kia trong trường hợp bị Nga tấn công. Hiệp ước đó trở thành hiệp ước ba bên vào năm 1882 với sự tham gia của Ý, và mối liên minh ba bên Nga-Áo-Phổ, được duy trì dưới nhiều hình thức suốt từ năm 1813, chính thức chấm dứt kể từ đây.
Với những vấn đề bên ngoài châu Âu, lúc đầu, Bismarck phản đối ý tưởng tìm kiếm thêm thuộc địa với lập luận rằng gánh nặng giành giật và giữ thuộc địa còn lớn hơn mối lợi tiềm năng khai thác được từ đó. Nhưng vào cuối những năm 1870, ý kiến dư luận ở Đức ngày càng ủng hộ việc tìm kiếm thuộc địa tại nước ngoài và Bismarck có thể còn có động cơ khơi dậy mối hiềm khích Anh-Đức về vấn đề này để hạ uy tín của hoàng thái tử thân Anh đang sắp lên ngôi. Trong những năm 1880, Đức và các nước đế quốc châu Âu khác xâu xé châu Phi. Nước Đức giành được Togoland (giờ là một phần của Ghana và Togo), Cameroon, Đông Phi thuộc Đức (giờ là Rwanda, Burundi và Tanzania), và Tây Nam Phi thuộc Đức (giờ là Namibia).
Những năm cuối đời
Năm 1888, hoàng đế Đức là Wilhelm I qua đời. Thái tử lên nối ngôi, tức hoàng đế Friedrich III. Nhưng vị vua này trước đó đã bị ung thư vòm họng và qua đời chỉ sau ba tháng cai trị. Con trai Friedrich III, Wilhelm II lên nối ngôi. Hoàng đế mới không đồng tình với chính sách đối ngoại thận trọng của Otto von Bismarck. Ông muốn mở rộng nhanh chóng lãnh thổ để bảo vệ vị trí của nước Đức.
Những mâu thuẫn giữa Wilhelm II và thủ tướng nhanh chóng khiến quan hệ của họ đổ vỡ. Bismarck tin rằng ông đủ sức áp đảo Wilhelm II và không chú ý nhiều tới những chính sách của nhà vua đề xuất vào cuối những năm 1880. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly xảy ra vào đầu năm 1890 khi Bismarck cố gắng áp đặt bộ luật chống những người xã hội chủ nghĩa rất khó thực thi và không thực tế. Đa số trong nghị viện, là tập hợp của Đảng bảo thủ và Đảng quốc gia tự do, nhất trí với nhau về phần lớn các điều trong bộ luật. Nhưng họ bị chia rẽ bởi điều khoản cho phép cảnh sát được quyền trục xuất những người xã hội chủ nghĩa tìm cách kích động quần chúng, một điều luật có thể bị Bismarck lạm dụng để chống lại các đối thủ chính trị của ông. Những người quốc gia tự do từ chối bỏ phiếu thông qua điều luật đó, trong khi những người bảo thủ chỉ chấp nhận việc thông qua toàn bộ đạo luật bởi lẽ Bismarck không muốn thay đổi bất kỳ điều khoản nào.
Trong khi cuộc tranh cãi chưa có hồi kết, Wilhelm II ngày càng chú ý hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là cách chính quyền đối phó với cuộc đình công của những công nhân mỏ vào năm 1889. Nhà vua muốn duy trì một chính sách năng động cho chính phủ của ông và thường xuyên va chạm với Bismarck về các vấn đề xã hội. Bismarck hoàn toàn không đồng ý với chính sách của Wilhelm II và dùng mưu mẹo để phá vỡ kế hoạch của nhà vua. Mặc dù Wilhelm II ủng hộ bộ luật chống chủ nghĩa xã hội thay thế, Bismarck quyết định vận động để bộ luật bị phủ quyết. Ông muốn kích động những người xã hội chủ nghĩa tiếp tục đấu tranh cho tới khi bạo lực bùng phát và sẽ lấy đó làm cớ để đàn áp họ thẳng tay. Wilhelm II trả lời rằng ông không muốn bắt đầu thời đại trị vì của mình bằng một cuộc tắm máu. Sau câu trả lời của nhà vua, Bismarck nhận ra ông đã sai lầm và cố thỏa hiệp với Wilhelm II bằng cách đồng ý với các chương trình xã hội nhắm vào công nhân công nghiệp và thậm chí đề xuất một hội đồng châu Âu cùng xem xét các vấn đề điều kiện lao động do hoàng đế Đức chủ trì.
Bất chấp sự nhượng bộ đó, những sự kiện nối tiếp nhau dần dần khiến khoảng cách giữa ông và Wilhelm II ngày càng giãn rộng. Bismarck, cảm thấy bị áp lực và bị hoàng đế coi thường, ngày càng suy yếu bởi những cố vấn quá tham vọng, từ chối ký một tuyên bố liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động cùng Wilhelm II (theo hiến pháp Đức, một văn bản chỉ có hiệu lực sau khi được cả vua và thủ tướng ký). Việc này là nhằm phản đối sự can thiệp của Wilhelm II đối với quyền lực vốn trước đó không ai dám thách thức của ông. Bismarck còn tiến hành những vận động hậu trường để phá hoại hội đồng lao động châu Âu lục địa mà Wilhelm dày công vun đắp.
Quan hệ trở nên tồi tệ hơn khi Bismarck tìm kiếm đa số phiếu ở nghị viện hòng áp đảo nhà vua trong đạo luật chống chủ nghĩa xã hội. Ngoài bộ phận “Kartell” ủng hộ Bismarck trong nghị viện, các thế lực khác bao gồm Đảng trung dung Thiên Chúa giáo và Đảng bảo thủ. Bismarck muốn thành lập một liên minh với Đảng trung dung và đã mời Ludwig Windthorst, người đứng đầu nghị viện, tới để thảo luận. Đó là âm mưu chính trị cuối cùng của ông. Wilhelm II nổi giận khi được tin về cuộc gặp gỡ đó. Ở một nhà nước nghị viện cộng hòa, đó là việc bình thường khi thủ tướng phải dựa vào đa số cũng như sự tín nhiệm ở nghị viện để vận hành chính phủ của ông và giúp các quyết định được thông qua. Tuy nhiên, ở nhà nước quân chủ nghị viện Đức, thủ tướng chỉ phụ thuộc vào sự tín nhiệm của hoàng đế và Wilhelm II tin rằng ông phải được thông báo trước khi những cuộc gặp gỡ như thế diễn ra. Sau một cuộc gặp căng thẳng trong văn phòng của Bismarck, Wilhelm II nổi điên và ra lệnh hủy bỏ điều luật tổ chức nội các có hiệu lực suốt từ năm 1851. Điều luật đó quy định các bộ trưởng trong nội các Phổ không được báo cáo trực tiếp lên nhà vua, mà phải báo cáo cho thủ tướng trước. Bismarck, bị đẩy vào tình thế không thể làm gì khác, viết một lá thư từ nhiệm đầy căm phẫn trong đó ông chỉ trích sự can thiệp của Wilhelm II vào chính sách đối ngoại và đối nội. Lá thư đó chỉ được công khai sau khi Bismarck đã chết. Rốt cuộc, Bismarck trở thành nạn nhân của chính những gì mà ông tạo ra. Bismarck thậm chí đã nhờ tới ảnh hưởng của hoàng thái hậu Friedrich, nhưng ông vẫn không thể thay đổi được quyết định của nhà vua.[27]
Bismarck từ chức ở tuổi 75. Người kế nhiệm ông ở cương vị thủ tước Đức và thủ tướng Phổ là Leo von Caprivi. Để an ủi, ông được phong hàm đại tướng và quyền tư lệnh chiến trường (vì trong thời bình nước Đức không có tư lệnh chiến trường) và một danh hiệu quý tộc mới, công tước xứ Lauenburg. Ông còn được bầu làm đại biểu của Hamburg ở nghị viện, nhưng trong lần bầu cử thứ hai, ông bị thua một đối thủ dân chủ xã hội và trên thực tế không bao giờ ngồi ở nghị viện. Sau đó, Bismarck thực sự nghỉ hưu hoàn toàn tại điền trang Varzin (nay thuộc lãnh thổ Ba Lan) của mình. Một tháng sau khi vợ ông qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 1894, Bismarck chuyển tới Friedrichsruh, gần Hamburg và chờ đợi trong tuyệt vọng việc được gọi lại làm cố vấn cho chính phủ mới.
Ngay khi Bismarck phải rời vị trí của mình, dân Đức đã bắt đầu ca ngợi ông, gom góp tiền để xây những tượng đài như đài tưởng niệm Bismarck hoặc tòa tháp Bismarck-Denkmal để tưởng nhớ ông. Bismarck rất được trọng vọng ở Đức, nhiều tòa nhà được đặt theo tên ông. Nhiều quyển sách viết về ông thuộc loại bán chạy nhất. Ông cũng là đề tài ưa thích của các họa sĩ nổi tiếng.
Bismarck qua đời năm 1898 ở tuổi 83 tại Friedrichsruh, cũng là nơi ông được chôn cất. Trên bia mộ của ông là dòng chữ “Bầy tôi Đức trung thành của hoàng đế Wilhelm I”.
Di sản
Các nhà sử học đã đạt được sự đồng thời ộng rãi về tầm vóc của Bismarck đối với nền văn hóa chính trị của nước Đức trong vòng 125 năm qua.[28][29] Theo đánh giá của nhà sử học người Mỹ Steinberg, những thành tựu của ông vào các năm 1862-1871 là “thành tích chính trị và ngoại giao lớn nhất của một nhà lãnh đạo trong vòng hai thế kỷ vừa qua.”[30]
Otto Pflanze cho biết, ngoại trừ hoàng đế Napoléon Bonaparte, không một nhân vật nào trong lịch sử châu Âu cận đại được yêu thích nhiều như Otto von Bismarck.[31] Ông được nhiều người đương thời, cũng như các thế hệ sau ca ngợi như một vị anh hùng. Di sản quan trọng nhất của ông là công cuộc thống nhất nước Đức. Đối với người Đức, Bismarck và quá trình thống nhất đất nước của ông cũng đầy sức hút không kém Tổng thống Abraham Lincoln và cuộc nội chiến đối với người Mỹ[32]. Do chế độ phong kiến phân quyền của Đế quốc La Mã Thần thánh cũ, nước Đức đã tồn tại như một tập hợp của hàng trăm công quốc và thành phố tự do riêng rẽ. Trải qua hàng thế kỷ trước thời Bismarck, nhiều vua chúa đã cố gắng hợp nhất các quốc gia Đức nhưng không thành công. Giờ đây, các vương quốc của người Đức và thống nhất thành một quốc gia-dân tộc, và có được điều này chủ yếu là nhờ các nỗ lực của Bismarck.
Sau khi thống nhất, nước Đức trở thành một cường quốc hàng đầu của châu Âu. Đường lối ngoại giao khôn khéo, thận trọng và thực dụng của Bismarck đã tạo điều kiện cho nước Đức giữ được vị thế hùng cường mà Bismarck đã đem lại cho mình bằng việc duy trì quan hệ đối ngoại hòa nhã với hầu hết các quốc gia khác. Ngoại lệ duy nhất là Pháp, quốc gia đã bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh Pháp-Đức và các chính sách khắc nghiệt về sau này của ông đã khiến Pháp trở thành một trong những kẻ thù sâu cay nhất của Đức ở châu Âu. Thêm vào đó, mặc dù sự thành lập Đế quốc Đức làm suy yếu thế lực của Áo ở một mức độ nhỏ hơn nhiều so với Pháp, đế quốc 600 năm tuổi của nhà Habsburg không còn đóng một vai trò chi phối nào trên chính trường quốc tế từ thời điểm này[33]. Bismarck tin rằng chừng nào Anh, Nga và Ý còn được trấn an bởi chính sách hiếu hòa của Đế quốc Đức, sự gây chiến của Pháp sẽ bị ngăn chặn. Thế nhưng, Hoàng đế Wilhelm II xóa bỏ đường lối ngoại giao sắc sảo của Bismarck và theo đuổi những chính sách dẫn tới sự hợp nhất của các cường quốc khác tại châu Âu chống lại Đức và Áo-Hung trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Các nhà sử học nhấn mạnh rằng “chính sách lục địa bảo hoà” nhằm giữ vững ổn định ở Đức và châu Âu của Bismarck đã ngày càng trở nên không được ưa chuộng, do nó kìm hãm mọi ý đồ bành trướng. Trái ngược với đường lối hiếu hòa của ông là Chính sách Thế giới đầy tham vọng của Wilhelm II nhằm bảo đảm tương lai của đế quốc bằng các hoạt động bành trướng sức mạnh của Đức, góp phần dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đồng thời, chính sách của Bismarck nhằm ngăn chặn tiếng nói chi phối của các thế lực quân phiệt trong việc đưa ra quyết định chính trị đối ngoại đã bị đảo lộn vào năm 1914 khi nước Đức trở thành một quốc gia vũ trang.
Bên cạnh đó, những nét tính cách cá nhân và tâm lý của ông không được các học giả nhìn nhận tích cực cho lắm. Steinberg khắc họa hình ảnh Bismarck như một thiên tài nham hiểm có thái độ căm thù sâu sắc, thậm chí là với những người bạn và họ hàng thân nhất của mình. Evans đánh giá ông là người “đáng sợ và vô liêm sỉ, lợi dụng tính mỏng manh chứ không phải là sức mạnh của người khác.”[34] Các nhà sử học người Anh, trong đó có Evans, Taylor, Palmer và Crankshaw, coi Bismarck là một nhân vật mâu thuẫn, là một người có tài năng xuất chúng không thể chối cãi nhưng không để lại một cơ chế lâu dài để định hướng những người kế thừa kém tài hơn ông. Thêm vào đó, là một người tận tâm với chủ nghĩa bảo hoàng, Bismarck không cho phép quyền lực của Đức hoàng chịu một sự hạn chế hiệu quả nào của hiến pháp, qua đó đặt một quả bom thời gian vào nền tảng của nước Đức mà ông kiến lập. Sự thiếu khả năng tự quản cho người dân Đức xuất phát từ chính sách của Bismarck đã khiến cho Georg von Bunsen kết luận: “Bismarck làm cho nước Đức vĩ đại và người Đức nhỏ bé”.[2]
Trong suốt gần 30 năm tại nhiệm của mình, Bismarck nắm giữ quyền lực không thể chối cãi chi phối các chính sách của chính quyền. Ông được sự hỗ trợ đắc lực của bạn mình là Albrecht von Roon, Bộ trưởng Chiến tranh, cùng với người Tổng chỉ huy trên thực tế của quân đội Phổ là Helmuth von Moltke. Các động thái ngoại giao của Bismarck đều trông cậy vào một bộ máy quân sự Phổ bách chiến bách thắng, và hai vị thủ lĩnh quân sự này đã mang lại cho Bismarck những thắng lợi mà ông cần thiết để thuyết phục các bang Đức hợp nhất dưới sự lãnh đạo của Phổ.
Bismarck đã từng bước dập tắt hoặc kiềm chế các phe đối lập chính trị, mà bằng chứng là các đạo luật hạn chế quyền tự do báo chí, cùng với các đạo luật chống chủ nghĩa xã hội. Các chính sách đối nội của ông không thu được nhiều kết quả mỹ mãn như đối ngoại.[2] Ông đã phát động một cuộc đấu tranh văn hóa (Kulturkampf) chống lại Nhà thờ Công giáo cho đến khi ông nhận thấy tinh thần bảo thủ của người Công giáo có thể khiến họ trở thành những đồng minh tiềm ẩn của ông chống lại phe xã hội chủ nghĩa. Đức hoàng Wilhelm I hầu như luôn đồng tính với các quyết sách của Thủ tướng; trong một số lần tranh cãi, Bismarck buộc quân vương phải chấp thuận đường lối của mình bằng việc đe dọa từ chức. Tuy nhiên, về sau này, Wilhelm II muốn đích thân chấp chính và điều đó khiến cho việc loại trừ Bismarck trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của mình sau khi lên ngôi Hoàng đế. Với quyền lực tập trung vào tay Hoàng đế, các thủ tướng kế nhiệm Bismarck đều có tầm ít ảnh hưởng hơn nhiều so với ông.
