Thể loại:
Galileo Galilei
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Galileo Galilei (thường được phiên âm trong tiếng Việt là Ga-li-lê; phát âm tiếng Ý: [ɡaliˈlɛːo ɡaliˈlɛi]; 15 tháng 2 năm 1564[4] – 8 tháng 1 năm 1642)[1][5] là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học. Các thành tựu của ông gồm những cải tiến cho kính thiên văn và các quan sát thiên văn sau đó, và ủng hộ Chủ nghĩa Copernicus. Galileo đã được gọi là “cha đẻ của việc quan sát thiên văn học hiện đại”,[6] “cha đẻ của vật lý hiện đại”,[7] “cha đẻ của khoa học“,[7] và “cha đẻ của Khoa học hiện đại.”[8] Stephen Hawking đã nói, “Galileo, có lẽ hơn bất kỳ một người riêng biệt nào, chịu trách nhiệm về sự khai sinh khoa học hiện đại.”[9]
Sự chuyển động của các vật thể tăng tốc đều, được dạy ở hầu hết trong các khóa học về vật lý của các trường trung học và cao đẳng, đã được Galileo nghiên cứu trong chủ đề về chuyển động học. Những đóng góp của ông trong thiên văn học quan sát gồm vệc xác nhận các tuần của Sao Kim bằng kính thiên văn, phát hiện bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc, được đặt tên là các vệ tinh Galileo để vinh danh ông, và sự quan sát và phân tích vết đen Mặt Trời. Galileo cũng làm việc trong khoa học và công nghệ ứng dụng, cải tiến thiết kế la bàn.
Sự bênh vực của Galileo dành cho Chủ nghĩa Copernicus đã gây tranh cãi trong đời ông. Quan điểm địa tâm đã là thống trị từ thời Aristotle, và sự tranh cãi nảy sinh sau khi Galileo trình bày thuyết nhật tâm như một minh chứng khiến giáo hội Công giáo Rôma cấm tuyên truyền nó như một sự thực đã được chứng minh, vì nó chưa được chứng minh theo kinh nghiệm ở thời điểm ấy và trái ngược với ý nghĩa của Kinh Thánh.[10] Galileo cuối cùng buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống những ngày cuối đời trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Toà án dị giáo La Mã.
Cuộc đời
Galileo sinh tại Pisa (khi ấy là một phần của Lãnh địa công tước Florence), Italia, con cả trong số sáu người con của Vincenzo Galilei, một người chơi đàn luýt và nhà lý luận âm nhạc nổi tiếng, và Giulia Ammannati. Bốn trong số sáu người con sống qua tuổi sơ sinh, và người con út Michelangelo (hay Michelagnolo) trở thành một người chơi đàn luýt và nhà soạn nhạc nổi tiếng.
Tên đầy đủ của Galileo là Galileo di Vincenzo Bonaiuti de’ Galilei. Khi ông lên 8, gia đình ông chuyển tới Florence, nhưng ông ở lại cùng Jacopo Borghini trong hai năm.[1] Sau đó ông đi học tại Tu viện Camaldolese ở Vallombrosa, 35 km phía đông nam Florence.[1] Dù khi còn trẻ ông nghiêm túc đi theo con đường tu sĩ, nhưng ông cũng theo học y tại Đại học Pisa theo yêu cầu của cha mình. Ông không hoàn thành khoá học, mà thay vào đó nghiên cứu toán học.[11] Năm 1589, ông được chỉ định làm giáo sư toán tại Pisa. Năm 1591 cha ông mất và ông được giao phó việc chăm lo người em trai Michelagnolo. Năm 1592, ông tới Đại học Padua, dạy địa lý, cơ khí, và thiên văn học cho tới năm 1610.[12] Trong giai đoạn này Galileo đã thực hiện những khám phá quan trọng trong cả khoa học lý thuyết (ví dụ, động học của chuyển động và thiên văn học) và khoa học ứng dụng (ví dụ, sức bền vật liệu, cải tiến kính thiên văn). Các quan tâm của ông gồm nghiên cứu chiêm tinh, mà ở thời tiền hiện đại được xem là liên quan với việc nghiên cứu toán học và thiên văn học.[13]
Dù là một tín đồ sùng đạo của Giáo hội Công giáo Rôma[14], Galileo có ba đứa con ngoài giá thú với Marina Gamba. Họ có hai con gái, Virginia sinh năm 1600 và Livia sinh năm 1601, và một con trai, Vincenzo, sinh năm 1606. Vì là con ngoài giá thú, ông cho rằng các cô con gái của mình không thể lập gia đình. Tương lai duy nhất của họ là tôn giáo. Cả hai cô gái đều được gửi tới nhà dòng kín San Matteo ở Arcetri và sống trọn đời ở đó.[15] Virginia lấy tên Maria Celeste khi vào nhà tu. Bà mất ngày 2 tháng 4 năm 1634, và được chôn cất cùng Galileo tại Basilica di Santa Croce di Firenze. Livia lấy tên Sister Arcangela và ốm đau trong suốt cuộc đời. Vincenzo sau này được hợp pháp hoá và cưới Sestilia Bocchineri.[16]
Năm 1610 Galileo xuất bản một cuốn sách về các quan sát thiên văn của mình với các Mặt Trăng của Sao Mộc, sử dụng quan sát này để ủng hộ lý thuyết nhật tâm của vũ trụ của Copernicus chống lại thuyết địa tâm Ptolemy và các lý thuyết của Aristote. Năm sau đó, Galileo tới thăm Rome để chứng minh kính viễn vọng của mình trước các nhà triết học và toán học của Học viện Dòng Tên Rôma (Jesuit Collegio Romano), và để họ tự thấy bằng mắt mình sự thực về bốn Mặt Trăng của Sao Mộc.[17] Khi ở Rome ông cũng trở thành một thành viên của Accademia dei Lincei.[18]
Năm 1612, xuất hiện sự chống đối thuyết nhật tâm của vũ trụ đang được Galileo ủng hộ. Năm 1614, từ bục giảng kinh của Vương cung thánh đường Santa Maria Novella, linh mục Tommaso Caccini (1574–1648) lên án các ý kiến của Galileo về sự chuyển động của Trái Đất, cho rằng chúng là nguy hiểm và gần với sự dị giáo. Galileo tới Roma để bảo vệ mình trước những cáo buộc đó, nhưng, vào năm 1616, hồng y Robert Bellarmine đích thân khiển trách Galileo bắt ông không được ủng hộ cũng như giảng dạy thiên văn học Copernicus.[19] Trong năm 1621 và 1622, Galileo đã viết cuốn sách đầu tiên của mình, Người thí nghiệm (Il Saggiatore), được phê duyệt và cho phát hành năm 1623. Năm 1630, ông quay lại Roma để xin giấy phép in cuốn Đối thoại về hai Hệ thống Thế giới, được xuất bản tại Florence năm 1632. Tuy nhiên, vào tháng 10 năm ấy, ông bị bắt phải ra trước Thánh bộ Giáo lý Đức tin ở Roma.
Sau một phiên xử của Giáo hoàng, theo đó ông bị nghi ngờ mạnh mẽ là dị giáo, Galileo bị quản thúc tại gia và các hoạt động của ông bị Giáo hoàng kiểm soát. Từ năm 1634 trở về sau, ông sống tại ngôi nhà thôn quê ở Arcetri, bên ngoài Florence. Ông bị mù hoàn toàn năm 1638 và bị chứng thoát vị và mất ngủ đầy đau đớn, vì thế ông được cho phép tới Florence chữa bệnh. Ông tiếp tục tiếp khách cho tới năm 1642, sau khi qua đời vì sốt và chứng tim đập nhanh.[20][21]
Các phương pháp khoa học
Galileo đã có những đóng góp cơ bản cho khoa học về chuyển động bằng cách kết hợp một cách sáng tạo giữa toán học và thực nghiệm.[22]. Một đặc trưng nữa của khoa học thời bấy giờ là các nghiên cứu định tính của William Gilbert về điện và từ tính. Cha của Galileo, Vincenzo Galilei, một nghệ sĩ đàn luýt kiêm nhà lý luận âm nhạc, đã tiến hành các thực nghiệm thiết lập nên hệ thức phi tuyến tính có thể được xem là cổ xưa nhất trong vật lý học: đối với một dây đàn dược kéo căng, cao độ sẽ biến thiên theo căn bặc hai của độ căng.[23] Những quan sát này dựa trên nền tảng trước đó của Pythagore và những người theo thuyết của ông trong lĩnh vực âm nhạc, họ cũng đồng thời là những người chế tạo nhạc cụ, đó là: chia nhỏ dây đàn theo một số nguyên thì sẽ tạo ra một thang âm hài hoà. Như vậy, trong một chừng mực nào đó, toán học đã có một mối quan hệ lâu đời với vật lý và âm nhạc, và Galileo trẻ tuổi đã nhận thấy những quan sát của cha mình được khai triển dựa trên truyền thống đó.[24].
Có lẽ Galileo là người đầu tiên phát biểu một cách rõ ràng rằng các quy luật của tự nhiên đều liên quan đến toán học. Trong cuốn The Assayer (Người Thí nghiệm) ông viết “Triết học được viết trong cuốn sách lớn này, vũ trụ… Nó được viết bằng ngôn ngữ của toán học, ký tự của nó là những hình tam giác, hình tròn, và các đường hình học khác…”.[25] Những phân tích toán học của ông là sự phát triển của một truyền thống đã được các nhà triết học tự nhiên kinh viện sử dụng từ trước, Galileo đã học lý luận đó khi ông nghiên cứu triết học.[26] Bất chấp việc ông nỗ lực trung thành với Giáo hội Công giáo, giữ vững lập trường của mình với các kết quả thực nghiệm, và cả những giải nghĩa chân thực nhất mà những thực nghiệm đó đưa ra, kết quả vẫn là sự bác bỏ của những nhà cầm quyền với sự trung thành mù quáng với giáo lý và cả triết học khi xem xét các vấn đề khoa học. Xét trên diện rộng, điều này đã thúc đẩy việc tách khoa học ra khỏi triết học và tôn giáo; một bước ngoặt trong tư duy của nhân loại.
Với những tiêu chuẩn thời đó, Galileo vẫn luôn sẵn sàng thay đổi quan điểm theo những quan sát đạt được của mình. Nhà triết học đồng thời cũng là một nhà khoa học hiện đại, Paul Feyerabend, cũng từng lưu ý đến những khía cạnh được cho là sai trong phương pháp luận của Galileo nhưng ông cũng chỉ ra rằng phương pháp của Galileo, với những kết quả đã đưa ra, vẫn có thể đúng so với khoa học thời kì trước. Phần lớn công việc chính của Feyerabend, Against Method (1975), được dành cho những phân tích của Galileo, ông sử dụng nghiên cứu thiên văn của Galileo như một mẫu nghiên cứu để hỗ trợ cho nghiên cứu của ông về sự hỗn loạn trong các phương pháp nghiên cứu khoa học. Ông viết: ‘Những người theo thuyết của Aristote… đòi hỏi sự hỗ trợ của kinh nghiệm trước đó trong khi những người theo thuyết của Galileo thì lại bằng lòng với những lý thuyết đa chiều, không chắc chắn và bị bác bỏ một phần. Tôi không phê phán họ nhưng tôi vẫn ủng hộ câu nói của Niels Bohr “Chỉ điên thì không đủ” ‘.[27] Để công bố những thực nghiệm của mình, Galileo đã phải thiết lập các tiêu chuẩn về độ dài và thời gian, để các phép đo vào những ngày khác nhau và trong các phòng thí nghiệm khác nhau có thể được so sánh trong cùng một khuôn mẫu.
Galileo thể hiện một sự đánh giá tiến bộ phi thường vế mối quan hệ đúng đắn giữa toán học, vật lý lý thuyết và vật lý thực nghiệm. Ông hiểu biết về các parabol, về mặt tiết diện conic lẫn về mặt toạ độ. Galileo xác định thêm rằng parabol là quỹ đạo lý thuyết lý tưởng đối với những vật được bắn ra, chuyển động nhanh dần đều mà không có ma sát hay bất cứ lực cản nào. Galileo thừa nhận rằng lý thuyết này chỉ có giá trị giới hạn, về mặt lý thuyết thì quỹ đạo phóng một vật phóng có kích thước tương tự với Trái Đất không thể là parabol,[28] nhưng ông vẫn cho rằng đối với khoảng cách lên tới phạm vi của tầm pháo trong thời của ông, quỹ đạo parabol của một phóng bị lệch không đáng kể.[29]. Thứ ba, ông nhận ra rằng dữ liệu thực nghiệm của ông sẽ không bao giờ giống một cách chính xác với bất kỳ biểu thức lý thuyết hoặc toán học nào vì sự thiếu chính xác của các phép đo, sự ma sát, và các yếu tố khác.
Theo Stephen Hawking, Galileo là người ảnh hưởng nhiều nhất đối với sự ra đời của khoa học hiện đại hơn bất kỳ người nào khác.,[30] Albert Einstein gọi ông là cha đẻ của khoa học hiện đại.[31]
Thiên văn học
Đóng góp
Chính trên trang giấy này Galileo lần đầu tiên ghi chú một sự quan sát
các Mặt Trăng của
Sao Mộc. Quan sát này đánh đổ quan niệm rằng mọi thiên thể phải quay quanh Trái Đất. Galileo đã xuất bản sự miêu tả đầy đủ trong
Sidereus Nuncius tháng 3 năm 1610
Các tuần của Sao Kim, quan sát bởi Galileo năm 1610
Chỉ dựa vào một số miêu tả không chính xác về chiếc kính viễn vọng thực tế đầu tiên, do Hans Lippershey người Hà Lan phát minh năm 1608, Galileo, trong năm sau đó, đã làm một chiếc kính viễn vọng có độ phóng đại 3x, và sau này làm những chiếc khác có độ phóng đại lên tới 30x.[32] Với thiết bị đã được cải tiến này ông có thể thấy các hình ảnh phóng đại, thẳng đứng trên Trái Đất – cái mà hiện được biết là kính viễn vọng Trái Đất, hay kính thiên văn nhỏ. Ông cũng có thể sử dụng nó để quan sát bầu trời; trong một thời gian ông là một trong những người chế tạo các kính thiên văn đủ tốt cho mục đích đó. Ngày 25 tháng 8 năm 1609, ông trưng bày chiếc kính viễn vọng đầu tiên của mình trước những nhà lập pháp Venice. Công việc chế tạo kính thiên văn của ông còn có tác dụng phụ mang lại khá nhiều tiền khi các lái buôn thấy nó hữu ích cho các chuyến đi biển và đi buôn của họ. Ông đã xuất bản các quan sát thiên văn học bằng kính viễn vọng đầu tiên của mình vào tháng 3 năm 1610 trong một chuyên luận ngắn có nhan đề Sidereus Nuncius (Sứ giả sao).[33]
Ngày 7 tháng 1 năm 1610, Galileo quan sát bằng kính viễn vọng của mình cái ông miêu tả ở thời gian đó là “ba định tinh, hoàn toàn không nhìn thấy được bởi chúng quá nhỏ”, tất cả nằm gần Sao Mộc và thẳng hàng qua nó.[34] Những quan sát vào các đêm sau đó cho thấy các vị trí của các “ngôi sao” đó liên quan tới Sao Mộc đang thay đổi theo một cách khiến chúng có thể là không giải thích được nếu đó thực sự là các định tinh. Ngày 10 tháng 1, Galileo ghi chú rằng một trong số chúng đã biến mất, một quan sát mà ông cho rằng nó đã bị Sao Mộc che khuất. Trong vài ngày ông đã kết luận rằng chúng quay quanh Sao Mộc:[35] Ông đã khám phá ra bốn vệ tinh (Mặt Trăng) lớn nhất của Sao Mộc: Io, Europa, và Callisto. Ông phát hiện ra vệ tinh thứ tư, Ganymede, ngày 13 tháng 1. Galileo đặt tinh cho bốn vệ tinh ông đã phát hiện ra là những ngôi sao Medici, để vinh danh người bảo trợ tương lai của ông, Cosimo II de’ Medici, Đại Công tước Tuscany, và ba người anh em của Cosimo.[36] Tuy nhiên, các nhà thiên văn học sau này đổi tên chúng thành các vệ tinh Galileo để vinh danh ông.
Một hành tinh với các hành tinh nhỏ hơn quay quanh nó không thích hợp với các nguyên tắc của Thiên văn học Aristotle, cho rằng mọi thiên thể phải quay quanh Trái Đất,[37] và nhiều nhà thiên văn học và triết học ban đầu đã từ chối tin rằng Galileo đã phát hiện ra một vật như thế.[38]
Galileo tiếp tục quan sát các vệ tinh trong mười tám tháng sau đó, và tới giữa năm 1611 ông đã có nhiều ước tính chính xác về các chu kỳ của chúng—một kỳ công mà Kepler đã cho rằng không thể thực hiện.[39]
Từ tháng 9 năm 1610, Galileo quan sát thấy Sao Kim có đủ các tuần tương tự như Mặt Trăng. Mô hình nhật tâm của hệ mặt trời được Nicolaus Copernicus phát triển tiên đoán rằng tất cả các pha phải được quan sát thấy bởi Sao Kim quay quanh Mặt trời sẽ khiến phần được chiếu sáng của nó quay về phía Trái Đất khi nó ở phía đối diện của Mặt trời và quay đi khi nó ở cùng phía với Trái Đất. Trái lại, mô hình địa tâm của Ptolemy dự đoán rằng chỉ trăng lưỡi liềm và các tuần mới mới có thể được quan sát, bởi Sao Kim được cho là nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất khi nó quay quanh Trái Đất. Các quan sát của Galileo về các tuần của Sao Kim chứng minh rằng nó quay quanh Mặt trời và là bằng chứng ủng hộ (nhưng không chứng minh cho) mô hình nhật tâm. Tuy nhiên, bởi nó bác bỏ mô hình hành tinh hoàn toàn địa tâm của Ptolemy, dường như nó là quan sát có tính quyết định khiến đa số cộng đồng khoa học thế kỷ 17 quay sang ủng hộ các mô hình nhật-địa tâm (tất cả các hành tinh chuyển động xung quanh Mặt trời nhưng Mặt trời quay quanh Trái Đất)[40] và địa tâm như các mô hình Tycho và Capella,[41] và vì thế được cho là quan sát thiên văn quan trọng nhất của Galileo.
