Thể loại:
Alexandros Đại đế
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Alexandros III của Macedonia, được biết rộng rãi với cái tên Alexandros Đại đế, (tiếng Hy Lạp: Μέγας Αλέξανδρος[1], Megas Alexandros, tiếng Latinh: Alexander Magnus, gọi theo tiếng Hán-Việt là A Lịch Sơn Đại đế) (tháng 7 năm 356 TCN – 11 tháng 6 năm 323 TCN), là Quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN), nhưng ít giành thời gian cho việc trị quốc tại quê nhà Macedonia. Trong suốt triều đại của ông, người chiến binh này chủ yếu giành thời gian cho các cuộc chinh phạt,[2] và được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời;[3] và vì thế ông thường được xem là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.[4]
Sau khi thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại dưới sự cai trị của vua cha Philipos II[5], Alexandros chinh phục Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông đến xa tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay. Chiến thắng của ông trước quân Ba Tư trong trận Gaugamela – chiến thắng quyết định thứ ba của ông trước vua Ba Tư Darius III – được xem là chiến công hiển hách nhất trong thời kỳ cổ đại; không những thế ông còn đánh tan tác người Scythia – một dân tộc bách chiến bách thắng thời bấy giờ.[6][7] Alexandros thực hiện một chính sách hòa hợp: ông đưa cả những người ngoại quốc (không phải người Hy Lạp hay người Macedonia) vào chính quyền và cả quân đội của mình, ông khuyến khích hôn nhân giữa các tướng sĩ của mình với người nước ngoài và chính ông cũng lấy vợ ngoại quốc.
Sau mười hai năm liên tục thân hành cầm quân đánh đâu thắng đó, vua Alexandros Đại Đế qua đời, có lẽ là do sốt rét, thương hàn, hay viêm não do virút. Những cuộc chinh phạt của ông mở đầu cho nhiều thế kỉ định cư và thống trị của người Hy Lạp trên nhiều vùng đất xa xôi, một giai đoạn được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa. Bản thân ông cũng sống trong lịch sử và trong các truyền thuyết của các nền văn hóa Hy Lạp và không Hy Lạp. Ngay khi ông còn sống, và đặc biệt sau khi ông qua đời, những cuộc chinh phạt của ông đã là nguồn cảm hứng của một truyền thống văn học mà trong đó ông xuất hiện như là một anh hùng huyền thoại theo truyền thống của Achilles (Asin) năm xưa. Không những vị vua trẻ tuổi này trở thành nhà chinh phạt xuất sắc nhất của Hy Lạp cổ điển, ông còn là một vị anh hùng trong truyền thống Hồi giáo, người Ả Rập gọi ông là Iskandar.[8]
Thời thơ ấu
Tranh khảm Alexandros đánh nhau với
sư tử cùng với bạn của ông là
Caterus.Tranh khảm thế kỷ thứ 3, bảo tàng Pella
Alexandros Đại đế là con trai của vua Philipos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Thông qua vị vua khai quốc Macedonia là Karanos, Alexandros là hậu duệ của anh hùng Heracles. Bên họ mẹ ông, Alexandros là con cháu của Aeacides thông qua anh hùng Neoptolemus. Thông qua mẹ ông, Alexandros là anh họ thứ hai của một vị vua – chiến binh lỗi lạc khác là Pyrros. Pyrros là Quốc vương xứ Ipiros, tài năng của ông này đã làm cho nhân dân Macedonia nhớ tới Quốc vương Alexandros Đại Đế xưa kia, và danh tướng Hannibal đã đặt ông thứ hai trong danh sách các vị danh tướng kiệt xuất nhất, chỉ sau Quốc vương Alexandros.[9] Trong tiểu sử Alexandros Đại Đế, Plutarchus ghi nhận: Người ta nói rằng, vua cha Philippos II của ông lúc còn trẻ đã yêu cô thiếu nữ Olympias (lúc bấy giờ cả cha lẫn mẹ của bà đã qua đời) trên hòn đảo nhỏ Samothracia, tại đây họ được làm quen và hiểu được những phép lạ của giới tăng lữ: và sau đó, Philippos II hỏi ý anh trai của Olympias là vua Arymbas về việc kết hôn với bà, và vua này chấp thuận. Trong đêm trước khi cặp đôi nằm trên giường cưới, Olympias nằm mộng thấy sấm sét đánh vào tử cung của bà, và một ngọn lửa sáng rực tự gieo rắc nó thành nhiều đống lửa khác nhau. Còn vua Philippos II thì chiêm bao thấy mình niêm phong tử cung của Olympias, và con dấu niêm phong của ông có in hình một con mãnh sư. Tuy các thầy pháp và nhà tiên tri khuyên vua cần phải cảnh giác với vợ mình qua giấc chiêm bao này, nhưng Aristander người xứ Telmessus đổi ý: ông cho rằng Hoàng hậu Olympias đang có thai và không gì có thể che giấu được điều này, và thai nhi của bà chứa một hoàng nam có tính khí của loài mãnh sư.[10]
Cũng chính Plutarchus có kể lại một câu chuyện như sau: Nhiều lần ngủ trên giường của mình, Olympias thích nằm chung với rắn, mà có người cho rằng đây là nguyên nhân lớn nhất khiến cho nhà vua ghẻ lạnh với bà. Do đó, vua không nằm nhiều với bà, khác với lúc trước: hoặc là do vua sợ một sức mê hoặc hay bùa phép nào đó, hoặc là vua lo sợ rằng một vị thần linh nào đó đã yêu Olympias, mà mình là người trần mắt thích không thể gặp được chư thần. Có người lại thuật câu chuyện này theo một lối nói khác: rằng phụ nữ các vùng đất Cổ Hy Lạp thời đó có được tâm hồn của thần Orpheus và tính nóng nảy thánh thiêng của thần Bacchus, do đó họ được gọi là Clodones và Mimallones (nghĩa là hung dữ, hiếu chiến), và làm những việc giống như các phụ nữ xứ Edonia và Thrace, sinh sống ở miền núi Aemus. Và do đó, có lẽ từ ngữ threskeuin tiếng Hy Lạp cổ đại (nghĩa là lòng thành kính quá mãnh liệt đối với chư thần) bắt nguồn từ họ. Olympias phải truyền cảm chư thần bằng sự điên cuồng và đanh đá thiêng liêng của mình, vì vậy trong những buổi lễ cúng tế thần linh, bà thường làm những trò hết sức man rợ và khủng khiếp. Bà múa cho thần Bacchus xem cùng với những con rắn xung quanh mình, làm đám đàn ông phát sợ.[10]
Nói chung, sau khi có chiêm bao, vua Philippos II sai Chaero người xứ Megalopolis) đến ngôi điện thờ thần Apollo tại Delphi, để hỏi ý thần linh xem giấc mộng của vua báo hiệu điều gì sẽ xảy ra? Philippos II đã nhận được câu trả lời rằng, ông phải thờ phụng thần Zeus chu đáo, hơn hết tất cả mọi vị thần khác. Và, nhà vua đã bị mất một con mắt khi đi chinh chiến, mà với con mắt này ông đã nhìn trộm qua buồng ngủ của vợ, thấy thần linh đội lốt loài rắn mà ngủ chung với vợ ông. Hơn nữa, theo như Eratosthenes, sau này khi Alexandros Đại Đế lên đường chinh phạt Á châu, Olympias đã tử tế từ biệt con mình, sau khi bà đã nói riêng với ông rằng ông thực chất là con của ai? Bà đã cúng tế vị thần ấy như thế nào? Để rồi ông thật xứng đáng là con của vị thần ấy. Cũng có người viết rằng Olympias bác bỏ huyền thoại này, bà nói:[10]
“ |
Alexandros sẽ không bao giờ để ta phải gây gổ với vợ thần Zeus chứ? |
” |
—Olympias |
Lại nói, Hoàng tử Alexandros chào đời vào ngày thứ sáu trong tháng sáu (tức tháng Hecatombaeon theo cách gọi của người Hy Lạp cổ đại, hoặc tháng Lous theo cách gọi của người Macedonia thời đó). Đúng ngày mà Alexandros được sinh ra, ngôi đền thờ thần Artemis ở Ephesus bị cháy rụi. Hegesias người xứ Magnesius có chứng kiến trận cháy kinh hoàng này, và lời than vãn cùng tiếng kêu ca của thần nữ Artemis thật quá lạnh lẽo đến mức nó có thể làm dập tắt đám cháy. Theo Plutarchus, không lạ gì nếu Artemis để cho ngôi đền này bị bùng cháy là do bà đang phải coi sóc vị vua tương lai Alexandros Đại Đế. Tuy nhiên, mọi giáo sĩ, nhà tiên tri và thầy pháp ở đều dự báo về sự đến gần của một hiểm họa cực kỳ nghiêm trọng: nét mặt họ hết sức hoảng sợ, họ phải chạy quanh, rồi chạy vào thành phố Ephesus vào kêu ca rằng, trận cháy là điềm báo trong ngày hôm ấy, một sức mạnh vô biên đã ra đời vào và sẽ tiêu diệt châu Á sau này. Ít lâu sau đó, Philippos II chiếm lĩnh được thành phố Potidae, và có ba tin vui đến với nhà vua làm cho ông hết sức sung sướng: trước tiên, danh tướng Parmenion đã đại phá tan tác quân Illyria, thứ hai, con ngựa của ông thắng giải và đạt được vòng nguyệt quế trong kỳ Thế vận hội tại Olympía lần này, và cuối cùng, Hoàng hậu Olympias đã hạ sinh một hoàng nam tên là Alexandros. Niềm sướng vui của nhà vua càng trở nên tột độ khi các nhà tiên tri tiên đoán rằng, do Alexandros đã hạ sinh giữa ba chiến thắng, vị vua tương lai sẽ đánh đâu thắng đó.[10]
Vóc dáng của Alexandros được thể hiện rõ nhất qua những bức tượng do Lyssipus tạc, theo Plutarchus, Lyssipus là người nghệ nhân xứng đáng nhất để tạc chân dung vị vua vĩ đại. Và trên thực tế, những đặc điểm của Alexandros mà sau này nhiều bạn hữu và vua chúa kế tục luôn mong muốn được kế thừa từ ông: cái cổ hơi nghiêng về bên trái, và đôi mắt ẩm ướt đã được hoàn toàn thừa nhận bởi các nghệ sĩ về sau. Họa sĩ Apelles sau này cũng có vẽ tranh Alexandros Đại Đế nắm giữ sấm sét trông giống như thần Zeus, tuy không nhấn mạnh rõ đến làn da của ông, nhưng làm cho nó thật tối, ngăm đen. Người ta thường nói Alexandros rất đẹp trai và vẻ đẹp của ông được thể hiện bởi phần da hồng sẫm nhạt ở xung quat ngực và mặt của ông. Vả lại, theo “Hồi ký” của Aristoxienus, miệng và thịt của Alexandros có vị ngọt ngào, trong khi làn da của ông có hương thơm ngát, đến mức ngấm vào mọi y phục của Alexandros. Có lẽ sự tỏa hương này là do tính khí nóng nảy của Alexandros, theo lời bàn của Plutarchus.[10]
Bấy giờ, vua nước Ba Tư phái sứ thần đến triều kiến Hoàng gia Macedonia, giữa lúc vua cha Philippos II đang phải đi chinh chiến ở phương xa nên Hoàng tử Alexandros vui vẻ tiếp đón phái sứ, và được họ nể phục vì sự nhã nhặn của mình. Bởi vì ông không hề hỏi họ những câu hỏi mang tính con nít, không thèm quan tâm đến những vấn đề linh tinh.[10] Trong cuộc đời, điều mà Alexandros khao khát hơn là hành động và vinh quang, chứ không phải thú vui và giàu có. Alexandros khao khát được nổi tiếng đến mức khi nghe về cuộc chinh phục của vua cha Philippos II, chàng không hề sung sướng vì được thừa hưởng một gia tài và quyền lực càng tăng thêm mà chỉ cảm thấy không vui vì những vùng đất còn lại cho chàng chinh phục giờ đây nhỏ nhé dần. Alexandros thường than phiền với bạn bè rằng nếu cứ đà này thì một khi chàng lên nối ngôi vua, trên thế giới sẽ chẳng còn việc gì để làm.
Alexandros chỉ muốn đất nước mình gặp khó khăn hay gây chiến tranh. Lúc đó chàng sẽ có môi trường lớn để thử thách lòng dũng cảm của mình và ghi lại dấu ấn của mình trong lịch sử. Chàng khinh thường cuộc sống no đủ và lười biếng.
Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, Alexandros luôn cưỡi con thần mã yêu quý Bucephalus. Câu chuyện Alexandros thuần phục được nó ngay từ khi còn nhỏ là một trong những mẩu chuyển tiêu biểu nhất Alexandros, thể hiện tài nghệ của chàng ngay từ khi còn nhỏ như vậy. Theo trước tác của Plutarchus, mọi sự mở đầu với việc một lái buôn người xứ Thessaly là Philoneicus đã mang con thần mã dũng mãnh này đến bán cho vua Philippos II, với giá là 13 đồng talent. Nhà vua và các quan cận thần trong Triều đình cũng ra một cánh đồng, và tại đó mọi người thay nhau ra sức thuần phục con thần mã. Con thần mã thật quá hung dữ và khó có thể bị chế ngự: nó không cho bất kỳ một ai cưỡi lên lưng nó, nó cũng không để tâm đến bất kỳ một lời khuyên nào của mọi người dưới sự cổ vũ của Philippos II mà toàn là hất họ ra. Nhà vua tức giận, bèn đem trả con ngựa táo tợn này vì nó thật quá hoang dã và không thể kiềm chế được, nhưng Alexandros khi đang đứng đó, liền nói:[11]
“ |
Họ mất một con ngựa như thế chẳng qua là vì họ chẳng có kinh nghiệm và thật quá hèn nhát để có thể thu phục được nó. |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Đầu tiên Philippos II vẫn im lặng chứ không thèm để ý. Nhưng do Alexandros vẫn than vãn lặp đi lặp lại và trở nên hết sức là buồn bã, vua cha mới phán con: ” Hoàng nhi cứ chê bai những người lớn tuổi hơn con cứ như là con biết nhiều hơn và làm tốt hơn họ vậy”. Hoàng tử Alexandros trả lời: “Ít ra thì con cũng biết thuần phục con ngựa này chứ không tệ như họ!” Vua cha lại hỏi: “Và nếu Hoàng nhi không thể thu phục được nó, thì con phải làm gì để trả giá cho cái tính bốc đồng” của con. Alexandros không ngại gì:[11]
“ |
Con sẽ trả tiền mua con ngựa này, dưới sự chứng dám của thần linh. |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Thế là tất cả mọi người cười phá lên. Alexandros đánh cuộc và chàng chạy đến con thần mã. Chàng nắm lấy dây cương và dắt con ngựa đi theo hướng mặt trời; rõ rằng, chàng nhận ra rằng con thần mã này thường trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy cái bóng của chính nó ở phía trước nó. Vì vậy chàng dắt con ngựa đứng yên đối diện với mặt trời rồi dắt nó đi theo hướng này. Mỗi khi con ngựa tỏ vẻ hung hăng hay giận dữ, chàng lại khẽ vuốt ve nó. Bất thình lình, Alexandros nhảy lên lưng con thần mã rồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết giật dây cương cho đến khi tất cả vẻ hung dữ biến mất. Rồi chàng ra lệnh cho con Bucephalus phi nước đại, với giọng điệu hùng hồn hơn hẳn.[11]
Vua Philippos II và những người khác đứng xem rất lo lắng cho đến khi nhìn thấy Alexandros chiến thắng trở về. Nhà vua hết sức vui sướng và thỏa mãn, ông mừng đến mức phải rơi lệ. Trong khi đó, tất cả mọi người đều ầm ầm vỗ tay. Người ta nói rằng nhà vua bế Alexandros lên và hôn vào trán của chàng, sau đó ông đặt con xuống và tuyên bố:[11]
“ |
Hỡi con trai của ta con hãy tự tìm cho mình một vương quốc xứng đáng vì Macedonia qua nhỏ bé với con. |
” |
—Philippos II |
Hầu hết mọi người đều xem Alexandros là một trong số rất ít Hoàng đế thời cổ đại, đã tiếp nhận một nền giáo dục và huận luyện chuyên môn để giữ vai trò thống trị một đế quốc. Dưới sự sắp xếp của người cha, ngay từ năm 13 tuổi ông đã theo học Aristotle, một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp.[12][13] Aristotle đã huấn luyện Alexandros về mọi mặt như thuật hùng biện và văn học và gợi lên các sở thích của cậu ta trong khoa học, y khoa và triết học. Aristotle đưa cho Hoàng tử Alexandros một bản sử thi Iliad của Homer, mà ông luôn giữ và đọc thường xuyên. Theo 10 đại hoàng đế thế giới, Alexandros rất ngưỡng mộ và luôn học hỏi theo sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng Achilles thời chiến tranh thành Troia.[12]
Tuổi thơ không êm đềm
Alexandros rất say mê nghiên cứu và luyện tập binh pháp. Sách Lịch sử thế giới: Từ 570 triệu năm trước đến 1990 Công nguyên: Trình bày bằng những hình ảnh cụ thể, gọi ông là một người vĩ đại và có nhân cách khác thường.[13] Ông rất yêu thích sự nghiệp và những công tích hiển hách của Hoàng đế Cyrus Đại Đế của Đế quốc Ba Tư cổ đại. Không những thế, hẳn, ông cũng hứng chịu ảnh hưởng rất lớn từ đoạn này trong tác phẩm “Anabasis” của nhà sử học Xenophon:[14]
“ |
Nước Ba Tư thuộc về người có ý chí và sức mạnh để chiếm lấy nó. |
” |
—Xenophon |
Năm 16 tuổi,[13] ông bắt đầu theo cha mình đi chinh chiến, học hỏi các bố trận và làm tướng. Khi Philipos lãnh đạo cuộc tấn công vào Byzantium năm 340 TCN, Alexandros được để lại như là quan chấp chính của Macedonia. Vào năm 339 TCN, Philipos lấy người vợ thứ năm, Cleopatra Eurydice xứ Macedonia. Vì mẹ của Alexandros, Olympias, là người từ Epirus (một vùng đất thuộc phần phía tây của bán đảo Hy Lạp và không phải là một phần của Macedonia), và Cleopatra là một người Macedonia chính gốc, điều này đã dẫn đến tranh cãi về quyền nối ngôi hợp pháp của Alexandros. Attalus, chú của cô dâu, được kể là nâng ly trong tiệc cưới để chúc cho lễ thành hôn sẽ sản sinh ra một người nối ngôi hợp pháp của xứ Macedonia; Alexandros hất cốc rượu vào Attalus nạt lớn:
- Thế thì ta là gì, một đứa con bất hợp pháp à?.
Philipos hiển nhiên đã rút gươm ra và tiến về phía Alexandros, nhưng bị ngã vì quá say. Alexandros nói:
“ |
Đây là người đàn ông dự định chinh phục từ Hy Lạp đến châu Á, và ông ta không thể di chuyển nổi từ bàn này sang bàn khác. |
” |
—Alexandros |
Alexandros, mẹ và em gái (cũng tên là Cleopatra) sau đó bỏ Macedonia mà ra đi trong cơn giận dữ. Có người bạn cũ đến thăm, vua Philipos hỏi ông ta liệu những người Hy Lạp có thể chung sống hòa binh với nhau không. Vị khách trả lời: Thật lạ lùng, tại sao ngài phải lo lắng về Hy lạp đến thế trong khi gia đình ngài đang tan vỡ vì quá nhiều xung đột?”. Philip hiểu ra vấn đề nên triệu Alexandros trở về.
Cuối cùng thì vua cha Philipos giảng hòa với con trai, và Alexandros quay trở lại nhà; Olympias và em gái của ông vẫn ở lại xứ Epirus. Vào năm 338 TCN, trên lưng con thần mã Bucephalus,[15] Alexandros giúp vua cha trong trận quyết định Trận đánh Chaeronea chống lại các thành phố Hy Lạp tự trị Athena và Thebes, cánh do đội kỵ binh dẫn đầu bởi Alexandros đã tiêu diệt Đội thần binh Thebes – một lực lượng tinh nhuệ được xem là bất khả chiến bại. Sau trận đánh, Philipos tổ chức ăn mừng trọng thể, và đáng để ý là Alexandros không tham dự (người ta tin rằng ông đang chăm sóc thương binh và chôn cất liệt sỹ, của Quân đội Macedonia và của kẻ thù). Chiến thắng này đã làm Philipos yêu quý con trai đến mức ông thích nghe các chiến binh gọi Philipos là vị tướng còn Alexandros mới là vị vua của họ. Philipos bằng lòng tước quyền thống trị của Thebes đối với Boeotia và để lại một đội quân đồn trú trong thành. Một vài tháng sau, để gia cố sự thống trị của Macedonia đối với các thành phố Hy Lạp tự trị, Hiệp hội Corinth được thành lập.
Lên ngôi vua Macedonia
Vào năm 336 TCN, Philipos bị ám sát tại lễ cưới của con gái ông là Cleopatra của Macedonia với vua Alexandros I của Epirus. Người ta nói rằng, kẻ ám sát là một sủng thần trước đây của nhà vua – một nhà quý tộc trẻ bất mãn Pausanias, ông ta trở nên thù oán vua Philippos II vì nhà vua đã bỏ mặc một lời than phiền mà ông ta đã đưa ra. Người ta cho rằng vụ ám sát Philippos đã được tính toán trước với thông tin và sự tham gia của Alexandros hay Olympias. Một kẻ có khả năng là chủ mưu là Darius III – tân Hoàng đế của Đế quốc Ba Tư khi đó. Nhà sử học Plutarch đề cập đến một lá thư giận dữ từ Alexandros gửi Darius, trong đó ông đổ thừa cho Hoàng đế Darius III và quan Tể tướng Bagoas, cho cái chết của vua cha, nói rằng chính Darius là người đã khoác lác với các thành phố Hy Lạp là ông ta đã tổ chức ám sát Philippos như thế nào. Sau cái chết của Philippos, quân đội suy tôn Alexandros, lúc này 20 tuổi, như là vua mới của Macedonia. Chỉ trong vòng vài tuần sau khi vua cha qua đời, tân vương Alexandros đã nắm vững toàn bộ quyền thống trị Chính phủ và Quân đội Macedonia[16]. Các thành bang Hy Lạp như Athena và Thebes, bị bắt buộc phải quy phục Philippos, thấy vị tân vương như là một cơ hội để giành lại hoàn toàn quyền độc lập của họ. Các bạn hữu và quân sư của nhà vua khuyên ông không nên lập lại quyền thống trị của xứ Macedonia tại Hy Lạp và các bộ tộc man rợ lân cận, trước khi ông đảm bảo sự ổn định nội bộ đất nước và sự trung thành tuyệt đối của toàn dân Macedonia. Do đó, họ khuyên ông không nên suy nghĩ xâu xa gì về ý định chinh phạt Ba Tư của tiên vương Philippos II trong vòng vài năm tới.[16].
Tuy nhiên, nhà vua quyết định không bỏ qua bất kỳ một lãnh thổ nào mà tiên vương khổ công chiếm lấy, hoặc bất kỳ một dự định hay mục tiêu nào của tiên vương. Thoạt đầu, ông quyết định đấu tranh chống cái liên minh hiểm họa vừa được thành lập tại Hy Lạp để chống lại ông. Bấy giờ, ở phía Đông, đất nước đã được phòng vệ vì ít lâu trước khi mất, tiên vương Philippos II đã sai tướng Parmenion kéo 5000 quân tinh nhuệ đến, để chuẩn bị vượt sông Hellespont (Dardanelles) mà đánh Ba Tư. Do đó, nhà vua chỉ chú ý đến phía Bắc và phía Tây đất nước.[16] Ông hành động nhanh chóng và Thebes, là thành phố chống lại ông tích cực nhất, đã đầu hàng khi ông xuất hiện ở cửa thành. Hội đồng Hy Lạp tại Eo Corinth, với ngoại lệ Sparta, bầu ông lên như là Tổng tư lệnh chống lại quân Ba Tư, mà trước đây chức danh này được phong tặng cho cha ông.
Năm kế tiếp, (335 TCN), Alexandros cảm thấy tự do tiến đánh Thracia và Illyria để bảo vệ sông Danube như là biên giới phương bắc của Vương quốc Macedonia. Trong khi ông đang chinh phạt phía bắc một cách thắng lợi, người Thebes và Athena lại nổi dậy một lần nữa. Alexandros phản ứng lập tức và trong khi các thành phố khác lại một lần nữa do dự, Thebes lần này quyết định chống trả cật lực nhất. Sự chống trả là vô ích; cuối cùng, thành phố bị chinh phục với nhiều máu đổ. Người Thebes chịu số phận thê thảm hơn khi thành phố bị đốt trụi và lãnh thổ bị chia ra giữa các thành phố Boeotian khác. Hơn nữa, tất cả các công dân của thành phố bị bán thành nô lệ, chỉ chừa lại các thầy tu, các lãnh tụ của các đảng ủng hộ Macedonia và hậu duệ của Pindar – nhà của người này không bị đụng chạm đến. Kết cục của xứ Thebes làm Athena sợ hãi mà đầu hàng và sẵn sàng chấp nhận yêu sách của Alexandros cho lưu đày các lãnh tụ của phe cánh chống lại Macedonia, Demosthenes là người đầu tiên. Người ta không biết thái độ ôn hòa sau đó của Alexandros đối với người Athena là do lòng thương hại của chàng đối với sư tàn bạo dành cho Thebes hay đơn giản chỉ vì sự khát máu của chàng đã được thỏa mãn. Nhưng kể từ đó, Alexandros luôn đối xử tế đối với bất cứ người Thebes nào sống sót mà chàng gặp.
