Thể loại:
Myanmar
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Myanmar (Phát âm tiếng Myanma: [mjəmà], phát âm tiếng Việt: Mi-an-ma, tên gọi cũ: Miến Điện), tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar, là một quốc gia có chủ quyền tại Đông Nam Á có biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Một phần ba tổng chu vi của Myanmar là đường bờ biền giáp với vịnh Bengal và biển Andaman. Theo số liệu điều tra nhân khẩu năm 2014, Myanmar có 51 triệu cư dân.[5] Myanmar có diện tích 676.578 km². Thành phố thủ đô là Naypyidaw còn thành phố lớn nhất là Yangon.[6]
Các nền văn minh ban đầu tại Myanmar gồm có các thị quốc Pyu nói tiếng Tạng-Miến tại khu vực Thượng Miến và các vương quốc Mon tại khu vực Hạ Miến.[7] Đến thế kỷ 9, người Miến tiến đến thung lũng Thượng Irrawaddy, họ lập nên Vương quốc Pagan trong thập niên 1050, và sau đó ngôn ngữ-văn hóa Miến cùng Phật giáo Nam Tông dần dần chiếm ưu thế tại Myanmar. Vương quốc Pagan sụp đổ trước các cuộc xâm chiếm của quân Mông Cổ, và xuất hiện một số quốc gia thường xuyên giao chiến. Đến thế kỷ 16, Myanmar tái thống nhất dưới Triều Taungoo, sau đó từng trở thành quốc gia lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á.[8] Đến đầu thế kỷ 19, lãnh thổ của triều Konbaung bao gồm Myanmar ngày nay và cũng từng kiểm soát Manipur và Assam trong thời gian ngắn. Người Anh chiếm được Myanmar sau ba cuộc chiến tranh trong thế kỷ 19 và quốc gia này trở thành một thuộc địa của Anh. Myanmar trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1948, ban đầu là một quốc gia dân chủ, song nằm dưới chế độ độc tài quân sự sau cuộc đảo chính năm 1962.
Trong hầu hết thời gian độc lập, Myanmar xảy ra xung đột dân tộc tràn lan, trở thành một trong các cuộc nội chiến kéo dài nhất vẫn đang diễn ra. Trong thời gian này, Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức khác ghi nhận các vi phạm nhân quyền tại đây.[9][10][11] Năm 2011, chính quyền quân sự chính thức giải tán sau tổng tuyển cử năm 2010, và một chính phủ dân sự trên danh nghĩa nhậm chức. Mặc dù các lãnh đạo quân sự cũ vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn trong nước, song quân đội tiến hành các bước nhằm từ bỏ kiểm soát chính phủ. Điều này cùng với hành động phóng thích Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị, đã cải thiện hồ sơ nhân quyền và quan hệ ngoại giao của Myanmar, kéo theo nới lỏng các chế tài mậu dịch và kinh tế khác.[12][13] Trong tổng tuyển cử năm 2015, đảng của Aung San Suu Kyi giành đa số tại lưỡng viện quốc hội.
Myanmar giàu tài nguyên ngọc thạch và đá quý, dầu mỏ, khí thiên nhiên và các loại khoáng sản khác. Năm 2016, GDP danh nghĩa ở mức 68.277 tỷ USD và GDP theo sức mua tương đương đạt 6,501 tỷ USD. Khoảng cách thu nhập tại Myanmar nằm vào hàng rộng nhất trên thế giới, do phần lớn kinh tế nằm dưới quyền kiểm soát của những người ủng hộ chính phủ quân sự cũ.[14][15] Tính đến năm 2014, Myanmar có chỉ số phát triển con người HDI ở mức thấp, xếp thứ 148 trong số 188 quốc gia được đánh giá.
Tên gọi
-
“Miến Điện” (Hán văn: 緬甸) là tên gọi người Trung Quốc đặt cho Myanmar. “Miến” có nghĩa là xa tắp, xa vời, xa tít tắp. “Điện” là chỉ vùng đất nằm bên ngoài “giao”. Theo cách gọi của người Trung Quốc thì tường trong của thành gọi là “thành”, tường ngoài gọi là “quách”. Vùng ngoại vi của quách gọi là “giao”. Vùng đất bên ngoài giao gọi là “điện”, cách thành khoảng từ một trăm dặm trở lên. “Miến Điện” ý là vùng ngoại thành xa xôi.
Myanma là tên gọi bắt nguồn từ tên địa phương Myanmar Naingngandaw. Nó được sử dụng vào đầu thế kỷ 12 nhưng nguồn gốc của nó vẫn còn chưa được sáng tỏ. Một gốc của tên gọi này là từ Brahmadesh trong tiếng Phạn có nghĩa là “mảnh đất của Brahma“, vị thần Hindu của mọi sinh vật.
Năm 1989, hội đồng quân sự đổi tên tiếng Anh từ Burma thành Myanmar, cùng với nhiều thay đổi trong tên gọi tiếng Anh của nhiều vùng trong đất nước, chẳng hạn tên gọi trước kia của thủ đô đổi từ Rangoon thành Yangon. Tuy vậy, tên chính thức của đất nước trong tiếng Myanma là Myanma vẫn không đổi. Trong tiếng Myanmar, Myanmar là tên quốc gia, trong khi Bama (Burma lấy nguồn gốc từ đây) là tên gọi thông tục.
Sự thay đổi trong tên gọi là biểu hiện của một cuộc tranh cãi chính trị. Nhiều nhóm người Myanmar tiếp tục sử dụng tên “Burma” vì họ không chấp nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự cũng như sự đổi tên đất nước. Một vài chính phủ phương tây, chẳng hạn Hoa Kỳ, Úc, Ireland và Anh tiếp tục sử dụng tên “Burma”, trong khi Liên minh châu Âu sử dụng cả hai. Liên Hợp Quốc sử dụng tên “Myanmar”.
Việc sử dụng tên “Burma” vẫn còn phổ biến ở Hoa Kỳ và Anh. Trong tiếng Anh, người ta vẫn dùng từ “Burmese” như một tính từ.
Sau khi giành được độc lập từ Đế quốc Anh, Myanmar đã sử dụng các quốc hiệu sau:
- Liên bang Burma: 1948-1974
- Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Burma: 1974-1988
- Liên bang Myanmar: 1988-2010 (từ năm 1989 thì quốc hiệu tiếng Anh dùng Myanmar thay cho Burma)
- Cộng hòa Liên bang Myanmar: 2010-nay
Lịch sử
-
Các chùa và đền tại Bagan ngày nay, nơi từng là thủ đô của Vương quốc Pagan
Người Môn được cho là nhóm người đầu tiên di cư tới vùng hạ lưu châu thổ sông Ayeyarwady (ở phía nam Myanma) và tới khoảng giữa thập niên 900 trước Công nguyên họ đã giành quyền kiểm soát khu vực này[16].
Sau đó, vào thế kỷ 1 trước Công nguyên, người Pyu di cư tới đây và tiến tới xây dựng các thành bang có quan hệ thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, mạnh nhất là vương quốc Sri Ksetra, nhưng nó bị từ bỏ năm 656. Sau đó, một quá trình tái lập quốc diễn ra, nhưng đến giữa thập niên 800 thì bị người Nam Chiếu xâm lược.
Vào khoảng trước những năm 800, người Bamar (người Miến Điện) bắt đầu di cư tới châu thổ Ayeyarwady từ Tây Tạng hiện nay. Tới năm 849, vương quốc họ đã thành lập xung quanh trung tâm Pagan trở nên hùng mạnh. Trong giai đoạn Anawratha trị vì (1044-1077), người Miến Điện đã mở rộng ảnh hưởng ra khắp Myanmar hiện nay. Tới thập niên 1100, nhiều vùng lớn thuộc lục địa Đông Nam Á đã thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Pagan, thường được gọi là Đế chế Miến Điện thứ nhất với kinh đô tại Mandalay. Tới cuối thập niên 1200, Hốt Tất Liệt đã thống lĩnh quân Mông Cổ xâm lược Vương quốc Pagan, nhưng tới năm 1364 người Miến Điện đã tái lập vương quốc của họ tại Ava, nơi văn hóa Miến Điện bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, vào năm 1527 người Shan cướp phá Ava. Trong lúc ấy người Mon thiết lập địa điểm mới của họ tại Pegu, nơi này đã trở thành một trung tâm tôn giáo và văn hóa lớn.
Những người Miến Điện đã phải chạy trốn khỏi Ava thành lập Vương quốc Toungoo năm 1531 tại Toungoo, dưới quyền Tabinshwehti, người đã tái thống nhất Miến Điện và lập ra Đế chế Miến Điện thứ hai. Vì sự ảnh hưởng ngày càng tăng từ châu Âu ở Đông Nam Á, Vương quốc Toungoo trở thành một trung tâm thương mại lớn. Bayinnaung đã mở rộng đế chế bằng cách chinh phục các lãnh thổ Manipur, Chiang Mai, Ayutthaya, Shan, Nagaland, Tripura, Mizoram, Assam, Sikkim, Bhutan, Chittagong, Dhaka, Rajshahi, Rangpur và một số vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc gồm Đức Hoành, Nộ Giang, Bảo Sơn và Phổ Nhĩ. Những cuộc nổi loạn bên trong cũng như sự thiếu hụt các nguồn tài nguyên cần thiết để kiểm soát các vùng mới giành được dẫn tới sự sụp đổ của Vương quốc Toungoo. Anaukpetlun, người đã đẩy lùi cuộc xâm lăng của Bồ Đào Nha, đã lập nên một vương triều mới tại Ava năm 1613. Cuộc nổi dậy trong nước của người Mon, với sự trợ giúp của Pháp, khiến vương quốc sụp đổ năm 1752.
Alaungpaya thành lập nên Triều đại Konbaung và Đế chế Miến Điện thứ ba vào khoảng thập niên 1700[17]. Năm 1767, Vua Hsinbyushin chinh phục Ayutthaya và Ceylon dẫn tới việc văn hóa Thái Lan và văn hóa Ceylon có ảnh hưởng lớn tới văn hóa Miến Điện. Nhà Thanh (Trung Quốc) lo ngại sự lớn mạnh của Miến Điện, đã bốn lần xâm lược nước này trong khoảng thời gian từ 1766 đến 1769 nhưng không lần nào thành công. Các triều đại sau này mất quyền kiểm soát Ayutthaya, nhưng chiếm thêm được Arakan và Tenasserim. Dưới thời cai trị của Vua Bagyidaw, năm 1824, Mahabandoola chiếm Assam, sát lãnh thổ Anh ở Ấn Độ, gây nên một cuộc chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh Anh-Miến (1823-26, 1852-53 và 1885-87), Miến Điện mất một số lãnh thổ vào tay người Anh và trở thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh. Ngày 1 tháng 4 năm 1937, Miến Điện trở thành một thuộc địa hành chính riêng biệt, độc lập khỏi quyền hành chính Ấn Độ. Trong thập niên 1940, Ba mươi chiến hữu, do Aung San lãnh đạo đã lập nên Quân đội Miến Điện độc lập[18]. Ba mươi chiến hữu được huấn luyện quân sự tại Nhật Bản[18].
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai Miến Điện trở thành một mặt trận chính tại Mặt trận Đông Nam Á. Sau những thắng lợi ban đầu của Nhật Bản tại Mặt trận Miến Điện, trong đó người Anh bị đẩy lùi khỏi đa phần Miến Điện, Đồng Minh đã phản công. Tới tháng 7 năm 1945 họ đã chiếm lại toàn bộ nước này. Người Miến Điện chiến đấu cho cả hai phía trong cuộc chiến. Họ chiến đấu trong Đội quân Miến Điện Anh năm 1941-1942. Năm 1943, Chin Levies và Kachin Levies đã được thành lập ở các quận biên giới Miến Điện và vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Anh. Đội quân Miến Điện chiến đấu trong thành phần Chindit dưới quyền Tướng Orde Wingate từ 1943-1945. Ở giai đoạn sau của cuộc chiến, người Mỹ đã lập ra Đội biệt kích Kachin-Hoa Kỳ cũng chiến đấu cho quân Đồng Minh. Nhiều người Miến Điện khác chiến đấu trong lực lượng SOE của Anh. Quân đội Miến Điện độc lập dưới quyền chỉ huy của Aung San và Quân đội quốc gia Arakan đã chiến đấu với Nhật Bản từ 1942-1944, nhưng đã nổi lên chống lại người Nhật năm 1945.
Năm 1947, Aung San trở thành Phó chủ tịch Uỷ ban hành pháp Miến Điện, một chính phủ chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong tháng 7 năm 1947, các đối thủ chính trị đã ám sát Aung San và nhiều thành viên chính phủ khác[18]. Ngày 4 tháng 1 năm 1948, quốc gia này trở thành một nước cộng hòa độc lập, với cái tên Liên bang Myanmar, với Sao Shwe Thaik là tổng thống đầu tiên và U Nu là thủ tướng. Không giống như đa số các thuộc địa của Anh, nước này không trở thành một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh bởi vì họ đã giành lại độc lập trước khi Khối thịnh vượng chung cho phép các nước cộng hòa trở thành một thành viên của nó. Một hệ thống chính trị lưỡng viện được thành lập gồm Viện đại biểu và Viện quốc gia[19]. Vùng địa lý hiện nay của Myanmar có thể suy ngược từ Thỏa ước Panglong, là toàn bộ Miến Điện gồm Hạ Miến và Thượng Miến và Các vùng biên giới, đã từng được quản lý hành chính độc lập bởi Anh Quốc[20].
Lá cờ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ được thể hiện bởi một chú công trong tư thế chiến đấu, một biểu tượng của tự do
[21]
Năm 1961 U Thant, khi ấy là Đại biểu thường trực của Miến Điện tại Liên hiệp quốc và cựu Thư ký Thủ tướng, được bầu làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc; ông là người đầu tiên không xuất thân từ phương Tây lãnh đạo một tổ chức quốc tế nào cho tới lúc ấy và đã đảm nhiệm chức vụ này trong vòng mười năm[22]. Trong số những người Miến Điện làm việc tại Liên hiệp quốc khi ông đang giữ chức Tổng thư ký có cô gái trẻ Aung San Suu Kyi.
Giai đoạn dân chủ kết thúc năm 1962 với một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Ne Win lãnh đạo. Ông này cầm quyền trong 26 năm và theo đuổi chính sách xã hội chủ nghĩa. Năm 1974, Myanmar lấy quốc hiệu mới là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Miến Điện. Cùng năm này, đám tang của U Thant dẫn tới một cuộc biểu tình chống chính phủ đẫm máu.
Năm 1988, Cuộc nổi dậy 8888 đẩy đất nước tới bờ vực cách mạng. Để đối phó, Tướng Saw Maung tiến hành một cuộc đảo chính. Ông thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang (SLORC). Myanmar quay trở lại quốc hiệu Liên bang Myanmar. Năm sau, quốc hiệu bằng tiếng Anh đổi từ Union of Burma thành Union of Myanmar. Năm 1989, thiết quân luật được ban bố sau những cuộc biểu tình rộng lớn. Các kế hoạch bầu cử Quốc hội đã hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 1989[23]. Năm 1990, lần đầu tiên các cuộc bầu cử tự do được tổ chức trong vòng 30 năm. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi, thắng 392 trong tổng số 485 ghế, nhưng các kết quả của cuộc bầu cử đã bị SLORC huỷ bỏ và họ từ chối giao lại quyền lực[24]. SLORC đổi tên Miến Điện (Burma) thành Myanmar năm 1989. Dưới sự lãnh đạo của Than Shwe, từ năm 1992 chính quyền quân sự đã tiến hành các thoả thuận ngừng bắn với các nhóm du kích thiểu số. Năm 1992, SLORC tiết lộ các kế hoạch thành lập một hiến pháp mới thông qua Hội nghị Quốc gia, bắt đầu ngày 9 tháng 1 năm 1993[25]. Năm 1997, Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang được đổi tên thành Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang (SPDC). Ngày 23 tháng 6 năm 1997, Myanmar được chấp nhận gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Hội nghị Quốc gia tiếp tục được triệu tập và hoãn lại. Nhiều đảng chính trị lớn, đặc biệt Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đã bị trục xuất và có ít tiến bộ đã được hoàn thành[25]. Ngày 27 tháng 3 năm 2006, hội đồng quân sự đã di chuyển thủ đô đất nước từ Yangon tới một địa điểm gần Pyinmana, đặt tên chính thức cho nó là Naypyidaw, có nghĩa “vùng đất của những ông vua”[26][27]. Năm 2010, quốc hiệu của Myanmar đổi thành Cộng hòa Liên bang Myanmar (tiếng Myanmar: ပြည်ထောင်စု သမ္မတ မြန်မာနိုင်ငံတော်, tiếng Anh: Republic of the Union of Myanmar).
Chính trị
-
Các đại biểu được bầu ra trong cuộc bầu cử Quốc hội nhân dân năm 1990 hình thành nên Liên minh Chính phủ Quốc gia Liên bang Miến Điện (NCGUB), một chính phủ hải ngoại vào tháng 12 năm 1990, với trách nhiệm vãn hồi nền dân chủ tại Myanma[28]. Sein Win, người anh họ của Aung San Suu Kyi, là thủ tướng hiện thời của NCGUB. Tuy nhiên, NCGUB có rất ít quyền lực và đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Myanmar. Lãnh đạo Nhà nước hiện nay là Thống tướng Than Shwe, người giữ chức vụ “Chủ tịch Hội đồng Hòa Bình và Phát triển Quốc gia“. Ông nắm mọi quyền lực quan trọng, gồm quyền bãi nhiệm các bộ trưởng và các thành viên chính phủ, đưa ra các quyết định quan trọng trong vấn đề chính trị đối ngoại[29]. Khin Nyunt từng là thủ tướng cho tới ngày 19 tháng 10 năm 2004, và đã bị thay thế bởi Tướng Soe Win, người có quan hệ mật thiết với Than Shwe. Đa số các bộ và các vị trí chính phủ đều do các sĩ quan quân đội nắm giữ, ngoại trừ Bộ y tế, Bộ giáo dục, Bộ lao động và Bộ kinh tế và kế hoạch quốc gia, do các viên chức dân sự quản lý[30].
Các đảng chính trị lớn ở Myanmar gồm Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ và Liên đoàn Dân tộc Shan vì Dân chủ, dù các hoạt động của họ bị chế độ quản lý chặt chẽ. Nhiều đàng khác, thường đại diện cho lợi ích của các dân tộc thiểu số thực sự có tồn tại. Tại Myanmar ít có khoan dung chính trị cho phe đối lập và nhiều đảng đã bị đặt ngoài vòng pháp luật. Đảng Thống nhất Quốc gia đại diện cho quân đội, và được sự ủng hộ của một tổ chức to lớn tên gọi Hiệp hội Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển[31]. Theo nhiều tổ chức, gồm cả Human Rights Watch và Amnesty International, chính quyền này có bản thành tích nhân quyền kém cỏi[32]. Không có tòa án độc lập tại Myanmar và đối lập chính trị với chính phủ quân sự không hề được khoan dung. Truy cập Internet tại Myanmar bị hạn chế chặt chẽ thông qua các phần mềm lọc các trang web có thể truy cập đối với công dân, hạn chế đa số các trang đối lập chính trị và ủng hộ dân chủ[33][34]. Lao động cưỡng bức, buôn người và lao động trẻ em là điều thông thường, và bất đồng chính trị không được khoan dung[35].
Năm 1988, quân đội Myanmar đã dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình phản đối sự quản lý kinh tế yếu kém và sự áp bức chính trị. Ngày 8 tháng 8 năm 1988, quân đội nổ súng vào những người biểu tình trong vụ việc được gọi là cuộc Nổi dậy 8888 (Cuộc biểu tình 8888). Tuy nhiên, cuộc biểu tình năm 1988 đã dọn đường cho cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân năm 1990. Kết quả của cuộc bẩu cử sau đó đã bị chính quyền bác bỏ. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, do Aung San Suu Kyi lãnh đạo, thắng hơn 60% số phiếu và 80% ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử 1990, cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức trong 30 năm. Aung San Suu Kyi được quốc tế công nhận là một nhà hoạt động vì dân chủ tại Myanmar, đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 1991. Bà đã nhiều lần bị quản thúc tại gia. Dù có lời kêu gọi trực tiếp từ Kofi Annan tới Than Shwe và áp lực của ASEAN, hội đồng quân sự Myanmar vẫn kéo dài thời hạn quản thúc tại gia đối với Aung San Suu Kyi thêm một năm ngày 27 tháng 5 năm 2006 theo Luật Bảo vệ Quốc gia năm 1975, trao cho chính phủ quyền cầm giữ hợp pháp bất kỳ người nào[36][37]. Hội đồng quân sự ngày phải đối mặt với sự cô lập quốc tế. Vào tháng 12 năm 2005, lần đầu tiên tình trạng của Myanmar đã được thảo luận không chính thức tại Liên hiệp quốc. ASEAN cũng đã bày tỏ sự thất vọng của mình với chính phủ Myanmar. Tổ chức này đã thành lập Cuộc họp kín liên nghị viện ASEAN để bàn bạc về sự thiếu dân chủ tại Myanma[38]. Sự thay đổi chính trị lớn ở nước này hiện vẫn khó xảy ra, vì sự ủng hộ từ các cường quốc trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc[39][40].
