Thể loại:
Hoàng Diệu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hoàng Diệu (chữ Hán: 黃耀;[1] 1829 – 1882) là một quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882.
Xuất thân
Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, sau mới đổi là Hoàng Diệu, tự là Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Kỉ Sửu (1829), trong một gia đình có truyền thống nho giáo tại làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam[1]). Gia đình ông có 7 anh em và họ đều nổi tiếng là những người thông minh trong vùng. Sử chép rằng gia đình Hoàng Diệu có một người đỗ phó bảng, ba người đỗ cử nhân, hai người tú tài trong các kỳ thi dưới thời vua Tự Đức. Một trong những hậu duệ của ông hiện tại là nhà toán học Hoàng Tụy.
Sự nghiệp
Hoàng Diệu là người nổi bật nhất trong số các anh em trong gia đình. Năm 20 tuổi ông đã đồng đỗ Cử nhân với anh trai Hoàng Kim Giám (khi ấy 23 tuổi) khoa Mậu Thân (1848) trong khoa thi Hương tại Thừa Thiên, năm 25 tuổi đỗ Phó bảng khoa Quý Sửu (1853), thời vua Tự Đức [2]. Năm 1851, ông được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Tri huyện Tuy Phước rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định).
Năm 1864, xảy ra vụ nổi dậy của Nguyễn Phúc Hồng Tập, con hoàng thân Miên Áo, em chú bác của Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức), cùng với một số người khác. Bại lộ, Hồng Tập và Nguyễn Văn Viện bị án chém. Hoàng Diệu đến nhậm chức Tri huyện Hương Trà thay Tôn Thất Thanh bị đổi đi nơi khác, bấy giờ có mặt trong lúc hành quyết đã nghe Hồng Tập nói: “Vì tức giận về hòa nghị mới bị tội, xin chớ ghép vào tội phản nghịch”. Sau đó các quan Phan Huy Kiệm, Trần Gia Huệ và Biện Vĩnh tâu lên Tự Đức, đề nghị nhà vua nên theo gương Hán Minh Đế, thẩm tra lại vụ án. Tự Đức phán là vụ án đã được đình thần thẩm xét kỹ, nay nghe Phan Huy Kiệm nói Hoàng Diệu đã kể lại lời trăng trối của Hồng Tập, bèn quyết định giáng chức Phan Huy Kiệm, Trần Gia Huệ, Biện Vĩnh và Hoàng Diệu[3].
Được phục chức sau vụ “tẩy oan” Hồng Tập, Hoàng Diệu lần đầu ra Bắc năm 1868, làm Tri phủ Đa Phúc, rồi Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, Bố chính Bắc Ninh. Trong chín năm ấy, ông lập nhiều quân công, dẹp trộm cướp và an dân, ở đâu ông cũng được sĩ dân quý mến.
Năm 1873 ông được triệu về kinh đô Huế giữ chức Tham tri Bộ Hình rồi Tham tri Bộ Lại, kiêm quản Đô Sát Viện, dự bàn những việc ở Cơ Mật Viện. Năm 1878, đổi làm Tuần phủ Quảng Nam, thăng Tổng đốc An Tịnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), nhưng vì nguyên Tổng đốc Nguyễn Chính vẫn lưu nhiệm nên ông ở lại Huế, làm Tham tri Bộ Lại (Thực lục của Cao Xuân Dục). Chẳng bao lâu sau, ông được sung chức Phó Toàn quyền Đại Thần đàm phán với Sứ thần Tây Ban Nha một hiệp ước giao thương. Đầu năm 1880, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, lãnh chức hàm Thượng thư bộ Binh[2], kiêm quản cả việc thương chính.
Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp lúc bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chiến đấu, kinh lý, biên phòng. Như Đại Nam chính biên liệt truyện đã nêu, tổng đốc Hà Ninh đã “cùng với tổng đốc tỉnh Sơn Tây Nguyễn Hữu Độ dâng sớ nói về việc bố phòng, lại cùng với Nguyễn Đình Nhuận mật tâu về chước phòng vị sẵn”. Vua Tự Đức khen. “Nhưng sau đó – như trong di biểu nêu – vua lại trách cứ lưu binh… vì sợ giặc”… “chế ngự không đúng cách” (?)
Một mặt khác, Hoàng Diệu quan tâm ổn định chăm lo đời sống của dân chúng trong công bằng và trật tự. Ngày nay, ở Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, còn áp ở mặt tường cổng ra vào một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ (Thân cấm khu tệ), niêm yết năm 1881, của Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng, nhằm ngăn chặn các tệ nhũng nhiễu đối với nhân dân trong các dịp ma chay, cưới xin cũng như nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ, kèm theo các quy định cụ thể cần thi hành đến nơi đến chốn. Một di tích quý hiếm nói lên tấm lòng ưu ái của người công bộc mãi mãi còn giá trị của nó.
Từ 1879 đến 1882, Ông làm Tổng đốc Hà Ninh quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và phụ cận. Ông đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ), thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu đã tự vẫn tại Võ Miếu để không rơi vào tay đối phương.
Người Hà Nội vô cùng đau đớn trước cái chết của ông, ngay hôm sau, nhiều người họp lại, sắm sửa mền nệm tử tế, rước quan tài của Hoàng Diệu từ trong thành ra, tổ chức khâm liệm và mai táng tại khu vườn Dinh Đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star ở đường Trần Quý Cáp cạnh chợ Ngô Sĩ Liên, sau ga Hà Nội).
Hơn một tháng sau hai người con trai ông ra Hà Nội lo liệu đưa thi hài thân sinh về an táng ở quê quán vào mùa thu năm ấy.
Khu lăng mộ Hoàng Diệu, theo quyết định ngày 25 tháng 1 năm 1994 của Bộ Văn hóa Thông tin, được công nhận là một di tích lịch sử – văn hóa của Việt Nam.
Quyết tử với Hà thành
Năm 1873, sau khi chiếm được Nam Bộ, Pháp chuẩn bị tiến ra Bắc Bộ. Vua Tự Đức giao phó cho Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh. Ngay khi tới Hà Nội Hoàng Diệu đã chú tâm tới việc xây dựng thành lũy chuẩn bị lực lượng để chống Pháp. Từ năm 1880 đến 1882, ông đã hai ba lần dâng sớ xin triều đình chi viện để củng cố phòng tuyến chống giặc tại Hà Nội, nhưng không nhận được hồi âm từ Huế.
Đầu năm 1882, lấy cớ Việt Nam không tôn trọng hiệp ước năm 1873 mà lại đi giao thiệp với Trung Hoa, dung túng quân Cờ Đen (một nhánh quân của Thái Bình Thiên Quốc) ngăn trở việc giao thông trên sông Hồng của người Pháp, Đại tá Henri Rivière của Hải quân Pháp cho tàu chiến cùng hơn 400 quân đóng trại tại Đồn Thủy (trên bờ bắc sông Hồng, cách thành Hà Nội 5 km) nhằm uy hiếp Hà Nội. Hoàng Diệu đã hạ lệnh giới nghiêm tại Hà Nội và bố cáo các tỉnh xung quanh sẵn sàng tác chiến, đồng thời yêu cầu viện binh từ triều đình Huế.