Ngay sau đó, đại diện của các thành bang Hy Lạp gặp nhau tại Corinth và tôn Alexandros lên làm Minh chủ trong cuộc chiến tranh chống lại quân Ba Tư, nhằm báo thù sự xâm phạm của người Ba Tư vào Hy Lạp năm xưa.[17] Khi Alexandros tới Corinth, nhiều chính khách và nhà triết học đến chúc tụng chàng. Nhà vua cũng chờ nhà triết học nổi tiếng Diogenes của Sinope đến chúc mừng, nhưng Diogenes không đến dù ông này sống ở ngay Corinth.[18]
Vì vậy, đích thân Alexandros đến thăm nhà Diogenes và gặp ông đang nằm tắm nắng. Diogenes hơi nhỏm người dậy khi nghe tiếng đám đông tới gần. Khi Alexandros hỏi triết gia rất nhã nhặn rằng liệu có một đặc ân gì nhà vua có thể làm cho ông không thì Diogenes chỉ nói:” Đức Vua hãy làm ơn bỏ cái bóng của Ngài ra khỏi tôi”. Trên đường trở về, những tùy tùng của Alexandros cười nhạo ông già gàn dở này, nhưng Alexandros bảo họ:[18]
“ |
Các Ngươi cứ cười nếu muốn, nhưng nếu Ta không phải là Alexandros thì Ta muốn được làm Diogenes. |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Giai đoạn của các cuộc chinh phạt
Bản đồ của đế quốc Macedonia dưới triều Alexandros
Sau khi củng cố nền thống trị ở Hy Lạp, ông liền tích cực lo việc thực thi kế hoạch chinh phạt đế quốc Ba Tư Achaemenes mà tiên vương đã soạn thảo, để qua đó cướp đoạt tài nguyên phong phú ở phía đông.[19] Ông vốn rất ngưỡng mộ hai nhà chinh phạt vĩ đại trước thời ông là Nữ hoàng Semiramis của Đế quốc Assyria và Hoàng đế Cyrus Đại Đế của Đế quốc Ba Tư Achaemenes, và quyết định tiến hành chinh phạt châu Á – theo gương họ thành lập một đế quốc hùng mạnh vào thời kỳ cổ đại.[20][21] Lúc bấy giờ, vương triều Achaemenes của Ba Tư đã suy yếu, nội bộ thường tranh chấp liên miên. Vả lại, Alexandros Đại Đế cũng đã kế thừa từ vua cha một công cụ chiến tranh hiệu quả, đó là một lực lượng Quân đội Macedonia dũng mãnh không gì sánh bằng.[17] Ông nhân cơ hội này mà phát động cuộc viễn chinh, đồng thời, ông cũng dùng cuộc chinh phạt này để chuyển tầm nhìn của những người Hy Lạp chống Macedonia sang hướng khác, và cũng làm hòa dịu cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị ở các thành bang Hy Lạp.[19]
Rõ ràng, trong việc theo đuổi tham vọng của mình, Alexandros Đại Đế đã phải kế thừa và phát huy di sản mà vua cha để lại. Nếu không có Philippos II – cũng là một vĩ nhân với tầm vóc không kém trong lịch sử, Alexandros Đại Đế sẽ không thể thật lẫy lừng được.[17]
Sự sụp đổ của Đế quốc Ba Tư cổ đại
Mùa xuân năm 334 Trước Công Nguyên, Đại Đế Alexandros III thân hành xua đại binh đi đông chinh. Quân tinh nhuệ của ông đã vượt qua eo biển Hellespont với khoảng 42 nghìn binh sỹ – chủ yếu là người Macedonia[22] và Hy Lạp, đa phần là từ các thành phố tự trị phía nam Hy Lạp, nhưng cũng có bao gồm một số người Thracia, Paionia và Illyria. Tương truyền khi đó ông đích thân cầm lái chiếc kỳ hạm của mình, và giết một con bò để hiến tế cho thần biển Poseidon.[19], ông còn dùng một chén vàng đựng rượu mật để cúng thần biển. Khi chiến thuyền cập đến bờ biển bên kia, Alexandros mình mặc võ phục, bước lên đại lục châu Á đầu tiên.[19].Chàng chỉ có 70 talent vàng để trả lương cho binh lính và lương thực chỉ đủ cho 30 ngày. Bản thân Alexandros còn nợ 200 talent vàng nên chàng phải tiêu bất cứ thứ gì chàng có để đảm bảo binh lính có đủ tiền chu cấp cho gia đình. Một viên tướng hỏi chàng muốn giữ lại gì cho bản thân mình, Alexandros trả lời:“Niềm hy vọng của Ta”. Viên tướng này sau đó cũng từ chối nhận lương và nói:“Các chiến binh của Bệ Hạ cũng sẽ là bạn của Người trong niềm hy vọng ấy”.
Với lòng khao khát và quyết tâm đó, Alexandros và các chiến binh của chàng tiến đến di tích thành Troy ở châu Á. Tại ngôi mộ của danh tướng Achilles, tổ tiên bên họ ngoại của chàng, Alexandros thoa dầu thơm lên bia mộ của Achilles rồi cùng những tùy tùng khỏa thân chạy xung quanh ngôi mộ theo phong tục cổ ở đây. Chàng nói Achilles là một người may mắn vì có một người bạn tri kỉ khi còn sống và một nhà thơ vĩ đại làm cho những ký ức về mình vẫn còn được lưu giữ mãi.
Trong khi đó quân Ba Tư đã cắm trại ở phía bên kia sông Granicus ngăn không cho Alexandros vượt qua. Quân Ba Tư gồm có 2 vạn Bộ binh và 2 vạn Kỵ binh với thế trận rất vững chắc. Dòng sông khá sâu còn bờ sông lại rất cao và dốc đứng. Dường như không thể tấn công được nhưng ngay lập tức Alexandros dẫn đầu 13 toán Kỵ binh vượt sông dưới làn mưa tên. Với sức chịu đựng ghê gớm, họ đã đặt chân lên bờ sông đầy bùn để giáp chiến với kẻ thù.
Ngù lông trắng và bộ giáp sáng chói của Alexandros làm chàng nổi bật trên bãi chiến trường, vì vậy những chiến binh Ba Tư dũng cảm nhất lăn xả vào nơi chàng đứng. Đó là nơi trận chiến diễn ra khốc liệt nhất. Một viên quan Tổng đốc Ba Tư đập rìu chiến vào đầu Alexandros làm chàng choáng váng, nhưng một chiến binh tên là Cleitus đã cứu mạng chàng bằng cách đâm chết kẻ thù trước khi hắn kịp giết chàng.
Trong khi đó, đội hình phương trận của quân Macedonia đã vượt sông và tập hợp lại bên bờ bên kia. Quân Ba Tư không thể chống đỡ sức tấn công của họ nên chả mấy chốc toàn bộ quân Ba Tư đã bỏ chạy thoát thân. Quân Ba Tư mất toàn bộ 2 vạn bộ binh và 2500 kị binh còn Alexandros mất 34 người.
Sau chiến thắng khởi đầu tại Granicus, Alexandros chấp nhận sự đầu hàng của thủ phủ tỉnh Ba Tư và ngân khố của Sardis và tiếp tục tiến xuống bờ biển Ionia. Tại Halicarnassus, Alexandros đã thành công trong việc tổ chức những cuộc bao vây đầu tiên, cuối cùng buộc đối phương, thuyền trưởng đánh thuê Memnon xứ Rhodes và các satrap (thống đốc) Ba Tư của Caria, Orontobates, phải rút lui bằng đường biển. Alexandros trao Caria cho Ada, người từng là nữ hoàng xứ Caria trước khi bị chiếm ngôi bởi người em trai là Pixodarus. Từ Halicarnassus, Alexandros tiến vào vùng núi Lycia và đồng bằng Pamphylia, khẳng định chủ quyền trên tất cả các thành phố ven biển và từ chối quyền đó cho kẻ thù của ông. Từ Pamphylia trở đi, bờ biển không còn cảng lớn nào và do đó Alexandros di chuyển vào trong lục địa. Tại Termessus, Alexandros khiêm tốn nhưng không ập vào thành phố Pisidia. Tại kinh đô cổ đại Phrygia của xứ Gordium, Alexandros “tháo” nút thắt Gordian Knot, một thách thức được nói là chờ cho vị “Vua của cả châu Á” trong tương lai. Theo một câu chuyện sinh động nhất, Alexandros nói rằng không cần biết làm thế nào nút thắt được mở ra, và ông cắt nó bằng thanh gươm. Một dị bản khác nói ông đã không dùng gươm, nhưng thực sự đã tìm ra cách mở nút.
Các chiến binh dũng mãnh của Alexandros băng qua Cổng Cilician, chạm phải và đánh bại quân chủ lực của Ba Tư dưới sự chỉ huy của hoàng đế Darius III trong Trận đánh Issus vào năm 333 TCN. Lúc này vua Darius dẫn 60 vạn quân tinh nhuệ từ Susa tiến đến, khi đó Alexandros vẫn đóng quân tại Cicilia nên Darius và các mưu sĩ thân cận của ông ta cho rằng Alexandros sợ không dám đương đầu với một đội quân khổng lồ. Nhưng thực ra Alexandros trì hoãn là do khi đó chàng phải trải qua một cơn ốm nặng.
Mọi thầy thuốc của Alexandros không dám dùng thuốc chữa vì nếu không chữa được, Alexanrdros sẽ chết và người Macedonia sẽ trừng phạt thầy thuốc. Nhưng có một người tên là Philip ở xứ Acarnania dám mạo hiểm chữa bệnh cho Alexandros. Alexandros nhận được một bức thư tử Parmenio, nói rằng người thầy thuốc này đã phản bội, ông ta nhận tiền của Darius để thay thuốc chữa bệnh bằng thuốc độc. Alexandros đọc lá thư rồi để nó xuống gối và không cho ai biết. Khi Philip mang chén đến, Alexandros lấy bức thư ra đưa cho ông ta. Trong khi Philip đọc, Alexandros mỉm cười uống cạn chén thuốc. Chỉ vài ngày sau, Alexandros đã khỏi bệnh.
Các chiến binh Ba Tư cắm trại trên một vùng đồng bằng rộng lớn nơi họ tận dụng được sức mạnh của Kị binh. Nhưng nhiều tuần trôi qua mà không thấy Alexandros, lúc đó đang hồi phục sức khỏe sau trận ốm, không động binh nên những bầy tôi xu nịnh vua Darius rằng quân Hy Lạp đã quá khiếp sợ không dám giao tranh. Vì thế Darius nên dẫn quân đến Issus để cắt đường rút chạy của Alexandros. Darius dẫn quân đến Issus đúng lúc Alexandros tiến quân vào Syria để đương đầu với ông ta, vì thế cả hai đạo quân đều không gặp nhau. Khi Alexandros biết rằng quân Ba Tư đã vòng phía sau chàng chàng quay lại và thúc quân nhanh chóng đến Issus.
Vua Darius vội vã rút quân ra khỏi Issus khi nhận thấy địa hình gồ ghề khiến kị binh trở nên vô dụng và quân đội của ông ta bị chia tách, còn quân Hy Lạp giành được lợi thế. Nhưng trước khi Darius thoát được cái bẫy của chính mình thì Alexandros đã đến nơi. Alexandros tự mình chỉ huy cánh phải nghiền nát cánh trái của quân Ba Tư. Trong trận này quân Ba tư mất tới 11 vạn người. Còn Darius tháo chạy khỏi trận đánh trong hoảng loạn bỏ lại vợ là Stateira I, hai con gái, mẹ già, và phần lớn của cải cá nhân. Sisygambis, mẹ của hoàng hậu, không bao giờ tha thứ Darius đã bỏ rơi con gái bà. Bà chối bỏ Darius, và Alexandros đã cưới được một con gái của Darius III là Stateira II. Tiến xuống bờ biển Địa Trung Hải, ông lấy được Týros và Gaza sau những trận vây hãm nổi tiếng (xem Vây hãm Týros). Alexandros đi ngang qua gần đó nhưng có lẽ không ghé vào Jerusalem. Một ngày kia, Alexandros bị tụt lại sau đạo quân của mình vì người thầy cũ của chàng là Lysimachos không theo kịp. Đêm đến, Alexandros thấy mình đang ở trong một tình thế nguy hiểm. Khi đó chàng đã đi quá xa đoàn quân và không có lửa để chống lại cái lạnh. Chàng phát hiện có vài lửa trại của kẻ thù gần đó, chạy đến đống lửa gần nhất và giết chết 2 tên lính rồi mang lửa về cho các chiến binh của mình. Đó là tính cách điển hình của Alexandros: luôn cổ vũ những chiến binh bằng hành động và sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy.
Trong suốt 7 tháng trước khi thành Týros bị tiêu diệt, Darius viết thư cho Alexandros xin chuộc lại những người bị Alexandros cầm giữ. Darius cũng đề nghị gả cho Alexandros một trong số những người con gái của ông ta nếu Alexandros bằng lòng làm bá chủ toàn bộ các vương quốc phía Tây sông Euphrates. Alexandros kể cho bạn bè nghe chuyện này và hỏi ý kiến họ. Parmenio nói:” Nếu tôi là bệ hạ tôi sẽ vui mừng chấp thuận”.
Alexandros đáp:
“ |
Nếu là Parmenio thì ta sẽ làm như vậy. Nhưng vì ta là Alexandros nên ta sẽ gửi cho Darius một câu trả lời khác. |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Đây là câu trả lời của Alexandros:” Tất cả châu Á cũng như tất cả những kho báu ở đó là của ta. Số tiền ngươi muốn cống nạp thực ra đã là của ta rồi. Còn con gái ngươi, nếu muốn, ta sẽ cưới, bất kể ngươi đồng ý hay không. Nếu ngươi muốn xin ta điều gì, hãy đến đây một mình. Nếu không, ta sẽ đến chỗ ngươi.”
Vào năm 332 TCN – 331 TCN, Alexandros Đại Đế được chào đón như là người giải phóng ở xứ Ai Cập và được công nhận là con trai của Zeus bởi các tu sỹ Ai Cập thờ thần Ammon tại Đền thờ thần ở Ốc đảo Siwa trong sa mạc ở Libya. Từ đó trở về sau, Alexandros nhắc đến thần Zeus-Ammon như là cha thật sự của mình, và sau đó đồng tiền có hình ông với sừng cừu như là chứng minh cho niềm tin phổ biến này. Ông thành lập thành phố Alexandria ở Ai Cập, sau đó trở thành một kinh đô phồn vinh của triều đại Ptolemy sau khi ông qua đời. Trong lúc đó, Darius III không phải là mối bận tâm duy nhất của ông: có hung tin báo rằng tình hình Âu Châu đang nằm trong rối loạn, do vua xứ Sparta Agis III đã thân hành cầm đầu một liên quân chống Macedonia và đánh tan nát quân Macedonia của quan Tổng đốc quân sự vùng Peloponnesus là Corrhagus. Cuối cùng, Hộ quốc công Antipatros hành binh về thành phố Megalopolis và chiếm lại được thành này sau một trận càn khốc liệt: 3.500 chiến binh Macedonia phải ngã xuống, bên cạnh thi thể của họ là xác của 5.300 tên địch, trong đó có cả Agis III.[23] Cuộc chiến này tuy diễn ra đột ngột, nhưng nó kết thúc trước khi Alexandros Đại Đế đánh thắng quân Ba Tư thêm một trận nữa.[24] Khi tin chiến thắng được báo đến tai ông, Alexandros Đại Đế chẳng vui mừng gì vì ông nghĩ đây là một chiến thắng chẳng có gì nổi bật:[25]
Rời khỏi Ai Cập, Alexandros hành quân về phía đông vào vùng Assyria (bây giờ là bắc Iraq) và chạm trán Darius và đạo quân Ba Tư thứ ba tại Trận Gaugamela. Tiếng náo động và cảnh tượng vô số đống lửa trại bên phía quân châu Á khủng khiếp đến mức một số vị tướng của Alexandros tấn công vào ban đêm vì tấn công một lực lượng khổng lồ như vậy vào ban ngày là quá mạo hiểm. Nhưng Alexandros đáp lại:
“ |
Ta không muốn ăn cắp chiến thắng |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Một số người có thể cho rằng câu trả lời này dường như thể hiện sự non nớt và kiêu ngạo, nhưng thực sự đây là một mưu mẹo khôn ngoan. Nếu Darius thua trận này giữa ban ngày, trên chiến trường do ông ta chọn, ông không còn lý do gì để bào chữa cho sự thua kém của mình như trước đó ở Issus. Khi đã hoàn toàn tuyệt vọng ông ta sẽ không còn muốn chống cự nữa. Chiến tranh sẽ kết thúc, dù Darius có thừa tiền bạc và quân lính duy trì một cuộc chiến tranh lâu dài. Đó là lý do Alexandros cho các chiến binh của ông nghỉ ngơi cho đến sáng hôm sau. Khi đi kiểm tra đội hình trước trận đánh, Alexandros cưỡi một con ngựa khác vì con Bucephalus lúc đó đã già. Nhưng khi trận đánh thực bắt đầu, chàng lại leo lên con Bucephalus và bắt đầu tấn công. Ngày hôm đó, Alexandros diễn thuyết rất lâu trước những người Thessaly và những người Hy lạp khác, họ hét vang trả lời chàng. Rồi Alexandros tay trái cầm lao, còn tay phải giơ cao cầu nguyện các vị thần chiến thắng. Ngay lúc đó một con chim ưng bay qua đầu chàng tiến thẳng về phía kẻ thù. Chính điềm báo này làm bừng lên ngọn lửa chiến đấu trong các chiến binh Macedonia. Các đoàn kị binh phi nước đại và tiếp theo là đội hình phalanx. Darius buộc phải bỏ chạy sau khi người lái chiến xa của ông ta bị giết, và Alexandros đuổi theo ông ta xa đến tận Arbela. Trong khi Darius chạy về vùng núi về phía Ecbatana (nay là Hamadan), Alexandros tiến về thành Babylon. Thành phố này đầu hàng ngay lập tức.
Trong lúc vua Alexandros Đại Đế đang chinh chiến chống Đế quốc Ba Tư, Zopyrion lên nắm chức Tổng đốc quân sự xứ Thrace. Zopyrion huy động một đạo quân tinh nhuệ, có lẽ bao gồm 3 vạn chiến binh, đi đánh người Scythia. Zopyrion nhận thấy rằng ông phải ra tay làm một việc gì đó, chứ không thể ngồi không trong khi Đức Vua phải lâm chiến ngoài xa trường.[26] Ông cho vây hãm Olbia nhưng không thành công, và do thời tiết xấu, các chiến binh Macedonia bại trận còn Zopyrion thì hy sinh.[27] Về phần mình, từ Babylon, Alexandros đi đến Susa, một trong những kinh đô của Vương triều Achaemenes, và chiếm được ngân khố quốc gia Ba Tư. Gửi đi toàn bộ quân lính đến Persepolis, kinh đô Ba Tư, bằng Đại lộ Hoàng gia, Alexandros ập vào và chiếm được Cổng Ba Tư (Persian Gate) (vùng nay là Dãy núi Zagros), sau đó đánh vào Persepolis trước khi ngân khố ở đó có thể bị cướp phá. Nhà vua truyền lệnh cho đại quân cướp phá kinh thành Persepolis. Một ngọn lửa lớn bùng cháy ở cung điện phía Đông của Hoàng đế Xerxes I và lan đi khắp thành phố. Theo lời kể của Cleitarchus, Alexandros Đại Đế đã hạ lệnh cho đốt cháy Persepolis do bị cô kỹ nữ xinh đẹp Thais người Athena. Những nhà văn đời sau cũng tin vào câu chuyện này và liên tục kể đến nó, và thậm chí cho đến ngày nay.[28] Cuốn Sách của Arda Wiraz, một tác phẩm Hỏa giáo được viết ra vào thế kỉ thứ 3 hay 4, cũng nói về những thư viện lưu trữ chứa đựng “tất cả Avesta và Zand, được viết trên những tấm da bò đã thuộc, với mực mạ vàng” đã bị thiêu hủy; nhưng những câu như vậy thường bị nghi ngờ bởi các học giả, bởi vì nói chung là người ta nghĩ rằng qua nhiều thế kỉ Avesta chủ yếu được truyền khẩu bởi những người Magia.
Trong số những quà tặng gửi về Hy Lạp, có một số lớn hương trầm và nhựa thơm được gửi tặng Leonidas, người thầy của Alexandros. Lý do của việc này xuất phát là khi Alexandros còn nhỏ, Leonidas đã khuyên Alexandros đừng dùng quá nhiều các gia vị thuộc loại này trong lễ tế các vị thần: ” Khi nào con chinh phục được những vương quốc trồng các gia vị này, con có thể dùng thoải mái hơn, nhưng bây giờ đừng lãng phí vì chúng ta chẳng có nhiều”. Alexandros gửi kèm món quà với một mảnh giấy viết rằng:” Chúng con gửi thầy rất nhiều hương trầm và nhựa thơm để thầy không còn phải dè sẻn với các vị thần nữa”.
Khi trở nên giàu có lòng hào hiệp bẩm sinh của Alexandros càng thể hiện rõ. Thái độ thân ái khi ông ban tặng các món quà càng làm chúng quý giá hơn. Như khi người chiến binh Ariston giết kẻ thù rồi đưa cái đầu vừa chặt được cho Alexandros xem, nói rằng phần thưởng theo phong tục ở nước anh ta là một chiếc cốc vàng. Alexandros mỉm cười nói:
“ |
Đúng, nhưng đó là một chiếc cốc rỗng.Còn ở đây là một cái cốc đầy rượu vang và ta hãy uống mừng vì tình bạn và lòng trung thành của ngươi. |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Một lần khác, một chiến binh đang dắt một con la đang chở rất nhiều vàng bạc, châu báu của Alexandros. Vì con la gần kiệt sức không thể đi tiếp nên người chiến binh vác hết số của cải này lên vai. Trông thấy anh ta mệt nhọc lê bước, Alexandros liền hỏi xem điều gì đã xảy ra. Người lính nói rằng con la quá yếu để mang số của cải đó còn anh ta cũng sắp kiệt sức. Alexandros nói:
“ |
Đừng bỏ cuộc và hãy cố mang những thứ đó đến lều của ngươi. Tất cả chúng thuộc về ngươi. |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Mẹ của Alexandros là Hoàng Thái hậu Olympias thường viết thư khuyên bảo Alexandros đừng để bạn hữu ông trở nên giàu có đến mức họ cũng trở thành những ông hoàng và có khả năng mua được đoàn tùy tùng cho bản thân, còn Alexandros sẽ nghèo khó và suy yếu vì sự hào phóng này. Alexandros gửi biếu người mẹ thêm nhiều món quà nhưng không bao giờ làm theo lời khuyên của bà. Điều này làm cho Olympias tức giận, còn Alexandros vẫn kiên nhẫn chịu đựng điều này. Khi Antipatros, quan Tổng đốc của ông ở Macedonia, viết một lá thư dài cho Alexandros phàn nàn về Olympias, Alexandros nói với bạn bè:
“ |
Antipatros không hiểu rằng một giọt nước mắt của mẹ ta có thể xóa tan 10000 lá thư như thế này. |
” |
—Alexandros Đại Đế |
Giờ đây, mọi chiến binh đều trở nên giàu có, họ chỉ muốn tận hưởng những thú vui và bắt đầu xao lãng tập luyện. Alexandros nhẹ nhàng nhắc nhở họ, nói rằng ông rất ngạc nhiên khi thấy sau tất cả những trận đánh và những vất vả đã qua, họ không học được rằng những người chịu khó lao động sẽ ngủ ngon hơn và sự xa hoa sẽ dẫn đến ách nô lệ, còn mọi đặc ân đều đi kèm với sự mất mát và cực nhọc. Ông nói:
“ |
“Chẳng lẽ các người chưa học được rằng vinh quang và sự hoàn hảo trong thắng lợi của chúng ta gồm cả việc tránh xa những điều xấu, những điều làm cho kẻ thù của chúng ta dễ bị đánh bại.” |
” |
Alexandros đặc biệt lo ngại việc binh lính lười luyện tập. Ông nói rằng không thể xứng đáng là một chiến binh nếu không quan tâm đến những thứ gần gũi nhất, tức là cơ thể con người, dù có một bộ giáp sáng chói hay một con ngựa hay. Alexandros thể hiện sự gương mẫu của mình. Ông đi săn sư tử chứ không muốn nghỉ ngơi hưởng thụ những nhàn hạ. Nhưng những chiến binh của ông giờ đây đã trở nên kiêu ngạo vì giàu có. Những cuộc chiến tranh và những cuộc hành quân đã làm họ mỏi mệt nên họ nói xấu vị vua của mình. Thoạt đầu, Alexandros rất kiên nhẫn với họ. Ông nói rằng làm vua phải làm điều tốt cho mọi người, dù ông ta có bị chê trách.
Vào năm 330 trước Công Nguyên, nhà vua viếng thăm lăng mộ của Cyrus Đại Đế.[29] Ông luôn muốn mình được làm vị vua kế tục đích thực của Cyrus Đại Đế năm xưa.[30] Rồi cũng đến lúc phải truy tìm Darius. Sau khi vượt qua 400 dặm trong 11 ngày đường, Alexandros và binh lính của ông gần chết khát. Một số quân do thám người Macedonia đã đem về một ít túi nước từ một dòng sông cách đó khá xa và mang cho Alexandros một chiếc mũ đầy nước. Mặc dù miệng khô đến mức sắp nghẹt thở, Alexandros cũng từ chối và nói:
“ |
” Chỗ này không đủ cho tất cả mọi người nên nếu ta uống thì sẽ có những người khác phải chết.” |
” |
. Khi nhìn thấy cảnh này, các chiến binh thúc ngựa lên phía trước hét lên rằng họ muốn Alexandros dẫn dắt họ. Họ nói rằng với một vị vua như thế, họ sẽ vượt qua bất kì khó khăn nào. Ông cũng đuổi theo và bắt được vua Darius III, ông ta sau bị giết bởi những cận thần của quan Tổng đốc xứ Bactria là Bessus – một người bà con của ông ta, Alexandros cởi áo choàng của mình và đắp cho Darius và chân thành than khóc cho cái chết bất hạnh của ông ta. Quan Tổng đốc Bessus sau đó tự tấn phong mình là Hoàng đế Artaxerxes V – vua kế tục của Hoàng đế Darius III – và rút lui vào vùng Trung Á để tiến hành chiến tranh du kích đánh lại vua Alexandros Đại Đế. Với cái chết của Darius, Alexandros tuyên bố cuộc chiến trả thù đã chấm dứt, và giải thể quân Hy Lạp và các đồng minh khác trong chiến dịch Đồng minh (mặc dù ông cho phép những ai muốn thì tái đăng kí như là lính đánh thuê trong Quân đội Macedonia của ông).
Chiến dịch ba năm của Alexandros ban đầu là chống lại Darius và sau đó là các satrap (thống đốc) của các vùng Sogdiana, Spitamenes, đã đưa ông qua các vùng Media, Parthia, Aria, Drangiana, Arachosia, Bactria và Scythia.[31] Trong quá trình đó, ông chiếm được và tái thiết lập Herat và Maracanda. Hơn nữa, ông lập ra một chuỗi các thành phố mới, tất cả đều gọi là Alexandria, bao gồm cả Kandahar ngày nay ở Afghanistan, và Alexandria Eschate (“Xa nhất”) ở vùng nay là Tajikistan. Vào năm 329 TCN, Spitamenes làm phản Bessus (không rõ Spitamenes giữ chức vụ gì ở tỉnh Sogdiana?). Spitamenes nộp Bessus cho Ptolemaios, một trong những cận tướng của vua Alexandros Đại Đế, và Bessus bị hành quyết.[32]. Alexandros cho quân dừng lại tại Parthia. Đây là lần đầu tiên Alexandros khoác những bộ quần áo của người châu Á rồi trò chuyện với họ. Hy vọng bằng cách này ông sẽ lôi kéo họ theo mình. Nhưng sau đó ông vẫn giữ nguyên trang phục này khi đứng trước đội quân của mình. Điều này làm các chiến binh tức giận nhưng rồi họ cũng chiều theo tính lập dị của vị thủ lĩnh dũng cảm.
Hephaetion là người bạn tán thành việc Alexandros sống theo phong tục xa lạ này nhất và cũng bắt trước những thay đổi của Alexandros. Còn Crateros, một người bạn khác, vẫn gắn bó với phong tục của người Macedonia. Alexandros dùng Hephaetion để giao thiệp với người châu Á và dùng Crateros giao thiệp với người Hy lạp. Ông bày tỏ nhiều tình thân thiện đối với Hephaetion, người được ông gọi là ” bằng hữu của Alexandros” và bày tỏ sự tôn trọng đối với Crateros, người được ông gọi là ” cố vấn của nhà vua”. Nhưng hai người này luôn luôn có ác cảm với nhau, đôi khi còn cãi cọ trước mặt quân lính.