Ngày 8 tháng 11 năm 2015, hàng chục triệu người dân Myanmar đã đi bỏ phiếu với kỳ vọng vào tương lai trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ năm 1990. Kết quả cuộc bầu cử được công bố cụ thể vào sáng ngày 10 tháng 11 năm 2015. Ước tính khoảng 10.000 quan sát viên đã có mặt theo dõi tiến trình bầu cử tại Myanmar. Chính phủ triển khai hơn 40.000 cảnh sát đặc nhiệm giám sát các điểm bầu cử. Rất nhiều chợ, nhà hàng ở Yangon đóng cửa để đảm bảo an toàn. Chiều ngày 10 tháng 11 năm 2015, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) Myanmar tuyên bố đảng của bà giành khoảng 75% trong tổng số ghế Quốc hội. Trong đó, NLD có 96 ghế, bao gồm 49 ghế hạ viện. Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) cầm quyền chỉ có 3 ghế hạ viện. Tuy nhiên, quân đội Myanmar vẫn sẽ nắm giữ nhiều quyền lực chính trị. Ngày 30 tháng 3 năm 2016, ông Htin Kyaw, một đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi chính thức trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar, chấm dứt gần 50 năm đất nước Myanmar nằm dưới sự cai trị của giới độc tài quân sự.
Quan hệ đối ngoại và Quân đội
-
Quan hệ nước ngoài của Myanmar, đặc biệt với các nước phương Tây, đã rơi vào tình trạng căng thẳng. Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng lớn với Myanmar vì sự đàn áp quân sự năm 1988 và vì sự từ chối thừa nhận các kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân năm 1990 của chế độ quân sự. Tương tự, Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm vận lên Myanmar, gồm cả cấm vận vũ khí, ngừng ưu tiên thương mại và hoãn toàn bộ viện trợ ngoại trừ viện trợ nhân đạo[41]. Những biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chống lại chính phủ quân sự, cộng với sự tẩy chay và những sức ép trực tiếp khác từ người dân ở các nước phương Tây ủng hộ phong trào dân chủ Myanmar, khiến đa số các công ty Hoa Kỳ và châu Âu phải rời khỏi nước này. Tuy nhiên, nhiều công ty khác vẫn còn ở lại nhờ các kẽ hở của biện pháp cấm vận. Nói chung các tập đoàn ở châu Á vẫn muốn đầu tư vào Myanmar và tiến hành thực hiện các dự án đầu tư mới, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên. Công ty dầu mỏ Pháp Total S.A. hiện đang điều hành đường ống dẫn khí Yadana từ Myanmar tới Thái Lan dù có lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu. Total hiện là bị đơn của nhiều vụ khiếu kiện tại Pháp liên quan tới cái gọi là mối quan hệ với những vụ vi phạm nhân quyền liên quan tới đường ống dẫn khí họ đang đồng sở hữu với các công ty Hoa Kỳ Chevron và Tatmadaw. Trước khi bị Chevron thâu tóm, Unocal đã giải quyết một vụ kiện tụng liên quan tới nhân quyền với phí tổn được thông báo lên tới nhiều triệu dollar[42]. Vẫn còn những cuộc tranh cãi sôi nổi về việc liệu các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ có mang lại kết quả trái ngược trên cuộc sống của người dân chứ không phải với những nhà cầm quyền quân sự[43][44].
Chính sách đối ngoại của Myanmar là quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới đặc biệt với các nước láng giềng, khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Myanmar là thành viên của Tổ chức ASEAN, Phong trào không liên kết và Liên Hợp Quốc.
Từ khi Myanmar được kết nạp vào ASEAN (tháng 7 năm 1997), quan hệ Myanmar với các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và cải thiện. Myanmar tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN, kiên trì bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và đồng thuận của ASEAN để bảo vệ lợi ích của mình.
Hiện nay, Mỹ và EU điều chỉnh chính sách với Myanmar theo hướng mềm mỏng hơn, triển khai cả hai biện pháp là trừng phạt và tiếp cận nhằm đạt được cùng mục tiêu; Mỹ sẽ từng bước dỡ bỏ cấm vận và cải thiện quan hệ nếu Myanmar đáp ứng yêu cầu của Mỹ, có những tiến bộ thực chất.
Tuy bị sức ép mạnh của chính quyền Mỹ và các nước phương Tây, nhưng quan hệ của Myanmar với các tổ chức phi chính phủ hoặc có tính nhân dân của các nước phương Tây, kể cả Mỹ, Anh vẫn được duy trì. Các nước này vẫn tiếp tục giúp đỡ Myanmar các dự án xây dựng trường học, giúp đào tạo y tế, dân sinh…
Các lực lượng vũ trang Myanmar được gọi là Tatmadaw, với số lượng 488.000 người[45]. Tatmadaw gồm các lực lượng vũ trang, hải quân và không quân. Myanmar được xếp hạng thứ 10 trên thế giới theo số lượng binh lính của mình[45]. Quân đội có nhiều ảnh hưởng trong nước, các vị trí chủ chốt trong chính phủ và trong quân đội đều do các sĩ quan quân sự nắm giữ. Dù những con số chính thức về chi tiêu quân sự của Myanmar không được công bố, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong bảng xếp hạng hàng năm của mình đã đặt Myanmar trong số 15 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới[46].
Đầu tháng 2/2011,Quốc hội Myanmar đã bầu Thủ tướng mãn nhiệm trước đây là tướng lãnh, ông Thein Sein làm tổng thống dân sự đầu tiên sau gần 50 năm cầm quyền của quân đội.
Hành chính
-
Bản đồ phân chia hành chính Myanmar có thể click để xem
Myanmar được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính[47]. Vùng lớn nhất là Bamar (
). Các bang (
), thực chất, là các vùng sinh sống của một số sắc tộc đặc biệt. Các vùng hành chính được chia nhỏ tiếp thành các thành phố, khu vực và các làng. Các thành phố lớn được chia thành các quận.
Các vùng và bang của Myanmar lại được chia thành các huyện (kayaing). Bang Shan là bang có nhiều (11) huyện nhất. Các bang Chin, bang Mon và bang Kayah chỉ có hai huyện mỗi bang.
Địa lý
-
Myanmar có tổng diện tích 678.500 kilômét vuông (261.970 dặm vuông), là nước lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á, và là nước lớn thứ 40 trên thế giới (sau Zambia). Nước này hơi nhỏ hơn bang Texas Hoa Kỳ và hơi lớn hơn Afghanistan.
Myanmar nằm giữa Khu Chittagong của Bangladesh và Assam, Nagaland và Manipur của Ấn Độ ở phía tây bắc. Nó có đường biên giới dài nhất với Tây Tạng và Vân Nam của Trung Quốc ở phía đông bắc với tổng chiều dài 2.185 km (1.358 dặm)[45]. Myanmar giáp biên giới với Lào và Thái Lan ở phía đông nam. Myanmar có đường bờ biển dài 1.930 km (1.199 dặm) dọc theo Vịnh Bengal và Biển Andaman ở phía tây nam và phía nam, chiếm một phần ba tổng chiều dài biên giới[45].
Đồng bằng Ayeyarwady, diện tích gần 50.400 km², phần lớn canh tác lúa gạo[48]]] Ở phía bắc, núi Hengduan Shan tạo nên biên giới với Trung Quốc. Hkakabo Razi, nằm tại Bang Kachin, ở độ cao 5.881 m (19.295 feet), là điểm cao nhất Myanma[49]. Các dãy núi Rakhine Yoma, Bago Yoma và Cao nguyên Shan nằm bên trong Myanmar, cả ba đều chạy theo hướng bắc-nam từ dãy Himalaya[50]. Các dãy núi phân chia ba hệ thống sông của Myanmar, là Ayeyarwady, Thanlwin và Sittang[48]. Sông Ayeyarwady, con sông dài nhất Myanmar, gần 2.170 km (1.348 dặm), chảy vào Vịnh Martaban. Các đồng bằng màu mỡ nằm ở các thung lũng giữa các dãy núi[50]. Đa số dân cư Myanmar sống trong thung lũng Ayeyarwady, nằm giữa Rakhine Yoma và Cao nguyên Shan.
Đa phần diện tích Myanmar nằm giữa Hạ chí tuyến và Xích đạo. Myanmar nằm trong vùng gió mùa châu Á, các vùng bờ biển của nó nhận lượng mưa trung bình 5.000 mm (197 in) hàng năm. Lượng mưa hàng năm tại vùng đồng bằng gần 2.500 mm (98 in), trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại Vùng Khô, nằm ở trung tâm Myanmar, chưa tới 1.000 mm (39 in). Các vùng phía bắc đất nước có khí hậu lạnh nhất, nhiệt độ trung bình 21 °C (70 °F). Các vùng duyên hải và đồng bằng có nhiệt độ trung bình 32 °C (90 °F)[48].
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm của Myanmar góp phần giữ gìn môi trường và các hệ sinh thái. Rừng, gồm rừng nhiệt đới với loại gỗ tếch có giá trị kinh tế cao ở vùng hạ Myanmar, bao phủ 49% diện tích đất nước[51]. Các loại cây khác mọc ở vùng này gồm cao su, cây keo, tre, lim, đước, dừa, cọ. Trên những cao nguyên phía bắc, sồi, thông, và nhiều giống đỗ quyên khác bao phủ đa phần diện tích[51]. Những vùng đất dọc bờ biển có nhiều cây ăn trái nhiệt đới. Tại Vùng Khô, thực vật thưa thớt và còi cọc hơn.
Các loại động vật rừng rậm tiêu biểu, đặc biệt hổ và báo có nhiều tại Myanmar. Ở vùng Thượng Myanmar, có tê giác, trâu rừng, lợn lòi, hươu, linh dương và voi nhà, sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp khai thác gỗ. Các loài có vú nhỏ hơn cũng rất nhiều từ vượn, khỉ tới cáo bay và heo vòi. Đáng chú ý là sự đa dạng các loài chim với hơn 800 loài gồm vẹt, peafowl, gà lôi, quạ, diệc và gõ kiến (paddybird). Trong số các loài bò sát có cá sấu, tắc kè, rắn mang bành, trăn và rùa. Hàng trăm loài cá nước ngọt, rất phong phú và là nguồn thực phẩm quan trọng[52].
Năm 1994, đất canh tác 15,3% (2% có tưới), đồng cỏ 0,5%, rừng và cây bụi 49,3%, các đất khác 34,9%. Khoáng sản chính: dầu khí, thiếc, kẽm, antimon, đồng, vonfram, chì, than, đá quý.
Kinh tế
-
Myanmar là một trong những nước nghèo nhất thế giới với hàng thập kỷ ở trong tình trạng trì trệ, quản lý kém và bị cô lập. Sau khi một chính phủ nghị viện được thành lập năm 1948, Thủ tướng U Nu đã nỗ lực biến Miến Điện trở thành một quốc gia thịnh vượng. Chính quyền của ông đã thông qua Kế hoạch kinh tế hai năm nhưng tiếc thay đây là một kế hoạch sai lầm[53]. Vụ đảo chính năm 1962 tiếp sau là một kế hoạch phát triển kinh tế được gọi là Con đường Miến Điện tiến tới Chủ nghĩa xã hội, một kế hoạch nhằm quốc hữu hóa mọi ngành công nghiệp, ngoại trừ nông nghiệp. Năm 1989, chính phủ Myanmar bắt đầu bãi bỏ kiểm soát tập trung hóa nền kinh tế và tự do hóa một số lĩnh vực kinh tế[54]. Các ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận như ngọc, dầu khí và lâm nghiệp vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Gần đây những ngành này đã được một số tập đoàn nước ngoài liên doanh cùng chính phủ tham gia khai thác.
Myanmar bị liệt vào hạng nước kém phát triển nhất năm 1987[55]. Từ năm 1992, khi Than Shwe lên lãnh đạo quốc gia, chính phủ đã khuyến khích du lịch. Tuy nhiên, chưa tới 750.000 du khách tới nước này hàng năm[56]. Các doanh nghiệp tư nhân thường là đồng sở hữu hay thuộc sở hữu trực tiếp của Tatmadaw. Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nỗ lực phát triển quan hệ với chính phủ nước này vì mục tiêu lợi ích kinh tế. Nhiều quốc gia khác, trong đó gồm cả Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu, đã áp đặt các lệnh cấm vận thương mại và đầu tư đối với Myanmar. Đầu tư nước ngoài chủ yếu từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan[57].
Ở thời thuộc địa Anh, Miến Điện là một trong những nước giàu có nhất vùng Đông Nam Á. Đây là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và là nước cung cấp dầu khí thông qua Công ty Dầu khí Miến Điện. Miến Điện cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhân lực dồi dào. Họ sản xuất 75% lượng gỗ tếch của thế giới, và dân cư có tỷ lệ biết đọc biết viết cao. Nước này từng được tin tưởng sẽ có tương lai phát triển nhanh chóng.
Ngày nay, Myanmar thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Trao đổi hàng hóa chủ yếu qua biên giới với Thái Lan, và đó cũng là đầu mối xuất khẩu ma tuý lớn nhất, và dọc theo Sông Ayeyarwady. Đường sắt cũ kỹ và mới ở mức kỹ thuật sơ khai, hiếm khi được sửa chữa từ khi được xây dựng trong thập niên 1800[58]. Đường giao thông thường không được trải nhựa, trừ tại các thành phố lớn[58]. Thiếu hụt năng lượng là điều thường thấy trong nước, kể cả tại Yangon. Myanmar cũng là nước sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai thế giới, chiếm 8% tổng lượng sản xuất toàn cầu và là nguôn cung cấp các tiền chất ma tuý lớn gồm cả amphetamines[59]. Các ngành công nghiệp khác gồm sản phẩm nông nghiệp, dệt may, sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, kim cương, kim loại, dầu mỏ và khí ga. Việc thiếu hụt nguồn nhân công trình độ cao cũng là một vấn đề ngày càng tăng đối với kinh tế Myanma[60].
Nông nghiệp chiếm 59,5% GDP và 65,9% lao động. Công nghiệp chế biến chiếm 7,1% GDP và 9,1% lao động; khai khoáng 0,5% GDP và 0,7% lao động; xây dựng 2,4% GDP và 2,2% lao động; thương mại 23,2% GDP và 9,7% lao động; tài chính, dịch vụ và công chính 1,5% GDP và 8,1% lao động. GDP/đầu người: 2.399 USD (1995); GNP/đầu người: 2610 USD (1996). Sản phẩm nông nghiệp chính (1999): lúa 17 triệu tấn, mía 5,4 triệu tấn, đậu 1,9 triệu tấn, lạc 562 nghìn tấn, ngô 303 nghìn tấn, vừng 210 nghìn tấn, bông 158 nghìn tấn. Chăn nuôi: bò 10,7 triệu, lợn 3,7 triệu, trâu 2,4 triệu, cừu và dê 1,7 triệu, vịt 6,1 triệu, gà 39 triệu. Gỗ tròn 22,4 triệu m³ (1998). Đánh bắt cá 917,7 nghìn tấn (1997). Sản phẩm công nghiệp chính: khai khoáng (đồng 14,6 nghìn tấn, thạch cao 40,6 nghìn tấn, chì 1,6 nghìn tấn, thiếc 154 tấn); chế biến (xi măng 513 nghìn tấn, phân hóa học 66 nghìn, đường 43 nghìn; 1996). Năng lượng (1996): điện 4,3 tỉ kW.h, than 72 nghìn tấn, dầu thô 2,8 triệu thùng, khí đốt 1,6 tỉ m³. Giao thông: đường sắt 3955 km (1999-2000), đường bộ 28,2 nghìn km (1996, rải nhựa 12%).
Xuất khẩu (1997-98) 5,4 tỉ kyat (nông sản 26,9%, gỗ và cao su 15,7%). Bạn hàng chính: Singapore 13,2%; Thái Lan 11,9%; Ấn Độ 22,6%; Trung Quốc 10,6%; Hồng Kông 5,8%.
Nhập khẩu (1997-98) 12,7 tỉ kyat (máy móc và thiết bị vận tải 28,6%, tư liệu sản xuất 48%, hàng tiêu dùng 4,3%). Bạn hàng chính: Singapore 31,1%, Thái Lan 9,8%, Trung Quốc 9,4%, Malaysia 7%.
Đơn vị tiền tệ: kyat Myanmar. Tỷ giá hối đoái: 1USD = 983 kyat (11/2013)
Tính đến năm 2016, GDP của Myanmar đạt 68.277 USD, đứng thứ 73 thế giới, đứng thứ 25 châu Á và đứng thứ 7 Đông Nam Á.
Nhân khẩu
-
Một tòa nhà chung cư tại khu kinh doanh Yangon, đối diện
Chợ Bogyoke. Đa số dân đô thị Yangon sống trong những khu chung cư đông đúc
Myanmar có dân số khoảng 40 tới 55 triệu người[61]. Con số dân cư hiện tại chỉ là ước tính bởi vì cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc cuối cùng, do Bộ Nội và các Vấn đề Tôn giáo tiến hành, đã xảy ra từ năm 1983[62]. Có hơn 600.000 công nhân nhập cư Myanmar có đăng ký tại Thái Lan, và hàng triệu người lao động bất hợp pháp khác. Những công nhân nhập cư Myanmar chiếm 80% số lao động nhập cư tại Thái Lan[63]. Mật độ dân số bình quân của Myanmar là 75 người trên km², một trong những mức thấp nhất vùng Đông Nam Á. Các trại tị nạn tồn tại dọc theo biên giới Ấn Độ-Myanmar, Bangladesh-Myanmar và Myanma-Thái Lan và hàng ngàn người khác sống tại Malaysia. Những ước tính thận trọng cho rằng hơn 295.800 người tị nạn từ Myanmar, đa số là người Rohingya, Kayin và Karenni[64].
Một em bé thuộc cộng đồng thiểu số
Padaung, một trong nhiều dân tộc thiểu số tạo nên dân số Myanmar
Myanmar rất đa dạng về chủng tộc dân cư. Dù chính phủ công nhận 135 dân tộc khác nhau, con số thực thấp hơn nhiều[65]. Người Bamar chiếm khoảng 68% dân số, 10% là người Shan. Người Kayin chiếm 7% dân số, người Rakhine chiếm 4%. Người Hoa chiếm gần 3% dân số[66]. Người Môn, chiếm 2% dân số, là nhóm người có quan hệ dân tộc và ngôn ngữ với người Khmer. Người Ấn chiếm 2%. Số còn lại là người Kachin, Chin và các nhóm thiểu số khác.
Myanmar có bốn ngữ hệ chính: Hán-Tạng, Nam Á, Tai-Kadai và Ấn-Âu[67]. Các ngôn ngữ thuộc hệ Hán-Tạng được sử dụng nhiều nhất. Chúng gồm tiếng Myanma, tiếng Karen, Kachin, tiếng Chin và tiếng Hoa. Ngôn ngữ Tai-Kadai chính là tiếng Shan. Tiếng Môn là ngôn ngữ Nam Á chính được sử dụng ở Myanmar. Hai ngôn ngữ Ấn-Âu chính là tiếng Pali, ngôn ngữ dùng trong nghi thức của Phật giáo Tiểu thừa và tiếng Anh[68].
Theo Viện Thống kê UNESCO, tỷ lệ biết đọc biết viết chính thức của Myanmar năm 2000 là 89,9%[69]. Về mặt lịch sử, Myanmar có tỷ lệ biết chữ cao. Nhằm đạt mức đánh giá tình trạng quốc gia kém phát triển của Liên hiệp quốc để được cho vay vốn, Myanmar đã hạ thấp mức biết chữ của nước mình từ 78,6% xuống còn 18,7% năm 1987[70]. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính số người biết chữ thực là 30%.
Phật giáo tại Myanmar chủ yếu là phái Tiểu thừa hòa trộn với những đức tin bản địa. 89% dân số nước này theo Phật giáo Tiểu thừa, gồm người Bamar, Rakhine, Shan, Mon và Hoa. 4% dân số là tín đồ Cơ Đốc giáo, chủ yếu là những cư dân vùng cao như Kachin, Chin và Kayin, và Âu Á bởi vì các nhà truyền giáo thường tới các vùng này. Đa số tín đồ Cơ Đốc giáo là Tin Lành, đặc biệt là phái Baptist của Giáo đoàn Baptist Myanmar. 4% dân số theo Hồi giáo, chủ yếu là dòng Sunni[71]. Hồi giáo thường phát triển trong các cộng đồng dân cư Ấn Độ, Ấn Miến, Ba Tư, Ả Rập, Panthay và Rohingya. Những người dân theo Hồi giáo và Cơ Đốc giáo không có vị trí quan trọng trong xã hội và thường sống cô lập[71][72]. Một số nhỏ dân cư theo Hindu giáo.
Văn hóa
-
Dù có nhiều nền văn hóa bản xứ tồn tại ở Myanmar, nền văn hóa chiếm vị trí trọng yếu là Phật giáo và Bamar. Văn hóa Bamar từng bị ảnh hưởng từ các nền văn hóa các nước xung quanh. Nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, nhảy múa và sân khấu. Nghệ thuật, đặc biệt là văn học, trong lịch sử từng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo Nam truyền Miến Điện. Nếu coi thiên sử thi quốc gia của Myanmar, Yama Zatdaw, là một sự phóng tác theo Ramayana, thì nó đã mang nhiều nét ảnh hưởng lớn từ các văn bản Thái, Mon và Ấn Độ của vở kịch này[73]. Phật giáo đi sâu vào văn hóa và là cốt lũy của văn hóa Myanmar.
Những người đi
tu được kính trọng trên khắp Myanmar, đây là một trong những quốc gia có đa số
Phật giáo tiểu thừa trên thế giới
Trong các làng Myanmar truyền thống, chùa chiền là trung tâm của đời sống văn hóa. Các nhà sư được sùng kính và người dân luôn quỳ trước mặt để tỏ lòng tôn trọng họ. Lễ nhập tu được gọi là shinbyu là lễ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng nhất của một chú bé khi vào chùa tu trong một khoảng thời gian ngắn[74]. Các cô bé cũng có lễ xuyên lỗ tai (
) khi đến tuổi trưởng thành[74]. Văn hóa Myanmar được thể hiện rõ rệt nhất tại những ngôi làng nơi các lễ hội địa phương được tổ chức trong suốt năm, lễ hội quan trọng nhất là lễ chùa[75][76]. Nhiều làng xã ở Myanmar có quy ước, các phong tục và những điều cấm kị riêng.