Tuy nhiên phái chủ bại của triều đình Huế đã thuyết phục vua Tự Đức chấp nhận mất miền Bắc để giữ an toàn cho ngai vàng. Vua Tự Đức đã hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu đã đem binh dọa giặc và chế ngự sai đường. Nhưng Hoàng Diệu đã quyết tâm sống chết với thành Hà Nội. Các quan xung quanh ông Hoàng Diệu lúc bấy giờ có Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chính Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá và Lãnh binh Lê Trực đã cùng nhau uống rượu hòa máu tỏ quyết tâm sống chết với Hà thành.
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội
Rạng ngày 25 tháng 4 năm 1882, tức ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ, Henri Rivière cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, đưa tối hậu thơ, yêu sách ba điều:
- Phá các tao tác phòng thủ trong thành.
- Giải giới binh lính.
- Đúng 8 giờ các vị quan văn võ trong thành Hà Nội phải thân đến trình diện với Henri Rivière. Sau đó, quân Pháp sẽ vào thành kiểm kê. Xong sẽ giao trả thành lại.
Hoàng Diệu tiếp tối hậu thư, liền sai Tôn Thất Bá đi điều đình. Nhưng không đợi trả lời, lúc 8 giờ 15, Rivière với 4 tàu chiến là La Fanfare, La Massue, La Hache, La Surprise (tàu này không kịp tới, vì mắc cạn dọc đường Hải Phòng đi Hà Nội) bắn vào thành yểm trợ cho số quân 450 người và một ít thân binh đổ bộ hòng chiếm thành Hà Nội[3].
Ngay trong những phút đầu tiên, hoàng thân Tôn Thất Bá chạy trốn vào làng Mọc (Nhân Mục) ở phía Đông Nam Hà Nội theo Pháp và thông báo tình hình trong thành Hà Nội cho họ. Đồng thời, Bá cũng dâng sớ lên vua Tự Đức đổ tội cho Hoàng Diệu và xin với Pháp cho Bá thay làm Tổng đốc Hà Ninh.
Tuy vậy, quân Pháp vẫn vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Hà thành dưới sự chỉ huy của Hoàng Diệu[4]. Quân Pháp bị thiệt hại nặng và phải rút ra ngoài tầm súng để củng cố lực lượng.
Nhưng trong lúc chiến sự diễn ra khốc liệt thì kho thuốc súng của Hà Nội nổ tung[5], do Việt gian mua chuộc bởi bọn Pháp làm. Một số nhà sử học còn đoán rằng nó liên quan tới phản thần Tôn Thất Bá.[4] dẫn tới đám cháy lớn trong thành làm cho lòng quân hoang mang. Quân Pháp thừa cơ phá được cổng Tây thành Hà Nội và ùa vào thành. Bố chính Nguyễn Văn Tuyển, Đề đốc Lê Văn Trinh và các lãnh binh bỏ thành chạy, còn Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng trốn trong hành cung.
Trong tình thế tuyệt vọng, Hoàng Diệu vẫn tiếp tục bình tĩnh dẫn đầu quân sĩ chiến đấu chống lại quân Pháp dù lực lượng ngày càng yếu đi, không thể giữ được thành nữa. Cuối cùng, Hoàng Diệu đã ra lệnh cho tướng sỹ giải tán để tránh thương vong. Một mình Hoàng Diệu vào hành cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 54 tuổi.
Tờ di biểu, ông cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội cho vua Tự Đức:
- Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng…[6].
Ông mất ngày 25 tháng 4 năm 1882, thọ 54 tuổi.
Thương tiếc
Hoàng Diệu được đông đảo sĩ phu, nhân dân Hà Nội và Bắc Hà khâm phục thương tiếc. Ông được thờ trong đền Trung Liệt (cùng với Nguyễn Tri Phương) trên gò Đống Đa với câu đối:
- Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
- Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên
Dịch:
- Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
- Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh
Vua Tự Đức mặc dầu không ủng hộ Hoàng Diệu trong việc chống đối với quân Pháp tại thành Hà Nội, vẫn phải hạ chiếu khen ông đã tận trung tử tiết, sai quân tỉnh Quảng Nam làm lễ quốc tang[7].
Tôn Thất Thuyết, một đại biểu nổi tiếng của sĩ phu kiên quyết chống Pháp đã ca ngợi ông trong hai câu đối:
- Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện
- Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm
Dịch:
- Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước
- Bình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm
Cụ Phó bảng Nguyễn Trọng Tỉnh có bài thơ điếu Hoàng Diệu, ghi lại trong Lịch sử vua quan nhà Nguyễn của Phạm Khắc Hòe như sau:
- Tay đã cầm bút lại cầm binh
- Muôn dặm giang sơn nặng một minh
- Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa
- Giữ thành, thành mất, mất theo thành
- Suối vàng ắt hẳn mài gươm bạc
- Lòng đỏ thôi đành gửi sử xanh
- Di biểu nay còn sôi chính khí
- Khiến người thêm trọng bút khoa danh.
Trích hai đoạn bút ký:
- Tôi có đi thăm mộ cụ Hoàng Diệu ở giữa cánh đồng Xuân Đài. Mộ không bề thế như tôi tưởng, còn quá nhỏ so với lăng mộ của những viên quan lớn vô tích sự trên triều đình Huế mà tôi vẫn thường thấy. Mộ là một nắm vôi khô nằm vùi giữa đồng cỏ voi, xa khu dân cư…
- …Hồi nhỏ nhà nghèo, mẹ chăn tằm dệt lụa nuôi con ăn học. Hoàng Diệu lớn lên bằng tuổi trẻ gian khổ ở làng quê, buổi sáng sớm đi học chỉ súc miệng và nhịn đói, trưa về ăn một chén bắp nấu đậu, đến tối cả nhà chia mỗi người một bát cơm. Ngày nghe tin chồng tuẫn tiết, bà Hoàng Diệu đang cuốc cỏ lá de, ngất xỉu ngay trên bờ ruộng…Làm quan Tổng đốc mà nhà còn nghèo đến thế, huống là nhà dân…[5]
- Đi thăm mộ Hoàng Diệu, (nghe) lúc làm quan, có lần ông gửi về cho mẹ một vóc lụa. Bà mẹ không nhận, gửi trả lại cho con, kèm theo một nhánh dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của dân.[6]
Ghi chú
- ^ Theo phả họ Hoàng thì Hoàng Diệu gốc từ Huệ Trì, huyện Quang Minh, phủ Nam Sách, đạo Hải Dương. Cụ tổ vào lập nghiệp ở vùng Kỳ Lam truyền được mười đời, gốc họ Mạc. Ông là đời thứ 7. [8][9]
- ^ Đây chỉ là chức hàm, không phải chức vụ.
- ^ Xem “Corresponance politique du Commanant Henri Riviere au Tonkin”, tác giả André Masson.
- ^ Hoàng Diệu trực tiếp chỉ huy quân sĩ chống cự tại cửa Bắc.
- ^ Các sử liệu không thống nhất nhau. Có tài liệu cho rằng Pháp thuê Việt gian đốt. Tài liệu khác lại ghi là chính Tôn Thất Bá đã làm nội tuyến cho Pháp.
- ^ Xem “Việt Sử Toàn Thư“, tác giả Phạm Văn Sơn. tr 658.
- ^ Xem “Việt Sử Toàn Thư”, tác giả Phạm Văn Sơn. tr 658.
