Thể loại:
George Washington
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
George Washington |
|
Chức vụ
|
|
Nhiệm kỳ |
30 tháng 4, 1789 – 4 tháng 3 1797 |
Tiền nhiệm |
Không có |
Kế nhiệm |
John Adams |
Phó Tổng thống |
John Adams |
|
Nhiệm kỳ |
15 tháng 6, 1775 – 23 tháng 12, 1783 |
Tiền nhiệm |
Không có |
Kế nhiệm |
Henry Knox |
Khu vực |
Lục quân Lục địa |
|
Nhiệm kỳ |
13 tháng 7, 1798 – 14 tháng 12, 1799 |
Tiền nhiệm |
James Wilkinson |
Kế nhiệm |
Alexander Hamilton |
Khu vực |
Lục quân Hoa Kỳ |
|
Nhiệm kỳ |
5 tháng 9, 1974 – 26 tháng 10, 1774 |
Khu vực |
Quốc hội Lục địa |
|
Nhiệm kỳ |
10 tháng 5, 1775 – 15 tháng 6, 1775 |
Khu vực |
Quốc hội Lục địa |
Thông tin chung
|
Đảng phái |
Không |
Sinh |
22 tháng 2, 1732
Westmoreland, Virginia, Hoa Kỳ |
Mất |
14 tháng 12, 1799 (67 tuổi)
Mount Vernon, Fairfax, Virginia, Hoa Kỳ
An táng: Hầm mộ gia đình ở Mount Vernon |
Nơi ở |
Mount Vernon |
Nghề nghiệp |
Chỉ huy quân sự
Khảo sát xây dựng[2] |
Dân tộc |
Người Mỹ gốc Anh |
Tôn giáo |
Anh giáo[3]
Thuyết thần giáo tự nhiên[4] |
Họ hàng |
5 em ruột
4 anh chị cùng cha khác mẹ |
Vợ |
Martha Dandridge Custis Washington |
Con cái |
Không |
Chữ ký |
 |
George Washington (22 tháng 2, 1732 – 14 tháng 12, 1799) là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1799. Ông đã lãnh đạo người Mỹ chiến thắng Vương quốc Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với tư cách là tổng tư lệnh Lục quân Lục địa năm 1775–1783, và ông cũng đã trông coi việc viết ra Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Quốc hội nhất trí chọn lựa làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ (1789–1797). Phong cách lãnh đạo của ông đã có ảnh hưởng đến thể thức và lễ nghi cho chính quyền mà được sử dụng từ đó cho đến nay, thí dụ như dùng một hệ thống nội các và buổi đọc diễn văn nhậm chức. Với tư cách là tổng thống, ông đã xây dựng một chính quyền quốc gia mạnh mẽ và giàu tài chính mà đã tránh khỏi chiến tranh, dập tắt nổi loạn và chiếm được sự đồng thuận của tất cả người Mỹ. Ông hiện nay được biết như vị cha già của nước Mỹ.
Ông có một viễn tưởng về một quốc gia hùng mạnh và vĩ đại, xây dựng trên những nền tảng của nền cộng hòa, sử dụng sức mạnh của liên bang. Ông tìm cách sử dụng chính phủ cộng hòa để cải thiện hạ tầng cơ sở, mở rộng lãnh thổ phía tây, lập ra một trường đại học quốc gia, khuyến khích thương mại, tìm nơi xây dựng lên một thành phố thủ đô (sau này gọi là Washington, D.C.), giảm thiểu những sự căng thẳng giữa các vùng và vinh danh tinh thần chủ nghĩa quốc gia. Ông nói “Cái tên người Mỹ” phải xóa bỏ bất cứ những liên hệ ràng buộc nào mang tính cách địa phương.[5] Khi mất, Washington được táng tụng như là “người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên trong lòng dân tộc của ông”.[6] Những người theo chủ nghĩa liên bang đã coi ông như là biểu tượng của đảng nhưng những người theo chủ nghĩa Jefferson trong nhiều năm trời vẫn tiếp tục không tin vào ảnh hưởng của ông và cố tìm cách trì hoãn xây dựng tượng đài Washington. Với tư cách là nhà lãnh đạo cách mạng thành công đầu tiên chống lại một đế quốc thuộc địa trong lịch sử thế giới, Washington đã trở thành một hình tượng quốc tế đối với phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa biểu tượng của ông đặc biệt gây âm vang tại Pháp và châu Mỹ Latin.[7] Các học giả lịch sử luôn xếp ông là một trong số hai hoặc ba vị tổng thống vĩ đại nhất.
Cuộc đời lúc thiếu thời (1732–1753)
Là con đầu lòng của Augustine Washington (1694–1743) và người vợ thứ hai, Mary Ball Washington (1708–1789), George Washington sinh ra trong trang trại Pope’s Creek gần nơi ngày nay là Colonial Beach trong Quận Westmoreland, Virginia. Theo lịch Julius (có hiệu lực vào lúc đó), Washington sinh ngày 11 tháng 1 năm 1731; theo lịch Gregory, sử dụng tại Anh và các thuộc địa thì ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1732.[8][9][Ghi chú 1] Tổ tiên của Washington đến từ Sulgrave, Anh; ông cố của ông là John Washington di cư đến Virginia năm 1657. Có ý kiến cho rằng: George Washington và Nữ hoàng nước Anh Elizabeth II có chung tổ tiên.[10] [11] Cha của ông, Augustine là một nhà trồng thuốc lá có sở hữu người nô lệ. Cha ông sau này có thử thời vận với nghề khai quặng sắt.[12] Thời George còn trẻ, gia đình ông là những thành viên khá giả thuộc tầng lớp quý tộc nhỏ tại Virginia, ở vào cấp bậc trung lưu hơn là một trong những gia đình hàng đầu.[13]
Sáu trong số các anh chi em của ông lớn lên đến tuổi trưởng thành trong đó có hai người anh cùng cha khác mẹ, Lawrence và Augustine, từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cha ông và Jane Butler Washington. Bốn anh chị em ruột của ông là Samuel, Elizabeth (Betty), John Augustine và Charles. Ba anh chị em khác mất trước khi trưởng thành: em gái ruột, Mildred chết lúc một tuổi,[14] người anh trai khác mẹ mất khi còn sơ sinh[15] và người chị khác mẹ Jane chết lúc 12 khi George hai tuổi.[14] Cha của George qua đời khi ông 11 tuổi. Người anh khác mẹ của George là Lawrence sau đó trở thành người cha thay thế và cũng là mẫu người George noi gương. William Fairfax, cha vợ của Lawrence và là người anh em họ với địa chủ lớn nhất Virginia, Thomas Fairfax cũng có ảnh hưởng lớn đối với ông. Washington dành nhiều thời gian lúc còn bé ở nông trại Ferry trong Quận Stafford gần Fredericksburg. Lawrence Washington thừa hưởng gia sản khác của cha, đó là một đồn điền nằm trên bờ sông Potomac mà sau này ông đặt tên là Mount Vernon. George thừa hưởng nông trại Ferry ngay khi cha ông qua đời, và dần sau đó nhận thừa kế Mount Vernon sau khi Lawrence qua đời.[16]
Lúc 16 tuổi, Washington vẽ họa đồ thị sát thực tế cánh đồng
turnip của anh trai khác mẹ, Lawrence ở Mount Vernon.
Cái chết của cha khiến cho ông mất cơ hội vượt Đại Tây Dương để nhận sự giáo dục tại Trường Appleby của Anh như những người anh trai của mình đã từng làm. Ông đi học tại Fredericksburg cho đến tuổi 15. Mong muốn gia nhập Hải quân Hoàng gia không thành hiện thực sau khi mẹ ông biết nó rất là khó khăn cho ông.[17] Nhờ mối liên hệ của Lawrence với gia đình quyền lực ở Fairfax nên vào năm 17 tuổi, George trở thành thanh tra quận Culpeper vào năm 1749. Đây là 1 công việc trả lương hậu đã giúp cho ông mua được đất đai trong thung lũng Shenandoah, đây cũng là lần đầu tiên trong số nhiều vụ mua đất đai của ông tại Tây Virginia. Cũng phải nói là nhờ đến sự có mặt của Lawrence trong Công ty Ohio, một công ty đầu tư đất đai được tài trợ bởi những nhà đầu tư tại Virginia và nhờ vào vị trí của Lawrence trong vai trò tư lệnh địa phương quân Virginia nên George được phó thống đốc mới của Virginia là Robert Dinwiddie chú ý đến. Washington khó mà bị lọt ra khỏi tầm mắt của người khác: cao 6 ft 2 inche (188 cm; ước tính về chiền cao của ông có thay đổi), ông cao hơn đa số người đương thời của ông.[18]
Năm 1751, Washington cùng đi Barbados với Lawrence, người mắc phải bệnh lao, với hy vọng rằng khí hậu sẽ có lợi cho sức khỏe của Lawrence. Washington mắc phải bệnh đậu mùa trong chuyến đi này khiến cho khuôn mặt của ông có ít nhiều vết thẹo nhưng đã giúp cho ông miễn nhiễm với căn bệnh độc này về sau.[19] Sức khỏe của Lawrence không cải thiện: ông quay về Mount Vernon và mất ở đó năm 1752.[20] Vị trí lãnh đạo địa phương quân Virginia của Lawrence chia thành bốn chức vụ sau khi ông mất. Washington được Thống đốc Dinwiddie bổ nhiệm làm một trong bốn vị trí mới đó vào tháng 2 năm 1753 với cấp bậc thiếu tá trong địa phương quân Virginia.[21] Washington cũng gia nhập Hội Tam Điểm tại Fredericksburg vào lúc đó.[22]
Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp (1754–1758)
-
Bản đồ năm 1754 của Washington biểu thị
sông Ohio và khu vực xung quanh
Năm 1753, người Pháp bắt đầu mở rộng tầm kiểm soát quân sự của họ vào “Xứ Ohio“, một lãnh thổ cũng bị các thuộc địa của Anh là Virginia và Pennsylvania tuyên bố chủ quyền. Cuộc tranh chấp chủ quyền này đã dẫn đến một cuộc chiến tranh mà các thuộc địa gọi là Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp (French and Indian War) từ năm 1754–1762. Chiến tranh này đã góp phần khởi sự Chiến tranh 7 năm trên toàn cầu (1756–63). Washington ở tâm điểm của cuộc chiến này khi mới vừa bùng nổ. Công ty Ohio, một cỗ xe mà qua đó các nhà đầu tư người Anh có kế hoạch mở rộng vào lãnh thổ này, đang mở mang những khu định cư mới và xây dựng các trạm mậu dịch để buôn bán với người bản thổ Mỹ. Thống đốc Dinwiddie nhận lệnh từ chính phủ Anh cảnh cáo người Pháp về chủ quyền của Anh tại đó. Ông phái Thiếu tá Washington vào cuối năm 1753 giao một bức thư thông báo đến người Pháp về những tuyên bố chủ quyền của Anh và yêu cầu người Pháp rời bỏ lãnh thổ này.[23] Washington cũng đến gặp mặt Tanacharison (cũng còn được gọi là “Half-King”) và các lãnh tụ khác của người bản thổ Iroquois đang liên minh với Virginia tại Logstown để nhận sự ủng hộ của họ trong trường hợp có xung đột với người Pháp; Washington và Tanacharison trở thành bạn bè và đồng minh. Washington giao lá thư cho tư lệnh địa phương Pháp nhưng ông này từ chối một cách lịch sự là không rời bỏ lãnh thổ này.[24]
Thống đốc Dinwiddie phái Washington trở lại Xứ Ohio để bảo vệ một nhóm nhân viên của Công ty Ohio đang xây dựng một pháo đài tại nơi mà ngày nay là Pittsburgh, Pennsylvania. Nhưng trước khi ông đến nơi thì một lực lượng Pháp đã đuổi các nhân viên làm việc của công ty ra khỏi khu vực này và họ bắt đầu xây dựng Đồn Duquesne. Một nhóm nhỏ quân Pháp do Joseph Coulon de Jumonville chỉ huy bị Tanacharison và một ít chiến binh của mình phát hiện ở phía đông khu vực mà ngày nay là Uniontown, Pennsylvania. Cùng với các đồng minh người bản thổ Mingo, Washington và một số đơn vị địa phương quân của mình liền phục kích người Pháp. Những gì thật sự đã xảy ra trong lúc và sau trận đánh vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng kết quả ngay sau đó là Jumonville bị trọng thương trong cuộc tấn công đầu tiên và rồi bị giết chết… chẳng biết có phải là bị Tanacharison lạnh lùng chém bằng một lưỡi rìu hay do bị một người nào đó đứng gần đó dùng súng bắn chết khi vị sĩ quan bị thương này ngồi bên cạnh Washington – cả hai nghi vấn này đều hoàn toàn không rõ ràng.[25][26] Người Pháp phản ứng trả đũa bằng một cuộc tấn công và bắt Washington tại Đồn Necessity vào tháng 7 năm 1754.[27] Tuy nhiên, Washington được phép quay trở về Virginia cùng với binh sĩ của mình. Sử gia Joseph Ellis kết luận rằng tình tiết trận đánh này đã chứng tỏ sự can đảm, thế chủ động, sự hăng say chiến đấu nhưng chưa có kinh nghiệm của Washington.[28] Những sự kiện này có những hậu quả quốc tế; người Pháp tố cáo Washington ám sát Jumonville vì họ cho rằng Jumonville đang thực hiện một sứ mệnh ngoại giao.[28] Cả Pháp và Anh sẵn sàng lâm chiến để tranh giành kiểm soát vùng này và họ đã đưa quân đến Bắc Mỹ năm 1755; chiến tranh được chính thức tuyên bố vào năm 1756.[29]
Tai họa Braddock năm 1755
Năm 1755, Washington là phụ tá cao cấp người Mỹ của tướng Anh Edward Braddock trong một cuộc viễn chinh xấu số ở Monongahela. Đây là đoàn quân viễn chinh lớn nhất của Anh đến các thuộc địa Bắc Mỹ, và có ý định đánh đuổi người Pháp ra khỏi Xứ Ohio. Người Pháp cùng với các đồng minh người bản thổ Mỹ phục kích và Braddock bị tử thương trong trận Monongahela. Sau khi bị thiệt hại nặng nề về quân số, quân Anh rút chạy tán loạn; tuy nhiên, Washington cưỡi ngựa chạy quanh trận địa nhằm khích lệ và động viên tàn quân Anh và địa phương quân Virginia rút lui có tổ chức.[30]
Tư lệnh Trung đoàn Virginia
Bức tranh vẽ năm 1772 của
Peale mô tả Washington trong cấp bậc đại tá của
Trung đoàn Virginia. Đây là chân dung xưa nhất của Washington mà người ta biết đến
Thống đốc Dinwiddie thăng chức Washington năm 1755 lên cấp bậc “Đại tá Trung đoàn Virginia và Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng được tuyển mộ để bảo vệ Thuộc địa của Nhà vua” và giao phó cho ông nhiệm vụ bảo vệ biên cương Virginia. Trung đoàn Virginia là đơn vị quân sự toàn thời gian đầu tiên của người Mỹ tại các thuộc địa (đối ngược lại là các đơn vị chính quy người Anh và các đơn vị địa phương quân người Mỹ bán thời gian). Washington được lệnh “hành động tự vệ hay phản công” bất cứ khi nào ông nghĩ là tốt nhất.[31] Trong lúc làm tư lệnh của một ngàn binh sĩ, Washington là một sĩ quan có kỉ luật, luôn chú trọng vào việc huấn luyện. Ông lãnh đạo các binh sĩ của mình trong những chiến dịch tàn bạo chống người bản thổ Mỹ tại miền Tây; trong 10 tháng, các đơn vị thuộc trung đoàn của ông đã đánh 20 trận, và mất khoảng 1/3 quân số. Những nỗ lực chiến tranh hăng say của Washington có ý nghĩa quan trọng rằng dân chúng ở biên cương của Virginia chịu đựng thiệt hại ít hơn so với các thuộc địa khác; Ellis kết luận rằng “đây là thành công không được nhắc đến duy nhất của ông” trong cuộc chiến.[32][33]
Năm 1758, Washington tham gia vào cuộc viễn chinh Forbes nhằm chiếm Đồn Duquesne. Ông sượng sùng vì một vụ đánh nhầm khi đơn vị của ông và một đơn vị Anh tưởng lầm nhau là người Pháp và nổ súng. Kết quả có 14 người chết và 26 người bị thương trong vụ đó. Washington không tham dự vào bất cứ trận đánh lớn nào khác trong cuộc viễn chinh đó. Người Anh ghi được một chiến thắng chiến lược lớn bằng việc giành quyền kiểm soát Thung lũng Ohio khi người Pháp rút bỏ đồn. Theo sau cuộc viễn chinh, Washington từ chức khỏi Trung đoàn Virginia vào tháng 12 năm 1758. Ông không trở về đời sống quân nhân cho đến khi cuộc cách mạng bùng nổ vào năm 1775.[34]
Những bài học đã nghiệm qua
Tuy Washington chưa bao giờ được vào biên chế lục quân Anh mà ông mong ước nhưng trong những năm tháng chiến tranh đó, người thanh niên này đã tích lũy những kỹ năng về lãnh đạo, chính trị và quân sự quí giá.[35] Ông luôn tiếp cận quan sát các chiến thuật quân sự của người Anh, nắm bắt và hiểu rõ các điểm yếu và điểm mạnh của người Anh. Điều này đã được chứng minh là vô giá trong suốt cuộc Cách mạng Mỹ sau này. Ông chứng tỏ là một người can đảm và kiên cường trong những tình huống cực kỳ khó khăn nhất trong đó có các vụ tai biến và tháo lui. Ông đã phát triển ra một phong cách chỉ huy: đem hết sức lực, khả năng chịu đựng và sự dũng cảm của mình vào trận chiến. Đối với các chiến sĩ của mình, ông xuất hiện như một vị chỉ huy tự nhiên và họ tuyệt đối tuân lệnh ông mà không thắc mắc điều gì.[36][37] Washington học cách tổ chức, huấn luyện và kỷ luật các đơn vị trung đoàn và đại đội của mình. Qua đọc sách, quan sát và các cuộc trò chuyện với những sĩ quan nghiệp vụ, ông học được những căn bản về chiến thuật chiến trường cũng như hiểu rõ các vấn đề tổ chức và tiếp vận.[38] Ông hiểu biết tổng thể về chiến lược, đặc biệt là việc tìm ra những địa điểm địa lý chiến lược.[39] Sử gia Ron Chernow có ý kiến rằng vì Washington chán nản khi thương nghị với các viên chức chính phủ trong suốt cuộc xung đột nên ông đã tán thành những lợi ích của một chính phủ quốc gia mạnh mẽ với một cơ quan hành chính mạnh mẽ để có thể đạt được kết quả;[40] các sử gia khác có chiều hướng gán ghép ông có thái độ này đối với chính phủ khi ông phục vụ Chiến tranh Cách mạng Mỹ sau này.[Ghi chú 2] Ông nảy sinh một ý tưởng rất tiêu cực về giá trị của địa phương quân. Coi họ có vẻ không đáng tin cậy, rất bất kỉ luật, và chỉ phục vụ rất ngắn hạn khi so sánh với quân chính quy.[41] Mặt khác, kinh nghiệm chỉ huy của ông có giới hạn nhiều nhất là 1 ngàn binh sĩ và chỉ ở những địa hình biên cương xa xôi khắc hẳn với những tình thế đô thị mà ông đối diện trong suốt cuộc cách mạng ở các thành phố Boston, New York, Trenton và Philadelphia.[42]
Thời kỳ giữa các cuộc chiến tranh: ở Mount Vernon (1759–1774)
Một bức tranh được in lại mang hình ảnh
Martha Washington, dựa theo bức họa năm 1757 của họa sĩ John Wollaston
Ngày 6 tháng 1 năm 1759, Washington kết hôn với một quả phụ giàu có tên Martha Dandridge Custis. Các bức thư còn sót lại cho thấy rằng ông có thể đang yêu Sally Fairfax, vợ của một người bạn vào lúc đó.[43] Dù vậy, George và Martha rất xứng đôi vì Martha thông minh, duyên dáng, và có kinh nghiệm điều hành một đồn điền có nô lệ phục vụ.[44] Cả hai cùng nuôi hai đứa con của bà với người chồng quá cố là John Parke Custis và Martha Parke Custis, được gia đình gọi thân mật là “Jackie” và “Patsy”. Sau đó gia đình Washington nuôi hai trong số các cháu của bà Washington là Eleanor Parke Custis và George Washington Parke Custis. George và Martha Washington không có con cái chung — căn bệnh đậu mùa của ông vào năm 1751 có thể đã khiến cho ông không thể có con. Vì kiêu hãnh nên Washington không thể nào thừa nhận rằng minh không thể có con nhưng lúc riêng tư ông cảm thấy chán nản vì không thể có con.[45] Cặp vợ chồng mới cưới dời về Mount Vernon gần Alexandria nơi ông sống cuộc đời của một người trồng trọt và một khuôn mặt chính trị.
Cuộc hôn nhân của Washington với Martha đã làm gia tăng tài sản và địa vị xã hội của ông rất lớn lao. Ông trở thành một trong số những người giàu có nhất Virginia. Ông được một phần ba trong số 18.000 mẫu Anh (73 km²) điền sản của gia đình vợ ngay sau khi kết hôn, đáng giá khoảng $100.000 và quản lý phần điền sản còn lại cho con của Martha, những đứa con riêng của vợ mà ông chân thành chăm sóc.[46] Ông thường mua thêm đất và cũng được cấp phát đất ở vùng bây giờ là Tây Virginia như là tặng phẩm dành cho công lao phục vụ Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp. Vào năm 1775, Washington tăng gấp đôi diện tích của Mount Vernon lên 6.500 mẫu Anh (26 km²) và tăng số lao động nô lệ ở đó lên trên 100 người. Vì là một anh hùng quân sự được nể trọng và một chủ đất lớn nên ông có chức vị tại địa phương và được bầu vào nghị viện tỉnh Virginia bắt đầu vào năm 1758.[47]
Washington mở rộng ngôi nhà tại
Mount Vernon sau khi kết hôn
Washington có lối sống quý tộc — săn cáo là một hoạt động nhàn rỗi ưa thích của ông.[48] Ông cũng thích đi khiêu vũ và họp hội, ngoài ra còn có đi xem kịch, đua, và đá gà. Washington cũng được biết có chơi bài, backgammon và bi da.[49] Giống như đa số các nhà trồng trọt, ông nhập cảng những đồ dùng xa xỉ và hàng hóa khác từ Anh và trả tiền cho hàng hóa bằng xuất cảng thuốc lá mà ông trồng. Chi tiêu quá độ và sự không lường trước về thị trường thuốc lá đồng nghĩa với việc nhiều nhà trồng trọt ở Virginia vào thời Washington mất tiền. (Chẳng hạn như Thomas Jefferson qua đời với nợ nần chồng chất.)