Thời kỳ cai trị thuộc địa của Anh cũng đã để lại một số ảnh hưởng phương Tây trong văn hóa Myanmar. Hệ thống giáo dục Myanmar theo khuôn mẫu hệ thống giáo dục Anh Quốc. Những ảnh hưởng kiến trúc thuộc địa là điều dễ nhận thấy nhất tại các thành phố lớn như Yangon[77]. Nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Karen ở phía đông nam và người Kachin, người Chin sống ở phía bắc và tây bắc, theo Thiên chúa giáo nhờ công của các nhà truyền giáo[78].
Ngôn ngữ
-
Tiếng Myanma, tiếng mẹ đẻ của người Bamar và là ngôn ngữ chính thức của Myanmar, về mặt ngôn ngữ học có liên quan tới tiếng Tây Tạng và tiếng Trung Quốc[68]. Nó được viết bằng ký tự gồm các chữ hình tròn và nửa hình tròn, có nguồn gốc từ ký tự Môn. Bảng chữ cái này được phỏng theo ký tự Môn, ký tự Môn được phát triển từ ký tự nam Ấn Độ trong thập niên 700. Những văn bản sớm nhất sử dụng ký tự được biết tới từ thập niên 1000. Ký tự này cũng được sử dụng để viết chữ Pali, ngôn ngữ thiêng liêng của Phật giáo Tiểu thừa. Ký tự Miến Điện cũng được dùng để viết nhiều ngôn ngữ thiểu số khác, gồm Shan, nhiều thổ ngữ Karen và Kayah (Karenni); ngoài ra mỗi ngôn ngữ còn có thêm nhiều ký tự và dấu phụ đặc biệt khác[79]. Tiếng Mayanma sử dụng nhiều từ thể hiện sự kính trọng và phân biệt tuổi tác[75]. Xã hội Myanmar truyền thống rất nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục. Bên trong các ngôi làng, giáo dục do các giáo sĩ truyền dạy thường diễn ra trong các ngôi chùa. Giáo dục trung học và giáo dục cao đẳng/đại học thuộc các trường của chính phủ.
Ẩm thực
-
Ẩm thực Myanmar bị ảnh hưởng nhiều từ ẩm thực Ấn Độ, Trung Quốc, Thái, và các nền văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số khác[80]. Món chủ yếu trong ẩm thực Myanmar là gạo. Mỳ và bánh mì cũng là các món thường thấy. Ẩm thực Myanmar thường sử dụng tôm, cá, patê cá lên men, thịt lợn và thịt cừu[80]. Thịt bò, bị coi là món cấm kỵ, rất hiếm được sử dụng. Các món cà ri, như masala và ớt khô cũng được dùng. Mohinga, thường được coi là món quốc hồn Myanmar, gồm nước luộc cá trê có gia vị cà ri và hoa đậu xanh, miến và nước mắm[81]. Các loại quả nhiệt đới thường dùng làm đồ tráng miệng. Các thành phố lớn có nhiều phong cách ẩm thực gồm cả Shan, Trung Quốc và Ấn Độ.
Âm nhạc
-
Âm nhạc truyền thống Miến Điện du dương nhưng không hài hòa. Các nhạc cụ gồm một bộ trống được gọi là pat waing, một bộ cồng gọi là kyi waing, một đàn tre gọi là pattala, chũm chọe, nhạc cụ bộ hơi như hnè hay oboe và sáo, bamboo clappers, và nhạc cụ bộ dây, thường được kết hợp thành một giàn giao hưởng gọi là saing waing[74][76] Saung gauk, một nhạc cụ bộ dây hình chiếc thuyền gồm các dây tơ và thủy tinh trang trí dọc theo thân từ lâu đã đi liền với văn hóa Myanma[82]. Từ thập niên 1950, các nhạc cụ phương Tây đã trở nên phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn[83].
Tôn giáo
Myanmar có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó đạo Phật chiếm 89,3% số dân; Thiên Chúa giáo 5,6%; đạo Hồi 3,8%; đạo Hindu 0,5%; các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Đa Thần giáo, Vật linh giáo, v.v. Chiếm khoảng 0,8% số dân. Mọi công dân Myanmar được tự do tín ngưỡng, tuy theo tôn giáo khác nhau nhưng dân chúng vẫn sống hòa bình, bằng chứng là những kiến trúc của tôn giáo khác nhau cùng được xây dựng và ton trọng tại những thành phố lớn.
Phật giáo
Người dân Myanmar sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn ở Myanmar, cuộc sống của người dân không tách rời các nghi lễ Phật giáo. Mùa chay Phật giáo cũng được ghi trên lịch của Myanmar là ba tháng mùa mưa, tương đương với thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch. Trong thời gian đó có các hoạt động ăn chay, cưới xin, chuyển nhà thường được hoãn lại.
Trong các tín đồ Phật giáo ở Myanmar có 99% là người Miến, người Shan và người Karen. Cả nước Myanmar có khoảng 500.000 tăng ni. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy – tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, giáo phái Nam Tông. Sự tu hành của các sư cũng giống như Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia: các sư không ở chùa mà ở thiền viện, buổi sáng hằng ngày đi khất thực, không ăn chay và chỉ được ăn từ khi mặt trời mọc đến trước 12h trưa, sau 12h trưa đến sáng hôm sau tuyệt đối không được ăn.
Dưới thời thủ tướng Ne Win, Phật giáo tại Mianma từng được đưa vào Hiến pháp là quốc đạo, nhưng các chính quyền quân sự Myanmar tiếp theo đã xóa bỏ điều khoản này để đảm bảo công bằng về tôn giáo.
Cả nước Myanmar có hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp đất nước. Vì vậy, cũng như Campuchia, Myanmar còn được gọi là đất nước Chùa tháp.
Chùa thấp tập trung nhiều nhất ở thành phố Bagan, gồm khoảng hơn 4000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên diện tích khoảng 40km2.Nhiều chùa, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ nguyên Bagan (thế kỷ 11).
Nhiều chùa tháp của Myanmar thường được xây trên các đỉnh núi cao hơn mặt nước biển hàng nghìn mét để cất gi, bảo quản xá lợi Phật và các Phật tích khác. Các ngọn tháp cất giữ xá lợi Phật là những cấu trúc liền khối hình nón với một căn phòng chứa báu vật ở bên dưới. Khu nền bao quanh ngọn tháp là nơi dành cho hành khách hương cầu nguyện, thiền định, tụng kinh hay dâng hương. Những kiến trúc Phật giáo khác gồm có: tượng Phật – được dựng ngoài trời hay dưới một mái che, Phật đường – là nơi tổ chức thuyết pháp và các buổi lễ.
Ở lối vào những ngôi đền, chùa lớn thường có nhiều quầy bán hoa tươi, cành lá, nến, vàng thếp, những chiếc dù, quạt nhỏ bằng giấy màu để dâng lên Đức Phật. Giày dép của khách thập phương phải bỏ bên ngoài mỗi khi bước chân vào đền, chùa.
Myanmar cũng có rất nhiều thiền viện – là nơi ở của các nhà sư. Các Phật tử trong và ngoài nước thường tới thiền viện để tỏ lòng kính trọng và dâng đồ bố thí, cúng dường như thức ăn, tiền bạc, áo cà sa và vật dụng cho các sư. Phật tử có thể lưu lại cả tuần, cả tháng, cả năm trong thiền viện để học thiền, nghe thuyết pháp hay nghiên cứu Phật pháp. Nhiều nghi lễ tôn giáo, trong đó có lễ thụ giới và lễ dâng cà sa,… được tổ chức rất trang trọng tại các thiền viện. Một số khu vực trong thiền viện cấm phụ nữ không được lui tới. Vào các kỳ nghỉ hè hằng năm, học sinh từ 6 đến 16 tuổi cũng tạp trung ở đây làm ễ xuống tóc, đổi áo và dự một khóa tu khoảng 1 tháng để học các giới luật, nghe thuyết pháp và tu thiền.
Chùa Shwedagon (chùa vàng) ở Yangon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar, được hình thành từ 2500 năm trước và được các triều đạo phong kiến Miến Điện tu bổ, mở rộng dần. Chùa Shewdagon tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng, trên đỉnh tháp gắn nhiều kim cương, hồng ngọc, bích ngọc và các loại đá quý, chùa được dát vàng nên lấp lánh dưới ánh mặt trời vào ban ngày và ánh điện về ban đêm. Ở Yangoon còn có chùa Phật nằm, chùa Phật ngọc, chùa tóc Phật, chùa răng Phật, v.v.. rất độc đáo.
Chùa Kyaikhtyo ở bang Mon là kỳ quan có một không hai trên thế giới. Chùa được xây trên tảng đá lớn màu vàng chênh vênh trên vách núi cao trông rất ngoạn mục.
Myanmar có nhiều học viện Phật giáo ở các thành phố lớn, nơi đã và đang đào tạo các sư có trình độ cao về Phật học. Myanmar còn có trường đại học Phật giáo quốc tế tại Yangoon, dành cho sinh viên từ nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xri Lanca, Nepan, Thái Lan, Campuchia, Lào,.. đến học miễn phí từ bậc đại học đến tiến sĩ.
Thiên Chúa giáo
Thiên chúa giáo lần đầu tiên gia nhập Myanmar khoảng đầu thế kỷ 17, hiện chiếm khoảng 5,6% số dân Myanmar. Phần lớn tín đồ thiên chúa giáo là người Keren, Chin, Kachin, và người Miến theo Thiên chúa giáo dòng Baptis. Những thừa sai Thiên chúa giáo hoạt động rất tích cực từ thời thuộc địa cho đến giữa những năm 1960, họ thành lập các trường học, bệnh viện và các trung tâm cứu trợ xã hội. Sau năm 1962, những cơ sở này bị chính quyền Myanmar quốc hữu hóa.
Hồi giáo
Đạo Hồi tại Myanmar chiếm 3,8% số dân và chủ yếu tập trung ở bang Rakhine, phía tây Myanmar. Người hồi giáo dòng Rohingya sống chủ yếu ở các quận Maungdau, Buthidaung và Rathedaung – bang Rakhine. Từ nhiều năm nay, những khu vực này vẫn thường xảy ra xung đột quyết liệt giữa các giáo phái với nhau, đặc biệt là tín đồ Hồi giáo dòng Rohingya với tín đồ Thiên chúa giáo và Phật giáo.
Các tôn giáo khác gồm Do thái giáo, Đa thần giáo, Linh vật giáo,..chiếm khoảng 0,8% số dân Mianma.
Xem thêm
Ảnh
-
Tượng Phật Thích Ca to lớn trong chùa Vàng (Shwedagon)
-
Tượng sư tử thần to lớn ở cổng chùa Vàng
-
Phong cảnh ở khu vực chùa Vàng
-
Kim thạch (Golden Rock) cheo leo ở chùa Kyite Htee Yoe
-
Phong cảnh ở khu vực chùa Kyite Htee Yoe
Ghi chú
- ^ http://myanmar.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/UNION_2-C_religion_EN_0.pdf
- ^ The 2014 Myanmar Population and Housing Census Highlights of the Main Results Census Report Volume 2 – A. Department of Population Ministry of Immigration and Population. 2015.
- ^ a ă â b “Burma (Myanmar)”. World Economic Outlook Database. International Monetary Fund.
- ^ “2016 Human Development Report” (PDF). United Nations Development Programme. 2016. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2017.
- ^ “Asian Development Bank and Myanmar: Fact Sheet” (PDF). Asian Development Bank. 30 tháng 4 năm 2012. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2012.
- ^ “The World Factbook – Burma”. cia.gov. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2016.
- ^ O’Reilly, Dougald JW (2007). Early civilizations of Southeast Asia. United Kingdom: Altamira Press. ISBN 0-7591-0279-1.
- ^ Lieberman, p. 152
- ^ “Burma”. Human Rights Watch. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2013.
- ^ “Myanmar Human Rights”. Amnesty International USA. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2013.
- ^ “World Report 2012: Burma”. Human Rights Watch. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2013.
- ^ Madhani, Aamer (16 tháng 11 năm 2012). “Obama administration eases Burma sanctions before visit”. USA Today.
- ^ Fuller, Thomas; Geitner, Paul (23 tháng 4 năm 2012). “European Union Suspends Most Myanmar Sanctions”. The New York Times.
- ^ Eleven Media (4 tháng 9 năm 2013). “Income Gap ‘world’s widest’”. The Nation. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2014.
- ^ McCornac, Dennis (22 tháng 10 năm 2013). “Income inequality in Burma”. Democratic Voice of Burma. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2014.
- ^ George Aaron Broadwell; Dept. of Anthropology; University at Albany, Albany, NY; truy cập 11 tháng 7 năm 2006
- ^ An Account of An Embassy to the Kingdom of Ava by Michael Symes,1795.
- ^ a ă â Houtman, Gustaaf (1999). Mental Culture in Burmese Crisis Politics: Aung San Suu Kyi and the National League for Democracy. ISBN 4-87297-748-3.
- ^ “The Constitution of the Union of Burma”. DVB. 1947. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2006.
- ^ Smith, Martin (1991). Burma -Insurgency and the Politics of Ethnicity. London and New Jersey: Zed Books. tr. 42–43.
- ^ “Honoring those who fought for freedom “Golden Anniversary””. Mainichi Daily News. National Coalition Government of Union of Burma. Ngày 12 tháng 1 năm 1998. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2006.
- ^ Aung Zaw. “Can Another Asian Fill U Thant’s Shoes?”. The Irrawaddy tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2006.
- ^ “PYITHU HLUTTAW ELECTION LAW”. State Law and Order Restoration Council. iBiblio.org. Ngày 31 tháng 5 năm 1989. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2006.
- ^ Khin Kyaw Han (ngày 1 tháng 2 năm 2003). “1990 MULTI-PARTY DEMOCRACY GENERAL ELECTIONS”. National League for Democracy. iBiblio.org. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2006.
- ^ a ă “The National Convention”. The Irrawaddy. Ngày 31 tháng 3 năm 2004. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Chính quyền Myanmar chuyển sang thủ đô mới”. VietNamNet. 7 tháng 11 năm 2005. Truy cập 27 tháng 3 năm 2007.
- ^ “Myanmar lần đầu giới thiệu thủ đô mới với thế giới”. VietNamNet. 27 tháng 3 năm 2007. Truy cập 27 tháng 3 năm 2007.
- ^ “The Birth Of The NCGUB”. National Coalition Government of the Union of Burma. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2006.
- ^ Aung Zaw. “Than Shwe—Man in the Iron Mask”. The Irrawaddy. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Chiefs of State and Cabinet Members of Foreign Governments: Burma”. Central Intelligence Agency. Ngày 2 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2006.
- ^ McCain, John (ngày 11 tháng 5 năm 2003). “Crisis in Rangoon”. National Review Online. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
- ^ Brad Adams. “Statement to the EU Development Committee”. Human Rights Watch. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Internet Filtering in Burma in 2005: A Country Study”. OpenNet Initiative.
- ^ “Burma bans Google and gmail”. BurmaNet News. Ngày 27 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2006.
- ^ “Myanmar: 10th anniversary of military repression”. Amnesty International. Ngày 7 tháng 8 năm 1998. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 8 năm 2006. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
- ^ The Irrawaddy (27 tháng 5 năm 2006). “Suu Kyi’s Detention Extended, Supporters likely to Protest”. The Irrawaddy. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2006.
- ^ The Irrawaddy (27 tháng 5 năm 2006). “Opposition Condemns Extension of Suu Kyi’s Detention”. The Irrawaddy. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2006.
- ^ “About Us”. ASEAN Inter-Parliamentary Myanmar Caucus. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2006.
- ^ Poon, Khim Shee (2002). “The Political Economy of China-Myanmar Relations: Strategic and Economic Dimensions” (PDF). Ritsumeikan University. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
- ^ Selth, Andrew (Spring 2002). “Burma and Superpower Rivalries in the Asia-Pacific”. Naval War College Review. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2006.
- ^ “The EU’s relations with Burma / Myanmar”. European Union. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Dilemma of dealing with Burma”. BBC News. 20 tháng 10 năm 2004. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2004.
- ^ “How Best to Rid the World of Monsters”. Washington Post. 23 tháng 6 năm 2003. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2006.
- ^ “Reuters Belgian group seeks Total boycott over Myanmar”. Ibiblio (Reuters). 10 tháng 5 năm 1999. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2006.
- ^ a ă â b CIA Factbook
- ^ Starck, Peter (ngày 7 tháng 6 năm 2005). “World Military Spending Topped $1 Trillion in 2004”. Reuters. Common Dreams NewsCenter. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Administrative divisions”. The World Factbook. Central Intelligence Agency. Ngày 29 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2006.
- ^ a ă â Thein, Myat (2005). Economic Development of Myanmar. ISBN 981-230-211-5.
- ^ Dr. Patrick Hesp và đồng nghiệp biên tập (2000). Geographica’s World Reference. Random House Australia. tr. 738, 741.
- ^ a ă Than, Mya (2005). Myanmar in ASEAN: Regional Co-operation Experience. ISBN 981-230-210-7.
- ^ a ă Myanmar’s Forest Law and Rules BurmaLibrary.org Truy cập 15 tháng 7 năm 2006
- ^ “Flora and Fauna” at Myanmars.net
- ^ Watkins, Thayer. “Political and Economic History of Myanmar (Burma) Economics”. San José State University. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2006.
- ^ Stephen Codrington (2005). Planet geography. Solid Star Press. tr. 559. ISBN 0-9579819-3-7.
- ^ “List of Least Developed Countries”. UN-OHRLLS. 2005.
- ^ Henderson, Joan C. “The Politics of Tourism in Myanmar” (PDF). Nanyang Technological University. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2006.
- ^ Fullbrook, David (ngày 4 tháng 11 năm 2004). “So long US, hello China, India”. Asia Times. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
- ^ a ă “Challenges to Democratization in Burma” (PDF). International IDEA. Tháng 11 năm 2001. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Myanmar Country Profile” (PDF). Office on Drugs and Crime. United Nations. Tháng 12 năm 2005. tr. 5–6. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2006.
- ^ Brown, Ian (2005). A Colonial Economy In Crisis. Routledge. ISBN 0-415-30580-2.
- ^ “POPULATION AND SOCIAL INTEGRATION SECTION (PSIS)”. UN Economic and Social Commission for Asia and the Pacific.
- ^ “Conflict and Displacement in Karenni: The Need for Considered Responses” (PDF). PDF. Burma Ethnic Research Group. Tháng 5 năm 2000. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Thailand: The Plight of Burmese Migrant Workers”. Amnesty International. Ngày 8 tháng 6 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2006. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Myanmar Refugees in South East Asia” (PDF). PDF. UNHCR. Tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2006.
- ^ Gamanii. “135: Counting Races in Burma”. The New Era Journal. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2006.
- ^ Mya Than (1997). Leo Suryadinata, biên tập. Ethnic Chinese As Southeast Asians. ISBN 0-312-17576-0.
- ^ Gordon, Raymond G., Jr. (2005). “Languages of Myanmar”. SIL International. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
- ^ a ă Gordon, Raymond G., Jr. (2005). “Language Family Trees: Sino-Tibetan”. Ethnologue: Languages of the World, Fifteenth edition. SIL International. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Adult (15+) Literacy Rates and Illiterate Population by Region and Gender for 2000-2004” (XLS). UNESCO Institute of Statistics. Tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2006.
- ^ Robert I Rotberg biên tập (1998). Burma: Prospects for a Democratic Future.
- ^ a ă Priestly, Harry (tháng 1 năm 2006). “The Outsiders”. The Irrawaddy. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2006.
- ^ Samuel Ngun Ling (2003). “The Encounter of Missionary Christianity and Resurgent Buddhism in Post-colonial Myanmar” (PDF). Payap University. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Ramayana in Myanmar’s heart”. Goldenland Pages. Ngày 13 tháng 9 năm 2003. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2006.
- ^ a ă â Khin Myo Chit (1980). Flowers and Festivals Round the Burmese Year.
- ^ a ă Tsaya (1886). Myam-ma, the home of the Burman. Calcutta: Thacker, Spink and Co. tr. 36–37.
- ^ a ă Shway Yoe (1882). The Burman – His Life and Notions. New York: Norton Library 1963. tr. 211–216,317–319.
- ^ Martin, Steven (ngày 30 tháng 3 năm 2004). “Burma maintains bygone buildings”. BBC News. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2006.
- ^ Scott O’Connor, V. C. (1904). The Silken East – A Record of Life and Travel in Burma. Scotland 1993: Kiscadale. tr. 32.
- ^ “Proposal for encoding characters for Myanmar minority languages in the UCS” (PDF). International Organization for Standardization. Ngày 2 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2006.
- ^ a ă Kong, Foong Ling (2002). Food of Asia. Tuttle Publishing. ISBN 0-7946-0146-4.
- ^ “Get a taste of Myanmar’s national dish”. Indo-Asian News Service (PlanetGuru).
- ^ “Postcard of Saung Gauk (arched harp)”. National Music Museum. University of South Dakota. Ngày 18 tháng 10 năm 2004. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Myanmar worries as rappers upstage traditional xylophones”. Agence France Presse (BurmaNet News). Ngày 28 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2006.