Liên kết
Trận thành Hà Nội (1882)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bối cảnh
Phía Việt Nam
Năm 1873, sau khi chiếm được Nam Bộ, Pháp chuẩn bị tiến ra Bắc Bộ. Vua Tự Đức giao phó cho Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh, năm 1880. Ngay khi tới Hà Nội Hoàng Diệu đã chú tâm tới việc xây dựng thành lũy chuẩn bị lực lượng để chống Pháp. Từ năm 1880 đến 1882, ông đã hai ba lần dâng sớ xin triều đình chi viện để củng cố phòng tuyến chống giặc tại Hà Nội, nhưng không nhận được hồi âm từ Huế. Lúc này chủ trương của triều đình Tự Đức vẫn là dùng thương thuyết để ngăn ngừa chiến tranh một cách thụ động. Triều đình Huế còn bác bỏ đề nghị đem quân thượng du về bảo vệ Hà Nội và trung châu, của Hoàng Kế Viêm thống đốc quân vụ Tây Bắc.
Đầu năm 1882, lấy cớ Việt Nam không tôn trọng hiệp ước năm 1873 mà lại đi giao thiệp với Trung Hoa, dung túng quân Cờ Đen (một nhánh quân của Thái Bình Thiên Quốc) ngăn trở việc giao thông trên sông Hồng của người Pháp, Đại tá Henri Rivière của Hải quân Pháp cho tàu chiến cùng hơn 400 quân đóng trại tại Đồn Thủy (khu nhượng địa của Pháp từ năm 1873, trên bờ Nam sông Hồng, cách thành Hà Nội 5 km, tại vị trí bệnh viện Việt Xô ngày nay) nhằm uy hiếp Hà Nội. Hoàng Diệu đã hạ lệnh giới nghiêm tại Hà Nội và bố cáo các tỉnh xung quanh sẵn sàng tác chiến, đồng thời yêu cầu viện binh từ triều đình Huế. Tuy nhiên, vua Tự Đức đã hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu đã đem binh dọa giặc và chế ngự sai đường. Nhưng Hoàng Diệu đã quyết tâm sống chết với thành Hà Nội. Ông cùng với Tuần phủ Hoàng Hữu Xung, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chính Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thức Bá và Lãnh binh Lê Trực uống rượu hòa máu tỏ quyết tâm sống chết với Hà thành.
Lực lượng phòng thủ tại Hà Nội, theo bá tước De Kergaradec, lãnh sự đầu tiên của Pháp tại Hà nội từ năm 1875, trong báo cáo về các lực lượng An nam Bắc Kỳ năm 1880, cho biết[1]: quân đội Việt nam ứng trực tại Bắc kì không chia ra kị binh hay pháo binh, mà chỉ gồm toàn bộ binh. Quân An Nam tại Bắc Kỳ được chia làm hai loại a) Binh lính từ Kinh đô Huế, được coi là ưu tú nhất nước. Hai tiểu đoàn được đặt dưới quyền của Hoàng kế Viêm đóng trong tỉnh Sơn Tây. Một nghìn năm trăm lính khác được phân cho các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội và Hải Dương. Lính từ kinh đô tới phục vụ Bắc Kỳ lên đến 2500 người b) Lính của các tỉnh, trên giấy tờ có khoảng 60.000 quân; nhưng trên thực tế nhiều lắm chỉ có được một phần tư (15.000). Ngoài ra còn có 5000 lính lệ của phủ huyện, và 5000 lính phu trạm. Ngoài ra còn phải kể đến những lực lượng quân sự khác đồn trú tại Bắc Kỳ như quân Cờ đen có từ 1500 tới 1600 quân, dũng cảm và vũ trang tốt hơn quân chính qui An Nam.
Về mặt vũ khí: hai phần ba lính không có súng, mà chỉ được trang bị một cây giáo hoặc gươm. Một phần ba có súng, nhưng phần nhiều là những khẩu hoa mai cũ kĩ; người ta thấy có một trăm khẩu súng nhồi thuốc trong thành Hà Nội.
Tình hình phòng thủ Thành Hà nội, tổng số lính ghi trong sổ quân: Số lính chính quy: 7.496 gồm – Mười tiểu đoàn chính quy: 5.922 – Thủy binh: 541 – Hai trung đội thu thuế thương chính: 108 – Pháo binh giữ tường thành: 151 (hai trung đội). Số lính phụ binh: 1.574 gồm – Một tiểu đoàn lính vệ (tình nguyện): 442 – Lính giám thành: 500 – Lính chạy trạm: 632
Thành Hà nội được xây dựng theo hình mẫu châu Âu từ thế kỉ trước, bản vẽ do các sĩ quan Pháp từng phục vụ vua Gia Long thực hiện. Mỗi cạnh tường thành dài ít nhất là 1200 mét, đắp bằng đất, bên ngoài phủ một lớp gạch lớn rất chắc. Trên mặt thành có 49 khẩu đại bác, nhưng tất cả đều bị rỉ sét và chắc là không phát pháo được.
Phía Pháp
Theo Hiệp ước 1874, Pháp được phép đóng một đồn binh gồm 100 người tại Đồn Thủy trên sông Hồng. Quan hệ giữa chính quyền sở tại và người Pháp luôn ở trạng thái căng thẳng. Các quan nhà Nguyễn cho rằng người Pháp chẳng có lý do gì đáng kể để duy trì một đồn binh tại Bắc kỳ, ngoài việc làm tiền đồn để quân Pháp xâm lược Bắc kỳ. Thống đốc Nam kỳ, Charles Marie Le Myre de Vilers, thì cho rằng trở ngại chính cho việc giao thương trên sông Hồng của họ là quân Cờ đen. Để giải quyết cái gai này thì theo ông ta chỉ cần đợi lúc nước ròng, cho giang thuyền bắn phá các doanh trại Cờ đen là đủ để phá tan đám “thổ phỉ” này. Việc khó khăn nhất chỉ là chọn cho được một viên chỉ huy chín chắn, chứ không phải một người bốc đồng, luôn tơ tưởng đến chiến công thành lập một đế quốc phương đông như Garnier, và người được chọn ấy là Henri Rivière. Đồng thời, họ cũng sẽ tránh các xung đột vũ trang không cần thiết với quân nhà Thanh nếu quân Thanh can thiệp. Khi Đô đốc Jauréguiberry, người luôn cổ vũ chính sách chinh phục Bắc kỳ, lên làm Bộ trưởng Bộ Hải quân ở Paris, thì kế hoạch của Le Myre de Vilers được chấp thuận.
Ngày 26 tháng 3 năm 1882, Rivière trên hai thuyền chiến, rời Sài Gòn ra bắc cùng 230 lính, để tăng cường cho đồn binh đóng ở trên sông Hồng. Vừa đặt chân lên đất liền, Rivière đã trở nên hết sức phấn khích, không khác gì Garnier khi trước. Theo ông ta, các quan lại bướng bỉnh người Việt phải bị trừng trị thích đáng, những công sự phòng thủ của quân Nam hoàn toàn có thể phục vụ tấn công… và những việc như vậy là không thể chấp nhận được. Ngày 24 tháng 4, sau khi nhận được 250 quân Pháp từ miền Nam đến tiếp viện thêm, Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu, đòi giao nộp thành ngay lập tức. Khi Hoàng Diệu còn chưa kịp trả lời, thì pháo thuyền của quân Pháp đã nổ súng bắn vào thành[2].
Diễn biến
Vết đại bác trên cổng Bắc thành Hà Nội do pháo thuyền của Pháp bắn vào. Nguyên văn biển đá bằng tiếng Pháp: 25 avril 1882: Bombarde de la citadelle par les canonnières “Surprise” et “Fanfare”; nghĩa là Ngày 25/04/1882: Vết bắn phá thành của các pháo thuyền “Surprise” và “Fanfare”.