Tuy nhiên, về sau này, khi ông cùng ba quân đang chinh chiến bên sông Jaxartes, Spitamenes làm loạn tại Sogdiana. Trước sự quấy nhiễu của người Scythia tinh nhuệ, nhà vua thân chinh đánh tan tác người Scythia trong trận Jaxartes vào năm 329 TCN.[33] Người Scythia tan vỡ, tháo chạy, bãi chiến trường chất hàng ngàn cái thây của người Scythia, trong số đó có vị thủ lĩnh tài ba Satraces.[34] Sau đó, nhà vua trao trả tù binh và đối xử tốt với dân tộc này. Trước chiến thắng oanh liệt của ông, ngay cả Hoàng đế Darius I cũng bị người Scythia đánh bại vào năm 513 TCN.[35] Người Scythia vốn xưa nay là một dân tộc bách chiến bách thắng, và thất bại ê chề của họ trở thành một biểu hiện cho thấy tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải thần phục Vương quốc Macedonia.[36] Giờ đây, cái dân tộc từng đánh bại Hoàng đế Cyrus Đại Đế này đã phải nhận thức rằng xứ Macedonia vô cùng hùng mạnh.[7]
Người Scythia thất bại thảm hại, vua Alexandros Đại Đế mới tiến đánh Spitamenes,[37] ông giành chiến thắng trong trận Gabai; sau chiến bại này, Spitamenes bị binh lính giết hại, vì họ sẵn sàng làm hòa với nhà vua xứ Macedonia.[38] Có câu chuyện kể rằng chính cô vợ của Spitamenes đã chặt đầu ông ta và mang cái đầu ông ta đến trại quân của nhà vua, và ông hoảng hồn nhận lấy nó.[39]
Những âm mưu chống đối Alexandros
Trong thời gian này, Đại Đế Alexandros III cho phổ biến một số loại áo quần và phong tục Ba Tư trong triều đình của ông, đáng chú ý là phong tục proskynesis, một cách hôn tay tượng trưng mà người Ba Tư thường làm để tỏ lòng kính trọng với những người có địa vị xã hội cao hơn, nhưng phong tục này không được người Hy Lạp chấp thuận. Những người Hy Lạp cho là cử chỉ này được dành riêng cho các thần linh và tin rằng Đại Đế Alexandros III tự thần thánh hóa chính ông bằng cách yêu cầu cử chỉ đó. Điều này đã làm giảm sút đáng kể sự yêu quý của những người Hy Lạp đối với vị vua trẻ tuổi. Nơi này cũng diễn ra một vụ mưu sát ông nhưng bị bại lộ, và một trong những viên Sỹ quan Quân đội Macedonia, Philotas, bị xử tử vì tội phản bội vì đã không báo lên âm mưu đó kịp thời. Lão tướng Parmenion, cha của Philotas, người là đứng đầu một quân đoàn tại Ecbatana, bị ám sát theo lệnh của Đại Đế Alexandros III, do nhà vua sợ rằng Parmenion có thể trả thù cho con trai. Một số cuộc xử án khác về tội “phản nghịch” theo sau đó, và nhiều người Macedonia bị xử tử. Sau đó, trong một trận cãi nhau lúc say rượu tại Maracanda, ông cũng giết một người đàn ông đã cứu sống ông tại Granicus, Clitus Đen. Sau đó trong chiến dịch Trung Á, một vụ mưu sát Alexandros thứ hai được khám phá, lần này là bởi những người hầu cận của ông, và sử gia chính thức của ông, Callisthenes xứ Olynthus (người đã bị thất sủng vì đã dẫn đầu trong việc chống lại việc giới thiệu phong tục proskynesis), bị xử là liên đới chủ mưu và nhiều sử gia cho rằng đây là những vu cáo. Tuy nhiên, các chứng cứ khá rõ là Callisthenes, thầy của các người hầu cận, phải là người dụ dỗ họ ám sát nhà vua.
Cuộc chinh phạt Ấn Độ
Sau cái chết của Spitamenes và đám cưới của ông với Roxana xứ Bactria (Roshanak trong tiếng Bactria) để củng cố quan hệ mới thiết lập với các tiểu vương vùng Trung Á, vào năm 326 TCN Alexandros cuối cùng rảnh tay để quay sự chú ý về phía Ấn Độ. Nay, Alexandros cho mời tất cả các thủ lĩnh của vùng trước là tiểu vương quốc xứ Gandhara, về phía bắc của vùng nay là Pakistan, đến gặp ông và chấp nhận đầu hàng. Ambhi, người cai trị xứ Taxila, với vương quốc trải dài từ sông Ấn đến tận Hydaspes (sông Jhelum), tuân theo. Nhưng thủ lĩnh của một số bộ tộc vùng cao bao gồm các phần Aspasios và Assakenois của Kambojas (tên cổ), được biết trong sử sách Ấn Độ như là Ashvayana và Ashvakayana (những cái tên chỉ bản chất cưỡi ngựa của họ), từ chối không đầu hàng.
Alexandros thân chinh thống lĩnh lính cầm khiên, bộ binh, lính bắn cung người Agriania và lính cưỡi ngựa phóng lao tấn công bộ lạc Kamboja — người Aspasios của thung lũng Kunar/Alishang, người Guraean của thung lũng Guraeus (Panjkora), và người Assakenois ở thung lũng Swat và Buner.[40] Một trận đánh khốc liệt với người Aspasios và chính Alexandros bị trọng thương nơi vai vì trúng lao nhưng cuối cùng người Aspasios thua trận; 40.000 người của họ bị bán thành nô lệ. Người Assakenois đối đầu Alexandros với quân đội bao gồm 30.000 kị binh, 38.000 bộ binh và 30 voi[41]. Họ đã chiến đấu dũng cảm và kháng cự ngoan cường chống lại quân xâm lược trong nhiều địa điểm cố thủ ở các thành phố Ora, Bazira và Massaga. Đồn Massaga chỉ bị hạ sau nhiều ngày đánh nhau đẫm máu và chính Alexandros bị thương ở cổ chân. Khi thủ lĩnh của Massaga ngã xuống trên chiến trường, quyền tổng tư lệnh vào tay bà mẹ già của ông ta là Cleophis (q.v.) người cũng cương quyết bảo vệ đất mẹ đến hơi thở cuối cùng. Việc Cleophis giữ quyền tổng chỉ huy quân đội đã đưa toàn bộ lực lượng phụ nữ địa phương vào chiến trận[42]. Alexandros chỉ có thể hạ được Massaga bằng cách sử dụng các âm mưu chính trị và nội phản. Theo như Curtius:[43]
“ |
Vua Alexandros không chỉ thảm sát toàn bộ dân thành Massaga, nhưng ông ta còn phá hủy các tòa nhà thành những đống đổ nát. |
” |
—Curtius |
Một cuộc thảm sát tương tự diễn ra tại Ora, một địa điểm phòng thủ khác của người Assakenois.
Sau những cuộc thảm sát và đốt phá bởi Alexandros ở Massaga và Ora, rất nhiều người Assakenois chạy lên một đồn cao gọi là Aornos. Alexandros đuổi sát theo họ và chiếm được đồn trên đồi cao nhưng chỉ sau bốn ngày đánh nhau ác liệt. Câu chuyện của Massaga được lặp lại ở Aornos và sự tàn sát người bộ lạc diễn ra tương tự sau đó.
Viết về chiến dịch của vua Alexandros chống lại người Assakenois, Victor Hanson nhận xét:
“ |
Sau khi hứa hẹn những người Assacenis xung quanh rằng họ sẽ được tha mạng khi bị bắt, ông xử tử tất cả lính đã đầu hàng. Các điểm phòng thủ của họ ở Ora và Aornus cũng bị đánh ập vào. Các quân đoàn đóng trong đó có lẽ đều bị thảm sát. |
” |
—Victor Hanson[44] |
Sisikottos, người đã giúp vua Alexandros Đại Đế trong chiến dịch này, được phong làm thống đốc của Aornos.
Sau khi hạ được Aornos, vua Alexandros Đại Đế băng qua sông Ấn và đánh tan tác quân của Porus, vua của xứ đó trong vùng Punjab trong trận thắng lịch sử tại Hydaspes vào năm 326 TCN. Tuy vua Porus sử dụng những đội tượng binh dũng mãnh, Quân đội Macedonia giành thắng lợi nhờ có lòng dũng cảm, tinh thần kỷ cương cao và những chiến thuật tài tình của vua Alexandros Đại Đế.[45] Có người kể rằng, trong cuộc đại chiến này, con thần mã Bucephalus hy sinh khi trúng tên của con trai của Porus – chính tay này cũng làm cho Alexandros Đại Đế bị thương. Tuy nhiên, có tư liệu kể ràng con thần mã chết do nó đã già và phải chịu nóng nực. Theo trước tác của Plutarchus, Bucephalus chết ít lâu khi các chiến binh tinh nhuệ Macedonia đại phá tan nát được hùng binh mãnh tướng của Porus. Alexandros Đại Đế hết sức đau buồn, ông nghĩ rằng tổn thất này chẳng khác gì sự mất đi một binh sĩ trung thành, một người bạn hữu của mình.[46] Theo sử sách, ông bắt được vua Porus làm tù binh, và sau chiến thắng vang dội ông hỏi vua Porus muốn đối xử như thế nào. Vị vua thất thế đáp lại:[47]
“ |
Này Alexandros, xin hãy đối xử với tôi như với một vị Quân vương. |
” |
—Porus |
Vua Alexandros Đại Đế chưa từng gặp phải một kẻ thù nào đáng phục hơn thế. Do đó, ông cho phép vua Porus được giữ vững Vương quốc của ông ta, không những thế vua Porus còn trở thành một đồng minh thân cận của ông. Ông hòa giải hai ông vua thù địch nhau là Porus và Taxiles, đồng thời giao cho họ cai quản các vùng đất lân cận. Cả hai vị vua này đều trở nên hùng mạnh như nhau. Cách ông đối đãi với vua Porus và Taxiles chứng tỏ ông muốn có thêm những đồng minh hung mạnh va đáng tin cậy.[47] Alexandros đặt tên cho một trong hai thành phố mới mà ông tìm được là Bucephala, nhằm tôn vinh con thần mã dũng mãnh Bucephalus của ông.[48] Sau đó ông cũng tiến hành lễ tang trọng thể cho những liệt sỹ Macedonia cùng với những liệt sỹ quả cảm nhất của quân thù.[46] Nhà vua đặt tên cho thành phố kia là Nicaea (Khải hoàn), ngày nay là vùng Mong.[49][50] Alexandros tiếp tục chinh phục toàn bộ vùng thượng nguồn sông Ấn.
Phía Đông của vương quốc Porus, gần sông Hằng, là đế chế hùng mạnh Magadha (tức là Ma-kiệt-đà) dưới sự cai trị của triều đại Nanda. Lo sợ về khả năng phải đối mặt với một đội quân Ấn Độ hùng mạnh khác nữa và kiệt sức bởi nhiều năm chinh chiến, quân đội của ông nổi loạn ở sông Hyphasis (nay là Beas), không muốn chiến đấu tiếp nữa:
“ |
Về phần người dân Macedonia, dẫu sao, cuộc chiến với Porus làm mài mòn lòng dũng cảm của họ và ngăn cản họ tiến xa hơn vào Ấn Độ. Thay vì làm tất cả những gì có thể để đẩy lùi kẻ thù với quân số chỉ có 20000 bộ binh và 2000 chiến mã, họ lại kịch liệt chống lại Alexandros khi ông khăng khăng đòi vượt qua sông Hằng, mà họ biết rộng 32 Fulông, sâu 100 sải, trong khi các nhánh sông phía bên kia được mai phục bởi vô số bộ binh, kỵ sĩ và voi. Họ được báo rằng các vị vua của Ganderites và Praesii đang đợi họ với 80000 kỵ sĩ, 200000 lính đánh bộ, 8000 xe ngựa và 6000 voi thiện chiến. Theo Plutarch, Vita Alexandri, 62 [51] |
” |
Vua Alexandros Đại Đế, sau khi bàn bạc với quân sư Coenus, bị thuyết phục quay trở lại. Ông buộc phải trở về phía nam. Ông gửi phần lớn quân đến Carmania (hiện thuộc phía nam Iran) với tướng Craterus, và giao nhiệm vụ thăm dò vịnh Ba Tư dưới quyền của đô đốc Nearchus, trong khi ông dẫn đoàn quân còn lại về bằng con đường phía nam qua Gedrosia (ngày nay là Makran phía nam Pakistan). Theo huyền sử cổ xưa, Quân đội Assyria do Nữ hoàng Semiramis thân chinh cầm đầu và Quân đội Ba Tư Achaemenes do Hoàng đế Cyrus Đại Đế (có lẽ còn gọi là Kay Khosrow) thân chinh thống lĩnh đều chịu tổn thất thảm hại ghi đi qua hoang mạc Madran – một nơi khét tiếng là có địa thế hết sức khó khăn. Khi thoát khỏi đây, Nữ hoàng Semiramis chỉ còn có 20 binh sĩ, và Hoàng đế Cyrus Đại Đế chỉ còn có bảy binh sĩ.[52][53] Nay, vua Alexandros Đại Đế biết ông đã lâm vào nguy hiểm, nhưng ông quyết định tiến hành hành quân qua Makran để vượt trội hơn cả những chiến công hiển hách của hai nhà chinh phạt lỗi lạc trước thời ông là Nữ hoàng Semiramis và Hoàng đế Cyrus Đại Đế.[21][54][55][56]
Sau Ấn Độ
Khi ở Ấn Độ, Alexandros mang theo 10 người Bà la môn trong số những tù binh bị bắt. Họ là những người đã kích động bộ tộc Sabba chống lại ông. Đây là những người nổi tiếng thông minh nên Alexandros quyết định thử thách trí thông minh của họ. Ông tuyên bố người nào có câu trả lời kém nhất sẽ bị giết đầu tiên và sai người già nhất làm trọng tài.
Alexandros hỏi người đầu tiên: ” Người sống nhiều hơn hay người chết nhiều hơn?”. Người này trả lời:” Người sống bởi vì người chết không còn đếm được nữa”. Alexandros hỏi người thứ hai:” biển hay đất liền có nhiều sinh vật hơn?”.câu trả lời là:” Đất liền, bởi vì biển chỉ là một phần của đất”. Alexandros hỏi người thứ ba:” Con vật nào thông minh nhât?”. Người này trả lời:” Đó là con vật chúng ta chưa tìm ra”. Alexandros hỏi người thứ tư:“Để thúc giục người Sabba nổi dậy cần lý lẽ nào?”. và ông ta trả lời” Một người hoặc phải sống hào hiệp hoặc phải chết cao thượng”. Alexandros hỏi người thứ năm:” Đêm có trước hay ngày có trước?”, câu trả lời là ” Ngày có trước đêm ít nhất một ngày”. Khi ấy thấy Alexandros có vẻ không hài lòng với câu trả lời, ông ta nói thêm:” Những câu hỏi lạ lùng thì sẽ có những câu trả lời lạ lùng”. Alexandros hỏi người thứ sáu: Người ta phải làm gì để được yêu quý?”. ” Hãy mạnh mẽ đừng khiếp sợ bản thâm”. Alexandros hỏi người thứ bảy:” Con người phải làm gì để trở thành vị thần”; ” hãy làm những gì con người không thể làm được”. Alexandros hỏi người thứ tám:” Cuộc sống hay cái chết mạnh hơn?”.” Cuộc sống mạnh hơn cái chết vì phải chịu nhiều nỗi bất hạnh hơn”. Người thứ chín được hỏi:“Con người nên sống bao nhiêu lâu”. Ông ta trả lời:” Cho đến khi chết là tốt nhất”. Rồi Alexandros quay sang giám khảo, ông ta trả lời rằng bất kì ai cũng trả lời tồi hơn một người khác. Alexandros nói:“Vậy thì ngươi phải chết đầu tiên vì đưa ra lời phán quyết đó.”. Ông ta đáp lại: ” Không thể như vậy, thưa đức vua tối cao, nếu ngài còn muốn là một người giữ lời. Ngài đã nói rằng chỉ giết ai có câu trả lời tệ nhất kia mà.”. Alexandros trả tự do cho họ và tặng quà cho những người Bà la môn.
Phát hiện rằng rất nhiều phó vương và thủ lĩnh các đội quân của ông cư xử không đứng đắn khi ông vắng mặt, Alexandros cho hành hình rất nhiều người trong số họ làm gương trên đường đến Susa. Để biểu lộ thiện chí, ông ban thưởng cho binh lính và thông báo rằng ông sẽ gửi những người lính già và tàn tật về Macedonia dưới quyền của Craterus, nhưng quân đội hiểu nhầm ý định của ông và nổi dậy ở thị trấn của Opis, từ chối bị gửi đi và chỉ trích cay độc việc chấp nhận phong tục, trang phục của người Ba Tư và sự gia nhập của lính Ba Tư vào đoàn quân Macedonia. Alexandros cho hành quyết những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn, nhưng tha tội cho binh lính. Với dự định thiết lập mối giao hảo lâu dài giữa những người Macedonia và người Ba Tư, ông tổ chức hàng loạt hôn lễ giữa các sĩ quan của ông và người Ba Tư và cả những phụ nữ quý tộc Susa, nhưng rất hiếm cuộc hôn nhân nào kéo dài được hơn 1 năm.
Nỗ lực nhằm hòa hợp nền văn hóa Ba Tư với những người lính Hy Lạp của ông còn thể hiện ở việc huấn luyện một đội quận gồm những chàng trai Ba Tư theo cách của người Macedonia. Không có ghi chép chắc chắn về việc Alexandros chấp nhận cách gọi vua của người Ba Tư la Shahenshah (tức “Hoàng đế vĩ đại” hay “Vua của các vị vua”). Tuy nhiên, hầu hết các sử gia đều tin rằng ông đã chấp nhận việc đó.
Có giả thiết là Alexandros đã muốn xâm chiếm hoặc nhập với bán đảo Ả Rập, nhưng giả thiết này vẫn còn đang được tranh cãi. Có người cho rằng Alexandros đã tiến về phía tây và tấn công Carthage và Ý thay vì chiếm Ả Rập.
Qua đời
Sau hành trình đến Ecbatana để lấy lại phần lớn của cải của Ba Tư, người bạn thân nhất và được ông yêu mến, tên là Hephaeistion đã qua đời vì bệnh tật. Alexandros đã quẫn trí, mắc bệnh và qua đời trên đường trở về tại cung điện của vua Nebuchadrezzar II, Babylon vào 10 tháng 6, 323 TCN. Khi đó, ông mới 33 tuổi.[13] Vài tháng trước khi mất, ông tập trung lực lượng để chuẩn bị mở mang bờ cõi. Quân sĩ Macedonia đã quá chán vào sinh ra tử để phục vụ cho giấc mộng bá chủ hoàn cầu của vua, nên đã nổi loạn. Trong cuộc loạn đó, họ đã hô những khẩu hiệu như:
- Ông muốn đi chinh phạt thêm thì cứ việc! Nhưng khỏi kêu bọn tôi! Chỉ mình ông và cha ông là thần Amon cũng đủ!.[57]
Điều này cho thấy dù Alexandros đã xa Ai cập lâu ngày nhưng vẫn thường xuyên nói mình là con của thần Amon xứ Ai Cập.
Theo nhà sử học quân sự người Mỹ Trevor Nevitt Dupuy, các nhà sử học coi vua Alexandros Đại Đế là một vị Đại Danh tướng (Great Captain) trong lịch sử, cùng với thống soái Hannibal xứ Carthage, nhà độc tài Julius Caesar thành La Mã, nhà chinh phạt Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ, vua Gustav II Adolf nước Thụy Điển, vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ và Hoàng đế Napoléon Bonaparte nước Pháp. Cũng theo Dupuy, ông có thể là vị Đại Danh tướng đầu tiên, và vĩ đại nhất trong số đó.[58] Xem ra trên trận tiền, ông bị thương nhiều hơn mọi vị Đại Danh tướng khác.[59] Không những là một nhà chinh phạt liều lĩnh,[60] ông vừa là chiến binh mà cũng vừa là chính khách trong cùng lúc, cũng như nhiều ông vua nổi tiếng khác trong lịch sử châu Âu.[61]
Người kế vị
-
Sau khi ông qua đời, Alexandros được kế vị bởi một người anh khác mẹ của ông, Philipos III Arrhidaeus (khoảng 359 TCN-317 TCN). Vài tuần sau đó, Roxana sinh hạ một người con trai, cũng mang tên Alexandros, cũng được lên ngôi, Alexandros IV. Nhưng, các vua này chỉ ở ngôi lấy vì, còn đế quốc đã bị các vị tướng lãnh hàng đầu phân chia.[13]
Năm 306 TCN, sau khi Hoàng gia Macedonia bị tiêu diệt, tướng Antigonus xưng vương, khiến cho các tướng khác noi theo. Năm 305 TCN Ptolemy khởi lập nhà Ptolemy ở Ai Cập, Cassander lên ngôi vua Macedonia trong khi Seleucus sáng lập nhà Seleukos ở Syria, Iran, Iraq, A Phú Hãn và các vùng đất phụ cận.
Sau khi vua cha Antigonus qua đời, vua Demetrios I lên kế thừa ngôi báu Macedonia. Ông này phải lâm chiến với vua xứ Ipiros là Pyrros – được xem là hậu duệ của vị anh hùng Achilles.[62] Tuy ông vua nhà binh Pyrros đại phá quân Macedonia, các chiến binh Macedonia không những không căm thù ông này, trái lại còn rất thán phục Pyrros vì theo Plutarch, Pyrros không khác già Alexandros Đại Đế. Trong thời đại Hy Lạp hóa, các vị vua đều xưng những vương hiệu hoành tráng, thân chinh thống lĩnh những chiến binh tinh nhuệ và lập nên một đội cận vệ uy dũng để bắt chước Alexandros, nhưng chỉ có thiên tài quân sự của Pyrros mới đạt đến tầm vóc của ông. Và rồi, theo Plutarch, một đêm kia, vua Pyrros chiêm bao thấy mình được cố vương Alexandros Đại Đế triệu đến bái kiến, và khi tới, Pyrros chợt thấy vị cố vương lừng lẫy một thời đang nằm ốm trên giường bệnh. Ông nhiệt liệt hoan nghênh và tán dương Pyrros, thậm chí còn hứa rằng sẽ hỗ trợ cho vị vua trẻ tuổi. Sau đó, vua Pyrros đánh bạo, hỏi lại ông: “Thưa Thánh thượng, Người đang nằm ốm thế này thì giúp con bằng cách nào đây?” Ông bèn đáp: “Chỉ với cái tên của Trẫm”. Không những thế, ông còn bất ngờ đứng dậy, lên lưng chiến mã Nisea và phi ngựa tiến thẳng lên phía trước Pyrros để dẫn dắt ông vua nhà binh trẻ tuổi xung phong trận mạc.[63]
Đời tư
Trên lưng con thần mã Bucephalus, Alexandros Đại Đế đánh đâu cũng thắng.[46] Ngoài ra, sự gắn bó sâu sắc nhất về tình cảm của ông hầu như được cho là đối với người đồng hữu, người chỉ huy đội kị binh (chiliarchos) và là người bạn từ thời thơ ấu của ông, Hephaestion. Ông học cùng Alexandros, như một nhóm trẻ em con nhà quý tộc khác ở Macedonia, dưới sự dạy dỗ của Aristotle. Hephaestion đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên trong lịch sử của mình vào thời điểm Alexandros tiến đến Troia. Tại đây hai người bạn đã đặt vòng hoa tại các đền thờ của hai vị anh hùng Achilles và Patroclus năm xưa; Alexandros Đại Đế tại đền thờ Achilles, và Hephaestion tại đền thờ Patroclus. Aelian trong cuốn Varia Historia (12.7) khẳng định rằng Hephaestion “tiết lộ ông là eromenos [“người tình”] của Alexandros, như Patroclus đối với Achilles vậy.” Có lẽ Olympias cũng đã từng cổ võ cho Alexandros Đại Đế hãnh diện vì ông là hậu duệ của vị anh hùng Achilles này.[64]
Một số nhà sử học đã đặt nghi vấn về khẳng định về mối quan hệ đồng tính giữa Alexandros và Hephaestion. Robin Lane Fox viết rằng tuy “những lượm lặt gần đây nhất cho khẳng định rằng vua Alexandros Đại Đế có mối quan hệ yêu đương với Hephaiston”, không có văn kiện lịch sử đương thời nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, Fox nói thêm, “sự thực là tình bạn của hai người đàn ông này sâu sắc và thân thiết một cách khác thường.” [65] Vì cái chết của Hephaestion, Alexandros khóc thương cho ông ta rất nhiều, và không ăn uống gì trong mấy ngày liền. Nỗi buồn của nhà vua khi đó rất giống với cơn đau buồn của Achilles sau khi Patroclus hy sinh trên trận tiền.[66]
Cũng có một số nhà khoa học của Mỹ cho rằng, Alexander Đại đế chết vì một loại vi khuẩn cực độc khiến cho ông luôn luôn đau nhức mỗi khi ra trận. Trước khi qua đời khoảng 14 ngày, Alexander Đại đế lên cơn sốt cao, bị đau các khớp xương. Rồi sau một hồi quằn quại và co giật dữ dội, ông cũng không thoát khỏi cái chết đang ngày một cận kề.
Danh ngôn
- Địch quân trong một thời gian dài vừa qua, luôn sống trong hoàn cảnh thái bình hưởng lạc, còn chúng ta thì luôn luôn chiến đấu và đã vượt qua không biết bao nhiêu thử thách gian nguy, mỗi chiến sĩ đều được luyện rèn nên đã trở thành kiên cường hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là trận đánh này chính là một trận quyết đấu giữa người tự do và người nô lệ. Số người đi theo Darius để đánh giặc đều là những người vì tiền mà bán mạng cho ông ta. Trong khi quân đội của ta đều là chí nguyện quân chiến đấu vì đất nước Hy Lạp, là những chiến sĩ dũng cảm thiện chiến nhất ở Á châu. Chỗ yếu kém nhất của quân địch là ô hợp và không có tài năng. (lời nói trước tướng sĩ trong trận Issus)[19]
Chú thích
- ^ Cái tên Αλέξανδρος bắt nguồn từ các từ άλεξ (bảo vệ) và άνδρας (người) trong tiếng Hy Lạp
- ^ Michael Burgan, Alexander the Great: World Conqueror, trang 13
- ^ “Alexander the Great (356 – 323 BC)”.
- ^ Yenne 2010
- ^ Một việc Alexandros phải lặp lại hai lần vì các miền phía nam Hy Lạp nổi loạn sau khi Philipos qua đời
- ^ Grigori Sidorov, Arturo Hernández Aguirre, Carlos Alberto Reyes Garcia, Advances in Soft Computing: 9th Mexican International Conference on Artificial Intelligence, Micai 2010, Pachuca, Mexico, November 8-13, 2010, Proceedings, Phần 2, trang 14
- ^ a ă William Haig Miller, James Macaulay, William Stevens, The Leisure hour, trang 648
- ^ Juan Eduardo Campo, Encyclopedia of Islam, trang 30
- ^ Plutarch, John Langhorne, William Langhorne, Plutarch’s Lives, Tập 2, trang 211
- ^ a ă â b c d Plutarch, Judith Mossman, Lives of the noble Grecians and Romans, các trang 385-391.
- ^ a ă â b Waldemar Heckel, John Yardley, Alexander the Great: historical texts in translation, các trang 45-47.
- ^ a ă Tuổi thơ không êm đềm của đại đế Alexander
- ^ a ă â b c Bùi Đức Tịnh (biên dịch), sách đã dẫn, trang 76
- ^ Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, trang 9
- ^ Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, trang 9
- ^ a ă â Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, trang 2
- ^ a ă â Ulrich Wilcken, Alexander the Great, trang 4
- ^ a ă Plutarch, Judith Mossman, Lives of the noble Grecians and Romans, trang 397
- ^ a ă â b c Alexander lên ngôi – đánh đâu thắng đó
- ^ Samuel Willard Crompton, Alexander the Great, trang 37
- ^ a ă Deborah Levine Gera, Warrior women: the anonymous Tractatus de mulieribus, trang 81
- ^ See note 1
- ^ Waldemar Heckel, Lawrence A. Tritle, Alexander the Great: a new history, trang 37
- ^ Waldemar Heckel, John Yardley, Alexander the Great: historical texts in translation, trang 81
- ^ Waldemar Heckel, The Wars of Alexander the Great: 336-323 BC, trang 48
- ^ Marcus Junianus Justinus, John Yardley, Waldemar Heckel, Epitome of the Philippic history of Pompeius Trogus: books 11-12, Alexander the Great, trang 58
- ^ Marcus Junianus Justinus, John Yardley, Waldemar Heckel, Epitome of the Philippic history of Pompeius Trogus: books 11-12, Alexander the Great, trang 197
- ^ Ulrich Wilcken, Alexander the Great, trang 145
- ^ Waldemar Heckel, The conquests of Alexander the Great, trang 137
- ^ Waldemar Heckel, John Yardley, Alexander the Great: historical texts in translation, trang 187
- ^ Arrian, Anabasis Alexandri III, 23–25, 27–30; IV, 1–7
- ^ Arrian, Anabasis Alexandri III, 30
- ^ J. O. Thorne, Chambers’s biographical dictionary, trang 25
- ^ An universal history: The ancient part, Tập 8, trang 51
- ^ James R. Ashley, The Macedonian Empire: The Era of Warfare Under Philip II and Alexander the Great, 359-323 B.C., trang 66
- ^ Mrs. Edmund Hornby, Constantinople during the Crimean War, trang 187
- ^ Tony Jaques, Dictionary of battles and sieges: a guide to 8,500 battles from…, Tập 2, trang 488
- ^ Arrian, Anabasis Alexandri IV, 5–6, 16–17
- ^ Agnes Savill, Alexander the Great and his time, trang 76
- ^ Narain, pp. 155–165
- ^ Curtius.