Liên kết ngoài
Thể loại:
Aung San Suu Kyi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Aung San Suu Kyi AC (tiếng Miến Điện:
; MLCTS: aung hcan: cu. krany, /aʊŋˌsæn.suːˈtʃiː/,[2] Phát âm tiếng Myanma: [àʊɴ sʰáɴ sṵ tɕì] sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945), là một chính trị gia người Myanmar, là lãnh tụ phe Đối lập của Myanmar, và là chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar. Trong cuộc bầu cử phổ thông năm 1990, NLD giảnh 59% tổng số phiếu và 81% (392 trên 485) ghế trong nghị viện[3][4][5][6][7][8][9]. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ được nhậm chức thủ tướng và đã bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Bà chịu sự quản thúc tại gia của chính quyền quân sự trong gần 15 năm trong tổng số 21 năm quản chế cho đến khi được thả lần gần đây nhất vào tháng 11 năm 2010,[10] qua đó trở thành một trong những tù nhân chính trị được biết đến nhất trên thế giới.[11]
Năm 1990, Suu Kyi được trao tặng Giải tưởng niệm Thorolf Rafto và Giải thưởng Sakharov cho Tự do Tư tưởng. Bà tiếp tục được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991 [12] và Giải Jawaharlal Nehru cho sự Thông cảm quốc tế của chính phủ Ấn Độ cùng Giải thưởng Simón Bolívar của chính phủ Venezuela vào năm 1992. Năm 2007, chính phủ Canada công nhận Suu Kyi là công dân danh dự của Canada,[13] bà là người thứ tư có được vinh dự này.[14] Năm 2011 bà được trao tặng Huy chương Wallenberg.[15]. Hiện nay bà là hội viên danh dự của Câu lạc bộ Madrid. Ngày 19 tháng 12 năm 2012, bà được trao tặng Huân chương Vàng Quốc hội (Congressional Gold Medal), một trong hai giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, bên cạnh Huân chương Tự do Tổng thống[16].
Ngày 1 tháng 4 năm 2012, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ thông báo Suu Kyi đã trúng cử vào Pyithu Hluttaw, cơ quan Hạ viện của Myanmar, đại diện cho khu vực Kawhmu;[17] NLD cũng giành được 43 trên 45 ghế trống trong Hạ viện.[18] Kết quả cuộc bầu cử đã được xác nhận bởi các ủy ban bầu cử chính thức vào ngày hôm sau.[19]
Ngày 6 tháng 6 năm 2013, Suu Kyi cho biết tại trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng bà muốn tham gia tranh cử vào vị trí người lãnh đạo cao nhất của Myanmar vào năm 2015[20]. Năm 2015, Đảng NLD của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội. Tuy nhiên, hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo năm 2008 cấm bà Suu Kyi làm tổng thống vì người chồng Michael Aris và hai con trai của bà đều mang quốc tịch Anh, do vậy bà nói là “sẽ đứng trên tổng thống”. Ngày 2 tháng 4 năm 2016, bà chính thức trở thành “cố vấn quốc gia Miến Điện”, một chức vụ được tạo ra riêng cho bà.
Chính phủ mới của Myanmar của Suu Kyi ban đầu được phương Tây ca ngợi là “biểu tượng dân chủ” và sẽ tạo ra nhiều cải cách, nhưng những lời ca ngợi này sớm qua đi. Không còn là “nhà hoạt động đối lập” mà đã trở thành lãnh đạo, Suu Kyi sớm nhận ra nhiều vấn đề chính trị của Myanmar là không thể giải quyết chỉ bằng các khẩu hiệu “vận động dân chủ” như trước đây bà đã làm, ví dụ như sự khống chế của quân đội tại 3 bộ quan trọng nhất, hoặc Khủng hoảng người tị nạn Rohingya 2015. Bà bị phương tây chỉ trích vì những việc mà họ cho là “sự đàn áp sắc tộc Hồi giáo thiểu số ở tây bắc Myanmar”. Truyền thông phương Tây cho rằng Giải Nobel Hòa bình được trao cho Suu Kyi là một “nỗi hổ thẹn”, và rằng “bà được tôn vinh vì đã chiến đấu cho sự tự do – và bây giờ bà ấy sử dụng sự tự do đó để biện hộ cho việc giết người của chính bà ta”. Đáp lại, Suu Kyi chỉ trích truyền thông phương tây đã thêu dệt nhiều thông tin sai lệch về tình hình Myanmar[21], đồng thời bà đã dần xa lánh các nước phương Tây và quay sang tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc và Nga[22]
Danh xưng
Một bức ảnh chân dung gia đình, với Aung San Suu Kyi (mặc đồ trắng) còn chập chững, được chụp năm 1947, ngay trước khi diễn ra vụ ám sát cha mình.
Aung San Suu Kyi, giống như những cái tên Myanmar khác, không có phần tên họ, mà chỉ có một cái tên cá nhân, trong trường hợp của bà xuất phát từ ba phần: “Aung San” từ tên người cha, “Suu” từ tên người bà nội, và “Kyi” từ tên của người mẹ Khin Kyi.[24]
Người Myanmar thường gọi bà là Daw Aung San Suu Kyi. Daw không phải là một phần tên gọi của bà, mà là một danh xưng mang tính kính trọng trong tiếng Myanmar, mang ý nghĩa như “Madame” – “bà“, dùng để gọi người phụ nữ lớn tuổi và đáng kính trọng, nghĩa gốc là “cô”, “dì”.[25] Họ thường gọi Daw Suu và Amay Suu (“Mẹ Suu”),[26][27] (và thậm chí là “Dì Suu” (Aunty Suu)), và cũng gọi Tiến sĩ Suu Kyi (Dr. Suu Kyi).[28]
Phương tiện truyền thông nước ngoài thường gọi bà là Ms. Suu Kyi, hoặc Miss Suu Kyi.
Những năm đầu đời
Một bức ảnh chân dung của Khin Kyi và gia đình năm 1948. Aung San Suu Kyi được đặt ngồi trên ghế.
Aung San Suu Kyi sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945 tại Rangoon (nay là Yangon).[29] Người cha của bà, Aung San, là người thành lập Tatmadaw, lực lượng vũ trang hiện đại của Myanmar và là người đàm phán về độc lập cho Miến Điện (Burma) khỏi sự thống trị của Đế quốc Anh vào năm 1947; ông bị ám sát bởi phe đối lập vào cùng năm. Bà lớn lên với người mẹ, Khin Kyi, và hai anh trai, Aung San Lin và Aung San Oo, tại Rangoon. Aung San Lin mất sớm vào năm lên tám tuổi, khi bị ngã xuống hồ trong khu vườn của ngôi nhà.[24] Người anh trai còn lại di cư sang San Diego, California, trở thành một công dân Hoa Kỳ.[24] Sau cái chết của Aung San Lin, gia đình chuyển đến một ngôi nhà gần hồ Inya, nơi Suu Kyi gặp rất nhiều người có nguồn gốc, tôn giáo và quan điểm chính trị khác nhau.[30] Bà được đào tạo tại Trường Trung học Anh ngữ Giám lý (bây giờ là Trường Trung học Dagon số 1) trong hầu hết thời thơ ấu tại Miến Điện, nơi bà được ghi nhận có tài năm trong việc học các ngôn ngữ nước ngoài.[31] Bà là một tín đồ Phật giáo Nguyên thủy.
Aung San Suu Kyi năm lên 6 tuổi.
Người mẹ của Suu Kyi, Khin Kyi, trở nên nổi tiếng với vai trò một nhân vật chính trị trong chính phủ Miến Điện mới được thành lập. Bà được bổ nhiệm làm đại sứ Miến Điện đến Ấn Độ và Nepal năm 1960, và Aung San Suu Kyi đi theo mẹ đến đó. Bà học tại Tu viện Chúa Giêsu và Đức mẹ Maria (Convent of Jesus and Mary School) ở New Delhi, và tốt nghiệp Cao đẳng Nữ sinh Lady Shri Ram tại New Delhi với bằng cử nhân chính trị năm 1964.[29][32] Suu Kyi tiếp tục học tại St Hugh’s College, Oxford, lấy bằng cử nhân Triết học, Chính trị và Kinh tế (PPE) năm 1969. Sau khi tốt nghiệp, bà sống tại thành phố New York với Ma Than E, một người bạn của gia đình, người đã từng là một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng của Miến Điện.[33] Bà làm việc tại Liên Hiệp quốc trong ba năm, chủ yếu là về các vấn đề ngân sách, viết hàng ngày với chồng tương lai của mình, Tiến sĩ Michael Aris.[34] Cuối năm 1971, Aung San Suu Kyi kết hôn với Aris, một học giả về văn hóa Tây Tạng, sống ở nước ngoài tại Bhutan.[29] Một năm sau bà sinh con trai đầu tiên của họ, Alexander Aris, tại London; con trai thứ hai, Kim, sinh năm 1977. Từ năm 1985 đến năm 1987, Suu Kyi tập trung nghiên cứu để lấy bằng Thạc sĩ Triết học (M.Phil) về văn học Miến Điện với vai trò nghiên cứu sinh tại SOAS – Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi, thuộc Đại học London.[35][36] Cô được bầu làm Uỷ viên Danh dự của SOAS năm 1990.[29] Trong hai năm cô ấy là một Ủy viên tại Viện nghiên cứu cao cấp của Ấn Độ (IIAS) ở Shimla, Ấn Độ. Cô cũng làm việc cho chính phủ Liên bang Myanmar.
Năm 1988 Suu Kyi trở về Miến Điện, lúc đầu để chăm sóc người mẹ ốm yếu, nhưng sau đó là để lãnh đạo phong trào dân chủ. Lần viếng thăm của Aris vào Giáng sinh năm 1995 trở thành lần cuối ông và bà Suu Kyi gặp mặt nhau, bởi Suu Kyi vẫn ở Myanmar và chế độ độc tài Myanmar từ chối bất kì thị thực nào của ông sau thời điểm đó.[29] Aris được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt năm 1997 mà sau đó được phát hiện đã vào giai đoạn cuối. Bất chấp lời kêu gọi từ các nhân vật và tổ chức nổi tiếng, bao gồm cả Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Kofi Annan và Giáo hoàng John Paul II, chính phủ Myanmar không cấp thị thực cho Aris, và phát biểu rằng họ không có đủ điều kiện để chú ý đến ông, và thay vào đó kêu gọi Aung San Suu Kyi rời khỏi đất nước để thăm ông. Vào thời điểm này, Suu Kyi vừa tạm thời được gỡ bỏ sự quản thúc tại gia, nhưng bà không bằng lòng rời đất nước, vì lo sợ sẽ bị từ chối tái nhập cảnh nếu rời Myanmar, khi Suu Kyi không tin tưởng vào việc chính quyền quân sự bảo đảm rằng bà có thể trở lại.[37]
Aris qua đời vào ngày sinh nhật lần thứ 53 của mình, ngày 27 tháng 3 năm 1999. Kể từ năm 1989, khi vợ ông lần đầu tiên bị đặt dưới sự quản thúc tại gia, ông chỉ được gặp mặt bà năm lần, lần cuối cùng vào Giáng sinh năm 1995. Bà cũng bị chia cắt với những đứa con, hiện sống tại Anh, nhưng bắt đầu từ năm 2011, họ bắt đầu đến thăm bà tại Myanmar.[38]
Vào ngày 02 tháng 5 năm 2008, sau khi Bão Nargis đi qua Myanmar, Suu Kyi bị mất mái nhà của mình và sống trong bóng tối sau khi mất điện tại nơi cư trú ven hồ đổ nát của mình. Bà sử dụng nến vào ban đêm khi không được cung cấp bất kì máy phát điện nào.[39] Kế hoạch cải tạo và sửa chữa ngôi nhà được công bố vào tháng 8 năm 2009.[40] Suu Kyi được gỡ bỏ lệnh quản thúc tại gia vào ngày 13 tháng 11 năm 2010.[41]
Aung San Suu Kyi đến và có bài phát biểu trước những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử năm 2012 tại địa điểm bỏ phiếu đặt ở thị trấn Kawhmu, Myanmar ngày 22 tháng 3 năm 2012.
Tiểu sử
- 1942: Sĩ quan chỉ huy của quân đội độc lập Miến Điện Aung San, làm quen với Ma Khin Kyi, nữ y tá cao cấp của nhà thương lớn tại Rangoon, nơi ông ta hồi phục sau cuộc hành quân. Hai người kết hôn vào ngày 6 tháng 9.
- 1945: Suu Kyi, con thứ ba của Aung San, ra đời tại Rangoon ngày 19 tháng 6. Người anh kế của Suu Kyi bị chết đuối khi bà còn nhỏ. Người anh cả định cư tại Hoa Kỳ.
- 1947: Tướng Aung San bị ám sát ngày 19 tháng 7, khi Suu Kyi mới hai tuổi. Mẹ là Daw Khin Kyi trở thành một nhân vật trong chính trường, lãnh đạo một số cơ quan về kế hoạch và xã hội. Tướng Aung San được coi là người thành lập Quân đội Miến điện.
- 1948: Liên hiệp Độc lập Miến Điện thành lập ngày 4 tháng 1.
- 1960: Daw Khin Kyi được cử làm đại sứ tại Ấn Độ. Suu Kyi theo mẹ sang New Delhi.
- 1960-1964: Suu Kyi theo học trường trung học và trường Lady Shri Ram College tại New Delhi.
- 1964-1967: Học bằng Cử nhân triết, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford. Khi ở Anh, Suu Kyi sống chung với gia đình “cha nuôi” là Sir Gore-Booth, cựu đại sứ và cao ủy Anh Quốc tại Miến Điện, và qua đó làm quen với Michael Aris, một sinh viên người Anh chuyên khảo cứu về văn minh Tây Tạng.
- 1969–1971: Suu Kyi đến New York để học cho xong, sống chung với bạn là Ma Than E, một nhân viên của Liên Hiệp Quốc. Qua đó, Suu Kyi tạm ngưng việc học, theo làm phụ tá thư ký, ban tham vấn về điều hành hành chính tại Liên Hiệp Quốc. Ngoài giờ làm việc thì làm việc thiện nguyện tại nhà thương, an ủi và đọc sách cho bệnh nhân.
- 1972: Suu Kyi và Michael Aris kết hôn ngay 1 tháng 1. Suu Kyi Theo chồng đi Bhutan. Michael là người dạy tiếng Anh cho hoàng gia Bhutan và là trưởng phòng phiên dịch. Suu Kyi sau đó làm nhân viên khảo cứu cho Bộ Ngoại giao.
- 1973: Hai vợ chồng trở về Luân Đôn. Suu Kyi sinh con đầu lòng Alexander.
- 1977: sinh con thứ nhì là Kim tại Oxford. Trong khi ờ nhà nuôi con nhỏ, Suu Kyi bắt đầu viết sách, nghiên cứu về cha của bà và giúp chồng khảo cứu về văn hoá vùng Himalaya.
- 1984: Xuất bản bài về cha mình Aung San trong phần “Các lãnh tụ Á châu” của báo định kỳ Đại học Queensland. (Xem Freedom from Fear, pp. 3–38.)
- 1985: Xuất bản “Đi thăm Miến Điện” cho giới đọc giả trẻ. Xuất bản sách về Nepal và Bhutan (Nhà xuất bản: Burke, London)
- 1985-1986: Là học giả nội trú tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto, Suu Kyi tìm hiểu về cha bà trong thời gian ông ở Nhật.
- 1986: Hằng năm, hai con trai của Suu Kyi, Alexander và Kim, về Rangoon thăm bà ngoại và dần dần học hỏi về tu hành đạo Phật.
- 1987: Sau khi được trao bằng thành viên của trường nghiên cứu văn hóa Ấn, Suu Kyi cùng chồng con về cư trú tại Simla. Sau đó về London khi mẹ bà cần mổ mắt vì bệnh cườm thủy tinh thể mắt. Xuất bàn “Thời sự xã hội chính trị Miến Điện trong những năm 1910-1940” trong báo của Đại học Tokyo. (Xem “Freedom from Fear”, pp. 140–164.) Gia đình trở về Oxford vào tháng 9. Suu Kyi ghi danh học tại trường London nghiên cứu về châu Á và châu Phi.
- 31 tháng 3: Khi nghe tin mẹ bị tai biến mạch máu não trầm trọng, Suu Kyi về Rangoon chăm sóc cho bà.
- 23 tháng 7: Tướng Ne Win, nhà độc tài Myanma từ năm 1962, từ chức. Những cuộc biểu tình chống đối tiếp tục xảy ra.
- 8 tháng 8: Nhiều cuộc nổi dậy khắp nơi. Chính quyền dùng vũ lực đàn áp, rất nhiều người chết và bị thương.
- 15 tháng 8: Suu Kyi bắt đầu hoạt động chính trị. Bà gửi thư cho chính phủ, kêu gọi thành lập ủy ban cố vấn độc lập về vấn đề bầu cử đa đảng.
- 26 tháng 8: Trong bản tuyên bố đầu tiên trước hàng trăm ngàn công chúng bên ngoài chùa Shwedagon, bà kêu gọi thành lập chính phủ tự do dân chủ. Chồng và hai con trai bà cũng có mặt hôm ấy.
- 18 tháng 9: Chính phủ quân đội Myanma (SLORC) ban ra hình luật để áp chế các cuộc biểu tình.
- 24 tháng 9: Đảng Liên kết Quốc gia Dân chủ (NLD) thành lập do Suu Kyi làm tổng thư ký. Chủ trương bất bạo động.
- Tháng 10 – 12: Mặc dù bị nhà nước cấm, Suu Kyi tiếp tục đi khắp nơi phát huy, cổ động nhân dân về phong trào tự do, dân chủ.
- 27 tháng 12: Mẹ của Suu Kyi, bà Khin Kyi, chết (thọ 76 tuổi).
- 2 tháng 1: tang lễ của Khin Kyi rất lớn. Suu Kyi thề sẽ theo bước mẹ cha phục vụ đồng bào Miến Điện cho đến chết.
- Tháng 1 – tháng 7: Suu Kyi tiếp tục tranh đấu mặc dù bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ bởi quân lính nhà nước.
- 17 tháng 2: Suu Kyi bị nhà nước cấm không cho tranh cử.
- 5 tháng 4: Sự kiện tại khu Irawaddy Delta, Suu Kyi can đảm đi thẳng tới trước những nòng súng của quân đội chính phủ đang chĩa vào bà.
- 20 tháng 7: Suu Kyi bị giam lỏng trong nhà, không có án kết. Hai con trai đang sống cùng bà. Chồng bà là Michael bay từ Rangoon về thăm sau khi nghe tin bà tuyệt thực ba ngày để đòi được đem vào tù chung với những học sinh bị bắt tại tư gia của bà. Bà ngưng tuyệt thực khi chính quyền hứa sẽ đối xử tốt với học sinh.
- 27 tháng 5: Đảng NLD thắng cử (82% phiếu) mặc dù Suu Kyi đang bị giam lỏng. Nhà nước SLORC không chấp nhận kết quả bầu cử.
- 12 tháng 10: Suu Kyi lãnh giải thưởng Nhân quyền Rafto.
Suu Kyi công bố bà sẽ dành khoản tiền nhận được từ giải Nobel (khoảng 1,3 triệu đô Mỹ) để tái thiết các trụ sở giáo dục và y tế cho đồng bào Myanma.
- Nhóm người lãnh giải Nobel Hòa bình xin gặp bà nhưng bị nhà nước Myanma từ chối. Họ sang thăm dân Myanma tỵ nạn tại Thái Lan và kêu gọi nhà nước Myanma trả tự do cho Suu Kyi. Sau đó lời kêu gọi này được lập lại tại Liên Hiệp Quốc.
- Tháng 2: Những người không bà con được thăm Suu Kyi gồm có đại diện Liên Hiệp Quốc, nghị viên Mỹ, phóng viên báo New York Times.
- Tháng 9 – 10: Các nhà lãnh đạo chính quyền Myanma gặp Suu Kyi – bà vẫn đòi một cuộc đối thoại công khai.
- 10 tháng 7: SLORC thả Suu Kyi sau 6 năm giam lỏng.
Trong nhiều năm sau, Suu Kyi bị kềm chế về vấn đề đi lại. Bà có cơ hội gọi điện thoại cho thân nhân ở Anh Quốc nhưng ngoài ra không hoạt động gì được. Báo chí do nhà nước quản chế liên tục bôi nhọ bà và nhiều người lo sợ cho an ninh của bà. Mọi nỗ lực để phát huy đảng NLD đều bị dập tắt, nhiều thành viên bị đánh đập và bỏ tù. Một vài tháng sau khi lệnh quản thúc tại gia kết thúc, Suu Kyi có cố gắng tuyên bố trước đám đông công chúng tụ tập tại nhà bà, nhưng sau đó hoạt động này bị dẹp. Tuy nhiên bà vẫn được nhiều người ngưỡng mộ và ủng hộ.
Suu Kyi vẫn tiếp tục có tiếng nói trên thời sự quốc tế. Phóng viên, ký giả vẫn có thể quay phim và phỏng vấn bà. Tại cuộc hội thảo quốc tế về phụ nữ do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh tháng 8 năm 1995, bà gửi video để tường trình các vấn đề chính yếu với diễn đàn các tổ chức phi chính phủ.
Trong khi đó, SLORC đổi tên thành Ủy ban Hòa bình và Xây dựng Quốc gia, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền như trước.
Suu Kyi khuyến khích thế giới đừng du lịch và ngưng liên hệ ngoại giao với Myanma cho đến khi nào nước này có tự do chân chính. Tuy Hoa Kỳ có ra biện pháp cấm vận kinh tế với Myanma, những nước láng giềng vẫn có liên hệ ngoại giao với nước này và Myanma đã được nhận vào Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Ngày 27 tháng 3 năm 1999, chồng Suu Kyi qua đời tại London vì bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 52 khi đang là Giáo sư Oxford. Lần cuối cùng ông bà gặp nhau là vào Giáng sinh năm 1995. Khi biết tin mình bị ung thư, ông cố gắng gặp vợ lần cuối cùng nhưng chính phủ Myanma không cấp visa cho ông vào Miến điện. Ông xin cấp visa hơn 30 lần, có cả sự can thiệp của Giáo hoàng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhưng chính phủ Miến điện luôn từ chối và luôn khuyên Suu Kyi rời nước đi thăm chồng, nhưng bà từ chối vì biết rằng một khi bà ra khỏi nước, chính phủ Myanma sẽ không bao giờ được cho phép bà trở về lại Myanma. Suu Kyi xem sự đau khổ xa cách chồng, ngay cả khi ông chết, là một hy sinh bà phải nhận trong quá trình tranh đấu cho tự do dân tộc Myanma.