Những lời tiên đoán
Tháng 12 năm 1897, Wilhelm II đến thăm Bismarck lần cuối. Cựu Thủ tướng Bismarck đã cảnh báo hoàng đế về chính sách dựa vào những âm mưu của giới chính trị bảo thủ và quân sự tại đế chế Đức:
“ | Thưa Hoàng thượng, chừng nào ngài còn nắm được những sĩ quan quân đội, ngài còn có thể làm như mình muốn. Nhưng khi điều này không còn nữa, tình hình sẽ thay đổi rất nhiều đối với ngài. | ” |
—Otto von Bismarck[35] |
Tiên đoán này thành sự thật khi hoàng đế Wilhelm II không còn nhận được sự ủng hộ của giới quân sự và bị lật đổ trong cuộc cách mạng Đức vào năm 1918.
Cựu Thủ tướng Bismarck còn hai tiên đoán chính xác đến kinh ngạc nữa:
“ | Jena xảy ra hai mươi năm sau khi Friedrich Đại đế mất. Nếu như tình hình chính trị cứ diễn biến thế này, hai mươi năm sau khi tôi qua đời, một cuộc chiến mà chúng ta là kẻ thất bại sẽ bùng nổ. | ” |
—Otto von Bismarck[36] |
Tiên đoán đó thậm chí đúng đến cả tháng kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất mà Đức là một trong những nước thua cuộc.[37]
“ | Một ngày nào đó, cuộc chiến lớn trên toàn châu Âu sẽ bùng nổ vì một sự kiện ngu ngốc tại Balkan. | ” |
—Otto von Bismarck |
Lời tiên đoán này cũng đúng một cách kỳ lạ, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra chính là do vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand ở Bosnia năm 1914.
Những pháp lệnh xã hội
Những năm 1880 là giai đoạn khởi đầu của nước Đức trên chặng đường dài để trở thành một nhà nước phúc lợi như ngày nay. Các đảng Dân chủ xã hội, Quốc gia tự do và Trung dung đều tham gia vào những khởi đầu cho các pháp lệnh xã hội, nhưng Bismarck mới chính là người thiết lập những nền tảng đầu tiên cho việc đưa các pháp lệnh phúc lợi xã hội vào thực tiễn đời sống. Chương trình phúc lợi của những người dân chủ xã hội bao gồm tất cả các chương trình Bismarck sẽ dần dần triển khai, nhưng cũng bao gồm các chương trình được thiết kế để ngăn chặn các chương trình được Karl Marx và Friedrich Engels ủng hộ. Ý đồ của Bismarck là triển khai các chương trình đó ở mức tối thiểu mà nhà nước Đức còn chấp nhận được nhưng không công khai nhượng bộ những người xã hội chủ nghĩa.
Chương trình của Bismarck tập trung vào các chính sách bảo hiểm hòng gia tăng sản xuất vật chất cũng như để thu hút sự ủng hộ chính trị của giai cấp công nhân Đức với chính phủ bảo thủ của giai cấp tư sản. Chương trình bao gồm các chính sách bảo hiểm y tế (1883), bảo hiểm tai nạn (1884), bảo hiểm tàn tật và lương hưu (1889), trước đó chưa bao giờ được thực hiện một cách sâu rộng như thế.
Tưởng niệm
Hai chiếc tàu chiến của Hải quân Đế quốc Đức sau này, và một chiếc tàu khác trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), được đặt theo tên ông.
Rất nhiều đài tưởng niệm ở các thành phố, thị trấn và cả ở nông thôn trên toàn nước Đức được dựng lên để tưởng nhớ Thủ tướng Otto von Bismarck.
Ngoài ra còn có các địa danh đặt theo tên ông:
- Quần đảo Bismarck, gần New Guinea, trước kia là thuộc địa của Đức.
- Thành phố Bismarck ở bang Illinois, Mỹ.
- Thành phố Bismarck ở bang Bắc Dakota, Mỹ.
- Thành phố Bismarck tại bang Missouri.
- Biển Bismarck ở gần Papua New Guinea
- Bismarckburg (Kasanga, Tanzania)
Trong các tác phẩm văn nghệ
- Bismarck – Chancellor and Demon (“Bismarck, thủ tướng và quỹ dữ”), một bộ phim tài liệu của Đức gồm hai phần ra mắt năm 2007 mô tả những cá tính khác nhau của Bismarck, do Christoph Weinert viết kịch bản và đạo diễn.[38][39]
- Otto von Bismarck là một nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Royal Flash, của tiểu thuyết gia nổi tiếng George MacDonald Fraser. Trong bộ phim cùng tên, vai Bismarck do Oliver Reed thủ diễn.
- Ngoài ra, Bismarck còn xuất hiện trong rất nhiều tranh vẽ được lưu giữ suốt từ cuối thế kỷ 19.
Chú thích
- ^ Jonathan Steinberg, Bismarck: A Life, trang 470
- ^ a ă â b Spencer C. Tucker (biên tập), A Global Chronology of Conflict: From the Ancient World to the Modern Middle East: From the Ancient World to the Modern Middle East, trang 1681
- ^ Kissinger 2011
- ^ Sue Eleanor Headlee, A Year Inside the Beltway: Making Economic Policy in Washington, trang 47
- ^ Hull, Isabel V. (2004). The Entourage of Kaiser Wilhelm II, 1888–1918. Cambridge University Press. tr. 85. ISBN 0-521-53321-X. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2014.
- ^ Charles Dudley Warner, “Library of the World’s Best Literature, Ancient and Modern”, Tập 5, BiblioBazaar, LLC, 2009, tr. 11
- ^ E. J. Feuchtwanger, “Bismarck”, Routledge, 2002, vii
- ^ a ă Crankshaw, Bismarck, p. 13
- ^ Taylor, Bismarck, The Man and the Statesman, p. 44
- ^ E. J. Feuchtwanger, sách đã dẫn, vii.
- ^ a ă Otto von Bismarck (1815-1898)
- ^ Michael Knox Beran, Forge of Empires: Three Revolutionary Statesmen and the World They Made, 1861-1871, trang 330
- ^ Brockhaus-Enzyklopädie, (17th edition, 1966-74)
- ^ Crankshaw, Bismarck, p. 294-296
- ^ Tuchman, Barbara, The Guns of August. New York; Ballantine Books, 1962, p.35
- ^ Massie, Robert K., Dreadnaught. New York; Ballantinre Books, 1992, p.62
- ^ Taylor, p. 133; the indemnity figure was calculated, on the basis of population, as the precise equivalent of the indemnity which Napoleon I imposed on Prussia in 1807
- ^ Bismarck’s confidential diplomatic circular to German representatives abroad, Berlin, ngày 14 tháng 5 năm 1872.In: F.B.M. Hollyday, Bismarck, Prentice-Hall (1970) pp 42-44
- ^ Ronald J. Ross, The Failure of Bismarck’s Kulturkampf: Catholicism and State Power in Imperial Germany, 1871-1887 (2000)
- ^ Michael B. Gross, The War against Catholicism: Liberalism and the Anti-Catholic Imagination in Nineteenth-Century Germany (2005)
- ^ BISMARCK, DHM.
- ^ von BISMARCK, Otto, Deutsche und Polen.
- ^ Xem chú thích thứ 106 trong tác phẩm “Chống Duyhring” của Friedrich Engels. [1]
- ^ Taylor, p. 203
- ^ Taylor, p. 204
- ^ Taylor, p. 212
- ^ Michael Balfour, The Kaiser and his Times, Houghton Mifflin (1964) p. 132
- ^ Müller (2008)
- ^ Urbach (1998)
- ^ Jonathan Steinberg (2011). Bismarck: A Life. Oxford University Press. tr. 184.
- ^ Otto Pflanze, “Bismarck and the development of Germany: the period of unification, 1815-1871”, Princeton University Press, 1971, tr. 3. Nguyên văn: With the exception of Napoleon, no other figure in modern European history has attracted as must interest as Otto von Bismarck…
- ^ Otto Pflanze, sách đã dẫn, tr. 3. Nguyên văn: Bismarck and national unification have as great a fascination for Germans as do Lincoln and the civil war for Americans…
- ^ Erik Durschmied, The Hinge Factor: How Chance and Stupidity Have Changed History, Hachette UK, 23-05-2013. ISBN 1444769669.
- ^ Richard J. Evans, “The Gambler in Blood and Iron,” New York Review (Feb. 23, 2012) p 39
- ^ Alan Palmer, Bismarck, Charles Scribner’s Sons (1976) p. 267
- ^ A.J.P. Taylor, Bismarck, Alfred A Knopf, New York (1969) p. 264]
- ^ Theo lời kể của Winston Churchill, The World Crisis, C. Scribner’s Sons (1923) p. 195
- ^ phoenix.de – Bismarck – Kanzler und Dämon Part 1: Vom Landjunker zum Reichsgründer.
- ^ phoenix.de – Bismarck – Kanzler und Dämon Part 2: Regierungsgewalt und Machtverlust.
Tài liệu tham khảo
Busch, Moritz. Bismarck: Some secret pages from his history, 2 vols, (1898).
- Crankshaw, Edward. Bismarck. The Viking Press. (1981).
- Eyck, Erich. Bismarck and the German Empire. (1964). excerpt and text search
- Feuchtwanger, Edgar. Bismarck (Routledge Historical Biographies) (2002) 276 pp, basic starting point
- Frankel, Richard E. Bismarck’s Shadow. The Cult of Leadership and the Transformation of the German Right, 1898–1945 (2005); 222 pp. ISBN 1-84520-033-0,
- Gall, Lothar. Bismarck: The White Revolutionary (1986) 2 vol
- Gerwarth, Robert. “Inventing the Iron Chancellor,” History Today 2007 57(6): 43-49, in EBSCO
- Gerwarth, Robert. The Bismarck Myth: Weimar Germany and the Legacy of the Iron Chancellor (2005) 216 pp.; 019928184X
- Holborn, Hajo. “The Constitutional Conflict in Prussia and the Early Years of the Bismarck Ministry” pages 131–172, “The Founding of the New German Empire, 1865-71”, pages 173–229, “Bismarck and the Consolidation of the German Empire, 1871-90”, pages 233–297, from The History of Modern Germany 1840–1945. Alfred A Knopf (1969)
- Hollyday, F. B. M. Bismarck (Great Lives Observed), Prentice-Hall, (1970).
- Kent, George O. Bismarck and His Times 1978 online edition
- Lerman, Katharine Anne. Bismarck: Profiles in Power. Longman, 2004. ISBN 0-582-03740-9; 312pp
- Ludwig, Emil, Bismarck: The Story Of A Fighter, (1927)
- Müller, Frank Lorenz. “Man, Myth and Monuments: The Legacy of Otto von Bismarck (1866–1998),” European History Quarterly 2008 v.38 pp 626+ DOI: 10.1177/0265691408094517
- Paur, Philip. “The Corporatist Character of Bismarck’s Social Policy,” European History Quarterly, Oct 1981; vol. 11: pp. 427 – 460.
- Pflanze, Otto. Bismarck and the Development of Germany. (3 vols. 1963–90).
- Robinson, Janet, and Joe Robinson. Handbook of Imperial Germany (2009) excerpt and text search
- Sheehan, James J. German History, 1770-1866 (1989), dense, thorough political history
- Sheehan, James J. German liberalism in the nineteenth century 1978. online at ACLS e-books
- Otto Pflanze, “Bismarck and the development of Germany: the period of unification, 1815-1871”, Princeton University Press, 1971.
- Stern, Fritz. Gold and Iron: Bismarck, Bleichröder and the Building of the German Empire. Penguin. (1977).
- Taylor, A. J. P. Bismarck: the Man and the Statesman. Alfred A Knopf, New York, (1969).
- Urbach, Karina. “Between Saviour and Villain: 100 Years of Bismarck Biographies,” Historical Journal 1998 41(4): 1141-1160
- Waller, Bruce. Bismarck at the Crossroads. The Reorientation of German Foreign Policy after the Congress of Berlin 1878-1880 (1974)
- Wehler, Hans-Ulrich “Bismarck’s Imperialism 1862–1890” Past and Present, No. 48, August 1970. pages 119–155
- Wetzel, David. A Duel of Giants: Bismarck, Napoleon III, and the Origins of the Franco-Prussian War (2003)
- Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam
Nguồn sơ cấp
- Bismarck, the Man & the Statesman: Being the Reflections and Reminiscences of Otto, Prince Von Bismarck. Volume: 1. (1899)online edition
- “Thoughts and Reminiscences” by Otto von Bismarck Vol. I
- “Thoughts and Reminiscences” by Otto von Bismarck Vol. II
- Bismarks Memoirs Vol. II.
- The correspondence of William I. and Bismarck: with other letters from and to Prince Bismarck ed Ford (1903)
Liên kết ngoài
![]() |
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Otto von Bismarck |
- Life of Otto von Bismarck
- Gedanken und Erinnerungen “Thoughts and Remeniscences” by Otto von Bismarck Vol. I
- Gedanken und Erinnerungen “Thoughts and Remeniscences” by Otto von Bismarck Vol. II
- Bismarck’s Memoirs Vol. II. In English at archive.org
- Complete German text of Bismarck’s autobiography
- The correspondence of William I. and Bismarck: with other letters from and to Prince Bismarck at archive.org
- The Kaiser vs. Bismarck: suppressed letters by the Kaiser and new chapters from the autobiography of the Iron Chancellor at archive.org
- Bismarck: his authentic biography. Including many of his private letters and personal memoranda at archive.org
- The love letters of Bismarck; being letters to his fiancée and wife, 1846-1889; authorized by Prince Herbert von Bismarck and translated from the German under the supervision of Charlton T. Lewis at archive.org
- Prince Bismarck’s Letters to His Wife, His Sister, and Others, from 1844-1870
- Rede des Reichskanzlers Fürsten Bismarck über das Bündniss zwischen Deutschland und Oesterreich Speech of Reich Chancellor Prince Bismarck on the League between Germany and Austria Oct. 7 1879
|
- Thủ tướng Đức
- Gia đình Bismarck
- Thống chế Phổ
- Sinh 1815
- Mất 1898
- Người Sachsen
- Hiệp sĩ Golden Fleece
- Kulturkampf
- Nhân vật trong Chiến tranh Schleswig lần thứ hai
- Nhân vật trong Chiến tranh Áo-Phổ
- Người Đức trong Chiến tranh Pháp-Phổ
- Cựu sinh viên Đại học Göttingen
Iran
Cộng hoà Hồi giáo Iran | |||||
---|---|---|---|---|---|
جمهوری اسلامی ايران (tiếng Ba Tư) Jomhūrī-ye Eslāmī-ye Īrān (tiếng Ba Tư) |
|||||
|
|||||
Khẩu hiệu | |||||
(Esteqlāl, āzādī, jomhūrī-ye eslāmī) (Tiếng Ba Tư: “Độc lập, Tự do, Cộng hòa Hồi giáo”)) |
|||||
Quốc ca | |||||
Sorūd-e Mellī-e Īrān | |||||
Hành chính | |||||
Chính phủ | Cộng hòa Hồi giáo | ||||
Lãnh tụ tối cao Tổng thống |
Ali Khamenei Hassan Rouhani |
||||
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Ba Tư | ||||
Thủ đô | Tehran |
||||
Thành phố lớn nhất | Tehran | ||||
Địa lý | |||||
Diện tích | 1.648.195 km² (hạng 17) | ||||
Diện tích nước | 0,7% % | ||||
Múi giờ | UTC+3:30; mùa hè: UTC+4:30¹ | ||||
Lịch sử | |||||
Cách mạng
|
|||||
Ngày thành lập | 11 tháng 2, 1979 (22 tháng Bahman, 1358) |
||||
Dân cư | |||||
Dân số ước lượng (2012) | 78.868.711[1] người (hạng 18) | ||||
Dân số (1996) | 60.000.000 người | ||||
Mật độ | 41 người/km² (hạng 128) | ||||
Kinh tế | |||||
GDP (PPP) (2005) | Tổng số: 560.348 tỉ Mỹ kim | ||||
HDI (2006) | 0,736 trung bình (hạng 99) | ||||
Đơn vị tiền tệ | Rial Iran (IRR ) |
||||
Thông tin khác | |||||
Tên miền Internet | .ir | ||||
¹ Quy ước giờ mùa hè được áp dụng từ 21 tháng 9 đến 18 tháng 3. |
Cộng hòa Hồi giáo Iran (tiếng Ba Tư: جمهوری اسلامی ايران Jomhūrī-ye Eslāmī-ye Īrān), gọi đơn giản là Iran (ايران Īrān), là một quốc gia ở Trung Đông, phía tây nam của châu Á. Trước 1935, tên của nước này là Ba Tư. Hiện tại, tên Hán-Việt của Iran là Y Lãng.