- ^ (Ancient India, 1971, p 99, Dr R. C. Majumdar; History and Culture of Indian People, The Age of Imperial Unity, Foreign Invasion, p 46, Dr R. K Mukerjee.
- ^ Curtius in McCrindle, Op cit, p 192, J. W. McCrindle; History of Punjab, Vol I, 1997, p 229, Punajbi University, Patiala, (Editors): Fauja Singh, L. M. Joshi; Kambojas Through the Ages, 2005, p 134, Kirpal Singh.
- ^ Carnage and Culture: Landmark Battles in the Rise to Western Power, 2002, p 86, Victor Hanson.
- ^ Trevor Nevitt Dupuy, International military and defense encyclopedia, Tập 1, trang 1993
- ^ a ă â Waldemar Heckel, John Yardley, Alexander the Great: historical texts in translation, trang 49
- ^ a ă Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, trang 137
- ^ Waldemar Heckel, John Yardley, Alexander the Great: historical texts in translation, trang 48
- ^ The encyclopædia britannica: a dictionary of arts, sciences, literature and general information, Volume 14 p. 398
- ^ Alexander the Great: a reader Author Ian Worthington Editor Ian Worthington Edition illustrated, reprint Publisher Routledge, 2003ISBN 0-415-29186-0, ISBN 978-0-415-29186-6 Length 332 pages p. 175
- ^ Plutarch, Vita Alexandri, 62
- ^ Ian Worthington, Alexander the Great: man and God, trang 168
- ^ Walter Yust, Encyclopædia Britannica: a new survey of universal knowledge, Tập 3, trang 8
- ^ Nigel Cawthorne, Alexander the Great, trang 119
- ^ A. B. Bosworth, E. J. Baynham, Alexander the Great in fact and fiction, trang 34
- ^ A. B. Bosworth, Conquest and empire: the reign of Alexander the Great, trang 143
- ^ “L’impérialisme macédonien et l’hellénisation de l’Orient” – Pierre Jouguet – trang 68
- ^ Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, trang XI
- ^ Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, trang 147
- ^ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 66
- ^ Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, trang 10
- ^ Plutarch, Judith Mossman, Lives of the noble Grecians and Romans, trang 188
- ^ Plutarch, Judith Mossman, Lives of the noble Grecians and Romans, các trang 195-198.
- ^ Waldemar Heckel, The Marshals of Alexander’s Empire, trang 56
- ^ Nghiên cứu về Alexander, Little, Brown và Co. Boston, 1980, p. 261.
- ^ Marcus Junianus Justinus, John Yardley, Waldemar Heckel, Epitome of the Philippic history of Pompeius Trogus: books 11-12, Alexander the Great, trang 279
Tài liệu tham khảo
Nguồn sơ cấp
- Arrian, Anabasis Alexandri (The Campaigns of Alexander).
- Curtius Rufus, Historiae Alexandri Magni (History of Alexander the Great).
- Diodorus Siculus, Bibliotheca historica, (Library of History).
- Online version: “Diodorus Siculus, Library”. perseus.tufts.edu. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2009. (tiếng Anh)
- Translated by C.H. Oldfather (1989).
- Justin, Epitome of the Philippic History of Pompeius Trogus.
- Plutarch, Alexander.
- Plutarch, Moralia, Fortuna Alexandri (On the Fortune or Virtue of Alexander).
Nguồn thứ cấp
- J. O. Thorne, Chambers’s biographical dictionary, St Martin’s Press, 1969.
- William Haig Miller, James Macaulay, William Stevens, The Leisure hour, s.n., 1879.
- Barnett, C. (1997). Bonaparte. Wordsworth Editions. ISBN 1853266787.
- Beazley JD and Ashmole B (1932). Greek Sculpture and Painting. Cambridge University Press.
- Bose, Partha (2003). Alexander the Great’s Art of Strategy. Allen & Unwin. ISBN 1741141133.
- Trevor Nevitt Dupuy, The military life of Alexander the Great of Macedon, F. Watts, 1969.
- Gerhard Ritter, Frederick the Great: a historical profile, University of California Press, 1975. ISBN 0-520-02775-2.
- Trevor Nevitt Dupuy, International military and defense encyclopedia, Tập 1, Brassey’s (US), 1993. ISBN 0-02-881011-2.
- Bowra, Maurice (1994). The Greek Experience. Phoenix Books. ISBN 1857991222.
- Danforth, Loring M. (1997). The Macedonian Conflict: Ethnic Nationalism in a Transnational World. Princeton University Press. ISBN 0691043566.
- Grigori Sidorov, Arturo Hernández Aguirre, Carlos Alberto Reyes Garcia, Advances in Soft Computing: 9th Mexican International Conference on Artificial Intelligence, Micai 2010, Pachuca, Mexico, November 8-13, 2010, Proceedings, Phần 2, Springer, 2010. ISBN 3-642-16772-1.
- Durant, Will (1966). The Story of Civilization: The Life of Greece. Simon & Schuster. ISBN 0671418009.
- Bill Fawcett, (2006). Trong Bill Fawcett. How To Loose A Battle: Foolish Plans and Great Military Blunders. Harper. ISBN 0060760249.
- M. M. Austin, The Hellenistic world from Alexander to the Roman conquest: a selection of ancient sources in translation, Cambridge University Press, 2006. ISBN 0-521-82860-0.
- Gergel, Tania (editor) (2004). The Brief Life and Towering Exploits of History’s Greatest Conqueror as Told By His Original Biographers. Penguin Books. ISBN 0142001406.
- Green, Peter (1992). Alexander of Macedon: 356–323 B.C. A Historical Biography. University of California Press. ISBN 0520071662.
- Green, Peter (2007). Alexander the Great and the Hellenistic Age. Orion Books. ISBN 9780753824139.
- Greene, Robert (2000). The 48 Laws of Power. Penguin Books. tr. 351. ISBN 0140280197.
- Grimal, Nicolas (1992). A History of Ancient Egypt . Blackwell Publishing. ISBN 9780631193960 .
- Gunther, John (2007). Alexander the Great. Sterling. ISBN 1402745192.
- Hammond, N. G. L. (1989). The Macedonian State: Origins, Institutions, and History. Oxford University Press. ISBN 0198148836.
- Holland, T. (2003). Rubicon: Triumph and Tragedy in the Roman Republic. Abacus. ISBN 9780349115634.
- Holt, Frank Lee (2003). Alexander the Great and the mystery of the elephant medallions. University of California Press. ISBN 0520238818.
- Keay, John (2001). India: A History. Grove Press. ISBN 0802137970.
- Lane Fox, Robin (1973). Alexander the Great. Allen Lane. ISBN 0860077071.
- Lane Fox, Robin (1980). The Search for Alexander. Little Brown & Co. Boston. ISBN 0316291080.
- Goldsworthy, A. (2003). The Fall of Carthage. Cassel. ISBN 0304366420.
- Luniya, Bhanwarlal Nathuram (1978). Life and Culture in Ancient India: From the Earliest Times to 1000 A.D. Lakshmi Narain Agarwal. LCCN 78907043.
- McCarty, Nick (2004). Alexander the Great. Penguin. ISBN 0670042684.
- Murphy, James Jerome; Richard A. Katula, Forbes I. Hill, Donovan J. Ochs (2003). A Synoptic History of Classical Rhetoric. Lawrence Erlbaum Associates. tr. 17. ISBN 1880393352.
- Nandan, Y and Bhavan, BV (2003). British Death March Under Asiatic Impulse: Epic of Anglo-Indian Tragedy in Afghanistan. Mumbai: Bharatiya Vidya Bhavan. ISBN 8172763018.
- Narain, AK (1965). Alexander the Great: Greece and Rome–12.
- Michael Burgan, Alexander the Great: World Conqueror, Compass Point Books, 2007. ISBN 0-7565-1872-5.
- Juan Eduardo Campo, Encyclopedia of Islam, Infobase Publishing, 2009. ISBN 0-8160-5454-1.
- Daniel Ogden (2009). “Alexander’s Sex Life”. Trong Alice Heckel, Waldemar Heckel, Lawrence A. Tritle. Alexander the Great: A New History. Wiley-Blackwell. ISBN 1405130822.
- Pratt, James Bissett (1996). The Pilgrimage of Buddhism and a Buddhist Pilgrimage. Laurier Books. ISBN 8120611969.
- Pomeroy, S.; Burstein, S.; Dolan, W.; Roberts, J. (1998). Ancient Greece: A Political, Social, and Cultural History. Oxford University Press. ISBN 0195097424.
- Renault, Mary (2001). The Nature of Alexander the Great. Penguin. ISBN 014139076X.
- Trudy Ring, Robert M. Salkin, K. A. Berney, Paul E. Schellinger (1994). Trong Taylor & Francis. International dictionary of historic places. Chicago; Fitzroy Dearborn, 1994–1996. ISBN 9781884964036 .
- Sabin, P; van Wees, H; Whitby, M (2007). The Cambridge History of Greek and Roman Warfare: Greece, the Hellenistic World and the Rise of Rome. Cambridge University Press. ISBN 0521782732.
- Sacks, David (1995). Encyclopedia of the Ancient Greek World. Constable and Co. ISBN 0094752702.
- Stoneman, Richard (2004). Alexander the Great. Routledge. ISBN 0415319323.
- Studniczka, Franz (1894). Achäologische Jahrbook 9.
- Tripathi, Rama Shankar (1999). History of Ancient India. ISBN 9788120800182.
- Trudy Ring, Robert M. Salkin, K. A. Berney, Paul E. Schellinger (1994). International dictionary of historic places. Taylor & Francis. ISBN 1884964036.
- Wilcken, Ulrich (1997) [1932]. Alexander the Great. W. W. Norton & Company. ISBN 0393003817.
- Worthington, Ian (2003). Alexander the Great. Routledge. ISBN 0415291879.
- Worthington, Ian (2004). Alexander the Great: Man And God. Pearson. ISBN 9781405801621.
- Bùi Đức Tịnh (biên dịch), Lịch sử thế giới: Từ 570 triệu năm trước đến 1990 Công nguyên: Trình bày bằng những hình ảnh cụ thể, NXB Văn hóa, 1997.
- Thẩm Kiên (chủ biên), Mười đại hoàng đế thế giới, Phong Đảo dịch, NXB Văn hóa thông tin, 2003
Liên kết ngoài
Thể loại:
Đại học Oxford
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Viện Đại học Oxford |
 |
Khẩu hiệu |
Dominus Illuminatio Mea
Chúa là Ánh sáng của tôi[1] |
Thành lập |
Không rõ, giảng dạy từ cuối thế kỉ 11 (1096)[2] |
Loại hình |
Công lập |
Tài trợ |
3,772 tỉ bảng Anh (kể cả các trường thành viên)[3][4] |
Hiệu trưởng |
Lord Chris Patten |
Sinh viên |
21,535[5] |
Sinh viên đại học |
11,723[5] |
Sinh viên sau đại học |
9,327[5] |
Vị trí |
Oxford, Anh |
Màu |
Xanh Oxford[6] |
Trang mạng |
ox.ac.uk |
Viện Đại học Oxford (tiếng Anh: University of Oxford, thường gọi là Oxford University hay Oxford), còn gọi là Đại học Oxford, là một viện đại học nghiên cứu liên hợp ở Oxford, Anh. Mặc dù ngày thành lập của Oxford chưa được xác định, có bằng chứng cho thấy hoạt động giảng dạy đã diễn ra từ tận năm 1096.[2] Như vậy Oxford là viện đại học lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh và là viện đại học lâu đời thứ hai đang còn hoạt động trên thế giới.[2][7] Oxford phát triển mạnh kể từ năm 1167 khi Vua Henry II ra lệnh cấm sinh viên Anh đến học tại Viện Đại học Paris ở Pháp.[2] Sau những cuộc tranh cãi giữa sinh viên và cư dân Oxford trong năm 1209, một số học giả chuyển đến Cambridge, phía đông bắc của Oxford, và thành lập một hội đoàn mà sau này trở thành Viện Đại học Cambridge.[8] Hai viện đại học lâu đời này của nước Anh thường được gọi chung là “Oxbridge.”
Viện Đại học Oxford được tạo thành bởi nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có 38 trường đại học thành viên và một loạt các khoa học thuật được tổ chức thành bốn phân khoa đại học.[9] Tất cả các trường đại học này là các cơ sở tự điều hành và là một phần của viện đại học; mỗi trường đại học tự kiểm soát việc thu nhận thành viên và có thẩm quyền đối với cấu trúc tổ chức nội bộ cũng như những hoạt động của chính mình.[10] Là một viện đại học ở nội thị, Oxford không có khuôn viên chính; những tòa nhà và cơ sở vật chất của viện đại học nằm rải rác khắp trung tâm thành phố.
Phần lớn hoạt động giảng dạy ở bậc đại học được thực hiện thông qua những buổi học và thảo luận hàng tuần tại các trường thành viên; thêm vào đó là những buổi học, bài giảng, và buổi thực hành trong phòng thí nghiệm do các khoa và phân khoa của viện đại học tổ chức. Oxford là nơi ra đời của một số học bổng danh tiếng, trong đó có Học bổng Clarendon hoạt động từ năm 2001[11] và Học bổng Rhodes trong hơn một thế kỷ qua đã giúp đưa sinh viên ưu tú bậc sau đại học từ các nước đến học tại Oxford.[12] Trong số những cựu sinh viên của Oxford có 27 người được giải Nobel, 26 thủ tướng Anh, và nhiều nguyên thủ quốc gia ở các nước khác.[13]
Oxford là thành viên của Nhóm Russell các viện đại học nghiên cứu ở Anh, Nhóm Coimbra, Nhóm G5, Liên đoàn các Viện Đại học Nghiên cứu Âu châu, và Liên mình Quốc tế các Viện Đại học Nghiên cứu, cũng là thành viên cốt cán của Europaeum và thuộc “Tam giác vàng” (gồm ba viện đại học nghiên cứu hàng đầu ở Anh: Cambridge, London, và Oxford) của hệ thống giáo dục đại học Anh.[14][15][16]
Lịch sử
Nhà nguyện Balliol College, Đại học Oxford.
Ngày thành lập Đại học Oxford vẫn chưa được xác định. Dù trường đã giảng dạy trong năm 1096, không ai biết chắc thời điểm trường ra đời.[2]
Oxford phát triển mạnh kể từ năm 1167 khi Vua Henry II ra lệnh cấm sinh viên Anh đến học tại Viện Đại học Paris ở Pháp, đồng thời chủ trương trục xuất người nước ngoài khỏi Đại học Paris khiến nhiều học giả người Anh rời nước Pháp và đến Oxford[cần dẫn nguồn]. Nhà sử học Gerald xứ Wales đã diễn thuyết trước những học giả ấy trong năm 1188, và người đầu tiên được biết đến như một học giả nước ngoài, Emo xứ Freisland, đến đây năm 1190. Ít nhất là từ năm 1201, người đứng đầu viện đại học được gọi với chức danh Viện trưởng. Sinh viên liên kết với nhau theo địa phương gốc, chia thành hai “vùng miền”, sinh viên miền Bắc (kể cả người Scotland) và sinh viên miền Nam (bao gồm người Ireland và xứ Wales). Thành viên những dòng tu như Franciscan, Carmelite, và Augustinian, đến Oxford từ thế kỷ 13, tạo lập ảnh hưởng, và điều hành các ký túc xá. Cũng vào giai đoạn này, những nhà tài trợ tư nhân thiết lập các trường thành viên như là những cộng đồng học thuật tự trị. Trong số những nhà tài trợ ban đầu William of Durham, năm 1249 tài trợ cho University College, và John Balliol (Balliol College mang tên ông). Một nhà tài trợ khác, Walter de Merton, Tể tướng Anh, sau này là Giám mục Rochester, ông thiết lập những quy chuẩn cho nếp sống đại học; theo cách đó mà Merton College trở nên hình mẫu cho phương thức tài trợ tại Oxford cũng như tại Cambridge. Từ đó, ngày càng có nhiều sinh viên rời những ký túc xá do các dòng tu điều hành để đến sống tại các college.
Nền học thuật mới của Thời kỳ Phục hưng tạo dấu ấn sâu đậm trên Đại học Oxford kể từ thế kỷ 15. Trong số những học giả của giai đoạn này có William Grocyn đã góp phần phục hồi việc nghiên cứu Hi văn, và John Colet, một học giả Kinh Thánh tài năng. Khi bùng nổ cuộc Cải cách Kháng Cách cũng là lúc mối quan hệ với Giáo hội Công giáo Rô-ma bị cắt đứt. Những người bất phục rời Oxford để đến châu Âu lục địa, chủ yếu tập trung về Đại học Douai. Phương pháp giáo dục tại Oxford được chuyển đổi từ nền học thuật kinh viện Trung Cổ sang nền giáo dục Phục hưng. Năm 1636, Viện trưởng William Laud, cũng là Tổng Giám mục Canterbury, chuẩn hóa quy chế đại học; phần lớn các điều khoản trong quy chế này vẫn được áp dụng cho đến giữa thế kỷ 19. Laud là người có công xác lập những chức năng nhằm bảo đảm các ưu đãi cho Nhà Xuất bản Đại học, cũng đã đóng góp đáng kể cho Thư viện Bodleian, thư viện chính của viện đại học.
Suốt trong cuộc Nội chiến Anh (1642 – 1649) viện đại học là trung tâm của đảng Bảo hoàng, trong khi thị trấn Oxford ủng hộ cánh Quốc hội đối nghịch. Song, kể từ giữa thế kỷ 10, Đại học Oxford ít khi can dự vào các vụ tranh chấp chính trị.
Năm 1729, tại trường Christ Church, một nhóm sinh viên, dưới sự hướng dẫn của hai anh em John và Charles Wesley, cùng đến với nhau để tìm kiếm một nếp sống tôn giáo sâu nhiệm hơn bằng cách nghiên cứu Kinh Thánh, cầu nguyện, và chia sẻ những trải nghiệm tâm linh;[17][18][19] đồng thời họ cũng dấn thân trong công tác từ thiện như thăm viếng người tù, và dạy học cho trẻ mồ côi.[19] Nhóm “Câu lạc bộ thánh”, như họ được gọi vào thời ấy, là tiền thân của Phong trào Giám Lý, có ảnh hưởng sâu rộng trên cộng đồng Kháng Cách cho đến ngày nay.
Trường Christ Church, Oxford, 1742.
Giai đoạn giữa thế kỷ 19 chứng kiến những tác động của Phong trào Oxford (1833-1845) khởi phát bởi Newman (về sau là Hồng y Công giáo). Còn ảnh hưởng của mô hình cải cách từ các đại học Đức đến Oxford qua những học giả như Edward Bouverie Pusey, Benjamin Jowett, và Max Müller.
Trong thế kỷ 19 có nhiều cải cách được thực thi như thay hình thức vấn đáp trong các kỳ thi tuyển sinh bằng thi viết, có thái độ cởi mở hơn đối với các giáo hội ngoài quốc giáo, và thiết lập bốn trường thành viên dành cho nữ giới. Có thêm những cải tổ trong thế kỷ 20 như bỏ việc bắt buộc dự lễ thờ phượng hằng ngày, không chỉ các mục sư mới có thể nhận chức giáo sư môn tiếng Hebrew, trong khuynh hướng giảm thiểu ràng buộc với nề nếp truyền thống, và khởi sự mở các môn học mới về khoa học và y khoa. Từ năm 1920 chấm dứt yêu cầu hiểu biết tiếng Hi Lạp cổ khi nhập học, và tiếng La-tinh từ năm 1960.
Trong danh sách dài các nhân vật xuất chúng của Đại học Oxford có nhiều người người nổi bật trong chính trường, các ngành khoa học, y học, và văn chương Anh. Hơn 40 khôi nguyên Giải Nobel và hơn 50 nhà lãnh đạo thế giới từng có mối quan hệ với Đại học Oxford.[13]
Giáo dục cho Nữ giới
Từ năm 1875, viện đại học thông qua bản quy chế cho phép thu nhận nữ sinh viên cấp cử nhân.[20] Bốn trường thành viên dành cho nữ được thành lập nhờ sự vận động tích cực của Hội Giáo dục Đại học cho Nữ giới (AEW). Năm 1878[21] thành lập Trường Lady Margaret, năm 1879 Somverille College;[22] 21 nữ sinh viên đầu tiên đến những nghe giảng bài trong những lớp học ngay tầng trên của một hiệu bánh của Oxford.[20] Kế đó là các trường nữ St Hugh (1886),[23]) St Hilda (1893),[24] và St Anne (1952).[25]
Từ lâu, Oxford vẫn được xem là thành lũy của đặc quyền nam giới,[26] cho nên mãi đến ngày 7 tháng 10, 1920, nữ sinh viên của trường mới được hưởng đầy đủ quyền lợi.[27] Năm 1927, các khoa trưởng ra quy định giới hạn số nữ sinh viên không quá một phần tư số nam sinh viên, đến năm 1957, quy định này mới bị hủy bỏ.[20] Tuy vậy, trước thập niên 1970 viện đại học vẫn duy trì hệ thống giáo dục tách biệt giữa các trường nam và trường nữ, và các trường nữ bị giới hạn trong tuyển sinh. Chỉ từ năm 1959 các trường nữ mới có được sự bình đẳng.
Năm 1974 các trường Brasenose, Jesus, Wadham, Hertford, và St Catherine bắt đầu thu nhận nữ sinh viên.[28][29] Năm 2008, trường nữ duy nhất còn sót lại, St Hilda, nhận nam sinh viên, chấm dứt thời kỳ dài phân biệt giới tính trong tuyển sinh ở Oxford.[30] Đến năm 1988, 40% sinh viên cấp cử nhân ở Oxford là nữ; tỷ lệ này hiện là 48/52, nam giới vẫn tiếp tục duy trì thế đa số ở đây.
Bối cảnh cuốn tiểu thuyết trinh thám Gaudy Night của Dorothy Sayers – Sayers là một trong những phụ nữ đầu tiên nhận văn bằng đại học của Oxford – diễn ra tại một trường nữ ở Oxford, những vấn đề về giáo dục cho nữ giới cũng là tâm điểm của câu chuyện.
Tổ chức
Là một viện đại học có nhiều đơn vị thành viên, cấu trúc tổ chức của Oxford có thể gây bối rối cho những ai chưa quen với mô hình này. Viện Đại học trông giống như một liên đoàn với hơn bốn mươi trường đại học tự trị, nhưng được điều hành bởi một bộ máy hành chính, đứng đầu là Phó Viện trưởng. Các khoa chuyên ngành đều được tập trung ở đây; chúng không phụ thuộc vào trường thành viên nào. Những khoa này cung ứng lực lượng giảng dạy và nghiên cứu, ấn định giáo trình và phương pháp giảng dạy, tiến hành các cuộc nghiên cứu, thuyết trình, và tổ chức các hội nghị chuyên đề.
Những trường thành viên tổ chức các lớp học cho sinh viên cấp cử nhân. Giảng viên của những khoa và ban chuyên ngành được phân bổ cho nhiều trường thành viên, mặc dù một vài trường không liên kết đa ngành như Nuffield College chỉ chuyên về khoa học xã hội, trong khi hầu hết các trường thành viên đều có tầm liên kết rộng đa ngành. Các tiện nghi giáo dục như thư viện được đáp ứng đầy đủ cho mọi cấp học: ở viện đại học trung tâm có Thư viện Bodleian, mỗi khoa và ban chuyên ngành đều có thư viện riêng, thí dụ như Thư viện Khoa Anh ngữ, còn tại mỗi trường thành viên đều có thư viện đa ngành.
Hành chính
Keble College, một trong những trường thành viên của Viện Đại học.
Lãnh đạo chính thức của viện đại học là Viện trưởng (Chancellor), đương nhiệm là Lord Patten of Barnes, mặc dù giống hầu hết các viện đại học tại Anh, chức vụ Viện trưởng chỉ có tính tượng trưng, không phải giải quyết các công việc thường nhật của trường. Các thành viên Hội nghị (Convocation) bầu chọn Viện trưởng có nhiệm kỳ trọn đời. Lúc đầu, chỉ có những người tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ mới được gia nhập Hội nghị, về sau tất cả sinh viên tốt nghiệp đều là thành viên.
Chức danh Phó Viện trưởng (Vice-Chancellor), đương nhiệm là Andrew Hamilton, mới thực sự là người lãnh đạo viện đại học. Hiện có năm Phụ tá Phó Viện trưởng đặc trách Giáo dục, Nghiên cứu, Quy hoạch và Tài nguyên, Phát triển và Ngoại vụ, Nhân sự và Cơ hội bình đẳng. Hội đồng Viện Đại học là cơ quan điều hành của nhà trường gồm có Phó Viện trưởng, các khoa trưởng, và các thành viên khác là những người được Hội đoàn (Congregation) bầu chọn, cùng một số quan sát viên của Liên đoàn Sinh viên.
Hội đoàn, “Nghị viện của giới chức viện đại học”, có 3 700 thành viên gồm có những nhà khoa bảng và viên chức quản trị của viện đại học, chịu trách nhiệm tối hậu về các vấn đề lập pháp: thảo luận và công bố các chính sách do Hội đồng Viện Đại học đệ trình. Chỉ có Oxford và Cambridge (có cấu trúc tương tự) mới có hình thái quản trị dân chủ như thế.
Đại học Oxford là viện đại học công, trường nhận tiền từ chính phủ, nhưng cũng là là “đại học tư” theo ý nghĩa trường được hoàn toàn tự trị, cũng như có quyền chọn lựa để trở thành trường tư nếu từ chối nhận tiền từ công quỹ.[31]
Lord Patten of Barnes, Viện trưởng, trong lễ phục Đại học Oxford.
Trường thành viên
Có hai loại trường thành viên: college và hall. Oxford có 38 college và 6 hall (sự khác biệt duy nhất giữa college và hall là college được điều hành bởi các ủy viên đại học, trong khi hall được thành lập và điều hành, ít nhất là một phần, bởi giáo hội có liên quan). Mỗi đơn vị thành viên có quyền tự trị về nhân sự, cấu trúc nội bộ, và điều hành.[10]
Giảng dạy và Văn bằng
Ở cấp cử nhân, chương trình giảng dạy tập trung vào các buổi học nhóm, mỗi nhóm (từ 1 – 4) sinh viên thảo luận về một đề tài hoặc giải một luận đề. Thường thì mỗi tuần có một hoặc hai lần thảo luận nhóm dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Ngoài ra, còn có những buổi thuyết trình, các lớp học, và các hội nghị chuyên đề được tổ chức trên quy mô khoa. Sinh viên cao học được yêu cầu tham dự các lớp học và các hội nghị chuyên đề, mặc dù họ phải dành nhiều thì giờ hơn cho nghiên cứu của riêng họ.