Washington bắt đầu cứu mình khỏi nợ bằng cách kinh doanh đa dạng và chú ý hơn đến công việc làm của mình.[50] Năm 1766, ông thay đổi mùa vụ chính sinh lợi của Mount Vernon từ thuốc lá sang lúa mì. Lúa mì có thể bán được tại Mỹ, và làm nhiều thứ hoạt động kinh doanh khác trong đó có nhà máy làm bột mì, nuôi cá, nuôi ngựa, dệt vải. Patsy Custis (con gái riêng của vợ ông) mất năm 1773 vì động kinh giúp cho Washington trả hết nợ cho những chủ nợ người Anh vì phân nửa tài sản của Patsy được đưa sang cho ông.[51]
Là người trồng trọt thành công, ông trở thành một lãnh đạo trong giới thượng lưu xã hội tại Virginia. Từ năm 1768 đến năm 1775, ông mời khoảng 2000 khách mời đến điền sản Mount Vernon của mình, đa số là những người được ông xem là “người có đẳng cấp”. Đối với những người không có địa vị cao trong xã hội, lời khuyên của ông là “đối xử với họ lịch sự” nhưng “hãy giữ họ ở một tầm xa thích hợp vì khi họ càng quen biết mình thì đồng lúc bạn mất quyền lực đối với họ”.[52] Năm 1769, ông trở nên tích cực hoạt động chính trị, đệ trình lên nghị viện Virginia đạo luật cấm nhập cảng hàng hóa từ Vương quốc Anh.[53]
Năm 1754 Phó thống đốc Dinwiddie có hứa ban tặng đất đai cho các binh sĩ và sĩ quan tình nguyện phục vụ trong cuộc Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp.[54] Washington nhiều năm cố tìm cách nhận lấy số đất đai được hứa cấp cho ông và binh sĩ của ông. Cuối cùng thì Thống đốc Norborne Berkeley cũng thực hiện lời hứa từ năm 1769-1770.[54][55] Washington nhận được 23.200 mẫu Anh gần nơi mà dòng chảy của sông Kanawha đổ vào sông Ohio, hiện nay là Tây Virginia.[56]
Cách mạng Mỹ (1775–1787)
-
Tuy ông bày tỏ sự chống đối Đạo luật Tem thuế 1765 (Stamp Act 1765), một đạo luật thuế áp đặt trực tiếp đầu tiên đối với các thuộc địa Bắc Mỹ nhưng ông đã không đóng một vai trò lãnh đạo trong cuộc phản kháng càng ngày gia tăng của các thuộc địa cho đến khi có các cuộc phản đối chống các đạo luật Townshend (được thông qua năm 1767) trở nên lan rộng. Tháng 5 năm 1769, Washington giới thiệu một đề nghị, được bạn của ông là George Mason thảo ra, kêu gọi thuộc địa Virginia tẩy chay hàng hóa của Anh cho đến khi nào các đạo luật này bị bãi bỏ.[57] Quốc hội Vương quốc Anh bãi bỏ các đạo luật Townshend năm 1770. Tuy nhiên, Washington xem việc thông qua Các đạo luật bất khoan dung (intolerable acts) năm 1774 như là “một sự xâm lấn quyền lợi và đặc quyền của chúng ta”.[58] Tháng 7 năm 1774, ông chủ tọa phiên họp trong đó “các giải pháp Fairfax” được thông qua, kêu gọi triệu tập một Quốc hội Lục địa cùng với nhiều việc khác nữa. Vào tháng 8 năm đó, Washington tham dự Hội nghị đầu tiên của Virginia trong đó ông được bầu làm một đại biểu đại diện cho Virginia tại Đệ nhất Quốc hội Lục địa.[59]
Tổng tư lệnh
Tranh vẽ Betsy Ross trình bày
lá cờ mới của Mỹ với George Washington (Tranh vẽ của Edward Percy Moran. năm 1917)
Sau các trận đánh tại Lexington và Concord gần thành phố Boston vào tháng 4 năm 1775, tất cả các thuộc địa đều tham chiến. Washington xuất hiện tại Đệ nhị Quốc hội Lục địa trong quân phục, chứng tỏ rằng ông đã sẵn sàng cho chiến tranh.[60] Washington có thanh thế, kinh nghiệm quân sự, sức thu hút, từng là một lãnh đạo quân sự và được người ta biết đến như là một người yêu nước cao độ. Là một thuộc địa lớn nhất trong số 13 thuộc địa và nằm ở miền Nam, Virginia đáng được công nhận. Tân Anh, nơi chiến tranh khởi sự, cảm thấy rằng họ cần có sự ủng hộ cần thiết của miền Nam. Washington bày tỏ rõ thái độ của mình là không muốn tìm cách làm tư lệnh, và ông có nói rằng ông không xứng với chức vụ đó nhưng chẳng có ai thật sự muốn tranh chức vụ này.[61] Quốc hội Lục địa thành lập Lục quân Lục địa vào ngày 14 tháng 6 năm 1775. Được John Adams của thuộc địa Massachusetts đề cử, Washington sau đó được bổ nhiệm làm thiếu tướng và tổng tư lệnh.[1]
Washington có ba vai trò trong cuộc chiến tranh. Năm 1775-77, và lần nữa vào năm 1781 ông lãnh đạo binh sĩ của mình đánh nhau với các lực lượng chính của Anh. Tuy ông thua nhiều trận nhưng ông chưa bao giờ ra lệnh cho quân đội mình đầu hàng trong suốt cuộc chiến tranh. Ông tiếp tục chiến đấu không nao núng chống người Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc. Phối hợp với Quốc hội Lục địa, ông hoạch định toàn bộ chiến lược chiến tranh.
Thứ hai, ông đứng ra tổ chức và huấn luyện lục quân. Ông tuyển mộ quân chính quy và giao nhiệm vụ cho tướng von Steuben, một chuyên gia quân sự người Đức, huấn luyện họ. Ông không nhận trách nhiệm đối với nguồn tiếp liệu mà lúc nào cũng thiếu hụt nhưng ông luôn làm áp lực với Quốc hội và các tiểu bang cung cấp nhu yếu phẩm.[62] Washington có tiếng nói quan trọng trong việc chọn lựa các tướng lãnh tư lệnh và trong việc hoạch định chiến lược cơ bản của họ.[63] Những thành tựu của ông thì hỗn tạp vì một số người mà ông chọn lựa lại chưa bao giờ giỏi về thuật chỉ huy. Dần dần ông tìm được các sĩ quan có khả năng như tướng Nathaniel Greene, và tham mưu trưởng của ông là Alexander Hamilton. Các sĩ quan Mỹ không bao giờ đạt trình độ tương bằng với các đối thủ người Anh của họ trong chiến thuật và tác chiến. Dần dần họ thua phần lớn các trận đánh đã chọn địa điểm trước (pitched battles). Các thành công lớn tại Boston (1776), Saratoga (1777) và Yorktown (1781) xảy ra khi quân cách mạng gài bẫy dụ quân Anh ra xa khỏi căn cứ có nhiều quân số để dễ dàng tiêu diệt quân Anh hơn.
Thứ ba và quan trọng nhất, Washington là hiện thân của cuộc kháng chiến vũ trang chống Vương miện – ông là người đại diện của cuộc Cách mạng. Tầm vóc to lớn và tài năng chính trị của ông đã khiến cho Quốc hội Lục địa, lục quân, người Pháp, địa phương quân và các tiểu bang đều hướng về một mục tiêu chung. Bằng việc tự nguyện từ chức và giải ngũ lục quân của mình sau khi chiến tranh kết thúc thắng lợi, ông vĩnh viễn thiết lập ra nguyên tắc dân sự là trên hết trong quân vụ. Và còn nữa, ông thường luôn lặp lại quan điểm rằng các binh sĩ nhà nghề có kỉ luật tốt thì luôn hơn hẳn gấp đôi những binh sĩ tự nguyện nhưng vô kỉ luật. Các binh sĩ nhà nghề như thế sẽ giúp người ta bỏ đi ý tưởng ngờ vực đối với một quân đội hiện dịch.[64]
Chiến thắng tại Boston
Washington nhận lại chức vụ tư lệnh Lục quân Lục địa tại chiến trường Cambridge, Massachusetts vào tháng 7 năm 1775 trong lúc cuộc bao vây thành phố Boston đang tiếp diễn. Nhận thấy quân của mình thiếu hụt thuốc súng trầm trọng nên Washington yêu cầu xin thêm nguồn tiếp tế mới. Quân Mỹ đột kích những kho thuốc súng của Anh trong đó có một số kho nằm trong vùng Caribbe, và cũng họ tự tìm cách sản xuất ra một số. Quân Mỹ nhận nguồn tiếp tế gần như vừa đủ (khoảng 2,5 triệu cân Anh) vào cuối năm 1776, phần lớn là từ Pháp.[65] Washington tái tổ chức lục quân trong suốt cuộc bao vây kéo dài, và buộc quân Anh rút lui bằng pháo binh đặt trên điểm cao Dorchester Heights nhìn xuống thành phố. Quân Anh rút chạy khỏi Boston vào tháng 3 năm 1776 và Washington di chuyển quân đến Thành phố New York.
Tuy rất kinh thường đa số những người yêu nước Mỹ nhưng báo chí Anh luôn ca ngợi phẩm chất và tính cách cá nhân của Washington trong vai trò một tư lệnh quân sự. Những bài báo này được xem là rất bạo vì Washington là tướng quân thù địch đang lãnh đạo một quân đội theo đuổi một mục tiêu mà nhiều người Anh tin rằng sẽ hủy hoại Đế quốc Anh.[66]
Bại trận tại Thành phố New York và chiến thuật Fabius
Tháng 8 năm 1776, tướng Anh là William Howe mở một chiến dịch hải bộ lớn nhằm mục đích chiếm thành phố New York. Lục quân Lục địa dưới quyền của Washington giao chiến với kẻ thù lần đầu tiên trong vai trò là một lục quân của Hiệp chủng Quốc mới độc lập tại trận Long Island, trận đánh lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh này. Người Mỹ ít quân số hơn nhiều so với lực lượng Anh. Nhiều binh sĩ Mỹ đào ngũ, và Washington bị đại bại. Dần sau đó, Washington bị buộc phải tháo lui qua sông East vào ban đêm. Ông làm vậy mà không có tổn thất về nhân mạng cũng như trang bị.[67] Washington rút lui về phía bắt khỏi thành phố để tránh bị bao vây, tạo cơ hội cho tướng Howe tấn công và chiếm đồn Washington vào ngày 16 tháng 1 với số tử thương cao cho Lục quân Lục điạ. Washington sau đó rút lui ngang New Jersey; tương lai của Lục quân Lục địa bị ngờ vực vì lệnh nhập ngũ hết hạn và một loạt những cuộc bại trận.[68] Vào đêm 25 tháng 12 năm 1776, Washington quay trở lại tấn công bất ngờ vào một tiền đồn của quân Hessian (quân đánh thuê người Đức trong thế kỷ 18) tại tây New Jersey. Ông dắt lục quân của mình vượt sông Delaware để bắt sống gần 1.000 binh sĩ Hessian tại Trenton, New Jersey. Sau chiến thắng của mình tại Trenton, Washington ghi thêm một chiến thắng khác chống quân chính qui Anh tại Princeton vào đầu tháng 1. Quân Anh rút lui trở về Thành phố New York và vùng phụ cận thành phố và họ chiếm giữ ở đó cho đến khi hiệp định hòa bình năm 1783. Các chiến thắng của Washington đã nhấn chìm chiến lược “củ cà-rốt và cây gậy” của người Anh – phô trương lực lượng mạnh rồi khuyến dụ với các ngôn từ rộng lượng. Người Mỹ quyết không thương thuyết điều gì cả ngoài độc lập.[69] Những chiến thắng này tự nó không đủ bảo đảm chiến thắng sau cùng của phe yêu nước tuy nhiên nhiều binh sĩ đã không tái đầu quân hoặc có nhiều người đào ngũ trong mùa đông ác nghiệt. Washington và Quốc hội tái tổ chức lục quân bằng việc gia tăng tưởng thưởng cho binh sĩ ở lại trong quân ngũ và cũng gia tăng hình phạt cho những ai đào ngũ. Việc này có hiệu quả làm tăng quân số cho các trận chiến sau cuối.[70]
Các sử gia vẫn còn tranh luận rằng có phải chăng Washington thích chọn chiến lược Fabius[71] để gây hoang mang cho quân Anh bằng các cuộc tấn công nhanh và sắc bén rồi sau đó rút lui để lục quân to lớn hơn của Anh không thể bắt được ông hay ông thích chọn đánh những trận chiến lớn.[72] Trong khi tư lệnh miền Nam của ông là Greene sử dụng các chiến thuật Fabius vào những năm 1780-81 thì Washington chỉ dùng các chiến thuật này vào mùa thu năm 1776 đến mùa xuân năm 1777 sau khi để mất thành phố New York và nhìn thấy phần lớn lục quân của ông tan rã. Trận Trenton và Princeton là hai thí dụ về chiến thuật Fabius. Tuy nhiên vào mùa hè năm 1777, sau khi Washington đã tái lập sức mạnh và sự tự tin, ông ngưng dùng các trận đột kích và sẵn sàng các trận đối đầu có tầm cỡ lớn, thí dụ như các trận ở Brandywine, Germantown, Monmouth và Yorktown.[73]
Các chiến dịch năm 1777
Cuối mùa hè năm 1777, lực lượng Anh dưới sự chỉ huy của John Burgoyne đưa một quân đoàn xâm nhập lớn từ Quebec xuống phía Nam với ý định cắt đứt vùng Tân Anh nổi loạn. Tướng Anh là Howe tại New York đưa quân đoàn của ông về hướng nam đến Philadelphia thay vì lên phía trên sông Hudson để họp mặt với quân của Burgoyne gần Albany. Đây là một lỗi lầm chiến lược lớn đối với quân Anh. Washington liền vội vã tiến về Philadelphia để giáp chiến Howe trong khi đó theo dõi sát hành động trên vùng thượng bang New York. Trong các trận đánh giáp mặt quá phức tạp cho các binh sĩ tương đối không kinh nghiệm, quân của Washington bị đánh bại. Trong trận Brandywine ngày 11 tháng 9 năm 1777, chiến thuật của Howe hơn hẳn Washington. Kết quả là Howe hành quân vào thủ đô Mỹ vào lúc đó là Philadelphia mà không gặp sự phản kháng nào ngày 26 tháng 9. Quân của Washington tấn công bất thành quân đồn trú của Anh tại Germantown đầu tháng 10. Trong lúc Burgoyne ở ngoài tầm giải cứu của Howe nên bị vây bủa và buộc phải ra lệnh toàn bộ quân đoàn của mình đầu hàng tại Saratoga, New York.[74] Đây là một điểm quay chính cả về mặt quân sự và ngoại giao. Pháp phản ứng việc Burgoyne bại trận bằng cách tham chiến, công khai liên minh với Mỹ và biến cuộc Chiến tranh Cách mạng thành một cuộc chiến tranh lớn có tầm cỡ thế giới. Việc Washington để mất Philadelphia đã khiến cho một số thành viên Quốc hội Mỹ thảo luận về việc tước quyền tư lệnh của Washington. Nỗ lực này bị thất bại sau khi những người ủng hộ Washington tề tựu ủng hộ đằng sau ông.[75]
Valley Forge
-
Lục quân gồm 11 ngàn binh sĩ của Washington[76] đến đóng quân mùa đông tại Valley Forge nằm ở phía bắc Philadelphia vào tháng 12 năm 1777. Trong khoảng thời gian 6 tháng, con số người chết trong trại lên đến hàng ngàn người (đa số do bệnh tật),[77] theo các ước tính của các sử gia thì con số người chết có từ 2000[77] đến 2500[78][79] thậm chí lên đến trên 3000 binh sĩ.[80] Tuy nhiên, đến mùa xuân, lục quân lộ diện từ Valley Forge trong đội hình tốt một phần nhờ vào một chương trình huấn luyện tầm cỡ do Baron von Steuben, một cựu chiến binh của bộ tổng tham mưu Phổ. Người Anh rút bỏ Philadelphia về New York năm 1778 bị Washington theo dõi. Washington liền tấn công họ tại Monmouth. Đây là một trận đánh không phân thắng bại và là một trong các trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến tranh. Sau cùng, người Anh tiếp tục hướng về New York, và Washington di chuyển quân của mình ra khỏi New York.
Chiến thắng tại Yorktown
-
Mùa hè năm 1779, theo chỉ thị của Washington, Tướng John Sullivan thực hiện một chiến dịch tiêu thổ tàn phá ít nhất 40 ngôi làng của người bản thổ Iroquois trong khắp vùng mà ngày nay là trung và thượng tiểu bang New York; người bản thổ ở trong vùng này là đồng minh của Anh. Họ thường đột kích các khu định cư Mỹ trong vùng biên cương.[81] Tháng 7 năm 1780, 5.000 binh sĩ thuộc cựu chiến binh Pháp, do Tướng Comte Donatien de Rochambeau chỉ huy, đến Newport, Rhode Island để trợ giúp nỗ lực chiến tranh của người Mỹ.[82] Nhờ sự trợ giúp tài chính có giá trị khoảng $20.000 bằng vàng của Pháp cho Lục quân Lục địa, Washington đã thực hiện cú đánh cuối cùng chống người Anh năm 1781 sau khi chiến thắng của người Pháp trong 1 trận hải chiến đã giúp cho các lực lượng Pháp và Mỹ bao vây một quân đoàn Anh tại Virginia. Sự kiện người Anh đầu hàng tại Yorktown vào ngày 17 tháng 10 năm 1781 đã đánh dấu sự chấm dứt chiến sự lớn tại lục địa Bắc Mỹ.[83]
Giải giới
Washington không thể tin rằng sau trận Yorktown người Anh sẽ không tái mở các chiến dịch thù nghịch chống Lục quân Lục địa. Người Anh vẫn còn khoảng 26.000 quân đang chiếm đóng Thành phố New York, Charleston và Savannah cùng với một hạm đội hùng mạnh. Lục quân và hải quân Pháp đã rút đi, vì thế chỉ còn lại người Mỹ tự chống đỡ từ năm 1782-83. Ngân khố Mỹ trống trơn, các binh sĩ không được trả lương ngày càng ngang bướng, gần như đến lúc muốn nổi loạn hoặc có tiềm năng làm đảo chính. Washington giúp tránh bạo loạn trong hàng ngũ các sĩ quan của mình bằng việc can thiệp vào một sự kiện thường gọi là âm mưu Newburgh vào tháng 3 năm 1783. Kết cuộc là Quốc hội đưa ra lời hứa phát tiền thưởng trong 5 năm.[84]
Theo Hiệp định Paris (ký vào tháng 9 năm đó), Vương quốc Anh công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ. Washington giải tán lục quân của mình và vào ngày 2 tháng 11, ông đọc một bài diễn văn từ biệt hùng hồn trước binh sĩ.[85]
Ngày 25 tháng 11, người Anh di tản khỏi Thành phố New York. Washington và thống đốc tiếp quản thành phố. Ngày 4 tháng 12, tại Quán rượu Fraunces, Washington chính thức từ biệt các sĩ quan của mình và vào ngày 23 tháng 12 năm 1783, ông từ chức tổng tư lệnh. Sử gia Gordon Wood kết luận rằng hành động vĩ đại nhất trong đời của Washington là việc ông từ chức tổng tư lệnh — một hành động đã làm cho quý tộc châu Âu phải bàng hoàng rúng động.[86] Vua George III đã gọi Washington “nhân vật vĩ đại nhất thời đại” vì hành động này.[87]
Hội nghị Hiến pháp năm 1787
Cuộc sống hưu trí của Washington ở Mount Vernon chỉ tồn tại ngắn ngủi. Ông thực hiện một chuyến thám hiểm đến biên cương phía Tây vào năm 1784,[1] được thuyết phục tham gia Hội nghị Hiến pháp tại Philadelphia vào mùa hè năm 1787, và được bầu làm chủ tịch Hội nghị này. Ông tham dự ít vào các buổi tranh luận (tuy ông có bỏ phiếu chống hoặc thuận cho nhiều điều khoản khác nhau) nhưng uy tín cao của ông đã giúp ông duy trì quyền lực trong hội nghị và giữ chân các đại biểu tiếp tục làm việc của họ. Trong đầu các đại biểu là muốn lập ra chức tổng thống cho Washington, và họ sẽ cho phép ông định nghĩa chức vụ này một khi ông được bầu.[88] Sau hội nghị, sự ủng hộ của ông đã thuyết phục nhiều người bỏ phiếu thông qua hiến pháp; Hiến pháp mới được tất cả 13 tiểu bang thông qua.[89]
Giai đoạn làm tổng thống (1789–1797)
Đại cử tri đoàn nhất trí bầu Washington làm vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ năm 1789,[Ghi chú 3] và lần nữa vào năm 1792; ông là tổng thống duy nhất nhận được 100 phần trăm phiếu đại cử tri.[Ghi chú 4] John Adams, người có số phiếu cao tiếp theo sau, được bầu làm Phó tổng thống. Tại buổi lễ nhậm chức, Washington tuyên thệ nhận chức Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 4 năm 1789 tại Đại sảnh Liên bang trong thành phố New York.