Iran giáp với Armenia, Azerbaijan, và Turkmenistan về phía bắc, Pakistan và Afghanistan về phía đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq về phía tây. Nó cũng giáp biển Caspia về phía bắc. Vịnh Ba Tư (thuộc Iran) là vùng vành đai nông của Ấn Độ Dương nằm giữa Bán đảo Ả Rập và vùng tây nam Iran.
Niềm tin tôn giáo chính thống là chi phái Mười hai giáo trưởng (imam) của phái Jafari, trong hệ phái Shi’a[2] của Islam. Theo thống kê 1986, 98,5% dân số theo đạo Hồi (trong đó khoảng 8% theo hệ phái Sunni, còn lại là hệ phái Shi’a). Các tôn giáo khác gồm có Hỏa giáo (Zoroastrianism), Cơ Đốc giáo, và Do Thái giáo.
Năm mới theo lịch Ba Tư (Norouz) bắt đầu từ 21 tháng 3 lịch Gregory. Thứ Sáu là ngày cầu nguyện chính và cũng là ngày nghỉ cuối tuần. Ngôn ngữ chính là tiếng Ba Tư. Thảm dệt tay Ba Tư của Iran nổi tiếng trên thế giới. Iran là nước đứng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu dầu mỏ. Iran là một quốc gia cũng áp dụng tiết kiệm ánh sáng ban ngày vào mùa hè.
Mục lục
Tên
Ở thời Achaemenid người Ba Tư gọi đất nước của họ là Pārsa, tên theo tiếng Ba Tư cổ có nghĩa họ hàng của Cyrus Đại đế. Thời Sassanid, họ gọi nó là Iran, có nghĩa “Vùng đất của những người Aryan“. Người Hy Lạp gọi nước này là Persis; chuyển sang tiếng Latin thành Persia, cái tên được sử dụng rộng rãi ở Phương Tây.[3][4][5]
Ở thời hiện đại, đã có sự tranh cãi về nguồn gốc các tên gọi của thực thể – Iran và Persia (Ba Tư). Ngày 21 tháng 3, 1935, Reza Shah Pahlavi đưa ra một nghị định yêu cầu các phái đoàn nước ngoài phải sử dụng thuật ngữ Iran trong các văn bản ngoại giao. Sau khi các học giả lên tiếng phản đối, Mohammad Reza Pahlavi thông báo năm 1959 rằng cả hai cái tên Persia (Ba Tư) và Iran đều có giá trị và có thể sử dụng thay thế lẫn nhau. Cuộc Cách mạng năm 1979 dẫn tới việc thành lập nhà nước thần quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên, danh từ Persia và tính từ Persian vẫn được sử dụng thường xuyên.
Hiện nay, tại xứ này người Ba Tư (Persia) chỉ chiếm khoảng 51% dân số. Danh từ Iran (tộc Âu Ấn) bao gồm người Ba Tư và thêm vài dân tộc khác như Kurd, Baloch,… chỉ định được khoảng 70% dân số nên được nhiều người trong xứ thích dùng hơn.
Lịch sử
Iran đã là nơi sinh sống của con người từ thời tiền sử và những khám phá gần đây bắt đầu cho thấy những dấu tích về các nền văn hóa thời kỳ sớm ở Iran, hàng thế kỷ trước khi những nền văn minh sớm nhất bắt đầu xuất hiện ở gần Lưỡng Hà.[6] Sử ghi chép của Ba Tư (Iran) bắt đầu từ khoảng năm 3200 TCN ở nền văn minh Tiền-Elamite và tiếp tục với sự xuất hiện của người Aryan và sự thành lập Triều đại Medes, tiếp đó là Đế chế Achaemenid năm 546 TCN. Alexandros Đại đế đã chinh phạt Ba Tư năm 331 TCN, hai triều đại tiếp sau Parthia và Sassanid cùng với Achaemenid là những Đế chế tiền Hồi giáo vĩ đại nhất của Ba Tư.
Sau cuộc chinh phục Ba Tư của Hồi giáo, nước này trở thành trung tâm Thời đại Hoàng kim Hồi giáo, đặc biệt ở thế kỷ thứ 9 và thế kỷ thứ 11. Thời kỳ Trung Đại là thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn trong vùng. Từ năm 1220, Ba Tư bị Đế quốc Mông Cổ dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, tiếp đó là Timur xâm chiếm. Quốc gia Hồi giáo Shi’a Ba Tư đầu tiên được thành lập năm 1501 dưới Triều đại Safavid. Ba Tư dần trở thành nơi tranh giành của các cường quốc thuộc địa như Đế quốc Nga và Đế chế Anh.
Cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản và quá trình hiện đại hoá ở cuối thế kỷ 19, mong ước thay đổi dẫn tới cuộc Cách mạng Hiến pháp Ba Tư năm 1905–1911. Năm 1921, Reza Shah Pahlavi tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Triều đình Qajar. Là người ủng hộ hiện đại hoá, Reza Shah đưa ra các kế hoạch phát triển công nghiệp, xây dựng đường sắt, và thành lập một hệ thống giáo dục quốc gia, nhưng sự cầm quyền độc tài của ông khiến nhiều người Iran bất mãn.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Anh và Liên xô xâm chiếm Iran từ 25 tháng 8 đến 17 tháng 9, 1941, chủ yếu để bảo vệ các giếng dầu của Iran và hành lang hậu cần của họ. Đồng Minh buộc Shah phải thoái vị nhường chỗ cho con trai, Mohammad Reza Pahlavi, người họ hy vọng sẽ ủng hộ phe Đồng Minh hơn. Năm 1953, sau vụ quốc hữu hoá Công ty dầu mỏ Anh-Iran, vị Thủ tướng dân bầu, Mohammed Mossadegh, tìm cách thuyết phục Shah rời bỏ đất nước. Shah từ chối, và chính thức cách chức vị Thủ tướng. Mossadegh không chấp nhận rời bỏ chức vụ, và khi ông ta rõ ràng bộc lộ ý định chiến đấu, Shah buộc phải sử dụng tới kế hoạch mà Anh/Mỹ đã trù tính trước cho ông, đôi khi kế hoạch cũng được gọi là “Chiến dịch Ajax“, bay tới Baghdad rồi từ đó sang Rome, Italy.
Nhiều vụ phản kháng đông đảo nổ ra khắp đất nước. Những người ủng hộ và phản đối chế độ quân chủ đụng độ với nhau trên đường phố, khiến 300 người thiệt mạng. Quân đội can thiệp, xe tăng của những sư đoàn ủng hộ Shah bắn vào thủ đô và máy bay ném bom vào dinh Thủ tướng. Mossadegh đầu hàng và bị bắt ngày 19 tháng 8, 1953. Mossadegh bị xét xử tội phản quốc và bị kết án ba năm tù.
Triều đình Shah được tái lập, quyền lực được Anh và Mỹ trao vào tay Shah Mohammad Reza Pahlavi. Ông này ngày càng trở nên độc tài, đặc biệt vào cuối thập kỷ 1970. Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Anh và Mỹ, triều đình Shah từ chối tiếp tục hiện đại hóa các ngành công nghiệp Iran, nhưng lại đàn áp phe đối lập trong tầng lớp tăng lữ dòng Hồi giáo Shia và những người ủng hộ dân chủ.
Thập kỷ 1970, Ayatollah Ruhollah Khomeini chiếm được cảm tình của đa số dân Iran. Những người Hồi giáo, cộng sản và những người theo đường lối tự do tiến hành cuộc Cách mạng Iran năm 1979, triều đình Shah bỏ chạy khỏi đất nước, sau đó Khomeini lên nắm quyền lực lập ra một nhà nước Cộng hòa Hồi giáo. Hệ thống mới lập ra những luật lệ Hồi giáo và quy định quyền cai trị trực tiếp ở mức cao nhất từ trước tới nay cho giới tăng lữ. Chính phủ chỉ trích mạnh mẽ phương Tây, đặc biệt là Mỹ vì đã ủng hộ triều đình Shah. Các quan hệ với phương Tây trở nên đặc biệt căng thẳng năm 1979, sau khi các sinh viên Iran bắt giữ các nhân viên Đại sứ quán Mỹ. Sau này, Iran đã tìm cách xuất khẩu cuộc cách mạng của mình ra nước ngoài, ủng hộ các nhóm quân sự chống phương Tây như nhóm Hezbollah ở Liban. Từ năm 1980 đến 1988, Iran và nước láng giềng Iraq lao vào một cuộc chiến đẫm máu Chiến tranh Iran-Iraq.
Ngày nay cuộc đấu tranh giữa những người theo đường lối cải cách và bảo thủ vẫn đang diễn ra thông qua các cuộc bầu cử chính trị, và là vấn đề trung tâm trong cuộc Bầu cử tổng thống Iran 2005, kết quả Mahmoud Ahmadinejad thắng cử. Từ đó, căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ, đặc biệt về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran ngày càng gia tăng. Iran tuyên bố họ có quyền nghiên cứu năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình, theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà họ đã ký kết.[7]. Có báo cáo rằng Chính quyền Bush vẫn chưa loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Iran, và nếu điều này diễn ra đây sẽ là lần sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.[8]. Các thành viên khác của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, đặc biệt là Nga, Trung Quốc phản đối hành động quân sự. Đáng chú ý, gần đây Iran đã được bầu vào ghế phó chủ tịch Ủy ban giải giới Liên hiệp quốc.[9] Gần đây, Iran thông báo họ đang nghiên cứu xây dựng một máy ly tâm P2, có thể được sử dụng để phát triển các vũ khí hạt nhân.[10]
Chính trị
Hệ thống chính trị nước Cộng hòa Hồi giáo dựa trên Hiến pháp năm 1979 được gọi là “Qanun-e Asasi” (“Luật pháp cơ bản”). Hệ thống gồm nhiều kết nối phức tạp giữa các cơ quan chính phủ, đa số lãnh đạo đều do chỉ định.
Lãnh tụ tối cao
Lãnh tụ tối cao Iran chịu trách nhiệm phác họa và giám sát “các chính sách chung của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Lãnh tụ tối cao là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, kiểm soát tình báo quân đội và các hoạt động an ninh; và có độc quyền tuyên chiến. Các lãnh đạo tư pháp, mạng lưới phát thanh, truyền hình trong nước, chỉ huy cảnh sát và các lực lượng quân đội cùng sáu trong số mười hai thành viên Hội đồng bảo vệ Cách mạng được Lãnh tụ tối cao chỉ định. Hội đồng Chuyên gia bầu và bãi nhiệm Lãnh tụ tối cao dựa trên cơ sở đánh giá và sự quý trọng của nhân dân.[11] Hội đồng chuyên gia chịu trách nhiệm giám sát Lãnh tụ tối cao thi hành các trách nhiệm theo pháp luật.
Hội đồng bảo vệ Cách mạng
Hội đồng bảo vệ Cách mạng gồm 12 nhà làm luật (religious jurists), sáu người trong số đó do chỉ định của Lãnh tụ tối cao. Bộ trưởng tư pháp(cũng do Lãnh tụ tối cao chỉ định) sẽ giới thiệu nốt sáu thành viên kia, và họ sẽ được Nghị viện chính thức chỉ định. Hội đồng này có trách nhiệm giải thích hiến pháp và có thể phủ quyết Nghị viện. Nếu luật pháp không phù hợp với hiến pháp hay Sharia (luật Hồi giáo), nó sẽ được trao lại cho Nghị viện sửa đổi. Trong một lần thi hành quyền lực của mình, Hội đồng đã gây tranh cãi khi căn cứ trên một cách hiểu hẹp của hiến pháp Iran, phủ quyết các ứng cử viên nghị viện.
Hội đồng chuyên gia
Hội đồng chuyên gia họp một tuần mỗi năm, gồm 86 tăng lữ “đạo đức và thông thái” được bầu bởi những cá nhân trưởng thành có quyền bầu cử với nhiệm kỳ tám năm. Tương tự như các cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện, Hội đồng bảo vệ Cách mạng là cơ quan quyết định tư cách của ứng cử viên vào Hội đồng này. Hội đồng chuyên gia bầu ra Lãnh tụ tối cao và có quyền theo hiến pháp cách chức Lãnh tụ tối cao ở bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, Hội đồng này chưa từng phản đối bất kỳ một quyết định nào của Lãnh tụ tối cao.
Hành pháp
Hiến pháp quy định Tổng thống là người nắm quyền cao nhất quốc gia sau Lãnh tụ tối cao. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ bốn năm. Các ứng cử viên tổng thống phải được Hội đồng bảo vệ Cách mạng phê chuẩn trước khi được ra tranh cử. Tổng thống chịu trách nhiệm việc áp dụng Hiến pháp và thực hiện các quyền hành pháp, trừ những việc liên quan trực tiếp tới Lãnh tụ tối cao. Tổng thống chỉ định và giám sát Hội đồng bộ trường, phối hợp các quyết định của chính phủ, và lựa chọn các chính sách chính phủ để đưa ra trước nhánh lập pháp. Tám phó tổng thống và nội các gồm 21 bộ trưởng phục vụ dưới quyền Tổng thống, tất cả các viên chức này đều phải được nhánh lập pháp thông qua. Không giống như các quốc gia khác, nhánh hành pháp ở Iran không quản lý các lực lượng vũ trang. Dù Tổng thống chỉ định Bộ trưởng Tình báo và Quốc phòng, thông thường Tổng thống phải tham khảo ý kiến của Lãnh tụ tối cao trước khi đưa ra quyết định lựa chọn hai chức vụ đó để nhánh lập pháp bỏ phiếu tín nhiệm.
Nghị viện (Majles)
Nhánh lập pháp Iran chỉ có một viện là Majles-e Shura-ye Eslami (Hội đồng cố vấn Hồi giáo), gồm 290 thành viên được bầu với nhiệm kỳ bốn năm. Majlis chịu trách nhiệm làm luật, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế, và thông qua ngân sách quốc gia. Mọi ứng cử viên và thành viên Majlis đều phải được phê chuẩn từ Hội đồng bảo vệ Cách mạng.