Năm 2004, đặc sứ Liên hiệp quốc Razali Ismali đến Myanma, thăm bà Suu Kyi, nhưng trong 2 năm sau đó không có người nước ngoài nào được tới gặp bà.
Tháng 5 năm 2006, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc phụ trách chính trị Ibrahim Gambari đến Myanma để thảo luận với chính quyền quân sự về vấn đề nhân quyền cũng như việc lập lại dân chủ. Ông đã gặp bà Suu Kyi, tuy nhiên nội dung cuộc trò chuyện không được công bố.
Cuộc biểu tình của tu sĩ Phật giáo tại Burma bắt đầu ngày 19 tháng 8 năm 2007, khởi nguồn từ sự tăng giá quá cao của xăng dầu. Mặc dầu bị quân đội chính quyền Junta đàn áp tàn bạo nhưng các vị sư sãi vẫn tiếp tục xuống đường lên án nhà nước [42].
Ngày thứ bảy, 22 tháng 9, mặc dầu đang bị giam lỏng tại tư gia, bà Aung San Suu Kyi xuất hiện trước công chúng tại cổng nhà mình, đón tiếp các vị tăng ni phật giáo trên đường họ kéo về tham gia biểu tình đòi nhân quyền [43].
Sau đó có tin là Suu Kyi bị bắt đem về nhà tù Insein nơi bà từng bị giam cầm năm 2003 [44] [45][46][47], nhưng qua cuộc đàm thoại ngày 30 tháng 9 và 2 tháng 10 với phái đoàn Liên Hiệp Quốc do ông Ibrahim Gambari dẫn đầu thì bà chỉ tiếp tục bị giam lỏng tại tư gia.[48][49].
Ngày 3 tháng 5, 2009, một người Mỹ tên John Yettaw không hiểu vì lý do gì lại lội ngang hồ Inya. Ông tìm đến nhà bà Suu Kyi xin trú ngụ vì ông ta mệt quá và khi ông ta dự định lội trở về vài hôm sau thì bị bắt. Ngày 13 tháng 5 khi chính quyền Myanma nghe tin này liền kết tội bà Suu Kyi là vi phạm bản án tù tại gia.[50] Bà bị bắt giam tại trại giam Insein, với nghi án có thể lên đến 5 năm tù ở.[51] Phiên tòa xử bà Suu Kyi và hai người hầu của bà bắt đầu ngày 18 tháng 5.[52][53] Các nhà ngoại giao và phóng viên báo chí bị cấm theo dõi, nhưng sau đó một số nhân viên ngoại giao của Nga, Thái Lan và Singapore được vào gặp bà Suu Kyi.[54]
Phiên tòa lúc đầu dự định cho kêu mời 22 nhân chứng [55] đồng thời kết ông Yettaw vào tội làm nhục quốc thể Miến Điện.[56] Bà Suu Kyi tuyên bố là bà vô tội. Bên bị cáo chỉ được gọi 1 nhân chứng (trong 4 người) trong khi bên chính quyền lại kêu 14 nhân chứng. Hai nhân chứng bên bị cáo là Tin Oo và Win Tin (thành viên đảng NLD) bị từ chối.[57] Có tin cho rằng chính quyền Burma dự định tống giam bà Suu Kyi vào một trại lính bên ngoài thủ đô.[58] Tại một phiên tòa khác ông Yettaw nói rằng ông lội đến nhà bà Suu Kyi đề cảnh giác bà là bà ta sắp gặp nạn lớn.[59] Cảnh sát trưởng quốc gia sau đó xác định rằng Yettaw là “thủ phạm chính” trong vụ án của bà Suu Kyi.[60] Theo lời của người tùy tùng thì bà Suu Kyi nằm tù trong thời gian quanh ngày sinh nhật thứ 64 của bà.[61]
Vụ bắt giữ và xét xử bà Aung San Suu Kyi bị cả thế giới phản đối, nhất là từ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,[62] các chính phủ tây phương [63] Nam Phi,[64] Nhật Bản [65] và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Burma là thành viên của hiệp hội này).[66]
Chính quyền Myanma phản bác các phản đối này là không tôn trọng truyền thống [67] và đồng thời chỉ trích Thái Lan đã xen vào chuyện nội bộ của Burma.[68] Ngoại trưởng Burma Nyan Win tuyên bố trên báo nhà nước Ánh sáng Mới Myanmar rằng: Vụ án này được thổi phồng lên để tăng áp lực đến chính phủ Burma do một số phần tử phản động bên trong và ngoài Burma không muốn thấy những thay đổi tốt trong chính sách liên hệ giữa các nước này với Burma.[56] Ông Ban Ki-moon lãnh thỉnh nguyện thư của các nước [69] đem sang Burma thương lượng nhưng chính quyền Burma khước từ các thỉnh nguyện này.[70]
Chính quyền Burma đình hoãn tuyên án bà Suu Kyi đến ngày 11 tháng 8 [71] và ra án 18 tháng tù tại gia [72]. Bà Suu Kyi do đó sẽ không thể ra ứng cử trong cuộc bầu cử năm tới. Liên Hiệp Quốc và chính phủ tại nhiều quốc gia lên tiếng phản đối hành động này của chính quyền Burma.[73]
Ông Yettaw bị tuyên án 7 nằm tù khổ sai.[72]
Ngày 14 tháng 8, nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb sang gặp chính quyền Myanma và sau đó thăm bà Suu Kyi. Ông Webb xin tha và Burma quyết định thả và trục xuất Yettaw.[74]
Luật sư của bà Suu Kyi kháng cáo.[75] Ngày 18 tháng 8 tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi chính quyền Burma thả tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có bà Suu Kyi.[76]
Ngày 25 tháng 9, Suu Kyi chuẩn bị để cùng làm việc với các lãnh đạo quân sự Miến Điện hầu sự cấm vận kinh tế đang áp đặt ở quốc gia này được bãi bỏ. Điều mà trước đây Suu Kyi nhất mực chống lại. Theo lời U Nyan Win, phát ngôn viên vừa là luật sư của Suu Kyi, thì Suu Kyi thảo một bức thư gửi trực tiếp cho nhà lãnh đạo quân đội, Tướng Than Shwe, theo đó bà sẵn sàng hợp tác để làm sao cho việc cấm vận được bãi bỏ. Shwe bỏ ra chừng một tiếng đồng hồ để cùng bà thảo bức thư được miêu tả là “lối suy nghĩ mới” của bà về việc cấm vận. Trong vài ngày tới, bức thư được chính thức nộp cho nhà lãnh đạo quân sự. Luật sư Nyan Win nói Suu Kyi muốn biết có bao nhiêu cấm vận từng áp đặt lên đất nước Miến Điện, và phần lớn mang lại hậu quả tiêu cực đối với đời sống của dân chúng. Trong lá thư bà còn bày tỏ muốn nghe ý kiến của các quốc gia khác đang có đại sứ ở Miến Điện. Đảng đối thủ Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà, từng thắng cử trong cuộc đầu phiếu năm 1989, chưa quyết định sẽ tham gia cuộc tuyển cử trở lại vào năm 2010 hay không. Quyết định tiếp xúc với chánh đảng quân sự của Suu Kyi đến cùng lúc với chính sách thay đổi của Hoa Kỳ đối với Miến Điện.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố ngày 23/9 rằng Hoa Kỳ sẽ cố liên hệ trực tiếp với các nhà lãnh đạo Miến mà không phải bãi bỏ việc cấm vận hiện tại. Theo bà, đây là một phần của sự tái duyệt chính sách đã được công bố từ Tháng Hai, và chi tiết sẽ được đưa ra trong vài ngày sắp đến. Sự tái duyệt chính sách này bị chậm lại vào tháng 5 sau khi có sự gia hạn việc quản chế dành cho Suu Kyi. Suu Kyi tuyên bố ngày 24/9 rằng bà tán đồng sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, nhưng nhấn mạnh rằng bất cứ quan hệ nào của Mỹ cũng sẽ đều gặp sự chống đối. Bà Clinton nói, “Chúng ta muốn thấy có sự cải cách về dân chủ; một chính quyền biết đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Miến; thả lập tức và không điều kiện những tù nhân chính trị, kể cả bà Aung San Suu Kyi; đối thoại nghiêm túc với phe chống đối và các nhóm thuộc sắc tộc thiểu số.”
Ngày 2 tháng 10, một tòa án tại Myanma ra phán quyết bác bỏ đơn xin trả tự do của Suu Kyi, theo luật sư của bà. Suu Kyi nói việc kết tội bà là không đúng, nhưng tòa ở Yangon bác bỏ đơn này. Ông nói rằng các luật sư đại diện cho Suu Kyi sẽ đưa đơn lên Tối cao Pháp viện trong vòng 60 ngày và nếu điều này thất bại sẽ tiếp tục kiện lên tòa kháng án đặc biệt tại thủ đô mới ở Naypyidaw. Phán quyết của tòa án Myanma đưa ra trong lúc có sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với chính quyền quân phiệt tại Myanma.[77]
Suu Kyi gặp một viên chức chính quyền quân sự ngày 7 tháng 10. Ðây là cuộc gặp gỡ thứ nhì trong một tuần kể từ khi bà lên tiếng kêu gọi mở ra một thời đại hợp tác.[78] Cuộc họp không được loan báo trước giữa Suu Kyi và Bộ trưởng Giao tế Aung Kyi diễn ra tại một nhà khách chính phủ gần căn nhà bên bờ hồ của bà ở Yangon và kéo dài chừng nửa giờ đồng hồ.[79] Chi tiết của cuộc gặp gỡ này không được tiết lộ.
Nyan Win, phát ngôn viên của đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ, tin rằng điều này có thể liên hệ đến lá thư của Suu Kyi và sự tiếp nối của cuộc họp ngày 3 tháng 10. Phía đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ đòi hỏi là nếu muốn có sự hợp tác, phía chính quyền phải trả tự do cho thành phần tranh đấu còn đang bị giam giữ và cho mở cửa văn phòng đại diện của đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ trên cả nước.[80]
Chiều ngày 13 tháng 11 năm 2010, theo chiếu lệ của tòa án Miến Điện, Aung San Suu Kyi được trả tự do, sau khi bị quản thúc tại gia 15 năm trong 21 năm qua.[81][82]
Đây là ngày được ấn định là hết hạn giam giữ theo một phán quyết của tòa án trong tháng 8 năm 2009. Bà được thả sáu ngày sau cuộc tổng tuyển bị cử chỉ trích rộng rãi. Bà xuất hiện trước một đám đông người ủng hộ đổ xô đến nhà bà ở Rangoon, khi rào chắn gần đó đã được gỡ bỏ bởi các lực lượng an ninh.The Light tờ báo của chính phủ mới của Myanmar nói việc thả tự do là tích cực, nói rằng bà đã được ân xá sau khi chấp hành hình phạt “tốt”. The New York Times cho rằng chính phủ quân sự có thể đã thả Suu Kyi bởi vì họ cảm thấy đó là ở một cách để kiểm soát người ủng hộ bà sau cuộc bầu cử. Vai trò Suu Kyi thể hiện trong tương lai đối với dân chủ ở Miến Điện vẫn còn là một chủ đề của nhiều cuộc tranh luận.
Con trai Kim Aris của bà đã được cấp thị thực trong tháng 11 năm 2010 để gặp lại mẹ của mình ngay sau khi được thả, lần đầu tiên trong 10 năm. Anh đã thăm một lần nữa vào ngày 05 Tháng 7 năm 2011, đi cùng bà trên một chuyến đi đến Bagan, chuyến đi đầu tiên ra bên ngoài Yangon từ năm 2003. Con trai của bà đã đến thăm một lần nữa trong 08 tháng 8 năm 2011, đi cùng bà trên một chuyến đi đến Pegu.
Các cuộc thảo luận đã được tổ chức giữa Suu Kyi và chính phủ Miến Điện trong năm 2011, dẫn đến một số cử chỉ chính thức để đáp ứng nhu cầu của bà. Trong tháng mười, khoảng 1/10 của các tù nhân chính trị Miến Điện trả tự do ân xá và tổ chức công đoàn đã được hợp pháp hóa.
Tháng 11 năm 2011, sau một cuộc họp của các nhà lãnh đạo, NLD tuyên bố ý định đăng ký lại như một đảng chính trị để tranh 48 vị trí nghị sĩ. Sau quyết định, Suu Kyi đã tổ chức điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó đồng ý rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm Miến Điện, một cuộc viếng thăm nhận được phản ứng thận trọng từ đồng minh Trung Quốc. Vào ngày 1 tháng 12 năm 2011, Suu Kyi gặp với Hillary Clinton tại nơi cư trú của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Yangon.
Ngày 21 tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra gặp Suu Kyi tại Yangon, trở thành “lần đầu tiên cuộc họp với nhà lãnh đạo của một quốc gia nước ngoài” của Suu Kyi.
Ngày 5 tháng 1 năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đã gặp bà Aung San Suu Kyi và đối tác Miến Điện của mình. Đây là một chuyến thăm quan trọng cho Suu Kyi và Miến Điện. Suu Kyi học tại Vương quốc Anh và duy trì mối quan hệ, trong khi Anh là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Miến Điện. Aung San Suu Kyi là chuyến thăm của bà tới châu Âu và thăm quốc hội Thụy Sĩ và nhận giải thưởng Nobel năm 1991 ở Oslo.
Bầu cử năm 2012
Trong 1 bài phát biểu chính thức của chiến dịch phát sóng trên MRTV truyền hình nhà nước Miến Điện của ngày 14 tháng 3 năm 2012, Suu Kyi công khai vận động cải cách Hiến pháp năm 2008, loại bỏ các luật hạn chế, bảo vệ đầy đủ hơn quyền dân chủ của người dân, và thành lập tư pháp độc lập. Bài phát biểu đã bị rò rỉ trên internet một ngày trước khi nó được phát sóng. Một đoạn văn trong bài phát biểu, tập trung vào kiểm soát của Quân đội Miến điện bằng pháp luật, đã bị kiểm duyệt bởi chính quyền.
Suu Kyi cũng đã kêu gọi các phương tiện truyền thông quốc tế giám sát cuộc bầu cử sắp tới, trong khi công khai chỉ ra bất thường trong danh sách cử tri chính thức, trong đó bao gồm các cá nhân đã chết và loại trừ các cử tri đủ điều kiện khác trong bầu cử gây tranh cãi. Vào ngày 21 tháng 3 năm 2012, bà Aung San Suu Kyi đã được trích dẫn khi nói “Gian lận và vi phạm quy tắc đang diễn ra và chúng tôi thậm chí có thể nói rằng chúng đang gia tăng.”
Ngày 01 Tháng tư 2012, NLD tuyên bố rằng Suu Kyi đã thắng cử một ghế trong Quốc hội.
Nắm quyền lãnh đạo
Ngày 8 tháng 11 năm 2015, Đảng NLD của bà Suu Kyi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử khi giành được 126 ghế trong quốc hội. Tuy nhiên, hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo năm 2008 cấm bà Suu Kyi làm tổng thống vì người chồng quá cố Michael Aris và hai con trai của bà đều mang quốc tịch Anh, do vậy bà nói là sẽ đứng trên tổng thống.
Ngày 30 tháng 3 năm 2016, bà được giữ hai chức vụ ngoại trưởng và bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Miến Điện. Ngày 2 tháng 4 năm 2016, bà chính thức trở thành cố vấn quốc gia Miến Điện, một chức vụ được tạo ra riêng cho bà. Các đại biểu quốc hội thuộc quân đội đã phản đối chức này cho đó là phi hiến pháp và tẩy chay bỏ phiếu. Sự phối hợp nhiều công việc có nghĩa là bà sẽ giám sát cơ quan tổng thống, quyết định chính sách đối ngoại và phối hợp những quyết định giữa ngành hành pháp và các lãnh tụ quốc hội. Tuần trước bà đã được phong làm bộ trưởng bộ giáo dục và bộ nhiên liệu nhưng đã từ bỏ 2 chức vụ này trong tuần này.[83]
Khủng hoảng chính trị năm 2017
Aung San Suu Kyi bị chỉ trích vì sự im lặng và thiếu hành động của mình đối với vấn đề người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar, cũng như không ngăn chặn việc vi phạm nhân quyền của quân đội đối với nhóm này[84][85][86] Bà đã đáp trả: “Hãy chỉ cho tôi một quốc gia không có vấn đề nào về nhân quyền”[87]
Tháng 8 năm 2017, Aung San Suu Kyi bảo vệ hành động của chính phủ, nói rằng chính phủ Myanmar “đã bắt đầu bảo vệ tất cả mọi người ở Rakhine một cách tốt nhất có thể và nói rằng truyền thông (phương tây) không nên đưa ra các thông tin sai lệch”[88] Phản ứng của bà sau đó đã bị chỉ trích bởi các nhà lãnh đạo như Desmond Tutu.[89] The Economist đã chỉ trích lập trường của bà Suu Kyi, lập luận rằng: “bạo lực ở Rakhine đã đạt đến mức tán tận lương tâm không còn thể biện minh cho sự thụ động liên tục nữa.” [90]
Xem thêm Cuộc đàn áp người Rohingya tại Myanmar 2016-17
Danh hiệu
Cho tới năm 2014, bà xếp thứ 61 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất theo Forbes.[91]
Ngày 16/6/2012, Ủy ban Giải Nobel Hòa Bình đã chính thức trao giải Nobel Hòa Bình năm 1991 cho bà Suu Kyi. Buỗi lễ với sự hiện diện của vua Harald, hoàng hậu Sonja, thái tử Haakon, thủ tướng Jens Stoltenberg, chủ tịch quốc hội Dag T. Andersen, và lãnh đạo các chính đảng của Nauy. Chủ tịch Ủy ban, ông Thorbjørn Jagland đọc diễn văn chào đón Aung San Suu Kyi. Diễn văn nhấn mạnh gương tranh đấu của Aung San Suu Kyi đã mang lại hi vọng cho thế giới. Chế độ quân phiệt càng quản chế và cô lập mạnh bao nhiêu, tiếng nói của bà càng rõ hơn. Lý tưởng và sự tranh đấu kiên trì của bà đã động viên được người dân Miến và chiến thắng được chế độ quân phiệt. Tự do và dân chủ không do nhà cầm quyền hay luật pháp ban phát. Những giá trị cao quý đó phải do tranh đấu bền bỉ mà có. Thành quả tranh đấu của Aung San Suu mang một thông điệp: chế độ độc tài có tất cả mọi thứ trong tay nhưng họ rất sợ dân chủ và trước sau cũng sụp đổ.[92]
Ngày 6/10/2017, bà Aung San Suu Kyi đã bị thành phố Oxford tước giải thưởng nhân quyền với lý do là “những quan ngại sâu sắc về sự đối xử với người Hồi giáo Rohingya” xảy ra khi bà nắm quyền. Trường cao đẳng St Hugh thuộc Đại học Oxford, trường cũ của bà Suu Kyi, đã gỡ bỏ bức chân dung của bà tại phòng trưng bày. Nghiệp đoàn lớn thứ hai của Vương quốc Anh, tuyên bố họ sẽ đình chỉ tư cách thành viên danh dự của bà.[93]
Theo tờ Independent của Anh, đã có hơn 400.000 người ký tên đòi tước giải Nobel hòa bình của bà Aung San Suu Kyi, những người này quy trách nhiệm cho bà về sự đàn áp của chính phủ Myanmar với người Hồi giáo tại bang Rakhine.
Các tác phẩm chính trị nổi bật
- Freedom from fear: là tên của một bài viết nổi tiếng của bà Suu Kyi. Đây cũng là tên của cuốn sách tập hợp các bài viết của bà. Nội dung chính nhấn mạnh về sự đấu tranh cho dân chủ và tự do.[94].
- “It is not power that corrupts but fear. Fear of losing power corrupts those who wield it and fear of the scourge of power corrupts those who are subject to it.” (không phải quyền lực mà là sự sợ hãi làm cho người ta thối nát. Sợ mất quyền thế làm cho những kẻ đương quyền trở nên đồi bại, và sợ bị những kẻ quyền thế trừng phạt làm cho những người bị trị sai lạc). Phát biểu khi được nhận giải Freedom of Glasgow.[95]
- “Bất cứ nơi nào sự đau khổ bị làm ngơ thì ở đó sẽ có mầm mống của xung đột…”. Bài phát biểu trong buổi lễ nhận giải Nobel 16/6/2012 có thể đọc ở đây.[96]
Phim ảnh
-
Năm 2011, một phim tiểu sử về một đoạn đời của bà đã được một tổ hợp Anh-Pháp thực hiện, với tựa đề The Lady do Luc Besson làm đạo diễn, với sự góp mặt của Dương Tử Quỳnh trong vai Aung San Suu Kyi và David Thewlis trong vai người chồng quá cố của bà là Michael Aris.
Chú thích
- ^ “Myanmar election commission announces NLD wins overwhelmingly in by-elections”. Xinhua News Agency. Ngày 2 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2012.
- ^ “Aung San Suu Kyi”. Oxford Dictionaries Online. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2012.
- ^ 25 tháng 9 năm 2007/97677-myanmar_britain-0 Aung San Suu Kyi should lead Burma, Pravda Online. ngày 25 tháng 9 năm 2007
- ^ The Next United Nations Secretary-General: Time for a Woman. Equality Now.org. November 2005.
- ^ MPs to Suu Kyi: You are the real PM of Burma. The Times of India. ngày 13 tháng 6 năm 2007
- ^ Walsh, John. (February 2006). Letters from Burma. Shinawatra International University.