Galileo cũng quan sát Sao Thổ, và ban đầu nhầm lẫn các vành đai của nó là các hành tinh, cho rằng nó là hệ ba vật thể. Khi ông quan sát hành tinh ở thời điểm sau này, các vành đai của Sao Thổ hướng trực tiếp về phía Trái Đất, khiến ông cho rằng hai vật thể đã biến mất. Các vành đai tái xuất hiện khi ông quan sát hành tinh năm 1616, càng khiến ông bối rối.[42]
Galileo là một trong những người Châu Âu đầu tiên quan sát các đốm mặt trời, dù Kepler đã không chủ tâm quan sát một đốm năm 1607, nhưng nhầm lẫn cho rằng đó là một sự lướt qua của Sao Thuỷ. Ông cũng tái giải thích một quan sát đốm mặt trời từ thời Charlemagne, mà trước kia được gán cho (không có khả năng) một lần lướt qua của Sao Thuỷ. Sự tồn tại của các đốm mặt trời cho thấy một khó khăn khác trong sự hoàn hảo không thể thay đổi của các tầng trời do vật lý thiên thể chính thống Aristotle đặt ra, nhưng những lần lướt qua có chu kỳ đều của nó cũng xác nhận dự đoán trong cơ học thiên thể Aristotle của Kepler trong tác phẩm Astronomia Nova (Thiên văn Mới) năm 1609 của ông rằng mặt trời quay, đây là tiên đoán đúng đầu tiên của vật lý thiên thể thời hậu mặt cầu.[43] Và những biến đổi hàng năm trong các chuyển động của các đốm mặt trời, do Francesco Sizzi và những người khác khám phá năm 1612–1613,[44] cung cấp một bằng chứng mạnh chống lại cả hệ Ptolemy và hệ địa-nhật tâm của Tycho Brahe.[45] Vì các biến đổi theo mùa bác bỏ mọi mô hình hành tinh địa tĩnh không chuyển động địa chất như mô hình địa tâm hoàn toàn của Ptolemy và mô hình địa-nhật tâm của Tycho theo đó Mặt trời quay quanh Trái Đất hàng ngày, vì thế sự thay đổi phải xuất hiện hàng ngày. Nhưng nó có thể giải thích được bằng các hệ thống quay địa chất như mô hình địa-nhật tâm bán Tycho của Longomontanus, các mô hình địa-nhật tâm của Capella và mở rộng của Capella với một sự chuyển động quay hàng ngày của Trái Đất, và mô hình nhật tâm hoàn toàn. Một cuộc tranh cãi về sự ưu tiên trong việc khám phá các đốm mặt trời, và sự giải thích chúng, khiến Galileo rơi vào một sự thù hằn kéo dài và cay đắng với thầy tu dòng Tên Christoph Scheiner; trên thực tế, có ít nghi ngờ rằng cả hai người trong số họ đã bị đánh bại bởi David Fabricius và con trai ông Johannes, tìm kiếm việc xác nhận tiên đoán của Kepler về chuyển động của Mặt trời.[46] Scheiner nhanh chóng chấp nhận đề xuất năm 1615 của Kepler về thiết kế kính thiến văn hiện đại, cho độ phóng đại lớn hơn nhưng hình ảnh bị lộn ngược; Galileo rõ ràng không thay đổi thiết kế của Kepler.
Galileo là người đầu tiên thông báo về các ngọn núi và hố va chạm trên Mặt Trăng, mà ông cho sự hiện diện của nó bởi các kiểu mẫu sáng và tối trên bề mặt Mặt Trăng. Thậm chí ông còn ước tính chiều cao của các ngọn núi từ các quan sát đó. Điều này dẫn ông tới kết luận rằng Mặt Trăng là “xù xì và không bằng phẳng, và giống như chính bề mặt của Trái Đất,” chứ không phải là một mặt cầu hoàn hảo như Aristotle đã tuyên bố. Galileo quan sát Ngân hà, trước đó được cho là một tinh vân, và thấy rằng nó là tập hợp những ngôi sao trong một vùng quá đặc khiến nó trông như một đám mây từ Trái Đất. Ông định vị nhiều ngôi sao khác quá xa để có thể thấy bằng mắt thường. Galileo cũng quan sát Sao Hải Vương năm 1612, nhưng không nhận thấy rằng nó là một hành tinh và không có chú ý đặc biệt đến nó. Trong cuốn sổ ghi chép của ông nó xuất hiện như một ngôi sao tối không đáng chú ý.[47]
Tranh cãi về các sao chổi và Người thí nghiệm
-
Năm 1619, Galileo bị lôi cuốn vào một cuộc tranh cãi với Cha Orazio Grassi, giáo sư toán học tại Collegio Romano dòng Tên. Nó bắt đầu như một cuộc tranh cãi về tính chất của các sao chổi, nhưng tới khi Galileo đã xuất bản The Assayer (Il Saggiatore) năm 1623, sự bảo lưu cuối cùng của ông trong cuộc tranh cãi, nó đã trở thành một cuộc tranh cãi lớn hơn về trạng thái tự nhiên của chính Khoa học. Bởi The Assayer có chứa những ý tưởng của Galileo và việc Khoa học cần phải được thực nghiệm như thế nào, nó đã bị coi là sự thể hiện khoa học của ông.[48]
Đầu năm 1619, linh mục Grassi ẩn danh xuất bản một cuốn sách mỏng, An Astronomical Disputation on the Three Comets of the Year 1618 (Một tranh cãi thiên văn về ba sao chổi của năm 1618),[49] bàn cãi về trạng thái của một sao chổi đã xuất hiện hồi cuối tháng 11 năm trước. Grassi đã kết luận rằng sao chổi là một vật thể bùng cháy chuyển động dọc theo một đoạn của một vòng tròn lớn ở một khoảng cách xa từ Trái Đất,[50] và rằng nó nằm ở ngoài xa Mặt Trăng.
Những lý lẽ và kết luận của Grassi đã bị chỉ trích trong một bài viết sau đó, Discourse on the Comets (Bài thuyết trình về các sao chổi),[51] được xuất bản dưới cái tên của một trong những học trò của Galileo, một luật sư người Florence tên là Mario Guiducci, dù phần lớn nó do chính Galileo viết.[52] Galileo và Guiducci không đưa ra lý thuyết xác định của họ về trạng thái của các sao chổi,[53] dù họ quả thực có trình bày một số phỏng đoán không quả quyết mà hiện chúng ta biết là không chính xác.
Trong đoạn mở đầu Bài thuyết trình, Galileo và Guiducci vô cớ xúc phạm thầy tu dòng Tên Christoph Scheiner,[54] và có nhiều lưu ý xúc phạm tới các giáo sư của Học viện Roma trong cả tác phẩm. Những tu sĩ Dòng Tên bị xúc phạm,[56] và Grassi nhanh chóng trả lời bằng một luận văn ngắn có tính luận chiến của mình, The Astronomical and Philosophical Balance (Sự cân bằng Thiên văn và Triết học),[57] dưới bút danh Lothario Sarsio Sigensano,[58] ngụ ý là một trong những học sinh của ông.
The Assayer là câu trả lời có tính bác bỏ của Galileo với Cân bằng thiên văn.[59] Nó được mọi người coi là một kiệt tác của văn học luận chiến,[60] trong đó những lý lẽ của “Sarsi” là đối tượng bị khinh thường.[61] Nó được đón chào với nhiều sự ca ngợi, và đặc biệt làm hài lòng vị Giáo hoàng mới là Urban VIII, người được đề tặng cho cuốn sách này.[62]
Cuộc tranh cãi của Galileo với Grassi đã khiến nhiều tu sĩ Dòng Tên từng có thiện cảm với các ý tưởng của ông trở nên xa lánh,[63] và Galileo cùng những người bạn của mình tin rằng những tu sĩ Dòng Tên đó chịu trách nhiệm gây ra cuộc kết tội ông sau này.[64] Tuy nhiên, bằng chứng cho điều này là đáng nghi ngờ.[65]
Galileo, Kepler và các giả thiết thuỷ triều
Năm 1615, hồng y Bellarmine đã viết rằng hệ thống Copernicus không thể được bảo vệ nếu không có “một minh chứng vật lý thực sự rằng Mặt Trời không quay quanh Trái Đất mà là Trái Đất quay quanh Mặt Trời”.[66] Galileo xem xét lý thuyết của ông về thủy triều để cung cấp bằng chứng vật lý cần thiết cho chuyển động của Trái Đất. Lý thuyết này quá quan trọng với Galileo tới mức ban đầu ông dự định đặt tên cuốn Dialogue on the Two Chief World Systems (Đối thoại về hai hệ thống thế giới chính) là Dialogue on the Ebb and Flow of the Sea (Đối thoại về thuỷ triều và dòng chảy của biển).[67] Với Galileo, thuỷ triều được gây ra bởi sự chuyển động tiến lùi của nước trong các biển khi một điểm trên bề mặt Trái Đất tăng tốc và giảm tốc vì chuyển động quay của Trái Đất quanh trục của nó và chuyển động xung quanh Mặt Trời. Galileo đã cho truyền bá những quan sát đầu tiên của mình về thuỷ triều năm 1616, chuyển tới hồng y Orsini.[68]
Nếu lý thuyết này là đúng, thì chỉ có một lần thủy triều cao trong ngày. Galileo và những người đương thời với ông biết về sự không chính xác này bởi có hai lần thuỷ triều cao hàng ngày tại Venice chứ không phải một, khoảng 12 tiếng một lần. Galileo cho sự bất thường này như kết quả của nhiều nguyên nhân thứ hai, gồm hình dạng của biển, độ sâu, và các yếu tố khác.[69] Chống lại sự quyết đoán rằng Galileo dối trá khi đưa ra những lý lẽ đó, Albert Einstein đã đưa ra quan điểm rằng Galileo đã phát triển “các lý lẽ mê hoặc” của mình và chấp nhận chúng mà không phê phán chỉ là vì ý muốn có bằng chứng vật lý cho chuyển động của Trái Đất.[70]
Galileo đã coi ý tưởng của một người cùng thời với ông là Johannes Kepler rằng Mặt Trăng gây ra thuỷ triều là “điều tưởng tượng vô nghĩa”.[71] Galileo cũng từ chối chấp nhận các quỹ đạo elíp của các hành tinh do Kepler đưa ra,[72] coi vòng tròn là hình dạng “hoàn hảo” cho quỹ đạo chuyển động của các hành tinh.
Galileo Galilei. Chân dung vẽ bằng bút chì màu của Leoni.
Một bản sao của kính viễn vọng đầu tiên được cho là của Galileo Galilei, được trưng bày tại
Đài thiên văn Griffith.
Công nghệ
Galileo đã có những đóng góp vào cái hiện nay được gọi là công nghệ, phân biệt rõ khỏi vật lý thuần tuý, và đề xuất nhiều thứ khác. Điều này không giống với sự phân biệt của Aristotle, ông coi mọi vật lý của Galileo là techne hay tri thức hữu ích, trái ngược với episteme, hay sự xem xét theo quan điểm triết học đối với các những nguyên nhân của sự vật. Trong giai đoạn 1595–1598, Galileo sáng chế và cải tiến một La bàn Địa lý và Quân sự thích hợp sử dụng cho các pháo thủ và những người vẽ bản đồ. Đây là việc cải tiến các thiết bị đã được thiết kế trước đó của Niccolò Tartaglia và Guidobaldo del Monte. Với các pháo thủ, ngoài một cách mới và an toàn hơn để nâng độ chính xác của pháo, nó còn cung cấp một cách tính toán nhanh chóng lượng thuốc súng cho các viên đạn pháo ở các kích thước và vật liệu khác nhau. Như một công cụ địa lý, nó cho phép xây dựng một hình đa giác đều bất kỳ, tính toán diện tích bất kỳ phần nào của hình đa giác hay hình tròn, và thực hiện nhiều tính toán khác. Năm 1593, Galileo chế tạo một nhiệt kế, sử dụng sự giãn nở và co lại của không khí trong một bóng đèn để di chuyển nước vào trong một ống gắn bên cạnh.
Năm 1609, Galileo cùng với Thomas Harriot người Anh và những người khác, là những người đầu tiên sử dụng một kính viễn vọng khúc xạ như dụng cụ để quan sát các ngôi sao, hành tinh hay các Mặt Trăng. Cái tên “kính viễn vọng” (telescope) được đặt cho dụng cụ của Galileo bởi một nhà toán học Hy Lạp, Giovanni Demisiani,[73] tại một bữa ăn được tổ chức năm 1611 bởi Hoàng tử Federico Cesi biến Galileo thành một thành viên trong Accademia dei Lincei của ông.[74] Cái tên xuất phát từ từ tiếng Hy Lạp tele = ‘xa’ và skopein = ‘nhìn’. Năm 1610, ông đã sử dụng một kính viễn vọng ở cự ly gần để phóng đại các phần của những con côn trùng.[75] Tới năm 1624 ông đã hoàn thiện[76] một kính hiển vi phức hợp. Ông trao một thiết bị đó cho hồng y Zollern vào tháng 5 năm ấy để giới thiệu với Công tước Bavaria,[77] và vào tháng 9 ông gửi một chiếc khác cho Hoàng tử Cesi.[78] Những thành viên của Accademia dei Lincei lại đóng một vai trò trong việc đặt tên “kính hiển vi” (microscopea) một năm sau đó khi một thành viên của viện Giovanni Faber đặt tên cho sáng chế của Galileo từ từ tiếng Hy Lạp μικρόν (micron) có nghĩa “nhỏ”, và σκοπεῖν (skopein) có nghĩa “để nhìn vào”. Từ này được dự định cho giống với “kính viễn vọng”.[79][80] Những hình vẽ các côn trùng được thực hiện nhờ một trong những kính hiển vi của Galileo, và được xuất bản năm 1625, dường như là tài liệu rõ ràng đầu tiên về việc sử dụng một kính hiển vi phức hợp.[81]
Năm 1612, sau khi đã xác định được các chu kỳ quỹ đạo của các vệ tinh Sao Mộc, Galileo đề xuất rằng với sự hiểu biết đủ chính xác về quỹ đạo của chúng một người có thể sử dụng các vị trí của chúng như một chiếc đồng hồ vũ trụ, và điều này có thể xác định kinh độ. Ông đã bỏ nhiều thời gian làm việc về vấn đề này trong phần còn lại cuộc đời mình; nhưng các vấn đề thực tế rất khó giải quyết. Phương pháp lần đầu áp dụng thành công là của Giovanni Domenico Cassini năm 1681 và sau đó được sử dụng nhiều trong các cuộc điều tra đất đai lớn; ví dụ, phương pháp này đã được Lewis and Clark sử dụng cho hoa tiêu trên biển, nơi mà các quan sát thiên văn bằng kính viễn vọng khó đạt được độ chính xác, vấn đề kinh độ cuối cùng đòi hỏi sự phát triển một đồng hồ hàng hải mang theo được, như thiết bị của John Harrison.
Trong năm cuối đời mình, khi đã mù hoàn toàn, ông thiết kế một cơ cấu hồi cho một chiếc đồng hồ quả lắc, một mô hình véctơ của nó có thể được thấy tại đây. Chiếc đồng hồ quả lắc thực tế hoạt động đầu tiên do Christiaan Huygens chế tạo thập niên 1650. Galilei đã phác thảo nhiều phát minh, như một ngọn nến và một chiếc gương để phản chiếu ánh sáng xuyên quan một ngôi nhà, một máy nhặt khoai tây tự động, một chiếc lược bỏ túi gấp lại được như một đồ ăn, và một thứ dường như là một chiếc bút bi.
Vật lý
Công trình lý thuyết và thực nghiệm của Galileo về chuyển động của các thiên thể, cùng với công trình phần lớn độc lập của Kepler và René Descartes, là sự khởi đầu của cơ học cổ điển được Isaac Newton phát triển.
Một tiểu sử do học trò của Galileo Vincenzo Viviani nói rằng Galileo đã thả những quả bóng bằng cùng vật liệu, nhưng có trọng lượng khác nhau, từ Tháp nghiêng Pisa để chứng minh rằng thời gian rơi của chúng không phụ thuộc vào trọng lượng.[82] Điều này trái ngược với điều Aristotle đã dạy: rằng các vật thể nặng rơi nhanh hơn các vật thể nhẹ, liên quan trực tiếp tới trọng lượng.[83] Tuy câu chuyện đã được kể lại nhiều lần, không có lời nào nói rằng chính Galileo đã làm một thực nghiệm như vậy, và nói chung các nhà sử học tin rằng nó hầu như chỉ là một thực nghiệm ý tưởng không diễn ra trong thực tế.[84]
Trong cuốn Discorsi năm 1638 của mình nhân vật Salviati của Galileo được mọi người coi là người phát ngôn của ông, đã cho rằng mọi trọng lượng khác biệt, sẽ rơi với cùng tốc độ tuyệt đối trong chân không. Nhưng điều này trước đó đã được Lucretius đề cập tới[85] và cả Simon Stevin.[86] Salviati cũng cho rằng có thể chứng minh bằng thực nghiệm điều này bằng cách so sánh các chuyển động đu đưa trong không khí với những quả lắc chì hay bần có trọng lượng khác nhau nhưng có kích thước tương tự nhau.
Galileo đã đề xuất rằng một vật thể rơi sẽ rơi với gia tốc đồng nhất, khi sức cản của môi trường mà nó đang rơi trong đó là không đáng kể, hay trong trường hợp giới hạn sự rơi của nó xuyên qua chân không.[87] Ông cũng xuất phát từ định luật động học chính xác cho khoảng cách đã được đi qua trong một gia tốc đồng nhất bắt đầu từ sự nghỉ, có nghĩa nó tỷ lệ với bình phương của thời gian ( d ∝ t 2 ).[88] Tuy nhiên, cả hai trường hợp những khám phá đó mới hoàn toàn ở mức sơ khởi. Định luật bình phương thời gian cho sự thay đổi gia tốc đồng nhất đã được Nicole Oresme biết tới từ thế kỷ 14,[89] và Domingo de Soto, ở thế kỷ 16, cho rằng các vật thể rơi qua một môi trường đồng nhất sẽ có gia tốc đồng nhất[90] Galileo đã thể hiện định luật bình phương thời gian bằng các giải thích hình học và các từ toán học chính xác, so với các tiêu chuẩn của thời ấy. (Những người khác thể hiện lại định luật theo các thuật ngữ đại số). Ông cũng kết luận rằng các vật thể duy trì chuyển động của chúng trừ khi một lực — thường là ma sát — tác động vào chúng, bác bỏ lý thuyết nói chung được chấp nhận của Aristotele rằng các vật thể “tất nhiên” giảm tốc độ và dừng lại trừ khi một lực tác động vào chúng (các ý tưởng triết học liên quan tới quán tính đã được Ibn al-Haytham và Jean Buridan đề xuất từ nhiều thế kỷ trước, và Joseph Needham, Mo Tzu đã đề xuất nó từ nhiều thế kỷ trước nữa, nhưng đây là lần đầu tiên nó được trình bày ở dạng toán học, được kiểm chứng trong thực tế, và đưa ra ý tưởng lực ma sát, sự đột phá quan trọng trong đánh giá quán tính). Nguyên tắc quán tính của Galileo nói: “Một vật thể chuyển động trên một bề mặt phẳng sẽ tiếp tục duy trì hướng và tốc độ trừ khi bị tác động.” Nguyên tắc này đã được tích hợp vào trong Các định về luật chuyển động của Newton (định luật thứ nhất).