Tòa án
Lãnh tụ tối cao chỉ định người đứng đầu nhánh tư pháp, và người này lại chỉ định ra lãnh đạo các Tòa án tối cao và các trưởng công tố. Iran có nhiều kiểu tòa án, gồm cả các tòa công chúng để xử các vụ dân sự và tội phạm, các “tòa án cách mạng” xử một số loại hành vi, như tội chống lại an ninh quốc gia. Các quyết định của tòa án cách mạng là tối cao và không thể được tái thẩm. Tòa án Tăng lữ Đặc biệt xử lý các vụ tội phạm được cho là do các tăng lữ thực hiện, dù nó cũng xử cả các vụ liên quan tới người thế tục. Các chức năng của Tòa án Tăng lữ Đặc biệt độc lập với cơ cấu tòa án thông thường và chỉ tuân theo Lãnh tụ tối cao. Những phán xử của tòa này là tối cao và không được tái thẩm.
Hội đồng lợi ích
Hội đồng lợi ích có quyền giải quyết các tranh chấp giữa Nghị viện và Hội đồng bảo vệ Cách mạng, và cũng là một cơ quan tư vấn của Lãnh tụ tối cao, biến nó trở thành một trong những cơ quan nắm nhiều quyền lực chính phủ nhất trong nước.
Các hội đồng thành phố và làng
Các hội đồng địa phương được bầu theo kiểu phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm tại mọi thành phố và làng mạc ở Iran. Theo điều 7, Hiến pháp Iran, các hội đồng địa phương đó cùng với Nghị viện là những “tổ chức đưa ra quyết định và hành chính của quốc gia”. Đoạn này của hiến pháp không được áp dụng cho tới tận năm 1999 khi các cuộc bầu cử hội đồng địa phương đầu tiên được tổ chức trên khắp đất nước. Các hội đồng có nhiều trách nhiệm, gồm bầu cử thị trưởng, giám sát các hoạt động tại khu vực; nghiên cứu xã hội, văn hoá, giáo dục, sức khoẻ, kinh tế và những yêu cầu chăm sóc xã hội bên trong khu vực của mình; đặt kế hoạch và phối hợp hành động với quốc gia trong việc thi hành các chương trình xã hội, kinh tế, xây dựng, văn hoá, giáo dục và các chương trình an sinh khác.
Hành chính
Cộng hòa Hồi giáo Iran có một hệ thống hành chính gồm 4 cấp trong đó có 3 cấp địa phương.
Cấp hành chính địa phương cao nhất là tỉnh (tiếng Iran: استان, ostān). Iran có 30 tỉnh.
Cấp hành chính địa phương cao thứ hai là thành phố tỉnh lỵ (مرکز markaz) và huyện (شهرستان shahrestān). Iran có 324 đơn vị cấp này.
Các thành phố tỉnh lỵ không được chia thành các đơn vị hành chính nhỏ hơn. Còn các huyện có thể gồm nhiều thị trấn (شهر shahr) và xã (دهستان dehestān). Một thị trấn trong huyện sẽ đồng thời là huyện lỵ của huyện. Iran có 982 thị trấn và 2378 xã.
Mỗi xã thường gồm nhiều thôn. Nhưng thôn không phải là đơn vị hành chính chính thức.
Địa lý và khí hậu
Iran có chung biên giới với Azerbaijan (chiều dài: 432 km / 268 dặm) và Armenia (35 km / 22 dặm) ở phía tây bắc, với Biển Caspia ở phía bắc, Turkmenistan (992 km / 616 dặm) ở phía đông bắc, Pakistan (909 km / 565 dặm) và Afghanistan (936 km / 582 dặm) ở phía đông, Thổ Nhĩ Kỳ (499 km / 310 dặm) và Iraq (1.458 km / 906 dặm) ở phía tây, và cuối cùng giáp với Vịnh Péc xích và Vịnh Oman ở phía nam. Diện tích lãnh thổ Iran 1.648.000 km² ≈636.300 dặm vuông (Đất liền: 1.636.000 km² ≈631.663 mi², Nước: 12.000 km² ≈4.633 mi²), gần tương đương Alaska.
Lãnh thổ Iran phần lớn là các dãy núi lởm chởm chia tách các lưu vực và cao nguyên. Khu vực đông dân cư ở phía tây cũng là vùng nhiều đồi núi nhất với các dãy Caucasus, Zagros và Núi Alborz—trên núi Alborz có điểm cao nhất Iran, Chỏm Damavand cao 5.604 m (18.386 ft). Vùng phía đông phần lớn là các lưu vực sa mạc không có người ở như vùng nhiễm mặn Dasht-e Kavir, và một số hồ muối.
Những đồng bằng lớn duy nhất nằm dọc theo Biển Caspia và phía bắc Vịnh Péc xích, nơi biên giới Iran chạy tới cửa sông Arvand (Shatt al-Arab). Những đồng bằng nhỏ, đứt quãng nằm dọc theo phần bờ biển còn lại của Vịnh Péc xích, Eo Hormuz và Biển Oman.
Khí hậu Iran phần lớn khô cằn hay bán khô cằn cho tới cận nhiệt đới ở dọc bờ biển Caspia. Ở rìa phía bắc đất nước (đồng bằng ven biển Caspia) nhiệt độ hầu như ở dưới không và khí hậu ẩm ướt quanh năm. Nhiệt độ mùa hè hiếm khi vượt quá 29°C (84°F). Lượng mưa hàng năm đạt 680 mm (26 in) ở vùng phía đông đồng bằng và hơn 1.700 mm (75 in) ở phía tây. Về phía tây, những khu dân cư tại các lưu vực núi Zagros thường có nhiệt độ thấp, khí hậu khắc nghiệt, tuyết rơi dày. Các lưu vực phía đông và trung tâm cũng có khí hậu khô cằn, lượng mưa chưa tới 200 mm (8 in) và có xen kẽ các sa mạc. Nhiệt độ trung bình mùa hè vượt quá 38 °C (100 °F). Các đồng bằng ven biển Vịnh Péc xích và Vịnh Oman ở phía nam Iran có mùa đông dịu, mùa hè rất nóng và ẩm. Lượng mưa hàng năm từ 135 đến 355 mm (6 to 14 in).
Kinh tế
Kinh tế Iran là sự hoà trộn giữa tập trung hoá kế hoạch, quyền sở hữu nhà nước với các công ty dầu mỏ và các doanh nghiệp lớn, nông nghiệp làng xã, và các công ty thương mại, dịch vụ tư nhân nhỏ.
Chính quyền hiện tại tiếp tục theo đuổi các kế hoạch cải cách thị trường của chính phủ tiền nhiệm và đã thông báo rằng họ sẽ thay đổi nền kinh tế dựa nhiều vào dầu mỏ của Iran. Chính quyền đang tìm cách thực hiện mục tiêu trên thông qua việc đầu tư các khoản lợi nhuận vào các lĩnh vực như sản xuất ô tô, công nghiệp hàng không vũ trụ, hàng điện tử tiêu dùng, hoá dầu và công nghệ hạt nhân. Iran cũng hy vọng thu hút được hàng tỷ dollar đầu tư nước ngoài bằng cách tạo ra một môi trường đầu tư dễ chịu hơn, như giảm các quy định hạn chế và thuế nhập khẩu, thiết lập các vùng thương mại tự do như Chabahar và đảo Kish. Nước Iran hiện đại có một tầng lớp trung lưu mạnh và một nền kinh tế tăng trường nhưng vẫn tiếp tục phải đương đầu với tình trạng lạm phát và thất nghiệp ở mức cao.
Thâm hụt ngân sách Iran từng là một vấn đề kinh niên, một phần vì những khoản trợ cấp to lớn của nhà nước – tổng cộng lên tới 7.25 tỷ dollar một năm–gồm thực phẩm và đặc biệt là xăng dầu. Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC, mỗi ngày nước này xuất khẩu từ bốn đến năm triệu barrels dầu mỏ, Iran chiếm 10% lượng dữ trự dầu đã được xác nhận trên thế giới. Iran cũng là nước có trữ lượng khí tự nhiên thứ hai thế giới (sau Nga). Thị trường dầu mỏ phát triển mạnh năm 1996 giúp nước này giải toả bớt sức ép tài chính và cho phép Tehran kịp chi trả các khoản nợ.
Lĩnh vực dịch vụ đã có sự tăng trưởng lâu dài lớn nhất theo tỷ lệ đóng góp vào GDP, nhưng vẫn còn chưa vững chắc. Đầu tư nhà nước đã giúp nông nghiệp phát triển mạnh với việc tự do hoá sản xuất và cải thiện đóng gói cũng như tiếp cận thị trường giúp phát triển các thị trường xuất khẩu mới. Các dự án tưới tiêu lớn, và các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu mới như chà là, hoa và quả hồ trăn, khiến lĩnh vực này có được sự tăng trưởng cao nhất so với toàn bộ nền kinh tế trong phần lớn thời gian thập niên 1990. Dù trải qua nhiều năm hạn hán liên tiếp: 1998, 1999, 2000 và 2001 khiến sản lượng giảm mạnh, nông nghiệp vẫn là một trong những khu vực sử dụng nhiều lao động nhất, chiếm 22% nguồn nhân lực theo cuộc điều tra năm 1991. Iran cũng đa phát triển công nghệ sinh học, công nghệ nano, và công nghiệp dược phẩm. Về năng lượng, nước này hiện đang dựa vào các phương pháp quy ước, nhưng tới tháng 3 năm 2006, việc tinh chế uranium – chướng ngại lớn cuối cùng trên con đường phát triển năng lượng hạt nhân — đã diễn ra.
Các đối tác thương mại chính của Iran là Pháp, Đức, Ý, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ cuối thập kỷ 1990, Iran đã tăng cường hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển khác như Syria, Ấn Độ, Cuba, Venezuela và Nam Phi. Iran hiện đang mở rộng quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan và cùng có chung mục đích thiết lập một thị trường kinh tế duy nhất ở Tây và Trung Á với các đối tác.
Dân cư
Dân số Iran đã tăng trưởng mạnh trong nửa cuối thế kỷ 20, đạt tới khoảng 70 triệu người vào năm 2006. Trong những năm gần đây, có vẻ chính phủ Iran đã đưa ra các biện pháp kiểm soát mức độ tăng dân số cao và nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng tỷ lệ tăng dân số của Iran chỉ có thể giảm sau khi đạt tới mức sinh thay thế và ổn định vào năm 2050 (100 triệu người).[12][13][14]
Cộng đồng Do Thái ở Iran được ước tính hơn ba triệu người, đa số họ đã di cư sang Bắc Mỹ, Tây Âu, và Nam Mỹ, sau cuộc Cách mạng Iran. Iran cũng có số lượng người tị nạn đông nhất thế giới, với hơn một triệu người, đa số từ Afghanistan và Iraq. Chính sách chính thức của chính phủ và các nhân tố xã hội muốn tái hồi cư số người này.[11][15][16]
Đa số dân chúng sử dụng một trong những ngôn ngữ Iran, gồm ngôn ngữ chính thức, tiếng Ba Tư. Trong khi về số lượng, tỷ lệ và cách định nghĩa các dân tộc khác nhau ở Iran hiện vẫn còn đang gây tranh cãi, các nhóm sắc tộc chính và thiểu số gồm người Ba Tư (51%), Azeris (24%), Gilaki và Mazandarani (8%), Kurds (7%), Ả rập (3%), Baluchi (2%), Lurs (2%), Turkmens (2%), Qashqai, Armenia, Ba Tư Do Thái, Gruzia, người Assyri, Circassia, Tats,Pashtuns và các nhóm khác (1%).[17] Số lượng người sử dụng tiếng Ba Tư là tiếng mẹ đẻ tại Iran được ước tính khoảng 40 triệu.[18] Phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống giáo dục và việc di cư tới các thành phố lớn khiến đa số dân Iran nói và hiểu được tiếng Ba Tư. Iran có tỷ lệ biết đọc viết là 79.4%. Đa số dân Iran là người Hồi giáo; 90% thuộc nhánh Shi’a của Đạo Hồi, tôn giáo chính thức của quốc gia và khoảng 9% thuộc nhánh Sunni (đa số họ là người Kurds). Số còn lại là thiểu số theo các tôn giáo phi Hồi giáo, chủ yếu là Bahá’ís, Mandeans, Hỏa giáo, Do Thái giáo và Thiên chúa giáo.[17] Ba nhóm thiểu số tôn giáo cuối cùng ở trên được công nhận và bảo vệ, và được dành riêng ghế bên trong Majles (Nghị viện). Trái lại, Đức tin Bahá’í, thiểu số tôn giáo lớn nhất ở Iran, không được chính thức công nhân, và từng bị đàn áp trong thời gian tồn tại ở Iran. Từ cuộc cách mạng năm 1979 những vụ đàn áp và hành quyết ngày càng tăng. Những vụ đàn áp Bahá’ís gần đây khiến Cao uỷ nhân quyền Liên hiệp quốc phải đề cập trong bản báo cáo ngày 20 tháng 3, 2006 rằng “những hành động [đàn áp tôn giáo] ngày càng tăng gần đây cho thấy tình hình đối xử với các thiểu số tôn giáo ở Iran, trên thực tế, đang xấu đi.” [19]
Các thành phố lớn
Iran là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng đô thị cao nhất trên thế giới. Từ năm 1950 đến 2002 tỷ lệ dân đô thị trên tổng dân số tăng từ 27% lên tới 60%.[20][21] Liên hiệp quốc dự báo rằng tới năm 2030 dân thành thị Iran sẽ đạt tới 80% tổng dân số.[21] Đa số dân di cư tới sống tại các thành phố Tehran, Isfahan, Ahwaz, và Qom. Tehran là thành phố lớn nhất với 7.160.094 dân (vùng đô thị: 14.000.000). Hơn một nửa các ngành công nghiệp đất nước hiện diện ở thành phố này như chế tạo ô tô, điện tử và thiết bị điện, vũ khí quân sự, dệt may, đường, xi măng, và các sản phẩm hoá chất. Mashhad, một trong những thành phố thiêng liêng nhất của người Hồi giáo Shi’a, là thành phố lớn thứ hai với 2.8 triệu dân.
Dân số tám thành phố lớn nhất (2006) như sau (ước tính không đô thị):[22]
Văn hoá
Iran có một lịch sử nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc, thi ca, triết học, truyền thống, và hệ tư tưởng dài lâu.
که ایران بهشت است یا بوستان
همی بوی مشک آید از دوستان
“Dù mọi người có thể coi Iran là Eden hay Vườn Ba Tư,
Mùi xạ hương lan toả tại đó từ những người bạn và đôi lứa.”
—Firdawsi
همه عالم تن است و ایران دل
نیست گوینده زین قیاس خجل
“Iran là Trái Tim còn toàn thể vũ trụ là Thể Xác,
Khi nghĩ như vậy, thi sĩ không còn cảm thấy hối tiếc hay nhỏ mọn.”
—Nizami
Văn học Ba Tư được các học giả Ba Tư cũng như nước ngoài đánh giá rất cao. Ngôn ngữ Ba Tư đã được sử dụng trong hơn 2.500 năm và để lại những dấu ấn rõ rệt trong ngôn ngữ viết. Thơ ca Iran được cả thế giới chú ý vì những dòng thơ và bài ca tuyệt đẹp với các nhà thơ như Hafez, Rumi, Omar Khayyam, và Firdowsi.
Với 300 giải thưởng quốc tế trong hai nhăm năm qua, các bộ phim Iran tiếp tục được đón nhận trên khắp thế giới. Có lẽ đạo diễn nổi tiếng nhất là Abbas Kiarostami. Toàn bộ các phương tiện truyền thông ở Iran đều bị kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp từ nhà nước và phải được Bộ hướng dẫn Hồi giáo cho phép. Trong số này gồm cả Internet, đang ngày càng trở thành phương tiện tiếp cận thông tin và thể hiện bản thân phổ biến nhất của giới trẻ. Iran là nước có số lượng bloggers đứng thứ tư thế giới.