- ^ Deutsche Welle.
- ^ Sharpe, Penny. “Daw Aung San Suu Kyi”. Penny Sharpe MLC. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2010.
- ^ twist in Aung San Suu Kyi’s fate
- ^ Burma releases Aung San Suu Kyi. BBC News, ngày 13 tháng 11 năm 2010.
- ^ Aye Aye Win, Myanmar’s Suu Kyi Released From Hospital, Associated Press (via the Washington Post, ngày 10 tháng 6 năm 2006.
- ^ Trang web của giải Nobel
- ^ “Canada makes Myanmar’s Suu Kyi an honorary citizen”. Reuters. Ngày 17 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2010.
- ^ “Update: Mawlana Hazar Imam is made an honorary citizen of Canada”. The Ismaili. Ngày 19 tháng 6 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2010.
- ^ Recipients of the Wallenberg Medal. Wallenberg.umich.edu. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2012.
- ^ “Burma’s Aung San Suu Kyi given US Congressional medal”. Ngày 19 tháng 7 năm 2012.
- ^ Fuller, Thomas, Democracy Advocate Elected to Myanmar’s Parliament, Her Party Says, The New York Times, ngày 1 tháng 4 năm 2012.
- ^ “Burmese Parliamentary Elections”. Voice of America News. Ngày 4 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2012.
- ^ NLD Claims Suu Kyi Victory, The Irrawaddy, ngày 4 tháng 4 năm 2012.
- ^ Maierbrugger, Arno (ngày 6 tháng 6 năm 2013). “Suu Kyi wants to run for president”. Inside Investor. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2013.
- ^ https://www.nytimes.com/interactive/2017/09/09/opinion/kristof-nobel-prize-aung-san-suu-kyi-shame.html?mcubz=0
- ^ https://www.theguardian.com/commentisfree/2017/sep/07/the-guardian-view-on-the-rohingya-in-myanmar-the-ladys-failings-the-militarys-crimes
- ^ “Aung San Suu Kyi”. Desert Island Discs. Ngày 27 tháng 1 năm 2013. BBC Radio 4. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2014.
- ^ a ă â Aung San Suu Kyi – Biography. Nobel Prize Foundation.
- ^ “Myanmar Family Roles and Social Relationships”. Government of Myanmar. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2007.
- ^ Min Lwin (ngày 28 tháng 5 năm 2009). “Suu Kyi Protester Arrested”. The Irrawaddy. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2011.
- ^ 12 tháng 11 năm ngày 25 tháng 10 năm 2010-42/4848-2010-11-13-11-54-29 “ဒေါ်အောင်ဆန်းစုကြည်ကို “အမေစု”ဟု အော်ဟစ် နှုတ်ဆက်”. ဧရာဝတီ (bằng tiếng Miến Điện). Ngày 13 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2011.
- ^ “City honours democracy campaigner”. BBC. Ngày 4 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2010.
- ^ a ă â b c A biography of Aung San Suu Kyi. Burma Campaign.co.uk. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2009.
- ^ Stewart (1997), p. 31
- ^ Stewart (1997), p. 32
- ^ “Aung San Suu Kyi — Biography”. Nobel Foundation. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2006.
- ^ Aditi Phadnis. “Much warmth, some restraint at Manmohan’s meeting with Suu Kyi”. Business Standard. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2012.
- ^ Staff reporter (ngày 18 tháng 6 năm 2009). Before the storm: Aung San Suu Kyi photograph peels back the years. The Guardian.
- ^ “The School of Oriental and African Studies, University of London”. Complete University Guide. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2012.
- ^ “SOAS alumna Aung San Suu Kyi calls for ‘Peaceful Revolution’ in Burma”. SOAS Alumni. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2012.
- ^ Suu Kyi rejects UK visit offer. BBC News. ngày 26 tháng 3 năm 1999.
- ^ “Obituary: A courageous and patient man”. London: BBC News. Ngày 27 tháng 3 năm 1999. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2006.
- ^ “Official: UN plane lands in Myanmar with aid after cyclone”. Associated Press. Ngày 5 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2012.
- ^ Aung San Suu Kyi’s home to be renovated. Mizzima. ngày 10 tháng 8 năm 2009.
- ^ Ba Kaung (ngày 13 tháng 11 năm 2010). “Suu Kyi Freed at Last”. The Irrawaddy. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2010.
- ^ Yahoo News on Buddhist monk uprising
- ^ AFP:Democracy icon Aung San Suu Kyi greets Myanmar monks
- ^ Reuters News 25 tháng 9 năm 2007 quote 1: In another sign of a potential clash, a well-placed source said detained democracy leader Aung San Suu Kyi had been moved to the notorious Insein prison on Sunday, a day after she appeared in front of her house to greet marching monks. quote 2: If true, removing Suu Kyi from her lakeside villa would deprive the protesters of a focus after they were stunned by police allowing them through the barricades sealing…
- ^ BBC News: Inside Burma’s Insein jail. Report from 2003 Ed. Note: Describes conditions at the jail
- ^ The Australian: Security tight amid speculation Suu Kyi jailed 28 tháng 9 năm 2007 reportquote: The head of Burma’s self-proclaimed government-in-exile, Sein Win, said in Paris on Wednesday that Ms Suu Kyi had been at Insein since Sunday. Sein Win, a first-cousin of Ms Suu Kyi, said two sources had confirmed her transfer.
- ^ current article about conditions in Time.com
- ^ “BBC NEWS”. Truy cập 15 tháng 2 năm 2015.
- ^ “BBC NEWS”. Truy cập 15 tháng 2 năm 2015.
- ^ U.S. Man Held After Swim to Burmese Nobel Peace Laureate’s Home, New York Times, 7 tháng 5 năm 2009
- ^ Lake swimmer could cost Suu Kyi her freedom, Guardian, 14 tháng 5 năm 2009
- ^ Burma opposition leader on trial, Financial Times, 19 tháng 5 năm 2009
- ^ Burma’s Aung San Suu Kyi on trial, BBC News Online, 18 tháng 5 năm 2009
- ^ Suu Kyi ‘composed’ at Burma trial, BBC News Online, 20 tháng 5 năm 2009
- ^ Lawyers for Aung San Suu Kyi protest innocence as trial begins, The Times, 18 tháng 5 năm 2009
- ^ a ă Myanmar Court Charges Suu Kyi, Wall Street Journal, 22 tháng 5 năm 2009
- ^ “Court Rejects Two Suu Kyi Defense Witnesses”. Irrawaddy.org. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2009.
- ^ “Myanmar Aung San Suu Kuy to be put under detention – Asia News”. Asianews.it. Ngày 14 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2009.
- ^ Suu Kyi’s witnesses ‘rejected’, BBC News Online, 28 tháng 5 năm 2009
- ^ Myanmar says American main culprit in Suu Kyi case. AP. 25 tháng 6 năm 2009
- ^ Aung San Suu Kyi celebrates 64th birthday with jail guards. The Guardian. 19 tháng 6 năm 2009
- ^ UN calls for release of Suu Kyi, The Age, 24 tháng 5 năm 2009
- ^ Western outcry over Suu Kyi case, BBC News Online, 18 tháng 5 năm 2009
- ^ SAfrica urges immediate Aung San Suu Kyi release, AFP at IC Publications, 22 tháng 5 năm 2009
- ^ Asian leaders call for release of Aung San Suu Kyi, Radio Australia, 15 tháng 5 năm 2009
- ^ Asian leaders condemn Burma trial, BBC News Online, 19 tháng 5 năm 2009
- ^ Myanmar protests ASEAN alternate chairman statement on Aung San Suu Kyi, Xinhua, 24 tháng 5 năm 2009
- ^ Burma lashes out at Thailand over Suu Kyi, Bangkok Post, 25 tháng 5 năm 2009
- ^ Free Burma’s Political Prisoners Now! Campaign.
- ^ Horn, Robert (5 tháng 7 năm 2009). Ban Ki-Moon Leaves Burma Disappointed. Time.
- ^ Lawyers still hope Suu Kyi will be freed ca.news.yahoo.com
- ^ a ă Suu Kyi sentenced to 18 months house arrest – Sydney Morning Herald
- ^ Anger greets Suu Kyi conviction – news.bbc.co.uk
- ^ “Senator wins release of US prisoner in Myanmar”, Associated Press, 15 tháng 8 năm 2009
- ^ McCurry, Justin (12 tháng 8 năm 2009). Lawyers to appeal against Aung San Suu Kyi sentence. The Guardian.
- ^ Obama appeals to Myanmar junta to release Aung San Suu Kyi. The Times of India. 18 tháng 8 năm 2009.
- ^ Burma denies Suu Kyi appeal court access: Verdict October
- ^ Suu Kyi Meets Junta Liaison Again
- ^ Myanmar official: Suu Kyi meets with junta minister | Radio Netherlands Worldwide
- ^ http://rawstory.com/news/afp/Suu_Kyi_meets_with_junta_minister_o_10072009.html
- ^ “Myanmar’s Aung San Suu Kyi released – Asia-Pacific”. Al Jazeera English. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Aung San Suu Kyi Freed From House Arrest”. Sky News. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Aung San Suu Kyi Moves Closer to Leading Myanmar”. nytimes. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2016.
^ Matt Broomfield (10 tháng 12 năm 2016). “UN calls on Burma’s Aung San Suu Kyi to halt ‘ethnic cleansing’ of Rohingya Muslims”. The Independent. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2016.
- ^ Michael Safi in Delhi. “Aung San Suu Kyi says ‘terrorists’ are misinforming world about Myanmar violence | World news”. The Guardian. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2017.
- ^ Naaman Zhou and Michael Safi. “Desmond Tutu condemns Aung San Suu Kyi: ‘Silence is too high a price’ | World news”. The Guardian. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2017.
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên econom
- ^ “The World’s 100 Most Powerful Women”. Forbes. Forbes. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2014.
- ^ “Aung San Suu Kyi”. Truy cập 15 tháng 2 năm 2015.
- ^ https://www.voatiengviet.com/a/oxford-tuoc-giai-nhan-quyen-cua-aung-sang-suu-kyi/4056182.html
- ^ [1]
- ^ “BBC NEWS”. Truy cập 15 tháng 2 năm 2015.
- ^ [2]
Tham khảo
Do Aung San Suu Kyi viết:
- Freedom from Fear and Other Writings. Edited with introduction by Michael Aris. 2nd ed., revised. New York and London: Penguin, 1995. (Includes essays by friends and scholars.)
- Voice of Hope: Conversations. London: Penguin, 1997 and New York City: Seven Stories Press, 1997 (Conversations beginning in November 1995 with Alan Clements, the founder of the Burma Project in California who helped with the script for the film based on her life, “Beyond Rangoon”.)
Các nguồn khác:
- “Aung San Suu Kyi”, in Current Biography, February 1992.
- Clements, Alan and Leslie Kean. Burma’s Revolution of the Spirit: The Struggle for Democratic Freedom and Dignity. New York: Aperture, 1994. (Many colour photographs with text, Includes essay by Aung San Suu Kyi.)
- Clements, Alan. Burma: The Next Killing Fields. Tucson, Arizona; Odonian Press, 1992. (With a foreword by the Dalai Lama.)
- Lintner, Bertil. Burma in Revolt: Opium and Insurgency since 1948. Boulder, Colorado: Westview, 1994. (By a well-informed Swedish journalist.)
- Lintner, Bertil. Outrage: Burma’s Struggle for Democracy. 2nd ed., Edinburgh: Kiscadale, 1995.
- Mirante, Edith T. Burmese Looking Glass. A Human Rights Adventure and a Jungle Revolution. New York: Grove, 1993.
- Smith, Martin J. Burma: Intrangency and the Politics of Ethnicity. London: Zed Books, 1991. (A detailed and well-organised account by a journalist of the violent conflict between the military government and the many minorities.)
- Victor, Barbara. The Lady: Aung San Suu Kyi: Nobel Laureate and Burma’s Prisoner. Boston and London: Faber & Faber, 1998. (A sympathetic account by a wellpublished author and journalist, whose research in Burma included interviews with government leaders.)
Đọc thêm
 |
Wikimedia Commons có thư viện hình ảnh và phương tiện truyền tải về Aung San Suu Kyi |
- Aung San Suu Kyi đấu tranh cho tự do, Huỳnh Văn Thanh dịch, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Công ty Văn Lang, 1998
|
1901-1925 |
|
|
1926-1950 |
|
|
1951-1975 |
|
|
1976-2000 |
|
|
2001-2025 |
|
|
Thể loại:
Winston Churchill
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Winston Leonard Spencer-Churchill |
 |
|
Thủ tướng
Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland |
Nhiệm kỳ
26 tháng 10 năm 1951 – 6 tháng 4 năm 1955 |
Vua/Nữ hoàng |
George VI
Elizabeth II |
Tiền nhiệm |
Clement Attlee |
Kế nhiệm |
Anthony Eden |
Nhiệm kỳ
10 tháng 5 năm 1940 – 26 tháng 7 năm 1945 |
Vua |
George VI |
Tiền nhiệm |
Neville Chamberlain |
Kế nhiệm |
Clement Attlee |
Lãnh đạo Phe đối lập |
Nhiệm kỳ
26 tháng 7 năm 1945 – 26 tháng 10 năm 1951 |
Thủ tướng |
Clement Attlee |
Vua |
George VI |
Tiền nhiệm |
Clement Attlee |
Kế nhiệm |
Clement Attlee |
Lãnh đạo Đảng Bảo thủ |
Nhiệm kỳ
9 tháng 11 năm 1940 – 6 tháng 4 năm 1955 |
Tiền nhiệm |
Neville Chamberlain |
Kế nhiệm |
Anthony Eden |
Bộ trưởng Quốc phòng |
Nhiệm kỳ
28 tháng 10 năm 1951 – 1 tháng 3 năm 1952 |
Tiền nhiệm |
Manny Shinwell |
Kế nhiệm |
Harold Alexander, Bá tước Alexander thứ nhất của Tunis |
Nhiệm kỳ
10 tháng 5 năm 1940 – 26 tháng 7 năm 1945 |
Tiền nhiệm |
Ernle Chatfield, Nam tước Chatfield thứ nhất |
Kế nhiệm |
Clement Attlee |
Bộ trưởng Tài chính |
Nhiệm kỳ
6 tháng 11 năm 1924 – 4 tháng 6 năm 1929 |
Thủ tướng |
Stanley Baldwin |
Tiền nhiệm |
Philip Snowden |
Kế nhiệm |
Philip Snowden |
Bộ trưởng Quân khí |
Nhiệm kỳ
17 tháng 7 năm 1917 – 10 tháng 1 năm 1919 |
Tiền nhiệm |
Christopher Addison |
Kế nhiệm |
Andrew Weir, Nam tước Inverforth thứ nhất |
Quốc vụ khanh của Công quốc Lancaster |
Nhiệm kỳ
25 tháng 5 năm 1915 – 25 tháng 11 năm 1915 |
Thủ tướng |
H. H. Asqiuth |
Tiền nhiệm |
Edwin Montagu |
Kế nhiệm |
Hebert Samuel |
Bộ trưởng Hải quân |
Nhiệm kỳ
3 tháng 9 năm 1939 – 11 tháng 5 năm 1940 |
Thủ tướng |
Neville Chamberlain |
Tiền nhiệm |
James Stanhope, Bá tước Stanhope thứ 7 |
Kế nhiệm |
A. V. Alexander, Bá tước Alexander thứ nhất của Hillsborough |
Nhiệm kỳ
24 tháng 10 năm 1911 – 25 tháng 5 năm 1915 |
Thủ tướng |
H. H. Asqiuth |
Tiền nhiệm |
Reginald McKenna |
Kế nhiệm |
Arthur Balfour |
Bộ trưởng Không quân |
Nhiệm kỳ
10 tháng 1 năm 1919 – 13 tháng 2 năm 1921 |
Thủ tướng |
David Lloyd George |
Tiền nhiệm |
William Weir, Tử tước Weir thứ nhất |
Kế nhiệm |
Freddie Guest |
Bộ trưởng Chiến tranh |
Nhiệm kỳ
10 tháng 1 năm 1919 – 13 tháng 2 năm 1921 |
Thủ tướng |
David Lloyd George |
Tiền nhiệm |
Alfred Milner, Tử tước Milner thứ nhất |
Kế nhiệm |
Victor Cavendish, Công tước thứ 9 của Devonshire |
Thông tin cá nhân |
Sinh |
30 tháng 11 năm 1874
Woodstock, Oxfordshire, Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland |
Mất |
24 tháng 1 năm 1965 (91 tuổi)
Kensington, Luân Đôn, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland |
Đảng chính trị |
Đảng Bảo thủ
Đảng Tự do |
Vợ, chồng |
Clementine Hozier |
Con cái |
Diana Churchill
Randolph Churchill
Sarah Churchill
Marigold
Mary Soames |
Cha mẹ |
Lord Randolph Churchill
Jennie Jerome |
Alma mater |
Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia, Sandhurst |
Tôn giáo |
Anh giáo |
Chữ ký |
 |
Phục vụ trong quân đội |
Thuộc |
Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland |
Phục vụ |
Quân đội Anh |
Cấp bậc |
Trung tá |
Tham chiến |
Chiến tranh Mahdist
Chiến tranh Boer
Chiến tranh thế giới thứ nhất |
Sir Winston Leonard Spencer-Churchill (30 tháng 11 năm 1874 – 24 tháng 1 năm 1965) là một nhà chính trị người Anh, nổi tiếng nhất với cương vị Thủ tướng Anh trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông từng là một người lính, nhà báo, tác giả, họa sĩ và chính trị gia. Churchill, nói chung, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh và lịch sử thế giới. Ông là Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học và là người đầu tiên được công nhận là Công dân danh dự Hoa Kỳ
Ông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Garter, Huân chương Công lao, Huân chương Companions of Honour, Huân chương Quân địa phương và Viện sĩ Hội Hoàng gia và là hội viên Hội đồng cơ mật Nữ hoàng Canada.
Họ chính thức của Churchill là Spencer-Churchill (ông có quan hệ với gia đình Spencer), nhưng bắt đầu từ cha ông, Sir Randolph Churchill, nhánh gia đình ông luôn chỉ sử dụng tên Churchill trước công chúng.
Tuổi trẻ
Winston Churchill là một hậu duệ của thành viên nổi tiếng đầu tiên trong dòng họ Churchill, John Churchill, Quận công Marlborough thứ nhất. Người cha của Winston và là một chính khách, Sir Randolph Churchill, là con trai thứ ba của John Spencer-Churchill, Quận công Marlborough thứ bảy; mẹ của Winston là Lady (“Quý bà”) Randolph Churchill (tên khai sinh Jennie Jerome), con gái nhà triệu phú Mỹ Leonard Jerome.
Winston Churchill sinh tại Lâu đài Blenheim ở Woodstock, Oxfordshire; ông đã ra đời sớm hơn dự kiến khi mẹ ông đang tham gia một buổi khiêu vũ. Như thói thường đối với những cậu bé con nhà thượng lưu thời buổi ấy, hầu như trong cả thời thơ ấu ông học tại các trường nội trú. Ông tham dự kỳ thi vào Trường Harrow nhưng khi làm bài tiếng Latin, ông đã cẩn thận viết tước vị, tên ông, số 1 và tiếp sau là một chấm, và không thể viết thêm được gì. Tuy vậy, ông vẫn được nhận vào trường, nhưng bị xếp vào lớp cuối nơi dạy chủ yếu môn tiếng Anh, môn ông học rất giỏi. Hiện nay, ngôi trường công có lịch sử lâu đời này hàng năm có trao một giải thưởng về tiểu luận mang tên Churchill với đầu bài do vị trưởng khoa tiếng Anh ra đề.
Ông hiếm khi được mẹ, người ông thực sự tôn thờ, tới thăm, dù ông viết nhiều bức thư cầu khẩn bà tới hay đồng ý để cha ông cho ông về nhà. Jennie Jerome (mẹ ông, và sau này được gọi là Lady Randolph) có một cá tính mạnh, và sau khi lấy Sir Randolph bà đã có quan hệ với nhiều người đàn ông nắm quyền lực lúc đó, đa số những mối quan hệ này đều được chồng bà biết đến. Những năm về sau, khi Winston đã tới tuổi thanh niên, ông và mẹ ngày càng gần nhau hơn, quan hệ giữa ông và mẹ phát triển theo kiểu hầu như giống tình cảm giữa một người em trai và chị gái hơn là giữa mẹ và con, gần gũi nhau với một tình cảm bạn bè sâu sắc.
Ông hăng hái nối bước nghề nghiệp của cha nhưng luôn có khoảng cách trong quan hệ với cha mình. Năm 1886, một lần ông bị thuật lại là đã tuyên bố “Cha tôi là Bộ trưởng bộ tài chính và một ngày nào đó tôi cũng sẽ nắm chức vụ đó.” Tuổi thơ cô đơn một mình đã ghi dấu ấn lên cả cuộc đời ông. Mặt khác, khi còn nhỏ ông rất gần gũi với vú nuôi là Elizabeth Anne Everest (người được gọi là vú em), ông đã rất buồn khi bà mất ngày 3 tháng 7 năm 1895. Ông trả tiền hỏa táng và làm bia mộ cho bà tại nghĩa trang thành phố Luân Đôn.
Tại trường Harrow, Churchill có kết quả học tập kém và thường xuyên bị phạt vì làm bài không tốt và thiếu nỗ lực. Bản tính của ông là độc lập và nổi loạn và ông không thể học tập được các môn lý thuyết, thi trượt nhiều môn và ông đã từ chối học các môn kinh điển (như, tiếng Latin và tiếng Hy Lạp cổ). Dù vậy, ông chứng tỏ khả năng xuất sắc trong những lĩnh vực như toán học và lịch sử, đối với hai môn này ông luôn đứng đầu lớp. Quan điểm cho rằng Churchill thiếu khả năng học tập là do chính cha ông đưa ra, có lẽ vì sự không hài lòng của cha ông đối với chàng trai trẻ Churchill và sẵn sàng coi con trai như một sự thất vọng. Tuy nhiên, ông đã thực sự trở thành nhà vô địch môn đánh kiếm của trường.