Viện đại học tự tổ chức các kỳ thi và cấp văn bằng. Phải qua được hai đợt khảo thí là yêu cầu tiên quyết cho văn bằng đầu tiên. Đợt đầu, gọi là Honour Moderations (“Mods” và “Honour Mods”) hoặc sơ khảo (“Prelims”) thường tổ chức vào cuối năm thứ nhất (sau hai học kỳ nếu học Luật, Thần học, Triết học, Tâm lý, hoặc sau năm học kỳ nếu học các môn cổ điển).
Đợt khảo thí thứ hai, Final Honour School (“Finals”) tổ chức vào cuối chương trình cử nhân (cho các môn nhân văn và khoa học xã hội) hoặc vào cuối mỗi năm học sau năm thứ nhất (toán, vật lý và khoa học đời sống, cùng một số môn khoa học xã hội). Dựa vào kết quả kỳ thi chung cuộc (Finals), thí sinh sẽ nhận văn bằng xếp hạng tối ưu, ưu, bình, và bình thứ, hoặc chỉ đơn giản đã “đậu” kỳ thi. Hạng “bình” chiếm tỷ lệ cao nhất trong số thí sinh qua được kỳ thi. Tuy nhiên, chỉ từ hạng “bình thứ” trở lên mới được đi tiếp cho chương trình cao học.
Niên khóa
Mỗi năm học có ba học kỳ.[32] Học kỳ Michaelmas kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12; Học kỳ Hilary từ tháng 1 đến tháng 3; và Học kỳ Trinity từ tháng 4 đến tháng 6. Lễ phục là trang phục bắt buộc khi tham dự các kỳ thi, những buổi họp hội đồng kỷ luật, và khi sinh viên đến gặp các giới chức đại học.
Tài chính
Trong niên khóa 2005-06 Viện đại học thu được 608 triệu bảng Anh, các trường thành viên thu 237 triệu bảng Anh (trong đó có 41 triệu bảng từ Viện đại học rót xuống). Đối với Viện Đại học, những nguồn thu lớn nhất là từ ngân sách quốc gia (166 triệu bảng), và các khoản trợ cấp nghiên cứu (213 triệu bảng). Đối với các trường thành viên, nguồn thu lớn nhất là từ các khoản đóng góp và tiền lãi (82 triệu bảng), và phí ký túc xá (47 triệu bảng). Trong khi Viện Đại học có ngân sách điều hành lớn hơn, thì các trường thành viên có các khoản quyên tặng lớn hơn nhiều, cộng dồn lên đến khoảng 2, 7 tỉ bảng, so với 900 triệu bảng tiền quyên tặng cho Viện Đại học.[33]
Tháng 5, 2008, Viện Đại học phát động chiến dịch gây quỹ gọi là Oxford Thinking – The Campaign for the University of Oxford.[34] Với mục tiêu tối thiểu là 1, 25 tỉ bảng Anh, chiến dịch tìm kiếm ngân quỹ cho ba lãnh vực: các chương trình học thuật cùng các vị trí giảng dạy và nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên, xây dựng cơ sở và cấu trúc hạ tầng.[35]
Tuyển sinh
Tuổi
Oxford không giới hạn độ tuổi tuyển sinh cấp cử nhân. Thời trước, nam sinh viên năm thứ nhất thường tuổi từ mười bốn đến mười chín.[36] Jeremy Bentham nhập học năm 1761 lúc mười ba tuổi, là một ngoại lệ.[37] Ngày nay, độ tuổi bình thường để vào Oxford là mười bảy, mặc dù đa số ở tuổi mười tám hoặc mười chín. Riêng Trường Harris Manchester chỉ nhận sinh viên đã trưởng thành (trên 21 tuổi). Trên lý thuyết, dù nhỏ tuổi bạn vẫn có thể nhập học nếu đạt yêu cầu tuyển sinh. Năm 1983, Ruth Lawrence trở thành sinh viên Oxford lúc mới mười hai.
Qui trình
Quảng trường Tom Quad trong tuyết (Trường Christ Church).
Giống các đại học khác ở Anh, thí sinh vào Oxford phải nộp đơn theo hệ thống Dịch vụ Tuyển sinh Đại học (UCAS), hạn chót là 15 tháng 10 hằng năm.[38] Để đánh giá chính xác từng cá nhân, thí sinh không được nộp đơn nhập học hai trường Oxford và Cambridge trong cùng một năm, ngoại trừ những người xin Học bổng Organ, và thí sinh văn bằng hai.[39][40]
Các trường thành viên phối hợp với nhau để bảo đảm rằng những sinh viên giỏi nhất sẽ giành được một chỗ trong Viện Đại học bất kể trường nào họ chọn.[41] Khoảng 60% thí sinh đậu vòng sơ tuyển, sẽ được mời đến phỏng vấn trong ba ngày trong tháng 12, nhà trường cung cấp bữa ăn và chỗ ở cho những người được mời. Sinh viên bên ngoài châu Âu có thể được phỏng vấn từ xa, thí dụ như qua Internet. Năm 2007, các trường thành viên, khoa, ban chuyên ngành ấn hành một “bộ khung chung” trình bày những nguyên tắc và quy trình cần tuân thủ.[42]
Giấy mời nhập học sẽ được gởi đến ngay trước Giáng sinh. Cứ bốn thí sinh được chọn sẽ có một người được mời nhập học tại một trường họ không nộp đơn.[43][44]
Đối với thí sinh cấp cao học, nhiều trường thích chọn những người đã làm nghiên cứu với một trong những giảng viên của trong trường, bộ môn hữu quan sẽ xem xét trước khi chuyển giao cho trường.[45]
Ban Giáo dục Kéo dài của Viện Đại học hỗ trợ những sinh viên lớn tuổi học tại chức. Hầu hết theo học tại Trường Kellogg, dù vài trường khác cũng chấp nhận họ.
Tiện nghi giáo dục
Tòa nhà Radcliffe Camera, xây dựng 1737–1749, là một trong những thư viện của Oxford.
Thư viện
Oxford có 102 thư viện,[46] trong đó có 30 thư viện[47] thuộc chuỗi Thư viện Bodleian, thư viện nghiên cứu trung tâm của Viện Đại học. Với hơn 11 triệu đầu sách chứa trên các kệ sách có chiều dài 120 dặm (190 km), chuỗi Thư viện Bodleian là thư viện lớn thứ nhì tại Anh, chỉ sau Thư viện Anh Quốc. Thư viện Bodleian là một trong số sáu thư viện ở Anh có đặc quyền lưu trữ, tức là quyền yêu cầu tất cả đầu sách, nhật báo, tạp chí, và tiểu luận xuất bản tại Anh phải nộp cho thư viện một ấn bản của đầu sách ấy. Do đó, tốc độ tăng trưởng chiều dài kệ sách của chuỗi thư viện mỗi năm là hơn 3 dặm (5 km).[48] Những cơ sở chính gồm có thư viện nguyên thủy tại khu tứ giác Old Schools (Sir Thomas Bodley thành lập năm 1598, mở cửa năm 1602), và các tòa nhà Radcliffe Camera, Clarendon, và New Bodleian. Một đường hầm bên dưới Đường Broad nối kết những tòa nhà này với nhau. Những thư viện còn loại thuộc chuỗi Bodleian gồm có Thư viện Luật Bodleian, Thư viện Học viện Ấn Độ, Thư viện Khoa học Radcliffe, Thư viện Học viện Đông phương, và Thư viện Lịch sử Hoa Kỳ Vere Harmworth.[47]
Tháng 10, 2010, khánh thành một kho chứa sách mới ở South Marston, Swindon,[49] và tòa nhà New Bodleian đang được tái thiết, sẽ mang tên mới Thư viện Weston khi khánh thành trong khoảng năm 2014-15,[50] nhằm xây dựng một sảnh trưng bày những bộ sưu tập quý của thư viện (trong đó có tuyển tập những vở kịch của Shakespeare xuất bản năm 1623 mà giới học giả thường gọi là First Folio, và quyển Kinh Thánh Gutenberg), cũng như những cuộc triển lãm khác.
Những thư viện chuyên ngành của Oxford gồm có Thư viện Sackler lưu giữ những bộ sưu tập cổ điển, và những thư viện khác trực thuộc những ban học thuật và các trường thành viên.[46] Hầu như tất cả thư viện của Oxford đều có chung một danh mục liệt kê, Hệ thống Thông tin Thư viện Oxford.[51]
Bảo tàng
Bên cạnh hệ thống thư viện đồ sộ của mình, Oxford còn có những viện bảo tàng. Bảo tàng Ashmolean, thành lập năm 1683, là viện bảo tàng lâu đời nhất nước Anh, cũng là viện bảo tàng đại học cổ xưa nhất thế giới.[52] Lưu giữ tại viện bảo tàng này là những bộ sưu tập quan trọng về nghệ thuật và khảo cổ, trong đó có những tác phẩm của Michelangelo, Leonardo da Vinci, Turner, và Picasso, cùng các cổ vật quý như bình đá Scorpion, bia văn Parian, và bộ châu báu Alfred. Ở đây còn có cây đàn vĩ cầm cổ của Stradivarius, “The Messiah“, được xem là một trong số những cây đàn vĩ cầm tinh xảo nhất còn hiện hữu.
Sau đợt tái thiết tốn 49 triệu bảng, Bảo tàng viện Ashmolean mở cửa trong tháng 11, 2009 với diện tích sử dụng được tăng gấp đôi cùng những tiện nghi mới.[53]
Mùa thu trong Vườn Bách thảo Oxford.
Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên lưu giữ những mẫu vật lịch sử thiên nhiên của Viện Đại học. Tọa lạc tại một tòa nhà lớn theo kiến trúc neo-Gothic trên đường Parks, thuộc Khu Khoa học của Viện Đại học.[54][55] Trong bộ sưu tập của viện bảo tàng có những bộ xương của loài khủng long bạo chúa và loài khủng long ba sừng, cùng bộ sưu tập gần như hoàn chỉnh loài chim dodo được tìm thấy bất cứ nơi nào trên thế giới.
Kế đó là Bảo tàng Pitt Rivers, thành lập năm 1884, trưng bày những bộ sưu tập nhân học và khảo cổ học của Viện Đại học, đang lưu trữ hơn 500 000 hiện vật. Nhiều cán bộ của viện bảo tàng giảng dạy môn nhân học tại Oxford từ ngày mới thành lập, khi Tướng Augustus Pitt Rivers yêu cầu Viện Đại học thiết lập môn nhân học theo một trong những điều kiện ông đưa ra khi đóng góp cho nhà trường.
Bảo tàng Lịch sử Khoa học nằm trong tòa nhà cổ trên đường Broad,[56] chứa 15 000 hiện vật từ thời cổ đại đến thế kỷ 20 tiêu biểu cho hầu hết mọi khía cạnh của lịch sử khoa học.
Khoa Âm nhạc nằm trên Đường St Aldate ở Oxford, lưu giữ bộ sưu tập Bate các loại nhạc cụ thuộc dòng nhạc cổ điển phương Tây từ thời Trung Cổ cho đến nay.
Vườn Bách thảo là vườn thực vật lâu đời nhất ở Anh, và là vườn bách thảo lâu đời thứ ba của thế giới. Ở đây có thể tìm thấy hơn 90% họ thực vật trên thế giới. Phòng Tranh Christ Church có bộ sưu tập hơn 200 tác phẩm của các họa sĩ trước năm 1800.
Uy tín
Trên bảng xếp hạng của Times Good University Guide 2008, Oxford chiếm vị trí số một ở Anh, kế đó là Cambridge.[57] Oxford được xếp hạng đầu trong các môn Chính trị học, Khoa học Sinh lý, Anh ngữ, Hội họa, Kinh doanh, Trung Đông học và Phi châu học, Âm nhạc, Triết học, riêng hai môn Giáo dục học và Ngôn ngữ học cùng xếp hạng nhất với Cambridge. Oxford đứng kế Cambridge trong 17 môn khác. Oxford có 3 hạng ba, 1 hạng ba đồng hạng, và có 3 môn xếp hạng tư, năm, và sáu đồng hạng.[58]
Oxford xếp vị trí thứ 10 thế giới và 2 châu Âu trong bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities 2010.[59]
Trên bảng Times Higher Education World University Rankings 2011, Oxford ở hạng tư thế giới (Caltech số một, Harvard và Stanford đồng hạng nhì), và hạng nhất châu Âu.[60] Trên bảng QS World University Rankings 2011, Oxford xếp hạng nhì sau Cambridge.[61]
Nhân vật nổi tiếng
Có nhiều cựu sinh viên Oxford (Oxonian) nổi tiếng trên khắp thế giới:
Trong danh sách Thủ tướng Anh có những người từng theo học tại Oxford như William Gladstone, Herbert Asquith, Clement Attlee, Harold Macmillan, Harold Wilson, Edward Heath, Margaret Thatcher, Tony Blair[89] và Thủ tướng đương nhiệm David Cameron.[90]
Có ít nhất 30 nhà lãnh đạo trên thế giới đã thụ hưởng nền giáo dục tại Oxford,[13] gồm có Harald V của Na Uy,[91] Abdullah II của Jordan,[13] ba Thủ tướng Úc (John Gorton, Malcolm Fraser và Bob Hawke),[92][93][94] hai Thủ tướng Canada (Lester B. Pearson, và John Turner),[13][95] Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Indira Gandhi (dù bà chưa hoàn tất chương trình học để được cấp bằng),[13][96] năm Thủ tướng Pakistan (Liaquat Ali Khan, Huseyn Shaheed Suhrawardy, Sir Feroz Khan Noon, Zulfiqar Ali Bhutto, và Benazir Bhutto),[13] S. W. R. D. Bandaranaike (cựu Thủ tướng Sri Lanka), Norman Washington Manley của Jamaica,[97] Eric Williams (Thủ tướng Trinidad và Tobago), Álvaro Uribe (Cựu Tổng thống Colombia’), Abhisit Vejjajiva (cựu Thủ tướng Thái Lan), và Bill Clinton (Tổng thống Mỹ đầu tiên từng theo học ở Oxford; ông được Học bổng Rhodes).[13][98] Arthur Mutambara (Phó Thủ tướng Zimbabwe) cũng là người được Học bổng Rhodes. Festus Mogae (cựu Tổng thống Botswana) từng là sinh viên University College.
Nhà dân chủ Miến Điện và là khôi nguyên Giải Nobel, Aung San Suu Kyi, từng học ở St. Hugh’s College.[99] Ngoài Aung San Suu Kyi, còn có 47 người đoạt Giải Nobel từng học hoặc giảng dạy tại Oxford.[13]
Oxford cũng là nơi xuất thân của ít nhất 12 vị thánh, và 20 Tổng Giám mục Canterbury kể cả Tổng Giám mục Canterbury đương nhiệm Rowan Williams, (ông học tại Wadham College rồi trở thành Giáo sư tại Christ Church).[13][100]
Nhà cải cách tôn giáo John Wycliffe từng là học giả và giáo sư tại Balliol College. John Colet, Nhà nhân văn Cơ Đốc, cai quản Đại Giáo đường St Paul, từng học ở Magdalen College. Người khởi xướng Phong trào Giám Lý, John Wesley, đã học tại Christ Church và được bầu làm ủy viên của Lincoln College.[101]
Những nhân vật tôn giáo khác là Mirza Nasir Ahmad, Caliph của Cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya, và Shoghi Effendi, một trong những lãnh tụ của đạo Baha’i.
Khoảng 40 người đoạt huy chương Olympic có mối quan hệ học thuật với Oxford, trong đó có Sir Matthew Pinsent, bốn huy chương vàng môn đua thuyền.[13][102] T. E. Lawrence sinh viên của Jesus College,[103] ngoài ra còn có nhiều sinh viên Oxford xuất sắc khác là nhà thám hiểm, nhà văn, và nhà thơ, Sir Walter Raleigh, (từng học tại Oriel College nhưng rời trường mà không có văn bằng nào)[104] và ông trùm truyền thông người Úc, Rupert Murdoch.[105]
Trong danh sách dài các tác gia có quan hệ với Oxford có John Fowles, Theodor Geisel, Thomas Middleton, Samuel Johnson, Robert Graves, Evelyn Waugh,[106] Lewis Carroll,[107] Aldous Huxley,[108] Oscar Wilde,[109] C. S. Lewis,[110] J. R. R. Tolkien,[111] Graham Greene,[112] V.S.Naipaul, Philip Pullman,[13] Joseph Heller,[113] Vikram Seth,[13] những thi sĩ Percy Bysshe Shelley,[114] John Donne,[115] A. E. Housman,[116] W. H. Auden,[117] T. S. Eliot, Wendy Perriam và Philip Larkin,[118] và bảy nhà thơ được trao giải (Thomas Warton,[119] Henry James Pye,[120] Robert Southey,[121] Robert Bridges,[122] Cecil Day-Lewis,[123] Sir John Betjeman,[124] và Andrew Motion).[125]
Các kinh tế gia Adam Smith, Alfred Marshall, E. F. Schumacher và Amartya Sen, cùng các triết gia Robert Grosseteste, William of Ockham, John Locke, Thomas Hobbes, Jeremy Bentham, và A. J. Ayer từng học ở Oxford. Những nhà khoa học tiếng tăm như Robert Hooke,[13] Stephen Hawking,[13] Richard Dawkins,[126] Frederick Soddy,[127] Tim Berners-Lee,[13] co-inventor of the World Wide Web, and Dorothy Hodgkin.[128] Robert Boyle, Albert Einstein, Edwin Hubble,[13] Erwin Schrödinger cũng từng học hoặc làm việc tại Oxford.
Tương tự, những nhà soạn nhạc Sir Hubert Parry, George Butterworth, John Taverner, William Walton, James Whitbourn và Andrew Lloyd-Webber từng có thời kỳ sống ở Oxford.
Các diễn viên Hugh Grant,[129] Kate Beckinsale,[129] Dudley Moore,[130] Michael Palin,[13] và Terry Jones[131] từng là sinh viên cấp cử nhân tại Viện Đại học, cũng từng học ở Oxford là Florian Henckel von Donnersmarck,[13] và những nhà làm phim Ken Loach[132] và Richard Curtis, cả hai đều nhận Giải Oscar. Trong lĩnh vực thể thao còn có Imran Khan.[13]
Trong số những người Việt Nam thành danh từng theo học tại Oxford có Trịnh Hội,[133][134] nhà hoạt động xã hội,[135] diễn viên.[136]
Oxford trong văn học và truyền thông
Đại học Oxford được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm văn học hư cấu. Từ năm 1400, Chaucer đã nhắc đến “sinh viên Oxenford” trong quyển Cantebury Tales. Đến năm 1989, có 533 cuốn tiểu thuyết lấy Oxford làm bối cảnh, và con số này đang gia tăng.[137] Trong số các tác phẩm nổi tiếng có thể kể từ quyển Brideshead Revisited của Evelyn Waugh đến His Dark Materials của Philip Pullman.
Các cơ quan thành viên
Truyền thông
Magdalen College, một buổi sáng tháng Năm, 2007.
Kiến trúc và công viên
Hình ảnh
-
Nhà thờ St Mary của Viện Đại học.
-
-
Pembroke College, Nhà nguyện Quad.
-
Thư viện thuộc Lincoln College.
-
-
Trung tâm Điện toán của Viện Đại học.
-
Chú thích
- ^ Thi Thiên 27: 1, “Chúa là ánh sáng và là sự cứu rỗi của tôi”.
- ^ a ă â b c “A Brief History of the University”. University of Oxford. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2007.
- ^ “Oxford University Financial Statements 2012”. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2013.
- ^ “Oxford University Colleges Financial Statements 2012”. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2013.
- ^ a ă â “Supplement (2) to No. 4945” (PDF). Oxford University Gazette. Ngày 2 tháng 3 năm 2011.
- ^ from “The brand colour – Oxford blue”.
- ^ Sager, Peter (2005). Oxford and Cambridge: An Uncommon History p. 36
- ^ “Early records”. University of Cambridge.
- ^ “Oxford divisions”. University of Oxford. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2013.
- ^ a ă “Colleges and Halls A-Z”. University of Oxford. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2008.
- ^ “Clarendon Fund: Graduate Scholarships at the University of Oxford, Clarendon Fund Scholarships”. Clarendon.ox.ac.uk. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Applying for the Rhodes Scholarships – The Rhodes Trust”. rhodeshouse.ox.ac.uk. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2010.
- ^ a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p “Famous Oxonians”. University of Oxford. Ngày 30 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ a ă Watson, Roland; Elliott, Francis; Foster, Patrick. “The Times Good University Guide 2010”. The Times (UK). Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2009.
- ^ a ă “The Complete University Guide 2010”. The Complete University Guide.
- ^ a ă “The Guardian University guide 2010”. The Guardian (UK). Ngày 12 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2009.
- ^ “Holy Club”. Christianity Today. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
- ^ “Holy Club”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
- ^ a ă Keysor, Charles W. (1996). Our Methodist Heritage. Good News. tr. 12. ISBN 0-912692-27-8.
- ^ a ă â Frances Lannon “Her Oxford”, Times Higher Education, ngày 30 tháng 10 năm 2008
- ^ “History”, Lady Margaret Hall, University of Oxford
- ^ “History”, Somerville College, University of Oxford
- ^ “History of the College”, St Hugh’s College, University of Oxford
- ^ “Constitutional History”, St Hilda’s College, University of Oxford
- ^ “St Anne’s History”, St Anne’s College, University of Oxford
- ^ Joyce S. Pedersen Book review, H-Albion, May 1996, reprinted on H-Net Review website
- ^ 1965. – Handbook to the University of Oxford. – University of Oxford. – p.43.
- ^ “Colleges mark anniversary of ‘going mixed’”. Oxford University Gazette. Ngày 29 tháng 7 năm 1999.
- ^ “Women at Oxford”. University of Oxford. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2012.
- ^ Jenifer Hart “Women at Oxford since the Advent of Mixed Colleges”, Oxford Review of Education, 15:3, 1989, p.217
- ^ Dennis, Farrington; David Palfreyman (21 tháng 2 năm 2011). “OFFA and £6000-9000 tuition fees” (PDF). OxCHEPS Occasional Paper No. 39. Oxford Centre for Higher Education Policy Studies. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2011. “Note, however, that any university which does not want funding from HEFCE can, as a private corporation, charge whatever tuition fees it likes (exactly as does, say, the University of Buckingham or BPP University College). Under existing legislation and outside of the influence of the HEFCE-funding mechanism upon universities, Government can no more control university tuition fees than it can dictate the price of socks in Marks & Spencer. Universities are not part of the State and they are not part of the public sector; Government has no reserve powers of intervention even in a failing institution.”
- ^ “Regulations on the number and length of terms”. University of Oxford. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2007.
- ^ “New investment committee at Oxford University”. University of Oxford. Ngày 13 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2007.[liên kết hỏng]
- ^ “Oxford Thinking”.
- ^ “The Campaign – University of Oxford”. University of Oxford. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2010.
- ^ John Hooper Harvey, Mediaeval craftsmen (Batsford, 1975), p. 45
- ^ Museum of foreign literature, science and art, vol. 23, p. 322
- ^ “UCAS Students: Important dates for your diary”. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2009. “ngày 15 tháng 10 năm 2009 Last date for receipt of applications to Oxford University, University of Cambridge and courses in medicine, dentistry and veterinary science or veterinary medicine.”
- ^ “Organ Awards Information for Prospective Candidates”. Faculty of Music, University of Oxford. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2009. “It is possible for a candidate to enter the comparable competition at Cambridge which is scheduled at the same time of year.”
- ^ “UCAS Students FAQs: Oxford or Cambridge”. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2009. “Is it possible to apply to both Oxford University and the University of Cambridge?”
- ^ “How do I choose a college? – Will I be interviewed only at my chosen college?”. University of Oxford. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2009.
- ^ “A Common Framework for colleges and faculties and departments”. Undergraduate Admissions Office, University of Oxford. Ngày 2 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2009.
- ^ “Open Offer Scheme”. Department of Biochemistry, University of Oxford. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2009.
- ^ “Open Offer Scheme”. Department of Physics, University of Oxford. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2009.
- ^ St Hugh’s College – Subjects accepted
- ^ a ă “Libraries”. Bodleian Library. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2011.
- ^ a ă “Bodleian Libraries”. Bodleian Library. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2011.
- ^ “A University Library for the Twenty-first Century”. University of Oxford. Ngày 22 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2007.
- ^ “Swindon’s £26m Bodleian book store opens”. BBC News. Ngày 6 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2011.
- ^ “New Bodleian: The Weston Library”. University of Oxford. Ngày 26 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2011.
- ^ “OLIS: member libraries”. Oxford Libraries Information System. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2011.
- ^ “Support Us”. The Ashmolean. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2007.
- ^ “Transforming the Ashmolean”. The Ashmolean. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2007.
- ^ “Oxford University Museum of Natural History Homepage”. Oxford University Museum of Natural History. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Map of Museums, Libraries and Places of Interest”. University of Oxford. 2006. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2007.
- ^ “About the Museum”. Museum of the History of Science. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2007.
- ^ Watson, Roland; Elliott, Francis; Foster, Patrick. “University Rankings League Table: Good University Guide”. The Times (London). Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2008.
- ^ Watson, Roland; Elliott, Francis; Foster, Patrick (2006). “Times Good University Guide”. The Times (UK). Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2006.
- ^ “ARWU 2010”. Arwu.org. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Top 400”. Times Higher Education World University Rankings. 2011. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2011.
- ^ “Top 700”. QS World University Rankings. 2011. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2011.
- ^ The Times | UK News, World News and Opinion
- ^ “Good University Ranking Guide”. The Times. UK. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2009.
- ^ Watson, Roland; Elliott, Francis; Foster, Patrick. “The Times Good University Guide 2008”. The Times (UK). Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007.
- ^ Watson, Roland; Elliott, Francis; Foster, Patrick. “The Times Good University Guide 2007 – Top Universities 2007 League Table”. The Times (UK). Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007.
- ^ Robertson, David. “The Times Top Universities”. The Times (UK). Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007.
- ^ a ă â b “The 2002 ranking – From Warwick”. Warwick Uni 2002.
- ^ Shepherd, Jessica (ngày 16 tháng 5 năm 2011). “University Guide 2012: Cambridge tops the Guardian league table”. The Guardian (London).
- ^ “University league table”. The Guardian (London). Ngày 8 tháng 6 năm 2010.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (UK). Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2009.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (UK). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (UK). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (UK). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ “University ranking by institution 2004”. The Guardian (UK). Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2009.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (London). Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2010.
- ^ Robertson, David. “University Rankings League Table – The Sunday Times University Guide 2010”. The Sunday Times (UK). Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2009.
- ^ a ă “The Sunday Times University League Table” (PDF). The Sunday Times (UK). Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007.
- ^ a ă â b c d đ “University ranking based on performance over 10 years” (PDF). The Times (UK). 2007. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ “University League Table 2013”. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2012.
- ^ “University League Table 2011”. thecompleteuniversityguide.co.uk. Ngày 20 tháng 5 năm 2010.
- ^ a ă “The Independent University League Table”. The Independent (UK). Ngày 24 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2010.
- ^ “University league table”. The Daily Telegraph (UK). Ngày 30 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ “The FT 2003 University ranking”. Financial Times 2003.
- ^ “The FT 2002 University ranking – From Yourk”. York Press Release 2002.
- ^ “FT league table 2001”. FT league tables 2001.
- ^ “FT league table 1999–2000” (PDF). FT league tables 1999–2000.
- ^ “FT league table 2000”. FT league tables 2000.
- ^ “Oxford Times 1998 University rankings”. Oxford Times 1998.
- ^ “British Prime Ministers Educated at Oxford”. University of Oxford. Ngày 1 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ “David Cameron returns to Brasenose”. Ngày 14 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2010.
- ^ “Norwegian Royal Family website”. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2007.