Sự tìm kiếm công bằng xã hội và sự công bằng là một đặc điểm quan trọng trong văn hoá Iran. Sự tôn trọng người già và sự hiếu khách cũng là một phần không thể thiếu trong phép xã giao Iran.
Năm mới của Iran (Norouz) diễn ra ngày 21 tháng 3, ngày đầu tiên của mùa xuân. Norouz được UNESCO liệt vào danh sách Các di sản truyền khẩu và phi vật thể Nhân loại năm 2004.[23]
Trong cuốn sách, New Food of Life của mình, Najmieh Batmanglij đã viết rằng “thức ăn ở Iran có nhiều điểm chung với văn hoá ẩm thực vùng Trung Đông, nhưng thường được coi là tinh vi và sáng tạo nhất trong số đó, nhiều màu sắc và phức tạp như một tấm thảm Ba Tư.”
Xem thêm
Tham khảo
- ^ Dân số các Quốc Gia trên Thế Giới, CIA World Factbook ước tính
- ^ Hệ phái Shi’a có hai nhánh lớn là Zaydi (năm giáo trưởng) (Fivers) và Jafari. Nhánh Jafari có hai phái lớn là Ismaili (Bảy giáo trưởng) (Seveners) và “Mười hai giáo trưởng” (Twelvers).
- ^ American Heritage Dictionary (Fourth Edition), Bartleby.com. “”Aryan””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ National Virtual Translation Center, Government of the U.S.A. “”The Indo-Iranian Branch of the Indo-European Language Family””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Department of Languages and Cultures of Asia, University of Wisconsin. “”Iranian Languages””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Oriental Institute, University of Chicago. “”Iranian Pottery””. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2006.
- ^ World News website, BBC. “”Iran breaks seals at nuclear site””. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2006.
- ^ Online edition, Telegraph Group Limited. “”Bush is planning nuclear strikes on Iran’s secret sites””. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2006.
- ^ International, CNSNews.com. “”Iran Elected to UN Disarmament Commission””. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2006.
- ^ Special Report, New York Times. “”New worry rises after Iran claims nuclear steps””. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2006.
- ^ a ă Federal Research Division, Library of Congress. “”Iran – The Constitution””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Census Bureau, Government of the U.S.A. “”IDB Summary Demographic Data for Iran””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Asia-Pacific Population Journal, United Nations. “”A New Direction in Population Policy and Family Planning in the Islamic Republic of Iran””. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Iran News, Payvand.com. “”Iran’s population growth rate falls to 1.5 percent: UNFP””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ World News, BBC.co.uk. “”Iran’s Afghan refugees feel pressure to leave””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Integrated Regional Information Networks, UN Office for the Coordination of Humanitarian Affairs. “”Extension of Afghan repatriation agreement under possible threat””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ a ă World Factbook, CIA. “”Iran””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ World Factbook, C.I.A. “”Iran – People””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Special Rapporteur, United Nations High Commissioner for Human Rights. “”Special Rapporteur on Freedom of Religion or Belief concerned about treatment of followers of Bahá’í faith in Iran””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Payvand. “”Iran: Focus on reverse migration””. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2006.
- ^ a ă Cultural Heritage New Agency. “”Tourism and Travel: About Iran””. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2006.
- ^ Stefan Helders, World Gazetteer. “”Iran: largest cities and towns and statistics of their population””. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
- ^ Iran News, Payvand.com. “”Nowrouz Vital Meeting to be Held in Tehran””. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2006.
Liên kết ngoài
Liên kết chính thức
![]() |
Tra iran trong từ điển mở tiếng Việt Wiktionary |
![]() |
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Iran |
![]() |
Wikivoyage có chỉ dẫn du lịch về Iran |
- Official website of the Supreme Leader of Iran
- Official website of the President of Iran
- (tiếng Ba Tư) Official website of the Council of Guardians of Iran
- (tiếng Ba Tư) Official website of the Majlis (Legislature) of Iran
- Official website of the Judiciary of Iran
- Official website of the Ministry of Foreign Affairs
- Official website of the Spokesman of the Government of Iran
- Official website of the Atomic Energy Organization of Iran
- Official website of the Iranian Cultural Heritage Organization
- (tiếng Ba Tư) Official website of Islamic Republic of Iran Broadcasting
Liên kết khác
- The Constitution of Iran (translated) (Iranologyfo.com)
- Slideshow: Iran, from Damavand to Ispahan (Round Planet.com)
- Encyclopaedia Iranica
- CIA World Factbook – Iran
- Congressional Research Service (CRS) Reports: Iran
- U.S. State Department – Iran including Background Notes, Country Study and major reports
- Open Directory Project – Iran directory category
- Center for Nonproliferation Studies at Monterey Institute of International Studies – Iranian weapons capabilities
- BBC News interactive maps detailing Iran’s people, land and infrastructure
- (tiếng Ba Tư) Farhangsara.com – an independently-produced Iranian encyclopedia
- (tiếng Ba Tư) Jazirehdanesh.com
- Famous Iranians – includes biography and pictures
- Iran News Sites
- News from Iran Blog Channel 4 News.
- Country Briefings: Iran Economist.com country briefings and news articles.
- Directory of Iranian online newspapers Gooya.com
- Iran News HavenWorks.com news portal on Iran.
- Governing Iran PBS NewsHour special on Iranian politics.
- Yahoo! News Full Coverage Iran Yahoo headline links
- Sarkhat news aggregator – Latest news from Iran
- Guardian section about Iran
|
|
- Iran
- Nước và vùng lãnh thổ nói tiếng Ba Tư
- Cộng hòa Hồi giáo
- Quốc gia Hồi giáo
- Tây Á
- Các nước khối G15
Johann Sebastian Bach
Johann Sebastian Bach | |
---|---|
![]() Chân dung Bach,
tranh Haussmann, 1748 |
|
Sinh | 21 tháng 3, 1685 Eisenach, Đức |
Mất | 28 tháng 6, 1750 (65 tuổi) Leipzig, Đức |
Học vị | Trường St Michael, Lüneburg, Đức |
Công việc | nhà soạn nhạc; nghệ sĩ organ, vĩ cầm, đại hồ cầm, harpsichord |
Tín ngưỡng | Lutheran |
Vợ (hoặc chồng) | Maria Barbara (1706 – 1720); Magdalena Wilcke (1721 – 1750) |
Chữ ký | |
![]() |
Johann Sebastian Bach[1] (21 tháng 3, 1685 – 28 tháng 7, 1750) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ, vĩ cầm, đại hồ cầm, và đàn harpsichord người Đức thuộc thời kỳ Baroque (1600 – 1750). Nhờ kỹ năng điêu luyện trong cấu tạo đối âm, hòa âm, và tiết tấu, cũng như khả năng điều tiết nhịp điệu, hình thái, và bố cục âm nhạc nước ngoài, nhất là từ Ý, và Pháp, Bach đã góp phần làm giàu nền âm nhạc Đức. Nhiều sáng tác của Bach vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay như Brandeburg Concertos, Mass cung Si thứ, The Well-Tempered Calvier, những bản cantata, những bài hợp xướng, những partita, passion, và những bản nhạc dành cho organ. Âm nhạc của Bach được xem là có chiều sâu trí tuệ, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn, và thấm đẫm nét đẹp nghệ thuật.
Bach chào đời ở Eisenach, Saxe-Eisenach, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc; thân phụ ông, Johann Ambrosius Bach, phụ trách âm nhạc cho thị trấn, tất cả chú bác của ông đều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Cậu bé Bach được bố dạy chơi vĩ cầm, harpsichord, chú Johann Christoph Bach dạy chơi clavichord và giới thiệu về âm nhạc đương đại.[2][3] Bach đến học ở Trường St Michael tại Lüneburg nhờ khả năng xướng âm của cậu. Sau khi tốt nghiệp, Bach giữ một vài vị trí chuyên trách âm nhạc trên nước Đức: giám đốc âm nhạc cho Leopold, Hoàng tử Anhalt- Köthen; nhạc trưởng ở nhà thờ St Thomas tại Leipzig; và nhà soạn nhạc cung đình cho August III.[4][5] Từ năm 1749, sức khỏe và thị lực của Bach bị suy giảm, đến ngày 28 tháng 7, 1750, ông từ trần. Các sử gia đương đại tin rằng Bach chết do biến chứng của cơn đột quị và do bệnh phổi.[6][7][8]
Sinh thời, dù được trọng vọng khắp Âu châu như là một nghệ sĩ organ tài năng, mãi đến nửa đầu thế kỷ 19 Bach mới được nhìn nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại khi người ta bắt đầu quan tâm đến tài năng âm nhạc của ông. Ngày nay, ông được xem là một trong những nhà soạn nhạc có nhiều ảnh hưởng nhất của thời kỳ Baroque, và là một trong số những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất từ trước đến nay.[9]
Mục lục
Cuộc đời
Thời thơ ấu (1685 – 1703)
Johann Sebastian Bach sinh tại Eisenach, Saxe-Eisenach ngày 21 tháng 3, 1685, là con trai của Johann Ambrosius Bach, phụ trách âm nhạc cho thị trấn, và Maria Elisabeth Lämmerhirt.[10] Cậu là con thứ tám của Johann Ambrosius, (con trai đầu của ông được 14 tuổi khi Bach ra đời),[11] người đã dạy Bach chơi vĩ cầm cũng như lý thuyết âm nhạc căn bản.[12] Các chú bác của Bach đều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp như nghệ sĩ organ cho nhà thờ, nhạc sĩ cung đình, và nhà soạn nhạc. Chú Johann Christoph Bach dạy Bach chơi organ, một người anh họ của Bach, Johann Ludwig Bach, là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ organ nổi tiếng. Khoảng năm 1735, Bach soạn một quyển gia phả tựa đề “Nguồn gốc gia đình âm nhạc Bach”.[13]
Mẹ của Bach mất năm 1694, tám tháng sau cha cậu cũng qua đời.[5] Bach, mới 10 tuổi, đến sống với người anh cả, Johann Christoph Bach, nghệ sĩ đàn organ tại Nhà thờ Michael ở Ohrdruf, Saxe-Gotha-Altenburg.[14] Ở đây, người anh dạy cậu em chơi đàn clavichord, và giới thiệu các tác phẩm của những nhà soạn nhạc bậc thầy thời ấy như Johann Pachelbel (từng là thầy của Johann Christoph),[2] Johann Jakob Froberger,[3] Jean-Bapiste Lully, Louis Marchand, Marin Marais, và Girolamo Frescobaldi. Cũng trong thời gian này, cậu đến trường để học thần học, tiếng La-tinh, Hi văn, tiếng Pháp, và tiếng Ý.[15]
Lúc 14 tuổi, Bach nhận học bổng để theo học tại Trường St Michael danh giá ở Lüneburg.[16] Cùng với việc học biết về nền văn hóa châu Âu, Bach hát trong ca đoàn, chơi đàn organ và harpsichord.[15] Cậu cũng có cơ hội tiếp xúc với các con trai của những nhà quý tộc từ miền Bắc nước Đức đến học những môn học khác trong trường. Là một tài năng âm nhạc, Bach có dịp gặp gỡ những nghệ sĩ organ xuất sắc thời ấy ở Lüneburg, Böhm, và khu vực gần Hamburg như Johann Adam Reincken.[17]
Weimar, Arnstadt, và Mühlhausen (1703–1708)
Tháng 1, 1703, sau khi tốt nghiệp Bach nhận lời chơi đàn organ cho thị trấn Sangerhausen,[18][19] rồi được bổ nhiệm làm nhạc sĩ cung đình tại nhà nguyện của Công tước Johann Ernst ở Weimar. Nhiệm vụ của ông không rõ ràng, nhưng chắc chắn phải làm những công việc không liên quan đến âm nhạc như hầu bàn. Tuy nhiên, trong bảy tháng ở Weimar, Bach trở thành nghệ sĩ organ nổi tiếng, ông được mời kiểm tra và biểu diễn với chiếc đàn organ mới ở Nhà thờ St Boniface tại Arnstadt, khoảng 40 km tây nam Weimar.[20] Tháng 8, 1703, ông đến nhận việc tại St Boniface với nhiệm vụ nhẹ nhàng và khoản lương khá hậu hĩnh, và một chiếc đàn tốt còn mới.
Năm 1706, Bach đến chơi đàn organ cho Nhà thờ St Blasius ở Mühlhausen với thù lao, điều kiện làm việc, và ca đoàn đều tốt hơn. Bốn tháng sau, Bach kết hôn với Maria Barbara. Bốn trong số bảy người con của họ sống đến tuổi trưởng thành, trong đó có Wilhelm Friedemann Bach, và Carl Philipp Emanuel Bach, cả hai đều là những nhà soạn nhạc xuất sắc. Bach thuyết phục nhà thờ và hội đồng thành phố cấp một số tiền lớn để tân trang chiếc đàn organ của nhà thờ; đổi lại, Bach sáng tác một bản cantata lễ hội – Gott ist mein König, BWV 71— cho lễ nhậm chức của hội đồng trong năm 1708. Hội đồng cho phát hành, và tác phẩm là một thành công vang dội.[15]
Trở lại Weimar (1708 – 17)
Năm 1708, Bach rời Mühlhausen trở lại Weimar, lần này ông vừa chơi đàn organ vừa giữ vị trí vĩ cầm chính cho dàn nhạc hòa tấu tại cung điện công tước; tại đây, ông có cơ hội làm việc với nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp.[15] Năm sau, con đầu lòng của Bach ra đời, chị của Maria Barbara đến sống chung và giúp đỡ vợ chồng Bach cho đến khi bà qua đời năm 1729.
Tại Weimar, Bach khởi sự soạn những bản hòa tấu và nhạc dành cho bộ gõ, cũng như tiếp tục sáng tác và trình diễn đàn organ, và hòa tấu cho ban đồng diễn của công tước. Ông cũng viết những khúc nhạc dạo và tấu pháp về sau được đưa vào kiệt tác Das Wohltemperierte Clavier của ông.[21] gồm hai quyển biên soạn năm 1722 và 1744.[22]
Cũng tại Weimar, Bach soạn quyển “Organ cho Trẻ em” dành cho con trai đầu của ông, Wilhelm Friedmann, gồm những bản thánh ca Lutheran được soạn lại với cấu trúc phức tạp hơn được dùng để dạy đàn organ. Lúc ấy, những nhà âm nhạc học tranh luận xem bản cantata Giáng sinh Christen, ätzet diesen Tag, BWV 63, nên được trình diễn ở Halle năm 1713[24], hay nên đợi đến lễ kỷ niệm hai trăm năm cuộc Cải cách Kháng Cách tổ chức năm 1717.[25]
Dần dà, Bach không còn được hâm mộ ở Weimar, theo bản tường trình của một thư ký tòa án, ông bị bắt giam khoảng một tháng trước khi bị đuổi việc.[26]
Köthen (1717–23)
Năm 1717, Leopold, Hoàng tử xứ Anhalt-Köthen, thuê Bach làm giám đốc âm nhạc. Hoàng tử Leopold, cũng là một nhạc sĩ, trân trọng tài năng của Bach, trả lương hậu hĩnh, và để ông tự do trong sáng tác và trình diễn. Hoàng tử là người theo Thần học Calvin không cầu kỳ trong việc sử dụng âm nhạc trong thờ phượng, do đó, hầu hết sáng tác của Bach trong giai đoạn này không liên quan đến các chủ đề tôn giáo[27] như Orchestra Suites, Six Suites for Unaccompanied Cello, Sonatas and Partitas for Solo Violin, và Brandenburg Concertos.[28] Bach cũng soạn những bản cantata cho triều đình như Die Zeit, die Tag und Jahre macht, BWV 134a.