Vòm thánh đường Pisa với cây “đèn của Galileo”
Galileo cũng tuyên bố (không chính xác) rằng một sự đu đưa của con lắc luôn mất cùng khoảng thời gian, độc lập với biên độ. Có nghĩa, một con lắc đơn giản là đẳng thời. Nói chung mọi người tin rằng ông đi đến kết luận này khi quan sát sự đua đưa của ngọn đèn chùm trong thánh đường Pisa, đo thời gian của nó theo mạch của mình. Tuy nhiên dường như ông không tiến hành thực nghiệm bởi tuyên bố là đúng chỉ với những sự đu đưa rất nhỏ như Christian Huygens đã khám phá ra. Con trai của Galileo, Vincenzo, đã phác thảo một chiếc đồng hồ dựa trên các lý thuyết của cha mình năm 1642. Chiếc đồng hồ này không bao giờ được chế tạo bởi những sự đu đưa lớn bởi cái hồi nghiêng của nó, sẽ là một chiếc đồng hồ tồi. (Xem Kỹ thuật bên trên.)
Năm 1638 Galileo đã miêu tả một phương pháp thực nghiệm để đo vận tốc ánh sáng bằng cách bố trí hai người quan sát, mỗi người cầm một đèn lồng có cửa che, quan sát đèn của nhau ở một khoảng cách. Người quan sát đầu tiên mở cửa sập ở cây đèn của mình, và người thứ hai, ngay khi thấy ánh sáng, lập tức mở cửa sập ở cây đèn của mình. Thời gian giữa lúc người quan sát đầu tiên mở cửa sập và quan sát thấy ánh sáng từ cây đèn của người quan sát thứ hai cho thấy khoảng thời gian ánh sáng cần để đi tiến lùi giữa hai người quan sát. Galileo đã thông báo rằng khi ông thử nó ở một khoảng cách chưa tới một dặm, ông không thể xác định liệu ánh sáng có xuất hiện đồng thời hay không.[91] Trong một khoảng thời gian giữa khi Galileo qua đời và năm 1667, các thành viên của Accademia del Cimento Florence đã lặp lại thực nghiệm ở khoảng cách khoảng một dặm và có được kết quả tương tự.[92]
Galileo ít được biết tới về, nhưng vẫn được quy cho là, một trong những người đầu tiên hiểu được tần số âm thanh. Bằng cách cào một cái đục ở những tốc độ khác nhau, ông kết nối độ cao thấp của âm thanh tạo ra do chiếc đục, một cách đo tần số.
Trong cuốn Đối thoại năm 1632 của mình Galileo đã trình bày một lý thuyết vật lý về thuỷ triều, dựa trên chuyển động của Trái Đất. Nếu chính xác, nó sẽ là một lý lẽ mạnh cho sự chuyển động thực tế của Trái Đất. Trên thực tế, cái tên ban đầu của cuốn sách miêu tả nó như một cuộc đối thoại về thuỷ triều; đoạn nói về thuỷ triều đã bị loại bỏ theo lệnh của Toà án dị giáo. Lý thuyết của ông là cái nhìn đầu tiên vào tầm quan trọng của các hình dạng vịnh biển ảnh hưởng trên kích cỡ và thời gian thuỷ triều; ví dụ, ông đã tính toán chính xác các đợt thuỷ triều nhỏ ở giữa dọc theo Biển Adriatic so với các đợt thuỷ triều ở hai đầu cuối. Tuy nhiên, nếu là một sự tính toán tổng thể về nguyên nhân thuỷ triều, lý thuyết của ông là sai lầm. Kepler và những người khác đã chính xác khi liên kết Mặt Trăng với những ảnh hưởng trên thuỷ triều, dựa trên dữ liệu kinh nghiệm, tuy nhiên một lý thuyết vật lý thực sự về thuỷ triều chỉ xuất hiện với Newton.
Galileo cũng đưa ra nguyên tắc căn bản của tương đối, rằng các định luật của vật lý là như nhau trong bất kỳ hệ thống nào đang chuyển động ở một tốc độ không đổi theo một đường thẳng, không cần biết tới tốc độ và hướng. Vì thế, không có chuyển động tuyệt đối hay sự nghỉ tuyệt đối. Nguyên tắc này cung cấp nền tảng căn bản cho các định luật về chuyển động của Newton và là trung tâm của thuyết tương đối của Einstein.
Toán học
Cuốn sách “Hai khoa học mới” năm 1638 của Galileo
Trong khi việc áp dụng toán học vào vật lý thực nghiệm của Galileo có tính đột phá, các phương pháp toán học của ông là phương pháp tiêu chuẩn của thời kỳ ấy. Sự phân tích và các bằng chứng dựa nhiều trên lý thuyết về tỷ lệ của Eudoxus, như đã được trình bày trong cuốn sách thứ năm của Các nguyên lý Euclid. Lý thuyết này chỉ có được một thế kỷ trước đó, nhờ các bản dịch chính xác của Tartaglia và những người khác; nhưng cuối đời Galileo nó trở thành lạc hậu bởi các phương pháp đại số của Descartes.
Galileo đã tạo ra một phần nguyên thuỷ và thậm chí một công trình mang tính tiên tri trong toán học: nghịch lý Galileo, thể hiện rằng có nhiều bình phương hoàn hảo khi có tổng thể các con số, thậm chí đa số các con số không phải là những bình phương hoàn hảo. Điều dường như trái ngược này đã được giải quyết 250 năm sau trong công trình của Georg Cantor.
Tranh cãi với Giáo hội
-
Bức tranh Galileo đối mặt với Toà án dị giáo La Mã năm 1857 của Cristiano Banti
Tham khảo Thánh Vịnh 93:1, Thánh Vịnh 96:10, và 1 Sử biên niên 16:30 trong Kinh Thánh Kitô giáo Tây phương (dựa trên bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ) có đoạn nói rằng: “Chúa thiết lập Địa Cầu, Địa Cầu không lay chuyển”. Cũng trong đoạn Thánh Vịnh 104:5 nói, “Chúa lập Địa Cầu trên nền vững, không chuyển lay muôn thuở muôn đời!”. Hơn nữa, Sách Giảng viên 1:5 viết rằng: “Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên” v.v..[93]
Galileo đã bảo vệ thuyết nhật tâm, và tuyên bố rằng nó không trái ngược với các đoạn Kinh Thánh đó. Ông lấy quan điểm của Augustine về Kinh Thánh: không hiểu mọi đoạn theo nghĩa đen, đặc biệt khi Kinh Thánh bị nghi ngờ là cuốn sách về thơ và các bài hát, chứ không phải là một cuốn sách chỉ dẫn hay lịch sử. Những người viết Kinh Thánh đã viết từ quan điểm của thế giới Trái Đất, và từ quan điểm đó mặt trời mọc và lặn. Tuy nhiên Galileo đã công khai đặt nghi vấn sự đáng tin cậy trong đoạn Sách Giôsua 10:13 nói: “Mặt Trời liền dừng lại, Mặt Trăng lập tức đứng lại, cho đến khi dân đã trị tội các địch thù”, có nghĩa là Mặt Trời và Mặt Trăng đã bị ra lệnh ngừng chuyển động để cho phép người Israel giành chiến thắng.
Tới năm 1616 những cuộc tấn công vào Galileo đã lên tới đỉnh điểm, và ông tới Roma để tìm cách thuyết phục Giáo hội không ngăn cấm các ý tưởng của ông. Cuối cùng, hồng y Bellarmine, theo các chỉ thị của Toà án dị giáo, ra lệnh cho ông “không tin hay bảo vệ” ý tưởng rằng Trái Đất di chuyển và Mặt Trời đứng yên ở trung tâm. Chỉ thị không ngăn cản Galileo thảo luận các lý thuyết nhật tâm (vì thế duy trì một sự chia rẽ bên ngoài giữa khoa học và giáo hội). Trong nhiều năm tiếp theo Galileo đứng ngoài cuộc tranh cãi. Ông tiếp tục dự án của mình khi viết một cuốn sách về chủ đề này, được khuyến khích bởi sự lên ngôi của hồng y Barberini khi ông trở thành Giáo hoàng Urbanô VIII năm 1623. Barberini là một người bạn và là người hâm mộ Galileo, và đã phản đối cuộc kết án Galileo năm 1616. Cuốn sách, Đối thoại về Hai Hệ thống Thế giới Chính, được xuất bản năm 1632, với sự cho phép chính thức của Toà án dị giáo và Giáo hoàng.
Đích thân Giáo hoàng Urbanô VIII yêu cầu Galileo đưa ra những lý lẽ ủng hộ và chống thuyết nhật tâm trong cuốn sách, và cẩn thận không ủng hộ thuyết nhật tâm. Ông lại có một yêu cầu khác, rằng các quan điểm của riêng mình về vấn đề sẽ được đưa vào trong cuốn sách của Galileo. Chỉ yêu cầu sau cùng này được Galileo thực hiện. Không biết vô tình hay hữu ý, Simplicio, người bảo vệ quan điểm Địa tâm của Aristotele trong Đối thoại về Hai Hệ thống Thế giới Chính, thường tự mắc vào các lỗi của chính mình và thỉnh thoảng có vẻ như một người thiểu năng. Điều này khiến Đối thoại về Hai Hệ thống Thế giới Chính có vẻ là một cuốn sách cổ vũ; một cuộc tấn công vào hệ nhật tâm của Aristotele và bảo vệ lý thuyết của Copernicus. Nguy hại hơn, Galileo đã đặt các lời lẽ của Giáo hoàng Urbanô VIII vào miệng Simplicio. Đa số các nhà sử học đồng ý rằng Galileo hành động một cách không chủ ý và bị cô lập trước phản ứng với cuốn sách của mình.[94] Tuy nhiên, Giáo hoàng không xem nhẹ sự nhạo báng bị nghi ngờ đó. Galileo đã mất một trong những người ủng hộ lớn và quyền uy nhất của mình, và bị gọi tới Rôma để bảo vệ những điều ông đã viết.
Với việc để mất nhiều người ủng hộ tại Rôma vì cuốn Đối thoại về Hai Hệ thống Thế giới Chính, Galileo bị gọi ra trước toà vì nghi ngờ dị giáo năm 1633. Phán quyết của Toà án dị giáo nằm trong ba phần chính:
- Galileo bị xác định “rất nghi ngờ về dị giáo”, nói rõ là đã tin vào các ý kiến rằng Mặt Trời nằm im ở trung tâm vũ trụ, rằng Trái Đất không phải trung tâm vũ trụ và chuyển động, rằng một người có thể tin vào và bảo vệ một ý kiến coi nó là đúng sau khi nó đã bị tuyên bố là trái ngược với Kinh Thánh linh thiêng. Ông bị yêu cầu “từ bỏ, nguyền rủa và ghê tởm” các ý kiến đó.[95]
- Ông bị ra lệnh bỏ tù; phán quyết này sau đó được đổi thành quản thúc tại gia.
- Cuốn Đối thoại của ông bị cấm; và trong một hành động không được công bố tại phiên xử, việc xuất bản mọi tác phẩm của ông bị cấm, gồm cả những tác phẩm ông có thể viết trong tương lai.[96]
Theo truyền thuyết dân gian, sau khi công khai từ bỏ lý thuyết của ông rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời, Galileo được cho là đã thì thầm câu mang tính chống đối sau: Dù sao nó vẫn chuyển động, nhưng không có bằng chứng rằng thực tế ông đã nói câu đó hay một thứ gì khác như thế. Lời kể đầu tiên về việc này xuất hiện một thế kỷ sau khi ông mất.[97]
Sau một giai đoạn thân thiết với Ascanio Piccolomini (Tổng giám mục Siena), Galileo được cho phép quay trở lại ngôi nhà của ông tại Arcetri gần Florence, nơi ông sống nốt phần đời trong tình trạng bị quản thúc, và nơi ông cuối cùng bị mù hoàn toàn. Chính khi bị quản thúc Galileo đã dành trọn thời gian cho một trong những tác phẩm tốt nhất của ông, Hai Khoa học Mới. Ở đây ông đã tóm tắt công việc mà mình đã làm trong khoảng bốn mươi năm, về hai khoa học hiện được gọi là động học và sức bền vật liệu. Cuốn sách này nhận được sự đánh giá cao từ Albert Einstein.[98] Nhờ tác phẩm này, Galileo thường được gọi là “người cha của vật lý hiện đại”.
Galileo mất ngày 8 tháng 1 năm 1642 ở tuổi 77. Đại Công tước Tuscany, Ferdinando II, muốn chôn cất ông trong tòa nhà chính của Vương cung thánh đường Santa Croce di Firenze, gần lăng mộ của cha ông và các tổ tiên khác, và dựng một lăng mộ bằng đá mable để vinh danh ông.[99] Tuy nhiên, các kế hoạch này đã bị loại bỏ, sau khi Giáo hoàng Urban VIII và cháu của mình hồng y Francesco Barberini phản đối.[100] Thay vào đó ông được chôn cất trong một căn phòng nhỏ bên cạnh nhà nguyện của những tu sĩ mới ngay cuối một hành lang từ gian bên phía nam của vương cung thánh đường tới phòng để đồ thờ.[101] Ông được chôn lại trong phòng chính của vương cung thánh đường năm 1737 sau khi một đài kỷ niệm đã được dựng ở đó để vinh danh ông.[102]
Lệnh cấm in lại các tác phẩm của Galileo của Toà án dị dáo được dỡ bỏ năm 1718 khi có giấy phép cho phép xuất bản các tác phẩm của ông (ngoại trừ cuốn Đối thoại đã bị lên án) tại Florence.[103] Năm 1741 Giáo hoàng Biển Đức XIV cho phép xuất bản một bộ hoàn chỉnh các tác phẩm khoa học của Galileo[104] gồm một phiên bản không bị kiểm duyệt nhiều của Đối thoại.[105] Năm 1758 lệnh cấm chung với các tác phẩm ủng hộ thuyết nhật tâm của ông bị dỡ bỏ trong Danh mục sách cấm xuất bản, dù lệnh cấm rõ ràng về các phiên bản chưa được kiểm duyệt của cuốn Đối thoại và cuốn Về chuyển động quay của Copernicus vẫn còn lại.[106] Tất cả dấu vết về sự phản đối chính thức với hệ nhật tâm của Giáo hội biến mất năm 1835 khi các tác phẩm này cuối cùng được loại khỏi danh mục.[107]
Năm 1939, trong bài nói chuyện đầu tiên trước Viện hàn lâm Khoa học Giáo hoàng được một vài tháng sau khi được bầu lên vị trí Giáo hoàng, Giáo hoàng Piô XII đã miêu tả Galileo là một trong số “các anh hùng táo bạo nhất trong nghiên cứu … không sợ hãi trước những trở ngại và nguy hiểm khi thực hiện công việc, cũng không mù quáng tuân theo những vĩ nhân thời trước”[108] Cố vấn thân cận của ông trong 40 năm, Giáo sư Robert Leiber đã viết: “Piô XII đã rất cẩn thận để không đóng bất kỳ cánh cửa nào một cách vội vã (với khoa học). Ông là người nhiệt tâm về vấn đề này và đã hối tiếc về nó trường hợp của Galileo.”[109]
Ngày 15 tháng 2 năm 1990, trong một bài phát biểu tại Đại học Sapienza Roma,[110] Hồng y Ratzinger (sau này trở thành Giáo hoàng Benedict XVI) đã dẫn ra một số quan điểm hiện tại về vụ Galileo như nguyên nhân hình thành cái mà ông gọi là “một trường hợp có tính triệu chứng cho phép chúng ta thấy sự tự nghi ngờ của thời đại hiện đại, của khoa học và công nghệ ngày nay đi sâu tới mức nào.”[111] Một số quan điểm ông trích dẫn là các quan điểm của nhà triết học Paul Feyerabend, người mà ông cho rằng đã nói “Giáo hội ở thời điểm của Galileo tuân theo lý lẽ mạnh hơn chính Galileo, và giáo hội cũng xem xét các hậu quả đạo đức và xã hội của các bài giảng của Galileo. Tuyên bố của giáo hội chống lại Galileo là dựa trên lý trí và chính xác và việc xem xét lại phán quyết đó chỉ công bằng khi dựa trên nền tảng của thời điểm chính trị.”[111] Hồng y không nói rõ liệu ông đồng ý hay không đồng ý với các ý kiến của Feyerabend. Tuy nhiên, ông đã nói: “Sẽ là điên rồ khi thực hiện một lời xin lỗi bốc đồng trên cơ sở của những quan diểm đó”.[111]
Ngày 31 tháng 11 năm 1992, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thể hiện sự hối tiếc về cách vụ Galileo được phán xét, và chính thức công nhận rằng Trái Đất không đứng yên, như kết quả của một cuộc nghiên cứu do Viện Văn hoá Giáo hoàng tiến hành.[112][113] Tháng 3 năm 2008, Vatican đề nghị hoàn thành việc phục hồi cho Galileo bằng cách dựng một bức tượng ông bên trong những bức tường thành Vatican.[114] Tháng 12 cùng năm, trong các sự kiện kỷ niệm lần thứ 400 những quan sát thiên văn bằng kính viễn vọng sớm nhất của Galileo, Giáo hoàng Benedict XVI đã ca ngợi những đóng góp của ông cho thiên văn học.[115]
Các tác phẩm
Bức tượng bên ngoài
Uffizi, Florence.
Các tác phẩm đầu tiên của Galileo miêu tả các thiết bị khoa học gồm tiểu luận năm 1586 với tiêu đề Chiếc Cân Nhỏ (La Billancetta) miêu tả một chiếc cân chính xác để cân các vật thể trong không khí hay trong nước[116] và cuốn sách giáo khoa in năm 1606 Le Operazioni del Compasso Geometrico et Militare về hoạt động của một compa hình học và quân sự.[117]
Các tác phẩm đầu tiên của ông về động lực, khoa học chuyển động và các cơ cấu là cuốn De Motu (Về Chuyển động) năm 1590 và Le Meccaniche (Cơ học) khoảng năm 1600. Cuốn đầu dựa trên động lực chất lỏng của Aristotele-Archimede và cho rằng tốc độ rơi hấp dẫn trong một môi trường chất lỏng tỷ lệ với số dôi của trọng lượng riêng của vật thể trong môi trường đó, theo đó trong một chân không các vật thể sẽ rơi với các tốc độ tỷ lệ với trọng lượng riêng của chúng. Nó cũng tán thành lực đẩy động lực Hipparchan-Philoponan theo đó lực đẩy là tự tiêu hao và rơi tự do trong chân không sẽ có một tính chất tốc độ cuối cùng theo trọng lượng riêng sau một giai đoạn gia tốc ban đầu.