- ^ “National Archives of Australia – John Gorton”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 6 năm 2007. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2007.
- ^ “National Archives of Australia – Malcolm Fraser”. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2007.[liên kết hỏng]
- ^ “University News (Appointment to Honorary Fellowship)”. The Times (UK). Ngày 8 tháng 2 năm 1984. tr. 14. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2007.
- ^ True Grit, by John Allemang, The Globe and Mail, ngày 6 tháng 6 năm 2009.
- ^ “Mrs Indira Gandhi: strong-willed ruler of India (Obituary)”. The Times. Ngày 1 tháng 11 năm 1984. tr. 7. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2007.
- ^ Sealy, T. E. “Manley, Norman Washington (1893–1969)”. ODNB. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2007.
- ^ “Chelsea Clinton heads for Oxford”. BBC News website. Ngày 16 tháng 7 năm 2001. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2007.
- ^ “Biography, Nobel Prize website”. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2007.
- ^ “Biography”. Archbishop of Canterbury website. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Rack, Henry D. (2004). “Wesley, John (1703–1791)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Sir Matthew Pinsent CBE Biography”. 2007. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Lawrence of Arabia”. Jesus College, Oxford. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2007.
- ^ Nicholls, Mark; Williams, Penry (September 2004, (online edition October 2006)). “Ralegh, Sir Walter (1554–1618)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Kirkpatrick, David D. (ngày 6 tháng 5 năm 2007). “Rupert Murdoch, Once the Outsider”. The New York Times. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Stannard, Martin (September 2004 (online edition May 2007)). “Waugh, Evelyn Arthur St John (1903–1966)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Cohen, Morton N. (2004). “Dodgson, Charles Lutwidge (Lewis Carroll) (1832–1898)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Dunaway, David King (2004). “Huxley, Aldous Leonard (1894–1963)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Dudley Edwards, Owen (September 2004 (online edition October 2007)). “Wilde, Oscar Fingal O’Flahertie Wills (1854–1900)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Bennett, J. A. W.; Plaskitt, Emma (2004 (online edition October 2006)). “Lewis, Clive Staples (1898–1963)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Shippey, T. A. (September 2004 (online edition October 2006)). “Tolkien, John Ronald Reuel (1892–1973)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Shelden, Michael (September 2004 (online edition January 2006)). “Greene, (Henry) Graham (1904–1991)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Joseph Heller: Literary giant”. BBC News. Ngày 14 tháng 12 năm 1999.
- ^ O’Neill, Michael (September 2004 (online edition May 2006)). “Shelley, Percy Bysshe (1792–1822)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Colclough, David (September 2004 (online edition October 2007)). “Donne, John (1572–1631)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Page, Norman (2004). “Housman, Alfred Edward (1859–1936)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Mendelson, Edward (September 2004 (online edition October 2007)). “Auden, Wystan Hugh (1907–1973)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Thwaite, Anthony (September 2004 (online edition October 2006)). “Larkin, Philip Arthur (1922–1985)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Reid, Hugh (September 2004 (online edition May 2006)). “Warton, Thomas (1728–1790)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Sambrook, James (2004). “Pye, Henry James (1745–1813)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Carnall, Geoffrey (2004). “Southey, Robert (1774–1843)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Phillips, Catherine (2004). “Bridges, Robert Seymour (1844–1930)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Day-Lewis, Sean (2004). “Lewis, Cecil Day- (1904–1972)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ Amis, Kingsley; Loughlin-Chow, M. Clare (2004 (online edition October 2005)). “Betjeman, Sir John (1906–1984)”. Oxford Dictionary of National Biography (online edition). Oxford University Press. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Andrew Motion”. The Poetry Archive. 2005. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Staff profile page: Professor Richard Dawkins”. New College, Oxford. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2007.
- ^ “The Nobel Prize in Chemistry 1921”. Nobel Foundation. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2011.
- ^ “The Nobel Prize in Chemistry 1964”. Nobel Foundation. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2011.
- ^ a ă “A brief history”. New College, Oxford. 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Some famous alumni”. Magdalen College, Oxford. 2007. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Famous graduates”. St Edmund Hall, Oxford. 2007. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Spring 2005 Newsletter” (PDF). St Peter’s College, Oxford. Spring 2005. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2007.
- ^ VietKa
- ^ Trịnh Hội thân thiết với Vua Bhutan
- ^ Hai mươi năm nhìn lại
- ^ Trịnh Hội đoạt diễn viên nam xuất sắc
- ^ Oxford in Fiction: an annotated bibliography, Judy G. Batson
Tham khảo
- Annan, Noel, The Dons: Mentors, Eccentrics and Geniuses HarperCollins (London, 1999)
- Batson, Judy G., Oxford in Fiction, Garland (New York, 1989).
- Betjeman, John, An Oxford University Chest, Miles (London, 1938).
- Brooke, Christopher and Roger Highfield, Oxford and Cambridge, Cambridge University Press (Cambridge, 1988).
- Casson, Hugh, Hugh Casson’s Oxford, Phaidon (London, 1988).
- Catto, Jeremy (ed.), The History of the University of Oxford, Oxford University Press (Oxford, 1994).
- Clark, Andrew (ed.), The colleges of Oxford: their history and traditions, Methuen & C. (London, 1891).
- De-la-Noy, Michael, Exploring Oxford, Headline (London, 1991).
- Dougill, John, Oxford in English Literature, University of Michigan Press (Ann Arbor, 1998).
- Feiler, Bruce, Looking for Class: Days and Nights at Oxford and Cambridge, Perennial (New York, 2004).
- Fraser, Antonia (ed.), Oxford and Oxfordshire in Verse, Penguin (London, 1983).
- Kenny, Anthony & Kenny, Robert, Can Oxford be Improved?, Imprint Academic (Exeter, 2007)
- Knight, William (ed.), The Glamour of Oxford, Blackwell (New York, 1911).
- Pursglove, Glyn and Alistair Ricketts (eds.), Oxford in Verse, Perpetua (Oxford, 1999).
- Hibbert, Christopher, The Encyclopaedia of Oxford, Macmillan (Basingstoke, 1988).
- Horan, David, Cities of the Imagination: Oxford, Signal (Oxford, 2002).
- Miles, Jebb, The Colleges of Oxford, Constable (London, 1992).
- Morris, Jan, Oxford, Faber and Faber/OUP (London, 1965/2001).
- Morris, Jan, The Oxford Book of Oxford, Oxford University Press (Oxford, 2002).
- Pursglove, G. and A. Ricketts (eds.), Oxford in Verse, Perpetua (Oxford, 1999).
- Seccombe, Thomas and H. Scott (eds.), In Praise of Oxford (2 vols.), Constable (London, 1912). v.1
- Snow, Peter, Oxford Observed, John Murray (London, 1991).
- Tames, Richard, A Traveller’s History of Oxford, Interlink (New York, 2002).
- Thomas, Edward, Oxford, Black (London, 1902).
- Tyack, Geoffrey, Blue Guide: Oxford and Cambridge, Black (New York, 2004).
- Tyack, Geoffrey, Oxford: An Architectural Guide, Oxford University Press (Oxford, 1998).
Liên kết ngoài
Thể loại:
Đại học Cambridge
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Viện Đại học Cambridge |
 |
Khẩu hiệu |
Hinc lucem et pocula sacra (tiếng Latinh)
Dịch nghĩa: Từ đây, ánh sáng và chén thánh
Hàm ý: Từ nơi này chúng ta đạt được sự khai minh và tri thức quý giá |
Thành lập |
Khoảng năm 1209 |
Loại hình |
Công lập |
Tài trợ |
4,3 tỉ bảng Anh (2011, bao gồm những trường thành viên)[1] |
Hiệu trưởng |
David Sainsbury |
Giảng viên |
5,999[2] |
Nhân viên |
3,142[2] |
Sinh viên |
18,448[2] |
Sinh viên đại học |
12,077[2] |
Sinh viên sau đại học |
6,371[2] |
Khuôn viên |
Nội thị
366.444 mét vuông (36,6444 ha) (không kể các trường thành viên)[3] |
Vị trí |
Cambridge, Anh |
Màu |
Cambridge Blue[4] |
Trang mạng |
www.cam.ac.uk |
Viện Đại học Cambridge (tiếng Anh: University of Cambridge), còn gọi là Đại học Cambridge, là một viện đại học nghiên cứu công lập liên hợp tại Cambridge, Anh. Được thành lập vào năm 1209, Cambridge là viện đại học lâu đời thứ hai trong thế giới nói tiếng Anh, chỉ sau Viện Đại học Oxford, và là viện đại học lâu đời thứ tư trên thế giới hiện đang hoạt động.[5] Cambridge thành hình từ một nhóm học giả đã rời bỏ Viện Đại học Oxford sau khi xảy ra tranh cãi giữa những người này với cư dân địa phương.[6] Hai “viện đại học cổ xưa” này có nhiều điểm tương đồng nên thường được gọi bằng tên chung “Oxbridge“.
Cambridge được tạo thành bởi một loạt các cơ sở khác nhau, bao gồm 31 trường đại học thành viên và hơn 100 khoa học thuật được tổ chức thành sáu trường.[7] Các tòa nhà của viện đại học nằm khắp thành phố, nhiều trong số đó rất có giá trị lịch sử. Các trường đại học này là những cơ sở tự điều hành, được thành lập như là những phần cấu thành viện đại học. Vào năm 2014, viện đại học có tổng thu nhập là 1,51 tỉ bảng Anh, trong đó 371 triệu bảng là từ các hợp đồng và các khoản tài trợ nghiên cứu. Viện đại học và các trường thành viên có tổng cộng 4,9 tỉ bảng Anh trong các quỹ hiến tặng, con số lớn nhất ở bất cứ viện đại học nào bên ngoài Hoa Kỳ.[8] Cambridge là thành viên của nhiều hiệp hội và là một phần của “Tam giác vàng” – ba viện đại học hàng đầu ở Anh: Cambridge, London, và Oxford.
Sinh viên Cambridge học qua những bài giảng và những buổi thực hành trong phòng thí nghiệm do các khoa tổ chức dưới sự giám sát của các trường đại học. Cambridge điều hành tám viện bảo tàng nghệ thuật, văn hóa, và khoa học, bao gồm Viện Bảo tàng Fitzwilliam và một vườn bách thảo. Các thư viện của Cambridge có tổng cộng khoảng 15 triệu cuốn sách. Nhà xuất bản Viện Đại học Cambridge, một bộ phận của viện đại học, là nhà xuất bản lâu đời nhất thế giới và là nhà xuất bản lớn thứ hai thế giới do một viện đại học điều hành.[9][10] Cambridge thường xuyên được xếp là một trong những viện đại học hàng đầu thế giới trong các bảng xếp hạng.
Cambridge có nhiều cựu sinh viên nổi tiếng, trong đó có một số nhà toán học, khoa học, và chính trị gia kiệt xuất; 90 người được giải Nobel là thành viên của Cambridge.[11] Trong suốt lịch sử của mình, viện đại học được miêu tả trong nhiều tác phẩm văn chương và nghệ thuật của nhiều tác giả trong đó có Geoffrey Chaucer, E. M. Forster, và C. P. Snow.
Lịch sử
Có thể truy nguyên thời điểm chính thức thành lập Đại học Cambridge đến năm 1231 khi Vua Henry III của Anh ban hành chứng thư công nhận nhà trường kèm theo các quyền như ius non trahi extra (quyền kỷ luật thành viên của viện) và được miễn các loại thuế, sau đó là một chỉ dụ năm 1233 của Giáo hoàng Gregory IX cho phép sinh viên tốt nghiệp từ Cambridge được “được giảng dạy khắp mọi nơi trong thế giới Cơ Đốc giáo“.[12] Sau khi Giáo hoàng Nicholas IV miêu tả Cambridge như là một studium generale (cơ sở giáo dục đa hiệu, có cấp bằng thạc sĩ, và thu nhận sinh viên từ nhiều quốc gia) trong một lá thư năm 1290,[13] danh hiệu này dược xác nhận bởi một chỉ dụ năm 1318 của Giáo hoàng John XXII,[14] viện đại học thu hút nhiều nhà học giả đến từ các đại học trên khắp châu Âu để nghiên cứu và giảng dạy.[13]
Thành lập những trường thành viên
Clare College (trái) và một phần của King’s College, xây dựng từ 1441 – 1515
Các trường thành viên (college) của Đại học Cambridge là những định chế bổ sung cho hệ thống. Không có trường thành viên nào lâu đời như chính viện đại học.
Hugh Balsham, Giám mục Ely, thành lập Peterhouse năm 1284, đây là trường thành viên đầu tiên của Cambridge. Nhiều trường thành viên khác được thành lập trong hai thế kỷ 14 và 15, rồi tiếp tục xuất hiện suốt nhiều thế kỷ cho đến gần đây, mặc dù có một khoảng trống kéo dài 204 năm giữa thời điểm thành lập trường Sidney Sussex (1596) và trường Downing (1800). Trường thành viên mới nhất là Robinson, xây dựng trong thập niên 1970. Tuy nhiên, Trường Homerton, do được công nhận quy chế trường thành viên trong tháng 3 năm 2010, được xem là trường thành viên mới nhất.
Thời trung cổ, nhiều trường thành viên ra đời chỉ với mục đích cầu nguyện cho linh hồn những người sáng lập, do vậy liên kết chặt chẽ với những nhà nguyện hoặc các tu viện. Khi luật Giải thể Tu viện được ban hành năm 1536, mục tiêu thành lập trường thành viên cũng thay đổi. Vua Henry VIII ra lệnh cho viện đại học giải thể Khoa Luật Giáo hội[15] và ngưng giảng dạy “triết học kinh viện”. Các trường thành viên khởi sự thay đổi giáo trình, bỏ luật giáo hội, và tập chú vào các môn đại cương, Kinh Thánh, và toán học.
Nhà nguyện Emmanuel College
Khi từ bỏ Luật Giáo hội, Cambridge cũng rời xa giáo thuyết Công giáo. Từ thập nhiên 1520, thần học Luther và tư tưởng Cải cách Tin Lành bắt đầu xuất hiện trong các giáo trình của viện đại học, với sự đóng góp của những người như Thomas Cranmer, về sau là Tổng Giám mục Canterbury. Trong thập niên 1930, Henry VIII yêu cầu Cranmer và các học giả khác phác thảo một hướng đi mới không chỉ khác với giáo lý Công giáo mà cũng không giống tư tưởng Martin Luther.
Gần một thế kỷ sau, viện đại học trở thành tâm điểm của một cuộc ly giáo bên trong cộng đồng Kháng Cách. Nhiều nhà quý tộc, giới trí thức, và cả thường dân nhận thấy Giáo hội Anh đã trở nên quá giống Công giáo, đồng thời đang bị nhà vua sử dụng để chiếm đoạt quyền lực của các quận hạt. Trong khi vùng East Anglia là thành lũy của phong trào Thanh giáo thì tại Cambridge, những trường thành viên như Emmanuel, St Catherine’s Hall, Sidney Sussex, và Christ’s College thủ giữ vai trò tương tự.[16] Những trường này đào tạo nhiều sinh viên tốt nghiệp theo đuổi lập trường độc lập với quốc giáo. Nhờ vào địa vị xã hội và sức thuyết phục khi thuyết giảng, họ tạo nhiều ảnh hưởng trên xã hội. Có khoảng 20 000 người Thanh giáo tìm đến vùng New England thành lập Khu Định cư Massachusetts Bay trong cuộc di cư lịch sử vào thập niên 1630. Oliver Cromwell, tư lệnh lực lượng quân đội Quốc hội trong thời Nội chiến Anh và là lãnh tụ của English Commonwealth (1649 – 1660), từng theo học tại Sidney Sussex.
Toán học và Vật lý học toán
Thi sát hạch môn toán một thời từng là kỳ thi bắt buộc cho tất cả sinh viên muốn lấy bằng Cử nhân, học vị thấp nhất tại Cambridge cho các ngành đại cương và khoa học. Từ thời Isaac Newton vào cuối thế kỷ 17 cho đến giữa thế kỷ 19, viện đại học đặc biệt chú trọng đến môn toán ứng dụng, nhất là môn vật lý toán (phát triển các phương pháp toán học ứng dụng trong vật lý). Kỳ thi này còn gọi là Tripos.[17] Sinh viên được bằng hạng ưu sau khi đậu kỳ thi Tripos toán học được gọi là wrangler, thủ khoa là Senior Wrangler. Do có tính cạnh tranh cao, chương trình Toán học Tripos tại Cambridge đã giúp tạo nên những tên tuổi lớn trong nền khoa học Anh, trong đó có James Clerk Maxwell, Lord Kelvin, và Lord Rayleigh.[18] Tuy nhiên, có những cựu sinh viên nổi tiếng như G. H. Hardy không thích hệ thống này, họ cảm thấy người ta quá chú trọng đến điểm số trong các kỳ thi mà không quan tâm đến chính môn học.
Môn toán thuần túy tại Cambridge đã đạt được nhiều thành tựu trong thế kỷ 19 nhưng lại bỏ qua những phát triển căn bản của toán học Pháp và Đức. Công cuộc nghiên cứu toán thuần túy tại Cambridge đạt chuẩn mực quốc tế cao nhất vào đầu thế kỷ 20 nhờ công của G. H. Hardy và cộng sự của ông, J. E. Littlewood. Về môn hình học, W. V. D. Hodge đã giúp Cambridge hội nhập với quốc tế trong thập niên 1930.
Mặc dù hoạt động đa dạng trong nghiên cứu và giảng dạy, Cambridge cho đến ngày nay vẫn duy trì thế mạnh của mình trong toán học. Các cựu sinh viên Cambridge đoạt sáu Huy chương Fields và một Giải Abel toán học, trong khi đó những cá nhận đại diện cho Cambridge giành được bốn Huy chương Fields.[19] Viện đại học cũng mở Chương trình Cao học Toán Cao cấp.
Đương đại
Đường Trinity trong tuyết, với Nhà nguyện King’s College (giữa), Nhà nguyện Clare College (phải), và Old Schools (trái)
Sau khi Đạo luật Đại học Cambridge năm 1856 chính thức cơ cấu tổ chức của viện đại học, các môn học như thần học, lịch sử, và ngôn ngữ đương đại được đưa vào chương trình giảng dạy.[20] Richard Fitzwilliam của Trinity College hiến tặng nhiều tài liệu cho những giảng khóa mới về nghệ thuật, kiến trúc, và khảo cổ học.[21] Từ năm 1896 đến 1902, Downing College bán một phần đất để cung ứng kinh phí xây dựng khu vực Downing Site gồm có các phòng thí nghiệm cho giải phẫu học, di truyền học, và khoa học trái đất.[22] Trong giai đoạn này, khu vực New Museums Site cũng được xây dựng, ở đó có Phòng thí nghiệm Cavendish, sau dời về West Cambridge Site, và các khoa khác thuộc ngành hóa và y.[23]
Thế chiến thứ nhất đã làm gián đoạn hoạt động của nhà trường khi 14 000 thành viên tham chiến, trong đó có 2 470 người thiệt mạng.[24]
Sau Đệ nhị thế chiến, viện đại học chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng mạnh cả về số lượng sinh viên lẫn địa điểm học tập; có được điều này là nhờ những thành quả và tiếng tăm của nhiều nhà khoa học xuất thân từ Cambridge.[25]
Đóng góp cho khoa học
Cựu sinh viên Cambridge đã có nhiều đóng góp quan trọng cho khoa học:
Giáo dục cho phụ nữ
Lúc đầu chỉ có nam giới được phép theo học tại Cambridge. Mãi đến năm 1869 mới có trường thành viên đầu tiên dành cho nữ, Girton College, được thành lập bởi Emily Davies, ba năm sau là Newham College (do Anne Clough và Henry Sidgwick thành lập), rồi Hughes Hall năm 1885 (Elizabeth Phillips Hughes thành lập), New Hall (sau đổi tên là Murray Edwards College) năm 1954, và Lucy Cavendish College năm 1965. Nữ sinh viên được phép thi tuyển từ năm 1882, nhưng phải đến năm 1948 địa vị của nữ sinh viên mới được công nhận đầy đủ.[26]
Cầu “Toán học” bắt ngang qua sông Cam (tại Queens’ College)
Bởi vì các trường thành viên truyền thống không thu nhận phụ nữ, họ chỉ có thể xin nhập học tại những trường dành riêng cho nữ sinh. Tuy nhiên, từ năm 1972 đến 1988, ba trường thành viên Churchill, Clare, và King’s khởi sự nhận nữ sinh viên thì các trường khác cũng làm theo. Ngược lại, khi một trường nữ, Girton, bắt đầu nhận nam sinh viên từ năm 1979, thì các trường nữ khác không chịu tiếp bước trường Girton. Đến năm 2008 khi St Hilda’s College của Đại học Oxford bỏ quy định cấm thu nhận nam sinh viên thì Cambridge là viện đại học duy nhất ở nước Anh duy trì những trường thành viên từ chối thu nhận nam sinh viên như Newham, Murray Edwards, và Lucy Cavendish.[27][28]
Trong niên khóa 2004-5, tỷ lệ giới tính trong sinh viên là 52% nam và 48% nữ.[29]
Địa điểm
Viện đại học tọa lạc tại trung tâm thành phố Cambridge với lượng sinh viên chiếm tỷ lệ đáng kể trong thành phần dân số (gần 20%).[30] Hầu hết những trường thành viên lâu đời hơn chiếm giữ những vị trí kề cận trung tâm thành phố và sông Cam, trên dòng sông này lâu nay người ta vẫn đi thuyền để chiêm ngắm vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và những tòa kiến trúc.[31]
Bệnh viện Addenbrooke, thuộc một trong chín khu vực chính của Cambridge
Viện đại được chia thành những khu vực là địa điểm tọa lạc của những ban ngành khác nhau. Các khu vực chính là:
Trường Y Lâm sàng của viện đại học liên kết với Bệnh viện Addenbrooke, ở đó sinh viên phải trải qua thời gian thực tập trong ba năm sau khi đậu bằng cử nhân,[32] trong khi khu West Cambridge được mở rộng đáng kể để phát triển những môn thể thao.[33] Bên cạnh đó, Trường Kinh doanh Judge trên đường Trumpington từ năm 1990 cung cấp những khóa quản trị học và thường xuyên được tờ Financial Times ghi danh trong bảng xếp hạng 20 trường kinh doanh hàng đầu thế giới.[34]
Do vị trí các khu vực là liền kề, lại nhờ địa hình của Cambridge khá bằng phẳng nên phương tiện di chuyển được ưa thích ở đây là xe đạp: một phần năm những chuyến đi trong thị trấn là bằng xe đạp.[35]
Nhà trường và Thị trấn
Mối quan hệ giữa viện đại học với thị trấn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cụm từ Town và Gown được sử dụng để phân biệt cư dân thị trấn Cambridge với sinh viên của viện đại học, thường khi vẫn mặc lễ phục. Đã có nhiều chuyện kể về những cạnh tranh quyết liệt giữa nhà trường và thị trấn: năm 1381 xảy ra những xung đột dữ dội dẫn đến các vụ tấn công và cướp phá tài sản viện đại học, khi dân địa phương thách thức những đặc quyền chính phủ dành cho ban giảng huấn nhà trường. Ngay sau đó, Viện trưởng được ban cho quyền lực đặc biệt để xét xử các tội phạm và tái lập trật tự trong thành phố.
Có những nỗ lực hòa giải giữa hai nhóm cư dân, đến thế kỷ 16 đạt đến những thỏa thuận nhằm nâng cấp đường phố và những khu nhà dành cho sinh viên chung quanh thành phố. Tuy nhiên, khi một cơn dịch bệnh tấn công thành phố trong năm 1630, xung đột lại bùng nổ khi các trường thành viên từ chối giúp đỡ những người dân mắc bệnh bằng cách đóng cửa các khu vực của nhà trường.[36]
Ngày nay, những tranh chấp đã giảm bớt, và viện đại học trở thành nguồn cung cấp việc làm cho dân địa phương và giúp nâng cao mức sống trong vùng.[37] Sự tăng trưởng mạnh mẽ số lượng những nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật sinh học, và những xí nghiệp liên quan tọa lạc kề cận thành phố được gọi là Hiện tượng Cambridge: từ năm 1960 đến 2010 có thêm 1 500 công ty mới với 40 000 việc làm liên quan trực tiếp đến sự hiện diện và tầm quan trọng của định chế giáo dục này.[38]
Tổ chức
Cambridge thuộc loại hình đại học có nhiều trường thành viên, nghĩa là viện đại học được cấu thành bởi những trường thành viên độc lập và tự trị, mỗi trường có tài sản và lợi tức riêng. Hầu hết các trường thành viên tập hợp ban giảng huấn và sinh viên từ nhiều ngành học khác nhau, mỗi ngành có khoa, trường hoặc ban riêng, nhưng đều thuộc viện đại học.
Các khoa, dưới sự giám sát của Ban Quản trị, chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy, mở hội nghị chuyên đề, hướng dẫn nghiên cứu và định hướng các môn học. Ban Quản trị cùng bộ máy hành chính trung tâm, đứng đầu là Phó Viện trưởng, hình thành nên Viện Đại học Cambridge. Những tiện nghi giáo dục như thư viện được cung cấp đầy đủ tại mọi cấp: tại viện đại học (Thư viện Đại học Cambridge), tại các khoa (những thư viện khoa như Thư viện Luật Squire), và tại trường thành viên (mỗi trường thành viên đều có thư viện đa ngành với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên cấp cử nhân).
Trường thành viên
Một phần Đại học Cambridge nhìn từ Nhà nguyện St John’s
Trường thành viên – những định chế tự trị có tài sản riêng và tự mình vận động gây quỹ – được xem là một thành phần của viện đại học. Tất cả sinh viên cùng hầu hết giảng viên đều ràng buộc với một trường thành viên. Vị trí then chốt của các trường thành viên có được là nhờ cơ sở vật chất, phúc lợi, chức năng xã hội, và chương trình giảng dạy dành cho sinh viên cấp cử nhân. Tất cả khoa, ban, trung tâm nghiên cứu, và thư viện đều trực thuộc viện đại học, những đơn vị này cung ứng các giảng khóa và cấp học vị, riêng việc tổ chức sinh viên chương trình cử nhân thành những nhóm nhỏ có giáo viên hướng dẫn – không hiếm khi chỉ có một sinh viên – đều được thực hiện tại các trường thành viên. Trường thành viên tự bổ nhiệm ban giảng huấn, những người này cũng là thành viên các ban của viện đại học.
Cambridge có 31 trường thành viên, trong đó có 3 trường dành riêng cho nữ: Murray Edwards, Newham, và Lucy Cavendish. Những trường khác nam nữ học chung, mặc dù trước đây hầu hết đều là trường nam. Darwin là trường đầu tiên nhận cả nam lẫn nữ, trong khi Churchill, Clare, và King’s là trường toàn nam cho đến năm 1972 mới thu nhận nữ sinh viên. Mãi đến năm 1988, trường Magdalene mới chịu thu nhận nữ sinh viên, và là trường sau cùng tiếp nhận phụ nữ.[39] Clare Hall và Darwin chỉ đào tạo cao học, còn Hughes Hall, Lucy Cavendish, St Edmund’s, và Wolfson chỉ nhận người trưởng thành (quy định tuổi nhập học là 21 tuổi trở lên), cả cấp cử nhân và cao học. Những trường còn lại có chương trình cử nhân và cao học mà không giới hạn tuổi.