Mặc dù cùng tuổi, ngưỡng mộ nhau, và sống cách nhau chỉ 80 dặm, Bach và Handel chưa bao giờ gặp nhau. Năm 1719 Bach đi 20 dặm từ Köthen đến Halle để gặp Handel nhưng lại nhằm lúc Handel vừa rời khỏi thành phố.[29] Năm 1730, con trai của Bach, Friedmann đi Halle để mời Handel đến thăm gia đình Bach ở Leipzig, nhưng rồi chuyến viếng thăm chẳng bao giờ thực hiện được.[30]
Ngày 7 tháng 7, 1720, khi Bach đang ở nước ngoài với Hoàng tử Leopold, vợ của Bach đột ngột qua đời. Năm sau, ông gặp Anna Magdalena Wilcke, một ca sĩ tài năng giọng nữ cao nhỏ hơn Bach 17 tuổi, lúc ấy đang trình diễn tại triều đình ở Köthen; ngày 3 tháng 12, 1721, hai người kết hôn.[31] Tổng cộng họ có đến 13 người con, trong đó sáu người sống đến tuổi trưởng thành: Gottfried Heinrich, Johann Christoph Friedrich, Johann Christian, cả ba đều là những nhạc sĩ tài danh; Elisabeth Juliane Friederica (1726–81), kết hôn với học trò của Bach, Johann Christoph Altniko; Johanna Carolina (1737–81); và Regina Susanna (1742–1809).[32]
Leipzig (1723–50)
Năm 1723, Bach được bổ nhiệm phụ trách âm nhạc cho Trường St Thomas thuộc Nhà thờ St Thomas tại Leipzig, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc Âm nhạc cho ba nhà thờ chính trong thành phố: Nhà thờ St Nikolai, Nhà thờ St Pauline, và Nhà thờ Đại học Leipzig.[5] Đây là một vị trí được trọng vọng tại một trung tâm thương mại của Saxony, ông phục vụ ở đây suốt 27 năm cho đến khi qua đời.
Công việc của Bach là dạy hát cho học sinh Trường St Thomas và soạn nhạc cho các nhà thờ chính ở Leipzig. Bach cũng dạy tiếng La-tinh, và được phép sử dụng một phụ tá để thay thế ông trong nhiệm vụ này khi cần thiết. Người ta yêu cầu ông soạn một bản cantata cho mỗi lễ Chủ nhật, và cho những ngày lễ khác trong năm. Bach cũng thường trình diễn những bản cantata của riêng ông, hầu hết đều được sáng tác trong ba năm đầu ông đến sống ở Leipzig.[33] Phần lớn những sáng tác hòa tấu dẫn ý từ những chương phúc âm đọc trong lễ thờ phượng mỗi Chủ nhật và những ngày lễ được ấn định trong lịch giáo nghi của Giáo hội Luther.
Bach tuyển các giọng nữ cao và giọng nữ trầm từ Trường St Thomas, giọng nam cao và nam trầm từ trong và ngoài trường. Ca đoàn thường hát cho lễ thành hôn và tang lễ để kiếm thêm thu nhập; có lẽ vì mục đích này cũng như cho chương trình đào tạo của nhà trường mà Bach viết ít nhất là sáu motet (đoản khúc), năm trong số đó được soạn cho ca đoàn.[34] Trong nhà thờ, Bach thường trình bày các đoản khúc của những nhà soạn nhạc khác.[15]
Không chỉ sáng tác và trình diễn trong các thánh lễ, tháng 3 năm 1729, Bach nhận lời làm giám đốc Collegium Musicum, chương trình trình diễn do nhà soạn nhạc Georg Philipp Telemann khởi xướng. Đây là một trong số hàng tá những tổ chức tư nhân hình thành tại các thành phố nói tiếng Đức do các sinh viên đại học yêu thích âm nhạc thành lập, ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên đời sống âm nhạc của các thành phố, và thường được đặt dưới sự lãnh đạo của những nhạc sĩ chuyên nghiệp có uy tín. Theo nhận xét của Christoph Wolff, vị trí giám đốc đã giúp “củng cố ảnh hưởng của Bach trên các định chế âm nhạc then chốt tại Leipzig”.[35] Quanh năm, Collegium Musicum của Leipzig tổ chức những buổi trình diễn tại những địa điểm như Zimmermannsches Caffeehaus, một quán cà phê trên đường Catherine bên ngoài quảng trường chính. Nhiều sáng tác của Bach trong hai thập niên 1730 và 1740 được trình diễn bởi Collegium Musicum; trong số đó có những bài Clavier-Übung (thực hành bộ gõ) và nhiều bài viết cho hòa tấu violin và harpsichord.[15]
Năm 1733, Bach sáng tác Kyrie và Gloria trong Mass cung Mi thứ. Ông trình bản thảo cho Vua Ba Lan, Đại Công tước Lithuania và Tuyển đế hầu Saxony, August III; dần dà ông giành được sự tín nhiệm của nhà vua và được phong chức Nhà Soạn nhạc Hoàng cung.[4] Về sau ông phát triển sáng tác ấy thành bài Mass bằng cách thêm vào một Credo, Sanctus và Agnus Dei.
Địa vị Bach đạt được tại hoàng triều là một phần trong cuộc đấu tranh lâu dài với Hội đồng Thành phố Leipzig. Mặc dù toàn bộ tác phẩm Mass chưa lần nào được trình diễn khi Bach còn sống,[36] Mass được xem là một trong những bản hợp xướng vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Giữa năm 1737 và 1739, một học trò cũ của Bach, Carl Gotthelf Gerlach đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Collegium Musicum.
Năm 1747, Bach đến thăm triều đình Vua Friedrich II của Phổ (Friedrich Đại đế) tại Potsdam. Nhà vua chơi một đoạn nhạc và yêu cầu Bach sáng tác ngẫu hứng một khúc fugue dựa trên nền nhạc ấy. Bach soạn liền ba khúc fugue trên chiếc đàn piano của Friedrich, và từ sáng tác ngẫu hứng ấy, Bach trình nhà vua một tặng phẩm âm nhạc gồm những khúc fugue, canon và một trio dựa trên nền nhạc nhà vua đã chọn.
Cũng trong năm ấy, Bach gia nhập Correspondierende Societät der musicalischen Wissenschaften của Lorenz Christoph Mizler sau một thời gian dài chuẩn bị như là một thủ tục cần thiết để gia nhập hội. Mizler gọi người thầy cũ là một trong những “guten Freunde und Gönner” (người bạn và người đỡ đầu tốt) của ông”.[37] Việc gia nhập này là quan trọng bởi vì Mizler là một đại biểu nhiệt thành của trào lưu Khai sáng tại Đức và Ba Lan.[38] Tư cách hội viên của Bach cũng có một số tác dụng. Vào dịp này, ông sáng tác Einige canonische Veraenderungen, / über das / Weynacht-Lied: / Vom Himmel hoch da / komm ich her (BWV 769).[39] Năm 1746, trong giai đoạn chuẩn bị nhập hội, Elias Gottlob Hausmann vẽ bức chân dung nổi tiếng của Bach. Mỗi thành viên đều phải nộp một bức chân dung.[40] The canon triplex á 6 voc. (BWV 1076) viết về bức chân dung được đề tặng cho hội.[41]
Tác phẩm cuối cùng của Bach là phần dạo đầu bài thánh ca cho organ tựa đề Vor deinen Thron tret ich hiermit (Con về chầu trước bệ ngai Ngài, Bach-Werke-Verzeichnis|BWV 668a), sáng tác trước khi qua đời, được đề tặng cho con rể của ông, Johann Christoph Altnickol. Khi đếm những nốt trên ba khuông nhạc của đoạn kết và xếp chúng theo mẫu tự Roman sẽ xuất hiện ba chữ cái tên của ông “JSB”.[42]
Từ trần (1750)
Từ năm 1749, sức khỏe của Bach bắt đầu suy giảm; ngày 2 tháng 6, Heinrich von Brühl viết thư cho một trong những nhà lãnh đạo thành phố Leipzig yêu cầu để giám đốc âm nhạc của ông, Gottlob Harrer, thay thế các vị trí của Bach “trong trường hợp Ông Bach qua đời.”[24] Dần dà, Bach bị mù mắt, nhà phẫu thuật mắt người Anh, John Taylor, phẫu thuật cho Bach vào dịp Taylor ghé thăm Leipzig trong tháng 3 hoặc tháng 4, 1750.[43]
Ngày 28 tháng 7, 1750, Bach từ trần, hưởng thọ 65 tuổi. Một tờ báo cho rằng “hậu quả tai hại của một cuộc phẫu thuật mắt không thành công” đã gây ra cái chết.[44] Các sử gia đương đại suy đoán rằng nguyên nhân cái chết là một cơn đột quị do biến chứng từ bệnh lao.[6][7][8] Con trai Emanuel, và học trò Johann Friedrich Agricola, viết điếu văn cho Bach.[45]
Tài sản của Bach để lại gồm có năm đàn Clevecin, hai đàn lute-harpsichord, ba cây đàn vĩ cầm, hai đàn đại hồ cầm, hai cello, một viola da gamba, một đàn lute và một đàn spinet, cùng 52 quyển “sách thiêng”, trong đó có các tác phẩm của Martin Luther và Josephus.[46]
Bach được an táng tại Nghĩa trang Old St John ở Leipzig. Phần mộ của ông bị lãng quên trong gần 150 năm. Đến năm 1894, cuối cùng người ta cũng tìm thấy quan tài của Bach và được dời đến Nhà thờ St John. Trong thời kỳ Đệ nhị thế chiến, ngôi giáo đường này bị Đồng minh đánh bom, năm 1950, di hài của Bach được chôn cất tại Nhà thờ St Thomas ở Leipzig.[15]
Di sản
Một bản tiểu sử chi tiết của Bach được Loren Christoph Mizler (một học trò cũ) ấn hành trên tạp chí âm nhạc Musikalische Bibliothek năm 1754, bốn năm sau khi Bach qua đời. Cho đến nay, bản tiểu sử này vẫn được xem là nguồn tư liệu ban đầu “phong phú nhất và khả tín nhất” về Bach.[47]
Sau khi mất, danh tiếng của Bach như là một nhà soạn nhạc bị suy giảm; các sáng tác của ông bị xem là lỗi thời khi so sánh với thể loại nhạc cổ điển vừa mới xuất hiện.[48] Lúc ấy, ông chỉ được nhớ đến như là một nhạc công và một thầy dạy nhạc.
Đến cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, tài năng của Bach được công nhận rộng rãi nhờ những sáng tác của ông cho bộ gõ. Mozart, Beethoven, Chopin, Robert Schumann, và Felix Mendelssohn là những tên tuổi được liệt kê trong danh sách những người ngưỡng mộ Bach; họ bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến kỹ năng đối âm sau khi tiếp xúc với âm nhạc của Bach.[49] Beethoven miêu tả Bach là “Urvater der Harmonie“, “cha đẻ của hòa âm”.[50] Thanh danh của Bach lan tỏa rộng một phần nhờ quyển tiểu sử Bach của Johann Nikolaus Forkel phát hành năm 1802.[51] Felix Mendelssohn cũng đóng góp đáng kể cho nỗ lực phục hưng danh tiếng của Bach bằng cuộc trình diễn St Matthew Passion của Bach trong năm 1829 tại Berlin.[52] Năm 1850, Bach Gesellschaft (Hội Bach) được thành lập để quảng bá các tác phẩm của ông; năm 1899 Hội đã phát hành một ấn bản toàn tập các sáng tác của nhà soạn nhạc với rất ít sửa đổi về biên tập.
Tiến trình nhìn nhận giá trị âm nhạc cũng như ảnh hưởng giáo dục một số tác phẩm của Bach tiếp diễn trong suốt thế kỷ 20, đáng kể nhất là nỗ lực của Pablo Casals quảng bá Cello Suites (tuyển tập sáu bài viết cho đàn cello) của Bach.[53] Một đóng góp khác là phong trào “authentic” trình bày âm nhạc theo sát với chủ đích của nhà soạn nhạc, thí dụ như trình bày những bài viết cho bộ gõ với đàn harpsichord thay vì đàn piano lớn và sử dụng ca đoàn nhỏ hoặc giọng đơn ca thay vì những ca đoàn lớn và hùng hậu như thường thấy ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.[54] Âm nhạc của Bach thường được ví sánh với văn chương của William Shakespeare và thành quả khoa học của Isaac Newton.[55] Trong thế kỷ 20 ở nước Đức, người ta đặt tên đường và dựng tượng để tôn vinh ông. Hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào khác, âm nhạc của Bach xuất hiện ba lần trong Đĩa ghi vàng Voyager, mang những hình ảnh, tư liệu, âm thanh, ngôn ngữ, và âm nhạc chọn lọc về Trái Đất, văn hoá nhân loại đi khắp vũ trụ, với hi vọng một ngày nào đó, một nền văn minh ngoài Trái Đất sẽ có thể nhận được nó. Nó được coi là một phần trong chương trình Voyager.[56]
Phong cách âm nhạc
Phong cách âm nhạc của Bach lập nền trên kỹ năng của ông trong sáng tạo đối âm và kiểm soát nhạc tố, sự tinh tế của ông trong những đoạn ngẫu hứng, khả năng tiếp cận với âm nhạc Pháp, Ý, Bắc và Nam Đức, cũng như niềm đam mê tận hiến dành cho giáo nghi Lutheran. Từ khi còn bé, Bach đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhạc sĩ, sử dụng nhiều loại nhạc cụ, và khả năng sáng tác đã giúp ông phát triển một phong thái âm nhạc phóng khoáng và sung mãn. Từ giai đoạn 1713-14 trở về sau, ông học hỏi nhiều từ phong cách âm nhạc của người Ý.[57]
Trong thời kỳ Baroque, nhiều nhà soạn nhạc chỉ viết phần khung rồi dành phần tôn tạo cho những người trình diễn.[58] Phương pháp này được ứng dụng khác nhau trong các trường phái âm nhạc ở châu Âu; Bach ghi nốt cho hầu hết hoặc tất cả khung nhạc của ông, không còn chỗ cho trình diễn ngẫu hứng.