Tham gia Quân đội
Churchill đã theo học tại Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst. Năm 20 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập quân đội với quân hàm Trung uý thuộc trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ. Trung đoàn này đóng quân ở Bangalore, Ấn Độ. Khi tới Ấn Độ, Churchill bị trật khớp tay khi nhoài từ tàu ra với một sợi xích trên bến và bị quăng vào ke. Cánh tay này đã gây nhiều vấn đề cho ông trong những năm về sau, đôi khi nó lại rời ra khỏi khớp.
Ở Ấn Độ công việc chính của Churchill là chơi polo, một hoàn cảnh không có sức lôi cuốn đối với chàng trai trẻ, đang muốn lao vào hành động quân sự. Ông dành thời gian để tự học qua các cuốn sách mà ông đã gửi đi từ trước. Câu lạc bộ Bangalore, nơi ông từng là một thành viên, có những bản ghi chép (mà họ đem ra trưng cho khách du lịch) cho thấy Winston Churchill đã quên không trả món hội phí 13 rupees, vì “không có tiền”, một khoản nợ mà họ tin rằng vẫn còn chưa giải quyết xong[1].
Trong khi còn đóng quân ở Ấn Độ, ông đã bắt đầu tìm kiếm các cuộc chiến tranh. Năm 1895 ông và Reggie Barnes được cử tới Cuba để quan sát các trận đánh của người Tây Ban Nha chống lại du kích người Cuba. Churchill cũng được uỷ quyền viết về cuộc xung đột đó cho tờ báo Daily Graphic. Với niềm hứng khởi, Churchill lần đầu tiên lao vào lửa đạn đúng ngày sinh lần thứ hai mươi mốt của mình. Trên đường tới Cuba ông cũng lần đầu thăm nước Mỹ, được giới thiệu vào xã hội New York bởi một trong những người hâm mộ mẹ ông, Bourke Cockran. Năm 1897 Churchill muốn tới quan sát Chiến tranh Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cuộc xung đột này đã hoàn toàn chấm dứt trước khi ông tới nơi. Sau đó ông tiếp tục rời nơi đó quay về Anh trước khi nghe thông tin về cuộc nổi dậy Pathan ở Biên giới tây bắc và nhanh chóng trở về Ấn Độ để tham gia vào chiến dịch dẹp yên nó.
Từ trước đó Churchill đã nhận được lời hứa của Sir Bindon Blood, người chỉ huy cuộc viễn chinh này, rằng nếu ông nắm quyền chỉ huy một lần nữa, ông sẽ mang Churchill theo. Ông không cần tốn thời gian để nhắc Blood về lời hứa đó và đã được tham gia vào chiến dịch sáu tuần, ông cũng viết những bài báo cho tờ The Pioneer và The Daily Telegraph với giá 5 bảng Anh một bài. Tới tháng 10 năm 1897 Churchill quay về Anh và cuốn sách đầu tiên của ông, “Câu chuyện của Lực lượng hành quân Malakand”, kể về chiến dịch đó được xuất bản vào tháng 12.
Trong khi về mặt chính thức vẫn đang đóng quân ở Ấn Độ, và được phép đi công tác dài hạn, Churchill vẫn cố gắng ghi tên vào đội quân đang được tập hợp và nằm dưới quyền chỉ huy của Sir Horatio Herbert Kitchener và dự định hoàn thành cuộc tái chinh phục Sudan. Kitchener phản đối việc thu nhận Churchill, với cảm giác rằng ông có thể sẽ quay lại với trung đoàn của mình ở Ấn Độ, nhưng Churchill đã đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc để được chấp nhận – thậm chí còn sắp xếp để Kitchener nhận được một bức điện từ Thủ tướng Robert Gascoyne-Cecil, Hầu tước Salisbury. Cuối cùng, Churchill được tham gia vào cuộc chiến sau khi nhận được một vị trí trong đoàn kỵ binh số 21 – một lực lượng mà thành phần của nó được lựa chọn bởi Bộ quốc phòng Anh, chứ không phải bởi Kitchener. Ông cũng làm việc với tư cách phóng viên cho tờ Morning Post, với mức thù lao 15 bảng Anh cho một bài báo. Trong khi ở Sudan, Churchill tham dự vào cái từng được miêu tả là đội kỵ binh thực sự cuối cùng tham gia vào trận Omdurman. Tới tháng 10 năm 1898 ông đã quay về Anh và bắt đầu viết cuốn sách hai tập The River War, được xuất bản vào năm sau đó.
Năm 1899 Churchill rời quân ngũ và quyết định theo nghiệp chính trị. Ông ra tranh cử với tư cách ứng cử viên Đảng bảo thủ ở Khu vực bầu cử Oldham trong một cuộc bầu cử phụ vào năm đó. Ông về thứ ba (lúc ấy Oldham là khu chỉ bầu ra hai ghế), và không trúng cử.
Ngày 12 tháng 10 năm 1899 Cuộc chiến Anh-Boer lần hai giữa Anh và những người Afrikan bùng nổ ở Nam Phi. Churchill được cử làm phóng viên chiến tranh cho tờ Morning Post, nhận lương 250 bảng Anh một tháng trong bốn tháng. Một lần ở Nam Phi ông đã chấp nhận đi nhờ trên một chuyến tàu hoả vũ trang của Quân đội Anh dưới quyền chỉ huy của Aylmer Haldane. Đoàn tàu này bị mìn phục kích của người Boer làm trật đường ray. Dù không chính thức là một chiến binh, Churchill vẫn nhận lãnh trách nhiệm trong những công việc sửa chữa và khôi phục để đầu tàu và nửa số toa còn lại chở theo thương binh có thể tiếp tục lên đường. Tuy nhiên, Churchill không gặp may và ông cùng với các binh lính và sĩ quan khác bị bắt giữ trong trại tù binh chiến tranh ở Pretoria, dù có những nghi ngờ về tư cách quân nhân của ông.
Churchill tìm cách trốn trại, gây ra sự chỉ trích rất lâu về sau này và sự tranh luận khi buộc tội rằng ông đã không chờ Haldane và những người khác đã cùng bàn kế hoạch chạy trốn với ông, nhưng những người đó đã không thể, hay không muốn, chấp nhận rủi ro bị trượt ngã khỏi hàng rào trong khi Churchill đã dám làm. Khi đã ở bên ngoài nhà tù Pretoria đã đi qua gần 300 dặm (480 km) để tới Lourenço Marques của người Bồ Đào Nha ở Vịnh Delagoa. Ông đã vượt qua được nhờ vào sự giúp đỡ của một người chủ mỏ người Anh, ông ta đã giấu Churchill trong mỏ của mình và đưa giấu ông lên một chuyến tàu hoả chạy ra khỏi lãnh địa của người Boer. Cuộc tẩu thoát này biến ông hầu như trở thành một anh hùng dân tộc của người Anh ở thời điểm đó, mặc dù thay vì quay về nhà ông lại bắt tàu thuỷ đến Durban và gia nhập vào đội quân của tướng Redvers Buller khi họ hành quân cứu trợ cho Ladysmith và chiếm Pretoria.
Lần này, dù tiếp tục với tư cách là phóng viên chiến tranh, Churchill có được uỷ quyền của Trung đoàn Kỵ binh nhẹ của Nam Phi. Ông chiến đấu ở Spion Kop và ở trong số một trong những binh sĩ Anh đầu tiên tiến vào Ladysmith và Pretoria; trên thực tế, ông và Charles Spencer-Churchill, Quận công Marlborough, anh họ của ông, đã có thể tiến trước phần còn lại của các đội quân ở Pretoria, nơi họ đã yêu cầu và chấp nhận sự đầu hàng của đội quân Boer số 52 đang canh gác nhà tù ở đó.
Hai cuốn sách của Churchill về chiến tranh Boer, “Từ London tới Ladysmith qua Pretoria” và “Cuộc hành quân của Ian Hamilton”, được xuất bản vào tháng 5 và tháng 10 năm 1900.
Tham gia Nghị viện
Sau khi trở về từ Nam Phi, một lần nữa Churchill lại ra ứng cử với tư cách ứng cử viên Đảng bảo thủ ở Oldham, lần này là trong Cuộc tổng tuyển cử 1900, hay “Cuộc bầu cử Khaki”.
Ông trúng cử, nhưng thay vì tham gia cuộc họp khai mạc nghị viện, ông lên tàu đi diễn thuyết xuyên nước Anh và nước Mỹ, bằng cách đó ông kiếm được 10 nghìn bảng Anh. (Thời ấy các thành viên của nghị viện không được trả lương và Churchill cũng không được coi là giàu có theo những tiêu chuẩn lúc đó.) Khi ở Mỹ, một trong những bài phát biểu của ông được nhà văn Mark Twain giới thiệu, và ông đã ăn tối với Thống đốc bang New York và Phó tổng thống Theodore Roosevelt.
Tháng 2 năm 1901, Churchill quay trở lại Anh để vào nghị viện, và ông liên kết với một nhóm thành viên Đảng bảo thủ bất đồng quan điểm do Sir Hugh Cecil lãnh đạo, nhóm này được gọi là Hughligan, một sự chơi chữ từ chữ hooligan (“người vô kỷ luật”).
Trong khóa đầu ở nghị viện, Churchill đã tỏ ra ưa tranh cãi bằng cách phản đối các ước tính về quân đội của chính phủ, đưa ra lý lẽ chống lại chi tiêu quá mức cho quân đội. Tới năm 1903 ông ngày càng tách biệt khỏi các quan điểm của Sir Hugh Cecil. Ông cũng phản đối người lãnh đạo Công đoàn những người tự do Joseph Chamberlain, người lãnh đạo của đảng đang liên minh với Đảng bảo thủ. Chamberlain đề xuất những cải cách thuế quan rộng rãi nhằm mục tiêu bảo vệ vị trí vượt trội của nền kinh tế Anh bằng những hàng rào thuế quan. Các chống đối của Churchill làm ông bị chính những người ủng hộ mình ghét cay ghét đắng – thực vậy, những thành viên Đảng bảo thủ đã dàn xếp để cùng bỏ ra ngoài một khi ông phát biểu. Khu vực bầu cử của ông đã phế truất ông, mặc dù ông vẫn tiếp tục đại diện cho Oldham cho tới kỳ bầu cử tiếp sau.
Năm 1904 vì sự bất mãn của mình với những người bảo thủ và sức lôi cuốn của những người tự do đã trở nên mạnh mẽ nên sau khi quay về từ cuộc họp nghị viện ở Whitsun ông đã gia nhập đảng khác để trở thành một thành viên của Đảng tự do. Khi đã chuyển sang Đảng tự do, ông vẫn tiếp tục chiến dịch kêu gọi ủng hộ thương mại tự do. Ghế đại diện cho vùng khu vực bầu cử nghị viện Anh, Tây bắc Manchester đã được dành cho ông sau khi ông thắng lợi trong Cuộc tổng tuyển cử 1906.
Từ 1903 đến 1905, Churchill cũng bắt tay vào viết cuốn “Sir Randolph Churchill”, một cuốn tiểu sử hai tập về cha mình, ra mắt vào năm 1906 và được đón nhận như một kiệt tác. Tuy nhiên, khuynh hướng của người con trong gia đình đã làm ông giảm nhẹ một số mặt kém hấp dẫn của người cha.
Chính phủ
Khi Đảng Tự do thắng cử và Henry Campbell-Bannerman lên làm thủ tướng vào tháng 12 năm 1905 Churchill trở thành Trợ lý bộ trưởng ngoại giao của các thuộc địa. Phục vụ dưới quyền Bộ trưởng ngoại giao của các thuộc địa, Victor Bruce, Churchill đã giải quyết vấn đề chấp nhận các hiến pháp cho các nước cộng hòa Boer thất trận vùng Transvaal và Thuộc địa sông Orange và với sự nảy sinh vấn đề “lao động nô lệ Trung Quốc” ở các mỏ tại Nam Phi. Ông cũng đã trở thành một người phát ngôn có uy tín về thương mại tự do. Churchill nhanh chóng trở thành thành viên có nổi bật của chính phủ bên ngoài Nội các, và khi Campbell-Bannerman được thay thế bằng Herbert Henry Asquith năm 1908, không ai ngạc nhiên khi Churchill được đưa vào Nội các với tư cách Chủ tịch Ủy ban Thương mại. Theo luật ở thời đó, một bộ trưởng nội các mới được chỉ định buộc phải tái thắng cử ở một cuộc bầu cử phụ. Churchill mất ghế đại diện cho Manchester vào tay ứng cử viên bảo thủ William Joynson-Hicks, nhưng ông nhanh chóng tái đắc cử ở một cuộc bầu cử phụ khác tại khu vực bầu cử Dundee. Với tư cách Chủ tịch Ủy ban Thương mại, ông theo đuổi những cải cách xã hội căn bản cùng với David Lloyd George, vị Bộ trưởng Tài chính mới.
Năm 1910 Churchill được thăng lên chức Bộ trưởng Nội vụ, nhưng ông gây nhiều tranh luận với chức vụ này. Một bức ảnh nổi tiếng thời đó diễn tả một Churchill mạnh mẽ nhận trách nhiệm cá nhân vào Cuộc vây hãm đường phố ở Sidney, xảy ra tháng 1 năm 1911, đứng ở góc phố chăm chú nhìn vào một khẩu súng trận giữa những kẻ bất mãn ở một góc và những người lính Scotland. Vai trò của ông gây ra nhiều chỉ trích. Ngôi nhà bị bao vây bốc cháy. Churchill cấm lính cứu hỏa vào trong, buộc những kẻ tội phạm phải lựa chọn đầu hàng hay là chết. Arthur Balfour đã hỏi, “Ông ấy [Churchill] và nhà nhiếp ảnh cả hai đều đang tiêu phí các tính mạng đáng giá. Tôi hiểu điều nhà nhiếp ảnh phải làm nhưng Sir [Churchill] đáng kính kia đang làm gì vậy?”
1910 cũng chính Churchill ngăn cản việc sử dụng quân đội để giải quyết cuộc tranh luận tại mỏ than Cambrian ở Tonypandy. Ban đầu Churchill phong tỏa việc sử dụng quân đội vì sợ sẽ lặp lại sự kiện ngày Chủ nhật đẫm máu năm 1887 ở Quảng trường Trafalgar. Tuy nhiên quân đội đã được triển khai để bảo vệ các mỏ và tránh các cuộc náo loạn khi 13 người đình công tìm cách tấn công, một hành động đã phá vỡ truyền thống không can thiệp vào các công việc dân sự của quân đội và dẫn tới ác cảm kéo dài đối với Churchill ở Wales.
Năm 1911, Churchill trở thành người đứng đầu Cục Hải quân hoàng gia, vị trí mà ông nắm giữ cả trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông thúc đẩy những cố gắng cải cách của quân đội, gồm cả phát triển hàng không hải quân, xe tăng, và chuyển nhiên liệu sử dụng từ than sang dầu lửa, một nhiệm vụ kỹ thuật lớn, cũng dựa trên việc chiếm giữ những quyền lợi dầu hỏa của vùng Lưỡng Hà, vào khoảng năm 1907 thông qua Cục tình báo và dùng Công ty dầu khí hoàng gia Miến Điện làm bình phong.
Sự phát triển của xe tăng chiến đấu được cấp tiền từ quỹ nghiên cứu của hải quân thông qua Ủy ban Landships, và, mặc dù một thập kỷ sau sự phát triển của xe tăng chiến đấu được coi là một toan tính thiên tài, lúc ấy nó bị coi là không được ưu tiên về vốn. Xe tăng chiến đấu được triển khai một cách lạc lõng năm 1915, và Churchill rất bực tức về điều đó. Ông muốn một đội xe tăng được dùng ngụy trang dưới một làn khói để làm bất ngờ quân Đức, và mở cửa tiến vào các hầm hào bằng cách triệt hạ dây thép gai và tạo ra một lĩnh vực có sức đột phá.
Năm 1915 Churchill là một trong những người chịu trách nhiệm điều khiển cuộc đổ bộ thất bại Gallipoli vào Dardanelles trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, việc này làm ông bị coi là “tên đồ tể ở Gallipoli”. Khi Asquith lập ra một chính phủ đa đảng phái, những người bảo thủ yêu cầu giáng chức Churchill nếu ông muốn họ tham gia vào đó. Trong nhiều tháng, Churchill làm việc với tư cách Thủ hiến lãnh địa Lancaster là chức vụ không có thực quyền, trước khi rút khỏi Chính phủ khi cảm thấy ông không còn được sử dụng thực sự nữa. Ông gia nhập quân đội, dù vẫn là nghị viên, và phục vụ nhiều tháng ở Mặt trận phía Tây. Giai đoạn này phụ tá chỉ huy của ông là Archibald Sinclair, một người trẻ tuổi và sau này sẽ lãnh đạo Đảng Tự do.
Quay lại quyền lực
Tháng 12 năm 1916, Asquith từ chức Thủ tướng và được thay thế bởi Lloyd George. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là lúc đương đầu với nguy cơ về sự giận dữ từ phía những người bảo thủ nếu đưa Churchill trở lại với chính phủ. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 1917 Churchill được chỉ định làm Bộ trưởng Quân khí. Ông là người đưa ra Quy luật Mười năm cầm quyền.
Tuy vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông trong Bộ Chiến tranh là sự can thiệp của Đồng Minh vào cuộc Nội chiến Nga. Churchill là một người ủng hộ trung thành cho sự can thiệp từ bên ngoài, tuyên bố rằng Chủ nghĩa Bolshevic phải bị “bóp nghẹt từ trong nôi”. Ông thành công trong việc yêu cầu nội các bị chia rẽ và lỏng lẻo của Anh phải tăng cường và kéo dài sự tham gia của người Anh vào cuộc nội chiến đó với mức độ cao hơn rất nhiều những mong ước của các nhóm đa số trong nghị viện hay trong quốc gia – và đương đầu với sự thù địch từ phía Đảng Lao động.
Năm 1920, sau khi những lực lượng cuối cùng của Anh đã rút về, Churchill đã cung cấp vũ khí cho những người Ba Lan khi họ tấn công Ukraina. Ông trở thành Bộ trưởng Thuộc địa quốc gia năm 1921 và là một trong những người đã ký vào Hiệp ước Anh-Ireland năm 1921, thành lập nên Nhà nước Ireland Tự do.
Nghề nghiệp giữa hai cuộc chiến
Vào tháng 10 năm 1922, Churchill phải mổ ruột thừa. Khi trở lại, ông biết rằng chính phủ đã sụp đổ và một cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra. Đảng Tự do lúc ấy đang có lục đục nội bộ và chiến dịch tranh cử của Churchill rất yếu kém. Ông mất ghế ở Dundee vào tay ứng cử viên phe Bảo thủ, Edwin Scrymgeour, và nói đùa rằng ông đã mất cả vị trí trong chính phủ, ghế đại biểu trong nghị viện và cả ruột thừa cùng một lúc.
Trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1923, ông lại sát cánh cùng phe Tự do, và thua cử ở Leicester, nhưng vài tháng sau đó, ông lại quay sang Đảng Bảo thủ, mặc dù ban đầu sử dụng chiêu bài “Chống người xã hội” và là “người theo chủ nghĩa hợp hiến”.
Chưa tới một năm sau, trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1924, ông được bầu làm đại biểu cho vùng Epping với tư cách “người theo chủ nghĩa hợp hiến” và với sự hỗ trợ của Đảng bảo thủ (một bức tượng để vinh danh ông ở Woodford Green đã được dựng lên khi Woodford Green còn là một khu bên trong vùng bầu cử Epping). Năm sau đó, ông chính thức gia nhập Đảng bảo thủ, và gượng chống chế rằng “Bất kỳ ai đều có thể rời bỏ đảng, nhưng tất nhiên là cũng cần khá nhiều khéo léo để gia nhập trở lại.”
Ông được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính năm 1924 dưới thời Stanley Baldwin và có nhiệm vụ phụ trách việc phục hồi hệ thống bản vị vàng đầy tai hại, khiến cho lạm phát, thất nghiệp, và những vụ đình công của công nhân mỏ nổi lên dẫn tới cuộc Tổng đình công năm 1926. Quyết định này đã khiến nhà kinh tế John Maynard Keynes phải viết cuốn sách “Những hậu quả kinh tế của Churchill”, đưa ra lý lẽ chính xác rằng việc quay lại áp dụng bản vị vàng sẽ dẫn tới giảm phát kinh tế thế giới. Sau này Churchill coi đây là một trong những quyết định tồi nhất trong cuộc đời chính trị của ông. Để công bằng, cũng phải nói rằng ông không phải là một nhà kinh tế và rằng ông đã hành động theo lời khuyên của Thống đốc Ngân hàng Anh Quốc, Montagu Norman (Keynes đã nói về ông này, “Luôn rất quyến rũ, và luôn rất sai lầm.”)
Trong cuộc Tổng đình công năm 1926, Churchill bị cho rằng đã đề xuất sử dụng súng máy để đối phó với những thợ mỏ đình công. Churchill làm chủ bút tờ báo của chính phủ, tờ British Gazette (Công báo Anh), và trong cuộc tranh luận ông đã đưa ra lý lẽ rằng “hoặc đất nước sẽ đập tan được cuộc Tổng đình công, hoặc cuộc Tổng đình công sẽ đập tan đất nước”. Hơn nữa, ông tuyên bố trong cuộc tranh luận rằng Chủ nghĩa phát xít của Benito Mussolini đã “giúp đỡ cả thế giới”, cho rằng nó có “một con đường để chiến đấu với những lực lượng có âm mưu lật đổ” – có nghĩa là, ông coi chế độ phải là một lực lượng bảo vệ chống lại mối đe doạ xâm nhập của cách mạng cộng sản. Ở một quan điểm, Churchill còn đi xa tới mức gọi Mussolini là “Thiên tài của Roma nhà lập pháp lớn nhất của loài người”[2].