Không phải trường thành viên nào cũng cung ứng đầy đủ các ngành học, một số trường chọn đào tạo một số ngành như kiến trúc, lịch sử nghệ thuật, hoặc thần học, nhưng hầu hết các trường thành viên đều đào tạo đa ngành. Một số trường thiên về một vài môn học, thí dụ như trường Churchill chuyên sâu về khoa học và kỹ thuật.[40] Sinh viên trường King’s nổi tiếng do có lập trường chính trị thiên tả,[41] trong khi những người theo học tại trường Robinson hay trường Churchill được biết tiếng do nỗ lực làm giảm thiểu tác hại môi trường.[42]
Trung tâm hành chính của viện đại học, The Old Schools
Chi tiêu cho ăn ở cũng như chi phí học tập tại Cambridge là khác nhau, phụ thuộc vào mỗi trường thành viên.[43][44][45]
Cũng có những trường thần học ở Cambridge nhưng liên kết với viện đại học ở mức độ thấp hơn như Wescott House, Westminster College và Ridley Hall.[46]
Trường, Khoa, và Ban
Ngoài 31 trường thành viên, viện đại học còn có 150 ban, khoa, trường, tổ chức, và các cơ sở khác. Thành viên của những định chế này cũng là thành viên của các trường thành viên; họ chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ chương trình học thuật của viện đại học.
Một “Trường” của Đại học Cambridge là tập hợp các khoa hữu quan và những đơn vị khác. Mỗi trường thành lập ban quản trị thông qua bầu cử – gọi là “Hội đồng” của trường – gồm có đại diện của những đơn vị cấu thành. Hiện Cambridge có sáu trường:[47]
- Nghệ thuật và Nhân văn
- Khoa học sinh học
- Y học lâm sàng
|
- Nhân văn và Khoa học Xã hội
- Khoa học Vật lý
- Kỹ thuật
|
Các khoa chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra, còn có những một vài đơn vị gọi là “Syndicate” cũng có chức năng hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu như Cambridge Assessment, University Press, và University Library.
Hành chính
Viện trưởng và Phó Viện trưởng
Chức vụ Viện trưởng (Chancellor) của viện đại học, không giới hạn nhiệm kỳ và chỉ có tính nghi lễ, hiện đang thuộc về David Sainsbury, Nam tước Sainsbury của Turville, sau khi Công tước Edinburg (Phu quân Nữ hoàng Elizabeth II) về hưu vào sinh nhật thứ 90 của ông trong tháng 6, 2011.[48]
Ngoài Lord Sainsbury còn có Abdul Arain, chủ một cửa hiệu tạp hóa, Brian Blessed, diễn viên, và Michael Mansfield, một luật sư, cũng được đề cử vào chức vụ này.[49][50][51] Cuộc bầu cử diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 10, 2011.[51] David Sainsbury giành được 2 839 trong tổng số 5 888 phiếu bầu, đắc cử ngay từ lần kiểm phiếu đầu tiên.
Phó Viện trưởng đương nhiệm là Leszek Borysiewics, nhà miễn dịch học người Anh gốc Ba Lan, khởi đầu nhiệm kỳ bảy năm từ ngày 1 tháng 10, 2010. Khác với chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng trong thực tế là người lãnh đạo viện đại học. Hầu hết thành viên ban quản trị là người của viện đại học.[52]
Senate và Regent House
Tất cả những người được Cambridge cấp bằng Thạc sĩ trở lên đều là thành viên của Senate, có quyền bầu chọn Viện trưởng và High Steward, cũng như bầu hai thành viên của Viện Thứ dân Vương quốc Anh cho đến khi Hiến chương Đại học Cambridge bị hủy bỏ năm 1950.
Trước năm 1926, Senate là ban quản trị của viện đại học, thực hiện chức năng của Regent House ngày nay.[53] Regent House là ban quản trị của viện đại học, bao gồm tất cả thành viên quan trọng đang làm việc tại viện đại học và các trường thành viên, cùng Viện trưởng, High Steward, Deputy High Steward, và Commissary.[54]
Niên khóa
Có ba học kỳ cho mỗi năm học: Học kỳ Michalelmas bắt đầu từ tháng 10 và chấm dứt vào tháng 12; Học kỳ Lent từ tháng 1 đến tháng 3; và Học kỳ Easter từ tháng 4 đến tháng 6.[55]
Senate House được chiếu sáng trong lễ kỷ niệm 800 năm thành lập Đại học Cambridge
Các giảng khóa thuộc chương trình cử nhân kéo dài tám tuần lễ cho mỗi học kỳ. Theo quy định của viện đại học, tất cả sinh viên phải cư trú trong vòng 10 dặm chung quanh Nhà thờ St Mary the Great – giáo đường của viện đại học. Sinh viên chỉ được cấp bằng cử nhân nếu tuân thủ quy định này trong chín học kỳ (ba năm), đối với bằng thạc sĩ khoa học, kỹ sư, hoặc toán học phải tuân thủ trong 12 học kỳ (4 năm).[56][57]
Các học kỳ ở Cambridge đều ngắn hơn nếu so sánh với nhiều đại học khác ở Anh.[58] Sinh viên cũng phải chuẩn bị kỹ bài vở trong ba kỳ nghỉ lễ (Giáng sinh, Phục sinh, và những kỳ nghỉ đông).
Giảng dạy
Các ban của viện đại học chịu trách nhiệm tổ chức những buổi giảng bài trong khi các trường thành viên tổ chức những buổi thảo luận. Những môn khoa học có thêm những buổi thực tập ở phòng thí nghiệm, cũng trong trách nhiệm của các ban. Trong những buổi thảo luận, sinh viên được chia thành những nhóm nhỏ (thường từ một đến ba người) thảo luận dưới sự hướng dẫn của một giáo viên hoặc một nghiên cứu sinh.
Thường thì sinh viên được yêu cầu chuẩn bị chu đáo nội dung họ sẽ thảo luận với giáo viên cũng như trình bày những khó khăn họ gặp đối với bài giảng trong lớp. Bài tập thường là một tiểu luận về một chủ đề giáo viên chọn sẵn, hoặc một vấn đề giảng viên đã nêu ở lớp. Tùy thuộc vào môn học và trường thành viên, sinh viên có thể có từ một đến bốn buổi thảo luận mỗi tuần.[59]
Tài chính
Cho đến nay, Cambridge là viện đại học giàu có nhất, không chỉ ở Anh mà trên toàn châu Âu, với những khoản đóng góp lên đến 4,3 tỉ bảng Anh trong năm 2011,[60] trong đó có khoảng 1,6 tỉ trực tiếp đến viện đại học và 2,7 tỉ đến các trường thành viên[60] (cũng trong năm 2011, Oxford chỉ có khoảng 3,3 tỉ bảng Anh).[61] Ngân quỹ điều hành của viện đại học vượt quá con số 1 tỉ bảng Anh mỗi năm. Mỗi trường thành viên là một định chế độc lập, có những khoản quyên tặng riêng. Nếu so sánh với những viện đại học ở Mỹ, Cambridge chiếm vị trí thứ năm trong số tám học viện thuộc Ivy League, và thứ mười một trong tất cả đại học ở Hoa Kỳ,[60] mặc dù sự so sánh này là khá khập khiễng bởi vì Cambridge là một đơn vị được hưởng trợ cấp từ ngân sách quốc gia. Phần lớn lợi tức của Cambridge đến từ những khoản học bổng và trợ cấp cho nghiên cứu và học tập do chính quyền Vương quốc Anh cung cấp. Một khoản lợi tức khác đến từ những hoạt động của nhà xuất bản Cambridge University Press.[62]
Năm 2000, Tổ chức Bill và Melinda Gates tặng 210 triệu USD thông qua Chương trình Học bổng Gates cho sinh viên đến từ bên ngoài Anh Quốc theo học chương trình cao học tại Cambridge.[63]
Năm 2000 khi Chiến dịch Kỷ niệm 800 năm Cambridge được tiến hành với mục tiêu đến năm 2012 gây quỹ 1 tỉ bảng Anh – chiến dịch gây quỹ kiểu Mỹ đầu tiên được vận hành tại châu Âu – chỉ đến niên khóa 2009-10, số tiền quyên tặng đã lên đến 1,037 tỉ.[64]
Sưu tập
Thư viện Viện Đại học Cambridge
Viện bảo tàng Khảo cổ học và Nhân học
Thư viện
Viện đại học có cả thảy 114 thư viện.[65] Thư viện Viện Đại học Cambridge là thư viện nghiên cứu trung tâm, lưu trữ 8 triệu đầu sách, có quyền yêu cầu được cung cấp miễn phí một ấn bản cho mỗi đầu sách xuất bản ở Anh và Ireland.[66]
Ngoài thư viện trung tâm và những cơ sở phụ thuộc, mỗi khoa đều có một thư viện chuyên ngành, thí dụ như Thư viện Sử học Seely của Khoa Sử, có hơn 100 000 đầu sách hiện được lưu trữ tại đây. Hơn nữa, mỗi trường thành viên đều có thư viện riêng với mục tiêu phục vụ giảng dạy cho sinh viên bậc đại học. Những trường thành viên thường sở hữu nhiều sách và bản thảo cổ trong những thư viện riêng biệt. Thư viện Wren thuộc Trinity College có hơn 200.000 đầu sách ấn hành trước năm 1800, trong khi Thư viện Parker của Corpus Christi College sở hữu một trong những bộ sưu tập lớn nhất những bản thảo thời trung cổ trên thế giới, với hơn 600 bản.
Viện bảo tàng
Viện Đại học Cambridge điều hành tám viện bảo tàng về nghệ thuật, văn hóa, và khoa học, cùng một vườn bách thảo:
- Viện bảo tàng Nghệ thuật và Cổ vật Fitzwilliam
- Viện bảo tàng Nghệ thật Đương đại Kettle’s Yard
- Viện bảo tàng Khảo cổ học và Nhân học, Viện Đại học Cambridge lưu trữ những bộ sưu tập cổ vật địa phương cùng vật tạo tác về khảo cổ và dân tộc học từ khắp thế giới
- Viện bảo tàng Động vật học có nhiều chủng loại động vật từ khắp thế giới nổi tiếng với bộ xương cá voi vây. Viện bảo tàng này cũng có những chủng loại do Charles Darwin sưu tầm
- Viện bảo tàng Khảo cổ học cổ điển, Cambridge
- Viện bảo tàng Whipple về Lịch sử khoa học
- Viện bảo tàng Khoa học Trái đất Sedgwick
- Viện bảo tàng vùng cực, thuộc Viện Scott Nghiên cứu vùng cực, tôn vinh Thuyền trưởng Scott và cách thành viên trong đoàn thám hiểm, cũng như quan tâm đến việc thám hiểm vùng cực
- Vườn bách thảo Viện Đại học Cambridge, thành lập năm 1831
Hồ sơ học thuật
Nghiên cứu
Đại học Cambridge có những ban nghiên cứu và những khoa giảng dạy cho hầu hết các môn học, mỗi năm chi tiêu 650 triệu bảng Anh cho nghiên cứu. Các ban thuộc viện đại học chịu trách nhiệm hướng dẫn tất cả công trình nghiên cứu và chương trình giảng dạy. Các trường thành viên cung cấp giáo viên hướng dẫn và tổ chức những buổi thảo luận nhóm, sắp xếp chỗ ở cho sinh viên, và cấp kinh phí cho những hoạt động ngoại khóa. Suốt trong thập niên 1990, Cambridge mở thêm nhiều phòng thí nghiệm đặc biệt phục vụ nghiên cứu tại một số địa điểm của viện đại học rải rác khắp thành phố, số lượng những phòng thí nghiệm hiện vẫn tiếp tục gia tăng.[67]
Cambridge là thành viên Nhóm Russell, một mạng lưới các viện đại học nghiên cứu, Nhóm Coimbra, hội đoàn của các viện đại học hàng đầu ở châu Âu, Liên minh Đại học Nghiên cứu Âu châu, và Liên hiệp Quốc tế các Đại học Nghiên cứu. Cambridge là một thành phần trong “Tam Giác Vàng” – tên gọi không chính thức những viện đại học hàng đầu của Anh: Oxford, Cambridge tạo thành hai góc của tam giác, Imperial College London, University College London, London School of Economics, và Kings College London hợp thành góc còn lại (Imperial College London từng trực thuộc liên hiệp Viện Đại học Luân Đôn, ba trường còn lại hiện là thành viên của Viện Đại học Luân Đôn).
Tuyển sinh
Quy trình
UCAS tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh vào Cambridge, thời hạn chót hiện nay là giữa tháng 10. Cho đến thập niên 1980, tất cả thí sinh phải qua kỳ thi tuyển,[68] về sau chỉ còn những kỳ kiểm tra như kiểm tra đánh giá kỹ năng tư duy và kiểm tra môn luật Cambridge.[69] Viện đại học đang xem xét việc tái lập các kỳ thi tuyển cho tất cả ngành học kể từ năm 2016.[70]
Hầu hết các thí sinh được mong đợi có ít nhất ba A-level A-grade liên quan đến ngành học được chọn, hoặc ít nhất ba điểm số 7, 7, 6 cho kỳ thi Tú tài quốc tế (IB). Hạng A-level A* (từ năm 2010) cũng được xem xét, với tiêu chuẩn của viện đại học cho tất cả giảng khóa là A*AA.[71][72] Bởi vì một tỷ lệ lớn các thí sinh đều có điểm số cao, các cuộc phỏng vấn là quy trình cần thiết để chọn những người giỏi nhất, tập chú vào các yếu tố như sự độc đáo trong tư duy và tính sáng tạo.[73]
Những ứng viên bị trường họ chọn không chấp nhận sẽ được đưa vào danh sách dự bị để những trường khác xem xét.
Việc tuyển chọn sinh viên cao học được quyết định bởi khoa hoặc ban liên quan đến ngành học ứng viên chọn.[74]
Thanh danh
Theo bản đánh giá của chính phủ Anh, trong hai năm 2001 và 2008,[75] Cambridge được xếp hạng đầu. Năm 2005, mỗi năm Cambridge đào tạo tiến sĩ (PhD) nhiều hơn bất cứ viện đại học nào khác ở Anh (30% nhiều hơn Oxford xếp hạng nhì).[76] Một cuộc khảo sát năm 2006 của Thomas Scientific cho thấy số lượng tài liệu nghiên cứu từ Cambridge cao nhất nước Anh.[77] Một nghiên cứu khác trong năm 2006 của Evidence cho thấy số lượng trợ cấp và hợp đồng nghiên cứu của Cambridge chiếm tỷ lệ cao nhất (6,6%) Anh Quốc.[78]
Silicon Fen, còn gọi là “Hiện tượng Cambridge – khu công nghiệp cao chuyên về nhu liệu, điện tử, và kỹ thuật sinh học – năm 2004 được xem là thị trường đầu tư mạo hiểm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Silicon Valley. Ước tính trong tháng 2, 2006, có khoảng 250 công ty mới thành lập có quan hệ trực tiếp với Cambridge trị giá 6 tỉ USD.[79]
Xếp hạng đại học
Trong nhiều bảng xếp hạng trải qua nhiều năm, Cambridge luôn ở trong vài hạng đầu ở Anh và trên thế giới.
Trên nhiều bảng xếp hạng quốc tế, Cambridge ở trong số mười viện đại học uy tín nhất. Theo bảng xếp hạng do QS World University Rankings phối hợp với Report thực hiện năm 2012, Cambridge giữ vị trí thứ hai, nhưng hai năm trước được xếp hạng nhất.[109][110] Cambridge giữ vị trí thứ bảy theo Times Higher Education World University Rankings (2012-13).[111] Cũng trong năm 2012, ARWU xếp viện đại học này vào hạng năm,[112] trong khi nhật báo Guardian dành vị trí đầu cho Cambridge, vượt qua Oxford trong các ngành học như triết, luật, chính trị, toán, các môn đại cương, nhân học, và ngôn ngữ hiện đại.[85]
Năm 2006, tạp chí Newsweek tổng hợp các yếu tố trong hai bảng xếp hạng THES-QS và ARWU cùng một số dữ liệu khác để thẩm định mức độ “mở và đa dạng” của các học viện, đã dành vị trí thứ sáu cho Cambridge.[113] Năm 2008, Sunday Times University Guide lại xếp Cambridge hạng nhất lần thứ 11 liên tiếp kể từ khi bảng xếp hạng này được công bố năm 1998. Cũng trong năm 2008, Cambridge giữ thứ hạng đầu ở 37 trong số 61 ngành học, trong đó có ngành luật, y, kinh tế, toán, kỹ sư, lý, hóa, và được xem là học viện có thành tích xuất sắc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, tiêu chuẩn tuyển sinh và hướng nghiệp tại Anh.
Theo Times Good University Guide Subject Rankings năm 2009, Cambridge giữ hạng nhất (hoặc đồng hạng nhất) ở 34 trong số 42 môn học,[114] còn trong bảng xếp hạng tổng quát, Cambridge giữ vị trí thứ hai sau Oxford. Cambridge cũng được xếp hạng hai sau Oxford theo Guardian University Guide Rankings năm 2009.
Năm 2010, University Ranking by Academic Performance (URAP)[115] dành cho Cambridge vị trí thứ hai ở Anh và 11 trên thế giới.
Xuất bản
Cơ sở xuất bản của viện đại học, Cambridge University Press, là cơ sở in ấn và xuất bản lâu đời nhất thế giới, và là cơ sở xuất bản đại học có quy mô lớn thứ hai trên thế giới.[116]
Đời sống sinh viên
Nhà nguyện St John’s College.
Hội sinh viên
Khi nhập học, tất cả sinh viên tại Cambridge đương nhiên là thành viên Hội Sinh viên Đại học Cambridge[117] – thành lập năm 1964, lúc ấy có tên Hội đồng Đại diện Sinh viên – với ban chấp hành sáu thành viên.[118]
Thể thao
Cambridge có truyền thống lâu đời khuyến khích sinh viên tham gia thể thao và các hoạt động giải trí. Đua thuyền là môn thể thao được yêu thích đặc biệt ở Cambridge với nhiều cuộc thi đấu giữa những trường thành viên, nhất là cuộc đua thuyền hằng năm giữa Cambridge với Oxford. Còn có nhiều cuộc thi đấu cricket, rugby, cờ vua, và tiddywinks giữa hai ngôi trường danh giá này.
Phần lớn các tiện nghi thể thao đều được cung ứng bởi những trường thành viên, nhưng một khu phức hợp thể thao của viện đại học hiện đang được xây dựng.[119]
Hội đoàn
Nhiều hội đoàn do sinh viên tự điều hành, nhằm khuyến khích sinh viên chia sẻ với nhau những đam mê hoặc những mối quan tâm, tổ chức những buổi họp mặt định kỳ. Đến năm 2012, ở Cambridge có 751 hội đoàn đã đăng ký.[120] Những trường thành viên thường thành lập cho họ những hội đoàn và các đội thể thao.
Cambridge Union là hội đoàn lớn nhất ở Đại học Cambridge, thành lập năm 1815 với mục tiêu tổ chức những cuộc hội thảo về các chủ đề được xã hội quan tâm. Trong số những nhân vật nổi tiếng từng nói chuyện ở Cambridge Union có Winston Churchill, Theodore Roosevelt, Ronald Reagan, Jawaharlal Nehru, Muammar al-Gaddafi, Stephen Hawking, Pamela Anderson, Clint Eastwood…
Nổi bật nhất trong các hội kịch nghệ là Câu lạc bộ Kịch Tài tử và câu lạc bộ hài kịch Footlights. Dàn nhạc Thính phòng Đại học Cambridge theo đuổi những đề án âm nhạc khác nhau, từ những bản giao hưởng được yêu thích đến những tác phẩm ít nổi tiếng hơn; thành viên của dàn nhạc là sinh viên của viện đại học.
Nhật báo và đài phát thanh
Liên hoan May Ball 2005 tại Jesus College
Sinh hoạt báo chí của sinh viên là đa dạng, từ tờ Varsity lâu đời (ấn bản đầu tiên phát hành năm 1931) đến tờ The Cambridge Student trẻ trung hơn (thành lập năm 1999). Mới đây, cả hai tờ báo này đang bị cạnh tranh với sự xuất hiện của The Tab (năm 2009), tờ báo lá cải của sinh viên.
Với sự hợp tác của sinh viên Đại học Anglia Ruskin, sinh viên Cambridge điều hành một đài phát thanh, Cam FM, sản xuất các chương trình hằng tuần, hài kịch, chính kịch, và tường thuật thể thao.
Formal Hall và May Ball
Một trong những đặc điểm của sinh hoạt sinh viên ở Cambridge là khả năng tham dự tiệc tối tại trường thành viên, gọi là Formal Hall, tổ chức mỗi học kỳ. Sinh viên dự tiệc phải mặc lễ phục, trong khi giảng viên được ngồi chỗ trang trọng High Table. Tiệc tối được khởi đầu và kết thúc với nghi thức cầu nguyện. Còn có những tiệc tối tổ chức vào các dịp đặc biệt như Giáng sinh hoặc lễ tưởng nhớ những nhà tài trợ.[121]
Lúc chấm dứt các kỳ thi là đến Tuần lễ tháng Năm (May Week) là thời điểm tổ chức dạ tiệc tháng Năm (May Ball): những buổi liên hoan thâu đêm tại các trường thành viên với thức ăn, thức uống, và các loại hình giải trí. Chủ nhật đầu tiên của May Week thường là ngày vui chơi ngoài trời (picnic, barbecue). [122]
Trung tâm Khoa học Toán, Đại học Cambridge.
Cựu sinh viên Cambridge
Trải qua lịch sử lâu dài của Cambridge, nhiều người từng theo học ở Cambridge đã nổi tiếng trong các lĩnh vực hoạt động của họ, trong học thuật cũng như ngoài xã hội. Có khoảng từ 85 đến 88 khôi nguyên Giải Nobel là những nhân vật liên quan đến Cambridge, trong số đó có tổng cộng 61 người từng theo học ở đây. Ngoài ra còn có 8 Huy chương Fields và 2 Giải Abel được trao cho những học giả Cambridge.
Toán học và Khoa học
Nổi bật nhất là truyền thống lâu đời và vượt trội của viện đại học về toán học và các ngành khoa học.
Trong số những triết gia tự nhiên nổi tiếng nhất của Cambridge có Sir Isaac Newton, người đã dành gần hết cuộc đời làm việc tại viện đại học và tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm tại Trinity College. Sir Francis Bacon, người chịu trách nhiệm phát triển Phương pháp khoa học, nhập học ở Cambridge khi mới 12 tuổi, và những nhà toán học tiên phong như John Dee và Brook Taylor.
Hardy, Littlewood, và De Morgan ở trong số những nhà toán học nổi tiếng nhất trong lịch sử đương đại. Sir Michael Atiyah là một trong những nhà toán học quan trọng nhất trong hạ bán thế kỷ 20; William Oughtred, John Wallis, Srinivasa Ramanujan là những tên tuổi lớn trong toán học.
Trong sinh học, Charles Darwin từng theo học ở Cambridge, Francis Crick và James Watson phát triển mô hình cấu trúc ba chiều của DNA. Gần đây hơn là Sir Ian Wilmut với cừu Dolly, động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính năm 1996. Nhà tự nhiên học David Attenborough tốt nghiệp Cambridge, trong khi Jane Goodall, chuyên gia hàng đầu về tinh tinh làm luận án tiến sĩ tại Darwin College.
Cambridge cũng được xem là nơi khai sinh máy điện toán khi nhà toán học Charles Babbage thiết kế hệ thống điện toán đầu tiên từ giữa thập niên 1800. Alan Turing tiếp bước phát minh những nguyên lý nền tảng cho khoa học điện toán đương đại, rồi Maurice Wilkes hình thành máy điện toán đầu tiên có thể lập trình. Webcam cũng là một phát minh tại Cambridge khi những nhà khoa học muốn biết chắc cà phê đã có sẵn ở phòng ăn mà không cần phải rời khỏi phòng thí nghiệm.
Ernest Rutherford, được xem là cha đẻ của ngành vật lý nguyên tử, dành gần trọn đời mình ở Cambridge, tại đây ông cộng tác với Niels Bohr, người tìm ra cấu trúc và chức năng của nguyên tử, J. J. Thomson, nhà khoa học khám phá electron, Sir James Chadwick tìm ra neutron. Sir John Cockcroft và Ernest Walton cộng tác để tìm cách tách nguyên tử. J. Robert Oppenheimer, người đứng đầu Dự án Manhattan phát triển bom hạt nhân, từng học ở Cambridge dưới sự dẫn dắt của Rutherford và Thompson.
Những nhà thiên văn học như Sir John Herschel, Sir Arthur Eddington, và nhà vật lý Paul Dirac từng nhiều năm giảng dạy ở Cambridge; Stephen Hawking là giáo sư toán ở đây từ năm 2009. John Polkinghorne từng là nhà toán học ở Cambridge trước khi trở thành mục sư Anh giáo, ông được phong tước hiệp sĩ, và được trao Giải Templeton nhờ những đóng góp của ông về mối tương quan giữa khoa học và tôn giáo.
Trong số những nhà khoa học nổi tiếng ở Cambridge có Henry Cavendish, người tìm ra hydrogen, Frank Whittle, đồng phát minh động cơ phản lực; Lord Kelvin, William Fox Talbot, Alfred North Whitehead, Sir Jagadish Chandra Bose, Lord Rayleigh, Georges Lemaître, và Frederick Sanger, người đoạt hai giải Nobel.
Nhân văn, âm nhạc, nghệ thuật
Trong lĩnh vực nhân văn, từ đầu thế kỷ 16, Desiderius Erasmus thành lập môn Hi Lạp học tại Cambridge và giảng dạy tại đây trong vài năm. Nhà Latin học A. E. Housman cũng giảng dạy tại Cambridge mặc dù tên tuổi của ông được biết đến nhiều hơn như một thi sĩ.
Những nhà kinh tế học xuất thân từ Cambridge có John Maynard Keynes, Thomas Malthus, Alfred Marshall, Milton Friedman, Joan Robinson, Piero Sraffa, và Amartya Sen. Sir Francis Bacon, Bertrand Russell, Ludwig Wittgenstein, Leo Strauss, George Santayana, G. E. M. Anscombe, Sir Karl Popper, Sir Bernard Williams, Allama Iqbal, và G. E. Moore là những học giả Cambridge trong lĩnh vực triết học, tương tự là những nhà sử học Thomas Babington Macaulay, Frederic William Maitland, Lord Acton, Joseph Needham, E. H. Carr, Hugh Trevor-Roper, E. P. Thompson, Eric Hobsbawm, Niall Ferguson và Arthur M. Schlesinger, Jr, Glanville Williams, Sir James Fitzjames Stephen, và Sir Edward Coke.
Những nhân vật tôn giáo nổi tiếng đến từ Cambridge có Justin Welby, Tổng Giám Canterbury, người tiền nhiệm Rowan William và nhiều tổng giám mục Canterbury khác. William Tyndale, nhà phiên dịch Kinh Thánh tiên phong từng học ở Cambridge. “Những người tử đạo Oxford” Thomas Cranmer, Hugh Latimer, và Nicholas Ridley đều xuất thân từ Cambridge (Oxford là địa điểm họ bị xử tử). William Wilberforce và Thomas Clarkson tích cực hoạt động cho phong trào bãi nô, là cựu sinh viên Cambridge. Ngoài ra còn có sáu người được trao tặng Giải Templeton, giải thưởng danh giá dành cho những người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tôn giáo.
Những nhà soạn nhạc Ralph Vaughan Williams, Sir Charles Villiers Stanford, William Sterndale Bennett, Orlando Gibbons, và gần đây hơn, Alexander Goehr, Thomas Adès và John Rutter đều xuất thân từ Cambridge.
Trong lĩnh vực hội họa có Quentin Blake, Roger Fry, và Julian Trevelyan, điêu khắc có Antony Gormley, Marc Quinn, và Sir Anthony Caro, nhiếp ảnh có Antony Armstrong-Jones, Sir Cecil Beaton, và Mick Rock đều từng theo học ở Cambridge.