Quốc hội Hoa Kỳ lần thứ nhất biểu quyết trả lương cho Washington $25.000 một năm – đây là một con số lớn vào năm 1789. Washington, đã giàu có vào lúc đó, từ chối nhận lương vì ông coi trọng hình tượng của mình như là một đầy tớ công bất vị kỷ. Tuy nhiên sau đó ông cũng chấp nhận tiền lương vì bị Quốc hội hối thúc để tránh tạo ra một tiền lệ rằng chức vụ tổng thống chỉ được nhìn nhận có giới hạn đến những cá nhân giàu có độc lập, có thể phục vụ mà không cần bất cứ tiền lương nào.[91] Vì nhận biết rằng mọi thứ mà ông làm sẽ tạo nên một tiền lệ sau này nên Washington cẩn thận tham dự buổi lễ nhậm chức một cách trịnh trọng. Ông muốn chắc rằng chức danh và lễ phục phải xứng hợp với nền cộng hòa và không bao giờ mang nét phong kiến châu Âu. Vào lúc cuối, ông thích chức danh “Ngài Tổng thống” hơn là những cái tên gọi uy nghiêm hơn.[92]
Washington chứng tỏ là một người có tài lãnh đạo chính phủ. Là một đại diện xuất chúng, nhà phán đoán lỗi lạc và cá tính, Washington nói chuyện thường xuyên với các lãnh đạo các bộ và lắng nghe lời khuyên cáo của họ trước khi tạo quyết định tối hậu.[93] Khi xử lý công việc chính phủ hàng ngày, ông “rất có hệ thống, trật tự, nhiệt tâm, luôn xin ý kiến của người khác nhưng quả quyết…”[94]
Washington miễn cưỡng phục vụ nhiệm kỳ thứ hai. Ông từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ ba và đã tạo ra tiền lệ rằng tổng thống chỉ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ.
Các vấn đề đối nội
Washington không thuộc một đảng phái chính trị nào và hy vọng rằng các đảng chính trị sẽ không được thành lập vì sợ sự xung đột đảng phái sẽ làm tiêu tan chủ nghĩa cộng hòa.[95] Các cố vấn thân cận nhất của ông lập ra hai phe phái, khởi tạo ra khung sườn cho Hệ thống Đảng phái lần thứ nhất trong tương lai. Bộ trưởng Ngân khố Alexander Hamilton có các kế hoạch liều lĩnh nhằm thiết lập hệ thống tín dụng quốc gia và xây dựng một quốc gia mạnh về tài chính, và ông cũng đã lập ra cơ bản cho đảng Liên bang. Bộ trưởng Ngoại giao Thomas Jefferson, người sáng lập đảng Cộng hòa Jefferson, liên tiếp chống đối chương trình nghị sự của Hamilton nhưng nói chung Washington ưu ái Hamilton hơn là Jefferson. Kết quả, chương trình nghị sự của Hamilton trở thành có hiệu lực.[96]
Đạo luật Dinh cư năm 1790, được Washington ký, cho phép Tổng thống Hoa Kỳ chọn lựa vị trí rõ rệt nào đó để làm nơi thường trực của chính phủ. Vị trí này phải nằm dọc theo sông Potomac. Đạo luật cho phép Tổng thống bổ nhiệm ba ủy viên tiến hành thị sát và tìm cách thu hồi vùng đất để làm thủ đô. Cá nhân Washington trông coi nỗ lực này trong suốt nhiệm kỳ tại chức của mình. Năm 1791, các ủy viên đặt tên cho thủ đô thường trực này là “Thành phố Washington trong Lãnh thổ Columbia” để vinh danh Washington. Năm 1800, Lãnh thổ Columbia trở thành Đặc khu Columbia khi chính phủ liên bang dời về nơi thích hợp theo các điều khoản của Đạo luật Dinh cư.[97]
Năm 1791, Quốc hội áp đặt thuế môn bài lên các loại rượu khiến gây ra các cuộc phản đối nổ ra tại các khu vực biên cương, đặc biệt là tại tiểu bang Pennsylvania. Năm 1794, sau khi Washington ra lệnh những người biểu tình ra trình diện tại tòa án khu vực của Hoa Kỳ thì các cuộc phản đối trở nên bất chấp đối với chính phủ liên bang với qui mô lan rộng, được biết với tên gọi là Cuộc nổi loạn Whiskey. Lục quân liên bang quá nhỏ nhoi không thể dùng đến nên Washington áp dụng Đạo luật Quân sự 1792 để triệu hồi địa phương quân từ các tiểu bang Pennsylvania, Virginia và một số tiểu bang khác đến giúp. Các thống đốc phái binh sĩ đến. Washington tiếp nhận chức tư lệnh và đưa quân vào các khu vực nổi loạn. Những người nổi loạn tự giải tán và không có xung đột nào vì hành động mạnh bạo của Washington đã chứng minh rằng chính phủ mới có thể tự bảo vệ mình. Các sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên dưới hiến pháp mới rằng chính phủ liên bang đã sử dụng lực lượng quân sự mạnh để thực thi quyền lực của mình đối với các tiểu bang và công dân.[98]
Ngoại giao
Năm 1791, chẳng bao lâu sau khi Cách mạng Haiti bùng nổ, theo yêu cầu của người Pháp, chính phủ Washington đồng ý gởi tiền bạc, vũ khí và các đồ tiếp liệu khác đến thuộc địa Saint-Domingue (ngày nay là Haiti) thuộc Pháp để giúp những người thực dân đang hoang mang này. Sự trợ giúp này là một phần trong khoản trả nợ mà Hoa Kỳ thiếu trong Chiến tranh Cách mạng. Con số này dần dần lên đến khoảng $400.000.[99]
Mùa xuân năm 1793, một cuộc chiến tranh lớn nổ ra giữa nước Anh bảo thủ cùng với đồng minh của họ chống nước Pháp cách mạng, mở đầu một thời đại chiến tranh lan rộng khắp châu Âu mãi cho đến năm 1815. Được sự chấp thuận của nội các, Washington tuyên bố nước Mỹ trung lập. Chính phủ cách mạng Pháp phái nhà ngoại giao Edmond-Charles Genêt (được biết đến là công dân Genêt) đến Mỹ. Genêt được chào đón nhiệt liệt tại Mỹ. Ông tuyên truyền cho phía Pháp trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Anh. Với mục đích này, ông giúp đẩy mạnh phát triển một hệ thống gồm nhiều hội Dân chủ ở các thành phố lớn. Ông cấp phát thư ủy quyền tấn công của chính phủ Pháp cho các tàu Pháp được điều khiển bởi thủy thủ đoàn người Mỹ để họ có thể tấn công chiếm dụng các thương thuyền của Anh. Việc này làm cho Washington giận dữ, yêu cầu chính phủ Pháp triệu hồi Genêt về nước. Washington cũng lên án các hội dân chủ.[100]
Hamilton và Washington thảo ra Hiệp định Jay để bình thường hóa quan hệ mậu dịch với Anh, yêu cầu họ rút khỏi các pháo đài ở phía Tây, giải quyết các món nợ tài chính còn sót lại từ thời cách mạng.[101] John Jay là người đứng ra thương thuyết và ký hiệp định này vào ngày 19 tháng 11 năm 1794. Phe phái của Jefferson ủng hộ Pháp và mạnh mẽ công kích hiệp định này. Sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đã vận động được ý dân và đã chứng tỏ có ý nghĩa định đoạt khi hiệp định này được thông qua tại Thượng viện với tỉ lệ 2/3 đa số phiếu cần thiết.[102] Người Anh đồng ý bỏ các pháo đài của họ quanh Ngũ Đại Hồ, sau đó biên giới Hoa Kỳ-Canada được tái điều chỉnh, vô số các món nợ trước cách mạng Mỹ được thanh toán, và người Anh mở cửa các thuộc địa Tây Ấn của mình để giao thương với Mỹ. Quan trọng nhất, hiệp định đã giúp tạm gác lại chiến tranh với Anh và thay vào đó là một thập niên giao thương thịnh vượng với Anh. Hiệp ước này làm người Pháo giận dữ và trở thành một vấn đề trung tâm trong nhiều cuộc tranh cãi chính trị.[103]
Diễn văn từ biệt
Diễn văn từ biệt của Washington
Bài diễn văn từ biệt của Washington (được công bố trong hình thức một lá thư gởi đến công chúng vào năm 1796) là một trong những lời tuyên bố có sức ảnh hưởng nhất về chủ nghĩa cộng hòa. Lá thư này phần lớn được Washington tự thảo ra cùng với sự giúp đỡ của Hamilton. Lá thư nhắn nhủ về nhu cầu và tầm quan trọng của sự thống nhất quốc gia, giá trị của Hiến pháp Hoa Kỳ và pháp quyền, những độc hại của các đảng phái chính trị và những đức tính đáng quí của một công dân cộng hòa. Ông gọi giá trị đạo đức là “một động cơ cần thiết của chính quyền nhân dân.”[104]
Bài diễn văn chính trị gởi công chúng của Washington cảnh báo chống lại sự ảnh hưởng của ngoại quốc trong các vấn đề đối nội và sự can thiệp của Mỹ trong các vấn đề của châu Âu. Ông cảnh báo chống lại chủ nghĩa đảng phái trong nền chính trị quốc nội và kêu gọi mọi người nên vượt ra ngoài đảng phái và phục vụ lợi ích chung. Ông cảnh báo chống lại “những liên minh thường trực với bất cứ phần nào trên thế giới ở ngoại quốc”.[105] Ông nói rằng Hoa Kỳ phải tập trung chủ yếu vào những lợi ích của Mỹ. Ông khuyên Hoa Kỳ nên làm bạn và giao thương với tất cả các quốc gia nhưng cảnh báo chống lại sự can thiệp của Mỹ tại các cuộc chiến tranh tại châu Âu hay gia nhập vào các liên minh “vướng bận” dài hạn. Bài diễn văn nhanh chóng ấn định những giá trị Mỹ liên quan đến các vấn đề đối ngoại.[106]
Về hưu (1797–1799)
Tranh vẽ George Washingtoncủa Gilbert Stuart năm 1797
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống và về hưu vào tháng 3 năm 1797, Washington quay trở về Mount Vernon với cảm giác rất thoải mái. Ông dành ra nhiều thời gian cho nông trại và nhiều công việc thương mại khác trong đó có xưởng nấu rượu. Xưởng nấu rượu này cho ra lò một mẻ rượu đầu tiên vào tháng 2 năm 1797.[107] Theo Chernow (2010) giải thích, các hoạt động nông trại của ông thì sinh lợi rất tốt đẹp. Những vùng đất xa ở biên cương phía Tây sinh lợi rất ít vì chúng thường bị người bản thổ Mỹ tấn công và những người lập nghiệp sống ở đó không chịu trả tiền thuê đất cho ông. Tuy nhiên đa số người Mỹ mặc định rằng ông thật sự rất giàu có vì “vẻ hào quang thịnh vượng và hùng vĩ” nổi tiếng của nông trại Mount Vernon của ông.[108] Các sử gia ước tính tài sản của ông đáng giá khoảng 1 triệu đô la Mỹ của năm 1799, tương đương khoảng $18 triệu đô la của năm 2009.[109]
Ngày 4 tháng 7 năm 1798, Washington được Tổng thống John Adams ủy nhiệm vào cấp bậc trung tướng và tổng tư lệnh tất cả các quân đoàn lục quân đã được hoặc sẽ được tuyển mộ để phục vụ một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai với Pháp. Ông phục vụ với tư cách là sĩ quan cao cấp của Lục quân Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 13 tháng 7 năm 1798 và 14 tháng 12 năm 1799. Ông tham gia vào việc lập kế hoạch cho một lực lượng Lục quân Lâm thời để đối phó với bất cứ tình hình khẩn cấp nào có thể xảy ra nhưng ông không ra trận. Vị tư lệnh đứng thứ hai sau ông, Hamilton, là người trực tiếp lãnh đạo lục quân.[110]
Qua đời
Thứ năm ngày 12 tháng 12 năm 1799, Washington dành vài tiếng đồng hồ trên lưng ngựa để kiểm tra nông trại của mình bị tuyết rơi, mưa đá và mưa băng – đến chiều tối hôm đó, ông ngồi ăn buổi tối mà không có thay quần áo ướt. Sáng thứ sáu, ông tỉnh giấc thấy đau cổ họng dữ dội (có lẽ viêm họng hay đau thanh quản cấp tính) và cảm thấy càng thêm khan cổ khi ngày trôi qua. Vào khoảng 3 giờ sáng thứ bảy, ông đánh thức vợ ông và nói rằng ông cảm thấy bệnh trong người. Bệnh tình ngày thêm trầm trọng cho đến khi ông mất tại nhà vào khoảng 10h tối thứ bảy ngày 14 tháng 12 năm 1799, thọ 67 tuổi. Lời cuối cùng của ông là “‘Tis well” (tạm hiểu là tốt lắm, tôi chết đau đớn nhưng tôi không sợ).[111][112]
Khắp thế giới, mọi người đều buồn bã vì cái chết của Washington. Napoleon ra lệnh 10 ngày tang lễ khắp nước Pháp; tại Hoa Kỳ, hàng ngàn người vận quần áo tang trong nhiều tháng.[113] Để bảo mật sự riêng tư của họ, Martha Washington đốt hết các thư từ của ông bà viết cho nhau sau khi ông mất. Chỉ còn lại ba lá thứ giữa hai người vẫn tồn tại đến ngày nay.
Ngày 18 tháng 12 năm 1799, lễ tang được tổ chức tại Mount Vernon. Ông được chôn cất tại nơi đây.[114]
Với sự ủng hộ của vợ ông, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết chung nhằm xây một tượng đài bằng cẩm thạch trong Tòa Quốc hội Hoa Kỳ để cất giữ thân xác ông. Tháng 12 năm 1800, Hạ viện Hoa Kỳ đưa một đạo luật chi tiêu khoảng $200.000 để xây dựng lăng mộ hình kim tự tháp có đáy rộng 100 bộ vuông (30 mét vuông). Sự phản đối dự án này từ miền Nam đã đánh bại đạo luật vì người miền Nam cảm thấy để xác của ông tại Mount Vernon là tốt nhất (ông là người từ Virginia, một tiểu bang miền Nam vào thời đó).[115]
Năm 1831, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông, một ngôi mộ mới được xây cho ông. Năm đó, có một âm mưu đánh cắp xác của ông đã được thực hiện nhưng được chứng minh là không thành công.[116] Dù vậy, một ủy ban quốc hội chung (ủy ban của cả hai viện lập pháp) vào đầu năm 1832 đã bàn thảo đến việc dời thân thể của Washington ra khỏi Mount Vernon để đưa đến một hầm mộ trong Tòa nhà Quốc hội do Charles Bullfinch xây vào thập niên 1820. Lại thêm một lần nữa, sự chống đối từ miền Nam tỏ ra rất dữ dội, do sự hiềm khích ngày càng sâu rộng giữa miền Nam và miền Bắc. Dân biểu Wiley Thompson của tiểu bang Georgia phát biểu về nỗi lo sợ của người miền Nam khi ông nói:
“ |
Đưa hài cốt Washington kính yêu của chúng tôi tách rời khỏi nơi có hài cốt thân nhân và tổ tiên của ông từ Mount Vernon và ra xa khỏi tiểu bang nhà của ông để đem đặt trong thủ đô này, và rồi nếu có xảy ra sự tan rã liên bang này, thì hãy xem lúc đó hài cốt của Washington sẽ nằm trên một bến bờ xa lạ so với đất quê hương của ông.[117] |
” |
Điều này làm các cuộc bàn thảo về việc di dời hài cốt của ông chấm dứt, và ông được đưa vào ngôi mộ mới được xây dựng tại đó vào ngày 7 tháng 10 năm 1837 với sự chủ trì của John Struthers từ thành phố Philadelphia.[118] Sau buổi lễ, cửa hầm mộ bên trong được đóng lại và chìa khóa mở ngôi mộ được quăng xuống sông Potomac.[119]
Di sản
Dân biểu Henry “Light-Horse Harry” Lee, một người bạn chiến đấu của ông thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ, nổi tiếng qua những lời lẽ ca ngợi Washington như sau:[120]
Người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên nằm trong lòng dân tộc, ông là người có một không hai về đức tính khiêm nhường và trải qua những đoạn đời riêng tư. Lễ nghĩa, công bình, nhân đạo, ôn hòa, và thành thật; trước sau như một, trang nghiêm, và uy nghi; mẫu người của ông như đang soi sáng cho tất cả những người quanh ông cũng như những hiệu ứng của mẫu hình này vẫn đang trường tồn… Xuyên suốt chúng, cái xấu rúng động trước sự hiện diện của ông và cái đẹp luôn cảm thấy có bàn tay giúp đỡ của ông. Đức tính cá nhân thanh khiết của ông đã thắp sáng đức độ phục vụ công chúng của ông… Ông là một người đàn ông như thế, người đàn ông mà quốc gia chúng ta đang thương tiếc.
William Safire, ed. Lend me your ears: great speeches in history (2004) p. 185
Lời lẽ ca ngợi của Lee đã tạo ra chuẩn mực mà qua đó danh tiếng vượt bậc của Washington có ấn tượng sâu sắc trong ký ức của người Mỹ. Washington đã tạo ra nhiều tiền lệ cho chính phủ quốc gia, và đặc biệt là cho chức vụ tổng thống. Ông được gọi là “cha già dân tộc” bắt đầu kể từ năm 1778.[123][124][125] Sinh nhật của Washington (được chào mừng trong ngày Lễ Tổng thống), là một ngày nghỉ lễ liên bang tại Hoa Kỳ.[126]
Trong năm chào mừng “Hoa Kỳ 200 năm”, George Washington được vinh thăng lên cấp bậc Đại thống tướng theo nghị quyết chung của Quốc hội Hoa Kỳ (xin xem Công luật 94-479), được thông qua vào ngày 19 tháng 1 năm 1976, có hiệu lực vào ngày 4 tháng 7 năm 1976.[1] Hành động này đã nâng vị trí của Washington lên thành vị sĩ quan quân sự cao cấp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Cây Cherry
Những câu chuyện mơ hồ về tuổi thơ của Washington gồm có câu chuyện cho rằng ông đánh lướt một đô la bằng bạc chạy băng qua sông Potomac ở Mount Vernon và rằng ông đốn ngã cây cherry của cha ông, và thừa nhận hành vi này khi bị tra hỏi; “Con không thể nói dối, ba à”. Giai thoại này lần đầu tiên được Parson Weems, người chuyên viết tiểu sử, tường thuật. Ông này đã phỏng vấn những người biết Washington lúc nhỏ. Phiên bản câu chuyện từ Weems được in ấn rộng khắp suốt thế kỷ 19, chẳng hạn như trong McGuffey Readers. Những người lớn có đầu óc đạo đức luôn mong muốn trẻ em học những bài học luân lý trong quá khứ lịch sử, đặc biệt từ những đại anh hùng quốc gia như Washington. Tuy nhiên sau năm 1890, các sử gia viện dẫn qua những phương pháp nguyên cứu khoa học để chứng thực từng câu chuyện, và họ đã không tìm được bằng chứng nào trong câu chuyện do Weems thuật lại. Vào năm 1904, Joseph Rodman ghi nhận rằng Weems đã đạo văn cho các câu chuyện khác về Washington từ các câu chuyện tiểu thuyết đã được xuất bản tại Anh Quốc; không ai tìm được một nguồn thay thế nào cho câu chuyện về cây cherry nhưng sự tín nhiệm của Weems thì đáng nghi ngờ.[127][128]
Các con tem tưởng niệm
Hình của George Washington được in trên tiền của Hoa Kỳ trong đó có tiền giấy một đô la và tiền kim loại 25 xu. Trên tem thư Hoa Kỳ, hình của Washington được in vô số lần và trong nhiều loại khác nhau. Hình ông có trên một trong số những con tem đầu tiên do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành vào năm 1847 cùng với hình của Benjamin Franklin.[121] Bắt đầu vào năm 1908, Bưu điện Hoa Kỳ phát hành trong thời gian dài nhất một loạt tem thư trong lịch sử Bưu điện Hoa Kỳ khi phát hành bộ tem “Washington-Franklin”. Đây là một bộ tem thư gồm có hơn 250 con tem có hình Washington và Franklin. Hình của Washington được in trên tem thư Hoa Kỳ nhiều hơn tất cả những người Mỹ nổi tiếng khác cộng lại, kể cả Abraham Lincoln và Benjamin Franklin.[121]
Washington, phát hành năm 1862, loại 24 xu
|
|
Washington, phát hành năm 1895, loại 2 xu
|
|
Bộ tem Washington-Franklin năm 1917, loại 5 xu
|
|
Bộ tem Washington-Franklin năm 1917, loại 7 xu
|
|
Washington cầu nguyện ở Valley Forge, phát hành năm 1928, loại 2 xu
|
Các tượng đài và đài tưởng niệm
Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc cách mạng Mỹ, có nhiều lời đề nghị xây đựng một tượng đài ghi công Washington. Sau khi ông mất, Quốc hội Hoa Kỳ ra lệnh xây dựng một đài tưởng niệm phù hợp tại thủ đô quốc gia nhưng quyết định này bị đảo ngược khi đảng Cộng hòa nắm kiếm soát Quốc hội vào năm 1801. Các đảng viên Cộng hòa mất tinh thần vì Washington đã trở thành biểu tượng của đảng Liên bang; hơn thế nữa, các giá trị của chủ nghĩa cộng hòa dường như không phù hợp với ý tưởng xây dựng những tượng đài dành cho những người có quyền lực.[129] Thêm chuyện cãi vã chính trị cùng với sự chia rẽ Nam-Bắc trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ đã ngăn cản việc hoàn thành tượng đài Washington mãi cho đến cuối thế kỷ 19. Đến thời điểm đó, hình ảnh của Washington được xem là vị anh hùng quốc gia được cả hai miền Nam và Bắc tôn sùng nên các tượng đài của ông không còn là chuyện gây tranh cãi nữa.[130] Trước khi có tượng đài hình tháp nằm trên National Mall vào khoảng vài thập niên trước đó, công dân của thành phố Boonsboro, Maryland đã xây dựng đài tưởng niệm công cộng đầu tiên để tưởng niệm Washington vào năm 1827.[131]
Ngày nay, hình tượng và khuôn mặt của Washington thường được dùng như những biểu tượng quốc gia của Hoa Kỳ.[132] Hình ảnh ông có mặt trên các loại tiền hiện thời trong đó có tiền giấy một đô la và tiền kim loại 25 xu, và trên các loại tem thư của Hoa Kỳ. Ngoài việc hình ảnh ông có mặt trên các loại tem thư đầu tiên do Bưu điện Hoa Kỳ phát hành năm 1847,[121] Washington cùng với Theodore Roosevelt, Thomas Jefferson, và Lincoln, được tạc tượng trên Đài tượng niệm Núi Rushmore. Tượng đài Washington, một trong số những địa điểm nổi tiếng nhất của Mỹ, được xây để vinh danh ông. Tượng đài Quốc gia Tam điểm George Washington tại Alexandria, Virginia được xây dựng giữa năm 1922 và 1932 với đóng góp tự nguyện của tất cả 52 cơ quan điều hành địa phương của Hội Tam điểm tại Hoa Kỳ.[133][134]
Nhiều nơi và nhiều thực thể đã được đặt tên Washington để vinh danh ông. Tên Washington trở thành tên của thủ đô quốc gia, Washington, D.C., một trong hai thủ đô quốc gia trên thế giới đã được đặt tên của một vị tổng thống Mỹ (tên tổng thống Mỹ khác được đặt cho thủ đô của Liberia là Monrovia). Tiểu bang Washington là tiểu bang duy nhất được đặt tên của một vị tổng thống Mỹ.[135] Đại học George Washington và Đại học Washington tại St. Louis được đặt tên ông cũng như Đại học Washington và Lee đã từng đổi thành Học viện Washington khi Washington quyên tặng rất nhiều tiền cho trường này vào năm 1796. Đại học Washington tại Chestertown, Maryland (do hiến chương tiểu bang Maryland thành lập năm 1782) được Washington ủng hộ suốt cuộc đời mình bằng việc trao tặng 50 đồng tiền vàng Anh[136] và phục vụ trong ban hội đồng đặt trách quan khách và điều hành của trường cho đến năm 1789 (khi Washington được bầu làm tổng thống).[137] Vô số thành phố và thị trấn Mỹ có một đường phố mang tên Washington.