Lực lượng Pháp dưới quyền Trung tá hạm trưởng Henri Rivière được rời Sài Gòn ngày 26 tháng 3 năm 1882 với 2 tàu chiến Drac và Parseval,[3] chở theo 2 đại đội thủy bộ binh do thiếu tá Chanu chỉ huy, một toán biệt phái xạ thủ An Nam, 5 tàu sà-lúp máy hơi nước, mỗi binh sĩ được trang bị 200 viên đạn. Trước khi lên đường, Henri Rivière được lệnh phải tuân thủ hiệp định đã ký và chỉ được dùng vũ lực trong trường hợp cần thiết,[3] tuy nhiên người ta cũng hiểu rằng chỉ cần có phản ứng nhỏ của quan lại Việt Nam thì Rivière lập tức hành động.[4] Đại đội quân binh Pháp tới Hải Phòng ngày 2 tháng 4 rồi dùng tàu sà-lúp đưa quân đến Hà Nội ngày 3 tháng 4 năm 1882, rồi đóng quân ở Đồn Thủy hiện đang có 2 đại đội thủy bộ binh đóng giữ dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Berthe de Villers.[4] Tổng số quân Pháp đóng ở ngoài thành Hà Nội lúc này là 600 bộ binh gồm 450 lính thủy quân lục chiến, 130 lính thủy và 20 lính bản xứ.[5]
Được tin quân Pháp động binh, quan binh Bắc Kỳ lo phòng bị chống giữ. Henri Rivière không được tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu tiếp đón long trọng có ý không hài lòng và gợi sự ra bằng cách cho rằng các việc sửa soạn phòng bị của quan binh triều đình ở Bắc Kỳ là có tính cách thù địch và khiêu khích.[6]
Ngày 8 tháng 3 (âm lịch) năm Nhâm Ngọ tức 25 tháng 4 năm 1882, vào lúc 5 giờ sáng. H. Rivière gởi tối hậu thư đến Tổng đốc Hoàng Diệu hạn đến 8 giờ sáng thì trong thành phải giải giáp và các quan lại phải đến trình diện tại Đồn Thủy nếu không Rivière sẽ chiếm thành.[6] Trước đó triều đình Huế đã phái ngay Tả thị lang bộ Hộ Nguyễn Thành Ý vào Sài Gòn biện bạch về những lý do khiến cho người Pháp phải động binh đồng thời cũng gởi khẩn thư lệnh cho quan binh Bắc Kỳ phải giữ nguyên trạng thành Hà Nội như đã có trước khi các đội quân của H. Rivière kéo đến nhưng khẩn thư nầy tới quá trễ. Quân quan nhà Nguyễn trong thành Hà Nội tổ chức chống cự đơn độc mà không có sự chi viện kịp thời của các cánh quân từ Sơn Tây (Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc) và Bắc Ninh (Trương Quang Đản), mặc dù cánh quân của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc đóng ở Phủ Hoài (Dịch Vọng, Từ Liêm) cách Hà Nội không xa.
Đúng 8:15, các pháo thuyền Fanfare, Surprise, Massue và Carbine từ bờ sông Hồng bắn đại bác vào thành. Tới 10:45, quân Pháp đổ bộ tấn công vào thành. Vào lúc 11 giờ thì quân Pháp chiếm được thành. Thiếu tá Berthe des Villers và 3 binh sĩ Pháp bị thương. Trong thành Hà Nội, Hoàng Diệu cùng lãnh binh Hồ Văn Phong chỉ huy phòng thủ cửa Bắc, đề đốc Lê Văn Trinh giữ của Đông, lãnh binh Lê Trực giữ cửa Tây và lãnh binh Nguyễn Đình Đường giữ cửa Nam. Phía quân triều đình có 40 tử trận và chỉ có 20 bị thương, vì đa số binh lính đều bỏ thành chạy trốn. Ở cửa Đông và cửa Nam, Lê Văn Trinh và Nguyễn Đình Đường sợ hãi bỏ trốn. Tổng đốc Hoàng Diệu cố gắng chống cự nhưng quân Pháp đã tràn vào thành, đành treo cổ tự vẫn dưới một cái cây trước Võ Miếu (Võ Miếu, sau bị phá hủy cùng thành Hà Nội, nằm tại góc tây nam thành ở vị trí đầu phố Chu Văn An trước mặt trụ sở Bộ Ngoại giao ngày nay).
Hệ quả
Sau khi chiếm được thành, Rivière cho đi tìm Tôn Thất Bá để giao lại thành, nhưng quân Pháp vẫn ở lại Hành cung, đóng giữ cửa đông và cửa bắc. Hai bên chính thức ký kết việc giao trả thành Hà-Nội vào ngày 29 tháng 4 năm 1882, có hiệu lực từ 01 tháng 05 năm 1882. Quân binh đồn trú của triều đình không được quá số 200 người và không được xây đắp thêm hào lũy hay đồn canh phòng thủ chung quanh thành [7] Mặc dù trái lệnh ban đầu được giao về việc chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết, hành động của Rivière vẫn được thống đốc Nam Kỳ bao che và Rivière thậm chí còn được tặng thưởng huân chương về chiến tích này.[6]
Chú thích
- ^ Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung hoa- 1847 – 1885, Yoshiharu Tsuboï
- ^ Việc đánh thành Hà Nội là tự ý Rivière, chứ không nằm trong kế hoạch của Le Myre de Vilers
- ^ a ă Antonini, Paul, tr. 269
- ^ a ă Antonini, Paul, tr. 270
- ^ Rambaud, Alfred, tr. 424
- ^ a ă â Antonini, Paul, tr. 271
- ^ P.Vial, trang 99
Tài liệu tham khảo
- Quốc triều chánh biên toát yếu, Cao Xuân Dục, 1909
- Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, 1919
- Paulin Vial (1899). Nos Premières Années au Tonkin. Baratier et Molaret.
- Antonini, Paul (1890). Annam, le Tonkin et l’Intervention de la France en Extrême Orient. Paris: Librairie Bloud et Barral.
- Rambaud, Alfred (1888). La France Coloniale. Paris: Armand Colin et Cie.
Thể loại:
ADN
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bài này viết về phân tử mang thông tin di truyền mã hóa. Đối với các định nghĩa khác, xem
ADN (định hướng).

Quá trình tự nhân đôi của ADN, dấu hiệu của sự sống
Một phần Cấu trúc của chuỗi xoắn kép ADN.
Axit Deoxyribo Nucleic (viết tắt ADN theo tiếng Pháp hay DNA theo tiếng Anh) là một phân tử acid nucleic mang thông tin di truyền mã hóa cho hoạt động sinh trưởng và phát triển của các vật chất hữu cơ bao gồm cả một số virus. ADN thường được coi là vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử tham gia quyết định các tính trạng. Trong quá trình sinh sản, phân tử ADN được nhân đôi và truyền cho thế hệ sau.
Trong những tế bào sinh vật nhân thật (eukaryote), ADN nằm trong nhân tế bào trong khi ở các tế bào vi khuẩn hay các prokaryote khác (archae), ADN không được màng nhân bao bọc, vẫn nằm trong tế bào chất. Ở những bào quan sản sinh năng lượng như lục lạp và ty thể, cũng như ở nhiều loại virus cũng mang những phân tử ADN đặc thù.