Bach được biết đến như một nhà soạn nhạc có khả năng kết hợp nhịp điệu của nhạc khiêu vũ Pháp, sự duyên dáng của ca khúc Ý, và sự tinh tế của kỹ thuật đối âm Đức – tất cả những đặc điểm này được thể hiện trong sáng tác của Bach. Song đối với Bach, âm nhạc không chỉ đơn thuần là âm nhạc; gần ba phần tư những sáng tác của ông tập chú vào các chủ đề tôn giáo. Nhiều người gọi Bach là “Người viết Phúc âm thứ năm”; ông còn được miêu tả như là “Nhà thần học viết bằng những phím đàn”.[59]
Bach có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa của Cơ Đốc giáo theo truyền thống Lutheran;[60] cùng lúc, chuẩn mực cao dành cho nền âm nhạc tôn giáo thời của ông đã giúp nhạc thánh chiếm vị trí trung tâm trong mục tiêu sáng tác của Bach. Ông là người mộ đạo chân thành và tận tụy, khi đang đảm trách vị trí nhạc trưởng tại Nhà thờ St Thomas ông cũng nhận lời dạy lớp giáo lý,[61] và soạn nhạc dựa trên nội dung các bài giảng giáo lý;[62] nhiều sáng tác của ông lập nền trên giai điệu hợp xướng thánh ca Lutheran. Cấu trúc qui mô lớn một số sáng tác của Bach cho nền thánh nhạc là chứng cứ thuyết phục về cung cách làm việc tinh tế, cần cù, và tỉ mỉ của ông. Lấy thí dụ, tác phẩm St Matthew Passion là câu chuyện kể cảm động và đầy kịch tích miêu tả sự thống khổ của Chúa Giê-xu – khởi đi từ bữa ăn cuối cùng với các môn đồ, bị phản bội, và bị bắt giữ trong vườn Gethsemane; rồi bị xét xử, bị đóng đinh trên thập tự giá, và được an táng – thông qua những đoạn rectative, aria, chorus, và chorale.[63] Cấu trúc của Easter Oratori, BWV 249, cũng giống The Cruxifixion.[64] Bach thường viết tắt SDG (Soli Deo Gloria – Vinh hiển chỉ thuộc về Thiên Chúa) vào cuối các bảng tổng phổ của ông.[65]
Bach viết nhiều cho bộ gõ theo thang bậc từ continuo đến độc tấu với những harpsichord concerto và obbligato bộ gõ.[66] Những đoạn độc tấu điêu luyện là yếu tố then chốt trong những tác phẩm khác của Bach như Prelude và Fugue cung Mi thứ, BWV 548 cho phong cầm.[67]
Trình diễn âm nhạc Bach
Ngày nay, những người trình diễn nhạc Bach thường theo một trong hai khuynh hướng: “trình diễn chân phương”, áp dụng kỹ thuật truyền thống; hoặc sử dụng nhạc cụ và kỹ thuật hiện đại. Trong thời của Bach, dàn nhạc giao hưởng và ca đoàn thường có quy mô nhỏ, ngay cả với những tác phẩm đầy tâm huyết như Mass cung Si thứ và những Passion, ông cũng viết cho những cuộc trình diễn có qui mô tương đối khiêm tốn.
Do được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và được sử dụng trong quảng cáo, âm nhạc của Bach được quảng bá rộng rãi trong hạ bán thế kỷ 20. Nhạc Bach theo phiên bản của nhóm nhạc a cappella Swingle Singers trở nên nổi tiếng (Air on the G string, hoạc Wachet Auf), cũng như Switched-On Bach của Wendy Carlos. Các nhạc sĩ nhạc Jazz cũng trình diễn nhạc Bach như Jacques Loussier, Ian Anderson, Uri Caine và Modern Jazz Quartet.[68]
Tác phẩm
Năm 1950, Wolfgang Schimeider thực hiện Bach Werke Verzeichnis (Tuyển tập các tác phẩm của Bach).[69] Schmieder dựa trên Bach Gesellschaft Ausgabe, ấn hành toàn bộ các sáng tác của Bach từ năm 1850 đến 1905: BWV 1 – 224 là những bản cantata; BWV 225 -249, những bản hợp xướng qui mô lớn trong đó có những bài Passion (Thương khó); BWV 250 – 524, những bài thánh ca; BWV 525 – 748, viết cho đàn organ; BWV 772–994, viết cho bộ gõ; BWV 995–1000, viết cho đàn lute; BWV 1001–40, nhạc thính phòng; BWV 1041–71, nhạc giao hưởng; và BWV 1072–1126, canons và fugue.[70]
Những sáng tác cho đàn organ
Suốt cuộc đời mình, Bach được biết đến nhiều nhất như là nghệ sĩ đàn organ, thầy dạy đàn organ, và là nhà soạn nhạc cho đàn organ cả trong hai thể loại truyền thống Đức – như prelude, fantasia, và toccata – cũng như trong các hình thái nghiêm nhặt hơn như chorale prelude và fugue. Từ khi còn trẻ tuổi, Bach đã làm nên tên tuổi nhờ tính sáng tạo và ý tưởng đem các loại hình âm nhạc nước ngoài vào các tác phẩm viết cho organ của ông. Ảnh hưởng từ miền Bắc nước Đức đến từ Georg Böhm, hai người từng gặp nhau ở Lüneburg, và Dieterich Buxtehude mà ông từng tiếp xúc khi đến thăm Lübeck năm 1704. Cũng trong giai đoạn này, Bach chép lại nhiều tác phẩm của những nhà soạn nhạc người Ý và người Pháp để có thể thấu suốt ngôn ngữ sáng tác.
Trong giai đoạn sáng tác đỉnh cao của mình (1708-14), Bach sáng tác những đôi prelude và fugue cũng như toccata và fugue, rồi Orgelbüchlein (Sách nhỏ cho đàn organ), một tuyển tập chưa hoàn tất gồm 46 khúc dạo đầu ngắn thể hiện kỹ thuật sáng tác trên nền hòa âm hợp xướng. Sau khi rời Weimar, Bach bớt viết cho organ mặc dù những sáng tác nổi tiếng nhất của ông (sáu trio sonata, “German Organ Mass” trong Clavier-Übung III từ năm 1739, và hợp xướng Great Eighteen) đều được viết sau khi ông rời Weimar. Về sau, Bach dành nhiều thời gian cho việc tư vấn các đề án về organ, thử những chiếc đàn organ mới, và trình diễn đàn organ trong những buổi độc tấu.[71][72]
Những sáng tác khác cho bộ gõ
Bach có nhiều sáng tác cho đàn harpsichord, trong đó có một số có thể trình bày với đàn clavichord. Phần nhiều những sáng tác cho bộ gõ của ông là những hợp tuyển bao gồm toàn bộ hệ thống lý thuyết theo phong cách bách khoa toàn thư.
- The Well-Tempered Clavier, Quyển 1 và 2 (BWV 864 – 893).
- 15 Invention và 15 Sinfonia (BWV 772-801).
- Ba tuyển tập dance suites: English Suites (BWV 806-811), French Suites (BWV 812-817), và Partiatas cho bộ gõ (BWV 825-830).
- Những khúc biến tấu Goldberg (BWV 988) là một aria với 30 biến tấu.
- Những sáng tác đa dạng khác như Overture in the French Style (French Overture, BWV 831), Chromatic Fantasia and Fugue (BWV 903), và Italian Concerto (BWV 971).
Trong số những sáng tác cho bộ gõ ít nổi tiếng hơn của Bach có bảy toccata (BWV 910-916), bốn duet (BWV 802-805), những sonata cho bộ gõ (BWV 963-967), Six Little Preludes (BWV 933-938), và Aria variata alla maniera italiana (BWV 989).
Nhạc Giao hưởng và Thính phòng
Bach cũng sáng tác cho các loại nhạc cụ độc tấu, song tấu, và tạp kỹ nhỏ. Trong nhiều sáng tác độc tấu của ông có sáu sonata và parita cho violin (BWV 1001-1006), sáu cello suite (BWV 1007-1012), và Partia cho độc tấu sáo (BWV 1013) ở trong số những tác phẩm sâu lắng nhất của Bach.[73] Ông cũng viết trio sonata; solo sonata cho sáo và cho viola da gamba; và một số lượng lớn canon và ricercare, tiêu biểu là The Art of Fugue và The Musical Offering.
Tác phẩm giao hưởng nổi tiếng nhất của Bach là Brandenburg Concertos, được đặt tên như thế là do trong năm 1721 Bach muốn được Bá tước Christian Ludwig của Brandenburg-Schewedt tuyển dụng, nhưng nỗ lực này của ông đã không thành công.[15] Những concerto khác của Bach còn lưu giữ đến ngày nay có hai concerto violin (BWV 1041 và BWV 1042), một Concerto cho hai Violin Rê thứ (BWV 1043) thường được gọi là concerto “đôi” của Bach;[74][74] và những concerto cho từ một đến bốn đàn harpsichord.
Đơn ca và Hợp xướng
Cantata
Từ giữa năm 1723, khi còn là nhạc trưởng ở Nhà thờ St Thomas, mỗi Chủ nhật và ngày lễ Bach trình bày một bản cantata phù hợp với nội dung của phần đọc Kinh Thánh. Dù có sử dụng những sáng tác của những nhà soạn nhạc khác, Bach viết những bản cantata đủ dùng cho ít nhất ba năm. Tổng cộng, ông viết hơn 300 cantata cho những ngày lễ tôn giáo, trong số đó còn khoảng 200 bản được lưu giữ.
Những bản cantata của Bach rất khác nhau từ hình thức cho đến nhạc cụ, một số cho đơn ca, đồng ca, nhóm hòa tấu nhỏ, hoặc cho những ban giao hưởng. Nội dung tương ứng với nghi lễ đọc Kinh Thánh hằng tuần, còn bản aria trình bày những chiêm nghiệm về đoạn Kinh Thánh ấy. Trong số những bản cantata hay nhất của Bach có:
Tôi chỉ nghe nhạc của Bach, Beethoven hay Mozart. Cuộc đời quá ngắn ngủi để tiêu tốn thời gian cho những nhà soạn nhạc khác. |
John Edensor Littlewood, nhà toán học người Anh.[75] |
- Christ lag in Todes Banden, BWV 4
- Ich hatte viel Bekümmernis, BWV 21
- Ein feste Burg ist unser Gott, BWV 80
- Gottes Zeit ist die allerbeste Zeit, BWV 106 (Actus Tragicus)
- Wachet auf, ruft uns die Stimme, BWV 140
- Herz und Mund und Tat und Leben, BWV 147
Bach còn viết một số cantata thế tục, thường là cho những sự kiện dân sự như lễ nhậm chức của hội đồng thành phố, hoặc cho hôn lễ.[76]
Những bài Thương khó (Passions)
Những sáng tác của Bach cho hợp xướng có St Matthew Passion và St John Passion, viết cho Lễ Thương Khó cử hành tại Nhà thờ St Thomas và Nhà thờ St Nicholas, và Christmas Oratorio (một chuỗi sáu bản cantata viết cho Lễ Giáng sinh).[77][78][79] Hai phiên bản của tác phẩm Magnificat (một phiên bản cung Mi thứ, phiên bản kia cung Rê thứ), Easter Oratorio, và Ascension Oratorio.
Mass cung Si thứ
Một tác phẩm lớn được hình thành vào cuối đời của Bach, Mass cung Si thứ, là một tập hợp gồm những sáng tác trước đó (như các bản cantata Gloria in excelsis Deo, BWV 191và Weinen, Klagen, Sorgen, Zagen, BWV 120). Mass cung Si thứ chưa bao giờ được trình diễn trọn vẹn khi Bach còn sống.[80]
Danh mục các tác phẩm của Bach (BWV)
Nhạc có lời
Nhạc không lời
![]() |
|
Trục trặc khi nghe những tập tin âm thanh này? Xem hướng dẫn. |
Toàn bộ danh mục BWV có liên kết ngoài
Gia phả
Veit Bach (mất trước 1578) |
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Johannes Hans Bach (1550–1626) |
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Heinrich Bach (1615–1692) |
Christoph Bach (1613–1661) |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Johann Christoph Bach (1642–1703) |
Johann Michael Bach (1648–1694) |
Johann Ambrosius Bach (1645–1695) |
Maria Elisabeth Lämmerhirt (1644–1694) |
Johann Christoph Bach (1645–1693) |
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Johann Nicolaus Bach (1669–1753) |
Maria Barbara Bach (1684–1720) |
Johann Sebastian Bach (1685–1750) |
Anna Magdalena Wilcke (1701–1760) |
Johann Jacob Bach (1682–1722) |
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Wilhelm Friedemann Bach (1710–1784) |
Carl Philipp Emanuel Bach (1714–1788) |
Gottfried Heinrich Bach (1724–1763) |
Johann Christoph Friedrich Bach (1732–1795) |
Lucia Elisabeth Munchhusen (1728–1803) |
Johann Christian Bach (1735–1782) |
Elisabeth Juliane Friederica (1726–1781) |
Johann Christoph Altnikol (1720–1759) |
Johanna Carolina (1737–1781) |
Regina Susanna (1742–1809) |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Wilhelm Ernst Colson | Anna Philippiana Friederica Bach (1755–1804) |
Wilhelm Friedrich Ernst Bach (1759–1845) |
Charlotte Philippina Elerdt (1780–1801) |
Christina Luise Bach (d. 1852) |
Johann Sebastian Altnikol (1749–1749) | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Ludwig Albrecht Hermann Ritter | Carolina Augusta Wilhelmine Bach (1800–1871) |
Juliane Friederica (b. 1800) |
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chú thích
- ^ Phát âm tiếng Đức: [joˈhan] or [ˈjoːhan zeˈbastjan ˈbax]
- ^ a ă Christoph Wolff, Johann Sebastian Bach: The Learned Musician (New York: W.W. Norton and Company, Inc., 2000), 19.
- ^ a ă Wolff (2000), p.46
- ^ a ă “BACH Mass in B Minor BWV 232”. http://www.baroquemusic.org. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2012.
- ^ a ă â Russell H. Miles, Johann Sebastian Bach: An Introduction to His Life and Works (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, Inc., 1962), 86–87.
- ^ a ă Breitenfeld, Tomislav; Solter, Vesna Vargek; Breitenfeld, Darko; Zavoreo, Iris; Demarin, Vida (ngày 3 tháng 1 năm 2006). “Johann Sebastian Bach’s Strokes” (PDF). Acta Clinica Croatica (Sisters of Charity Hospital) 45 (1). Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2008.
- ^ a ă Baer, Ka. (1956). “Johann Sebastian Bach (1685–1750) in medical history”. Bulletin of the Medical Library Association (Medical Library Association) 39 (206).
- ^ a ă Breitenfeld, D.; Thaller V, Breitenfeld T, Golik-Gruber V, Pogorevc T, Zoričić Z, Grubišić F (2000). “The pathography of Bach’s family”. Alcoholism 36: 161–64.
- ^ Blanning, T. C. W.The triumph of music: the rise of composers, musicians and their art, 272: “And of course the greatest master of harmony and counterpoint of all time was Johann Sebastian Bach, ‘the Homer of music’
- ^ Jones (2007), p.3
- ^ “Lesson Plans”. Bach to School. The Bach Choir of Bethlehem. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2012.
- ^ Boyd (2000),p.6
- ^ Printed in translation in The Bach Reader (ISBN 0-393-00259-4)
- ^ Boyd (2000), pp.7–8
- ^ a ă â b c d đ e “Johann Sebastian Bach: a detailed informative biography”. baroquemusic.org. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2012.
- ^ Wolff (2000), pp.41–43
- ^ Geiringer (1966), p.13
- ^ Rich (1995), p.27
- ^ In preference to Bach the Duke of Saxe-Weissenfels hired the later successful opera composer Johann Augustin Kobelius, quasi rediscovered only in 2010. See Gerald Drebes, “Wiederentdeckung eines Konkurrenten von J. S. Bach, online [1].
- ^ Chiapusso (1968), p.62
- ^ Chiapusso (1968), p.168
- ^ Schweitzer (1967), p.331
- ^ Teri Noel Towe, The Portrait in Erfurt Alleged to Depict Bach, the Weimar Concertmeister, ngày 10 tháng 8 năm 2001, published on The Face of Bach website, now defunct, but available at the Internet Archive at this link (from July 2011)
- ^ a ă Christoph Wolff (1995). From konzertmeister to thomaskantor: Bach’s cantata production 1713–1723. tr. 17. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2011.
- ^ John Eliot Gardiner (2010). “Cantatas for Christmas Day / Herderkirche, Weimar”. bach-cantatas.com. tr. 1. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2011.
- ^ Mendel et al (1998), p.80
- ^ Russell H. Miles, Johann Sebastian Bach: An Introduction to His Life and Works (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, Inc., 1962), 57.