Quốc ấn của Liên minh miền nam Hoa Kỳ nổi bật có hình George Washington trên lưng ngựa,[138] trong tư thế tương tự như một tượng đá hình ông tại thành phố Richmond, Virginia.[139]
Luân Đôn có một tượng đồng Washington, đây là một trong số 22 khuôn mẫu tượng đồng giống nhau. Dựa vào bức tượng bằng cẩm thạch ban đầu do Jean Antoine Houdon điêu khắc và được đặt trong gian phòng hình tròn của Tòa Quốc hội Tiểu bang ở Richmond, Virginia, bức tượng sao chép được Thịnh vượng chung Virginia trao tặng cho người Anh năm 1921. Bức tượng này đứng trước Phòng trưng bày Quốc gia (Luân Đôn) trong Quảng trường Trafalgar.[140]
Viết lách và tài liệu của George Washington
Việc sưu tầm và xuất bản trịnh trọng các tác phẩm viết lách và tài liệu của Washington được bắt đầu bằng tác phẩm tiền phong của Jared Sparks vào thập niên 1830 có tựa đề Life and Writings of George Washington (12 cuốn, xuất bản từ 1834–1837). The Writings of George Washington from the Original Manuscript Sources, 1745-1799 (1931–44) là một bộ sựu tập gồm có 37 cuốn do John C. Fitzpatrick biên tập. Bộ sưu tập này gồm có trên 17.000 lá thư và tài liệu và có thể tìm thấy tại đây.
Phiên bản cuối cùng in toàn chữ (không có hình ảnh) được Đại học Virginia bắt đầu xuất bản vào năm 1968, và đến nay đã có đến 52 cuốn được xuất bản và các cuốn nữa sẽ xuất bản. Bộ sưu tập này gồm có mọi thứ mà Washington viết hoặc do ông ký cùng với đa số thư từ ông nhận được. Một phần của bộ sưu tập này có tại đây.
Đời sống cá nhân
Cùng với gia đình thân thuộc của vợ ông, Martha, có nói ở trên, George Washington có quan hệ gần gũi với cháu trai và cũng là người thừa kế tên là Bushrod Washington, con trai của em trai John Augustine Washington của ông. Sau khi chú qua đời Bushrod trở thành một thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên mối quan hệ của George Washington với mẹ là bà Mary Ball Washington rõ ràng là có gì đó khó khăn và căng thẳng.[141]
Khi còn là một thanh niên, Washington có mái tóc đỏ.[142][143] Có một truyền thuyết dân gian cho rằng ông đội tóc giả như một kiểu thời trang vào thời đó. Sự thật Washington không có đội tóc giả; thay vào đó ông rắc phấn bột vào tóc của mình,[144][145] như được thấy trong một số bức họa trong đó có bức họa nổi tiếng nhưng dở dang của họa sĩ Gilbert Stuart.[146]
Washington bị răng của mình hành hạ suốt cả cuộc đời. Ông mất chiếc răng trưởng thành đầu tiên khi ông 22 tuổi và chỉ còn lại 1 chiếc khi ông trở thành tổng thống.[147] John Adams tuyên bố rằng Washington mất răng vì ông dùng nó để cắn hạt Brasil nhưng các sử gia hiện đại cho rằng chính điôxít thủy ngân mà ông uống để trị bệnh như đậu mùa và sốt rét có lẽ đã góp phần vào việc làm rụng răng của ông. Ông được làm một vài bộ răng giả, bốn trong số đó do một nha sĩ có tên là John Greenwood.[147] Không như công chúng nghĩ, các bộ răng giả này không phải làm bằng gỗ. Bộ răng được làm cho ông khi ông trở thành tổng thống là làm bằng ngà voi và ngà hà mã, giữ chặt lại bằng niềng vàng.[148] Vấn đề của răng đã làm cho Washington thường hay đau răng nên ông phải dùng cồn thuốc phiện.[149] Nỗi đau đớn vì chứng đau răng có thể được bộc lộ rõ ràng trong nhiều bức hình được họa khi ông vẫn còn tại chức,[149] trong đó phải kể đến bức hình được sử dụng trên tờ giấy bạc $1 đô la Mỹ.[146][Ghi chú 5]
Vấn đề người nô lệ
Sau cái chết của cha năm 1743, cậu bé George Washington 11 tuối thừa hưởng gia tài gồm 10 người nô lệ. Vào lúc ông kết hôn với Martha Custis năm 1759, cá nhân ông làm chủ ít nhất 36 nô lệ (vợ ông thừa hưởng và mang đến Mount Vernon một số nô lệ của chồng trước quá cố, ít nhất là 85 người). Ông dùng tài sản giàu có của vợ để mua thêm đất, tăng gấp ba lần diện tích đồn điền, và thêm nhiều nô lệ để canh tác đồn điền. Năm 1774, ông trả thuế đánh trên 135 nô lệ (không tính nô lệ của vợ ông được thừa hưởng từ người chồng đầu tiên quá cố của bà). Lần mua nô lệ cuối cùng của ông là vào năm 1772 dù sau này ông có nhận một số nô lệ để trừ nợ.[150] Washington cũng dùng những người da trắng di cư làm người giúp việc gia đính để trả nợ di dân; tháng 4 năm 1775, ông đã trả tiền thưởng để nhận lại hai người da trắng giúp việc nhà sau khi hai người này bỏ trốn.[151]
Một sử gia tuyên bố rằng Washington ước mong những lợi ích vật chất từ việc làm chủ nô lệ và muốn cho gia đình vợ của ông có một tài sản kế thừa thịnh vượng.[152] Trước Cách mạng Mỹ, Washington không bài tỏ vấn đề đạo đức gì về chủ nghĩa nô lệ nhưng vào năm 1786, Washington viết cho Robert Morris như sau “Không ai mong muốn chân thành hơn tôi là thấy một kế hoạch được thông qua nhằm mục đích bãi bỏ chế độ nô lệ”.[153] Năm 1778, ông viết thư cho người quản lý của ông ở đồn điền Mount Vernon rằng ông muốn “bỏ hết người da đen”. Duy trì một dân số nô lệ lớn và ngày càng già tại Mount Vernon thì không có lợi ích kinh tế. Tuy nhiên Washington không thể bán những “nô lệ thừa kế” của vợ (dower slaves) một cách hợp pháp, và vì những nô lệ này đã liên-hôn với các nô lệ của chính ông nên ông cũng không thể bán nô lệ của mình với lý do nếu ông bán nô lệ của mình thì ông gián tiếp làm cho gia đình họ ly tán.[154]
Lúc làm tổng thống, Washington đưa 7 nô lệ đến Thành phố New York năm 1789 để làm người giúp việc nhà đầu tiên cho tổng thống. Sau khi thủ đô quốc gia chuyển đến Philadelphia năm 1790, ông đưa 9 nô lệ đến làm việc trong dinh tổng thống. Lúc ông mất, có 317 nô lệ làm việc tại Mount Vernon trong số đó Washington làm chủ 123 người, 154 người là “nô lệ thừa kế” của vợ và 40 người được một người hàng xóm mướn.[155] Dorothy Twohig cho rằng Washington đã không lên tiếng công khai chống lại chủ nghĩa nô lệ vì ông không muốn tạo sự chia rẽ trong nước cộng hòa mới thành lập bằng một vấn đề rất nhạy cảm và gây chia rẽ lúc bấy giờ.[156]
Tôn giáo
-
Washington quỳ gối cầu nguyện, cửa sổ tranh kính tại Phòng nguyện Quốc hội,
Điện Capitol.
Washington là một thành viên của Giáo hội Anh giáo, sau này gọi là Giáo hội Giám nhiệm, “có địa vị được thiết lập” tại tiểu bang Virginia (điều đó có nghĩa là tiền thuế được dùng để trả cho các vị chức sắc nhà thờ). Ông là một thành viên phục vụ trong ban điều hành Nhà thờ Christ tại Alexandria, Virginia và Nhà thờ Pohick gần nhà của ông trong đồn điền Mount Vernon cho đến khi chiến tranh bắt đầu; tuy nhiên giáo xứ này là một đơn vị của chính quyền địa phương và giáo xứ này phần lớn lo những công việc dân sự như đường sá và giảm nghèo.[157]
Theo sử gia Paul F. Boller Jr., thực tế mà nói Washington là một người theo thuyết thần giáo tự nhiên, có niềm tin sâu rộng vào “Sự quan phòng của Trời” hay cao hơn là “Ý Trời” bắt nguồn từ một “Đấng Tối Cao” kiểm soát các sự kiện của loài người và như trong thần học Calvin thì tiến trình lịch sử đi theo một mô hình trật tự hơn chỉ là sự tình cờ.[158][159] Năm 1789, Washington tuyên bố rằng “Đấng sáng tạo Vũ trụ” đã tích cực can thiệp về phía Cách mạng Mỹ. Tuy nhiên, theo Boller, Washington chưa bao giờ tìm cách cá nhân hóa quan điểm tôn giáo của chính mình hay bày tỏ sự ái mộ nào tới khía cạnh tốt đẹp của các đoạn văn Kinh thánh. Boller cho rằng “những lời bóng gió về tôn giáo của Washington hoàn toàn thiếu chiều sâu cảm xúc” [160] Về khía cạnh triết lý, ông say mê và chọn triếc lý Stoic của La Mã cổ đại. Triết lý này coi trọng đức hạnh và nhân bản và có thể sánh cao bằng thuyết thần giáo tự nhiên.[161]
Trong một lá thư gởi George Mason năm 1785, Washington viết rằng ông không phải trong số những người bị cảnh báo bởi một đạo luật “bắt người ta phải trả tiền để ủng hộ tôn giáo mà họ theo” nhưng cảm thấy rằng “không khôn ngoan” để thông qua một đạo luật như thế, và mong muốn rằng nó đã chưa từng được đề nghị vì tin rằng nó sẽ làm náo động cuộc sống yên ổn của công chúng.[162]
Washington thường tháp tùng vợ đến lễ nhà thờ; tuy nhiên, không có ghi chép nào nói về việc ông hiệp lễ (nhận lễ ban thánh thể). Ông thường hay rời lễ nhà thờ trước khi hiệp lễ — cùng với những người không hiệp lễ khác. Đến khi bị một mục sư quở trách, ông thôi không tham dự các buổi thánh lễ vào những ngày chủ nhật.[163] Khi làm tổng thống, ông khích lệ mọi người khi ông được người ta thấy tham gia thánh lễ tại vô số các nhà thờ trong đó có các nhà thờ Trưởng lão, Quaker và Công giáo để chứng tỏ sự ủng hộ đại thể của ông cho tôn giáo.[164] Washington nổi tiểng rộng lượng. Ông tham dự nhiều sự kiện từ thiện và tặng tiền cho các trường, các đại học và cho người nghèo. Là công dân hàng đầu của Philadelphia, Tổng thống Washington dẫn đầu trong công cuộc cung cấp từ thiện cho các quả phụ và trẻ mồ côi trong thành phố thủ đô bị dịch sốt vàng hoành hành vào năm 1793.[165]
Michael Novak và Jana Novak cho rằng đây có thể là “ý định của Washington khi duy trì sự mơ hồ có chủ ý (và sự riêng tư cá nhân) liên quan đến nhận thức tôn giáo sâu thẳm nhất của ông, để cho mọi người Mỹ, cả thời đó và mãi sau này, có thể cảm thấy tự ý để tiếp cận ông bằng cách riêng của mình, cũng như có thể cảm thấy mình là thành viên đầy đủ của một nền cộng hòa mới, bình đẳng với mọi người khác”.[166] Họ kết luận: “Ông được dưỡng dục trong Giáo hội Giám nhiệm mà ông luôn thuộc về; và quan điểm của tôi [sic] là ông tin vào các giáo lý nền tảng của Kitô giáo như vẫn được dạy trong Giáo hội, theo cách hiểu của ông; nhưng trong đó không có một chút sự bất khoan dung hay thiếu tôn trọng nào với các niềm tin và cách thức thờ phượng của các Kitô hữu thuộc hệ phái khác.”[167]
Thành viên Hội Tam Điểm
Năm 1752 Washington được thu nhận vào Hội Tam điểm.[168] Trong lễ nhậm chức tổng thống năm 1789, Đại sư phụ chi hội New York đã chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức của ông. Ngày 18 tháng 9 năm 1793, ông đặt viên đá góc của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ có mang dấu hiệu Đại sư phụ Hội Tam điểm. Washington kính trọng cao độ đối với nội quy của hội và thường hay ca ngợi nó nhưng ông ít khi tham dự các buổi họp của chi hội. Ông bị lôi cuốn bởi sự tận tụy của phong trào đối với những nguyên lý khai sáng; các chi hội Mỹ không chia sẻ triển vọng chống tăng lữ mà đã khiến cho các chi hội tại châu Âu bị tai tiếng[169]
Gia đình riêng
George Washington là con đầu của ông Augustine Washington (1964-1743) với vợ hai là bà Mary Ball Washington (1708-1789). Trước khi tái giá, ông Augustine Washington đã có 4 con với vợ đầu Jane Butler, trong đó có 2 người chết lúc còn trẻ. Ông Augustine và bà Mary đẻ 6 người con, trong đó người con út mất ngay lúc 1 tuổi. Do đó, George Washington có tất cả 4 anh chị cùng cha khác mẹ và 5 em ruột.
- Anh chị cùng cha khác mẹ
- Butler Washington (1716)
- Lawrence Washington (1718–1752)
- Augustine Washington II (1720–1762)
- Jane Washington (1722–1735)
- Em ruột
- Elizabeth Washington (1733–1797)
- Samuel Washington (1734–1781)
- John Augustine Washington (1736–1787)
- Charles Washington (1738–1799)
- Mildred Washington (1739–1740)
Chú thích
- ^ Ngày sinh và ngày mất của George Washington được ghi nhận bằng lịch Gregory. Tuy nhiên, ông được sinh ra khi Anh và các thuộc địa của mình vẫn còn sử dụng lịch Julius, vì thế các hồ sơ đương thời ghi ngày sinh của ông là 11 tháng 2 năm 1731. Những qui định của Đạo luật về lịch năm 1750, được áp dụng vào năm 1752, đã thay đổi phương pháp tính ngày chính thức của Anh sang lịch Gregory với ngày khởi đầu là 1 tháng 1. Để hiểu rỏ hơn về ‘lịch củ’ (Julius) / ‘lịch mới’ (Gregory), xin xem Ancestry Magazine’s Time to Take Note: The 1752 Calendar Change and for an explanation of how historians render Washington’s birthdate and year see Ancestry‘s When is George Washington’s Birthday?
- ^ Chẳng hạn, Ellis và Ferling không bàn về thái độ này khi nói về sự phục vụ của Washington trong Chiến tranh chống người bản thổ và Pháp, và đặc biệt gần như đã bỏ mất những phần nói về những kinh nghiệm tiêu cực của ông khi xử sự với Quốc hội Lục địa trong suốt cuộc Cách mạng. Xem Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 218, Ferling, The Ascent of George Washington: The Hidden Political Genius of an American Icon (2010), pp. 32–33,200,258–272,316. Don Higginbotham cho rằng lời chủ trương chính thức đầu tiên của Washington về một chính phủ trung ương mạnh là vào năm 1783 (Higginbotham, George Washington: Uniting a Nation (2004), p. 37).
- ^ Dưới Hiến pháp Hợp bang, Quốc hội gọi viên chức chủ tọa của mình là “President of the United States in Congress Assembled” (tạm dịch: Tổng thống hay Chủ tịch Hoa Kỳ tại Quốc hội nhóm họp). Viên chức này không có quyền lực hành chính nhưng chức danh có các từ tiếng Anh tương tự đã khiến cho một số người lầm tưởng rằng khi Washington làm tổng thống thì Hoa Kỳ đã từng có tổng thống trước đó.[90]
- ^ Theo hệ thống có vào thời đó, mỗi đại cử tri bỏ hai lá phiếu. Người nào có nhiều phiếu nhất thì trở thành tổng thống và người kế tiếp trở thành phó tổng thống. Tất cả các đại cử tri trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1789 và 1792 đã bỏ một phiếu của mình cho Washington; vì thế người ta nói rằng ông đã được nhất trí bầu làm tổng thống.
- ^ Viện Smithsonian có nói trong “The Portrait – George Washington: A National Treasure” rằng:
- Stuart say mê bức tượng Washington của nghệ nhân Pháp Jean-Antoine Houdon, có lẽ vì nó dựa trên khuôn mặt thật và vì thế rất đỗi chính xác. Stuart giải thích rằng “Khi tôi vẽ chân dung ông, ông đang có một bộ răng giả gắn trong hàm và nó đã khiến cho miệng và phần dưới khuôn mặt của ông có nét co lại rất dễ nhận thấy. Bức tượng bán thân mà nghệ nhân Houdon tạc ra không bỏ sót khuyết điểm này. Tôi muốn thấy ông trông giống như vậy như lúc đó”.[149]
Dẫn chứng
- ^ a ă â b Bell, William Gardner (1983). Commanding Generals and Chiefs of Staff: 1775–2005; Portraits & Biographical Sketches of the United States Army’s Senior Officer. Center of Military History – United States Army. tr. 52, 66. ISBN 0160723760. CMH Pub 70–14. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2009.
- ^ George Washington: Surveyor and Mapmaker retrieved ngày 1 tháng 11 năm 2012]
- ^ Chernow, Ron. (ngày 18 tháng 10 năm 2010) (MP3). Ron Chernow on George Washington. [Podcast]. Philadelphia, Pa: National Constitution Center. Truy cập 2011-12-29.
- ^ Encyclopedia Of The Enlightenment Ellen Judy Wilson, Peter Hanns Reill – 2004 page 148, retrieved 2012-04-26
- ^ Andrew Cayton, “Learning to Be Washington,” New York Times Sept. 30, 2010
- ^ Conor Cruise O’Brien. First in Peace: How George Washington Set the Course for America (2009) p. 19
- ^ Marcus Cunliffe, George Washington: Man and Monument (1958) pp 24-26
- ^ Engber, Daniel (ngày 18 tháng 1 năm 2006). “What’s Benjamin Franklin’s Birthday?”. Slate. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
- ^ “Image of page from family Bible”. Papers of George Washington. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2008.[liên kết hỏng]
- ^ Albert H. Spencer,Genealogy of the Spencer family (1956), v (snippet)
- ^ Randall, George Washington: A Life (1998), pp. 8,11
- ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 8
- ^ Twohig, Dorothy (1998). “The Making of George Washington”. Trong Hofstra, Warren R. George Washington and the Virginia Backcountry (Madison, WI: Madison House). ISBN 9780945612506.
- ^ a ă “George Washington’s Family Chart”. Mount Vernon Ladies’ Association. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2011.
- ^ “Burials at George Washington Birthplace National Monument”. George Washington Birthplace National Monument. National Park Service. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2011.
- ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), pp. 1:15–72
- ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), p. 1:199
- ^ Chernow, Washington: A Life (2010), ch. 1
- ^ Flexner, Washington: The Indispensable Man (1976), p. 8
- ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), p. 1:264
- ^ Freeman, George Washington: A Biography (1948), p. 1:268
- ^ Randall, George Washington: A Life (1998), p. 67
- ^ Freeman, George Washington (1948), pp. 1:274–327
- ^ Lengel, General George Washington (2005) pp 23–24
- ^ Lengel, General George Washington (2005) pp 31–38
- ^ Anderson, Crucible of War: The Seven Years’ War and the Fate of Empire in British North America (2000), pp. 53-58
- ^ Grizzard, George Washington pp 115–19
- ^ a ă Ellis, His Excellency: George Washington (2004), pp. 17–18
- ^ Anderson, The War That Made America (2005), pp. 100–101
- ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 22
- ^ Flexner, George Washington: the Forge of Experience, 1732–1775 (1965), p. 138
- ^ Fischer, Washington’s Crossing (2004), pp. 15–16
- ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), p. 38
- ^ Lengel, General George Washington pp 75–76, 81
- ^ Chernow, Washington: A Life (2010), ch. 8; Freeman and Harwell, Washington (1968), pp. 135–139; Flexner, Washington: The Indispensible Man (1984), pp. 32–36; Ellis, His Excellency: George Washington (2004), ch. 1; Higginbotham, George Washington and the American Military Tradition (1985), ch. 1; Lengel, General George Washington pp 77–80
- ^ Ellis, His Excellency: George Washington (2004), pp. 38, 69
- ^ Fischer, Washington’s Crossing (2004), p. 13
- ^ Higginbotham, George Washington and the American Military Tradition (1985), pp. 14–15
- ^ Lengel, General George Washington, p 80
- ^ Chernow, Washington: A Life (2010), ch. 8
- ^ Higginbotham, George Washington and the American Military Tradition (2004), pp. 22–25
- ^ Freeman and Harwell, Washington (1968), pp. 136–137
- ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, p. 34
- ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, pp. 33-34
- ^ Bumgarner, John R. (1994). The Health of the Presidents: The 41 United States Presidents Through 1993 from a Physician’s Point of View. Jefferson, NC: MacFarland & Company. tr. 1–8.Flexner, James Thomas (1974). Washington: The Indispensible Man. Boston. Little, Brown. tr. 42, 43.