Sơ lược về ADN
- ADN có thể được hiểu một cách đơn giản là nơi chứa mọi thông tin chỉ dẫn cần thiết để tạo nên các đặc tính sự sống của mỗi sinh vật;
- Mỗi phân tử ADN bao gồm các vùng chứa các gene cấu trúc, những vùng điều hòa biểu hiện gene, và những vùng không mang chức năng, hoặc có thể khoa học hiện nay chưa biết rõ gọi là ADN rác;
- Cấu trúc phân tử ADN được cấu thành gồm 2 chuỗi có thành phần bổ sung cho nhau từ đầu đến cuối. Hai chuỗi này được giữ vững cấu trúc bằng những liên kết hiđrô. Các liên kết này khi bị cắt sẽ làm phân tử ADN tách rời 2 chuỗi tương tự như khi ta kéo chiếc phéc mơ tuya;
- Về mặt hoá học, các ADN được cấu thành từ những viên gạch, gọi là nucleotide, viết tắt là Nu. Do các Nu chi khác nhau ở bazơ nitơ (tức là Bazơ-Nitric hay nucleobase) (1Nucleobase = 1 đường Desoxyribose + 1 Axit phôtphoric + 1 nucleobase), nên tên gọi của Nu cũng là tên của nucleobase mà nó mang. Trong ADN, chỉ có 4 loại gạch cơ bản là Adenine (viết tắt là A), Thymine (viết tắt là T), Cytosine (tiếng Việt còn gọi là Xytosine, viết tắt là C hay X), và Guanine (viết tắt là G). (Loại nucleobase thứ 5 là Uracil (U) chỉ có ở loại axit nucleic khác là ARN, thay cho thế cho T để cặp đôi với A, mà không có ở ADN.);
- Mỗi base (bazơ) trên 1 chuỗi chỉ có thể bắt cặp với 1 loại base nhất định trên chuỗi kia theo một quy luật chung cho mọi sinh vật. Theo nguyên tắc A liên kết với T bằng 2 liên kết hiđrô, G liên kết với X bằng 3 liên kết hiđrô (Nguyên tắc bổ sung)
- Trật tự các nucleotide, đính kèm trong chúng là các nucleobase tương ứng, liên kết dọc theo chiều dài của chuỗi ADN, luôn tạo thành các tổ hợp bộ ba nucleotide liên tiếp ở mỗi nhánh (sợi) trong chuỗi xoắn kép gọi là Mã di truyền. Trình tự này rất quan trọng vì nó chính là mật mã nói lên đặc điểm hình thái của sinh vật. Tuy nhiên, vì mỗi loại nucleobase chỉ có khả năng kết hợp theo cặp với 1 loại base đối ứng trên nhánh (sợi) đối diện trong chuỗi xoắn kép, cho nên chỉ cần trình tự base của 1 trong 2 nhánh (sợi) của chuỗi xoắn kép là đã đại diện thông tin di truyền cho cả phân tử ADN. Nhưng các nhánh đơn này thường không đứng riêng lẻ mà kết hợp với nhau thành cấu trúc chuỗi xoắn kép hai nhánh tương ứng, bền vững về hóa học nên đảm bảo sự bền vững của thông tin di chuyền trong phân tử ADN. Chúng chỉ tách ra để cho mục đích sinh sản nhân đôi, khi sao chép thông tin di chuyền.
- Khi ADN tự nhân đôi, 2 chuỗi của ADN mạch kép trước tiên được tách đôi nhờ sự hỗ trợ của một số enzim chuyên trách. Mỗi chuỗi ADN sau khi tách ra sẽ thực hiện việc tái tạo một chuỗi đơn mới phù hợp bằng cách mỗi base trên chuỗi gốc sẽ chọn loại base tương ứng (đang nằm tự do trong môi trường xung quanh) theo cơ chế gián đoạn và nguyên tắc bán bảo tồn. Do đó, sau khi nhân đôi, 2 phân tử ADN mới (mỗi phân tử chứa một chuỗi cũ và một chuỗi mới) đều giống hệt trình tự nhau nếu như không có đột biến xảy ra và giống với phân tử ADN ban đầu.
- Đột biến hiểu đơn giản là hậu quả của những sai sót hoá học trong quá trình nhân đôi. Bằng cách nào đó, một base đã bị bỏ qua, chèn thêm, bị sao chép nhầm hay có thể chuỗi ADN bị đứt gãy hoặc gắn với chuỗi ADN khác, hoăc với ARN ngoại lai (A liên kết với U thay vì với T, hầu như không xảy ra vì quá trình tổng hợp ARN thường không ở trong nhân tế bào mà phải thực hiện trong ty thể, và đường trong ARN là ribose không phải là đường Desoxyribose). Về mặt cơ bản, sự xuất hiện những đột biến này là ngẫu nhiên và xác suất rất thấp.
Ứng dụng khoa học ADN trong thực tiễn
ADN trong vấn đề tội phạm
Khoa học hình sự có thể sử dụng ADN thu nhận từ máu, tinh dịch hay lông, tóc của hung thủ để lại trên hiện trường mà điều tra, giám định vụ án. Lĩnh vực này gọi là kỹ thuật vân tay ADN (genetic fingerprinting) hay ADN profiling (kỹ thuật nhận diện ADN).
ADN trong khoa học máy tính
Dù có nguồn gốc từ sinh học, ADN lại đóng một vai trò quan trọng trong khoa học máy tính, vừa là một vấn đề đang được tập trung nghiên cứu vừa là một phương pháp tính toán, gọi là tính toán ADN.
Tổng quan về cấu trúc phân tử
Phân tử ADN được coi là “cơ sở vật chất của tính di truyền ở cấp độ phân tử” (molecule of heredity). Tuy nhiên, thực chất về mặt cấu tạo, các ADN không phải một phân tử đơn thuần mà nó được tạo thành từ hai chuỗi polynucleotide, chúng liên kết với nhau và uốn quanh 1 trục tương tự 1 chiếc thang dây xoắn. Cấu trúc này được gọi là cấu trúc xoắn kép (double helix) (xem hình minh hoạ).
Mỗi chuỗi polynucleotide chính là do các phân tử nucleotide liên kết với nhau thông qua liên kết phosphodieste giữa gốc đường của nucleotide này với gốc phosphate của nucleotide tiếp theo. Tóm lại, ADN là các đại phân tử (polymer) mà các đơn phân (monomer) là các nucleotide.
Mỗi nucleotide được tạo thành từ một phân tử đường ribose, một gốc phosphate và một bazơ nitơ (nucleobase). Trong ADN chỉ có 4 loại nucleotide và những loại này khác nhau ở thành phần nucleobase. Do đó tên gọi của các loại nucleotide xuất phát từ gốc nucleobase mà nó mang: adenine (A), thymine (T), Cytosine (C), và guanine (G). Trong đó, A và G là các purine (có kích thước lớn) còn T và C (tiếng Việt gọi là X), có kích thước nhỏ hơn (pyrimidine).
Trong môi trường dịch thể, 2 chuỗi polynucleotide của 1 phân tử ADN liên kết với nhau bằng liên kết hiđrô. Liên kết này được tạo ra giữa 2 gốc nucleobase của 2 nucleotide đối diện nhau trên 2 chuỗi, tương tự như những bậc thang trên 1 chiếc thang dây.