Văn học
Trong số những tác gia quan trọng xuất thân từ Cambridge cần kể đến nhà soạn kịch thời Elizabeth Christopher Marlowe cùng những đồng môn của ông Thomas Nashe và Robert Greene. John Fletcher, người cộng tác với Shakespeare trong các tác phẩm The Two Noble Kinsmen, Henry VIII, và Cardenio, cũng là người kế tục Shakespeare để viết vở The King’s Men. Những nhà văn như W. M. Thackery, Charles Kingsley, và Samuel Butler. Trong vòng những nhà văn đương đại có E. M. Foster, Rosamond Lehmann, Vladmir Nabokov, Christopher Isherwood, và Malcolm Lowry, tác gia về trung cổ và tôn giáo C. S. Lewis, nhà vật lý và tiểu thuyết gia C. P. Snow. Những tên tuổi khác trong lĩnh vực văn học xuất thân từ Cambridge là Patrick White, Iris Murdoch, Eudora Welty, J. G. Ballard, Sir Kingsley Amis, E. R. Braithwaite, Douglas Adams, Tom Sharpe, Howard Jacobson, A. S. Byatt, Sir Salman Rushdie, Nick Hornby, Zadie Smith, Robert Harris, Sebastian Faulks, Michael Crichton, Jin Yon, Julian Fellowes, Stephen Poliakoff, Michael Frayn, Alan Bennett, và Sir Peter Shaffer.
Những thi sĩ đến từ Cambridge có Edmund Spenser, tác giả The Faerie Queene, John Donne, George Herbert, Andrew Marvell, John Milton nổi tiếng với thiên sử thi Paradise Lost, John Dryden, Thomas Gray, William Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge, Lord Byron, A. E. Housman, gần đây hơn là Cecil Day-Lewis, Joseph Brodsky, Kathleen Raine, và Geoffrey Hill.
Trong lĩnh vực điện ảnh, có những diễn viên và đạo diễn là cựu sinh viên Cambridge như Sir Ian McKellen, Sir Derek Jacobi, Sir Michael Redgrave, James Mason, Emma Thompson, Stephen Fry, Hugh Laurie, John Cleese, Eric Idle, Graham Chapman, Simon Russell Beale, Tilda Swinson, Thandie Newton, Rachel Weisz, Sacha Baron Cohen, Tom Hiddleston, Eddie Redmayne, Jamie Bamber, Lily Cole, David Mitchell, Mike Newel, Sam Mendes, Stephen Frears, Paul Greengrass, Chris Weitz, và John Madden.
Thể thao
Những cựu sinh viên Cambridge đã giành được ít nhất 50 huy chương Thế vận hội. Deng Yaping sáu lần vô địch bóng bàn, vận động viên nước rút Harold Abrahams, và George Mallory nhà leo núi lừng danh.
Chính trị
Cambridge được xem là một ngôi trường danh giá một phần do đó là nơi xuất thân của nhiều chính trị gia tiếng tăm:
Cambridge trong văn học nghệ thuật
Suốt chiều dài lịch sử của mình, Viện Đại học Cambridge xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm văn chương, hội họa của nhiều tác giả:
Mùa thu trong Vườn Bách thảo, Viện Đại học Cambridge
- Trong The Canterbury Tales của Geoffrey Chaucer.
- Trong Gulliver’s Travel (1726) của Jonathan Swift, nhân vật Lemuel Gulliver tốt nghiệp Emmanuel College.
- Trong The Prelude (1805) của William Wordsworth.
- Trong Pride and Prejudice (1813) của Jane Austen, cả Mr Darcy và Mr Wickham đều tốt nghiệp từ Cambridge.
- Trong A Tale of Two Cities (1859) của Charles Dickens.
- Trong Middlemarch (1872) của George Eliot.
- Trong She: A History of Adventure (1886) của H. Rider Haggard, câu chuyện của Horace Holly, một giáo sư Cambridge, về một chuyến đi ở giữa những bộ lạc tại châu Phi.
- Trong chuỗi truyện ngắn Sherlock Holmes (1887 – 1927) của Arthur Conan Doyle.
- Mrs. Warren’s Profession (1884) của George Bernard Shaw.
- Trong Women in Love (1920) của D. H. Lawrence.
- Trong Jacob’s Room (1922) của Virginia Woolf.
- Trong The Case of the Missing Will (1924) của Agatha Christie.
- Trong The Citadel (1937) của A. J. Cronin.
- Out of the Silent Planet (1938) của C. S. Lewis.
- Trong The Facts of Life (1939) của W. Somerset Maugham.
- Trong Tinker, Tailor, Soldier, Spy (1974) của John le Carré.
- Chariot of Fired (1981, phim) của Huge Hudson.
- Trong The Sense of an Ending (2011) của Julian Barnes.
Các thành viên nổi tiếng
Các trường đại học trực thuộc
Viện đại học được chia thành các trường đại học trực thuộc. Cambridge có 31 trường đại hoc:
|
† Chỉ dành cho sinh viên sau đại học
|
‡ Chỉ dành cho sinh viên hơn 21 tuổi
|
Hình ảnh
-
-
-
-
Nhận kết quả kỳ thi Tripos môn Toán
-
-
Nhà nguyện Corpus Christi College
-
-
Gonville and Caius College
-
-
-
Downing College East Range
-
Thư viện Pepys, Magdalene College
-
-
-
Cổng lớn St John’s College
-
-
Tòa nhà Cavendish, Homerton College
-
Nhà nguyện Sidney Sussex College
Chú thích
- ^ “Cambridge University’s endowment grows by 16.1% in 1-year” (PDF). University of Cambridge. tr. 4. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2011.
- ^ a ă â b c “Facts and Figures January 2012” (PDF). Cambridge University. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2012.
- ^ “University of Cambridge—Facts and Figures January 2013”.
- ^ “Identity Guidelines – Colour” (PDF). University of Cambridge Office of External Affairs and Communications. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2008.
- ^ Sager, Peter (2005). Oxford and Cambridge: An Uncommon History.
- ^ “A Brief History: Early records”. University of Cambridge. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2008.
- ^ “Cambridge – Colleges and departments”. University of Cambridge. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2013.
- ^ “Cambridge and the University”. Cambridge Scholar’s Program. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2013.
- ^ “Oldest printing and publishing house”. Guinnessworldrecords.com. 22 tháng 1 năm 2002. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2012.
- ^ Black, Michael (1984). Cambridge University Press, 1583–1984. tr. 328–9. ISBN 978-0-521-66497-4.
- ^ “Which Schools Have the Most Nobel Prizes?”. wiseGEEK. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2013.
- ^ Hilde De-Ridder Symoens (2003). Trong Cambridge University Press. A History of the University in Europe: Universities in the Middle Ages 1. tr. 89. ISBN 978-0-521-54113-8.
- ^ a ă Hackett, M.B. (1970). The original statutes of Cambridge University: The text and its history. Cambridge University Press. tr. 178. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
- ^ Willey, David (Easter 2012). “Vatican reveals Cambridge papers”. Cam 66: 05.
- ^ Helmholtz, H.R. (2004) Roman Canon Law in Reformation England (Cambridge: University Press) pp.35,153
- ^ Thompson, Roger, Mobility & Migration, East Anglian Founders of New England, 1629–1640, Amherst: University of Massachusetts Press, 1994, 19.
- ^ A. R. Forsyth (1935). “Old Tripos days at Cambridge”. The Mathematical Gazette (The Mathematical Association) 19 (234): 166. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ “The History of Mathematics in Cambridge”. Faculty of Mathematics, University of Cambridge. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ The six alumni are Michael Atiyah (Abel Prize and Fields Medal), Enrico Bombieri, Simon Donaldson, Richard Borcherds, Timothy Gowers, Alan Baker and the four official representatives were John G. Thompson, Alan Baker, Richard Borcherds, Timothy Gowers (see also “Fields Medal”. Wolfram MathWorld. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2009.)
- ^ The National Archives (biên tập). “Cambridge University Act 1856”. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2012.
- ^ University of Cambridge (biên tập). “Biography – The Hon. Richard Fitzwilliam”. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2012.
- ^ Taylor 1994, tr. 22
- ^ Cambridge University Physics Society (1995). Trong Cambridge University Physics Society. A Hundred Years and More of Cambridge Physics. ISBN 978-0-9507343-1-6.
- ^ University of Cambridge (biên tập). “The Revived University of the Nineteenth and Twentieth Centuries”. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2012.
- ^ University of Cambridge (biên tập). “The University after 1945”. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2005.
- ^ “At last, a degree of honour for 900 Cambridge women”. The Independent. Ngày 31 tháng 5 năm 1998. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ Martin, Nicole (ngày 8 tháng 6 năm 2006). “St Hilda’s to end 113-year ban on male students”. Daily Telegraph (UK). Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Single-sex colleges: a dying breed?”. HERO. June năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2009.
- ^ “Special No 19”. Cambridge University Reporter. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Cambridge City: Annual demographic and socio-economic report”. Cambridgeshire County Council. Tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ “A brief history of Punting”. Cambridge River Tour. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ “History of the School”. University of Cambridge. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ “West Cambridge site”. University of Cambridge. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ “Business school rankings: University of Cambridge, Judge Business School”. Financial Times. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2013.
- ^ “What makes Cambridge a model cycling city?”. The Guardian. Ngày 17 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ Shepard, Alexandra; Phil, Withington (2000). Trong Manchester University Press. Communities in Early Modern England: Networks, Place, Rhetoric. tr. 216–234. ISBN 978-0-7190-5477-8. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ “Is Town v Gown a thing of the past?”. Cambridge News. Ngày 7 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ “What is the Cambridge Phenomenon?”. Cambridge Phenomenon. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2012.
- ^ O’Grady, Jane (ngày 13 tháng 6 năm 2003). “Obituary – Professor Sir Bernard Williams”. The Guardian (UK). Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2009.
- ^ “Information about Churchill College”. Churchill College. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2008.
- ^ “Alternative Prospectus” (PDF). Cambridge University Students’ Union. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Survey ranks colleges by green credentials”. Varsity. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Homerton College Accommodation Guide”. Homerton College. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2013.
- ^ “Trinity College Accommodation Guide”. Trinity College. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2009.
- ^ “Analysis: Cambridge Colleges – £20,000 difference in education spending”. The Cambridge Student. Truy cập 25/04/2013.
- ^ “Westcott House – Partner Universities”. Westcott.cam.ac.uk. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2013.
- ^ “About the Schools, Faculties & Departments”. University of Cambridge. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2010.
- ^ “Home – News – University of Cambridge”. Admin.cam.ac.uk. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Update: Booming Blessed To Bloom As Chancellor? « The Tab”. Cambridgetab.co.uk. 2 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2013.
- ^ Caroline Davies (ngày 17 tháng 6 năm 2011). “Cambridge university chancellor race gets tasty as grocer joins in”. The Guardian (London). Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2011.
- ^ a ă “Election for the Office of Chancellor”. 21 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2011.
- ^ Statute and Ordinances, Historical Note: “The University is … consisting of a Chancellor, Masters and Scholars who from time out of mind have had the government of their members”
- ^ “University of Cambridge: how the University works”. Cam.ac.uk. 20 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2013.
- ^ Statutes and Ordinances, 2007–2008
- ^ “University of Cambridge Term dates”. University of Cambridge. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2010.
- ^ University of Cambridge – Terms of Study
- ^ University of Cambridge (2009). Trong Cambridge University Press. Statutes and Ordinances of the University of Cambridge 2009. tr. 179–180. ISBN 978-0-521-13745-4. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
- ^ Sastry, Tom; Bekhradnia, Bahram (ngày 25 tháng 9 năm 2007). “The Academic Experience of Students in English Universities (2007 report)” (PDF). Higher Education Policy Institute. tr. footnote 14. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2007. “Even within Russell Group institutions, it is remarkable how consistently Oxford and Cambridge appear to require more effort of their students than other universities. On the other hand, they have fewer weeks in the academic year than other universities, so the extent to which this is so may be exaggerated by these results.”
- ^ “Undergraduate Study – How will I be taught”. University of Cambridge. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ a ă â “Cambridge tops university rich list”. Financial Times. Ngày 15 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ Peter Pagnamenta (2008). The University of Cambridge: An 800th Anniversary Portrait. Third Millenium. tr. 295. ISBN 978-1-903942-65-9.
- ^ “Oxford and Cambridge: How different they are?”. report. Ngày 26 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2011.
- ^ “Gates to fund Cambridge scholarship”. BBC News. Ngày 23 tháng 5 năm 2000. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2013.
- ^ “Cambridge University Fundraising Campaign”. University of Cambridge. Ngày 10 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2012.
- ^ “Facilities and resources”. Cambridge Admissions Office. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2013.
- ^ “Legal Deposit in the British Library”. The British Library. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2013.
- ^ “Estate management – Active projects”. University of Cambridge. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2013.
- ^ Walford, Geoffrey (1986). Life in Public Schools. Taylor & Francis. tr. 202. ISBN 978-0-416-37180-2. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2009.
- ^ “Undergraudate Study – Admissions tests”. University of Cambridge. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2013.
- ^ Julie Henry (23 tháng 1 năm 2103). “Cambridge University entrance exam to make a comeback”. Daily Telegraph.
- ^ “Entrance requirements”. Cam.ac.uk. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Cambridge entry level is now A*AA”. BBC News. Ngày 16 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2010.
- ^ “Cambridge Interviews: the facts” (PDF). University of Cambridge. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2009.
- ^ “Board of Graduate Studies admissions flowchart”. University of Cambridge. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Cambridge tops research tables”. The Guardian (UK). Ngày 14 tháng 12 năm 2001. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ MacLeod, Donald (ngày 22 tháng 9 năm 2005). “University figures show sharp research divide”. The Guardian (UK). Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Thomson Scientific ranks UK research”. Thomson Scientific. Ngày 4 tháng 5 năm 2006. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “Report in the Times Higher Education Supplement”. Times Higher Education Supplement.
- ^ “Cambridge University press release”.
- ^ O’Leary, John (2012). Times Good University Guide 2013. HarperCollins. ISBN 978-0-00-746434-0.
- ^ “University league table”. The Guardian (London). Ngày 21 tháng 5 năm 2012.
- ^ a ă â b c d đ e “QS World University Rankings – University of Cambridge”. Quacquarelli Symonds Limited. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2013.
- ^ a ă â b c d đ e ê g “University of Cambridge – Performance in Academic Ranking of World Universities”. Academic Ranking of World Universities. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2013.
- ^ O’Leary, John (2011). The Times Good University Guide 2012. Times Books.
- ^ a ă Shepherd, Jessica (ngày 16 tháng 5 năm 2011). “University Guide 2012: Cambridge tops the Guardian league table”. The Guardian (London).
- ^ Vasagar, Jeevan (ngày 21 tháng 5 năm 2012). “Cambridge tops Guardian University Guide league table again”. The Guardian (London).
- ^ O’Leary, John; Kennedy, Patrick; Horseman, Nicki (2010). The Times Good University Guide 2011. HarperCollins UK. ISBN 978-0-00-735614-0.
- ^ O’Leary, John; Kennedy, Patrick; Horseman, Nicki (2009). The Times Good University Guide 2010. HarperCollins UK. ISBN 978-0-00-731348-8.
- ^ “University guide 2010: University league table | Education | guardian.co.uk”. Guardian (UK). Ngày 12 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009.
- ^ “The Complete University Guide 2010”. The Complete University Guide. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2013.
- ^ O’Leary, John; Kennedy, Patrick; Horseman, Nicki (ngày 16 tháng 6 năm 2008). The Times Good University Guide 2009. Times Books. ISBN 978-0-00-727353-9.
- ^ “The Complete University Guide 2009”. The Complete University Guide. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2013.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (London). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ Naughton, Philippe; Costello, Miles. “The Sunday Times Good University Guide League Tables”. The Sunday Times (UK). Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007.[liên kết hỏng]
- ^ “The Complete University Guide 2008”. The Complete University Guide. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2013.
- ^ O’Leary, John; Kingston, Bernard; Hindmarsh, Andrew (ngày 5 tháng 6 năm 2006). The Times Good University Guide 2007. Times Books. ISBN 978-0-00-723148-5.
- ^ Thompson, Damian (ngày 30 tháng 7 năm 2007). “University league table”. The Daily Telegraph (UK). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ O’Leary, John (ngày 6 tháng 6 năm 2005). The Times Good University Guide 2006. Times Books. ISBN 978-0-00-720303-1.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (London). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ a ă “The Sunday Times University League Table” (PDF). The Sunday Times (UK). Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007.
- ^ O’Leary, John; Hindmarsh, Andrew (2004). The Times Good University Guide 2005. HarperCollins. ISBN 978-0-00-716524-7.
- ^ “University ranking by institution”. The Guardian (London). Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2007.
- ^ Hindmarsh, Andrew; Kingston, Bernard; O’Leary, John (ngày 2 tháng 6 năm 2003). The Times Good University Guide 2004. Times Books. ISBN 978-0-00-715185-1.
- ^ Hindmarsh, Andrew; Kingston, Bernard; O’Leary, John (ngày 3 tháng 6 năm 2002). The Times Good University Guide 2003. Times Books. ISBN 978-0-00-712648-4.
- ^ “University league table”. The Daily Telegraph (UK).[liên kết hỏng]
- ^ University of Warwick (biên tập). “Academic Statistics 2002”. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2012.
- ^ a ă “The 2002 ranking – From Warwick”. Warwick Uni 2002.
- ^ a ă â b c “University ranking based on performance over 10 years” (PDF). The Times (UK). 2007. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2008.
- ^ “QS World University Rankings 2012 Results”.
- ^ “U.S.news World’s Best Universities: Top 400”.
- ^ “World University Rankings”. Times Higher Education. 2010–11. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2010.
- ^ “http://www.shanghairanking.com/ARWU2012.html”.
- ^ “The Top 100 Global Universities”. MSNBC. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “The Top 100 Global Universities”. MSNBC. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2008.
- ^ “URAP – University Ranking by Academic Performance”.
- ^ “Press Release”. Cambridge University Press. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2011.
- ^ “About the Union”. Cambridge University Students’ Union. Ngày 27 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
- ^ “A brief history of CUSU”. Cambridge University Students’ Union. Ngày 12 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
- ^ “£16m plans for new Cambridge University sports centre approved”. Cambridge News. Ngày 11 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2013.
- ^ “Societies Directory”. Cambridge University Students’ Union. Ngày 12 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
- ^ “Inside Cambridge: Fizz, Fellows and Formal Hall”. The Huffington Post. Ngày 5 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2012.
- ^ “Living in Cambridge”. Catalog. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2012.
- ^ This had the name “New Hall” before
Tham khảo
- Leedham-Green, Elisabeth (1996). A concise history of the University of Cambridge. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-43978-7.
- Leader, Damien (1988–2004). A history of the University of Cambridge. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-32882-1.
- Stubbings, Frank (1995). Bedders, bulldogs and bedells: a Cambridge glossary. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-47978-3.
- Smith, J.; Stray, C. (2001). Teaching and Learning in 19th century Cambridge. Boydell Press. ISBN 978-0-85115-783-2.
- Willis, Robert (1988). Trong John Willis Clark. The Architectural History of the University of Cambridge and of the Colleges of Cambridge and Eton. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-35851-4.
- Deacon, Richard (1985). The Cambridge Apostles: A History of Cambridge University’s Elite Intellectual Secret Society. Cassell. ISBN 978-0-947728-13-7.
- Garrett, Martin (2004), ‘Cambridge: a Cultural and Literary History’, Signal Books. ISBN 1-902669-79-7
- A history of the University of Cambridge, by Christopher N.L. Brooke, Cambridge University Press, 4 volumes, 1988–2004, ISBN 0-521-32882-9, ISBN 0-521-35059-X, ISBN 0-521-35060-3, ISBN 0-521-34350-X
- “Japanese Students at Cambridge University in the Meiji Era, 1868–1912: Pioneers for the Modernization of Japan”. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2009., by Noboru Koyama, translated by Ian Ruxton,A Translation from a Japanese Original. Lulu Press. 2004. ISBN 1-4116-1256-6. This book includes information about the wooden spoon and the university in the 19th century as well as the Japanese students.
- Webb, Grayden (2005). The History of the University of Cambridge and Education in England. Cambridge University Press. ISBN 0-521-32882-9.
- Anonymous (2009) [1790]. A Concise and Accurate Description of the University, Town and County of Cambridge. Cambridge University Press. ISBN 978-1-108-00065-9.
- Taylor, Kevin (1994). Central Cambridge: A Guide to the University and Colleges. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-45913-6.
Liên kết ngoài
Thể loại:
Trận Đồng Xoài
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Đồng Xoài hay Đợt II Chiến dịch Đồng Xoài là một trận đánh do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, mà phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cũng gọi là Việt Cộng, trong thời kỳ chiến dịch Đông-Xuân năm 1965. Đây là trận lớn nhất trong giai đoạn này của Chiến tranh Việt Nam.
Tiếp theo sau chiến thắng tại Bình Giã chỉ huy của quân Giải phóng miền Nam đã quyết định thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo đối với Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong một nỗ lực hủy diệt nhiều đơn vị của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Trong những tháng trước khi dẫn đến trận đánh này tại Đồng Xoài, qgp đã xuất kích qua Phước Bình và Sông Bé. Các cuộc tấn công này dù có quy mô nhỏ nhưng đã thúc giục phe Mặt trận mở cuộc tấn công tại huyện Đồng Xoài.
Quận Đồng Xoài đã được bố trí Lực lượng đặc biệt và dân quân của Việt Nam Cộng Hòa được Mỹ huấn luyện. Với hệ thống phòng thủ mạnh, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tự tin rằng căn cứ của họ có thể chống cự lại được tấn công của đối phương.
Dù các lực lượng VNCH do Mỹ lãnh đạo cuối cùng đông hơn quân địch gần 10 lần, qgp đã có thể áp dụng chiến thuật của mình và đã chặn (routed) được nhiều tiểu đoàn quân Việt Nam Cộng Hòa. Kết quả là một thất bại nữa và sự mất mặt của các lực lượng quân chính quy của Quân đội VNCH.
Bối cảnh
Doanh trại của Lực lượng đặc biệt Đồng Xoài nằm ở tỉnh Phước Long, cách Sài Gòn khoảng 88 km về phía tây bắc. Ngày 25 tháng 5 năm 1965, quân của biệt đội A-342 đã được chuyển vào khi doanh trại được xây xong.
Kể từ ngày Lực lượng đặc biệt đến, doanh trại này liên tục chịu các cuộc tấn công bằng súng cối của quân đối phương mà không biết ý định của đối phương là gì và Lực lượng đặc biệt trong trại tin rằng đó là quấy nhiễu như thông thường. Quan điểm đó được củng cố thêm bởi các cuộc tấn công của quân Mặt trận vào các mục tiêu liên quan ở Phước Bình, nơi Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn Q762 phòng thủ khu vực và phải gánh chịu thương vong nặng nề bởi lực lượng phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Việc phá hủy tiêu khu Phước Bình và các cuộc tấn công lớn vào Sông Bé đã khiến cho lực lượng tăng viện gồm 2 trung đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được chuyển tới. Với việc bổ sung quân này, việc tuần tra được tăng cường. Trong vòng hơn 2 tuần, tần suất các cuộc tấn công tăng lên. Mặc dù vậy, quân trong doanh trại này có ít thời gian để chuẩn bị ứng phó với cuộc tấn công cuối cùng của qqp với lực lượng gồm Q762 và một số bộ phận của Trung đoàn Q763 mới được thành lập.
Trận đánh
Trận đánh bắt đầu vào ngày 10 tháng 6 sau nửa đêm, khi Q762 của Mặt trận với một số đơn vị từ Q763, một phần của Sư đoàn 9 đã tiến hành các cuộc tấn công với các loạt súng cối không ngớt và các hỏa lực nhỏ, bắn vào các boong ke và các vị trí súng máy. Vòng phòng thủ ngoài của tiêu khu bị phá hủy và qgp chiếm được các hệ thống boong ke chủ chốt.
Do bất ngờ bởi bị tấn công vào sáng sớm, những người lính bên trong quận có ít thời gian để phản ứng. Thiếu úy Charles W. Williams, chỉ huy của biệt đội đã ra lệnh cho quân mình nắm giữ vị trí phòng thủ bên trong sở chỉ huy quận sau khi ông đã nhận ra rằng doanh trại đã gần như bị địch phá tan.
Lúc sáng sớm, quân lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện không tác vào các vị trí của quân Mặt trận bằng bom napalm, nhưng quân Mặt trận đã bám chặt các vị trí bên trong các đồn điền cao su. Trong khi qgp tiếp bắn phá doanh trại, một trực thăng Huey UH-1 của Đại đội 118 Không lực Hoa Kỳ đã rời sân bay Tân Sơn Nhất chở theo một số binh lính Sư đoàn Bộ binh 5 Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhiệm vụ chính của họ là tăng viện cho quân phòng thủ của họ đang bị vây hãm trong doanh trại.
Hỏa lực phòng không của qgp đã ngăn trở việc hạ cánh của máy bay chở quân cứu viện tới, và quân VNCH trên mặt đất chịu thương vong nặng nề. Sau đó một ngày, các lực lượng viện binh từ Tiểu đoàn 42 của QLVNCH đã bị buộc phải hạ cánh xuống Thuận Lợi, nơi họ lập tức giao chiến và tiếp tục cho đến đêm. Một tiểu đoàn Mỹ đã hạ cánh tại đường băng Đồng Xoài nhưng đã không được tướng William Westmoreland cho tham chiến.
Các điều kiện bên trong quận Đồng Xoài tiếp tục xấu đi với việc thực phẩm, nước, thuốc men và đạn dược còn ít. Sau một đêm nữa kinh sợ bên trong trại, người ta đã quyết định rút quân.
Trước sáng sớm ngày 11 tháng 7, qgp đã rút lui và biến mất trong rừng để lại QLVNCH bị tan tác. Lực lượng còn lai này hoảng loạn và mất tinh thần đã chịu tổn thất là 800 quân chết còn Mỹ thì chịu 35 trường hợp thương vong.
Hậu quả
|
Bài viết (hoặc đoạn) này hiện gây tranh cãi về tính trung lập.
Các thảo luận liên quan có thể được tìm thấy tại trang thảo luận. Xin đừng xóa bảng thông báo này cho đến khi kết thúc hoặc đạt được đồng thuận trong vấn đề này. |
Thương vong nặng nề tại Đồng Xoài là một sự bẽ mặt nữa của chính quyền VNCH, một lần nữa thể hiện sự bất lực của Quân đội chính quy của Việt Nam Cộng hòa trong việc giao chiến với lối du kích của VC tại những giai đoạn đầu của xung đột[cần dẫn nguồn].
Chiến thắng tại Đồng Xoài đã vượt quá mong đợi của Bộ Tư lệnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dù qgp không giữ được trận địa, họ vẫn có thể giữ được vị trí và giành được mục tiêu gây tổn thất cho những đơn vị tốt nhất của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Quân gp rút lui và mang theo một chiến thắng chiến thuật cũng như các cơ hội tuyên truyền. Theo Mặt trận, chiến thắng Đồng Xoài đã “thêm một trang vẻ vang vào lịch sử đấu tranh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chống cuộc chiến tranh của Đế quốc Mỹ xâm lược”.
Trung đoàn Q762 của Mặt trận đã được Mặt trận gọi tên “Trung đoàn Đồng Xoài” sau cuộc chiến thắng quân sự này.
Ghi chú
- ^ Kelley, Michael P. (2002). Where We Were In Vietnam. Hellgate Press. tr. p. 5–158. ISBN 1-55571-625-3.
Tham khảo
- Tài liệu của Quân giải phóng do Mỹ thu được: Lịch sử Trung đoàn 272, Sư đoàn 9 Giải phóng quân – History of the 272nd Regiment, 9th PLAF Division. 1968
- Dougan.C, Doyle.E, Lipsman.S, Martland.T, Weiss.S (1983) The Vietnam Experience: A Contagion of War. Boston Publishing Company, USA.
Báo chí đương đại
Liên kết ngoài