- ^ “GEORGE WASHINGTON 1732-99”. Burke’s Peerage and Gentry. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ Ellis, His Excellency, George Washington, pp. 41–42, 48
- ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, p. 44
- ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, pp. 43–44
- ^ Dennis J. Pogue, Ph.D. (Spring/Summer 2003). “George Washington And The Politics of Slavery”. Historic Alexandria Quarterly. Office of Historic Alexandria (Virginia). Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
- ^ Fox hunting: Ellis, p. 44. Mount Vernon economy: John Ferling, The First of Men, pp. 66–67; Ellis, pp. 50–53; Bruce A. Ragsdale, “George Washington, the British Tobacco Trade, and Economic Opportunity in Pre-Revolutionary Virginia”, in Don Higginbotham, ed., George Washington Reconsidered, pp. 67–93.
- ^ David Hackett Fischer, Washington’s Crossing (2004) p. 14
- ^ Ferling (2000), Setting the World Ablaze, pp. 73–76
- ^ a ă Rasmussen, William Meade Stith; Robert S. Tilton (1999). George Washington–the man behind the myths. University of Virginia Press. tr. 100. ISBN 9780813919003. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2011.
- ^ “George Washington:Surveyor and Mapmaker (Washington as land speculator – Western Lands and the Bounty of War)”. Library of Congress. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2011.
- ^ Grizzard, George Washington pp 135–37
- ^ Freeman, George Washington (1968) pp 174-76
- ^ Willard Sterne Randall, George Washington: A Life (1998) p. 262
- ^ Ferling, p. 99
- ^ Rasmussen, William Meade Stith; Robert S. Tilton (1999). George Washington–the man behind the myths. University of Virginia Press. tr. 294. ISBN 9780813919003. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2010.
- ^ Ellis, His Excellency pp 68-72
- ^ E. Wayne Carp, To Starve the Army at Pleasure: Continental Army Administration and American Political Culture, 1775-1783 (1984)
- ^ “American Revolution Officers Revealed”. Truth It. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
- ^ Jensen, Richard (12 tháng 2 năm 2002). “Military History of the American Revolution”. UIC.edu. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
- ^ Orlando W. Stephenson, “The Supply of Gunpowder in 1776”, American Historical Review, Vol. 30, No. 2 (January 1925), pp. 271–281 in JSTOR
- ^ Troy O. Bickham, “Sympathizing with Sedition? George Washington, the British Press, and British Attitudes During the American War of Independence”, William and Mary Quarterly 2002 59(1): 101–122. ISSN 0043-5597 Fulltext online in History Cooperative
- ^ McCullough, David (2005). 1776. New York City: Simon & Schuster. tr. 186–195. ISBN 978-0743226714.
- ^ Ketchum, p.235
- ^ Fischer, Washington’s Crossing p 367
- ^ George Washington Biography, American-Presidents.com. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2009.
- ^ The term comes from the Roman strategy used by General Fabius against Hannibal’s invasion in the Second Punic War.
- ^ Ferling and Ellis argue that Washington favored Fabian tactics and Higginbotham denies it. Ferling, First of Men; Ellis, His Excellency p 11; Higginbotham, “War of American Independence”
- ^ John Buchanan, The Road to Valley Forge: How Washington Built the Army That Won the Revolution (2004) p. 226
- ^ Don Higginbotham, The War of American Independence (Macmillan, 1971) ch 8
- ^ Bruce Heydt, “‘Vexatious Evils’: George Washington and the Conway Cabal,” American History, Dec 2005, Vol. 40 Issue 5, pp 50-73, online at EBSCO
- ^ Chai, Jane; Lindley Homol (2009). “The Forging of an Army”. Pennsylvania Center for the Book(Penn State). Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2011.
- ^ a ă “History & Culture of Valley Forge National Historical Park”. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2011.
- ^ Fowler, William (19 tháng 1 năm 2011). “Valley Forge”. World Book Encyclopedia 20 (ấn bản 2002). World Book. tr. 266.
- ^ Rogers, J. David. “George Washington: God’s Man for America”. mst.edu. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2011.
- ^ Ferling, John (2002). Setting the World Ablaze: Washington, Adams, Jefferson, and the American Revolution. Oxford University Press. tr. 186.
- ^ Frank E. Grizzard, George Washington: a biographical companion (2002) p. 303
- ^ Lancaster (1987), The American Revolution, p. 311
- ^ Mann (2005), George Washington’s War on Native America, p. 38; Lancaster (1987), The American Revolution, p. 254
- ^ Richard H. Kohn, “The Inside History of the Newburgh Conspiracy: America and the Coup d’Etat,” William and Mary Quarterly, Vol. 27, No. 2 (Apr., 1970), pp. 187-220 in JSTOR
- ^ George Washington Papers 1741–1799: Series 3b Varick Transcripts, American Memory, Library of Congress, Accessed ngày 22 tháng 5 năm 2006.
- ^ Gordon Wood, The Radicalism of the American Revolution (1992), pp 105–6
- ^ Richard Brookhiser, Founding Father (1997) p. 103
- ^ “The President’s House: Freedom and Slavery in the Making of a New Nation”. National Park Service. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
- ^ “Constitution of the United States”. The Charters of Freedom. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
- ^ Merrill Jensen (1948), The Articles of Confederation: An Interpretation of the Social-Constitutional History of the American Revolution, 1774–1781, pp. 178–179
- ^ Chernow, Washington (2010) Kindle location 11,386
- ^ John Spencer Bassett, The Federalist System, 1789-1801 (1906) pp 150-62 online
- ^ Ellis, His Excellency pp 197-98
- ^ Leonard D. White, The Federalists: A Study in Administrative History (1948) p. 100
- ^ Stanley Elkins and Eric McKitrick, he Age of Federalism (1995) p. 290
- ^ Jefferson’s newspaper, edited by Philip Freneau, strenuously attacked Washington. Elkins and McKitrick, The Age of Federalism (1995) pp. 240, 285, 290, 361
- ^ Crew, Harvey W., Webb, William Bensing, Wooldridge, John, Centennial History of the City of Washington, D.C., United Brethren Publishing House, Dayton, Ohio, 1892, Chapter IV. “Permanent Capital Site Selected”, p. 87 in Google Books. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2009.
- ^ Richard H. Kohn, “The Washington Administration’s Decision to Crush the Whiskey Rebellion,” Journal of American History 59 (December 1972), 567–84 in JSTOR
- ^ Hunt (1988), Haiti’s Influence on Antebellum America: Slumbering Volcano in the Caribbean, pp. 30–31
- ^ Stanley M. Elkins, and Eric McKitrick, The Age of Federalism: The Early American Republic, 1788–1800 (1994), pp 335-54
- ^ Elkins, and McKitrick, The Age of Federalism: The Early American Republic, 1788–1800 (1994), ch. 9
- ^ Todd Estes, “Shaping the Politics of Public Opinion: Federalists and the Jay Treaty Debate,” Journal of the Early Republic Vol. 20, No. 3 (Autumn, 2000), pp. 393-422 in JSTOR; Estes, The Art of Presidential Leadership: George Washington and the Jay Treaty,” Virginia Magazine of History and Biography, 2001, vol 109, no. 2
- ^ Paul A. Varg, Foreign Policies of the Founding Fathers (1963) pp 95-122.
- ^ “Religion and the Federal Government”. Religion and the Founding of the American Republic. Library of Congress Exhibition. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2007.
- ^ Washington, George (1796). “Washington’s Farewell Address, 1796”. Avalon.law.yale.edu. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2010.
- ^ Matthew Spalding, “The Command of its own Fortunes: Reconsidering Washington’s Farewell Address”, in William D. Pederson, Mark J. Rozell, Ethan M. Fishman, eds. George Washington (2001) ch 2; Virginia Arbery, “Washington’s Farewell Address and the Form of the American Regime” in Gary L. Gregg II and Matthew Spalding, eds. George Washington and the American Political Tradition. 1999 pp. 199–216
- ^ Eleanor Breen; Esther C. White (tháng 12 năm 2006). “A Pretty Considerable Distillery – Excavating George Washington’s Whiskey Distillery”. Quarterly Bulletin of the Archeological Society of Virginia (Volume 61/Issue 4). Archeological Society of Virginia. tr. 209–220. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
- ^ Chernow (2010) ch 57 at note 38
- ^ Robert F. Dalzell Jr. and Lee Baldwin Dalzell, George Washington’s Mount Vernon (2000) p. 219; Purchasing power was calculated at Lawrence H. Officer and Samuel H. Williamson, “Purchasing Power of Money in the United States from 1774 to 2009,” MeasuringWorth, 2010
- ^ Richard H. Kohn, Eagle and Sword the Beginnings of the Military Establishment in America (1975) pp 225-42
- ^ Vadakan, M.D., Vibul V. (Winter/Spring 2005). “A Physician Looks At The Death of Washington”. Early America Review. Archiving Early America. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2008 and ngày 14 tháng 9 năm 2010.
- ^ “George Washington’s Terminal Illness:A Modern Medical Analysis (by White McKenzie Wallenborn M.D.)”. Gwpapers.virginia.edu. 5 tháng 11 năm 1997. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ John Abbott The Life of Napoleon Bonaparte (1855) p. 137
- ^ “The Funeral”. The Papers of George Washington. University of Virginia.[liên kết hỏng]
- ^ Boorstin, Daniel (1965). The Americans: The National Experience. Vintage Books. tr. 349–350. ISBN 394703588 .
- ^ Johnston, Elizabeth Bryant (1889). Visitors’ Guide to Mount Vernon. Gibson Brothers, Printers. tr. 14–15.
- ^ Boorstin, p. 350
- ^ Washington, George; Jefferson, Thomas; Peters, Richard (1847). Trong Knight, Franklin. Letters on Agriculture. Washington: Franklin Knight. tr. 177–180. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2010.
- ^ “Mount Vernon Visited; The Home of Washington As It Exists Today”. The New York Times. Ngày 12 tháng 3 năm 1881. tr. 2. “The body was placed in this sarcophagus on ngày 7 tháng 10 năm 1837, when the door of the inner vault was closed and the key thrown in the Potomac.”
- ^ William Safire, ed. Lend me your ears: great speeches in history (2004) p. 185
- ^ a ă â b Scotts Specialized Catalogue of United States Stamps
- ^ “George and Martha Washington: Portraits from the Presidential Years”. http://www.npg.si.edu. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
- ^ Brooke Hindle (2 tháng 2 năm 1980). David Rittenhouse. ISBN 9780405125690. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
- ^ Lancaster County Historical Society (Pa) (1899-1900). Historical papers and addresses of the Lancaster County Historical Society IV. tr. 108. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
- ^ Edwin Wolf II biên tập (1983). Germantown and the Germans. ISBN 9780914076728. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
- ^ “2010 Federal Holidays”. US Office of Personnel Management. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2010.
- ^ Hughes, George Washington (1926), pp. 1:24,501
- ^ Grizzard George Washington pp. 45-47
- ^ Cohen, Sheldon S. (1991). “Monuments to Greatness: George Dance, Charles Polhill, and Benjamin West’s Design for a Memorial to George Washington”. Virginia Magazine of History and Biography 99 (2): 187–203.
- ^ Kirk Savage, Monument Wars: Washington, D.C., the National Mall, and the Transformation of the Memorial Landscape (2009) pp 32-45
- ^ “Washington Monument State Park”. Maryland Department of Natural Resources. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2010.
- ^ Barry Schwartz, George Washington: The Making of an American Symbol (1990)
- ^ Charles Callahan (tháng 2 năm 1998). Washington: The Man and the Mason. Kessinger Publishing, 1998. tr. 329–342. ISBN 0766102459. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
- ^ John Weber (2009). An Illustrated Guide to the Lost Symbol. Simon and Schuster, 2009. tr. 137. ISBN 1416523669. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
- ^ “Map of Washington”. Worldatlas. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
- ^ George Washington to William Smith, ngày 18 tháng 8 năm 1782. George Washington Papers, Library of Congress
- ^ “Board of Visitors”. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2011.[liên kết hỏng]
- ^ “The Great Seal of the Confederacy”. Civilwarhome.com. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
- ^ “The George Washington Equestrian Monument”. VAcapitol.org. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2011.
- ^ “Houdon Statue of George Washington”. The GW and Foggy Bottom Encyclopedia. 21 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ “George Washington – Family Background Part I”. Clement Library – John C. Dann Director(University of Michigan). May–June 2004. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2011.
- ^ Homans, Charles (ngày 6 tháng 10 năm 2004). “Taking a New Look at George Washington”. The Papers of George Washington: Washington in the News. Alderman Library, University of Virginia. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2007.[liên kết hỏng]
- ^ Ross, John F (tháng 10 năm 2005). Unmasking George Washington. Smithsonian Magazine.
- ^ “The Papers of George Washington-Frequently Asked Questions(Did George Washington wear a wig?)”. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2010.[liên kết hỏng]
- ^ “Facts & Falsehoods about George Washington”. Mount Vernon. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2010.
- ^ a ă Gilbert Stuart. “Smithsonian National Picture Gallery: George Washington (the Athenaeum portrait)”. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2006.
- ^ a ă Lloyd, John; Mitchinson, John (2007). The Book of General Ignorance. Harmony. tr. 97. ISBN 9780307394910.
- ^ Barbara Glover. “George Washington – A Dental Victim”. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2006.
- ^ a ă â “The Portrait – George Washington:A National Treasure”. Smithsonian National Portrait Gallery. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2011.
- ^ Fritz Hirschfeld, George Washington and Slavery: A Documentary Portrayal, University of Missouri, 1997, pp. 11–12
- ^ Paul Leland Haworth (1915). “George Washington: Farmer“. Kessinger Publishing. p.79. ISBN 1-4191-2162-6
- ^ Ferling, Setting the World Ablaze (2000), page 275-276
- ^ Letter of ngày 12 tháng 4 năm 1786, in W. B. Allen, ed., George Washington: A Collection (Indianapolis: Library Classics, 1989), 319.
- ^ Slave raffle linked to Washington’s reassessment of slavery: Wiencek, pp. 135–36, 178–88. Washington’s decision to stop selling slaves: Hirschfeld, p. 16. Influence of war and Wheatley: Wiencek, ch 6. Dilemma of selling slaves: Wiencek, p. 230; Ellis, pp. 164–7; Hirschfeld, pp. 27–29.
- ^ “1799 Mount Vernon Slave Census”. Gwpapers.virginia.edu. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2009.[liên kết hỏng]
- ^ Twohig, “That Species of Property”, pp. 127–28.
- ^ Grizzard, George Washington p 249
- ^ Boller (1963), George Washington & Religion, pp. 93-100
- ^ Moncure D. ConwayMONCURE D. CONWAY (ngày 12 tháng 12 năm 1897). “GEORGE WASHINGTON’S RELIGION”. New York Times. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2011. “… in mature life Washington was a deist… Washington’s letters during the Revolution occasionally indicate his recognition of the hand of Providence in notable public events, but in the thousands of his letters I have never been able to find the name of Christ, or any reference to Him…”
- ^ Boller George Washington & Religion (1963) pp. 92-109
- ^ Grizzard, George Washington p 269
- ^ Douglas Southall Freeman, John Alexander Carroll, Mary Wells Ashworth, George Washington: a biography (1957) vol 6 p 3
- ^ Chernow, Washington (2010) ch 12, text at footnote 14
- ^ Chernow (2010) Kindle location 3632
- ^ Chernow (2010) Kindle locations 3632, 8943
- ^ Novak, M. and Novak, J., Washington’s God: Religion, Liberty, and the Father of Our Country, Basic Books, 2007, p. 158.
- ^ Novak, M. and Novak, J., Washington’s God: Religion, Liberty, and the Father of Our Country, Basic Books, 2007, p. 161.
- ^ “Washington as a Freemason”. Phoenixmasonry.org. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2010.
- ^ Chernow Washington (2010), Kindle location 719
Liên kết ngoài
Thể loại:
Tống Thái Tổ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tống Thái Tổ (chữ Hán: 宋太祖, 21 tháng 3, 927 – 14 tháng 11, 976), tên thật là Triệu Khuông Dẫn (趙匡胤), tự Nguyên Lãng (元朗), là vị Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc, ở ngôi từ năm 960 đến năm 976.
Tiểu sử của ông được ghi tại Tống sử, quyển 1-3 “Thái Tổ bản kỷ”. Năm 960 vạch ra kế hoạch Binh biến Trần Kiều đoạt được chính quyền nhà Hậu Chu, lấy đất Tống Châu nơi Triệu Khuông Dẫn được phong làm Quy Đức quân Tiết độ sứ để làm quốc hiệu, lập nên Vương triều Tống. Ông là hoàng đế nhà Tống duy nhất có xuất thân võ tướng, tất cả các hoàng đế sau của nhà Tống đều là thư sinh.
Tống Thái Tổ trong lịch sử thường được đánh giá ngang với các bậc đại đế như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông. Ông sáng lập ra vương triều Tống, gần như thống nhất đất nước đến khi mất. Trong thời gian trị vì Thái Tổ đã tiêu diệt và sáp nhập Nam Đường, Hậu Thục, Nam Hán và Kinh Nam vào bản đồ nhà Tống, chỉ còn lại Bắc Hán, chấm dứt thời loạn lạc cát cứ Ngũ Đại Thập Quốc của các tiết độ sứ suốt mấy chục năm từ cuối thời Đường. Ông còn thực hiện cải cách hành chính tập trung binh quyền, giảm sưu thuế, trả lại đất đai cho dân nghèo, mở khoa cử tuyển nhân tài từ những người đọc sách tầng lớp dưới. Những việc làm trên đã giúp nhà Tống mới thành lập được ổn định và trở thành vương triều thống trị Trung Quốc hơn 300 năm. Ông còn là hoàng đế nhân từ nổi tiếng trong lịch sử, không sát hại các công thần như các hòang đế khác ví dụ như Lưu Bang hay Chu Nguyên Chương.
Năm 976, Tống Thái Tổ bất ngờ qua đời, sử sách ghi lại nói rằng ông bị bệnh, ngôi vua được truyền lại cho người em là Triệu Quang Nghĩa, tức là Tống Thái Tông. Tuy nhiên việc này đã bị người đương thời cũng như hậu thế nghi ngờ về tính chân thật, nhiều người cho rằng chính em trai đã sát hại ông để đoạt ngôi báu và các con ông cũng bị ám hại sau đó. Nghi án này mãi đến nay vẫn là một bí ẩn.
Tiểu sử
Triệu Khuông Dận xuất thân từ một gia đình dòng dõi quan lại. Ông tổ Triệu Thiệu làm Huyện lệnh đời Đường; ông cố Triệu Đình Lịch làm quan phiên trấn, thăng dần đến Ngự sử Trung thừa: ông nội Triệu Kính lần lượt làm Thứ sử Doanh Châu, Tô Châu và Trác Châu. Cha Triệu Khuông Dận là Triệu Hoằng Ân, một quan võ có tài cưỡi ngựa bắn cung, làm Chỉ huy sứ Đệ nhất quân thiết kỵ của nhà Hậu Chu, sau làm Hữu Sương Đô Chỉ huy sứ, lĩnh chức Phòng ngự sứ Nhạc Châu, theo Chu Thế Tông đánh Hoài, có công lần lượt lại được phong Kiểm hiệu Tư đồ, tước Thiên Thủy Huyện Nam. Năm 976, Triệu Khuông Dẫn được sinh ra ở Lạc Dương.
Cha con Triệu Khuông Dận đều là quan Cấm binh đời Hậu Chu, vinh quang một thời. Triệu Khuông Dận không những có tài võ nghệ siêu quần mà còn rất hiếu học, hiểu được đường lối trị quốc bình thiên hạ. Bất kể trên lưng ngựa hay ở nhà, lúc nào trên tay ông cũng có một quyển sách, không bao giờ ngưng học tập. Từ trong sách vở ông đã tăng thêm nhiều kiến thức, lĩnh hội được vô số tinh hoa, thu lượm được nhiều điều bổ ích.
Triệu Khuông Dẫn là người dũng cảm. Có lần ông bị thách thuần phục một con ngựa hoang mà không dùng yên cương. Ông nhảy lên ngựa, chẳng ngờ tính nó dữ quá, hất ông ra. Đầu ông đập ngay vào cửa thành. Ông bật dậy được ngay, túm lấy bờm nó mà ghì xuống, qua hồi lâu cuối cùng con ngựa cũng chịu phục. Bản thân ông thì không bị thương.
Sau nhiều năm phiêu bạt, vào năm 949, Triệu Khuông Dẫn tòng quân cho nhà Hậu Hán vào dưới trướng của đại tướng Hậu Hán lúc đó là Quách Uy.
Dưới thời Hậu Chu
Năm 951, Quách Uy nổi loạn và lập ra nhà Hậu Chu. Vì tài võ nghệ siêu quần của mình, Triệu Khuông Dẫn được phong làm Điện tiền Chỉ huy sứ. Dưới thời Thế Tông Sài Vinh, ông được cất nhắc làm chỉ huy kị binh.
Sự nghiệp của Triệu Khuông Dẫn phất lên nhờ vào chiến thắng trong trận Cao Bình, chống lại liên quân Bắc Hán và Khiết Đan.
Chiến tranh bắt đầu khi Thế Tông lên ngôi, uy hiếp Bắc Hán làm vua Bắc Hán là Lưu Sùng phải liên minh với nước Liêu. Ban đầu, quân tiên phong Hậu Chu bị liên quân đánh tan. Thấy tình hình đó, Triệu Khuông Dẫn dẫn 4000 cấm quân chống lại quân Liêu. Được Triệu Khuông Dẫn cổ vũ, sĩ khí quân Chu tăng cao, Triệu Khuông Dẫn đích thân xông vào trận làm gương, làm cho quân sĩ ai cũng cố sức mà đánh. Quân Hậu Chu đã thành công ngăn được quân Liêu đến khi viện quân đến, sau đó phản công bức quân Bắc Hán phải lùi về Thái Nguyên.