Cuốn Sứ giả Sao (Sidereus Nuncius) năm 1610 của Galileo là chuyên luận khoa học đầu tiên được xuất bản dựa trên các quan sát được thực hiện bằng kính viễn vọng và gồm cả sự khám phá các vệ tinh Galileo. Galileo xuất bản một cuốn sách miêu tả các đốm mặt trời năm 1613 với tiêu đề Những bức thư về các Đốm mặt trời[118] cho rằng Mặt trời và các tầng trời là không hoàn hảo. Cũng trong năm 1610 qua các quan sát bằng kính viễn vọng ông thông báo về các bướu và các pha đầy đủ của Sao Kim bác bỏ hệ địa tâm và ủng hộ sự chuyển đổi từ thiên văn học địa tâm của Ptolemy sang thiên văn học địa nhật tâm ở thế kỷ 17 như các mô hình hành tinh của Tycho và Capella.[119] Năm 1615 Galileo chuẩn bị một bản viết tay được gọi là Thư gửi Đại Công tước Christina mãi tới năm 1636 mới được in. Bức thư này là một phiên bản sửa đổi của Thư gửi Castelli, bị Toà án dị giáo cho là một sự xúc phạm tới tín ngưỡng khi ủng hộ thuyết Copernicus là đúng đắn về vật lý và cho rằng nó thích hợp với Kinh thánh.[120] Năm 1616, sau lệnh của Toà án dị giáo cấm Galileo tin vào hay bảo vệ quan điểm của Copernicus, Galileo đã viết Bài thuyết trình về thuỷ triều (Discorso sul flusso e il reflusso del mare) dựa trên mô hình Trái Đất của Copernicus, dưới hình thức một bức thư riêng gửi Giáo hoàng Orsini.[121] Năm 1619, Mario Guiducci, một học sinh của Galileo, xuất bản một bài viết với hầu hết nội dung do Galileo thực hiện với tiêu đề Bài thuyết trình về các Sao chổi (Discorso Delle Comete), đưa ra lý lẽ chống lãi cách diễn giải về Sao chổi của Dòng Tên.[122]
Năm 1623, Galileo xuất bản Người thí nghiệm – Il Saggiatore, tấn công các lý thuyết dựa trên mô hình của Aristotle và ủng hộ việc thành lập các ý tưởng khoa học dựa trên thực nghiệm và toán học. Cuốn sách rất thành công và thậm chí còn có được sự ủng hộ từ các giới chức cao cấp bên trong Giáo hội Công giáo.[123] Sau thành công của Người thí nghiệm, Galileo xuất bản Đối thoại về Hai Hệ thống Thế giới Chính (Dialogo sopra i due massimi sistemi del mondo) năm 1632. Dù đã thận trọng để tránh vi phạm vào các điều cấm của Toà án dị giáo năm 1616, những tuyên bố trong cuốn sách ủn hộ lý thuyết Copernicus và một mô hình hệ mặt trời phi địa tâm khiến Galileo bị đưa ra xét xử và cấm xuất bản. Dù có lệnh cấm xuất bản, Galileo vẫn xuất bản cuốn Những bài thuyết trình về các Chứng minh Toán học Liên quan tới Hai Khoa học Mới (Discorsi e Dimostrazioni Matematiche, intorno a due nuove scienze) năm 1638 tại Hà Lan, bên ngoài tầm tài phán của Toà án dị giáo.
- Chiếc Cân nhỏ (1586)
- Về chuyển động (1590) [124]
- Cơ học (khoảng 1600)
- Sứ giả Sao (1610; bằng tiếng Latinh, Sidereus Nuncius)
- Những bức thư về các Đốm mặt trời (1613)
- Thư gửi Đại Công tước Christina (1615; xuất bản năm 1636)
- Thuyết trình về Thuỷ triều (1616; tiếng Italia, Discorso del flusso e reflusso del mare)
- Thuyết trình về Sao chổi (1619; tiếng Italia, Discorso Delle Comete)
- Người thí nghiệm (1623; tiếng Italia, Il Saggiatore)
- Đối thoại về Hai Hệ thống Thế giới Chính (1632; tiếng Italia Dialogo dei due massimi sistemi del mondo)
- Những bài Thuyết trình về các Chứng minh Toán học Liên quan tới Hai Khoa học Mới (1638; tiếng Italia, Discorsi e Dimostrazioni Matematiche, intorno a due nuove scienze)
Di sản
Những khám phá thiên văn học và nghiên cứu trong lý thuyết của Copernicus của Galileo để lại một di sản trường cửu gồm việc phân loại bốn Mặt Trăng lớn của Sao Mộc do Galileo phát hiện (Io, Europa, Ganymede và Callisto) và được gọi là các vệ tinh Galileo. Các nỗ lực và nguyên tắc khoa học khác được đặt theo tên Galileo gồm tàu vũ trụ Galileo,[125] tàu vũ trụ đầu tiên đi vào quỹ đạo quanh Sao Mộc, hệ thống vệ tinh hoa tiêu toàn cầu Galileo đã được đề xuất,[126] sự biến đổi giữa các hệ thống quán tính trong cơ học cổ điển bao hàm sự biến đổi Galileo và Gal là một đơn vị của gia tốc không thuộc hệ SI.[127][128][129]
Để trùng một phần với những quan sát thiên văn đầu tiên được ghi lại của Galileo bằng kính viễn vọng, Liên hiệp quốc đã coi năm 2009 là Năm Thiên văn học Quốc tế.[130] Một kế hoạch toàn cầu do Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) đặt ra, nó cũng được UNESCO — cơ quan Liên hiệp quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề Giáo dục, Khoa học và Văn hóa, tán thành. Năm Thiên văn học Quốc tế 2009 được dự định là một ngày hội toàn cầu của thiên văn học và những đóng góp của nó vào xã hội và văn hoá, thu hút sự chú ý toàn thế giới không chỉ về thiên văn học mà còn về khoa học nói chung, với ưu tiên hướng về những người trẻ tuổi.
Nhà viết kịch Đức thế kỷ 20 Bertolt Brecht đã ghi lại cuộc đời Galileo trong tác phẩm Cuộc đời Galileo của ông (1943). Cũng có một vở kịch thế kỷ 21 về cuộc đời ông.[131]
Galileo Galilei gần đây được chọn như một motif chính cho đồng xu sưu tập có giá trị rất cao: đồng €25 đồng xu kỷ niệm Năm Thiên văn học Quốc tế, được đúc năm 2009. Đồng xu này cũng kỷ niệm sinh lần thứ 400 phát minh kính viễn vọng của Galileo. Hình trên đồng xu thể hiện một phần chân dung ông và chiếc kính viễn vọng. Phía sau là một trong những hình vẽ đầu tiên của ông về bề mặt Mặt Trăng.[132] Trong đồng xu bạc những chiếc kính viễn vọng khác cũng được thể hiện: Kính viễn vọng Isaac Newton, đài quan sát thiên văn tại Kremsmünster Abbey, một kính viễn vọng hiện đại, một kính viễn vọng radio và một kính viễn vọng không gian. Trong năm 2009, kính viễn vọng Galileo đường kính 50 mm cũng được bán ra với chi phí thấp và chất lượng tương đối cao phục vụ cho mục đích giáo dục.[133]
Ghi chú
- ^ a ă â b c d đ O’Connor, J. J.; Robertson, E. F. “Galileo Galilei”. The MacTutor History of Mathematics archive. Đại học St Andrews, Scotland. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2007.
- ^ F. Vinci, Ostilio Ricci da Fermo, Maestro di Galileo Galilei, Fermo, 1929.
- ^ “Vincenzio Viviani”. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2009.
- ^ Drake (1978, tr.1). Ngày sinh của Galileo theo lịch Julius, lịch sau này có hiệu lực trên tất cả các quốc gia theo Kitô giáo. Năm 1582 nó được thay thế bằng lịch Gregory ở Ý và một số nước theo Công giáo khác. Trừ khi có trích dẫn khác, ngày đề cập trong bài viết này được lấy theo lịch Gregory.
- ^ Galileo Galilei trong bản Catholic Encyclopedia năm 1913 của John Gerard
- ^ Singer, Charles (1941), A Short History of Science to the Nineteenth Century, Clarendon Press, tr. 217
- ^ a ă Weidhorn, Manfred (2005). The Person of the Millennium: The Unique Impact of Galileo on World History. iUniverse. tr. 155. ISBN 0-595-36877-8.
- ^ Finocchiaro 2007.
- ^ “Galileo and the Birth of Modern Science, by Stephen Hawking, American Heritage’s Invention & Technology, Spring 2009, quyển 24, Số 1, tr. 36
- ^ Sharratt 1994, tr. 127–131, McMullin 2005a
- ^ Reston 2000, tr. 3–14
- ^ Sharratt 1994, tr. 45–66
- ^ Rutkin, H. Darrel. “Galileo, Astrology, and the Scientific Revolution: Another Look”. Program in History & Philosophy of Science & Technology, Đại học Stanford. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2007.
- ^ Sharratt 1994, tr. 17, 213
- ^ Sobel 2000, tr. 5 Chương 1. “Nhưng do ông chưa từng cưới mẹ của Virginia, ông xem chính cô ấy không thể kết hôn. Không lâu sau sinh nhật thứ 13 của ô ấy, ông đưa cô ấy đến tu viện San Matteo ở Arcetri.”
- ^ Pedersen, O. (24 May–27, 1984). “Galileo’s Religion”. Proceedings of the Cracow Conference, The Galileo affair: A meeting of faith and science. Cracow: Dordrecht, D. Reidel Publishing Co. tr. 75–102. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2008.
- ^ Gebler 1879, tr. 22–35.
- ^ Anonymous (2007). “History”. Accademia Nazionale dei Lincei. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
- ^ Finocchiaro 1989, tr. 147–149, 153, Có các tài liệu mâu thuẫn nhau miêu tả bản chất của sự cảnh cáo này và hoàn cảnh phổ biến chúng.
- ^ Carney, Jo Eldridge (2000). Renaissance and Reformation, 1500-1620: a. Greenwood Publishing Group. ISBN 0-313-30574-9.
- ^ Allan-Olney 1870
- ^ Sharratt 1994, tr. 204-205
- ^ Cohen, H. F. (1984). Quantifying Music: The Science of Music at. Springer. tr. 78–84. ISBN 90-277-1637-4.
- ^ Field, Judith Veronica (2005). Piero Della Francesca: A Mathematician’s Art. Yale University Press. tr. 317–320. ISBN 0-300-10342-5.
- ^ Drake 1957, tr. 237−238.
- ^ Wallace 1984.
- ^ Feyerabend, Paul (1993). Against Method . London: Verso. tr. 129. ISBN 0-86091-646-4.
- ^ Sharratt 1994, tr. 202–04, Galileo 1954, tr. 250–52, Favaro 1890 8:274–75) (tiếng Ý)
- ^ Sharratt 1994, tr. 202–04, Galileo 1954, tr. 252, Favaro 1890 8:275) (tiếng Ý)
- ^ Hawking 1988, tr. 179
- ^ Einstein 1954, tr. 271. “Propositions arrived at by purely logical metans are completely empty as regards reality. Because Galileo realised this, and particularly because he drummed it into the scientific world, he is the father of modern physics—indeed, of modern science altogether.”
- ^ Drake 1990, tr. 133–34
- ^ “Sidereus Nuncius”. Rare Book Room. 1610. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2009.
- ^ Drake 1978, tr. 146
- ^ Trong Sidereus Nuncius Favaro 1890 1892, 3:81Bản mẫu:Latin) Galileo nói rằng ông đi tới kết luận này ngày 11 tháng 1. Drake 1978, tr. 152, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các bản viết tay chưa xuất bản về các quan sát của Galileo, kết luận rằng mãi tới ngày 15 tháng 1 ông mới kết luận như vậy.
- ^ Sharratt 1994, tr. 17
- ^ Linton 2004, tr. 98,205, Drake 1978, tr. 157
- ^ Drake 1978, tr. 158–168, Sharratt 1994, tr. 18–19
- ^ Drake 1978, tr. 168, Sharratt 1994, tr. 93
- ^ Thoren 1989, tr. 8; Hoskin 1999, tr. 117
- ^ Trong mô hình của Capellan chỉ có Sao Thủy và Sao Kim là quay quanh Mặt Trời, trong khi ở phiên bản mở rộng do Riccioli phát triển thì Sao Hỏa cũng quay quanh Mặt Trời, nhưng quỹ đạo của Sao Mộc và Sao Thổ thì có trọng tâm trên Trái Đất
- ^ Baalke, Ron. “Historical Background of Saturn’s Rings”. Jet Propulsion Laboratory, California Institute of Technology, NASA. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2007.
- ^ Trong biến thể ‘quán tính’ Thomist của Kepler về động lực kiểu Aristotle trái ngược với biến thể động lực quán tính của Galileo mọi vật thể vũ trụ đều có một sự kháng cự cố hữu với mọi chuyển động và khuynh hướng nghỉ, vốn được gọi là ‘quán tính’. Khái niệm này về quán tính ban đầu được Averroes đưa ra ở thế kỷ 12 chỉ dành cho các thiên thể để giải thích tại sao chúng không chuyển động với tốc độ vô hạn theo động lực học học Aristotle, như chúng phải thế nếu không có lực nào tác động tới những chuyển động của chúng. Và trong các cơ cấu vũ trụ trong cuốn Astronomia Nova (Thiên văn Mới) của ông quán tính của các hành tinh lớn hơn chuyển động quỹ đạo mặt trời của chúng bởi chúng buộc phải chuyển động quanh một mặt trời trời đang tự quay như những chiếc nan hoa của một chiếc bánh xe đang quay. Và nói chung hơn nó dự đoán tất cả nhưng chỉ những hành tinh có vệ tinh chuyển động quanh, ví dụ như Sao Mộc, cũng quay để đẩy chúng bay xung quanh, theo đó, ví dụ, Mặt Trăng, không quay, vì thế luôn quay một phía về Trái Đất, bởi nó không có vệ tinh để đẩy quanh. Đây dường như là những dự đoán lý thuyết đúng đắn đầu tiên về độc lực ‘quán tính’ Thomist Aristotle cũng như về vật lý hậu thiên thể. Trong cuốn Epitome (Toát yếu) (Xem tr. 514 on p896 của Encyclopædia Britannica 1952 ấn bản Great Books of the Western World) năm 1630 của mình Kepler mạnh mẽ nhấn mạnh rằng ông đã chứng minh chuyển động trục của Mặt trời từ các chuyển động hành tinh trong Commentaries on Mars (Bình luận về sao Hoả) Ch 34 từ lâu trước khi nó được phát hiện nhờ quan sát chuyển động của đốm mặt trời bằng kính thiên văn.
- ^ Drake 1978, tr. 209. Sizzi đã báo cáo rằng các quan sát của ông và những người bạn đã thực hiện trong một năm đến Orazio Morandi trong lá thư ghi ngày 10 tháng 4 năm 1613 Favaro 1890 1901, 11:491 (tiếng Ý)). Morandi sau đó chuyển tiếp một bản sao tới Galileo.
- ^ Trong các hệ địa tĩnh sự biến đổi hàng năm thể hiện trong sự chuyển động của các vệt đen mặt trời chỉ có thể được giải thích đó là kết quả của tuế sai phức tạp một khó hình dung của trục quay của Mặt Trời Linton 2004, tr. 212, Sharratt 1994, tr. 166, Drake 1970, tr. 191–196. Tuy nhiên, trong bản tranh luận của Drake về vấn đề phức tạp này trong chương chương 9 năm 1970 thì không không phải như thế, nó không bác bỏ các mô hình địa tâm không phải hệ địa tĩnh. Đối với các biến thiên thành năm theo quỹ đạo tháng của vết đen mặt trời đối với mặt phẳng hoàng đạo chỉ chứng minh phải có vài chuyển động của các hành tinh thuộc đất, nhưng không cần thiết vì sự chuyển động trên quỹ đạo quỹ đạo hàng năm quanh mặt trời của nó ngượci lại với chuyển động quay hàng ngày theo hệ địa tâm, và vì vậy không thể chứng minh học thuyết nhật tâm do chối bỏ thuyết địa tâm. Điều này có thể được giải thích trong mô hình bán địa tâm Tycho mà Trái Đất xoay hàng ngày. Đặc biệt trang 190 và 196 trong sách của Drake. Vì thế, dựa trên sự phân tích này nó chỉ bác bỏ mô hình địa tâm địa tĩnh Ptolema, mô hình của ông đề xuất rằng quỹ đạo địa tâm hàng ngày của Mặt Trời có thể dự đoán sự thay đổi hàng năm dựa trên các quan sát hàng ngày, và nó không hoạt động như thế.
- ^ Julian Barbour (1991). http://books.google.co.jp/books?id=j__QMcwHGqcC&pg=RA1-PA325&lpg=RA1-PA325&dq=Kepler%27s+prediction+of+the+sun%27s+rotation&source=bl&ots=-AeMajYi6q&sig=dA7ZrkXwNpMkaxr3f5ZiNwQmTJ8&hl=ja&ei=TyoXS4fjK8uTkAWwoaznCA&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=2&ved=0CBYQ6AEwAQ#v=onepage&q=Kepler%27s%20prediction%20of%20the%20sun%27s%20rotation&f=false . The discovery of dynamics 1. Nhà in Đại học Oxford. tr. 325. ISBN 0-19-513202-5. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2009.
- ^ Ondra 2004, tr. 72-73
- ^ Drake 1960, tr. vii,xxiii–xxiv, Sharratt 1994, tr. 139–140
- ^ Grassi 1960a
- ^ Drake 1978, tr. 268, Grassi 1960a, tr. 16.
- ^ Galileo & Guiducci 1960
- ^ Drake 1960, tr. xvi.
- ^ Drake 1957, tr. 222, Drake 1960, tr. xvii.
- ^ Sharratt 1994, tr. 135, Drake 1960, tr. xii, Galileo & Guiducci 1960, tr. 24.
- ^ Sharratt 1994, tr. 135, Drake 1960, tr. xvii.
- ^ Grassi 1960b.
- ^ Drake 1978, tr. 494, Favaro 1890 (1896, 6:111). The pseudonym was a slightly imperfect anagram of Oratio Grasio Savonensis, a latinized version of his name and home town.
- ^ Galileo 1960.
- ^ Sharratt 1994, tr. 137, Drake 1957, tr. 227.
- ^ Sharratt 1994, tr. 138–142.
- ^ Drake 1960, tr. xix.
- ^ Drake 1960, tr. vii.
- ^ Sharratt 1994, tr. 175.
- ^ Sharratt 1994, tr. 175–178, Blackwell 2006, tr. 30.
- ^ Finocchiaro 1989, tr. 67–69.
- ^ Finocchiaro 1989, tr. 354, n. 52
- ^ Finocchiaro 1989, tr. 119–133
- ^ Finocchiaro 1989, tr. 127–131 và Drake 1953, tr. 432–436
- ^ Einstein 1952, tr. xvii
- ^ Finocchiaro 1989, tr. 128
- ^ Kusukawa, Sachiko. “Starry Messenger. The Telescope”. Department of History and Philosophy of Science of the University of Cambridge. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2007.
- ^ Sobel 2000, tr. 43, Drake 1978, tr. 196. Trong Starry Messenger (Sứ giả Sao), được viết bằng tiếng Latinh, Galileo đã sử dụng thuật ngữ “perspicillum”.
- ^ “Bản dự trữ của omni-optical.com “A Very Short History of the Telescope“”.[liên kết hỏng]
- ^ Drake 1978, tr. 163–164, Favaro 1890 (1892, 3:163–164)(tiếng Latinh)
- ^ Có thể vào năm 1623, theo Drake 1978, tr. 286.
- ^ Drake 1978, tr. 289, Favaro 1890 (1903, 13:177) (tiếng Ý).