Do cấu tạo hoá học của các nucleobase mà liên kết hydro chỉ hình thành giữa 2 loại nucleobase nhất định là A với T (bằng 2 liên kết hydro) và C với G (bằng 3 liên kết hydro). Đó thực chất là liên kết giữa một purine và 1 pyrimidine nên khoảng cách tương đối giữa 2 chuỗi polynucleotide được giữ vững. Nguyên tắc hình thành liên kết trên được gọi là nguyên tắc bổ sung và nó phổ biến trên mọi loài sinh vật.
Trong tế bào, dưới tác dụng của một số protein đặc hiệu, 2 chuỗi của phân tử ADN có thể tách nhau ra (còn gọi là biến tính ADN) do các liên kết hydro bị cắt đứt. Khi đó, các nucleotide trên mỗi chuỗi có thể tạo thành liên kết với các nucleotide tự do trong môi trường nội bào. Kết quả của quá trình này là tạo thành 2 phân tử ADN giống hệt nhau từ 1 phân tử ADN ban đầu. Đây cũng chính là nguồn gốc của đặc tính di truyền của sinh vật. Các nhà khoa học có thể thực hiện quá trình tự nhân đôi này trong ống nghiệm gọi là kỹ thuật PCR. Nếu sự bắt cặp giữa nucleotide chuỗi gốc với nucleotide không tuân theo nguyên tắc bổ sung thì sẽ tạo thành đột biến là nguồn gốc của hiện tượng biến dị.
Trình tự ADN
Xem thêm: Phương pháp xác định trình tự ADN
Tại các gene trên 1 chuỗi (mạch) phân tử ADN, trật tự sắp xếp các nucleotide tạo thành trình tự của gene. Dựa trên thông tin từ trình tự này, các RNA thông tin được tạo ra thông qua quá trình phiên mã. Và rồi từ các ARN thông tin tế bào sẽ tổng hợp các protein qua quá trình dịch mã tại các thời điểm nhất định của cuộc đời. Mỗi quan hệ giữa trình tự gene với trình tự của các amino acid trên protein được gọi là mã di truyền (một dạng mật mã chung cho mọi sinh vật). Thực chất, ba nucleotide liên tiếp (gọi là một bộ ba hay một codon) trên gene sẽ thông qua những bộ ba tương ứng ở RNA thông tin và RNA vận chuyển mà quy định cho một loại amino acid nhất định (có khoảng 20 loại amino acid khác nhau). Một loại amino acid có thể được quy định bởi một số codon, tuy nhiên mỗi codon chỉ mã hoá cho một loại amino acid. Có 3 codon không mã hoá cho amino acid mà là tín hiệu kết thúc vùng mã hoá (gọi là mã kết thúc.
Ở nhiều loài sinh vật, chỉ có một phần nhỏ trình tự của bộ gene (genome) là dùng để mã hoá protein (gen cấu trúc). Chức năng của phần còn lại là vẫn còn đang được giả định. Thực chất, một số vùng ADN có khả năng bám với protein liên kết ADN, vùng này (gọi là vùng điều hoà) điều khiển quá trình nhân đôi và phiên mã có vai trò cực kỳ quan trọng. Cho tới nay, các nhà khoa học mới chỉ có thể xác định một phần nhỏ vùng điều hoà trên genome. Phần genome còn lại mà chúng ta chưa biết được chức năng gọi là vùng ADN bí ẩn (junk ADN).
Trình tự của ADN cũng xác định khả năng và vị trí mà ADN có thể bị phân huỷ bởi các enzyme giới hạn, một công cụ quan trọng của ngành kỹ thuật di truyền. Bản đồ các khả năng và vị trí cắt trên ADN genome có thể sử dụng như là dấu vân tay của mỗi cá thể nhất định và được ứng dụng trong kỹ thuật vân tay ADN (ADN fingerprinting).
Quá trình tự nhân đôi ADN
Bài chính: Quá trình tự nhân đôi ADN
Quá trình tự nhân đôi ADN hay tổng hợp ADN là một cơ chế sao chép các phân tử ADN mạch kép trước mỗi lần phân bào. Kết quả của quá trình này là tạo ra hai phân tử ADN gần như giống nhau hoàn toàn, chỉ sai khác với tần số rất thấp (thông thường dưới 1 phần 10000 hoặc vạn, xem thêm đột biến). Có được như vậy là do cơ chế nhân đôi thực hiện dựa trên nguyên tắc bổ sung, và tế bào có hệ thống tìm kiếm và sửa chữa các sai hỏng ADN hoạt động hiệu quả.
Trong quá trình tự nhân đôi, ADN được tổng hợp theo một chiều duy nhất là chiều từ 5′ đến 3′; đồng thời, một đoạn ADN được tổng hợp liên tục, còn một đoạn được tổng hợp theo từng đoạn Okazaki rồi nối lại với nhau.
Trong các phân tử ADN xoắn kép mới tổng hợp thì có 1 chuỗi là từ ADN ban đầu còn chuỗi kia được tổng hợp từ các thành phần của môi trường nội bào, đó là nội dung của nguyên tắc bán bảo toàn.
Các đặc tính hoá lý
Bài chính: Các đặc tính hoá lý của phân tử ADN.
Sự kết hợp và tách rời 2 chuỗi đơn
Các liên kết hydro giữ hai chuỗi xoắn kép là những liên kết yếu khiến chúng dễ dàng được tách ra nhờ enzyme (trong điều kiện invitro) hoặc nhiệt độ trên 90 °C (điều kiện invitro, PCR). Những enzyme như helicase có chức năng tháo xoắn các chuỗi cho phép cho các ADN polymerase, RNA polymerase thực hiện hoạt động. Trong quá trình tháo xoắn, các helicase phải cắt liên kết phosphodieste của một trong hai chuỗi để tránh các chuỗi bị xoắn vòng quanh.
ADN vòng
Trong tự nhiên, cũng như ở điều kiện invitro, phân tử ADN có thể tồn tại dưới dạng sợi vòng, mạch kép. Ở dạng cấu trúc này, cấu trúc xoắn không gian không dễ dàng bị tháo xoắn do nhiệt hay các quá trình hoá học nếu không làm đứt gãy 1 mạch. Trong tự nhiên, các topoisomerase thực hiện nhiệm vụ tháo xoắn bằng cách cắt tạm thời một mạch và gắn lại sau khi đã tháo xoắn, quá trình này là bước khởi đầu cho hoạt động phiên mã. Trong phòng thí nghiệm, người ta có thể gắn nối 2 đầu của sợi ADN mạch thẳng thành 1 ADN vòng trong quá trình tạo ra các plasmid tái tổ hợp.
Chiều dài vĩ đại và bề ngang nhỏ bé
Chiều ngang nhỏ bé của chuỗi xoắn kép làm nó không thể được tìm ra bởi kính hiển vi điện tử thông thường, trừ khi được nhuộm màu thật đậm. Cùng lúc đó, ADN tìm thấy trong một số tế bào có thể đạt chiều dài ở cấp vĩ mô—xấp xỉ 5 xăngtimét trong nhiễm sắc thể của người.Do đó, tế bào phải nén hay “đóng gói” ADN để có thể mang nó. Đó là một trong những chức năng của nhiễm sắc thể khi nó chứa những protein hình ống tên histone xung quanh dải ADN. Nhiễm sắc thể sẽ quấn quanh protein histone này làm ADN có chiều dài “gọn hơn”.