Sau trận này, Triệu Khuông Dẫn được Thế Tông thăng chức làm Chỉ huy Cấm quân, được lệnh tái tổ chức và huấn luyện lực lượng này. Trong thời gian này, ông đã tập trung được quanh mình một lực lượng văn thần võ tướng đông đảo như Phan Mĩ, Thạch Thủ Tín, Tào Bân, Triệu Phổ, Triệu Khuông Nghĩa,…
Trước khi Hậu Chu Thế Tông mất, Triệu Khuông Dẫn được phong làm Tiết độ sứ, gần như nắm hết quân quyền cả nước.
Binh biến Trần Kiều
Năm 959, Hậu Chu Thế Tông qua đời khi đang đánh Liêu. Ngai vàng được truyền cho đứa con là Sài Tông Huấn mới 7 tuổi.
Năm 960, có tin đồn liên quân Bắc Hán và Liêu lại nhăm nhe tấn công Hậu Chu. Sài Tông Huấn tuổi nhỏ, lại là mẹ góa con côi, ra lệnh cho Triệu Khuông Dẫn, lúc này là Thái úy, đem quân đi đánh.
Khi quân của Triệu Khuông Dẫn đi được 40 dặm thì có người nhìn thấy 2 mặt trời đánh nhau. Mọi người cho rằng đây là việc chuyển giao Thiên mệnh, khí số Hậu Chu đã hết, Thiên mệnh ứng trên người Triệu Khuông Dẫn. Quân sĩ thấy thế ai cũng reo lên, các tướng lĩnh thì xin Triệu Khuông Dẫn nắm lấy hết binh quyền mà tự lập. Triệu Khuông Dẫn còn do dự, em của ông là Triệu Khuông Nghĩa và mưu sĩ Triệu Phổ liền lấy hoàng bào khoác lên mình ông. Đến đây thì ông đồng ý tự lập, nhưng bắt các tướng thề phải trung thành tuyệt đối với mình, các tướng và quân sĩ đều phát lời thề.
Triệu Khuông Dẫn lập tức dẫn quân về kinh đô Biện Lương và kéo thẳng vào thành. Bị bất ngờ, triều đình Hậu Chu thấy không thể phản kháng lại, đều cùng quỳ xuống tôn ông lên làm vua. Triệu Khuông Dẫn lên ngôi, đặt tên nước là Đại Tống.
Sài Tông Huấn và mẹ được tha chết và phong làm vương, thế tập và ăn lộc phiên vương nhưng đời đời không được đụng đến chính sự. Nhà họ Sài còn được ban cho đơn thư thiết khoán có tác dụng miễn tử.
Thống nhất đất nước
Thu phục các đối thủ
Sau khi lên ngôi được 4 năm (964), Triệu Khuông Dận bắt đầu cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Lúc Tống Thái Tổ mới lên ngôi, nhà Tống có 118 châu, mười mấy tiết độ sứ: Thành Đức, Bảo Nghĩa, Nghĩa Vũ, Kiến Hùng, Chương Tín, Trấn Ninh, Sơn Nam Tây đạo, Trường Xuân, Thiên Bình, Quy Đức, Thiên Hùng, Tuyên Vũ, Vũ Ninh, Định Quốc, Bảo Đại, An Quốc. Dân số 96 vạn hộ, các nước khác là 254 vạn hộ. Đứng trước đặc điểm Bắc mạnh Nam yếu, để tránh cuộc đọ sức trực tiếp với nước Liêu, ông đã thay đổi phương châm dụng binh của Chu Thế Tông, đề ra chiến lựoc thống nhất “trước Nam sau Bắc” (tiên Nam hậu Bắc), ông đã dùng thời gian 13 năm, thống nhất tất cả các khu vực phía nam, chỉ còn lại Bắc Hán. Về cơ bản, ông đã khôi phục được bản đồ hoàn chỉnh. Kết thúc cuộc chiến tranh loạn lạc xâu xé nhau, thống nhất phần lớn Trung Quốc, đó là công lao lớn nhất của cả đời Triệu Khuông Dận.
Năm 962, nhà Tống thôn tính Kinh Nam, Hồ Nam.
Năm 965, Thái Tổ cho 2 đạo quân chia làm 2 đường đánh Hậu Thục. Chưa tới 60 ngày thì vua Hậu Thục là Mạnh Sưởng ra hàng, Hậu Thục diệt vong.
Năm 970, Thái Tổ sai Phan Mĩ đem quân đánh Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Sưởng đầu hàng, nhà Tống sáp nhập Nam Hán. Lúc Lưu Sưởng đến chầu Thái Tổ, vua ban cho chén rượu. Lưu Sưởng sợ quá, khóc lóc không dám uống, vì khi làm vua Lưu Sưởng hay giết đại thần bằng cách này. Thái Tổ cười lớn, sai người đem chén rượu lại rồi uống sạch.
Năm 975, Thái Tổ sai Tào Bân đem quân đi đánh Nam Đường, dùng quân Ngô Việt phụ giáp công. Vua Nam Đường là Lý Dục đầu hàng, Nam Đường mất.
Ngoài ra Thái Tổ còn 3 lần đem quân đánh Bắc Hán ở Thái Nguyên nhưng lần nào cũng có quân Liêu đến cứu nên không hạ được, phải lui về. Năm 968, Thái Tổ thân chinh đem quân đánh Bắc Hán. Quân Tống sĩ khí đang hăng, mấy ngày đã phá được quân Bắc Hán đánh thẳng tới kinh đô Thái Nguyên và vây hãm vua Bắc Hán là Lưu Sùng. Tuy nhiên nghe tin nước Liêu phái quân đến cứu đã làm thay đổi tình thế, quân Bắc Hán liều chết tử thủ làm quân Tống không sao hạ được thành và Tống Thái Tổ buộc phải rút quân vì không muốn bị tấn công từ hai phía và vì thiếu khuyết một đội kỵ binh có thể đối mặt trực diện với quân Liêu. Hai cuộc tấn công sau cũng không đem lại nhiều kết quả khả quan cho nhà Tống.
Triệu Khuông Dận thống nhất đất nước, một mặt dựa vào vũ lực, một mặt cũng dựa vào chiến tranh tâm lý. Việc thay đổi triều đại trong lịch sử đều ngập tràn xương máu và lòng hận thù tàn khốc, Triệu Khuông Dận đã đi theo con đường khác, Đối với các quốc vương đã mất đi quyền lực, ông tiếp đãi bằng lễ, gửi đến sự chân thành, làm cho thế lực phản đối thuận theo mình. Cung Đế Sài Tông Huấn bị phế, Triệu Khuông Dẫn đối đãi rất tốt. Khi Tông Huấn bị bệnh chết, đích thân Triệu Khuông Dận phát tang và để tang. Khi Hậu Chủ Lý Dục nhà Nam Đường đầu hàng vào năm Khai Bảo thứ 8 (975), Triệu Khuông Dận “ngự trên cửa Minh Đức thấy Lý Dục ở dưới lầu, đã không bắt làm lễ nghi như tù binh”, lại còn “phong cho Lý Dục làm Vi Mệnh Hầu và ban chức tước cho con em và các thân cận của họ Lý”. Sau khi Vua Hậu Thục là Mạnh Sưởng đầu hàng vào tháng 1 năm Càn Đức thứ 2 (965), Triệu Khuông Dận “ngự tại điện Sùng Nguyên đón tiếp với lễ nghi đầy đủ” và ban thưởng rất nhiều. Vua Ngô Việt Tiền Lưu tỏ ý quy phục, được phong ngay làm Binh mã Đại nguyên soái. Đích thân Triệu Khuông Dận đi kiểm tra công việc chuẩn bị và tiếp đón Tiền Lưu nhập cung, rồi đích thân tiếp kiến, cho phép Tiền Lưu đeo kiếm vào điện, dâng thư, ban chiếu không nhắc đến tên thường. Vua Nam Hán Lưu Sưởng bị bắt vào kinh, Triệu Khuông Dận tha tội không hỏi, lại phong tước Ân Xá Hầu. Triệu Khuông Dẫn đã ưu đãi mấy ông vua mất nước này, không những đã an ủi một số lớn những nhân sĩ đã trung hiếu với các chính quyền vong quốc đó, lại còn nắm trong tay cả một vùng đất rộng lớn hoàn chỉnh an toàn, cái được thật là to lớn. Đó là cách làm của một người có tầm nhìn chính trị.
Thu phục lòng dân
Người được lòng dân sẽ được cả thiên hạ, phàm là người tranh giành đất nước thì đều biết nói như vậy, nhưng làm được thật là khó. Biết bao võ tướng buông thả quân đội, cho chém giết bừa bãi coi thường mạng người. Tống Thái Tổ cầm quân đánh trận, không hề động chạm đến dân. Sau khi làm vua, ông càng nhận thấy rõ thống nhất và yên bình mới là mục đích của chiến tranh, phản đối việc lạm sát. Mỗi một trận chiến ông đều căn dặn các chủ soái không được lấy việc giết nhiều người làm chiến công, mà lấy việc thu phục lòng dân là trên hết, ông nhắc đi nhắc lại là chiếm đất phải yên dân không được cướp bóc. Trước khi tấn công Hậu Thục, ông nói với tướng Tào Bân: “không được hại dân lành”, lại hạ chiếu cho các tướng tá đánh Hậu Thục, bắt những người lấy tiền của người Thục phải trả lại ngay cho chủ. Trong trận chiến Giang Nam, lại yêu cầu Tào Bân: “không được kinh hãi thần dân, cần phải mở rộng uy tín”. Ông còn nói: “khi đã vào thành, không được chém giết bừa bãi, không được hại một người nào trong nhà Lý Dục“.
Phương châm yên dân của Tống Thái Tổ được các tướng lĩnh chấp hành triệt để và kiềm chế cấp dưới. Tào Bân khi vây hãm Đô thành Kim Lăng của Nam Đường, khi sắp lấy được thành thì ông đột ngột bị bệnh. Khi các tướng sĩ đến thăm, ông đã nói ra nỗi lo lắng của mình: “Bệnh của tôi không phải là thuốc men có thể trị khỏi được, chỉ cần các ông hứa chắc với tôi là khi vào thành sẽ không giết hại một ai cả thì bệnh của tôi sẽ khỏi ngay” (Tống sử, “Tào Bân truyện”). Cho đến khi các tướng đồng thanh hứa rồi thắp nhang thề, thì bệnh khỏi ngay. Tào Bân làm như thế là để chấp hành mệnh lệnh của Tống Thái Tổ. Thời Ngũ đại, nhân dân đã phải chịu bao khổ nhục tàn bạo của lính tráng, một khi gặp được tướng soái nhân nghĩa thì chào đón rất nồng nhiệt. Vì thế Tống Thái Tổ bình định nhanh chóng Nam Bắc Trường Giang, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Ông khoan dung nhân nghĩa thương dân, đã hình thành một sự trái ngược tích cực với những kẻ thống trị thời kỳ sau của các chính quyền cát cứ như Tần Thủy Hoàng, Tùy Dạng Đế… Mạnh Tử nói: “người nhân nghĩa không ai đánh nổi”. Tống Thái Tổ chính là một con người vô địch như vậy.
Củng cố nền thống nhất
Khống chế binh quyền
Sau khi thống nhất toàn quốc, một vấn đề khác vẫn canh cánh trong lòng của Triệu Khuông Dận là làm sao chấm dứt được những rối loạn phân chia từ thời Ngũ đại, thực hiện sự thống trị yên ổn lâu dài. Tháng 7 năm Kiến Long thứ 2 (961), Triệu Khuông Dận và Triệu Phổ có một cuộc bàn luận rất quan trọng, biểu thị một cách rõ ràng luồng tư tưởng tăng cường tập quyền trung ương. Triệu Khuông Dận hỏi Phổ: “Từ cuối Đường cho đến nay, thay đổi tám họ vua, chiến tranh triền miên, dân sinh khổ cực, nguyên nhân la ở đâu? Nay ta muốn yên thiên hạ, nước nhà trường tồn, thì phải làm thế nào? “. Triệu Phổ trả lời: “Bệ hạ nói đến điều này, là phúc cho thiên hạ lắm, và cũng không khó khăn gì, chỉ tại vua thì yếu mà bề tôi thì mạnh mà sinh ra. Nay muốn trị yên, thì phải đoạt lại quyền của họ, khống chế tiền bạc lương thảo của họ, thu hồi tinh binh của họ, thì thiên hạ sẽ yên.” Triệu Phổ đã chỉ ra hai điều cốt yếu: một là quyền lực của quân nhân lớn quá mà thao túng vận mệnh đất nước. Cương lĩnh chấp chính của Triệu Khuông Dận đã lấy tư tưởng này làm cơ sở.
Trong một bữa tiệc, Tống Thái Tổ khuyên các tướng lĩnh hãy giữ mãi sự giàu sang, mượn thú vui thanh sắc, thú chơi ngựa hay chó quý để hưởng thụ cuộc đời. Các tướng thống lĩnh Cấm quân là Thạch Thủ Tín, Vương Thẩm Kỳ và một số người sợ uy lực, đã giao quyền một cách hòa bình, sử sách đã gọi đó là chung rượu giả binh quyền. Tiếp đó, Mộ Dung Diên Chiêu, Hàn Lệnh Khôn bị đoạt chức Cấm quân, một người được điều đi làm Tiết độ sứ Sơn Nam, một người tới Thành Đức. Để tập trung binh quyền, Triệu Khuông Dận còn quy định chính Hoàng đế trao quyền quân quản Cấm quân, và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Như vậy, “tướng không được chuyên quyền nắm binh của mình”, “lính không có vị tướng lâu dài, tướng không có đạo quân lâu dài”, đã loại trừ được khả năng phát động chính biến. Điện tiền Đô Chỉ huy, Bộ quân Đô Chỉ huy, Mã quân Đô Chỉ huy là ba chỉ huy Cấm quân, kìm giữ lẫn nhau, chỉ có quyền giữ quân mà không được quyền phát binh. Ngược lại, Viện Khu mật trên danh nghĩa là có quyền điều động quân đội, nhưng lại không có quyền nắm quyền. Chia quyền năm quân và phát binh, thực chất là tập trung toàn bộ quyền lực vào tay Hoàng đế. Ngoài Cấm quân còn có ba loại quân là Sương binh, Hương binh và Phiên binh, đều là quân địa phương và thực lực có hạn. Các tướng trấn giữ biên cương dẫu có muốn làm phản cũng không được. Triệu Khuông Dận từ việc nắm binh quyền, khống chế Cấm quân để bài trừ tận gốc sự cát cứ, phân chia, là điều mấu chốt cho việc củng cố nền thống nhất, ổn định tình hình chính trị.
Quân sự
Vì Tống Thái Tổ thực hiện tập trung binh quyền nên lực lượng quân đội chính quy nhà Tống chỉ có Cấm quân. Lực lượng cấm quân bao gồm nhiều binh chủng như bộ binh, cung thủ, pháo binh nhưng thiếu nhất là kỵ binh.
Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường đã đem tặng mười sáu châu Yên Vân cho nước Liêu của người Khiết Đan. Khu vực này từ thời Hán, Đường đã là nơi chuyên cung cấp chiến mã và kỵ binh cho đế quốc, một lực lượng đem lại sức mạnh bất ngờ trong chiến đấu và có khả năng truy kích kẻ thù cũng như rút lui nhanh nhẹn. Việc làm này đã làm cho nhà Tống thiếu đi một sức mạnh to lớn cho quân đội, lúc nào cũng phải ở vào thế bị động phòng thủ trước các cuộc tấn công của các nước Liêu Hạ và phải chống lại bằng nỏ cứng và pháo binh, nếu quân Tống rời khỏi thành trì để giao chiến hay truy kích quân địch thì thất bại gần như không tránh khỏi. Vì thế nên suốt đời Thái Tổ luôn muốn khôi phục 16 châu Yên Vân, còn hứa tướng nào làm được sẽ phong vương. Tuy nhiên các lần bắc phạt của ông đều thất bại do thiếu 1 đội kỵ binh đủ ngăn được sự tiếp viện của quân Liêu. Nhà Tống không bao giờ có thể lấy lại được 16 châu Yên Vân.
Thủy quân nhà Tống cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong quân đội. Nhờ có thủy quân mà Thái Tổ dễ dàng đánh bại các nước phía nam sông Trường Giang và thủy quân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ trước quân xâm lược phương bắc vào thời Nam Tống.
Việc Thái Tổ trọng dụng văn quan làm cho tầng lớp võ nhân rơi xuống vị trí thấp kém trong xã hội, đãi ngộ thấp kém làm cho quân tướng không hết sức chống giặc và việc để quan văn cầm quân đã gây nhiều thảm họa vào đời sau.
Cải cách chế độ quan lại
Cơ quan trung ương vẫn có Tể tướng, sử dụng danh hiệu Bình chương sự, nhưng bổ sung thêm Tham tri chính sự làm Phó tể tướng, mục đích là để phân chia quyền lực của Tể tướng. Đồng thời quy định mọi việc quân sự, hành chính, điều động Cấm binh do Khu mật sứ nắm giữ, nhằm đối lập với Tể tướng. Chính quyền và quân quyền trực tiếp theo lệnh Hoàng đế. Quyền tài chính do Tam ti sứ điều hành, phụ trách chi tài chính toàn quốc, gọi là “Kế tướng”, quyền lực không thua gì Tể tướng và Khu mật sứ, phòng ngừa một mình Tể tướng nắm giữ quyền lực quá lớn. Còn lập ra các chức vụ Khu mật Phó sứ, Tam ti Phó sứ, càng thuận lợi cho việc chỉ huy của Hoàng đế.
Với chính quyền địa phương cũng áp dụng hàng loạt biện pháp. Từ cuối nhà Đường tới thời Ngũ đại, Tiết độ sứ cát cứ một phương hoặc kiêm một số quận, gọi là “chi quận”. Trong quá trình thống nhất đất nước, Triệu Khuông Dận xóa bỏ chi quận, thay đổi do trung ương trực tiếp quản lý. Tiết độ sứ đời Tống chỉ là một chức vụ không có quyền hành, để ban cho những tông thất hoặc bên ngoại, những công thần bãi chính về quê hoặc vinh hàm dành cho Tể tướng. Hành chính địa phương của nhà Tống chia ra làm hai cấp là châu và huyện, lại lập ra Thông phán do trung ương trực tiếp cắt cử.
Họ cùng cai trị với Tri châu, Tri huyện và giám sát hành động của Tri châu, khống chế lẫn nhau, không ai có thể chuyên quyền.
Từ đời Đường trở đi, phiên trấn như một cái đuôi lớn không chịu vẫy theo cái đầu (thế lực mạnh không theo chỉ huy của trung ương), có quyền lớn về tài chính. Năm Càn Đức thứ 3 (965), Triệu Khuông Dận lại hạ lệnh “các châu, ngoài việc chi phí, phàm là vàng bạc, vải vóc để phục vụ quân đội, đều nộp về Kinh đô, không được chiếm giữ” (Tục tư trị thông giám trường biên, quyển 2). Triệu Khuông Dận lại thu quyền tài chính của địa phương, các quan lại phiên trấn vì không có lương thảo cho quân đội, trong kho không có vàng bạc nên không thể làm phản.
Thời nhà Hán và thời Ngụy Tấn, chính quyền trung ương bị thống trị bởi giai cấp thế gia sĩ tộc, đời đời truyền nối nhau lũng đoạn con đường làm quan dựa theo chế độ “Cửu phẩm trung chính“. Thời Tùy, Đường đã bỏ chế độ này, lập khoa cử để tuyển nhân tài từ dân gian nhưng không nhiều, quan lại triều đình vẫn chủ yếu đến từ thế gia sĩ tộc. Tống Thái Tổ cho cải cách khoa cử, tăng cường đãi ngộ cho văn nhân để tuyển dụng người đọc sách trong dân gian vào triều làm quan, tránh tình trạng quan chức bị cha truyền con nối bởi việc lũng đoạn của sĩ tộc. Nhà vua còn cho lập các thư viện, văn đàn, những nơi mà văn nhân có thể tụ tập công khai để thảo luận chính sự và phát biểu ý kiến. Nhà Tống là thời đại phong kiến được phát biểu thời sự tự do nhất mà không sợ trừng phạt. Việc này đã tạo tiền đề cho sự phát triển khoa học, sự ra đời các cải cách kinh tế và các thành tựu về nghệ thuật và văn chương.
Qua đời
Sử sách chép lại rằng tháng 11 năm 976, Tống Thái Tổ qua đời, thọ 50 tuổi. Vì con ông còn nhỏ nên em ông là Triệu Quang Nghĩa lên thay, tức là Tống Thái Tông.
Theo một số tư liệu, người góp công lớn nhất vào việc lên ngôi của Thái Tông là Đỗ Thái hậu. Gia đình Tống Thái Tổ đời đời làm võ tướng, chỉ có Triệu Quang Nghĩa là người đọc sách nên được Thái hậu yêu lắm. Một năm sau khi lên ngôi, Thái Tổ được mẹlà Đỗ Thái hậu triệu tới trước giường. Thái hậu hỏi vua về việc lập người kế vị, vua cho rằng mình còn trẻ, nói việc này hãy còn sớm. Thái hậu bảo rằng: “Hoàng thượng biết vì sao Hậu Chu mất không? Là vì họ đưa một đứa trẻ 7 tuổi lên làm vua”, lại thúc giục vua nên lập em trai để kế vị, tránh vào vết xe đổ của Hậu Chu. Thái Tổ bất đắc dĩ phải hứa với Thái hậu cho Triệu Quang Nghĩa kế vị. Tuy nhiên về sau, các con ông bắt đầu trưởng thành, thêm vào một số thân tín cho rằng ngôi vua trước nay chỉ có cha truyền con nối, chẳng mấy ai truyền ngôi cho em, nên Thái Tổ đã có ý muốn truyền lại ngôi cho con nhưng ông đã mất trước khi kịp thực hiện việc lập Thái tử. Thái Tổ qua đời, tôn thất hùng mạnh nhất là Triệu Quang Nghĩa nắm quyền hết phủ Khai Phong, lại vin vào lời hứa của Thái Tổ trước kia nên dễ dàng lên ngôi.