- ^ Drake 1978, tr. 286, Favaro 1890 (1903, 13:208)(tiếng Ý). The actual inventors of the telescope and microscope remain debatable. A general view on this can be found in the article Hans Lippershey (cập nhật lần cuối 2003-08-01), © 1995–2007 by Davidson, Michael W. and the Florida State University.
- ^ “brunelleschi.imss.fi.it “Il microscopio di Galileo”” (PDF).
- ^ Van Helden, Al. “Galileo Timeline”. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2009. trong Galileo Project. Xem thêm Lịch sử công nghệ kính hiển vi.
- ^ Drake 1978, tr. 286.
- ^ Drake 1978, tr. 19,20. Ở thời điểm khi Viviani cho rằng cuộc thực nghiệm diễn ra, Galileo vẫn chưa hoàn thành phiên bản cuối cùng của định luật rơi tự do của ông. Tuy nhiên, ông đã hoàn thành một phiên bản trước đó dự đoán rằng các vật thể bằng cùng vật liệu rơi qua cùng môi trường sẽ có tốc độ như nhau (Drake 1978, tr. 20).
- ^ Drake 1978, tr. 9; Sharratt 1994, tr. 31.
- ^ Groleau, Rick. “Galileo’s Battle for the Heavens. tháng 7/2002”. Ball, Phil. “Science history: setting the record straight. 30 tháng 6/2005”. Một ngoại lệ mà Drake 1978, tr. 19–21, 414–416, cho rằng những tranh cãi đã xảy ra, ít nhiều như Viviani đã miêu tả nó.
- ^ Lucretius. De rerum natura II. Còn đề cập trong Lane Cooper (1935). Aristotle, Galileo, and the Tower of Pisa. Ithaca, N.Y.: Nhà in Đại học Cornell. tr. 49.. tr. 225–229..
- ^ Simon Stevin (1586). Trong Christoffel Plantijn. De Beghinselen des Waterwichts, Anvang der Waterwichtdaet, en de Anhang komen na de Beghinselen der Weeghconst en de Weeghdaet [[The Elements of Hydrostatics, Preamble to the Practice of Hydrostatics, and Appendix to The Elements of the Statics and The Practice of Weighing]]. Christoffel Plantijn báo cáo thí nghiệm của Stevin và Jan Cornets de Groot khi họ thả một quả cầu bằng chì từ tháp chuông nhà thờ ở Delft; thông tin liên quan trong quyển: C. V. Swets & Zeitlinger (1955). Trong E. J. Dijksterhuis. The Principal Works of Simon Stevin 1. Amsterdam, Netherlands. tr. 509, 511.. Leiden, Netherlands.
- ^ Sharratt 1994, tr. 203, Galileo 1954 (1954, tr.251–54).
- ^ Sharratt 1994, tr. 198, Galileo 1954 (1954, tr.174).
- ^ Clagett 1968, tr. 561.
- ^ Sharratt 1994, tr. 198, Wallace 2004, tr. II 384, II 400, III 272, tuy nhiên Soto đã không nhận thấy được các nguyên tắc và tinh hoa trong các học thuyết của Galileo về vật thể rơi. Ví dụ, Ông đã không nhận ra được như Galileo đã làm như một vật thể chỉ có thể rơi với cùng một gia tốc trong chân không, và nói cách khác thì nó có thể đạt đến vận tốc không đổi ở đoạn cuối.
- ^ Galileo Galilei (1974). Two New Sciences. Madison: Nhà in Đại học Wisconsin. tr. 50..
- ^ I. Bernard Cohen (1940). Roemer and the First Determination of the Velocity of Light. tr. 332–333.
- ^ Brodrick 1965, tr. 95 quoting Cardinal Bellarmine’s letter to Foscarini, dated 12 tháng 4 năm 1615. Translated from Favaro 1890 (1902, 12:171–172) (tiếng Ý).
- ^ Xem Langford 1998, tr. 133–134 và Seeger 1966, tr. 30.Drake 1978, tr. 355, asserts that Simplicio’s character is modelled on the Aristotelian philosophers, Lodovico delle Colombe and Cesare Cremonini, rather than Urban. He also considers that the demand for Galileo to include the Pope’s argument in the Dialogue left him with no option but to put it in the mouth of Simplicio (Drake 1953, tr. 491). Even Arthur Koestler, who is generally quite harsh on Galileo in The Sleepwalkers (Koestler 1990), after noting that Urban suspected Galileo of having intended Simplicio to be a caricature of him, says “this of course is untrue” (Koestler 1990, tr. 483).
- ^ Fantoli 2005, tr. 139, Finocchiaro 1989, tr. 288–293. Bản dịch của Finocchiaro về bản án của Tòa thánh đối với Galileo có thể xem tại đây (tiếng Anh). “Vehemently suspect of heresy” was a technical term of canon law and did not necessarily imply that the Inquisition considered the opinions giving rise to the verdict to be heretical. The same verdict would have been possible even if the opinions had been subject only to the less serious censure of “erroneous in faith” (Fantoli 2005, tr. 140; Heilbron 2005, tr. 282-284).
- ^ (Drake 1978, tr. 367, Sharratt 1994, tr. 184, Favaro 1890) (1905, 16:209, 230)(tiếng Ý). Xem vụ Galileo để biết thêm chi tiết.
- ^ Drake 1978, tr. 356. Tuy nhiên dòng chữ “Eppur si muove” đã xuất hiện trên bức tranh của họa sỹ Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo hay các học trò của ông vào thập niên 1640. Bức tranh mô tả Galileo bị giam giữ đang chỉ đến một bản sao của cụm từ được viết trên tường của phòng giam ông (Drake 1978, tr. 357).
- ^ Stephen Hawking. tr. 397, 398. “Galileo… is the father of modern physics — indeed of modern science – Albert Einstein” .
- ^ Shea & Artigas 2003, tr. 199; Sobel 2000, tr. 378.
- ^ Shea & Artigas 2003, tr. 199; Sobel 2000, tr. 378; Sharratt 1994, tr. 207; Favaro 1890 (1906,18:378–80) (tiếng Ý).
- ^ Shea & Artigas 2003, tr. 199; Sobel 2000, tr. 380.
- ^ Shea & Artigas 2003, tr. 200; Sobel 2000, tr. 380–384.
- ^ Heilbron 2005, tr. 299.
- ^ Hai tác phẩm không phải khoa học của ông là các lá thử gởi Castelli và Grand Duchess Christina không được cho phép nằm trong đó (Coyne 2005, tr. 347).
- ^ Heilbron 2005, tr. 303–304; Coyne 2005, tr. 347. Phiên bản không bị kiểm duyệt của Dialogue vẫn còn trong danh mục các sách bị cấm (Heilbron 2005, tr. 279).
- ^ Heilbron 2005, tr. 307; Coyne 2005, tr. 347, The practical effect of the ban in its later years seems to have been that clergy could publish discussions of heliocentric physics with a formal disclaimer assuring its hypothetical character and their obedience to the church decrees against motion of the earth: see for example the commented edition (1742) of Newton’s ‘Principia’ by Fathers Le Seur and Jacquier, which contains such a disclaimer (‘Declaratio’) before the third book (Propositions 25 onwards) dealing with the lunar theory.
- ^ McMullin 2005, tr. 6; Coyne 2005, tr. 346. In fact, the Church’s opposition had effectively ended in 1820 when a Catholic canon, Giuseppe Settele, was given permission to publish a work which treated heliocentism as a physical fact rather than a mathematical fiction. The 1835 edition of the Index was the first to be issued after that year.
- ^ Discourse of His Holiness Pope Pius XII given on 3 tháng 12 năm 1939 at the Solemn Audience granted to the Plenary Session of the Academy, Discourses of the Popes from Pius XI to John Paul II to the Pontifical Academy of the Sciences 1939-1986, Vatican City, tr.34
- ^ Robert Leiber (1959). Pius XII Stimmen der Zeit. Pius XII. 1959. Sagt, Frankfurt. tr. 411..
- ^ Phiên bản trước được phát hành vào 16 tháng 12 năm 1989 ở Rieti, và phiên bản sau phát hành vào ngày 24 tháng 2 năm 1990 ở Madrid (Ratzinger 1994, tr. 81). Theo Feyerabend, Ratzinger cũng đã đề cập đến việc hỗ trợ quan điểm của ông trong một bài diễn văn ở Parma cũng vào cùng thời điểm đó (Feyerabend 1995, tr. 178).
- ^ a ă â Ratzinger 1994, tr. 98.
- ^ “Vatican admits Galileo was right”. New Scientist. 7 tháng 11 năm 1992. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2007..
- ^ “Papal visit scuppered by scholars”. BBC News. 15 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2008.
- ^ “Vatican recants with a statue of Galileo”. TimesOnline News. 4 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2009.
- ^ “Pope praises Galileo’s astronomy”. BBC News. 21 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2008.
- ^ Hydrostatic balance, The Galileo Project, truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2008
- ^ The Works of Galileo, The University of Oklahoma, College of Arts and Sciences, truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2008
- ^ Sunspots and Floating Bodies, The University of Oklahoma, College of Arts and Sciences, truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2008
- ^ The 17th century conversion to geo-heliocentrism is referenced in such as the following claims: (1) “But the title [of Galileo’s 1632 Dialogo] was seriously misleading: by that time the Ptolemaic system had been largely abandoned by believers in a central Earth, and astronomers who could not accept the Sun-centred system – the great majority – were opting for the Tychonic or one of the other Earth-centred compromises on offer.” p117, The Cambridge Concise History of Astronomy Michael Hoskin, CUP 1999.(2) “In 1691 Ignace Gaston Pardies declared that the Tychonic was still the commonly accepted system, while Francesco Blanchinus reiterated this as late as 1728.” The Tychonic and semi-Tychonic world systems Christine Schofield, p41 Taton & Wilson The General History of Astronomy 2A 1989
- ^ Galileo, Letter to the Grand Duchess Christina, The University of Oklahoma, College of Arts and Sciences, truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2008
- ^ Galileo’s Theory of the Tides, The Galileo Project, truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2008
- ^ “Galileo Timeline”. The Galileo Project. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2008.
- ^ “Galileo Galilei”. Tel-Aviv University, Science and Technology Education Center. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2008.
- ^ title=galileo http://echo.mpiwg-berlin.mpg.de/content/scientific_revolution/ title=galileo. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2009.
- ^ Fischer, Daniel (2001). Mission Jupiter: The Spectacular Journey of the Galileo Spacecraft. Springer. tr. v. ISBN 0-387-98764-9.
- ^ “’Unanimous backing’ for Galileo”. BBC NEWS. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2009.
- ^ Barry N. Taylor (1995). Appendix B “Guide for the Use of the International System of Units (SI)”. NIST Special Publication 811. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2009..
- ^ “SI brochure, Table 9: Non-SI units associated with the CGS and the CGS-Gaussian system of units”. BIPM. 2006. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2009..
- ^ Một số nguồn như Đại học North Carolina, Cơ quan Vũ trụ châu Âu, và ConversionTables.com cho rằng đơn vị này được đặt theo tên “galileo”. NIST và BIPM ở trên được xem là những nguồn có uy tín hơn đề cập đến tên đơn vị chính xác.
- ^ United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (ngày 11 tháng 8 năm 2005). “Proclamation of 2009 as International year of Astronomy” (PDF). UNESCO. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2008.
- ^ “Galileo Galilei/Vesalius and Servetus”. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2009.
- ^ “200th Anniversiary of the Death of Joseph Haydn Commemorative Coin”. Austrian Mint. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2008.
- ^ “The Galileoscope™: An IYA2009 Cornerstone Project”. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2009.
Danh mục
- Allan-Olney, Mary (1870), The Private Life of Galileo: Compiled primarily from his correspondence and that of his eldest daughter, Sister Maria Celeste, Boston: Nichols and Noyes, truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2008
- Biagioli, Mario (1993), Galileo, Courtier: The Practice of Science in the Culture of Absolutism, Chicago, IL: University of Chicago Press
- Blackwell, Richard J. (2006), Behind the Scenes at Galileo’s Trial, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, ISBN 0-268-02201-1
- Brodrick, James, S. J. (1965) [c1964], Galileo: the man, his work, his misfortunes, London: G. Chapman
- Clagett, Marshall (1968), Nicole Oresme and the Medieval Geometry of Qualities and Motions; a treatise on the uniformity and difformity of intensities known as Tractatus de configurationibus qualitatum et motuum, Madison, WI: University of Wisconsin Press, ISBN 0-299-04880-2
- Clavelin, Maurice The Natural Philosophy of Galileo MIT Press 1974
- Coffa, J Galileo’s Concept of Inertia Physis 1968
- Consolmagno, Guy; Schaefer, Marta (1994) Worlds Apart, A Textbook in Planetary Science. Englewood, New Jersey: Prentice-Hall, Inc. ISBN 0-13-964131-9
- Cooper, Lane (1935), Aristotle, Galileo, and the Tower of Pisa, Ithaca, NY: Cornell University Press, ISBN 1-4067-5263-0
- Coyne, George V., S.J. (2005), The Church’s Most Recent Attempt to Dispel the Galileo Myth, In McMullin (2005, tr.340–359)
- Drabkin, Israel & Drake, Stillman (Eds & translators) On Motion and On Mechanics University of Wisconsin Press 1960 ISBN 0-299-02030-4
- Drake (1953), Dialogue Concerning the Two Chief World Systems, Berkeley, CA: Nhà in Đại học California
- Drake, Stillman (1957), Discoveries and Opinions of Galileo, ISBN 0-385-09239-3
- Drake (1960). Introduction to the Controversy on the Comets of 1618. In Drake & O’Malley 1960, tr. vii–xxv.
- Drake, Stillman (1970), Galileo Studies, Ann Arbor: The University of Michigan Press, ISBN 0-472-08283-3
- Drake, Stillman (1973). “Galileo’s Discovery of the Law of Free Fall”. Scientific American v. 228, #5, tr. 84–92.
- Drake, Stillman (1978), Galileo At Work, Nhà in Đại học Chicago, ISBN 0-226-16226-5
- Drake, Stillman (1990), Galileo: Pioneer Scientist, Toronto: The University of Toronto Press, ISBN 0-8020-2725-3
- Drake, Stillman; O’Malley (1960), The Controversy on the Comets of 1618, Philadelphia, PA: Nhà in Đại học Philadelphia
- Dugas, René A History of Mechanics 1955, Dover Publications 1988
- Duhem, Pierre Etudes sur Leonard de Vinci 1906-13
- Duhem, Pierre Le Systeme du Monde 1913 –
- Duhem, Pierre History of Physics Catholic Encyclopedia
- Einstein, Albert (1952). Foreword to (Drake, 1953)
- Einstein, Albert (1954), Ideas and Opinions, translated by Sonja Bargmann, London: Crown Publishers, ISBN 0-285-64724-5
- Fantoli, Annibale (2003). Galileo — For Copernicanism and the Church, third English edition. Vatican Observatory Publications. ISBN 88-209-7427-4
- Fantoli, Annibale (2005), The Disputed Injunction and its Role in Galileo’s Trial, In McMullin 2005, tr. 117–149
- Favaro, Antonio (1890), The Works of Galileo Galilei qoute=Le Opere di Galileo Galilei, Edizione Nazionale (tiếng Ý). Florence: Barbera, 1890–1909; reprinted 1929–1939 and 1964–1966. ISBN 88-09-20881-1.}} Searchable online copy from the Institute and Museum of the History of Science, Florence. Brief overview of Le Opere @ Finns Fine Books, [1] and here [2]
- Feyerabend, Paul Againat Method Verso 1975
- Feyerabend, Paul (1995), Killing Time: The Autobiography of Paul Feyerabend, Chicago, MI: Nhà in Đại học Chicago, ISBN 0-226-24531-4
- Fillmore, Charles (1931, 17th printing tháng 7 năm 2004). Metaphysical Bible Dictionary. Unity Village, Missouri: Unity House. ISBN 0-87159-067-0
- Finocchiaro, Maurice A. (1989), The Galileo Affair: A Documentary History, Berkeley, CA: University of California Press, ISBN 0-520-06662-6
- Finocchiaro, Maurice A. (Fall 2007), “Book Review—The Person of the Millennium: The Unique Impact of Galileo on World History”, The Historian 69 (3): 601–602, doi:10.1111/j.1540-6563.2007.00189_68.x
- Galileo, Galilei (1960) [1623], The Assayer, translated by Stillman Drake. In Drake & O’Malley (1960, tr.151–336)
- Dialogues Concerning Two New Sciences, Dover Publications Inc., New York, NY., 1954, ISBN 486-60099-8
- Galilei, Galileo Galileo: Two New Sciences (Translation by Stillman Drake of Galileo’s 1638 Discourses and mathematical demonstrations concerning two new sciences) University of Wisconsin Press 1974 ISBN 0-299-06400-X
- Galileo, Galilei; Guiducci, Mario (1960) [1619], Discourse on the Comets, bản dịch của Stillman Drake. Trong Drake & O’Malley 1960, tr. 21–65
- Gebler, Karl von (1879), Galileo Galilei and the Roman Curia, London: C.K. Paul & Co.
- Geymonat, Ludovico (1965), Galileo Galilei, A biography and inquiry into his philosophy and science, translation of the 1957 Italian edition, with notes and appendix by Stillman Drake, McGraw-Hill
- Grant, Edward Aristotle, Philoponus, Avempace, and Galileo’s Pisan Dynamics Centaurus, 11, 1965-7
- Grassi, Horatio (14 tháng 2 năm 1960) [1619], On the Three Comets of the Year MDCXIII, translated by C.D. O’Malley. Trong Drake & O’Malley 1960, tr. 3–19
- Grassi, Horatio (14 tháng 2 năm 1960) [1619], The Astronomical and Philosophical Balance, translated by C.D. O’Malley. Drake & O’Malley 1960, tr. 67–132
- Grisar, Hartmann, S.J., Professor of Church history at the University of Innsbruck (1882). Historisch theologische Untersuchungen über die Urtheile Römischen Congegationen im Galileiprocess (Historico-theological Discussions concerning the Decisions of the Roman Congregations in the case of Galileo), Regensburg: Pustet. – Google Books ISBN 0-7905-6229-4. (LCC# QB36 – microfiche) Reviewed here (1883), tr.211–213
|
- Hall, A. R. From Galileo to Newton 1963
- Hall, A. R. Galileo and the Science of Motion in ‘British Journal of History of Science’, 2 1964-5
- Hawking, Stephen (1988), A Brief History of Time, New York, NY: Bantam Books, ISBN 0-553-34614-8
- Censorship of Astronomy in Italy after Galileo, McMullin 2005, tr. 279–322, 2005
- Hellman, Hal (1988). Great Feuds in Science. Ten of the Liveliest Disputes Ever. New York: Wiley
- Kelter, Irving A. (2005), The Refusal to Accommodate. Jesuit Exegetes and the Copernican System, In (McMullin 2005, tr. 38–53)
- Humphreys, W. C. Galileo, Falling Bodies and Inclined Planes. An Attempt at Reconstructing Galileo’s Discovery of the Law of Squares ‘British Journal of History of Science’ 1967
- Koestler, Arthur (1990) [1959], The Sleepwalkers: A History of Man’s Changing Vision of the Universe, Penguin, ISBN 0-14-019246-8 Bản gốc do Hutchinson xuất bản tại London năm 1959.