Các dạng hình học khác nhau của chuỗi xoắn kép
Chuỗi xoắn kép ADN có thể xem tồn tại dưới một trong 3 dạng hình học tương đối khác nhau, trong đó dạng “B” (được James D. Watson và Francis Crick miêu tả) là dạng phổ biến nhất trong tế bào. Phân tử dạng “B” rộng 2 nanomet và dài 3,4nanomet trung bình cho 10 nucleotide. Đây cũng là độ dài xấp xỉ của một đoạn phân tử ADN khi nó xoay đúng 1 vòng quanh trục. Tần số vòng xoay này (được gọi là bước xoắn) phụ thuộc nhiều vào lực nén mà 1 base tác động lên base kế cận trong mạch.
ADN siêu xoắn
Dạng “B” của chuỗi xoắn kép ADN xoay 360° cho mỗi 10,6bp mà không chịu sức căng nào. Nhưng có rất nhiều quá trình sinh học có thể tạo ra sức căng. Một đoạn ADN quá hoặc không đủ lực xoắn được gọi lần lượt tương ứng là siêu xoắn dương hay siêu xoắn âm. ADN trong tế bào thường ở dạng siêu xoắn âm, tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình mở xoắn – cần thiết trong phiên mã tạo ARN.
Điều kiện hình thành dạng xoắn “A” và “Z”
Hai dạng khác của chuỗi xoắn kép ADN được gọi là dạng “A” và dạng “Z”. Hai dạng này khác biệt chính với dạng “B” ở hình dạng và kích thước. Dạng “A” thường xuất hiện trong các mẫu ADN mất nước (chẳng hạn như mẫu dùng trong các thí nghiệm tinh thể hóa) và có thể trong dạng lai ADN-ARN. Những đoạn ADN trong tế bào được methyl hóa cho các mục tiêu điều hòa có thể mang dạng “Z” – 2 mạch đơn xoay quanh trục như đối xứng qua gương với dạng “B”.
Bảng so sánh tính chất của các dạng xoắn kép
Dạng hình học |
Dạng A |
Dạng B |
Dạng Z |
Chiều xoắn |
phải |
phải |
trái |
Đơn vị lặp lại |
1 bp |
1 bp |
2 bp |
Góc quay/bp |
33,6° |
35,9° |
60°/2 |
Số bp trung bình/vòng xoay |
10,7 |
10,0 |
12 |
Độ nghiêng của bp so với trục |
+19° |
-1.2° |
-9° |
Độ dài dốc/bp dọc theo trục |
0,23 nm |
0.332 nm |
0,38 nm |
Bước/vòng xoay |
2,46 nm |
3,32 nm |
4,56 nm |
Mean propeller twist |
+18° |
+16° |
0° |
Glycosyl angle |
anti |
anti |
C: anti,
G: syn |
Sugar pucker |
C3′-endo |
C2′-endo |
C: C2′-endo,
G: C2′-exo |
Đường kính |
2,6 nm |
2,0 nm |
1,8 nm |
Những cấu hình không xoắn của ADN
ADN còn tồn tại dưới những cấu hình khác, gọi là những cấu hình không xoắn, ví dụ như cấu hình “side-by-side” (SBS). Thực chất, người ta vẫn chưa thể chắc chắn là ADN dạng B là dạng phổ biến nhất trong tế bào sinh vật.
Chiều của trình tự ADN
Do hình dạng và liên kết của các nucleotide không đối xứng, một mạch ADN luôn luôn có một hướng phân biệt. Xem xét gần hơn trên một chuỗi xoắn kép, người ta nhận thấy các nucleotide hướng theo một chiều trên một mạch và theo chiều ngược lại trên mạch kia. Cách sắp xếp hai mạch như vậy được gọi là đối song.
Định danh hóa học(5′ và 3′)
Vì mục tiêu định danh, các nhà khoa học làm việc với ADN gọi 2 đầu không đối xứng này là đầu 5′ và đầu 3′. Để thống nhất, các nhà nghiên cứu luôn đọc một trình tự nucleotide theo chiều 5′– 3′. Xem xét chuỗi xoắn kép theo chiều thẳng đứng, mạch 3′ được coi là mạch đi lên, ngược lại, mạch 5′ là mạch đi xuống.
Trình tự mang nghĩa và đối nghĩa
Do sự sắp xếp hai mạch ADN đối song và tính ưu tiên chiều trong quá trình “đọc” trình tự của các enzyme, ngay cả trong trường hợp cả hai mạch mang trình tự giống nhau thay vì bổ sung, tế bào vẫn chỉ có thể dịch mã một trong hai mạch. Đối với mạch kia, tế bào chỉ có thể đọc ngược lại. Các nhà sinh học phân tử gọi một trình tự là trình tự “mang nghĩa” nếu nó được hoặc có thể được dịch mã, và trình tự bổ sung là trình tự “đối nghĩa”. Sau đó, mạch làm khuôn cho phiên mã chính là mạch đối nghĩa. Kết quả phiên mã là một RNA bản sao của mạch mang nghĩa và bản thân nó, vì thế, cũng mang nghĩa.
Ngoại lệ: trường hợp của các virus
Đối với một số virus, ranh giới giữa mang nghĩa và đối nghĩa không rõ ràng vì một số đoạn trình tự trong bộ gene của chúng làm cả hai nhiệm vụ, mã hóa cho một protein khi đọc theo chiều 5′– 3′ dọc theo 1 mạch và một protein thứ hai khi đọc theo chiều ngược lại dọc theo mạch kia. Như thế, bộ gene của các virus này đặc biệt cô đọng xét theo số lượng gene mà chúng chứa đựng – điều này được các nhà sinh học gọi là hiện tượng thích nghi.
Lịch sử phát hiện ADN và chuỗi xoắn kép
Phát hiện ADN là vật thể chứa đựng thông tin di truyền là một quá trình tiếp nối các đóng góp và phát hiện trước đó. Sự tồn tại của ADN được phát hiện vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học mới bắt đầu đặt giả thuyết rằng ADN có thể chứa đựng thông tin di truyền. Giả thuyết này chỉ được tán đồng sau khi Watson và Crick làm sáng tỏ về cấu trúc của ADN vào năm 1953 trong bài báo của họ (đăng trên tạp chí Nature). Watson và Crick đã đề cử nguyên lý trung tâm về sinh học phân tử vào năm 1957, miêu tả quá trình tạo ra các phân tử protein từ ADN.
Tách ADN lần đầu tiên
Vào thế kỷ thứ 19, các nhà sinh hóa ban đầu tách được hỗn hợp của ADN và ARN trong nhân tế bào và nhanh chóng nhận ra bản chất đa phân của các chất này. Sau đó ít lâu, người ta tiếp tục phát hiện ra các nucleotide có 2 loại – một chứa đường ribose và một chứa deoxyribose, từ đó, nhận biết và định danh ADN riêng biệt với ARN.
Friedrich Miescher (1844–1895) đã phát hiện ra một chất (mà ông gọi riêng là nuclein vào năm 1869). Sau đó, ông cô lập được một mẫu vật tinh sạch của chất nay gọi là ADN từ tinh trùng cá hồi và năm 1889 một học trò của ông, Richard Altmann, đặt tên chất đó là “acid nucleic” (chỉ được tìm thấy tồn tại trong nhiễm sắc thể.)