Một số nhà nghiên cứu tỏ ra nghi ngờ về cái chết của Tống Thái Tổ và cho rằng ông bị chính người em Quang Nghĩa hãm hại để giành ngôi báu khi ông ốm trên giường bệnh. Câu chuyện này trở thành một nghi án nổi tiếng đời Tống với tên gọi Phủ thanh chúc ảnh.
Tương truyền, vào đêm hôm trước khi Thái Tổ mất, ông đã cho truyền em trai là Tấn Vương Triệu Quang Nghĩa vào cung uống rượu. Thái giám cung nữ đều bị đuổi ra ngoài, trong phòng chỉ còn 2 anh em ông. Bọn người hầu ở ngoài đến nửa đêm thì nhìn vào trong phòng thấy xuất hiện bóng của 1 người thứ ba, lúc đó cũng nghe thấy tiếng rìu và tiếng la của Thái Tổ, nhưng đã được dặn trước nên không ai dám vào xem. Sáng hôm sau, Triệu Quang Nghĩa bước ra ngoài, tuyên bố là hoàng đế đã băng hà và truyền lại ngôi báu cho mình.
Về sau, Tống Thái Tông truyền ngôi cho con cháu mình, không trả lại ngôi cho con của Thái Tổ. Bản thân con Thái Tổ (Triệu Đức Chiêu) sau đó cũng bị chết một cách không rõ ràng.
Sau khi qua đời, miếu hiệu của ông là Thái Tổ (太祖), thụy hiệu là Khải Vận Lập Cực Anh Vũ Duệ Văn Thần Đức Thánh Công Chí Minh Đại Hiếu Hoàng đế (啓運立極英武睿文神德聖功至明大孝皇帝). Ông được an táng ở Vĩnh Xương lăng (永昌陵).
Trong thời gian ở ngôi, ông đặt 3 niên hiệu:
Nhận xét chung
Triệu Khuông Dận chiếm đoạt dược chính quyền Hậu Chu chỉ có được một dải Hoàng Hà của Trung nguyên, phía bắc có nước Liêu hùng mạnh, Thái Nguyên có Bắc Hán; hai bờ Nam Bắc Dương Tử lại có Nam Đường, Ngô Việt, dưới nữa có nước Nam Hán…, gồm sáu, bảy chính quyền cát cứ. Cục diện ấy không thể dai dẳng được nữa. Chu Thế Tông có chí thống nhất đất nước, nhưng không may qua đời quá sớm, nghiệp lớn chưa thành, mọi việc đều đổ dồn lên vai của Triệu Khuông Dận, như là một sứ mạng lịch sử vậy.
Tống Thái Tổ làm vua được 16 năm, ông đã dốc toàn lực thống nhất đất nước, kết thúc thời rối loạn và chia cắt của thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, giải quyết một cách triệt để tình thế hỗn loạn, phiên trấn loạn chính từ cuối đời Đường. Ông còn tăng cường chế độ tập quyền trung ương, đây là sự cống hiến to lớn của ông đối với lịch sử. Nền chính trị của Bắc Tống ổn định, thúc đẩy sự cải cách về phương thức chiếm hữu ruộng đất và phương thức bóc lột từ thời kỳ giữa nhà Đường trở lại, làm cho sự phát triển của kinh tế và văn hóa phong kiến vượt lên một tầng bậc mới.
Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt. Tống Thái Tổ đã không lường trước được rằng, hàng loạt những biện pháp tập trung quyền lực về quân đội và chính trị, tăng cường quyền lực Hoàng đế, làm yếu quân đội, chính quyền quan liêu hóa, đã dẫn đến việc làm cho Bắc Tống nghèo nàn, yếu dần, tướng không biết lính, lính không quen tướng, chẳng còn sức chiến đấu. Cơ cấu quan liêu chồng chất, cản trở lẫn nhau, hiệu quả làm việc rất thấp. Bắc Tống thường xuyên rơi vào tình thế bị tiến công từ các láng giềng như Liêu, Tây Hạ. Khi Liêu bị diệt thì Kim thay Liêu còn mạnh hơn, cuối cùng Bắc Tống nước mất nhà tan, hai hoàng đế Huy Tông và Khâm Tông trở thành hai vị vua mất nước.
Nhà vua muốn thay thế võ tướng nên trọng dụng các thành viên tôn thất, cho em là Triệu Quang Nghĩa cai quản kinh đô và phủ Khai Phong, cuối cùng thì bị em hại để cướp ngôi. Các con ông cũng bị bí mật ám hại để đảm bảo cho ngai vàng của người em. Triệu Quang Nghĩa về sau rút được bài học của anh, cấm không cho tôn thất can chính, lại chèn ép em trai là Triệu Đình Mỹ tới chết. Triệu Quang Nghĩa còn hạ lệnh con cháu không được rời kinh thành để dễ khống chế, nhưng vào loạn Tĩnh Khang toàn bộ hoàng thất nhà Tống dòng Thái Tông đều bị bắt hết, may có Triệu Cấu ở ngoài nên vẫn giữ được ngôi vua. Nhưng Triệu Cấu không con, ngôi vua cuối cùng được trả về cho dòng Thái Tổ.
Tống Thái Tổ vì sợ tầng lớp võ tướng nên trọng dụng văn nhân, thậm chí còn hạ lệnh: “Triều đình không giết sĩ phu”. Văn nhân dưới thời Tống được triều đình cực kì hậu đãi. Thế nhưng văn nhân nhu nhược, suốt ngày chỉ biết đàn ca múa hát làm thơ. Triều đình nhà Tống dùng văn quan cầm quân nên khi nghe tiếng quân Liêu, Hạ đã bỏ cả thành trì binh sĩ mà chạy. Văn nhân không bị hình pháp nên thỏa thích làm càn, thậm chí còn lấn át cả hoàng đế, nhất là chức vụ Thừa tướng, điển hình là Khấu Chuẩn đã ép vua Chân Tông phải ra trận. Các vua từ Thái Tông trở đi đều là văn nhân không quen chinh chiến, việc mà nhà Tống chỉ có mỗi Thái Tổ là giỏi, nên việc quân nhà Tống bị đình trệ. Do không có thống lĩnh tối cao, các tướng lĩnh nhà Tống khó thống nhất với nhau trong phương án tác chiến, quân đội không thống nhất nên quân Tông hầu hết đánh đâu thua đó dù là thủ hay công. Cuối cùng thì Bắc Tống diệt vong.
Chu Hy thời Nam Tống đã chỉ ra: “Triều đình biết đựoc cái gương xấu của Ngũ đại, binh cũng thu, tài chính cũng thu, thưởng phạt hành chính đều thu, châu quận dần dần trở nên khó khăn yếu kém”. Câu nói đó đã chỉ ra đúng căn bệnh do chính sách tập trung quyền lực cao độ của Tống Thái Tổ gây ra.
Tống Thái Tổ tuy coi trọng văn nhân nhưng bản thân lại là một võ tướng dũng quán tam quân. Bản thân nhà vua thủa nhỏ học võ ở chùa Thiếu Lâm(?). Khi trưởng thành Thái Tổ tự mình sáng tạo ra hai bộ võ công, một quyền một côn mà đánh khắp thiên hạ. Đời sau kính trọng ông nên đã gọi hai bộ võ công đó là “Thái Tổ trường quyền” và “Thái Tổ côn pháp“. Bộ “Thái Tổ trường quyền” còn được lưu truyền tới nay.
Trong truyền thuyết
Tượng thứ 16 của Thôi Bối Đồ (tranh đẩy lưng) được cho là tiên đoán Triệu Khuông Dẫn sẽ lên ngôi hoàng đế. Truyền thuyết dân gian kể rằng trong một đêm ông đi đánh giặc tại biên cương, binh đao loạn lạc, thì một người tên là Lý Thừa Thiên, hậu nhân của Lý Thuần Phong (người viết ra Thôi Bối Đồ) xuất hiện. Lý Thừa Thiên đưa cho ông bức tranh thứ 16 của Thôi Bối Đồ, cùng với lời sấm: “Khoác hoàng bào lên, thiên hạ thái bình”. Sau đó, Triệu Khuông Dẫn tự xưng vương, đánh tan quân giặc, lập ra triều Tống.
Trong bức tranh thứ 17, Thôi Bối Đồ có ghi “Ánh đuốc tiếng rìu, trộm long tráo phụng”, ý chỉ là Triệu Khuông Dẫn sẽ chết trong búa rìu lúc trời tăm tối. Trộm long tráo phụng ý nói Vương Quan (con rể Triệu Khuông Dẫn) vô tính giúp Triệu Quang Nghĩa lên ngôi.
Gia quyến
- Hiếu Huệ hoàng hậu Hạ thị (孝惠皇后賀氏, 929 – 958).
- Hiếu Minh hoàng hậu Vương thị (孝明皇后王氏, 942 – 963).
- Hiếu Chương hoàng hậu Tống thị (孝章皇后宋氏, 952 – 995).
- Đằng vương Triệu Đức Tú [滕王趙德秀], mẹ là Hiếu Huệ hoàng hậu.
- Yến Ý vương Triệu Đức Chiêu [燕懿王趙德昭, 951 – 979], mẹ là Hiếu Huệ hoàng hậu.
- Thư vương Triệu Đức Lâm [舒王趙德林], mẹ là Hiếu Huệ hoàng hậu.
- Tần Khang Huệ vương Triệu Đức Phương [秦康惠王趙德芳, 959 – 981], mẹ là Hiếu Minh hoàng hậu.
- Ngụy Quốc Đại Trưởng công chúa (魏國大長公主, ? – 1008), mẹ là Hiếu Huệ hoàng hậu. Hạ giá lấy Vương Thừa Diễn (王承衍). Sau ban tặng Hiền Túc Đại Trưởng Đế cơ (賢肅大長帝姬).
- Lỗ Quốc Đại trưởng công chúa (魯國大長公主, ? – 1009), mẹ là Hiếu Huệ hoàng hậu. Hạ giá lấy Thạch Bảo Cát (石保吉). Sau ban tặng Hiền Tĩnh Đại Trưởng Đế cơ (賢靖大長帝姬).
- Trần Quốc Đại Trưởng công chúa (陳國大長公主, ? – 999).
- Thân Quốc công chúa (申國公主).
- Thành Quốc công chúa (成國公主).
- Vĩnh Quốc công chúa (永國公主).
Chú thích
Thể loại:
Facebook
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Facebook, Inc. |
 |
Loại hình |
Công ty đại chúng |
Thành lập |
Cambridge, Massachusetts
(4 tháng 2, 2004)[1] |
Trụ sở |
Palo Alto, California
Dublin, Ireland (trụ sở quốc tế cho châu Âu, châu Phi, Trung Đông) |
Điều hành |
Mark Zuckerberg, Người sáng lập và CEO
Sheryl Sandberg, COO |
Lợi nhuận |
5.1 tỷ USD (ước tính 2012)[2] |
Doanh thu sau thuế và khấu trừ |
53 triệu Đô la Mỹ |
Số lượng nhân viên |
5299 [3] |
Trang web |
facebook.com |
Ngôn ngữ lập trình |
C++, PHP và ngôn ngữ D[4] |
Loại trang web |
Dịch vụ mạng xã hội |
Quảng cáo |
Băng-rôn quảng cáo, tiếp thị ám chỉ |
Yêu cầu đăng ký |
Bắt buộc |
Số người sử dụng |
1.23 tỷ [5] (còn hoạt động đến tháng 1, 2014)[N 1] |
Ngôn ngữ |
Đa ngôn ngữ |
Hoạt động |
Tháng 2 năm 2004 |
Facebook là một website truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điều hành.[1] Người dùng có thể tham gia các mạng lưới được tổ chức theo thành phố, nơi làm việc, trường học và khu vực để liên kết và giao tiếp với người khác. Mọi người cũng có thể kết bạn và gửi tin nhắn cho họ, và cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình để thông báo cho bạn bè biết về chúng. Tên của website nhắc tới những cuốn sổ lưu niệm dùng để ghi tên những thành viên của cộng đồng campus mà một số trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đưa cho các sinh viên mới vào trường, phòng ban, và nhân viên để có thể làm quen với nhau tại khuôn viên trường.
Mark Zuckerberg thành lập Facebook cùng với bạn bè là sinh viên khoa khoa học máy tính và bạn cùng phòng Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes khi Mark còn là sinh viên tại Đại học Harvard.[6]
Việc đăng ký thành viên website ban đầu chỉ giới hạn cho những sinh viên Harvard, nhưng đã được mở rộng sang các trường đại học khác tại khu vực Boston, Ivy League, và Đại học Stanford. Sau đó nó được mở rộng hơn nữa cho sinh viên thuộc bất kỳ trường đại học nào, rồi đến học sinh phổ thông và cuối cùng là bất cứ ai trên 13 tuổi.
Tính đến tháng 9 năm 2012, Facebook hiện có hơn một tỷ thành viên tích cực trên khắp thế giới[7]. Với con số ấy, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, tiếp theo sau là MySpace và Twitter.[8][9]
Facebook đã gặp phải một số tranh cãi trong những năm qua. Nó đã bị cấm một thời gian tại một số quốc gia, trong đó có Syria[10], Trung Quốc[11], Việt Nam[12] và Iran[13]. Nó cũng đã bị cấm tại nhiều công sở để hạn chế nhân viên tốn thời gian sử dụng dịch vụ.[14] Quyền riêng tư trên Facebook cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trang này cũng đang đối mặt với một số vụ kiện từ một số bạn cùng lớp của Zuckerberg, những người cho rằng Facebook đã ăn cắp mã nguồn và các tài sản trí tuệ khác của họ.
Lịch sử
Facebook mở đầu là một phiên bản Hot or Not của Đại học Harvard với tên gọi Facemash[15]. Mark Zuckerberg, khi đang học năm thứ hai tại Harvard, đã dựng nên Facemash vào ngày 28 tháng 10 năm 2003. Zuckerberg đang viết blog về một cô gái và cố gắng nghĩ ra một thứ gì đó để bớt nghĩ về cô ấy.[16]
Facebook vào ngày 12 tháng 2 năm 2004
Theo tờ Harvard Crimson, Facemash “đã dùng những bức ảnh lấy từ cuốn lưu bút trực tuyến của chín Nhà, đặt hai cái kế bên nhau và yêu cầu người dùng chọn ai là người là “hot” nhất”. Trang này nhanh chóng được chuyển đến vài máy chủ danh sách của nhóm campus nhưng bị những người quản lý Harvard tắt vài ngày sau đó. Zuckerberg bị ban quản lý phạt vì vi phạm an ninh, xâm phạm bản quyền và xâm phạm quyền tự do cá nhân và phải đối mặt với việc đuổi học, nhưng sau đó đã được hủy bỏ các cáo buộc[17]. Học kỳ tiếp theo, Zuckerberg thành lập “The Facebook“, ban đầu đặt tại thefacebook.com, vào ngày 4 tháng 2 năm 2004.[18]
“Mọi người đã nói nhiều về một cuốn sách đăng ảnh trong Harvard”, Zuckerberg nói với The Harvard Crimson. “Tôi cho rằng hơi bị ngu xuẩn khi trường đã phải mất vài năm để bỏ nó. Tôi có thể làm tốt hơn những gì họ có thể, và tôi có thể làm nó trong vòng một tuần”.[19]
Việc đăng ký thành viên ban đầu giới hạn trong những sinh viên của Đại học Harvard, và trong vòng một tháng đầu tiên, hơn một nửa số sinh viên đại học tại Harvard đã đăng ký dịch vụ này[20]. Eduardo Saverin (lĩnh vực kinh doanh), Dustin Moskovitz (lập trình viên), Andrew McCollum (nghệ sĩ đồ họa), và Chris Hughes nhanh chóng tham gia cùng với Zuckerberg để giúp quảng bá website. Vào tháng 3 năm 2004, Facebook mở rộng sang Stanford, Columbia, và Yale[21]. Việc mở rộng tiếp tục khi nó mở cửa cho tất cả các trường thuộc Ivy League và khu vực Boston, rồi nhanh chóng đến hầu hết đại học ở Canada và Hoa Kỳ[22]. Vào tháng 6 năm 2004, Facebook chuyển cơ sở điều hành đến Palo Alto, California[21]. Công ty đã bỏ chữ The ra khỏi tên sau khi mua được tên miền facebook.com vào năm 2005 với giá 200.000 USD.[23]
Facebook ra mắt phiên bản trung học vào tháng 9 năm 2005, Zuckerberg gọi nó là một bước logic tiếp theo[24]. Vào thời gian đó, các mạng của trường trung học bắt buộc phải được mời mới được gia nhập[25]. Facebook sau đó mở rộng quyền đăng ký thành viên cho nhân viên của một vài công ty, trong đó có Apple Inc. và Microsoft[26]. Tiếp đó vào ngày 26 tháng 9 năm 2006, Facebook mở cửa cho mọi người trên 13 tuổi với một địa chỉ email hợp lệ.[27][28]
Ngày 24 tháng 10 năm 2007, Microsoft thông báo đã mua được 1,6% cổ phần (240 triệu $) của Facebook, nâng giá trị tài sản của Facebook lên khoảng 15 tỷ $.[29] Microsoft cũng mua bản quyền cho phép đặt các quảng cáo quốc tế của công ty lên Facebook.[30] Tháng 10 2008, Facebook tuyên bố nó đã thiết lập một trụ sở quốc tế tại Dublin, Ireland.[31] Tháng 9 năm 2009, Facebook tuyên bố lần đầu tiên công ty đã đạt lợi nhuận.[32] Tháng 11 năm 2010, dựa trên thống kê của SecondMarket Inc., một sàn giao dịch chứng khoán của các công ty tư nhân, tổng tài sản của Facebook là 41 tỷ $ (vượt qua một chút so với eBay) và trở thành công ty dịch vụ web lớn thứ ba ở Hoa Kỳ sau Google và Amazon.[33] Có khả năng Facebook sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu IPO vào 2013.[34]
Lượng người truy cập Facebook tăng ổn định từ 2009. Trong ngày 13 tháng 3 năm 2010 số người truy cập Facebook đã vượt qua lượng người truy cập vào Google.[35]
Vào ngày 09 tháng 04 năm 2012, Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD, bao gồm cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.[36]
Vào ngày 14 tháng 02 năm 2014, Faecbook mua lại Whatsapp với giá 16 tỉ USD, được thanh toán bằng 12 tỷ USD cổ phiếu Facebook, 4 tỷ USD tiền mặt và thêm 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng dành cho các sáng lập viên WhatsApp cũng như nhân viên trong vòng 4 năm tới.[37].
Công ty
Phần lớn doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo. Microsoft là một đối tác đặc biệt của Facebook về các dịch vụ banner quảng cáo,[38] và Facebook chỉ đăng các quảng cáo thuộc mạng lưới quảng cáo của Microsoft.[cần dẫn nguồn] Theo comScore, một công ty nghiên cứu thị trường internet, Facebook thu thập rất nhiều dữ liệu từ những người viếng thăm tương đương như Google và Microsoft, nhưng ít hơn so với Yahoo!.[39] Năm 2010, đội an ninh mạng của công ty đã bắt đầu mở rộng các nỗ lực nhằm ngăn chặn những nguy hiểm và phá hoại từ phía người sử dụng.[40] Ngày 6 tháng 11, 2007, Facebook triển khai Facebook Beacon nhằm ngăn chặn những cố gắng quảng cáo đến bạn bè của các thành viên nhờ sử dụng những thông tin cá nhân của thành viên đó.
Facebook nói chung có tỉ lệ nhấp chuột (clickthrough rate) (CTR) vào các nội dung quảng cáo nhỏ so với nhiều website lớn. Đối với các banner quảng cáo, CTR của banner chỉ bằng một phần năm so với CTR của toàn bộ các nội dung (đường link) trên FB.[41] Điều này có nghĩa là tỉ lệ người dùng FB nhấp chuột vào nội dung quảng cáo nhỏ hơn so với các website lớn khác.[cần dẫn nguồn] Ví dụ, trong khi số người click vào quảng cáo đầu tiên cho kết quả tìm được trên Google trung bình là 8% thời gian (80.000 click cho 1 triệu tìm kiếm),[42] thì người dùng Facebook click vào quảng cáo trung bình 0,04% thời gian (400 click cho 1 triệu trang).[43]
Sarah Smith, giám đốc hoạt động bán hàng trực tuyến của Facebook, xác nhận rằng các chiến dịch quảng cáo thành công trên FB có tỉ lệ nhấp chuột CTR là 0,05% tới 0,04%, và rằng CTR cho các quảng cáo có xu hướng giảm xuống trong vòng hai tuần.[44] So với CTR của mạng xã hội MySpace, tỉ lệ này là 0,1%, cao hơn 2,5 lần của Facebook nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều website. Giá trị CTR của Facebook khá thấp có thể giải thích do FB bao gồm những thành viên là những người hiểu biết về công nghệ hơn và họ sử dụng các phần mềm chặn quảng cáo để ẩn đi những quảng cáo trên FB, có nhiều thành viên trẻ tuổi hơn tham gia FB do vậy họ cũng bỏ qua những thông tin quảng cáo; và trên Myspace, các thành viên dành nhiều thời gian để duyệt nội dung trong khi trên Facebook các thành viên lại sử dụng nhiều thời gian để trao đổi với bạn bè và do vậy họ bỏ qua sự chú ý tới nội dung quảng cáo.[45]
Bản mẫu:Facebook revenue Trên các trang cho các thương hiệu và sản phẩm, tuy nhiên, một số công ty đã báo cáo CTR cao tới 6,49% cho bài viết ở Wall (một tính năng của Facebook).[46] Involver, một nền tảng tiếp thị xã hội, công bố vào tháng 7 năm 2008 rằng nó quản lý để đạt được CTR là 0,7% trên Facebook (hơn 10 lần so với kết quả CTR từ các chiến dịch quảng cáo tiêu biểu trên Facebook) cho khách hàng đầu tiên của Involver, công ty phần mềm Serena, quản lý để chuyển đổi 1.100.000 lượt xem vào 8.000 khách truy cập vào trang web của họ.[47] Một nghiên cứu cho thấy rằng đối với quảng cáo video trên Facebook, kết quả là đối với những người sử dụng đã xem những video này thì hơn 40% họ xem chúng toàn bộ, trong khi trung bình ngành công nghiệp là 25% đối với quảng cáo video trong banner.[48]
Facebook có hơn 1.750 nhân viên và cộng tác viên ở 12 nước.[49] Về quyền sở hữu Facebook, Mark Zuckerberg sở hữu 24% công ty, Accel Partners là 10%, Digital Sky Technologies là 10%[50], Dustin Moskovitz sơ hữu 6%, Eduardo Saverin là 5%, Sean Parker là 4%, Peter Thiel là 3%, Greylock Partners và Meritech Capital Partners mỗi bên sở hữu 1 tới 2%, Microsoft sở hữu 1,3%, Lý Gia Thành sở hữu 0,75%,Interpublic Group sở hữu ít hơn 0,5%, một nhóm nhỏ các nhân viên hiện tại và cựu nhân viên cũng như nhân vật nổi tiếng sở hữu ít hơn 1%, bao gồm Matt Cohler, Jeff Rothschild, thượng nghị sĩ bang California Barbara Boxer, Chris Hughes, và Owen Van Natta; Reid Hoffman và Mark Pincus có cổ phần khá lớn trong công ty, và 30% còn lại hoặc do nhân viên sở hữu, hoặc do những người muốn giấu tên hoặc từ những nhà đầu tư bên ngoài.[51] Adam D’Angelo, giám đốc công nghệ và bạn của Zuckerberg, đã rút khỏi công ty vào tháng 5 năm 2008. Báo chí cho rằng ông và Zuckerberg đã tranh cãi, và rằng Adam không còn quan tâm đến việc sở hữu cổ phần công ty nữa.[52]
Website
-
Phần đăng nhập đặt ở phía trên bên phải của trang chủ Facebook, đối với ai chưa có tài khoản sẽ trông thấy trực tiếp mẫu đăng ký bên dưới.