- Koyré, Alexandre A Documentary History of the Problem of Fall from Kepler to Newton Transaction of the American Philosophical Society, 1955
- Koyré, Alexandre Galilean Studies Harvester Press 1978
- Kuhn, T. The Copernican Revolution 1957
- Kuhn, T. The Structure of Scientific Revolutions 1962
- Lattis, James M. (1994). Between Copernicus and Galileo: Christopher Clavius and the Collapse of Ptolemaic Cosmology, Chicago: the University of Chicago Press
- Langford, Jerome K., O.P. (1998) [1966], Galileo, Science and the Church , St. Augustine’s Press, ISBN 1-890318-25-6. Bản gốc của Desclee (New York, NY, 1966)
- Lessl, Thomas, “The Galileo Legend“. New Oxford Review, 27–33 (tháng 6 năm 2000).
- Linton, Christopher M. (2004), From Eudoxus to Einstein—A History of Mathematical Astronomy, Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-82750-8
- Losee, J. Drake, Galileo, and the Law of Inertia American Journal of Physics, 34, tr.430-2 1966
- McMullin, Ernan (2005), The Church and Galileo, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, ISBN 0-268-03483-4
- McMullin, Ernan (14 tháng 2 năm 2015), The Church’s Ban on Copernicanism, 1616, In (McMullin 2005, tr. 150–190)
- Mach, Ernst. The Science of Mechanics 1893
- Machamer, Peter (Ed) The Cambridge Companion to Galileo Cambridge University Press 1998
- Naylor, Ronald H. (1990). “Galileo’s Method of Analysis and Synthesis,” Isis, 81: 695–707
- Newall, Paul (2004). “The Galileo Affair”
- Remmert, Volker R. (2005). Galileo, God, and Mathematics. In: Bergmans, Luc/Koetsier, Teun (eds.): Mathematics and the Divine. A Historical Study, Amsterdam et al., 347–360
- Ratzinger, Joseph Cardinal (1994), Turning point for Europe? The Church in the Modern World—Assessment and Forecast, translated from the 1991 German edition by Brian McNeil, San Francisco, CA: Ignatius Press, ISBN 0-89870-461-8, OCLC 60292876
- Reston, James (2000), Galileo: A Life, Beard Books, ISBN 1-893122-62-X
- Seeger, Raymond J. (1966), Galileo Galilei, his life and his works, Oxford: Pergamon Press
- Settle, Thomas B. (1961), An Experiment in the History of Science, Science, ISBN 133:19–23
- Sharratt, Michael (1994), Galileo: Decisive Innovator, Cambridge: Nhà in Đại học Cambridge, ISBN 0-521-56671-1
- Shapere, Dudley Galileo, a Philosophical Study University of Chicago Press 1974
- Shea, William R.; Artigas, Mario (2003), Galileo in Rome: The Rise and Fall of a Troublesome Genius, Oxford: Oxford University Press, ISBN 0-19-516598-5
- Sobel, Dava (2000) [1999], Galileo’s Daughter, London: Fourth Estate, ISBN 1-85702-712-4
- Wallace, William A. (1984) Galileo and His Sources: The Heritage of the Collegio Romano in Galileo’s Science, (Princeton: Princeton Univ. Pr.), ISBN 0-691-08355-X
- Wallace, William A. (2004), Domingo de Soto and the Early Galileo, Aldershot: Ashgate Publishing, ISBN 0-86078-964-0
- White, Andrew Dickson (1898). A History of the Warfare of Science with Theology in Christendom. New York 1898.
- White, Michael. (2007). Galileo: Antichrist: A Biography. Weidenfeld & Nicolson:London, ISBN 978-0-297-84868-4.
- Wisan, Winifred Lovell (1984). “Galileo and the Process of Scientific Creation,” Isis, 75: 269–286.
- Zik Yaakov, “Science and Instruments: The telescope as a scientific instrument at the beginning of the seventeenth century”, Perspectives on Science 2001, Vol. 9, 3, 259–284.
- Thoren, Victor E. (1989), Tycho Brahe, In Taton & Wilson 1989, tr. 3-21
- Hoskin, Michael (Ed) The Cambridge concise history of astronomy CUP 1999
|
Liên kết ngoài
Thể loại:
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Người lính Quân Giải phóng đứng dưới cờ của Mặt trận
Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, gọi tắt là Giải phóng quân hoặc Quân Giải phóng, là bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu trên chiến trường miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Quân đội này được thành lập theo quyết định của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Quân ủy Trung ương Quân đội Nhân dân Việt Nam [1]. Trong suốt giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, lực lượng này bị Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa gọi là Việt Cộng, hay VC (tiếng Việt đọc là “Vi xi”)[2]
Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị: Lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam sẽ mang tên “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ thị của Tổng Quân ủy tháng 1 năm 1961 nêu rõ: “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo. Đường lối chính trị và đường lối quân sự của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của nó. Mục tiêu chiến đấu của quân đội đó là kiên quyết thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng tiến lên xã hội chủ nghĩa”.
Quân giải phóng miền Nam Việt Nam vừa là một đội quân chiến đấu vừa là một đội quân công tác sản xuất. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xây dựng ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Phương châm xây dựng là khẩn trương nhưng phải phù hợp với tình hình, khả năng thực tế và có đủ điều kiện để đối phó với những tình huống đột biến, lấy việc xây dựng các đơn vị tập trung làm chủ yếu, đồng thời hết sức coi trọng việc xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích[3].
Tại Hội nghị quân sự ở Chiến khu Đ ngày 15.2.1961, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam thành Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam [4]. Đây là lực lượng vũ trang trong thành phần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960–1976) và chịu quản lý của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976), công khai do Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam chỉ đạo. Theo các điều khoản của Hiệp định Paris, có sự phân chia Quân đội nhân dân Việt Nam ở tai miền nam và Quân giải phóng Miền Nam.
Tổ chức
Quân giải phóng Miền Nam ban đầu bao gồm lực lượng ở lại không đi tập kết, lực lượng mới chiêu mộ tại miền nam. Để tăng cường lực lượng, miền bắc chi viện thêm lực lượng đưa từ ngoài bắc vào, nghiễm nhiên thuộc biên chế quân giải phóng miền nam chứ không phân biệt quân đội hai miền Nam-Bắc như quan điểm của Hoa Kỳ và VNCH [5]. Ban đầu đa phần các lực lượng tăng viện cũng là “bộ đội tập kết” người gốc miền nam, trở về chiến đấu gần quê hương, sau này do tổn thất trong chiến đấu cũng như cần thiết tăng cường quân số, nên các chiến sĩ người gốc miền bắc vào nam chiến đấu ngày càng nhiều.
Quân Giải phóng miền Nam chịu sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương Quân đội Nhân dân Việt Nam[6], Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tổng tư lệnh, Quân ủy Miền, Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Khu ủy Trị Thiên, Khu ủy khu V và Bộ tư lệnh các khu: Trị Thiên, V, VI, VII, VIII, IX, các chiến trường, Đảng ủy quân sự và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố tại miền Nam.
Cũng có một định nghĩa khác vào giai đoạn sau, Quân giải phóng Miền Nam là lực lượng trên địa bàn B2, tức địa bàn được Bộ Chính trị và Quân ủy TƯ phân công TƯ cục miền nam và Bộ tư lệnh Miền (Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam) phụ trách – từ cực nam Trung Bộ trở vào.[cần dẫn nguồn]
Các tài liệu của Hoa Kỳ và phương Tây thường dùng từ “Việt Cộng” để chỉ lực lượng vũ trang được chiêu mộ tại miền Nam Việt Nam để phân biệt với Quân đội Nhân dân Việt Nam mà họ thường gọi là “Quân đội Bắc Việt”. Hoa Kỳ mô tả một cách nhầm lẫn đây là hai lực lượng có chỉ huy, lực lượng và đường lối riêng, với quan hệ đồng minh tương trợ, vì năm 1962 Đảng bộ Miền Nam “tách ra” thành lập “Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam” và công khai là nòng cốt Mặt trận và chỉ huy Quân giải phóng, có đường lối chính trị khác với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đảng Lao động áp dụng tại miền bắc khi đó. Thậm chí một số tài liệu còn cho là “Bắc Việt Nam” và “Việt Cộng” đánh dấu phân khu chiến trường khác nhau (“Bắc Việt Nam” phân mật danh ký hiệu B, còn “Việt Cộng” đánh mật danh MR)[7]. Phần lớn các tài liệu của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa hiện nay vẫn phân biệt một cách rạch ròi quân đội cách mạng ở miền Nam trong chiến tranh gồm “Quân đội nhân dân Việt Nam” (họ gọi là “Quân đội Bắc Việt Nam”) và “Quân giải phóng Miền Nam” (họ gọi là “Quân Việt Cộng”).[8]. Tuy nhiên, thực tế các tài liệu và kế hoạch tác chiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn không có sự phân biệt này. Các tài liệu hiện nay của Nhà nước Việt Nam cho biết Quân giải phóng Miền Nam chính là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu tại miền Nam, cả 2 đều có chung chỉ huy, trang bị và đường lối chiến lược.
Theo Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam, trong tháng 1 năm 1968, tháng của cuộc tấn công Tết Mậu Thân, số lượng tiểu đoàn dối phương được thống kê như sau:
- Vùng một chiến thuật: 16 tiểu đoàn cơ động Việt Cộng và 53 tiểu đoàn cơ động Bắc Việt Nam
- Vùng hai chiến thuật: 15 tiểu đoàn cơ động VC và 35 tiểu đoàn cơ động BV
- Vùng ba chiến thuật: 39 tiểu đoàn VC và 20 tiểu đoàn cơ động BV
- Vùng bốn chiến thuật: 29 tiểu đoàn cơ động VC
Trước đó không lâu, tháng 3 năm 1967, các đơn vị công binh bao gồm Lữ đoàn 305, Trung đoàn 426, và chín tiểu đoàn dưới sự kiểm soát của Phân nhánh công binh (Được biết đến như Bộ tư lệnh công binh trong danh sách MACV), và có thể có được các đơn vị công binh khác theo vào Mặt trận B2[9].
Theo một báo cáo của Mỹ, tháng 3 năm 1972, có hơn 37.500 quân (7500 quân Giải phóng, 35.500 quân Bắc Việt Nam, cả chủ lực và địa phương) ở vùng I, gần 24.000 quân (gần 10.000 quân Giải phóng, hơn 13.500 quân Bắc Việt Nam, cả chủ lực và địa phương) ở vùng II, hơn 23.700 quân (hơn 13.600 quân Giải phóng, hơn 10.000 quân Bắc Việt Nam, cả chủ lực và địa phương) ở vùng III, gần 17.000 quân (hơn 13.100 quân Giải phóng, hơn 5.700 quân Bắc Việt Nam, cả chủ lực và địa phương) ở vùng IV, tổng cộng hơn 101.000 quân, tính cả các lực lượng khác kể cả chỉ huy tham gia trực tiếp chiến đấu ở vùng I là hơn 74.400 (hơn 20.800 quân Giải phóng, hơn 47.400 quân Bắc Việt Nam, cộng với 6.400 du kích), vùng II hơn 42.400 (hơn 13.700 quân Giải phóng, hơn 19.700 quân Bắc Việt Nam, cộng với 8.900 du kích), hơn 60.900 (hơn 43.900 quân Giải phóng, hơn 15.000 quân Bắc Việt Nam, cộng với 1.900 du kích) ở vùng III, vùng IV có hơn 34.500 (21.500 quân Giải phóng, hơn 3.700 quân Bắc Việt Nam, cộng với 9.200 du kích) tổng cộng hơn 212.000 người (hơn 100.000 quân Giải phóng, gần 86.000 quân Bắc Việt Nam, 26.400 du kích). Ngoài bộ đội Quân đội Nhân dân trong các đơn vị miền Bắc, còn có khoảng 19.000 – 21.000 thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam trong các đơn vị quân Giải phóng. [cần dẫn nguồn]
Thống kê theo các tỉnh quân chủ lực và địa phương, và các lực lượng khác trực tiếp tham gia chiến đấu (không kể du kích) đóng tại chỗ, di chuyển vào hay có thể đã di chuyển vào:
- Quảng Trị hơn 23.000, Thừa Thiên hơn 17.500, Quảng Nam hơn 11.700, Quảng Tín hơn 9.400, Quảng Ngãi hơn 7.700
- Bình Định hơn 8.900, Kon Tum hơn 9.100, Pleiku hơn 4.500, Phú Bổn gần 600, Phú Yên hơn 1.300, Khánh Hòa hơn 1.300, Ninh Thuận hơn 600, Darlac hơn 1000, Quảng Đức hơn 1.300, Tuyên Đức hơn 1.000, Lâm Đồng gần 500, Bình Thuận hơn 1.800
- Bình Tuy hơn 3.200, Phước Long hơn 11.400, Bình Long gần 6.200, Long Khánh hơn 1.300, Phước Tuy hơn 600, Biên Hòa hơn 2.000, Tây Ninh hơn 25.200, Bình Dương hơn 2.600, Hậu Nghĩa gần 3.100, Long An hơn 1.700, Gia Định gần 500
- Sa Đéc gần 200, Kiến Tường hơn 2.300, Định Tường gần 4.200, Gò Công hơn 300, Kiến Hòa hơn 1.700, Kiến Phong hơn 1.800, Châu Đốc gần 1.800, An Giang gần 200, Kiên Giang hơn 5.400, Vĩnh Bình hơn 1.800, Vĩnh Long gần 700, Phong Dinh hơn 800, Chương Thiện gần 1.600, Ba Xuyên hơn 200, Bạc Liêu hơn 400, An Xuyên hơn 1.800
- Cộng thêm 26.400 du kích tổng cộng thống kê được hơn 210.000 người.[cần dẫn nguồn]
Các tài liệu Mỹ trong chiến tranh phổ biến gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội Bắc Việt Nam, đây là quân được đào tạo, huấn luyện, chọn lựa tại Miền Bắc mà hầu như toàn bộ là người miền Bắc. Ký hiệu của lực lượng này là “NVA” và lực lượng này được trang bị vũ khí, quân phục hoàn chỉnh. Còn Quân giải phóng Miền Nam (Mỹ gọi là Việt Cộng) là quân được thiết lập và rèn luyện tại miền Nam, thành phần trước tiên là những người cư trú tại Miền Nam. Cả Quân đội nhân dân và Quân giải phóng đều được chia thành quân chủ lực và quân địa phương, ngoài ra có du kích. Cách gọi này hoàn toàn không xuất phát từ mục đích chính trị, lực lượng lãnh đạo, hay xem xét quê quán mà là từ nguồn gốc di chuyển từ ngoài Bắc vào hay thiết lập tại chỗ trên địa bàn miền Nam. Trong chiến tranh, tài liệu của bên cách mạng luôn chỉ gọi các đội quân chiến đấu ở Miền Nam là Quân giải phóng Miền Nam, và không phân chia quân Giải phóng với các đơn vị hành quân từ ngoài bắc vào, mặc dù khẳng định sự chi viện của miền bắc cho miền nam. Sau Hiệp định Paris ký kết, tất cả Quân giải phóng miền Nam (không phân biệt xuất thân miền Bắc hay miền Nam) đều trực thuộc biên chế quản lý của Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Tuy nhiên theo nguyên tắc, tất cả quân đội do Đảng thành lập chịu sự chỉ huy của các cấp ủy đảng và bộ máy đảng chỉ huy quân đội.
Đảng Nhân dân Cách mạng công khai lãnh đạo Quân giải phóng, tuy nhiên các tài liệu đối phương thu thập được không khẳng định được nó độc lập đến đâu với Đảng Lao động. Trung ương Cục Miền Nam của Đảng Lao động được xem là nhằm thiết lập sự kiểm soát đối với Đảng Nhân dân cách mạng, và là “ban bí thư” của đảng này. Tài liệu sau Hiệp định Paris năm 1973 cho biết Đảng Nhân dân Cách mạng như là một nhánh của Đảng Lao động, có sự “tự quản” nhưng không độc lập với Đảng Lao động. Sau 30 tháng 4 năm 1975 Đảng Lao động công bố công khai Đảng Nhân dân Cách mạng thực tế là đảng bộ Miền Nam của Đảng Lao động (khi đó Phạm Hùng là bí thư Đảng bộ) và luôn chịu sự quản lý trực tiếp của TƯ Đảng. Như vậy trên thực tế tất cả các lực lượng vũ trang cách mạng đều chịu sự chỉ đạo chung của Trung ương Đảng, Quân ủy TƯ, Bộ Tổng Tư lệnh. Từ năm 1964 khi cử quân chính quy từ ngoài Bắc vào, Trung ương Cục Miền Nam, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh các lực lượng các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam thực tế chỉ chỉ huy trực tiếp trên địa bàn B2 (dù công khai chỉ huy Quân giải phóng trên địa bàn Miền Nam không cho biết quân hình thành tại miền nam hay di chuyển từ ngoài bắc vào).
Quá trình phát triển
Tháng 1 năm 1961, Tổng Quân ủy ra chỉ thị thành lập Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam để chiến đấu trên chiến trường miền Nam Việt Nam[10].
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, ngày 15 tháng 2 năm 1961, tại Hội nghị quân sự tại Chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Thực chất, đây là lực lượng Vệ Quốc Đoàn còn ở lại miền Nam Việt Nam và lực lượng chiêu mộ tại chỗ, kết hợp với những người miền Nam tập kết ra Bắc bí mật quay lại miền Nam từ năm 1959, về sau được tăng cường thêm các bộ đội từ miền Bắc vào [cần dẫn nguồn].
Ngày 2 tháng 9 năm 1961, Trung đoàn 1 bộ binh (lúc mới thành lập mang bí số C.56, sau đổi là Q. 761) được thành lập tại căn cứ Dương Minh Châu (miền Đông Nam Bộ). Đây là đơn vị chủ lực cơ động cấp trung đoàn đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam.[cần dẫn nguồn]
Tính đến cuối năm 1961, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực khu có 24.500 người; du kích, tự vệ có 100.000 người (70.000 người ở Nam Bộ, 30.000 người ở khu V). Bộ đội chủ lực thuộc các quân khu có 11 tiểu đoàn[cần dẫn nguồn]. Các tướng lĩnh chỉ huy Quân Giải phóng: Trần Văn Trà, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định…
Song song với phong trào phá ấp chiến lược là các tai tiếng của chính quyền Ngô Đình Diệm, cùng sự giảm sút uy tín của chính quyền này đối với đa phần nông thôn miền nam. Nhờ đó Mặt trận chiêu mộ được đông đảo thanh thiếu niên và cả phụ nữ, người lớn tuổi tham gia cách mạng. Năm 1963, bộ đội địa phương tỉnh đã tăng lên gấp đôi so với năm 1962, (64.000 quân so với 30.500 quân).[cần dẫn nguồn]
Nhiều trung đoàn chính quy đã thành lập, gồm cả các tiểu đoàn, trung đoàn thành lập tại chỗ hoặc gốc di chuyển từ ngoài bắc vào (đa phần cũng là “bộ đội tập kết”). Từ năm 1964, lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Bắc được đưa nhiều vào miền Nam, tăng cường lực lượng cho Quân Giải phóng miền Nam. Năm 1964, Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngoài Bắc vào có 10.000, đến cuối năm 1973, chỉ tính quân chính quy Quân đội nhân dân là 100.000, và đến tháng 12 năm 1974 quân chính quy Quân đội nhân dân ở miền nam lên tới 200.000. Các lực lượng quân chính quy Quân giải phóng miền Nam đến tháng 12 năm 1974 là hơn 90.000 quân[11]. Theo một tài liệu Quân giải phóng Miền Nam vào tháng 12-1974 khoảng 290.000 người, trong đó có chừng 90.000 người miền Nam.