Phát hiện cấu trúc ADN
Vào những năm 1950, chỉ một số ít các nhóm đặt ra mục tiêu xác định cấu trúc ADN, bao gồm nhóm các nhà khoa học Mỹ (dẫn đầu là Linus Pauling,và 2 nhóm các nhà khoa học Anh. Tại Đại học Cambridge, Crick và Watson đang xây dựng mô hình vật lý bằng các thanh kim loại và những quả bóng đại diện cho cấu trúc hóa học của nucleotide và các liên kết trong đa phân. Tại trường Đại học King ở London, Maurice Wilkins và Rosalind Franklin kiểm tra các mẫu nhiễu xạ tia X tinh thể của sợi ADN. Trong 3 nhóm nói trên, chỉ có nhóm London có thể có các kết quả nhiễu xạ chất lượng tốt và do vậy, có thể cung cấp đầy đủ thông tin có giá trị định lượng vầ cấu trúc phân tử.
Phát hiện ADN dạng xoắn ốc
Năm 1948, nhóm Pauling có 1 phát hiện đặc biệt gây hứng khởi rằng nhiều protein có hình dạng xoắn ốc – kết luận từ các mẫu tia X. Ngay cả với các mẫu nhiễu xạ tia X của Maurice Wilkins, đã có bằng chứng rằng cấu trúc có liên quan đến dạng xoắn ốc. Tuy nhiên, còn rất nhiều các yếu tố cấu trúc khác cần được xác định như có bao nhiêu mạch tham gia, con số này có giữ nguyên cho tất cả các dạng xoắn ốc, các base xoay vào trong hay xoay ra phía ngoài trục xoắn,… Các câu hỏi trên chính là động cơ cho Francis Crick và James D. Watson xây dựng mô hình.
Phát hiện các nucleotide bổ sung luôn có tỉ lệ bằng nhau
Trong khi xây dựng mô hình, Watson và Crick có các giới hạn về hóa học và sinh học. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khả năng khác nhau. Một phát hiện đột phá vào năm 1952, khi Erwin Chargaff đến thăm Cambridge và cho Crick biết thêm về một thí nghiệm ông xuất bản năm 1947 – trong đó, Chargaff quan sát thấy tỉ lệ 4 loại nucleotide thay đổi giữa các mẫu ADN nhưng cho mỗi cặp Adenin và Thymin, Guanine và Cytosine: 2 loại nucleotide trong cặp luôn hiện diện với cùng tỉ lệ.
Mô hình của Watson và Crick
Watson và Crick đã bắt đầu suy nghĩ về mô hình xoắn kép, nhưng vẫn thiếu thông tin về bước xoắn và khoảng cách ngang giữa 2 mạch. Khi đó, Rosalind Franklin gửi một số phát hiện của bà cho Trung tâm nghiên cứu y học và Crick đọc được các tài liệu này nhờ một trong các đường dẫn của Max Perutz’s. Công trình của Franklin xác nhận về câu trúc xoắn kép và còn ghi nhận về tính đối xứng của phân tử, đặc biệt là cho rằng 2 mạch chạy theo hướng ngược nhau dạng đối song.
Giữa tháng 3 năm 1953, Watson và Crick đã suy luận ra cấu trúc xoắn kép của ADN, nhờ sử dụng kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Rosalind Franklin và Maurice Wilkins, (điều này từng gây tranh cãi vì hai ông xem các mẫu nhiễu xạ tia X quan trọng của Franklin mà chưa được sự đồng ý của bà (bà thậm chí không biết đến).) Sau khi xem kết quả của Franklin, Watson có đề nghị Franklin hợp tác để thắng nhóm của Pauling trong cuộc chạy đua tìm ra cấu trúc nhưng bà từ chối. Ngay sau đó, Maurice Wilkins cho Watson xem bức ảnh nổi tiếng – Bức ảnh 51. Từ bức ảnh này, Watson và Crick nhanh chóng nhận ra rằng không chỉ khoảng cách giữa 2 mạch không đổi mà còn có thể đo đạc chính xác con số là 2 nanomet, và cũng từ đây, họ xác định được bước sóng 3,4 nm mỗi 10bp của cấu trúc xoắn kép.
Cuối cùng, Watson và Crick cho rằng việc bắt cặp bổ sung của các base (Nucleobase) giải thích cho phát hiện của Chargaff. Tuy nhiên, khi ấy các sách giáo khoa đã tiên đoán sai rằng các Nucleobase tồn tại dạng enol (thực chất chúng tồn tại dạng keto). Khi Jerry Donohue chỉ ra lỗi sai này cho Watson, ông nhanh chóng nhận ra cặp A–T, G–X gần như y hệt nhau về hình dạng và do vậy, sẽ tạo ra các cấu trúc như những bậc thang giữa 2 mạch. Hai ông nhanh chóng hoàn thành mô hình và công bố trước khi Franklin xuất bản bất kỳ công trình nào của bà. Ngày 25 tháng 6 năm 1953, Watson và Crick đã đăng nghiên cứu của các ông trong bài báo trên tạp chí khoa học Nature với tiêu đề: A structure for deoxyribose nucleic acids (Cấu trúc của Axit Deoxyribo Nucleic (ADN)).[1]
Tổng hợp ADN nhân tạo lần đầu tiên
Tháng 7 năm 2008, các nhà hóa học tại Đại học Toyama (Nhật Bản) công bố tổng hợp thành công phân tử ADN nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Những phân tử ADN nhân tạo đầu tiên có trạng thái ổn định cao, gần như toàn bộ các thành phần hợp thành phân tử ADN (các nhóm thành phần nucleotide: A, T, G, X) này đều được tạo ra trong phòng thí nghiệm. [2]
Chú thích
Tài liệu tham khảo
- ADN: The Secret of Life, by James D. Watson. ISBN 0-375-41546-7
- The Double Helix: A Personal Account of the Discovery of the Structure of ADN (Norton Critical Editions), by James D. Watson. ISBN 0-393-95075-1
- Calladine, Chris R.; Drew, Horace R.; Luisi, Ben F. and Travers, Andrew A. (2003). Understanding DNA: the molecule & how it works. Amsterdam: Elsevier Academic Press. ISBN 0-12-155089-3.
- Dennis, Carina; Julie Clayton (2003). 50 years of DNA. Basingstoke: Palgrave Macmillan. ISBN 1-4039-1479-6.
- Judson, Horace Freeland (1996). The eighth day of creation: makers of the revolution in biology. Plainview, N.Y: CSHL Press. ISBN 0-87969-478-5.
- Olby, Robert C. (1994). The path to the double helix: the discovery of DNA. New York: Dover Publications. ISBN 0-486-68117-3., first published in tháng 10 năm 1974 by MacMillan, with foreword by Francis Crick;the definitive DNA textbook,revised in 1994 with a 9 page postscript.
- Olby, Robert C. (2009). Francis Crick: A Biography. Plainview, N.Y: Cold Spring Harbor Laboratory Press. ISBN 0-87969-798-9.
- Ridley, Matt (2006). Francis Crick: discoverer of the genetic code. [Ashland, OH: Eminent Lives, Atlas Books. ISBN 0-06-082333-X.
- Berry, Andrew; Watson, James D. (2003). DNA: the secret of life. New York: Alfred A. Knopf. ISBN 0-375-41546-7.
- Stent, Gunther Siegmund; Watson, James D. (1980). The double helix: a personal account of the discovery of the structure of DNA. New York: Norton. ISBN 0-393-95075-1.
- Wilkins, Maurice (2003). The third man of the double helix the autobiography of Maurice Wilkins. Cambridge, Eng: University Press. ISBN 0-19-860665-6.
Liên kết ngoài