Chính phủ bảo thủ bị đánh bại tại cuộc Tổng tuyển cử năm 1929. Trong hai năm tiếp theo, Churchill tỏ vẻ ghẻ lạnh với ban lãnh đạo đảng Bảo thủ về những vấn đề thuế quan bảo hộ và phong trào đòi độc lập Ấn Độ, mà ông phản đối. Ông bôi nhọ người cha phong trào đòi độc lập Ấn Độ, Mahatma Gandhi, là “một thầy tu khổ hạnh bán khoả thân” người “cần phải bị đập cho một trận, trói chân tay vào cổng thành Delhi và sau đó mang ra cho một con voi lớn với vị phó vương cưỡi trên lưng giẫm đạp”.
Khi Ramsay MacDonald thành lập Chính phủ quốc gia năm 1931, Churchill không được mời tham gia. Lúc ấy ông đang ở giai đoạn tồi tệ nhất về nghề nghiệp, giai đoạn được gọi là “những năm tháng thất lạc”. Ông dành thời gian mấy năm tiếp sau đó để tập trung vào viết lách, gồm cuốn “Marlborough: Cuộc đời và thời đại” – một cuốn tiểu sử về tổ tiên ông là John Churchill, Quận công Marlborough thứ nhất – và “Một lịch sử của những người nói tiếng Anh” (cuốn này không được xuất bản mãi tới sau Chiến tranh thế giới thứ hai). Ông trở nên nổi tiếng nhất về những câu nói chống lại việc trao lại độc lập cho Ấn Độ (xem Ủy ban Simon và Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1935).
Dù vậy, sự chú ý của ông ngay lập tức chuyển sang sự nổi lên nhanh chóng của Adolf Hitler và những mối nguy từ việc tái vũ trang của nước Đức. Trong một thời gian, ông là người duy nhất kêu gọi nước Anh phải tự tăng cường sức mạnh nhằm chống lại tình trạng chuẩn bị chiến tranh của Đức[3]. Churchill là một người chỉ trích mãnh liệt chính sách nhân nhượng của Neville Chamberlain đối với Hitler, dẫn đầu phe bảo thủ phản đối Hiệp ước München mà Chamberlain đã tuyên bố là “hoà bình trong thời đại của chúng ta”[4]. Ông cũng tuyên bố là người ủng hộ vua Edward VIII trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng thoái vị, dẫn tới một số suy đoán rằng ông có thể được chỉ định làm Thủ tướng nếu nhà vua từ chối nghe lời khuyên của Baldwin và vì thế buộc chính phủ phải từ chức. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra và Churchill thấy mình bị cô lập về chính trị và bị bôi bác tới bầm dập trong khoảng thời gian sau đó.
Vai trò Thủ tướng trong cuộc chiến
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Churchill được chỉ định làm Bộ trưởng Hải quân là chức vụ ông đã đảm nhiệm thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, và trong Hạm đội Hải quân Hoàng gia đã có nhiều tiếng kêu vui mừng: “Winston đã trở lại!”
Trong cương vị này ông đã chứng tỏ là một trong những bộ trưởng tài năng nhất ở thời gọi là “Chiến tranh giả“, khi mà hành động đáng chú ý nhất chỉ diễn ra trên biển. Churchill đề xuất việc tấn công chiếm giữ trước cảng quặng sắt Narvik của nước Na Uy trung lập và mỏ sắt Kiruna của Thuỵ Điển ngay từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, Chamberlain và toàn bộ Chính phủ Chiến tranh không đồng ý, và chiến dịch này bị trì hoãn tới tận khi Đức tấn công Na Uy, đã thành công tuy có nỗ lực của Anh.
Thủ tướng Churchill tại bờ đông sông Rhine thuộc lãnh thổ Đức tháng 3/1945
Tháng 5 năm 1940, ngay lúc Đức đánh Pháp bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng xuyên qua Hà Lan, rõ ràng là Chamberlain đã không còn được dân chúng tin tưởng ở cương vị điều hành chiến tranh. Chamberlain từ chức, Churchill được chỉ định làm Thủ tướng và lập nên một chính phủ mọi đảng phái. Có lẽ trước khi Churchill được chỉ định làm Thủ tướng, nhà vua đã cân nhắc tới việc chỉ định Lord Edward Frederick Lindley Wood, Bá tước Halifax thứ nhất. Lý do của việc này được cho là vì nền quân chủ sợ rằng nó sẽ không thể tồn tại sau cuộc chiến, và rằng Bá tước Halifax là người thuộc phe nhân nhượng trước đây có thể đàm phán một thoả hiệp với Hitler cho phép nước Anh đứng ngoài cuộc chiến và giữ gìn nền quân chủ[5]. Mặc dù những sự kiện thường được dẫn chứng để biện minh lý do Halifax không được bổ nhiệm cho rằng vì ông sợ ông không thể điều hành chính phủ một cách hiệu quả bởi vì ông là thành viên của Thượng nghị viện chứ không phải Hạ nghị viện, cũng có lời bóng gió rằng Churchill đã sử dụng biện pháp hăm doạ để đạt được mục đích. Mặc dù theo truyền thống Thủ tướng không tư vấn cho nhà vua về người kế vị, Chamberlain đã muốn một người có khả năng thu hút được sự ủng hộ của ba đảng lớn trong Hạ nghị viện. Một cuộc gặp gỡ với hai vị lãnh đạo các đảng kia đã dẫn tới việc giới thiệu Churchill. Vì thế, George VI có lẽ đã bắt buộc phải chấp nhận Churchill làm Thủ tướng. Churchill, không theo truyền thống, không gửi cho Chamberlain một bức thư bày tỏ sự lấy làm tiếc về sự từ chức của Chamberlain[6].
Công lao lớn nhất của Churchill là ông đã từ chối đầu hàng khi khả năng bị người Đức đánh bại là rất lớn và luôn phản đối bất kỳ một sự đàm phán nào với Đức, giữ vững chính sách buộc nước Đức Phát xít đầu hàng vô điều kiện, đã được thoả thuận trong cuộc gặp Tam cường tại Hội nghị Tehran.
Để trả lời những lời chỉ trích trước đó rằng đã không có một vị bộ trưởng chuyên trách cho cuộc chiến, Churchill đã thành lập và nắm thêm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Ông ngay lập tức đưa bạn và là người thân tín của ông, chính khách, nhà công nghiệp và chủ báo, Nam tước Beaverbrook, làm Bộ trưởng Sản xuất máy bay. Nhờ sự nhạy bén đáng kinh ngạc của Beaverbrook, nước Anh nhanh chóng tăng tốc độ sản xuất máy bay tới mức làm thay đổi cục diện chiến trường.
Các bài phát biểu của Churchill là cảm hứng to lớn cho tinh thần chiến đấu của Anh Quốc. Bài phát biểu đầu tiên của ông ở cương vị thủ tướng rất nổi tiếng với tên gọi “Tôi không có gì để cống hiến ngoài máu, sự lao động, nước mắt và mồ hôi“. Ông đã hành động đúng theo đó và tiếp tục có hai bài phát biểu nổi tiếng khác ngay trước Trận chiến nước Anh. Một bài với câu nói bất hủ, “Chúng ta sẽ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, dù với bất kỳ giá nào, chúng ta sẽ chiến đấu trên đất Pháp, chiến đấu trên biển, chiến đấu với không lực ngày càng vững mạnh, chiến đấu từ bờ biển vào đất liền, từ nông thôn ra thành thị, lên miền núi, chúng ta quyết không đầu hàng.” Bài phát biểu kia cũng có một câu nổi tiếng “Vì thế chúng ta hãy can đảm để thực hiện những nghĩa vụ của mình, và hãy hành động để, dù Đế chế Anh và Khối thịnh vượng chung của nó tồn tại hàng nghìn năm nữa. ”
Khi trận chiến nước Anh ở thời đỉnh điểm, sự can đảm của ông trước tình thế với câu nói đáng ghi nhớ “Never in the field of human conflict was so much owed by so many to so few“, khiến ông được các phi công chiến đấu Đồng minh đặt tên hiệu là “The Few“.
Quan hệ tốt của ông với Franklin D. Roosevelt đã giúp Anh Quốc có được nguồn viện trợ sống còn trên những con đường biển ngang Đại Tây Dương. Cũng vì lý do này Churchill đã cảm thấy rất nhẹ nhõm khi Roosevelt tái thắng cử. Ngay khi tái cử, Roosevelt lập tức áp dụng một biện pháp mới để không chỉ cung cấp miễn phí vũ khí mà còn miễn thuế cho đa số những con tàu chở hàng viện trợ cho Anh quốc. Một cách đơn giản, Roosevelt đã thuyết phục nghị viện rằng việc chi trả cho chính sách vô cùng tốn kém này chính là sự bảo vệ cho nước Mỹ; và vì thế chính sách Lend-lease đã ra đời. Churchill đã có 12 cuộc gặp gỡ chiến lược với Roosevelt về Hiến chương Đại Tây Dương, chiến lược Europe first, Tuyên bố của Hoa Kỳ và các chiến lược chiến tranh khác. Churchill đã đặt ra chức Cao ủy Các chiến dịch Đặc biệt (SOE) thuộc Bộ Kinh tế thời Chiến Hugh Dalton, chọu trách nhiệm tiến hành và tạo điều kiện cho các chiến dịch bí mật, phá hoại du kích tại những vùng đất bị chiếm đóng với những thành công to lớn; và cả lực lượng đặc biệt trở thành hình mẫu cho đa số các lực lượng đặc biệt ngày nay trên thế giới. Người Nga gọi ông là “British Bulldog”. Điều này cũng phản ánh ý định đối đầu với hiểm nguy của Churchill so với hai đồng minh kia là Franklin Roosevelt và Josef Stalin, những người đã tỏ ra do dự khi tới thăm các mặt trận. Điều này có nghĩa Churchill tới rất gần quân Đức và có nguy cơ bị ám sát cao. Quả thực, Churchill đã suýt mất mạng, nhưng không phải bởi những kẻ thù của mình, mà bởi ông đã làm việc quá mức khi sức khỏe kém. Ông đã bị một cơn đau tim nhẹ tháng 12 năm 1941 tại Nhà Trắng và một lần nữa vào tháng 12 năm 1943 vì viêm phổi. Đã có những lời đồn thổi rằng thực tế tim của Churchill đã ngừng đập nhưng nhờ các vệ sĩ của ông hành động đúng đắn và kịp thời nên đã cứu được ông; tuy nhiên, điều này chưa bao giờ được xác nhận.
Một số hoạt động quân sự trong chiến tranh vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Churchill đã lãnh đạm và có lẽ liên đới chịu trách nhiệm trong Nạn đói Bengal năm 1943 khiến ít nhất 2.5 triệu người Bengal thiệt mạng. Quân đội Nhật Bản khi ấy đang đe dọa Ấn Độ thuộc Anh sau khi chiếm đóng nước láng giềng Miến Điện thuộc Anh. Một số người coi chính sách của chính phủ Anh bác bỏ trách nhiệm với nạn đói có liên quan tới chính sách tiêu thổ có chủ ý và nhẫn tâm trước sự kiện cuộc xâm lược thành công của Nhật Bản. Churchill đã ủng hộ việc ném bom Dresden chỉ một thời gian ngắn trước khi chiến tranh kết thúc; nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng tại thành phố này chủ yếu chỉ có các mục tiêu dân sự và có rất ít giá trị quân sự. Tuy nhiên, khi ấy việc ném bom được coi mang lại lợi ích cho Đồng minh Xô viết.
Churchill đã tham gia vào các hiệp ước tái lập các biên giới châu Âu và châu Á thời hậu chiến. Những vấn đề này đã được bàn thảo ngay từ năm 1943. Những đề xuất về các biên giới châu Âu và định cư đã được Harry S. Truman, Churchill, và Stalin chính thức đồng thuận tại Potsdam. Tại Hội nghị Quebec lần hai năm 1944 ông cùng Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã soạn thảo và ký kết một phác thảo đầu tiên của Kế hoạch Morgenthau, nơi họ cam kết với nhau về hành động với Đức sau khi nước này đầu hàng vô điều kiện đưa nó “trở thành một quốc gia chủ yếu là nông nghiệp và chăn nuôi theo những đặc điểm của nó.”[7]
Churchill tại Hội nghị Yalta 1945 cùng với Roosevelt và Stalin
Việc giải quyết các biên giới của Ba Lan, ví dụ như biên giới giữa Ba Lan và Liên bang Xô viết và giữa Đức và Ba Lan, được coi là một sự phản bội với Ba Lan trong những năm hậu chiến, bởi chúng đi ngược với những quan điểm của Chính phủ Hải ngoại Ba Lan. Churchill bị thuyết phục rằng cách thức duy nhất để giải tỏa những căng thẳng giữa hai dân tộc là đưa họ về trong biên giới quốc gia của mình. Như ông đã trình bày tại Hạ viện năm 1944, “Sự trục xuất là cách thức theo đó, ở mức độ như chúng ta đã thấy, sẽ là cách thích hợp và lâu dài nhất. Sẽ không có sự hòa trộn dân tộc để gây ra những cuộc căng thẳng không bao giờ chấm dứt… Một chiến dịch di chuyển sẽ được tiến hành. Tôi không lo lắng trước những cuộc di chuyển đó, chúng đang ở những điều kiện thuận lợi nhất để tiến hành trong hoàn cảnh hiện nay.” Hậu quả của những cuộc di chuyển người Đức sau thế chiến II là sự gian khổ và dẫn tới cái chết của 2.100.000 người. Churchill đã phản đối sự sáp nhập Ba Lan của Liên bang Xô viết và đã viết về điều này một cách chua chát trong những cuốn sách của ông, nhưng ông không thể ngăn chặn nó tại những cuộc hội nghị.
Churchill ra dấu hiệu chữ V (Victory: chiến thắng) nổi tiếng của ông
Ngày 9 tháng 10 năm 1944, ông và Eden có mặt tại Moskva, và buổi tối hôm đó họ đã gặp Stalin tại Kremlin, mà không có sự hiện diện của người Mỹ. Cuộc mặc cả diễn ra suốt buổi tối. Churchill đã viết trong một mảnh giấy nhỏ rằng Stalin có được 90 phần trăm “lợi ích” tại Romani, Anh Quốc 90 phần trăm “lợi ích” tại Hy Lạp, cả Nga và Anh Quốc đều có 50 phần trăm lợi ích tại Nam Tư. Khi nói tới Italia, Stalin đã nhường nước này cho Churchill. Vấn đề mấu chốt nảy sinh khi các Bộ trưởng Ngoại giao bàn bạc về số “phần trăm” tại Đông Âu. Những đề xuất của Molotov rằng nước Nga sẽ có 75 phần trăm lợi ích tại Hungary, 75 phần trăm tại Bulgaria, và 60 phần trăm tại Nam Tư. Đây chính là cái giá của Stalin để nhường Italia và Hy Lạp. Eden đã tìm cách mặc cả: Hungary 75/25, Bulgaria 80/20, nhưng Nam Tư 50/50. Sau một cuộc mặc cả kéo dài họ quyết định phân chia 80/20 về lợi ích giữa Nga và Anh tại Bulgaria và Hungary, và 50/50 tại Nam Tư. Đại sứ Hoa Kỳ Harriman chỉ được thông báo sau khi mọi việc đã được dàn xếp. Thỏa thuận giữa các quý ông ngoại giao này được ghi nhận bằng một cái bắt tay.
Sau Thế Chiến Thứ Hai
Mặc dù lãnh đạo Anh Quốc chiến thắng trong Thế Chiến Thứ Hai và được dân chúng yêu mến, đảng Bảo thủ của Churchill thua trong cuộc bầu cử năm 1945. Có nhiều lý do để giải thích việc này, một lý do chính là vì người dân muốn có cải cách chính phủ sau chiến tranh và mặc dù Churchill được coi là một nhà lãnh đạo tài ba trong thời chiến, dân chúng nghĩ ông không thích hợp làm một nhà lãnh đạo trong thời bình.
Phó Thủ tướng và là lãnh đạo Công đảng Clement Atlee lên nắm quyền. Trong 6 năm tiếp theo ông làm lãnh tụ đối Lập. Ông vẫn có ảnh hưởng lớn trên chính trường thế giới. Tháng Ba 1946 tại Trường Đại học Westminster ở Missouri, Hoa Kỳ, ông đọc một bài diễn văn nổi tiếng gọi là Bài Diễn văn Bức Màn sắt về hiểm họa do chế độ cộng sản Liên Xô gây ra ở Đông Âu. Ông nói như sau: [cần dẫn nguồn]
“Từ Stettin ở bờ biển Baltic cho đến Trieste ở bờ biển Adriatic, một bức tường sắt đã được dựng lên xuyên khắp lục địa. Đằng sau phòng tuyến ấy là những điều giả dối ở khắp các thủ đô của những quốc gia cổ đại miền Trung và Đông Âu. Warszawa, Berlin, Praha, Viên, Budapest, Belgrade, Bucharest và Sofia, những thành phố nổi tiếng và đông dân này xung quanh là những điều dối trá, cái mà tôi gọi là “Bầu không khí Xô Viết.”
Năm 1951 ông thắng cử và giữ chức vụ Thủ tướng lần thứ 2 cho đến năm 1955.
Qua đời
Năm 1963, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã trao tặng giải Công Dân Danh Dự Hoa Kỳ cho Churchill. Vì già yếu Churchill không dự được buổi lễ ở Nhà Trắng, con và cháu ông thay mặt nhận giải.
Churchill sống trong âm thầm những năm cuối cuộc đời. Ông và người con trai (Randolph Churchill) không hàn gắn được mối liên hệ khúc mắc giữa hai người. Con gái trưởng là Diana tự vẫn vào mùa thu 1963; con gái thứ Sarah ngày càng nghiện rượu hơn. Trong lễ thượng thọ 90 tuổi của ông vào tháng 11 năm 1964, ông đứng trước cửa sổ nhà số 28 Cửa Hyde Park (Luân Đôn) cho phóng viên chụp ảnh. Ông trông già nua và thiểu não.
Ngày 15 tháng 1 năm 1965, Churchill một lần nữa bị tắc nghẽn mạch máu não và mê man. Ông mất tại tư gia chín ngày sau đó, vào lúc sau tám giờ sáng ngày Chủ Nhật 24 tháng 1 năm 1965, hưởng thọ 90 tuổi.
Câu nói nổi tiếng
“Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích, nếu bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó bên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng”
“Bây giờ không phải sự kết thúc. Đó cũng không phải là sự khởi đầu của kết thúc. Nhưng có lẽ đó là kết thúc của một sự khởi đầu”
“Trên thế giới này, không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”
“Một đất nước né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục, thì dân tộc đó sẽ phải lãnh đủ cả 2 thứ: chiến tranh và sự nhục nhã”
“Ở bên này là con gấu Nga to lớn, ở bên kia là con voi Mỹ khổng lồ, còn ở giữa là con lừa Anh còm cõi tội nghiệp” (Hội nghị Yalta tháng 2/1945)
Ghi chú và tham khảo
- ^ http://www.wetware.blogspot.com/2003_12_01_wetware_archive.html
- ^ Picknett, Lynn, Prince, Clive, Prior, Stephen & Brydon, Robert (2002). War of the Windsors: A Century of Unconstitutional Monarchy, p. 78. Mainstream Publishing. ISBN 1-84018-631-3.
- ^ Picknett, et al., p. 75.
- ^ Picknett, et al., pp. 149–150.
- ^ Picknett, et al., p. 147.
- ^ Picknett, et al., pp. 156–158.
- ^ Michael R. Beschloss, (2002) The Conquerors: Roosevelt, Truman and the Destruction of Hitler’s Germany, 1941-1945 pg. 131. Simon & Schuster ISBN 0-7432-4454-0.
Tham khảo khác
- Dreadnought: Britain, Germany and the Coming of the Great War của Robert Massie (ISBN 1844135284); deals with forty years of European politics by reference to the naval arms race between Britain and Germany. Contains chapters on Churchill’s early life (chapter 40: “I Do Believe That I Am a Glowworm”) and period as First Lord of the Admiralty (chapter 41: Churchill at the Admiralty).
- Churchill: A Life của Martin Gilbert (ISBN 0-8050-2396-8)
- Winston Churchill của Henry Pelling, (ấn bản đầu) 1974, (Wordsworth Military Library Edition) 1999 (ISBN 1-84022-218-2),
- Winston Churchill của Sebastian Haffner, Reinbek 1967, Đức.
- Churchill and De Gaulle của François Kersaudy, London: Collins, 1981 ISBN 0002163284.
- Churchill: Man of the Century của Christian Krockow, London: Sutton Pub Ltd, 2000 ISBN 1902809432.
- Churchill: Visionary, Statesman, Historian của John Lukacs New Haven, Conn.: Yale University Press, 2002.
- Quotations database, World Beyond Borders.
- The Oxford Dictionary of 20th Century Quotations của Oxford University Press (ISBN 0-19-860103-4)
- The Last Lion: Winston Spencer Churchill, Visions of Glory 1874-1932, 1983, Little, Brown (quyển I) của William Manchester, ISBN 0316545031
- The Last Lion: Winston Spencer Churchill, Alone 1932-1940, 1988, Little, Brown (Vol. II) của William Manchester, ISBN 0316545120
Liên kết ngoài
Bản mẫu:Spoken Wikipedia-3
 |
Wikimedia Commons có thư viện hình ảnh và phương tiện truyền tải về Winston Churchill |
Những bài diễn văn