Tương quan lực lượng (theo báo cáo tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng 1 năm 1968):
- “1959 – 1960, khi mới bắt đầu khởi nghĩa, quân địch 7, ta 1 (lúc đó chưa có quân viễn chinh Hoa Kỳ);
- 1960: địch 10, ta 1;
- 1961: địch 7, ta 1;
- 1962 – 1963: địch 5, ta 1;
- 1965 cho đến 1968: Mỹ vào nửa triệu quân nữa, tất cả, đến bây giờ, địch 3, ta 1.”
Trừ những đơn vị gốc bắc được “ém quân” hay “gia nhập tỉnh đội” thì các LLVT địa phương, tức Việt Cộng gốc, được tổ chức MTDTGP biên chế khác với bộ đội. Biên chế này phổ biến ở tất cả các vùng do phía Mặt trận kiểm soát. LLVT mỗi xã được coi là một “xã đội” do đồng chí “xã đội trưởng” chỉ huy, và tương ứng là huyện đội, tỉnh đội, các lực lượng này gồm cả bộ đội địa phương và du kích. Cấp cao hơn nữa là quân khu. Phía VNCH và Hoa Kỳ thường nhầm lẫn bộ đội địa phương và quân du kích, trên thực tế bộ đội địa phương ít chạm trán với Mỹ-VNCH mà thường làm công tác chính trị, quy mô của lực lượng này cũng nhỏ hơn nhiều so với du kích. Lực lượng thường xuyên chiến đấu của du kích chỉ là các tay súng tổ chức cho từng xã đội, nhưng du kích không chỉ là người cầm súng, nên theo số liệu của QĐNDVN du kích lên tới khoảng 300.000 người vào năm 1975.
Tại các thành phố, do đặc thù của việc đánh theo kiểu biệt động nên lực lượng tổ chức biệt động thành. Thành phần nòng cốt là những cư dân địa phương, đóng quân và nuôi giấu ở các cơ sở ven thành phố. Trong đó, “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng nhất với cuộc tấn công năm 1968.
Năm 1976 Quân Giải phóng miền Nam được thống nhất hình thức với quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy tên chung là Quân đội Nhân dân Việt Nam[12].
Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam (Bộ chỉ huy Miền) “là cơ quan tiền phương” của Bộ Tổng tư lệnh, gồm Tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy và phó chính ủy, tham mưu trưởng, phó tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị, chủ nhiệm hậu cần, trực tiếp chỉ đạo quân sự trên chiến trường B2 (bao gồm các quân khu 6, 7, 8, 9, thành phố Sài Gòn-Gia Định và một số tỉnh trực thuộc).[13]. Về công khai khi thành lập năm 1963 (gắn với Đảng Nhân dân cách mạng và Mặt trận), nó chỉ huy toàn bộ Quân giải phóng ở miền Nam, và Tư lệnh, chính ủy,…được gọi là Tư lệnh Quân giải phóng, Chính ủy Quân giải phóng…nhưng thực tế từ 1964 là địa bàn B2.
Khu V và Trị Thiên (tách khỏi khu V 1966) do Trung ương trực tiếp chỉ đạo, thông qua Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Mặt trận, dù về danh nghĩa thì Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam “chỉ huy” chung Quân Giải phóng.
Hoạt động
Một số vũ khí của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam
Mục đích của Măt trận Dân tộc Giải phóng ban đầu là thành lập Quân giải phóng Miền Nam – lực lượng của Mặt trận – nhằm tạo một vị thế độc lập với Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Bắc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chủ trương của Bộ Chính trị nhưng công khai là Mặt trận). Các lực lượng Quân đội nhân dân hành quân qua vĩ tuyến 17 sẽ được xem là thuộc Quân giải phóng miền nam (khác trang phục, mũ hoặc huy hiệu trên mũ và lá cờ – là lực lượng của Mặt trận, phân biệt với quân ngoài Bắc) và được xem là hành động ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, chi viện cho miền Nam. Việc phân chia này không phải để chia tách lực lượng, mà nhằm tránh tạo cho Hoa Kỳ cái cớ để leo thang, đổ quân trực tiếp vào miền Nam.[cần dẫn nguồn]
Quân trang của một lính du kích ở miền Nam
Suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam, các lực lượng quân giải phóng ở miền Nam ăn mặc không giống nhau và hay thay đổi tùy tình hình. Các lực lượng thường được phiên chế thành các lực lượng chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền nam và Trung ương Cục miền Nam gồm các chỉ huy tại miền Nam, chịu trách nhiệm lãnh đạo thống nhất các chỉ thị từ cấp cao hơn là Quân ủy Trung ương đóng tại ngoài Bắc.[cần dẫn nguồn]
Sự phân biệt lực lượng vũ trang cách mạng ở miền nam gồm Quân đội nhân dân là “Quân đội bắc Việt Nam” với quân đội giải phóng là “quân Việt cộng” (người miền nam) về bản chất là phiến diện. Thực tế nhiều đơn vị có cả bộ đội quê miền bắc lẫn nam, nhất là ở Miền (B2). Như đã nói ở trên, các lực lượng chính quy (Hoa Kỳ thường quy là “quân miền bắc”) cũng có người miền nam (phần lớn là gửi ra Bắc huấn luyện sau đó lại vào nam chiến đấu). Trong chiến tranh thì các đơn vị quân đội luôn phiên chế khác nhau, khi sáp nhập, khi chia tách, hay bổ sung.[cần dẫn nguồn] Các sư đoàn chính quy 5, 9, 3 Sao Vàng, 302 có rất đông đảo chiến sĩ quê miền nam, hoặc thậm chí trong các đơn vị từ miền bắc chuyển vào cũng không thiếu người miền nam. Nhiều khi, vì lý do thời chiến, trong hàng ngũ các LLVT tại chỗ (bộ đội địa phương, du kích) lại có bộ đội tới từ miền bắc.
Hoạt động chính của các lực lượng vũ trang địa phương là phối hợp với chủ lực, trừ một số đơn vị, tổ chức gan dạ đánh luôn không cần chủ lực. Do cách thức chiến đấu bán thời gian của du kích (hầu hết là dân ở địa phương) nên số lượng du kích rất đông đảo, không chỉ nam thanh niên mà còn có phụ nữ, người lớn tuổi…
Trong thời gian chiến tranh, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa biết là chính xác đối phương đều là do Đảng Lao động Việt Nam chỉ đạo, nhưng thường là tỏ ra không biết để nhằm tuyên truyền gây chia rẽ. Sự không công khai chỉ đạo của Đảng (Bộ Chính trị ngoài Bắc và Trung ương Cục) của bên giải phóng và coi như không biết, luôn tỏ ra Mặt trận và miền Bắc “độc lập” của phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đều là những thủ thuật chính trị của hai bên. Một bên luôn không muốn bị đối phương xuyên tạc “xâm lược miền nam” để tạo Mặt trận một vị thế độc lập, một bên tuy biết thực chất là một (lãnh đạo chung, mục tiêu chung) nhưng cố tình không chỉ rõ để gây chia rẽ đội ngũ lãnh đạo bên cách mạng.[cần dẫn nguồn]
Tại miền Nam, các đảng viên cộng sản hoạt động trên danh nghĩa là đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng (nhưng thực tế là một bộ phận của Đảng Lao động). Quân khu V có thời gian được xem là biệt lập với Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền nam, và Khu ủy khu V không thuộc trung ương Cục, trong khi khu Trị Thiên do ngoài Bắc chỉ đạo trực tiếp. Tuy nhiên luôn có thay đổi liên tục cơ chế lãnh đạo trong thời gian chiến tranh.[cần dẫn nguồn]
Quân trang của một người lính thuộc
Quân đội Nhân dân Việt Nam tại bảo tàng ở Hoa Kỳ (thật ra kiểu mũ đan lưới trong hình chỉ dùng trong chiến tranh chống Pháp và đã được thay thế từ năm 1958 bởi mũ cối và mũ tai bèo)
Cũng giống như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời, về thực tế tuy là hai nhưng lại là một, do chịu sự chỉ đạo thống nhất của Đảng Lao động nên không có một lập trường nào riêng rẽ. Tuy nhiên về công khai, thì vẫn là hai sự khác biệt, với những tuyên ngôn khác nhau mang tính sách lược.[cần dẫn nguồn]
Nói chính xác thì chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận và Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên danh nghĩa là hai chính quyền của hai chính thể khác nhau, độc lập với nhau, có “quân đội riêng”, nhưng cùng chịu sự chỉ đạo chung của Đảng Lao động Việt Nam. Trong hoàn cảnh chiến tranh, thì sự chỉ đạo của Đảng ở miền Nam (qua Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Trung ương Cục,v.v.) là không công khai hoặc công khai một phần.[cần dẫn nguồn]
Về phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, một mặt lúc họ luôn gọi Mặt trận là cộng sản (Việt Cộng), lúc thì họ lại không hẳn coi như vậy. Bên phía Mặt trận, nhiều thành viên không thừa nhận mình là đảng viên cộng sản (thực tế tham gia Mặt trận thì không chỉ có những người cộng sản) và sự chỉ đạo của Đảng là bí mật, nhưng luôn khẳng định có chung lập trường đấu tranh chống ngoại xâm và thống nhất nước nhà với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[cần dẫn nguồn]
Sự công khai về sự lãnh đạo của Đảng sau này (hay những gì Hoa Kỳ họ biết trong thời gian chiến tranh) đều được phía Hoa Kỳ xem là “Miền Bắc” (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) can thiệp vào công việc nội bộ của “Miền Nam”… nhưng về phía Nhà nước Việt Nam thống nhất, thì xem đây là sự lãnh đạo của Đảng (không phải của riêng miền Bắc, cũng không phải riêng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đối với cách mạng miền Nam và cả nước. Đối với những người ủng hộ cho đấu tranh giải phóng dân tộc thì hoàn toàn không có sự nhận thức Đảng Lao động là của riêng miền Bắc, cũng như giai đoạn trước 1954, thì Đảng đấu tranh chống Pháp cho toàn Đông Dương và Việt Nam. Điều này là hoàn toàn đúng, vì thực tế Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nhưng thể chế hóa là thuộc về các cơ quan nhà nước (hay thời chiến tranh miền Nam là Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời).[cần dẫn nguồn]
Việc “giả vờ” không biết để chia rẽ hàng ngũ đối phương của Hoa Kỳ, VNCH có mục đích là muốn chiêu hồi các phần tử “Việt Cộng” hoặc gây chia rẽ giữa bộ đội người gốc Bắc và người gốc Nam. Trên thực tế, cả người Bắc hay người Nam trong hàng ngũ ấy đều có chung sự chỉ huy và chiến đấu vì mục đích chung, họ coi nhau là đồng đội và không hề có sự phân biệt về nguồn gốc xuất thân.
Theo các tài liệu của Hoa Kỳ thì họ thường chia từ 1968 trở về trước lực lượng tham chiến chủ yếu là “Quân đội giải phóng”, còn sau 1968 đến 1975 thì lực lượng tham chiến chủ yếu là “Quân đội nhân dân”. Có sự phân chia này bởi sau 1968, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển từ đánh du kích là chủ yếu sang đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn bằng quân chủ lực. Sự phân chia này đối với Việt Nam chỉ mang tính đặc trưng cho chiến thuật sử dụng, còn bản chất lực lượng quân đội vẫn như trước. Thực tế thì sau Mậu Thân, cả chủ lực lẫn lực lượng tại chỗ tổn thất khá nặng. Chiêu mộ tại chỗ tăng cường luôn cho các lực lượng vũ trang tại chỗ (bộ đội địa phương, dân quân du kích), còn đặc thù của quân chủ lực phải đảm bảo trình độ, trang bị nên hầu hết chủ lực đều từ ngoài bắc vào. Càng về cuối chiến tranh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng công khai vai trò trong chiến tranh trên danh nghĩa giúp Mặt trận. Việc tách khu V về Trung ương và sau phân khu Trị – Thiên tách khỏi khu V về trung ương điều khiển trực tiếp cho thấy rõ điều này. Sau Hiệp định Paris, Trung ương Cục hoạt động công khai hơn.[cần dẫn nguồn]
Sau năm 1973, nhiều đơn vị quân Giải phóng được chi viện tích cực từ miền bắc, về người và của (dù chi viện về người vô cùng khó khăn, thiếu thốn) sẵn sàng cho cuộc tấn công mới. Các đơn vị quân Giải phóng ở cả miền trung và Nam bộ, nhưng phần lớn là miền tây nam bộ, tự sáp nhập, tăng cường và trở thành các đơn vị chính quy hoàn chỉnh. Thí dụ lữ đoàn 316 biệt động Sài Gòn, sư đoàn 8 và rộng hơn là binh đoàn 232…
Các chiến dịch, trận đánh tiêu biểu
Trận Ấp Bắc; Trận Bình Giã; Trận Đồng Xoài; Trận Vạn Tường; Trận Núi Thành; Chiến dịch Ba Gia; Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Junction City; Chiến dịch Mậu Thân 1968; Chiến dịch Xuân-Hè 1972; Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch Huế-Đà Nẵng; Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Các chỉ huy quân sự tiêu biểu
Các chức danh Tư lệnh, Chính ủy, Tham mưu trưởng, Phó tư lệnh, chính ủy và các chức danh Bộ Tư lệnh Miền ban đầu chỉ huy trực tiếp trên chiến trường Miền Nam, và từ 1964 trực tiếp trên địa bàn B2.
Ban đầu chỉ huy trực tiếp trên chiến trường Miền Nam, và từ 1964 trực tiếp trên địa bàn B2[cần dẫn nguồn]
STT |
Tên (Bí danh) |
Giai đoạn |
Các chức vụ khác |
1 |
Trần Văn Quang (Bảy Tiến) |
1961-1963 |
Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Trị – Thiên (1966-1973) |
2 |
Trần Văn Trà (Tư Chi) |
1963-1967 |
Phó Bí thư Quân ủy, Phó tư lệnh Miền (1968-1972) |
3 |
Hoàng Văn Thái (Mười Khang) |
1967-1973 |
Phó Bí thư Quân ủy (1967-1973), Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 (1966-1967) |
4 |
Trần Văn Trà (Tư Chi) |
1973-1975 |
Phó Bí thư Quân ủy, Phó tư lệnh Miền (1968-1972) |
Theo Nghị quyết tháng 1 năm 1961 của Tổng Quân ủy, chức vụ này có tên gọi chính thức là Bí thư Quân ủy Miền. Ban đầu chỉ huy trực tiếp trên chiến trường Miền Nam, và từ 1964 trực tiếp trên địa bàn B2. [cần dẫn nguồn]
STT |
Tên (Bí danh) |
Giai đoạn |
Các chức vụ khác |
1 |
Phạm Thái Bường (Ba Bường) |
1961-1962 |
Bí thư Khu ủy 9 (1969-1974), Ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam (1965-1974) |
2 |
Trần Nam Trung (Hai Hậu) |
1962-1964 |
Ủy viên Quốc phòng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (1961-1976)
Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1969-1976) |
3 |
Nguyễn Chí Thanh (Sáu Di) |
1964-1967 |
Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1964-1967) |
4 |
Phạm Hùng (Hai Hùng) |
1967-1975 |
Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1967-1975) |
Tham mưu trưởng
Ban đầu chỉ huy trực tiếp trên chiến trường Miền Nam, và từ 1964 trực tiếp trên địa bàn B2[cần dẫn nguồn]
Các chỉ huy cao cấp khác
STT |
Tên (Bí danh) |
Chức vụ |
1 |
Nguyễn Thị Định (Ba Định) |
Phó tư lệnh Miền (1965-1975) |
2 |
Đồng Văn Cống (Bảy Cống) |
Tư lệnh Quân khu 3 (1964-1968)
Phó tư lệnh Miền (1965-1972)
Tư lệnh Quân khu 1 (1972-1975) |
3 |
Nguyễn Hữu Xuyến (Tám Kiến Quốc) |
Phó tư lệnh Miền (1965-1974) |
4 |
Lê Trọng Tấn (Ba Long) |
Phó tư lệnh Miền (1965-1971) |
5 |
Trần Độ (Chín Vinh) |
Phó chính ủy Miền (1965-1974) |
6 |
Trần Quý Hai |
Tư lệnh B5 (1968, 1971-1972) |
6 |
Lê Quang Đạo |
Chính ủy B5 (1968, 1971-1972) |
7 |
Chu Huy Mân |
Tư lệnh Quân khu 5 (1967-1975) |
8 |
Lê Văn Tưởng (Hai Chân) |
Chủ nhiệm Chính trị Miền (1961-1965, 1967-1975), Chính ủy Công trường 9 (1965-1967), Phó chính ủy Miền (1972-1975) |
9 |
Trần Văn Nghiêm (Hai Nghiêm) |
Tham mưu phó Miền (1965-1975) |
10 |
Đàm Văn Ngụy |
Tư lệnh Công trường 7 (1972-1973) |
11 |
Nguyễn Hòa |
Phó tư lệnh B5 (1967-1968), Tư lệnhCông trường 5 (1965-1966), Công trường 7 (1966-1967) |
11 |
Dương Cự Tẩm |
Cục phó Chính trị Miền (1964-1966), Chính ủy Công trường 7 (1966-1967), Phó chính ủy Quân khu 3 (1968-1969), Chính ủy Quân khu 2 (1969-1974), Chính ủy Quân khu 7 (1974) |
12 |
Lê Tự Đồng |
Chính ủy B5 (1969–1972), Chính ủy Quân khu Trị Thiên (1972-1975), Tư lệnh Quân khu Trị Thiên (1974-1975) |
12 |
Đoàn Khuê |
Phó chính ủy Quân khu 5 (1963-1975) |
12 |
Trần Văn Phác (Tám Trần) |
Chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh miền |
13 |
Bùi Phùng |
Chủ nhiệm Hậu cần Bộ tư lệnh Miền |
14 |
Nguyễn Thành Thơ (Mười Khẩn) |
Tư lệnh Quân khu 3 (1961-1964) |
15 |
Nguyễn Văn Bé (Tám Tùng) |
Chính ủy Quân khu 3 |
Phân chia địa bàn tác chiến
-
TƯ Đảng, Quân ủy TƯ, Bộ Tổng tư lệnh phân chia các chiến trường, chiến trường Miền Nam gọi là B, và phân B1,B2 (1961) sau có thêm B3 (Tây Nguyên)-1964,4 (Trị Thiên),5 (Đường 9 – Bắc Quảng Trị)-1966 tách ra từ B1, trong đó B1 (và sau 3,4,5) do TƯ trực tiếp chỉ huy từ 1964, và phân TƯ Cục Miền Nam, Quân ủy Miền, Bộ tư lệnh Miền phụ trách trực tiếp B2 từ 1964. TƯ Đảng, quân ủy TƯ cũng chia thành các quân khu ở miền Nam, theo đó trên địa bàn B1 có các quân khu 5 (1961) và Trị Thiên tách ra từ Quân khu 5 năm 1966, và đều do TƯ trực tiếp chỉ huy, tương ứng với phân chia đảng bộ (từ 1964 đảng bộ khu 5 do TƯ trực tiếp chỉ đạo, sau đó đảng bộ Khu Trị Thiên tách khỏi khu 5 năm 1966 do TƯ chỉ đạo. Như vậy phân chia B3 khỏi B1 năm 1964 và B4,5 năm 1966 không có ý nghĩa với chỉ đạo cấp ủy đảng với địa bàn theo thẩm quyền, B3 vẫn nằm trong khu 5 và B4,5 vẫn nằm trong khu Trị Thiên về mặt đảng. Ở B2, từ 1961 TW chia thành các quân khu 6,7,8,9,10, Sài Gòn – Gia Định, tương ứng có các khu ủy. TƯ Cục Miền Nam, Quân ủy miền Nam và Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền nam Việt Nam lại chia thành các Quân khu đánh số từ 1 đến 7, 10 và khu trọng điểm, trên toàn miền nam. Quân khu 2 trùng với Quân khu 8 của TƯ, Quân khu 3 trùng với Quân khu 9 ở TƯ… Sở dĩ có sự phân chia khác nhau này là do sự phân chia của TƯ là thực chất nhưng lại không thể công khai trong một thời gian dài, còn phân chia TƯ Cục thì trong nhiều thời gian lại không có ý nghĩa về thực chất.