Thành viên đã đăng ký có thể tạo hồ sơ với các hình ảnh, danh sách sở thích cá nhân, thông tin liên lạc, và những thông tin cá nhân khác. Người dùng có thể trao đổi với bạn bè và những người khác thông qua tin nhắn cá nhân hoặc công cộng và tính năng chat của Facebook. Họ cũng có thể tạo và gia nhập nhóm ưa thích hay “trang yêu thích” (trước đây gọi là “trang các fans”, cho đến tận 19 tháng4, 2010), một số trang được duy trì bởi các tổ chức và có banner quảng cáo.[53]
Để xoa dịu những lo ngại về sự riêng tư, Facebook cho phép người dùng lựa chọn cài đặt bảo mật của riêng mình và lựa chọn những người có thể nhìn thấy phần cụ thể của tiểu sử của họ.[54] Website là miễn phí đăng nhập, và nó phát sinh lợi nhuận từ quảng cáo, chẳng hạn thông qua banner quảng cáo.[55] Facebook đòi hỏi tên thành viên và hình ảnh (nếu có) để mọi người có thể đăng nhập vào trang web. Người dùng có thể kiểm soát những ai nhìn thấy các thông tin mà họ đã chia sẻ, cũng như những người có thể tìm thấy chúng trong tìm kiếm, thông qua các thiết lập bảo mật của họ.[56]
Cấu hình tùy chọn trên Facebook năm 2011. Được triển khai vào tháng 12 năm 2010.
Các phương tiện truyền thông thường so sánh Facebook với MySpace, nhưng có một ý nghĩa khác biệt giữa hai trang web là mức độ tuỳ biến.[57] Một khác biệt nữa là sự yêu cầu của Facebook rằng người dùng sử dụng danh tính thực sự của họ, một đòi hỏi mà không có ở MySpace.[58] MySpace cho phép người dùng trang trí hồ sơ của họ bằng cách sử dụng HTML và Cascading Style Sheets (CSS), trong khi Facebook chỉ cho phép bằng văn bản (plain text).[59] Facebook có một số tính năng mà người dùng có thể tương tác. Chúng bao gồm Wall, một không gian trên trang hồ sơ của mỗi thành viên cho phép bạn bè họ đăng các tin nhắn cho thành viên để xem;[60] Pokes(cú hích), cho phép người dùng gửi một “cái hích” ảo với nhau (một thông báo cho thành viên là họ đã bị chọc);[61] Hình ảnh, nơi người dùng có thể upload album và hình ảnh;[62] và Trạng thái, cho phép thành viên thông báo cho bạn bè họ đang ở đâu và làm gì.[63] Tùy thuộc vào cài đặt riêng tư, bất cứ ai có thể xem hồ sơ của người dùng cũng có thể xem tính năng Wall của người dùng đó. Tháng 7 năm 2007, Facebook bắt đầu cho phép người dùng gửi file đính kèm với Wall, trong khi trước đây Wall chỉ giới hạn nội dung văn bản.[60]
Theo thời gian, Facebook đã thêm các tính năng mới vào website. Ngày 6 tháng 9 năm 2006, tính năng News Feed được ra, nó xuất hiện trên trang chủ của thành viên sử dụng và làm nổi bật thông tin bao gồm thay đổi hồ sơ, các sự kiện sắp tới, và ngày sinh nhật của bạn bè của thành viên đó.[64] Điều này cho phép những người gửi thư rác (spammer) và người dùng khác thao tác với những tính năng này bằng cách tạo ra sự kiện bất hợp pháp hoặc đăng ngày sinh nhật giả để thu hút sự chú ý đến hồ sơ của họ.[65] Ban đầu, News Feed không làm hài lòng đối với những người sử dụng Facebook; một số người phàn nàn là nó quá lộn xộn và đầy những thông tin không mong muốn, trong khi những người khác đề cập đến nó quá dễ dàng cho những người khác có thể theo dõi các hoạt động cá nhân của họ (chẳng hạn như thay đổi tình trạng quan hệ, sự kiện, và các cuộc hội thoại với thành viên khác).[66]
Để đáp lại, Zuckerberg đã đưa ra một lời xin lỗi cho lỗ hổng của trang web và đưa vào các tính năng bảo mật thích hợp tùy biến được. Kể từ đó, người dùng đã có thể kiểm soát những loại thông tin được chia sẻ một cách tự động với bạn bè. Thành viên FB hiện nay có thể ngăn chặn những người trong danh sách bạn bè mà thành viên đó không muốn họ nhìn thấy thông tin cập nhật về một số loại hoạt động, bao gồm thay đổi hồ sơ, bài trên Wall, và bạn bè mới thêm vào.[67]
Ngày 23 tháng 2 năm 2010, Facebook được cấp bằng sáng chế US patent 7669123 về những khía cạnh của News Feed. Bằng sáng chế bảo vệ News Feeds trong đó các liên kết được cung cấp để một người dùng có thể tham gia vào các hoạt động tương tự của một người dùng khác.[68] Bằng sáng chế có thể khuyến khích Facebook theo đuổi hành động chống lại các trang web vi phạm bằng sáng chế của họ, mà có khả năng có thể bao gồm các trang web như Twitter.[69]
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất trên Facebook là ứng dụng Hình ảnh (Photos), nơi thành viên có thể upload album và hình ảnh.[70] Facebook cho phép người dùng tải lên không giới hạn số hình ảnh, so với các dịch vụ lưu trữ hình ảnh khác như Photobucket và Flickr, trong đó áp dụng giới hạn số lượng các bức ảnh mà người dùng được phép tải lên. Trong những năm đầu tiên, người dùng Facebook được giới hạn đến 60 hình ảnh cho mỗi album. Tính đến tháng 5 năm 2009, giới hạn này đã được tăng lên đến 200 bức ảnh mỗi album.[71][72][73][74]
Các thiết lập bảo mật có thể được đặt cho các album cá nhân, hạn chế các nhóm người sử dụng có thể xem một album. Ví dụ, tính riêng tư của một album có thể được thiết lập để chỉ những bạn bè của thành viên có thể xem album, trong khi tính riêng tư của album khác có thể được thiết lập để tất cả người dùng Facebook có thể nhìn thấy nó. Một tính năng của ứng dụng hình ảnh là khả năng “tag“, hay đánh nhãn một thành viên trong một bức ảnh. Ví dụ, nếu một bức ảnh có một người bạn của thành viên, sau đó thành viên này có thể “tag” người bạn trong bức ảnh. Điều này sẽ gửi một thông báo cho người bạn rằng họ đã được gắn thẻ, và cung cấp cho họ một liên kết để xem bức ảnh.[75]
Hồ sơ trên Thefacebook năm 2005
Facebook Notes được giới thiệu vào ngày 22 tháng 8 năm 2006, một tính năng viết blog cho phép nhúng các thẻ và hình ảnh. Thành viên sau đó có thể nhập blog từ Xanga, LiveJournal, Blogger, và các dịch vụ blog khác.[27] Trong tuần lễ từ ngày 7 tháng 4 năm 2008, Facebook đưa ra ứng dụng nhắn tin tức thời dựa trên ngôn ngữ lập trình Comet[76] gọi là “Chat” cho một vài mạng,[77] cho phép người dùng giao tiếp với bạn bè và nó có chức năng tương tự ứng dụng tin nhắn tức thời của máy tính để bàn.
Ngày 8 tháng 2 năm 2007, Facebook ra mắt tính năng Quà tặng, cho phép người dùng gửi quà tặng ảo cho bạn bè của họ xuất hiện trên hồ sơ của người nhận. Mỗi quà tặng chi phí 1,00 $ để mua hàng, và một tin nhắn cá nhân hoá có thể được đính kèm với từng món quà.[78][79] Ngày 14 tháng 5 năm 2007, Facebook khai trương Marketplace, cho phép người sử dụng đăng quảng cáo miễn phí có tính phân loại.[80] Marketplace đã từng được so sánh với Craigslist bởi CNET, trong đó chỉ ra rằng sự khác biệt lớn giữa hai tính năng là danh sách được đăng bởi một người sử dụng trên Marketplace chỉ nhìn thấy bởi những người dùng đang ở trong cùng một mạng với người dùng đó, trong khi danh sách được đăng trên Craigslist có thể được xem bởi bất cứ ai.[81]
Ngày 20 tháng 7 năm 2008, Facebook giới thiệu “Facebook Beta”, một thiết kế lại đáng kể giao diện người dùng trên các mạng đã chọn. Tính năng Mini-Feed và Wall được hợp nhất, hồ sơ đã được tách thành nhiều phần theo thẻ, và một nỗ lực đã được thực hiện để tạo ra một cái nhìn “sạch”.[82] Sau khi ban đầu cho người dùng một sự lựa chọn để chuyển đổi, Facebook đã bắt đầu di chuyển tất cả thành viên vào phiên bản mới trong tháng 9, 2008.[83] Ngày 11 tháng 12 năm 2008, người ta thông báo rằng Facebook đã thử nghiệm một quá trình đăng ký đơn giản hơn.[84]
Ngày 13 tháng 6 năm 2009, Facebook đã giới thiệu tính năng “Tên người dùng” (Usernames), nhờ đó mà các trang có thể được liên kết với URL đơn giản hơn như http://www.facebook.com/facebook
so với http://www.facebook.com/profile.php?id=20531316728
.[85] Nhiều điện thoại thông minh mới cung cấp truy cập vào các dịch vụ của Facebook hoặc thông qua trình duyệt web hoặc các ứng dụng của điện thoại. Ứng dụng Facebook chính thức có sẵn cho hệ điều hành iPhone, hệ điều hành Android, và WebOS. Nokia và Research In Motion đều cung cấp ứng dụng Facebook cho các dòng di động của họ. Hơn 150 triệu người dùng truy cập vào Facebook thông qua thiết bị di động trên 200 nhà khai thác dịch vụ di động ở 60 quốc gia.
Facebook đưa ra dịch vụ “Facebook Messages” mới vào ngày 15 tháng 11 năm 2010. Trong sự kiện truyền thông ngày hôm đó, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho biết, “Sự thật là mọi người sẽ có thể có địa chỉ email an@facebook.com, nhưng nó không phải email.” Việc ra mắt tính năng như vậy đã được dự đoán trước khi công bố nó, với một số người gọi nó là “sát thủ của Gmail.” Hệ thống này có sẵn cho tất cả người sử dụng trang web, kết hợp tin nhắn văn bản, tin nhắn tức thời, email, và tin nhắn thông thường, và sẽ bao gồm các thiết lập bảo mật tương tự như của các dịch vụ khác của Facebook. Với mã hiện “Project Titan,” Facebook Messages mất 15 tháng để phát triển.[86][87]
Xem thêm
Chú thích
- ^ “Thành viên hoạt động” là thành viên đăng nhập vào Facebook trong vòng 30 ngày.
Tham khảo
- ^ a ă Eldon, Eric. (18 tháng 12 năm 2008). “2008 Growth Puts Facebook In Better Position to Make Money”. VentureBeat. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2008.
- ^ “Facebook Current Report, Form 8-K, Filing Date ngày 26 tháng 7 năm 2012”. SEC. 26 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2012.
- ^ “Key Facts”, Facebook
- ^ Bridgwater, Adrian (16 tháng 10 năm 2013). “Facebook Adopts D Language”. Dr Dobb’s (San Francisco). “Well-known D developer Andrei Alexandrescu has committed the first 5112 lines of D language code to Facebook’s repository — meaning that as of now, the social network giant can be said to be using D in live production.”
- ^ “Facebook Reports First Quarter 2013 Results”. FB. Ngày 12 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2013.
- ^ “Executive Bios”, Facebook. Truy cập 16 tháng 8 năm 2008.
- ^ “Facebook Tops Billion-User Mark”. The Wall Street Journal (New York). 4 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2012.
- ^ http://siteanalytics.compete.com/facebook.com+myspace.com+TWITTER.com/?metric=uv
- ^ http://web.archive.org/web/20090310212542/http://photos-b.ll.facebook.com/photos-ll-sf2p/v653/225/41/537190749/n537190749_1380649_6150061.jpg
- ^ “Red lines that cannot be crossed”, The Economist, 24 tháng 7 năm 2008. Truy cập 17 tháng 8 năm 2008.
- ^ “China’s Facebook Status: Blocked”. ABC News. 8 tháng 7 năm 2009. Truy cập 13 tháng 7 năm 2009.
- ^ Ben Stocking (17 tháng 11 năm 2009). “Vietnam Internet users fear Facebook blackout”. Associated Press. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2009.
- ^ Shahi, Afshin. “IRAN’S DIGITAL WAR”, Daily News Egypt, 27 tháng 7 năm 2008. Truy cập 16 tháng 8 năm 2008.
- ^ Benzie, Robert.“Facebook banned for Ontario staffers”, TheStar.com, 3 tháng 5 năm 2007. Truy cập 16 tháng 8 năm 2008.
- ^ Tabak, Alan J. (9 tháng 2 năm 2004). “Hundreds Register for New Facebook Website”. Harvard Crimson. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2008.
- ^ Hoffman, Claire (28 tháng 6 năm 2008). “The Battle for Facebook”. Rolling Stone. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2009.
- ^ Kaplan, Katherine (19 tháng 11 năm 2003). “Facemash Creator Survives Ad Board”. The Harvard Crimson. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2009.
- ^ Seward, Zachary M. (25 tháng 7 năm 2007). “Judge Expresses Skepticism About Facebook Lawsuit”. The Wall Street Journal. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2008.
- ^ Tabak, Alan (9 tháng 2 năm 2004). “Hundreds Register for New Facebook Website”. Harvard Crimson. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2008.
- ^ Phillips, Sarah (25 tháng 7 năm 2007). “A brief history of Facebook”. The Guardian. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2008.
- ^ a ă “Press Room”. Facebook. 1 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2008.
- ^ Rosmarin, Rachel (11 tháng 9 năm 2006). “Open Facebook”. Forbes. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2008.
- ^ Williams, Chris (1 tháng 10 năm 2007). “Facebook wins Manx battle for face-book.com”. The Register. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2008.|
- ^ Dempsey, Laura (3 tháng 8 năm 2006). “Facebook is the go-to Web site for students looking to hook up”. Dayton Daily News.
- ^ Lerer, Lisa (25 tháng 1 năm 2007). “Why MySpace Doesn’t Card”. Forbes. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2008.
- ^ Lacy, Sarah (12 tháng 9 năm 2006). “Facebook: Opening the Doors Wider”. BusinessWeek. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.
- ^ a ă Abram, Carolyn (26 tháng 9 năm 2006). “Welcome to Facebook, everyone”. Facebook. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Terms of Use”. Facebook. 15 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Facebook and Microsoft Expand Strategic Alliance”. Microsoft. 24 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2007.
- ^ “Facebook Stock For Sale”. BusinessWeek. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2008.
- ^ “Press Releases”. Facebook. 30 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2008.
- ^ “Facebook ‘cash flow positive,’ signs 300M users”. Cbc.ca. 16 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2010.
- ^ Facebook Becomes Third Biggest US Web Company http://www.thejakartaglobe.com/technology/facebook-becomes-third-biggest-us-web-company/406751
- ^ http://www.businessinsider.com/google-groupon-deal
- ^ “Facebook Reaches Top Ranking in US”.
- ^ Thiên Minh (10 tháng 4 năm 2012). “Facebook bỏ 1 tỷ USD mua lại Instagram”. VNExpress. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2014.
- ^ Châu An (20 tháng 2 năm 2014). “Facebook chi 19 tỷ USD mua lại WhatsApp”. VNExpress. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2014.
- ^ “Product Overview FAQ: Facebook Ads”. Facebook. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008.[liên kết hỏng]
- ^ Story, Louise (10 tháng 3 năm 2008). “To Aim Ads, Web Is Keeping Closer Eye on You”. The New York Times. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.
- ^ Cluley, Graham (ngày 1 tháng 2 năm 2010). “Revealed: Which social networks pose the biggest risk?”. Sophos. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2010.
- ^ “Facebook May Revamp Beacon”. BusinessWeek. 28 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ “Google AdWords Click Through Rates Per Position”. AccuraCast. 9 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ Denton, Nick (7 tháng 3 năm 2007). “Facebook ‘consistently the worst performing site’”. Gawker. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ “Facebook Says Click Through Rates Do Not Match Those At Google”. TechPulse 360. 12 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ Leggatt, Helen (16 tháng 7 năm 2007). “Advertisers disappointed with Facebook’s CTR”. BizReport. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ Klaassen, Abbey (13 tháng 8 năm 2009). “Facebook’s Click-Through Rates Flourish… for Wall Posts”. AdAge. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ “Involver Delivers Over 10x the Typical Click-Through Rate for Facebook Ad Campaigns”. Press release. 31 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ Walsh, Mark (15 tháng 6 năm 2010). “Study: Video Ads On Facebook More Engaging Than Outside Sites”. MediaPost. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2010.
- ^ “Facebook Factsheet”. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Facebook’s friend in Russia”. CNN. 4 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2010.
- ^ David Kirkpatrick. The Facebook Effect. tr. 322. ISBN 1439102112.
- ^ McCarthy, Caroline (ngày 11 tháng 5 năm 2008). “As Facebook goes corporate, Mark Zuckerberg loses an early player”. CNET.com. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2010.
- ^ “Edit Your Profile”. Facebook. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Search Privacy”. Facebook. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2009.
- ^ Barton, Zoe (28 tháng 4 năm 2006). “Facebook goes corporate”. ZDNet. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Choose Your Privacy Settings”. Facebook. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2009.
- ^ Stone, Brad (25 tháng 5 năm 2007). “Facebook Expands Into MySpace’s Territory”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2008.
- ^ Ciccone, David (7 tháng 5 năm 2009). “Facebook Connect fully integrated into Mobility Today”. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2010.
- ^ Sullivan, Mark (24 tháng 7 năm 2007). “Is Facebook the New MySpace?”. PC World. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2008.
- ^ a ă Der, Kevin. “Facebook is off-the-wall”. Facebook. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2007.
- ^ “Inbox, Messages and Pokes”. Facebook. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008.
- ^ “The Facebook Gifts”. Facebook. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2008.
- ^ Ramadge, Andrew (26 tháng 11 năm 2007). “Facebook is… reconsidering the word “is””. News Limited. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2008.
- ^ Sanghvi, Ruchi (6 tháng 9 năm 2006). “Facebook Gets a Facelift”. Facebook. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2008.
- ^ “Facebook: Celebrate Your Birthday Every Day”. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2010.
- ^ Lacy, Sarah (8 tháng 9 năm 2006). “Facebook Learns from Its Fumble”. BusinessWeek. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2008.
- ^ Gonsalves, Antone (8 tháng 9 năm 2006). “Facebook Founder Apologizes In Privacy Flap; Users Given More Control”. InformationWeek. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2008.
- ^ “US Patent No. 7669123”. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2010.
- ^ “Facebook’s news-feed patent could mean lawsuits”. CNN. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2010.
- ^ Arrington, Michael (24 tháng 5 năm 2007). “Facebook Launches Facebook Platform; They are the Anti-MySpace”. TechCrunch. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2008.
- ^ “Share More Memories with Larger Photo Albums”. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2010.
- ^ “Upload: 60 or 200 photos in the same album?”. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2009.
- ^ “How can I add more than 60 photos to an album?”. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Example of album from a regular user with a 200-photo limit”. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2009.
- ^ “Photos”. Facebook. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2008.
- ^ Eugene (14 tháng 5 năm 2008). “Facebook Chat”. Facebook. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2008.
- ^ “ngày 6 tháng 4 năm 2008 Press Release” (Thông cáo báo chí). Facebook. 6 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2008.
- ^ “Give gifts on Facebook!”. Facebook. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Gifts”. Facebook. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2008.
- ^ “The Marketplace Is Open…”. Facebook. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2008.
- ^ McCarthy, Caroline (13 tháng 5 năm 2007). “Hands-on with Facebook Marketplace”. CNET. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2008.
- ^ “Facebook Facelift Targets Aging Users and New Competitors”. The New York Times. ngày 21 tháng 7 năm 2008.
- ^ “Moving to the new Facebook”. Facebook. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2008.
- ^ Facebook Testing Even Simpler Sign Up; Closing The Gap With MySpace In The U.S., TechCrunch. Published ngày 11 tháng 12 năm 2008.
- ^ DiPersia, Blaise (9 tháng 6 năm 2009). “Coming Soon: Facebook Usernames”. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2009.
- ^ Gabbatt, Adam; Arthur, Charles (15 tháng 11 năm 2010). “Facebook mail: it might kill Gmail, but ‘it’s not email’”. The Guardian (London).
- ^ Facebook launches new messaging system – San Jose Mercury News
Liên kết ngoài