- ^ Boyd (2000), p.74
- ^ Van Til (2007), pp. 69, 372
- ^ Spaeth (2005), p.37
- ^ Geiringer (1966), p.50
- ^ Wolff (1983), pp.98, 111
- ^ Wolff (1991), p.30
- ^ Carol Traupman-Carr (2003). “Bach Choir of Bethlehem”. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2012.
- ^ Wolff (2000), p.341
- ^ Gerhard Hertz, Essays on J.S. Bach (Ann Arbor, Michigan: UMI Research Press, 1985), 187.
- ^ Musikalische Bibliothek, I.4 [1738], 61 (1st Source online) and (2nd Source online).
- ^ Lutz Felbick: Lorenz Christoph Mizler de Kolof – Schüler Bachs und pythagoreischer „Apostel der Wolffischen Philosophie” (Hochschule für Musik und Theater “Felix Mendelssohn Bartholdy” Leipzig – Schriften, Band 5), Georg-Olms-Verlag, Hildesheim 2012, ISBN 978-3-487-14675-1.
- ^ Musikalische Bibliothek, IV.1 [1754], 173 (Source online).
- ^ Some of these paintings are currently in the Musikalische Bibliothek, while others were planned to be published in this magazine, Musikalische Bibliothek, III.2 [1746], 353 (Source online), Felbick 2012, 284. In 1746, Mizler announced the membership of three famous members, Musikalische Bibliothek, III.2 [1746], 357 (Source online).
- ^ Musikalische Bibliothek, IV.1 [1754], 108 and Tab. IV, fig. 16 (Source online); letter of Mizler to Spieß, ngày 29 tháng 6 năm 1748, in: Hans Rudolf Jung und Hans-Eberhard Dentler: Briefe von Lorenz Mizler und Zeitgenossen an Meinrad Spieß, in: Studi musicali 2003, Nr. 32, 115. (Source online).
- ^ Geiringer (1966), p.256
- ^ Hanford, Jan. “J.S. Bach: Timeline of His Life”. jsbach.org. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2012.
- ^ Mendel et al (1998), p.188
- ^ “The World-Famous Organist, Mr. Johann Sebastian Bach, Royal Polish and Electoral Saxon Court Composer, and Music Director in Leipzig,” by Carl Philipp Emanuel Bach and Johann Friedrich Agricola, from Mendel et al (1998), 299
- ^ Mendel et al (1998), pp.191–97
- ^ Mendel et al (1998), p.297
- ^ Beethoven: the universal composer. Edmund Morris, 2005, 2 ff “[Bach was] mocked as passé even in his own lifetime.”
- ^ Schenk, Erich (1959). Mozart and his times. Knopf. tr. 452
- ^ Kerst, Friedrich (1904). “Beethoven im eigenen Wort”. Die Musik (M. Hesse.) 4: 14–19
- ^ Geck, Martin. “Johann Sebastian Bach: Life and Work”. Houghton Mifflin Harcourt. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2012.
- ^ Kupferberg (1985), p.126
- ^ “Robert Johnson and Pablo Casals’ Game Changers Turn 70: NPR”. National Public Radio. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2012.
- ^ “Musicology – Principal Methodologies for Musicological Research – Musical, Historical, Press, and History – JRank Articles”. Jrank Science Encyclopedia. jrank.org. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2012.
- ^ “Biography of Johann Sebastian Bach –PianoParadise”. PianoParadise.com. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2012.
- ^ “Golden Record Music List”. NASA. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2012.
- ^ Wolff (2000), p. 166
- ^ “Donington (1982), p.91”. Books.google.com. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2012.
- ^ Johanne Sebastian Bach, “The Fifth Evangelist” – Christianity Today
- ^ Herl (2004), p.123
- ^ Leaver (2007), p.280
- ^ For example, see Grove, G.The New Grove Dictionary of Music and Musicians. Vol. 4. New York: Macmillian, 1980. 335.
- ^ Huizenga, Tom. “A Visitor’s Guide to the St. Matthew Passion”. NPR Music. National Public Radio. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2012.
- ^ Traupman-Carr, Carol. “EASTER ORATORIO (Oster-Oratorium) BWV 249”. Bach Choir of Bethlehem. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2012.
- ^ Stapert Calvin R. “To the Glory of God Alone” – Christianity Today
- ^ Schulenberg (2006), pp.1–2
- ^ Newman, Anthony. “Anthony Newman”. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2012.
- ^ “Baroque Music”. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2012.
- ^ “About Schmieder (BWV) numbers at the Junior Bach Festival”. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2012.
- ^ “Complete Works\by BWV Number-All”. jsbach.org. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2012.
- ^ “Bach, Johann Sebastian”. ClassicalPlus. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2008.
- ^ “Arnstadt (1703–1707)”. Northern Arizona University. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2008.
- ^ Bratman, David. “Shaham: Bold, Brilliant, All-Bach”. San Francisco Classical Voice. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2012.
- ^ a ă “Baroque Music”. baroque.org. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2012.
- ^ Bach Quotations
- ^ Traupman-Carr, Carol. “Cantata BWV 211 “Coffee Cantata””. Bach Choir of Bethlehem. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2012.
- ^ Leaver (2007), p.430
- ^ Williams (2003), p.114
- ^ Traupman-Carr, Carol. “The Christmas Oratorio, BWV 248”. Bach Choir of Bethlehem. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2012.
- ^ “The Mass in B Minor, BWV 232”. Bach Choir of Bethlehem. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2012.
Tư liệu
- Quyển tiểu sử đầu tiên về J.S.Bach: Johann Sebastian Bach- His life, Art, and Work. Nguyên tác tiếng Đức của Johann Nikolaus Forkel xuất bản năm 1802, bản tiếng Anh của Charles Sanford Terry in năm 1920 bởi London Constable and Company Ltd
- Johann Sebastian Bach- His Work and Influence on Music of Germany, 1685-1750 (3 tập). Nguyên tác tiếng Đức của Phillip Spitta, bản tiếng Anh của Clara Bell và J.A. Fuller Maitland in năm 1899 bởi London Novello and Company Limited
- J.S.Bach (2 tập) của Albert Schweitzer. Bản tiếng Pháp in năm 1905, bản tiếng Đức in năm 1908, bản dịch tiếng Anh do Ernest Newman dịch in năm 1911
Đọc thêm
- Mendel, Arthur (1999). The New Bach Reader. W. W. Norton & Company. ISBN 0393319563..
- Wolff, Christoph (1983). The New Grove: Bach Family. Papermac. ISBN 0333343506..
- Baron, Carol K. (9 tháng 6 năm 2006). Bach’s Changing World:: Voices in the Community. University of Rochester. ISBN 1580461905.
- Boyd, Malcolm (ngày 18 tháng 1 năm 2001). Bach. Oxford University Press. ISBN 0195142225.
- Eidam, Klaus (3 tháng 7 năm 2001). The True Life Of J.s. Bach. Basic Books. ISBN 0465018610.
- Geck, Martin (4 tháng 12 năm 2006). Johann Sebastian Bach: Life and Work. Harcourt Trade Publishers. ISBN 0151006482.
- Hofstadter, Douglas (4 tháng 2 năm 1999). Gödel, Escher, Bach: An Eternal Golden Braid. Basic Books. ISBN 0465026567.
- Schweitzer, Albert (1 tháng 6 năm 1967). J. S. Bach (Vol 1). Dover Publications. ISBN 0486216314.
- Spitta, Philipp (3 tháng 7 năm 1997). Johann Sebastian Bach: His Work and Influence on the Music of Germany, 1685–1750 (Volume II). Dover Publications. ISBN 0486274136.
- Stauffer, George (tháng 2 năm 1986). J. S. Bach As Organist: His Instruments, Music, and Performance Practices. Đại học Indiana Press. ISBN 0253331811.
- Williams, Peter (ngày 5 tháng 3 năm 2007). J.S. Bach: A Life in Music. Cambridge University Press. ISBN 0521870747.
- Wolff, Christoph (tháng 9 năm 2001). Johann Sebastian Bach: The Learned Musician. W. W. Norton & Company. ISBN 0393322564.
Liên kết ngoài
Tìm thêm về Johann Sebastian Bach tại những đồng dự án của Wikipedia: | |
![]() |
Từ điển ở Wiktionary |
![]() |
Sách ở Wikibooks |
![]() |
Cẩm nang du lịch ở Wikivoyage |
![]() |
Hồ sơ ở Wikiquote |
![]() |
Văn kiện ở Wikisource |
![]() |
Hình ảnh và phương tiện ở Commons |
![]() |
Tin tức ở Wikinews |
![]() |
Tài liệu giáo dục ở Wikiversity |
![]() |
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và phương tiện truyền tải về Johann Sebastian Bach |
Wikisource có văn bản gốc từ 1911 Encyclopædia Britannica về:
- The Best of Bach
- Sơ Lược Tiểu Sử Johann Sebastian Bach
- Vài Nét Về Mass in B Minor
- Vài Nét Về The Passion According to St. John
- Vài Nét Về The Passion According to St. Matthew
- General reference
- The J.S. Bach Home Page – JSBach.org, by Jan Hanford—extensive information on Bach and his works; huge and growing database of user-contributed recordings and reviews
- J.S. Bach bibliography, by Yo Tomita of Queen’s Belfast—especially useful to scholars
- Bach-Cantatas.com, by Aryeh Oron—information on the cantatas as well as other works
- Canons and Fugues, by Timothy A. Smith—various information on these contrapuntal works
- Fugues of the Well-Tempered Clavier: Interactive scores calibrated to recordings by David Korevaar and analysis by Tim Smith.
- Bach manuscripts – video lectures by Christoph Wolff on the Bach family’s hidden manuscripts archive
- St. Matthew Passion BWV 244 Helmuth Rilling
- Bộ lễ Ngợi ca (BWV 232) Helmuth Rilling
- Biến tấu, Khúc tùy hứng, và thể loại hỗn hợp (BWV 988) Halls/Korevaar
- Scores
- Bach Gesellschaft Download Page—the BGA volumes available for download in DJVU format.
- Free scores by Johann Sebastian Bach tại International Music Score Library Project—the BGA volumes split up into individual works (PDF files), plus other editions
- Bản mẫu:IckingArchive
- Free scores by Johann Sebastian Bach trong Choral Public Domain Library (ChoralWiki)
- Bản mẫu:Cantorion
- Recordings
- Free MP3 recordings of the Motets Der Geist hilft unsrer Schwachheit auf – BWV 226, Jesu Meine Freude, BWV 227 and Komm, Jesu Komm – BWV 229, from Umeå Akademiska Kör
- Johann Sebastian Bach trên MusicBrainz
- mostly organ works by Bach played on virtual instruments
- Free recordings of the Brandenburg Concertos in MP3 and FLAC provided by Czech Radio (see FLAC)
- Orchestral Suites, Brandenburg Concertos and Keyboard Concertos
- In the BBC Discovering Music: Listening Library
- Thánh Lễ trong B nhỏ
- Những khúc biến tấu Goldberg
- Cuộc thương khó theo thánh Matthêu
- Sinh 1685
- Mất 1750
- Johann Sebastian Bach
- Nhà soạn nhạc Đức
- Nhạc sĩ cổ điển
- Nhạc công
- Tín hữu Giáo hội Luther
- Gia đình Bach
- Nhà soạn nhạc baroque
Hoàng Kim Bài viết mới trên TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây cập nhật mỗi ngày
- Kiệt tác của tâm hồn
- Nhà tôi có chim về làm tổ
- Chào ngày mới 20 tháng 3
- Sông Mekong tài liệu tổng hợp
- Chào ngày mới 19 tháng 3
- Hoa Lúa
- Chào ngày mới 18 tháng 3
- Đọc lại và suy ngẫm
- Cây Lương thực 3.2016
- Đọc lại và suy ngẫm
- Cây Lương thực 3.2016
- Chào ngày mới 17 tháng 3
- Chào ngày mới 16 tháng 3
- 500 năm nông nghiệp Brazil
- Chào ngày mới 15 tháng 3
- Ngọc lục bảo Paulo Coelho
- Chào ngày mới 14 tháng 3
- Kiệt tác của tâm hồn
- Chào ngày mới 13 tháng 3
- Chào ngày mới 12 tháng 3
- Chào ngày mới 11 tháng 3
- 24 tiết khí lịch nhà nông
- Chào ngày mới 10 tháng 3
- Chào ngày mới 9 tháng 3
- Bên suối một nhành mai
- Lên đỉnh Mã Phì Lèng
- Chào ngày mới 8 tháng 3
- Đọc lại và suy ngẫm
- Tổ Quốc nhìn từ những kiệt tác
- Jackson bài ca sống mãi
- Chào ngày mới 7 tháng 3
- Đọc lại và suy ngẫm
- Chào ngày mới 6 tháng 3
- Đọc lại và suy ngẫm
- Truyện Joshep Stalin
- Đến với bài thơ hay
- Chào ngày mới 5 tháng 3
- Trí tuệ bậc Thầy
- Bên lề chính sử
- Chào ngày mới 4 tháng 3
- Dạo chơi non nước Việt
- Chào ngày mới 3 tháng 3
- Truyện Norodom Sihanouk
- Chào ngày mới 2 tháng 3
- Cây Lương thực 2.2016
- Vườn Quốc gia ở Việt Nam
- Chào ngày mới 1 tháng 3
- Đến với bài thơ hay
- Chào ngày mới 29 tháng 2
- Trịnh Công Sơn tình yêu cuộc sống
- Chào ngày mới 28 tháng 2
- Đối thoại triết học
- Biển Đông vạn dặm
- Chào ngày mới 27 tháng 2
- Đọc lại và suy ngẫm
- Ngày mới yêu thương
- Chào ngày mới 26 tháng 2
- Truyện George Washington
- Chào ngày mới 25 tháng 2
- Hà Văn Lâu thung dung đời thường
- Chào ngày mới 24 tháng 2
- Dinh Thống Nhất và Vườn Tao Đàn
- Chào ngày mới 23 tháng 2
- Những câu thơ lưu lạc
- Đèo Ngang và những tuyệt phẩm thơ cổ
- Chào ngày mới 22 tháng 2
- Nhành mai điểm nhấn tinh tế trong thơ Bác
- “Tầm hữu vị ngộ” Hồ Chí Minh
- Chào ngày mới 21 tháng 2
- Ta hẹn em uống rượu ngắm trăng
- Chào ngày mới 20 tháng 2
- Gốc mai vàng trước ngõ
- Chào ngày mới 19 tháng 2
- Người phát minh chữ viết tiếng Việt
- Chào ngày mới 18 tháng 2
- Bài học lịch sử
- Chào ngày mới 17 tháng 2
- Ngày xuân tập Kiều
- Ngày mới Mạnh Hạo Nhiên
- Chào ngày mới 16 tháng 2
- Cây Lương thực 2.2016
- Chào ngày mới 15 tháng 2
- Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương
- Chào ngày mới 14 tháng 2
- Chào ngày mới 13 tháng 2
- Chào ngày mới 12 tháng 2
- Ngày xuân đọc Trạng Trình
- Chào ngày mới 11 tháng 2
- Viếng mộ cha mẹ
- Chào ngày mới 10 tháng 2
- Thơ xuân
- Chào ngày mới 9 tháng 2
- Nguyễn Du đêm thiêng đọc lại
Video yêu thích

Những bí nhiệm của cuộc Đại Hóa
Ngày mới vui khỏe và ngoan nha.
Johann Sebastian Bach (1685-1750) Violin Concertos
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Casava in Vietnam: Save and Grow, PhuYen
Secret Garden – Poéme
Chopin’s Raindrops
Trở về trang chính
Hoàng Kim Ngọc Phương Nam Thung dung Dạy và học Cây Lương thực Dạy và Học Tình yêu cuộc sống Kim on LinkedIn Kim on Facebook Kim on Twitter