Các đơn vị chủ lực
- Sư đoàn 1 (chủ lực B3, thành lập tháng 12 năm 1965, giải thể cuối 1969, tái lập tháng 12 năm 1972, giải thể tháng 12 năm 1973)
- Sư đoàn 2 (chủ lực Khu 5, thành lập tháng 10 năm 1965)
- Sư đoàn 3 Sao Vàng (chủ lực Khu 5, thành lập tháng 9 năm 1965)
- Sư đoàn 3 (ban đầu là đơn vị C30B Miền, thành lập tháng 8 năm 1974)
- Sư đoàn 4 (chủ lực Khu 9, thành lập tháng 8 năm 1974)
- Sư đoàn 5 (chủ lực Miền, thành lập tháng 11 năm 1965)
- Sư đoàn 325 (chủ lực Khu 5, tháng 9 năm 1965, giải thể cuối năm 1968)
- Sư đoàn 6 (chủ lực B3, thành lập tháng 11 năm 1965, giải thể tháng 8 năm 1966, tái lập tháng 4 năm 1968, giải thể cuối năm 1968)
- Sư đoàn 6 (chủ lực Khu 7, thành lập tháng 11 năm 1974)
- Sư đoàn 7 (chủ lực Miền, thành lập năm 1966)
- Sư đoàn 8 (chủ lực Khu 9, thành lập tháng 10 năm 1974)
- Sư đoàn 9 (chủ lực Miền, thành lập tháng 9 năm 1965)
- Sư đoàn 10 (chủ lực B3, thành lập tháng 9 năm 1972)
Chú thích
- ^ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam
- ^ Việt Cộng
- ^ Cách đây 53 năm (15/2/1961 – 15/2/2014)- Giải phóng quân miền Nam Việt Nam được thành lập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia
- ^ Từ điển bách khoa Việt Nam 2005, QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM Việt Nam
- ^ http://www.baodanang.vn/channel/5399/201102/ky-niem-50-nam-ngay-thanh-lap-quan-giai-phong-mien-nam-viet-nam-15-2-1961-15-2-2011-trang-su-vang-cua-quan-giai-phong-mien-nam-2032771/
- ^ Quân uỷ Trung ương năm 1961 gồm 14 người: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Chu Văn Tấn, Song Hào, Lê Quang Đạo, Trần Văn Trà, Trần Quý Hai, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Độ. Bí thư: Võ Nguyên Giáp. Phó Bí thư: Văn Tiến Dũng, Song Hào. Thường trực: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Hoàng Văn Thái, Trần Quý Hai. Sau nhân sự có thay đổi
- ^ http://www.b-2-1-196lib.com/httpdocs/Sub_Htms/History_NVA_2.htm
- ^ “NVA”.
- ^ “North Vietnamese Army and Viet Cong Infantry/Artillery Regiments”. Truy cập 9 tháng 2 năm 2015.
- ^ Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2003. trang 1732
- ^ Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam. Lịch sử Cục tác chiến. NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2001
- ^ Trang sử vàng của Quân Giải phóng miền Nam, NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN, Báo Đà Nẵng điện tử
- ^ “Bài 1: Trước ngưỡng cửa cuộc quyết chiến chiến lược cuối cùng”. Báo Sài Gòn Giải Phóng Online. Truy cập 9 tháng 2 năm 2015.
Thể loại:
Sao băng Chelyabinsk
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sự kiện sao băng Nga, 2013 |
Vệt thiên thạch trên trời Chelyabinsk
Vị trí của sự kiện sao băng
|
Địa điểm |
|
Tọa độ |
55,05°B 59,8°ĐTọa độ: 55,05°B 59,8°Đ |
Thời gian |
15 tháng 2, 2013
09:15 YEKT (UTC+06:00) |
Tên gọi khác |
KEF-2013 |
Số bị thương |
1.200[1] |
Giá trị thiệt hại |
Sụp đổ mái nhà máy; vỡ kính cửa sổ |
Ngày 15 tháng 2 năm 2013, một thiên thạch đã bay vào bầu khí quyển Trái Đất trên bầu trời nước Nga và đã trở thành một quả cầu lửa[2][3][4]. Nó bay với vận tốc 54.000 kilômét một giờ (34.000 mph)[5][6][7], gấp 44 lần vận tốc âm thanh, nó bay qua bầu trời khu vực Ural phía Nam và bùng nổ trên tỉnh Chelyabinsk. Vật thể bùng nổ ở độ cao khoảng 15 đến 25 km so với mặt đất. Theo ước tính của NASA, thiên thạch có đường kính 17 m, nặng xấp xỉ 7.700 đến 10.000 tấn và giải thoát năng lượng tương đương 500 kiloton thuốc nổ TNT[1][2][8], mạnh gấp 20-30 lần so với vụ nổ hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki[1][2][8][9]. Thiên thạch có kích thước nhỏ hơn đáng kể so với các vật thể được theo dõi thông qua các nỗ lực hiện tại của các nhà khoa học theo dõi vật thể không gian, và đã không được người ta phát hiện trước khi nó đi vào khí quyển[10]. Thiên thạch đã vỡ ra làm 7 vẫn thạch chính và một đã rơi xuống một hồ Chebarkul đang đóng băng tạo thành một cái lỗ có đường kính 6 m. Sóng xung kích từ thiên thạch trên bầu trời Chelyabinsk, miền trung nước Nga, khiến gần 1200 người bị thương do kính vỡ. Các mảnh thiên thạch bốc cháy gây chấn động ở Chelyabinsk và một số thành phố khác trong vùng. Ít nhất 6 thành phố bị thiệt hại ở miền trung nước Nga. Liên lạc bằng di động đã tạm thời bị gián đoạn. Có tới 3.000 tòa nhà trong sáu thành phố trong khu vực bị hư hại do kết quả của vụ nổ và các ảnh hưởng[11][12]. Vẫn thạch tạo ra một ánh sáng rực rỡ, đủ sáng để tạo ra bóng trong ánh sáng ban ngày trong Chelyabinsk và được quan sát ở Sverdlovsk, Tyumen, Orenburg (tỉnh), Cộng hòa Bashkortostan, và Kazakhstan.
Sao băng Chelyabinsk là vật thể lớn nhất được biết đã chạm vào Trái Đất kể từ khi sự kiện Tunguska năm 1908, và sự kiện như vậy đã được biết đến đã dẫn đến một số lượng lớn người bị thương[13]. Thiên thạch này đâm xuống Trái Đất chỉ 15 giờ trước khi một tiểu hành tinh với tên gọi 2012 DA14 có đường kính 50 mét dự báo sẽ bay qua với khoảng cách gần với Trái Đất. Tuy nhiên, các nguồn của Nga, Cơ quan Không gian châu Âu[14] và NASA[2] cho rằng vụ thiên thạch rơi ở Nga không có liên hệ gì đến tiểu hành tinh vừa nêu này.
Các báo cáo ban đầu
Cư dân địa phương đã chứng kiến các vật thể cực kỳ cháy sáng trên bầu trời ở các tỉnh Chelyabinsk, Sverdlovsk, Tyumen và Orenburg (Cộng hòa Bashkortostan) và khu vực lân cận ở Kazakhstan[15][16][17]. Các đoạn video nghiệp dư cho thấy một quả cầu lửa chạy thành vệt trên bầu trời và một tiếng nổ bùng phát ngay sau đó[18][19][20]. Sự kiện sao băng xảy ra lúc 09:20 giờ Yekaterinburg, vài phút sau khi mặt trời mọc ở Chelyabinsk, và vài phút trước khi mặt trời mọc ở Yekaterinburg. Vào một số thời điểm vật thể này dường như sáng hơn mặt trời mọc[21][22], và NASA sau đó xác nhận rằng sao băng này quả thật sáng hơn mặt trời.[23]. Một hình ảnh của vật thể cũng được chụp ảnh ngay sau khi nó vào bầu khí quyển bởi Meteosat 9. Các nhân chứng tại Chelyabinsk báo cáo rằng không khí của thành phố có mùi như thuốc súng[24].
-
-
Mái nhà máy luyện kẽm bị sập
-
So sánh kích thước thiên thạch với những vật khác
-
Hình dung về thiên thạch với đường kính 15 mét, nặng 7000 tấn
Chú thích
- ^ a ă â “Meteorite hits Russian Urals: Fireball explosion wreaks havoc, up to 1,200 injured (PHOTOS, VIDEO)”. RT (bằng tiếng Anh) (ANO TV-Novosti). 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ a ă â b “Russian Meteor”. NASA. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Meteor in central Russia injures at least 500”. USA Today. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “100 injured by meteorite falls in Russian Urals”. Mercury News. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Russia Meteor Not Linked to Asteroid Flyby”. NASA. 15/2/2013. Truy cập 16/2/2013.
- ^ Major, Jason. “Meteor Blast Rocks Russia”. Universe today. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “500 injured by blasts as meteor falls in Russia”. Yahoo News. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ a ă Russian meteorite blast explained: Fireball explosion equal to 20 Hiroshimas. RT. ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Russian meteor hit atmosphere with force of 30 Hiroshima bombs”. The Telegraph. Ngày 16 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Neil deGrasse Tyson: Radar could not detect meteor”. Today. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ Marson, James; Gautam Naik. “Meteorite Hits Russia, Causing Panic”. Wall Street Journal. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ Ewait, David. “Exploding Meteorite Injures A Thousand People In Russia”. Forbes. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ Brumfiel, Geoff Brumfiel. “Russian meteor largest in a century”. Nature. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Russian Asteroid Strike”. ESA.int. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Russia rocked by meteor explosion”. The Verge. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Possible meteor shower reported in eastern Russia”. Reuters. Ngày 15 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ Shurmina, Natalia; Kuzmin, Andrey. “Meteorite hits central Russia, more than 500 people hurt”. Reuters. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “PM Medvedev Says Russian Meteorite KEF-2013 Shows “Entire Planet” Vulnerable”. Newsroom America. Ngày 15 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ Videos capture exploding meteor in sky. [Television production]. United States: CNN. ngày 16 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Meteor shower over Russia sees meteorites hit Earth”. The Sydney Morning Herald. Ngày 16 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Breaking: Huge Meteor Explodes Over Russia”. Slate. Ngày 15 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Possible Meteor Crash in Russia: Reports”. Space. Ngày 15 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
- ^ Mackey, Robert; Mullany, Gerry. Spectacular Videos of Meteor Over Siberia, The New York Times, ngày 15 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2013.
- ^ “Meteorite hits Russian Urals: Fireball explosion wreaks havoc, over 900 injured (phots, video)”. RT. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2013.
Tham khảo
Liên kết ngoài
Chelyabinsk
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chelyabinsk (tiếng Nga: Челя́бинск) là một thành phố ở Nga, nằm ở phía đông dãy núi Ural bên con sông Miass, cự ly 210 kilômét (130 mi) về phía nam Yekaterinburg. Đây là trung tâm hành chính của tỉnh Chelyabinsk. Dân số năm 2002 ước tính 1.077.174 người. Dân số qua các thời kỳ: 1.130.273 (điều tra dân số năm 2010 kết quả sơ bộ);[5] 1.077.174 (diều tra dân số năm 2002);[1] 1.141.777 (điều tra dân số năm 1989).[6]. Thành phố có Sân bay Chelyabinsk Balandino.
Lịch sử
Pháo đài Chelyaba, tên thành phố lấy từ tên pháo đài này, được xây dựng trên ở khu vực này vào năm 1736, thành phố được thành lập vào năm 1781. Khoảng năm 1900, thành phố phục vụ như một trung tâm để xây dựng tuyến đường sắt xuyên Xibia. Theo số liệu thống kê chính thức dân số ngày 1 tháng một năm 1913 là 45.000 cư dân.
Trong một vài tháng trong cuộc nội chiến Nga, Chelyabinsk đã bị các lực lượng Bạch vệ và những người lính lê dương Tiệp Khắc chiếm đóng, trở thành một trung tâm cho các mảnh vỡ của các tình nguyện viên quân đoàn Rumani ở Nga. Thành phố sau đó rơi vào tay lực lượng Bolshevik Nga. Trong những thập kỷ sau khi cuộc nội chiến của Phần Lan vào năm 1918, khoảng 15.000 người Phần Lan “Đỏ” đào thoát vào Liên Xô. Hầu hết trong số họ đã được chuyển đến Chelyabinsk qua đường sắt. Năm 1938, trong cuộc Đại Thanh trừng, một phần trong số họ đã bị hành quyết, số còn lại bị trục xuất. Ngôi mộ tập thể của họ là nằm gần mỏ vàng cũ Gora Zolonyi, và ngày nay mang một đài tưởng niệm nhỏ.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa của Liên Xô những năm 1930, Chelyabinsk trải qua thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng. Một số cơ sở công nghiệp, bao gồm cả nhà máy kéo Chelyabinsk và Nhà máy luyện kim Chelyabinsk đã được xây dựng tại thời điểm này. Trong Thế chiến II, Joseph Stalin đã quyết định chuyển một phần lớn các nhà máy sản xuất của Liên Xô đến những nơi ra khỏi con đường tiến quân đội Đức vào cuối năm 1941. Điều này mang lại các ngành công nghiệp mới và hàng ngàn người lao động đến Chelyabinsk-vẫn cơ bản là một thành phố nhỏ. Nhiều cơ sở rất lớn để sản xuất xe tăng T-34 và tên lửa Katyusha phóng tồn tại ở Chelyabinsk, mà đã trở thành được gọi là “Tankograd” (Thành phố xe tăng). Chelyabinsk cơ bản được xây dựng từ đầu trong thời gian này. Một thị trấn nhỏ tồn tại trước thời điểm này, các dấu hiệu trong đó có thể được tìm thấy ở trung tâm của thành phố. Nhà máy S.M. Kirov số 185 di chuyển ở đây từ Leningrad để sản xuất các xe tăng hạng nặng được chuyển đến Omsk sau năm 1962.
Chelyabinsk đã có một hiệp hội (từ những năm 1940) với nghiên cứu hạt nhân bí mật, mặc dù điều này là đúng cách áp dụng Chelyabinsk Oblast như một toàn thể, như cơ sở hạt nhân như Chelyabinsk-70 (Snezhinsk), hoặc, nằm xa bên ngoài thành phố. Một tai nạn hạt nhân nghiêm trọng xảy ra vào năm 1957 tại các nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân Mayak, 150 km về phía tây bắc của thành phố, gây ra các ca tử vong ở tỉnh Chelyabinsk nhưng không phải trong thành phố. Tỉnh đã đóng cửa tất cả các người nước ngoài cho đến năm 1992.
Ghi chú
- ^ a ă Федеральная служба государственной статистики (Cục Thống kê Liên bang Nga) (21 tháng 5 năm 2004). “Численность населения России, субъектов Российской Федерации в составе федеральных округов, районов, городских поселений, сельских населённых пунктов – районных центров и сельских населённых пунктов с населением 3 тысячи и более человек (Dân số Nga, các chủ thể liên bang Nga trong thành phần các vùng liên bang, các huyện, các điểm dân cư đô thị và nông thôn — các trung tâm hành chính và các điểm dân cư nông thôn với trên 3.000 dân)”. Всероссийская перепись населения 2002 года (Điều tra dân số toàn Nga năm 2002) (bằng tiếng Nga). Cục Thống kê Liên bang Nga. Truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2009.
- ^ Giá trị của mật độ dân số được tính toán tự động bằng cách chia dân số theo điều tra năm 2002 cho diện tích liệt kê trong hộp thông tin. Đề nghị lưu ý rằng giá trị này có thể không chính xác do diện tích liệt kê trong hộp thông tin không nhất thiết phải tương ứng với diện tích của toàn bộ chủ thể này hoặc được thông báo cho cùng năm như của điều tra dân số (2002).
- ^ Information about central postal office (in Russian)
- ^ Russian Federation Cities dialing codes (in Russian)(zip 34.4 KB)
- ^ Федеральная служба государственной статистики (Cục Thống kê quốc gia Liên bang Nga) (2011). “Предварительные итоги Всероссийской переписи населения 2010 года (Kết quả sơ bộ Điều tra dân số toàn Nga năm 2010)”. Всероссийская перепись населения 2010 года (Điều tra dân số toàn Nga năm 2010) (bằng tiếng Nga). Cục Thống kê quốc gia Liên bang Nga. Truy cập 250-042011.
- ^ “Всесоюзная перепись населения 1989 г. Численность наличного населения союзных и автономных республик, автономных областей и округов, краёв, областей, районов, городских поселений и сёл-райцентров. (Điều tra dân số toàn liên bang năm 1989. Dân số hiện tại của liên bang và các cộng hòa tự trị, tỉnh và vùng tự trị, krai, tỉnh, huyện, các điểm dân cư đô thị, và các làng trung tâm huyện.)”. Всесоюзная перепись населения 1989 года (Điều tra dân số toàn liên bang năm 1989) (bằng tiếng Nga). Demoscope Weekly (website của Viện Nhân khẩu học Đại học Quốc gia—Trường Kinh tế. 1989. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2010.
Liên kết